Trong một pháp hội, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni từng kể: Ở vùng đất nọ, có một thương nhân giàu có lấy tổng cộng bốn người vợ. Người vợ thứ nhất lanh lợi đáng yêu, quấn quít cả ngày, không rời nửa bước. Người vợ thứ hai là một đại mỹ nhân, bị cướp về làm vợ. Người vợ thứ ba đắm chìm trong những thứ tầm thường của cuộc sống để giúp ông ta có cuộc sống ổn định. Người vợ thứ tư cần cù lao động, tất tả ngược xuôi khiến người chồng dường như quên luôn sự tồn tại của nàng ta.
Một lần nọ, nhà buôn này cần phải đi xa, để khỏa lấp nỗi hiu quạnh trên đường du hành xa ngái, ông ta quyết định chọn một trong số bốn người vợ tháp tùng mình. Thương nhân nói với bốn người vợ về ý định của bản thân.
Người vợ thứ nhất nói:
- Chàng tự đi một mình đi, thiếp không hầu chàng được! Người vợ thứ hai nói:
- Ta bị ông cướp về, trước sau đều không cam tâm tình nguyện làm vợ ông, sao ta có thể hầu ông cơ chứ?
Người vợ thứ ba nói:
- Dù thiếp là vợ chàng nhưng thiếp không chịu được cực khổ ăn gió nằm sương, quá lắm thì thiếp tiễn chàng đến ngoại thành mà thôi!
Người vợ thứ tư nói:
- Vì thiếp là vợ chàng nên dù chàng đi đến đâu thì thiếp cũng theo chàng.
Liền đó, vị thương nhân đưa người vợ thứ tư cùng lên đường với mình.
Cuối cùng, Đức Phật Thích Ca nói:
- Chư vị hãy xem vị thương nhân này là ai? Chính là bản thân các vị đó.
Trong câu chuyện này, người vợ thứ nhất chỉ thân thể của chúng ta, sau khi chết đi vẫn phải lìa xa chính mình; người vợ thứ hai chỉ tài sản, khi sống không mang đến, chết rồi không mang theo; người vợ thứ ba chính là chỉ vợ của mình, khi còn sống thì hai người nương tựa vào nhau, sau khi chết rồi vẫn phải đường ai nấy đi; người vợ thứ tư chỉ bản ngã, con người thường quên đi sự tồn tại của nó, nhưng nó lại vĩnh viễn theo ta.