Tất cả những gì chúng ta đang thấy và nghe đều chỉ là giấc mơ. Bạn đang mơ ngay lúc này. Bạn đang mơ dù trí óc đang tỉnh.
Mơ là chức năng của tâm trí, và tâm trí mơ 24/24 tiếng mỗi ngày. Nó mơ ngay cả khi não đang hoạt động. Có một cái khung vật chất khiến chúng ta nhận thức mọi thứ một cách rất tuyến tính. Khi ngủ, cái khung này biến mất, và giấc mơ có khuynh hướng thay đổi liên tục.
Con người chúng ta lúc nào cũng mơ. Trước khi chúng ta chào đời, những người sinh ra trước ta đã tạo một giấc mơ to lớn chờ sẵn bên ngoài, gọi là giấc mơ xã hội hay giấc mơ trần thế. Giấc mơ trần thế là tập hợp của hàng tỉ những giấc mơ nhỏ bé, cá nhân, tập hợp lại thành giấc mơ của gia đình, cộng đồng, thành phố, quốc gia, và cuối cùng là của cả nhân loại. Giấc mơ trần thế bao gồm tất cả những quy tắc của xã hội, niềm tin, luật lệ, tôn giáo, văn hóa, cách sống, chính phủ, trường học, sự kiện cộng đồng, và cả ngày lễ, ngày nghỉ.
Chúng ta sinh ra với khả năng học mơ, và những con người tồn tại trước ta dạy cho ta cách mơ giấc mơ xã hội. Giấc mơ bên ngoài chồng chất rất nhiều quy tắc, đến nỗi khi một đứa trẻ vừa sinh ra, chúng ta đã cố gắng nhồi nhét những quy tắc này vào đầu chúng ngay tập tức. Giấc mơ bên ngoài sử dụng cha mẹ, trường học, tôn giáo để dạy trẻ em biết cách mơ.
Chúng ta có khả năng tập trung chú ý vào những gì mà bản thân cần nhận thức, và bỏ qua tất cả những thứ còn lại. Đúng ra, con người có thể nhận thức hàng triệu triệu điều khác nhau cùng một lúc. Tuy nhiên, chúng ta lại sử dụng khả năng chú ý chỉ để giữ lại những gì bản thân muốn nhận thức mà thôi. Người lớn xung quanh chúng ta ép ta phải chú ý. Họ nhồi nhét thông tin vào đầu óc ta bằng cách lặp đi lặp lại nhiều lần. Đó là cách chúng ta học tất cả những gì cần học.
Bằng sự chú ý, chúng ta học tất cả mọi thứ về thực tế của giấc mơ. Chúng ta học cách hành xử trong xã hội; cái gì được tin, cái gì không được tin; cái gì được chấp nhận, cái gì không được chấp nhận; cái gì tốt, cái gì tệ; cái gì đẹp, cái gì xấu; sao là đúng, sao là sai. Tất cả đều đã có sẵn – các tri thức, quy tắc, khái niệm cần học để biết cách hành xử trong đời.
Đến trường, ta ngồi vào ghế và chú ý nghe lời thầy cô giảng. Đi nhà thờ, ta chú ý lắng nghe lời rao giảng của mục sư. Về nhà, chúng ta chú ý lời cha mẹ, anh chị. Tất cả mọi người đều lôi kéo sự chú ý của ta. Sau đó, chúng ta lại học cách lôi kéo sự chú ý của người khác. Và rồi nhu cầu lôi kéo sự chú ý này ngày càng tăng, đến nỗi nó trở thành vũ khí cạnh tranh. Con cái cạnh tranh để có được sự chú ý của cha mẹ, thầy cô, bạn bè. “Con đây! Nhìn con đi! Xem con đang làm gì này! Con ở ngay đây này!”. Nhu cầu thu hút sự chú ý ngày càng trở nên mạnh mẽ và dĩ nhiên là tăng lên theo năm tháng.
Giấc mơ bên ngoài thu hút sự chú ý của ta và dạy ta rằng những điều để tin thì bắt đầu từ ngôn ngữ. Ngôn ngữ là mật mã giúp con người có thể hiểu và giao tiếp với nhau. Mỗi từ ngữ trong từng ngôn ngữ là một thỏa thuận. Chúng ta gọi trang này là một trang trong quyển sách. Từ “trang” là một thỏa ước mà ta ngầm hiểu. Khi đã hiểu nguyên tắc mật mã, chúng ta bắt đầu chú ý và năng lượng chú ý lan truyền từ người này sang người khác.
Chúng ta không được lựa chọn nói tiếng Anh hay tiếng khác. Chúng ta không được lựa chọn tôn giáo hay giá trị để theo đuổi. Tất cả đều đã được sắp đặt sẵn từ khi ta chưa sinh ra. Chúng ta không bao giờ có cơ hội được chọn tin hay không tin vào bất cứ điều gì, dù là những thỏa ước nhỏ bé nhất. Đến cả tên mình mà chúng ta còn không được tự chọn lựa.
Khi còn nhỏ, chúng ta không được lựa chọn niềm tin. Thay vào đó, chúng ta chấp nhận thông tin mà người khác truyền dẫn lại cho mình về giấc mơ trần thế. Cách duy nhất để lưu thông tin là chấp nhận. Giấc mơ bên ngoài tạo sự chú ý, nhưng nếu chúng ta không chấp nhận, thì làm gì có việc lưu giữ thông tin? Ngay khi ký thỏa ước tức là chúng ta tin, và điều đó trở thành niềm tin. Niềm tin là tin vào một điều gì đó một cách vô điều kiện.
Khi còn nhỏ, chúng ta học bằng cách tin tất cả những gì người lớn nói, và niềm tin này mạnh mẽ đến nỗi nó điều khiển toàn bộ giấc mơ cuộc đời ta. Nếu chúng ta chọn không tin vào những điều người lớn nói, chúng ta hoàn toàn có thể chống đối. Nhưng có lẽ chúng ta chưa đủ mạnh để chống đối. Cho nên chúng ta đành đầu hàng và chọn tin vào những điều đã có sẵn bằng chính thỏa ước cá nhân.
Tôi gọi đây là quá trình thuần hóa con người. Và trải qua quá trình thuần hóa, chúng ta học cách sống và mơ. Trong quá trình thuần hóa, thông tin từ giấc mơ bên ngoài chuyển hóa thành giấc mơ bên trong, kiến tạo nên một hệ thống niềm tin. Đầu tiên, đứa trẻ được dạy gọi tên: ba, mẹ, sữa, chai. Ngày qua ngày, ở nhà, ở trường, tại nhà thờ, từ tivi, chúng ta được dạy phải sống như thế nào, hành vi nào là được chấp nhận. Giấc mơ bên ngoài dạy ta cách làm người. Ta học khái niệm thế nào là “phụ nữ” và thế nào là “nam giới”. Ta cũng học cách đánh giá: đánh giá bản thân, đánh giá người khác, đánh giá hàng xóm.
Trẻ con được thuần hóa y như cách thuần hóa chó mèo hay bất kỳ động vật nào. Muốn dạy chó, ta phạt nó, rồi thưởng nó. Cha mẹ dạy những đứa con yêu thương của họ cũng giống như thuần hóa chó mà thôi, bằng thưởng và phạt. Ta được khen “giỏi” khi làm theo những gì cha mẹ muốn. Ta bị la “hư” khi không làm đúng theo lời của họ.
Khi làm sai quy tắc, chúng ta bị phạt. Khi ngoan ngoãn nghe lời, chúng ta được thưởng.
Mỗi ngày, ta bị phạt nhiều lần, và cũng được thưởng nhiều lần. Dần dần, chúng ta sợ bị phạt và cũng sợ không được thưởng. Phần thưởng chính là sự chú ý của cha mẹ hay một ai đó khác, như anh chị em, thầy cô, bạn bè dành cho ta. Từ đó, ta bắt đầu phát triển nhu cầu gây chú ý để được thưởng.
Khi được thưởng, ta cảm thấy vui. Vì vậy, ta tiếp tục làm theo những gì mà người khác muốn để được thưởng. Nỗi sợ bị phạt và nỗi sợ không được thưởng khiến ta bắt đầu giả vờ trở thành một người khác chỉ để làm hài lòng mọi người, để trở nên xứng đáng với một ai đó. Ta cố gắng làm hài lòng cha mẹ, thầy cô, giáo hội và vì vậy ta bắt đầu diễn. Ta giả vờ làm kẻ không phải là mình vì sợ bị từ chối. Nỗi sợ mình bị từ chối dần dần trở thành nỗi sợ hãi rằng mình không xứng đáng. Thế rồi cuối cùng, ta trở thành người khác, không còn là bản thân mình. Ta trở thành bản sao của mẹ, của cha, của xã hội, của niềm tin tôn giáo.
Tất cả những khuynh hướng bình thường trong ta đều biến mất trong quá trình thuần hóa. Và khi đủ lớn để hiểu vấn đề, chúng ta học được từ “không”. Người lớn dạy, “Không được làm cái này. Không được làm cái kia!”. Ta bắt đầu chống đối và nói “Không”. Ta chống đối vì muốn bảo vệ tự do cho chính bản thân mình. Ta muốn là mình, nhưng ta quá nhỏ bé, và người lớn thì vừa to vừa mạnh. Sau một thời gian, ta trở nên sợ hãi khi biết rằng mình sẽ bị phạt mỗi khi làm chuyện gì sai.
Quá trình thuần hóa mạnh mẽ đến nỗi, tới một giai đoạn nào đó của cuộc đời, ta không còn cần người khác thuần hóa ta. Ta không cần cha mẹ, nhà trường hay nhà thờ để thuần hóa bản thân. Ta đã được huấn luyện thuần thục đến nỗi có thể tự mình thuần hóa chính mình. Ta trở thành động vật có khả năng tự thuần hóa. Giờ đây, ta tự thuần hóa mình theo hệ thống niềm tin mà ta đã được nhồi nhét, tự phạt hay tự thưởng mình như cách người khác đã từng làm với ta. Khi ta không làm đúng quy tắc, ta tự phạt. Khi thấy mình ngoan ngoãn và biết nghe lời, ta tự thưởng.
Hệ thống niềm tin cứ như là bộ luật kiểm soát tâm trí ta. Bất kỳ điều gì ghi chép trong đó đều đương nhiên đúng, không cần tranh cãi. Ta dựa vào đó để đánh giá tất cả, cho dù nó đi ngược lại với bản chất bên trong ta. Ngay cả những luân lý như “Mười điều răn” cũng được lập trình vào hệ thống của ta trong suốt quá trình thuần hóa. Từng chút từng chút một, những thỏa ước này điều khiển giấc mơ của ta.
Ta luôn có dữ liệu để đánh giá mọi người và mọi thứ, ngay cả thời tiết, chó mèo, tất cả. Vị quan tòa trong ta sử dụng những điều khoản ghi sẵn trong bộ luật để đánh giá mọi điều ta làm hay không làm, những gì ta nghĩ hay không nghĩ, những cảm xúc ta cảm nhận hay không cảm nhận. Mọi thứ đều phải vận hành dưới sự độc tài của tên quan tòa này. Mỗi khi ta làm gì đó sai với điều khoản trong bộ luật, hắn phán ta phạm tội. Hắn muốn ta phải bị trừng trị và cảm thấy xấu hổ vì hành động của mình. Chuyện này xảy ra nhiều lần trong ngày, từ ngày này sang ngày khác, từ năm này qua năm khác suốt cả cuộc đời.
Một phần khác trong ta bị phán xét, đó chính là nạn nhân. Nạn nhân bị luận tội, bị xử tội, và bị mang cảm giác tội lỗi. Phần này trong ta tự đối thoại với ta, “Mình thật đáng thương. Mình không giỏi. Mình không thông minh. Mình kém hấp dẫn. Mình không xứng đáng được yêu thương. Mình thật đáng thương”. Tên quan tòa nghe vậy thì tán thành, “Đúng rồi. Nhà ngươi không xứng đáng”. Và tất cả đều dựa trên một hệ thống niềm tin mà ta không được tự lựa chọn. Hệ niềm tin này mạnh mẽ đến nỗi, khi được tiếp cận với những khái niệm mới mẻ khác trong đời và cố gắng tự đưa ra quyết định, ta nhận ra niềm tin cũ vẫn đeo bám lấy ta.
Bất kỳ điều gì trái ngược so với bộ luật sẽ khiến ta cảm thấy bối rối, hoang mang. Cảm giác đó là nỗi sợ hãi. Việc vi phạm bất kỳ điều luật nào cũng đều tạo ra vết thương cảm xúc, và cách phản ứng tự nhiên của ta là bào chế nó thành thuốc độc cảm xúc. Bộ luật phải luôn luôn đúng, nên tất cả những gì đi ngược lại sẽ khiến ta cảm thấy không an toàn. Cho dù bộ luật có sai, thì nó vẫn mang lại cho ta cảm giác an toàn.
Đó là lý do vì sao chúng ta cần rất nhiều dũng cảm mới có thể tuyên chiến với niềm tin của chính bản thân. Dù biết rằng đó chẳng phải là niềm tin mà bản thân mình chọn, nhưng nó quá mạnh và ăn sâu đến nỗi ta đã chấp nhận, đã thỏa thuận. Thỏa ước này mạnh mẽ đến nỗi, dù biết nó sai, ta vẫn cảm thấy tội lỗi, xấu hổ mỗi khi làm ngược lại.
Bộ luật mà ta sử dụng để điều khiển giấc mơ cá nhân cũng giống như bộ luật mà chính phủ sử dụng để điều khiển giấc mơ xã hội. Tất cả những bộ luật này đều sống trong tâm trí ta. Ta tin vào đó. Và tên quan tòa trong ta dựa vào đó để phán xét. Quan tòa phán án, nạn nhân chịu tội và bị phạt. Và ai trong chúng ta dám nói rằng có công lý trong mỗi giấc mơ? Công lý thực thụ là trả giá một lần cho một lỗi lầm. Sự bất công thực thụ là trả giá nhiều lần cho một lỗi lầm.
Chúng ta phải trả giá bao nhiêu lần cho mỗi lỗi lầm? Câu trả lời là: hàng ngàn lần. Con người chính là động vật duy nhất trên trái đất phải trả giá hàng ngàn lần cho cùng một lỗi lầm. Tất cả động vật khác trên trái đất chỉ trả giá một lần, nhưng con người thì không. Ký ức của chúng ta là một thứ đầy quyền năng. Ta phạm lỗi, ta phán xét mình, ta kết tội mình, rồi tự trừng phạt mình. Nếu có công lý thì đến đó là xong, ta không cần phải chịu phạt nữa. Thế nhưng, mỗi khi nhớ lại lỗi lầm cũ, ta lại phán xét mình, lại kết tội mình, lại tự trừng phạt mình, và cứ như thế làm hoài làm mãi. Nếu có vợ hay chồng, họ sẽ nhắc lại lỗi lầm này của ta, và thế là ta lại phán xét mình, phạt mình, và kết tội mình. Như vậy có công bằng không?
Đã bao nhiêu lần chính chúng ta khiến vợ chồng, con cái, cha mẹ ta phải trả giá cho cùng một lỗi lầm mà họ từng phạm phải với ta? Chẳng phải mỗi khi nhớ lại, ta lại đổ lỗi cho họ, quăng cho họ một thố thuốc độc cảm xúc đã bào chế từ thời ta cảm thấy bị đối xử bất công và khiến họ phải trả giá một lần nữa. Công lý là như thế sao? Tên quan tòa trong tâm trí ta sai mất rồi, vì hệ thống niềm tin này là sai, vì bộ luật này là sai. Cả giấc mơ chỉ dựa vào luật lệ sai lầm. 95% các hệ thống niềm tin mà ta lưu giữ trong tâm trí chẳng là gì khác ngoài sự dối trá, và ta đau đớn vì tin vào chính sự dối trá này.
Trong giấc mơ trần thế, đương nhiên con người phải đau khổ, phải sống trong sợ hãi, phải tạo ra vô số những bộ phim bi kịch. Giấc mơ bên ngoài không bình yên chút nào. Đó là giấc mơ bạo lực, giấc mơ đong đầy sợ hãi, chiến tranh và sự bất công. Giấc mơ cá nhân của con người thì đa dạng hơn, nhưng cả thế giới hầu như đều là ác mộng. Nhìn vào xã hội con người, đó là một nơi thật khó sống vì nó bị điều khiển bằng nỗi sợ hãi. Dù ở đâu trên thế giới, chúng ta đều nhìn thấy con người đau khổ, giận dữ, thù hận, nghiện ngập, bạo lực, bất công. Ở mỗi quốc gia thì cường độ có khác nhau, nhưng sự sợ hãi vẫn là thế lực chung điều khiển thế giới này.
Nếu so sánh giấc mơ xã hội với mô tả về địa ngục trong nhiều tôn giáo trên thế giới, chúng là một. Tôn giáo cho rằng địa ngục là nơi để trừng phạt, là nơi đầy đáng sợ, đau đớn và khổ ải, nơi lửa sẽ thiêu đốt chúng sinh. Lửa là cảm xúc do sự sợ hãi tạo ra. Khi ta cảm thấy giận dữ, ghen tuông, ganh ghét, đố kị, hận thù, ta cảm giác như lửa đang thiêu đốt trong người. Đó là trải nghiệm địa ngục.
Nếu xem địa ngục là một trạng thái tinh thần, thì địa ngục đang hiện hữu quanh ta. Ai đó có thể hù dọa sẽ đẩy ta vào địa ngục nếu ta không làm điều họ muốn. Nhưng ta còn sợ gì chứ? Ta đã ở trong địa ngục mất rồi! Họ cũng thế. Không ai có thể đẩy người khác vào địa ngục khi tất cả mọi người đều đang ở trong địa ngục. Nhưng họ có thể đẩy ta xuống tầng địa ngục sâu hơn, nếu ta cho phép họ làm như vậy.
Mỗi con người đều có giấc mơ riêng. Và cũng giống như giấc mơ chung của xã hội, tất cả đều bị điều khiển bởi nỗi sợ hãi. Ta học cách mơ địa ngục trong chính cuộc sống của mình, trong giấc mơ riêng tư của mình. Sự sợ hãi đó biến đổi muôn hình vạn trạng trong giấc mơ của từng cá nhân, khi ta giận dữ, ghen tuông, ganh ghét, hận thù hay rơi vào bất kỳ cảm xúc tiêu cực nào. Giấc mơ riêng cũng có thể trở thành ác mộng khi ta sống trong trạng thái sợ hãi. Nhưng tại sao ta lại phải mơ một cơn ác mộng? Ta hoàn toàn có thể mơ một giấc mộng đẹp kia mà?
Nhân loại ngàn đời vẫn đi tìm chân lý, công lý và cái đẹp. Chúng ta mãi đi tìm chân lý vì đến nay chúng ta vẫn còn tin vào sự dối trá được lưu giữ trong tâm trí của mình. Chúng ta mãi đi tìm công lý vì trong hệ thống niềm tin của chúng ta không tồn tại công lý. Chúng ta mãi đi tìm cái đẹp vì dù cho ai đó nhìn rất đẹp thì chúng ta vẫn không tin họ sở hữu cái đẹp. Chúng ta mãi kiếm tìm, dù mọi điều đã có sẵn bên trong. Không có chân lý để đi tìm. Xung quanh ta, mọi cái đều là chân lý, nhưng ta nào có nhận ra khi mắt bị che mờ bởi chính những thỏa ước và niềm tin sẵn có.
Ta không nhìn thấy chân lý vì ta mù. Thứ làm ta mù chính là những niềm tin sai lệch trong tâm trí. Ta cần phải đúng, nên người khác phải sai. Ta tin vào thứ ta tin, và chính điều đó làm cho ta đau khổ. Ta như sống giữa sương mù, và chẳng thấy gì xa hơn cái chóp mũi của mình. Ta sống giữa đám sương mù thậm chí còn không tồn tại. Sương mù là giấc mơ, giấc mơ riêng của ta về cuộc sống, là tất cả những gì ta đã tin, tất cả những khái niệm ta đã có về mình, tất cả những thỏa ước mà ta đã ký với kẻ khác, với bản thân, và ngay cả với Thượng Đế.
Toàn bộ tâm trí ta là một đám sương mù mà người Toltec gọi là mitote (phiên âm là Mih-Toe’- Tay). Tâm trí của ta là giấc mơ nơi có hàng ngàn người phát biểu cùng một lúc, và chẳng ai hiểu ai. Đó chính là trạng thái của tâm trí con người – một đám mitote khổng lồ, và trong đám mitote khổng lồ ấy, ta không nhìn rõ chính mình. Tại Ấn Độ, người ta gọi nó là mitote maya – ảo giác. Đó là khái niệm riêng của từng người về “cái tôi”. Tất cả những gì bạn nghĩ là “cái tôi” và thế giới, tất cả khái niệm đang hiện hữu và được lập trình trong tâm trí bạn, đều là mitote. Chúng ta không thể nhìn rõ mình là ai. Chúng ta không biết là mình đang không có tự do.
Đó có lẽ là lý do vì sao con người chống lại sự sống. Nỗi sợ hãi lớn nhất của con người không phải là chết, mà là sống. Chúng ta chấp nhận rủi ro để sống và thể hiện chính mình. Trở thành chính mình là nỗi sợ hãi lớn nhất của nhân loại. Chúng ta đã học cách tồn tại bằng việc thỏa mãn đòi hỏi của người khác. Chúng ta đã học cách phải sống theo quan điểm của người khác, vì sợ không được chấp nhận, vì sợ không xứng đáng.
Trong suốt quá trình thuần hóa, ta vẽ ra một hình ảnh hoàn hảo để cố gắng trở nên xứng đáng. Ta vẽ hình ảnh mà bản thân cần phải trở thành để được mọi người chấp nhận. Ta đặc biệt cố gắng làm hài lòng những người mà ta yêu thương, như cha mẹ, anh chị em, mục sư, thầy cô. Vì muốn xứng đáng với lòng mong mỏi của họ, ta tạo ra hình ảnh hoàn hảo của bản thân. Chỉ có điều, hình ảnh đó hoàn toàn không liên quan gì đến con người thật trong ta. Ta tạo ra một hình ảnh, nhưng hình ảnh đó là giả tạo. Nếu là chính mình, ta sẽ không thể trở thành hình ảnh hoàn hảo đó. Không bao giờ!
Vì con người thật của ta không hoàn hảo, nên ta không chấp nhận nó. Và mức độ tự từ chối bản thân của ta phụ thuộc vào việc người lớn phá vỡ được sự chính trực trong ta đến mức nào. Sau quá trình thuần hóa, câu chuyện không còn xoay quanh việc ta xứng đáng với ai, mà nó trở thành câu chuyện ta không xứng đáng với bản thân mình vì không thể giữ đúng hình ảnh hoàn hảo giả tạo mà ta đã tạo ra. Ta tự kết tội bản thân khi không trở thành người mà ta mong muốn, hay nói cách khác, trở thành người mà ta tin là ta phải trở thành. Ta không thể tha thứ cho bản thân vì mình không hoàn hảo.
Ta biết, bản thân ta không phải là người mà ta cần trở thành. Ta cảm thấy sai trái, bực tức và dối trá. Ta cố che giấu bản thân và giả vờ không phải là mình. Kết quả là ta thấy mình giả tạo, và ta đeo chiếc mặt nạ để không ai khác có thể nhìn thấy con người thật của ta. Ta sợ ai đó nhận ra ta không phải là ta. Ta đánh giá người khác bằng hình ảnh hoàn hảo giả tạo của chính bản thân mình, và đương nhiên, họ không xứng đáng khi nhìn từ góc độ hoàn hảo đó.
Ta không trung thực với bản thân để làm hài lòng người khác. Ta chủ động làm hại cơ thể mình để được chấp nhận hơn. Nhiều thiếu niên tập hút thuốc chỉ vì muốn được bạn bè chấp nhận. Các em không nhận ra, chính các em mới là người không chấp nhận chính mình. Các em không chấp nhận mình vì các em không phải là hình mẫu giả tạo mà các em phải trở thành. Các em muốn sống theo cách của mình, nhưng không thể, và điều đó làm các em cảm thấy tội lỗi và xấu hổ. Con người không ngừng tự trừng phạt bản thân vì đã không trở thành hình mẫu mà lẽ ra họ phải trở thành. Vì thế, họ đối xử tệ hại với bản thân, và sử dụng người khác để hành hạ chính mình.
Có lẽ không ai khác trên đời đối xử tệ hại với ta hơn chính bản thân ta. Tên quan tòa, nạn nhân, và hệ thống niềm tin đã khiến ta trở nên như thế. Ta thường nghe ai đó đổ lỗi cho vợ chồng hoặc cha mẹ đã đối xử tệ với họ. Kỳ thực, chính chúng ta mới là người đối xử với bản thân mình tệ nhất. Cách chúng ta phán xét chính mình là cách phán xét tệ hại nhất. Nếu lỡ phạm sai lầm trước mắt người khác, ta sẽ cố phủ nhận lỗi sai và bao che cho bản thân. Nhưng ngay khi đối diện với chính mình, tên quan tòa uy quyền xuất hiện, lỗi lầm trở nên ghê gớm, và ta cảm thấy mình thật ngu ngốc, thật tệ hại, thật không xứng đáng chút nào.
Trong đời, không ai khác hành hạ bạn nhiều bằng chính bản thân bạn. Và mức độ tự hành hạ bản thân chính là mức độ mà bạn chịu đựng với bất kỳ ai. Nếu ai đó hành hạ bạn vượt hơn giới hạn mà bạn tự hành hạ bản thân, bạn sẽ bỏ đi. Nếu ai đó hành hạ bạn thấp hơn giới hạn đó, có lẽ bạn sẽ tiếp tục mối quan hệ và tiếp tục chịu đựng.
Nếu bạn hành hạ bản thân rất tệ, bạn sẽ có thể chịu đựng được chuyện người khác đánh đập, làm nhục, hay đối xử với bạn như rơm rác. Tại sao? Vì hệ thống niềm tin trong bạn lên tiếng rằng, “Mình đáng bị như thế. Họ chịu ở với mình là ơn phước cho mình rồi. Mình không xứng đáng được yêu thương, được tôn trọng. Mình chẳng tốt lành gì”.
Chúng ta có nhu cầu được chấp nhận, được yêu thương, nhưng lại không có khả năng chấp nhận và thương yêu chính bản thân mình. Khi càng biết yêu thương bản thân, người ta sẽ càng ít đối xử tệ với bản thân. Hành hạ hay đối xử tệ với bản thân là khi ta không chấp nhận mình. Và việc không chấp nhận bản thân là do bạn đã tự vẽ ra một hình mẫu hoàn hảo giả tạo mà bạn chưa bao giờ đạt được. Hình mẫu hoàn hảo là lý do ta không chấp nhận bản thân, và vì vậy ta cũng không chấp nhận người khác khi họ là chính họ.
KHÚC DẠO ĐẦU CỦA MỘT GIẤC MƠ MỚI
Có hàng ngàn thỏa ước mà bạn đã ký với bản thân, với người khác, với giấc mơ riêng, với Thượng Đế, với xã hội, với cha mẹ, với vợ chồng, với con cái. Nhưng thỏa ước quan trọng nhất là thỏa ước với bản thân. Trong thỏa ước này, bạn tuyên bố với bản thân: mình là ai, mình cảm thấy thế nào, mình tin vào điều gì, và mình hành xử ra sao. Kết quả của tuyên ngôn này chính là tính cách của bạn. Trong thỏa ước này, bạn ghi rõ, “Đây là tôi. Đây là những gì tôi tin. Đây là những điều tôi có thể làm, và những thứ tôi không thể làm. Đây là thực tế. Đó là ảo tưởng. Điều này có thể. Điều kia không thể”.
Nếu chỉ có một thỏa ước thì chắc cũng không quá khó. Đằng này, ta có quá nhiều thỏa ước khiến ta phải chịu đựng, khiến ta thất bại trong đời. Nếu muốn có cuộc sống vui vẻ và mãn nguyện, ta phải tìm cách phá vỡ những thỏa ước dựa trên nỗi sợ hãi và giành lại chủ quyền. Thỏa ước dựa vào nỗi sợ hãi khiến ta tiêu hao rất nhiều năng lượng. Còn thỏa ước dựa trên tình yêu thương giúp ta bảo tồn năng lượng, có khi còn tiếp thêm năng lượng.
Mỗi người chúng ta đều được sinh ra với một nguồn năng lượng riêng, và mỗi ngày sau khi nghỉ ngơi, nguồn năng lượng này lại được tái tạo. Rất không may, ta xài hết năng lượng để ký kết các thỏa ước và để tuân thủ các thỏa ước. Tất cả năng lượng đều tiêu tan sau khi ta ký thỏa ước, và kết quả là ta cảm thấy hoàn toàn kiệt sức. Ta chỉ còn đủ năng lượng để tồn tại, vì phần lớn năng lượng đã tiêu tốn vào việc tuân thủ các thỏa ước đã giam ta vào giấc mơ trần thế. Làm sao có thể thay đổi giấc mơ khi ta còn không có đủ năng lượng để thay đổi một thỏa ước nhỏ?
Nếu ta biết chính những thỏa ước này đang điều khiển cuộc đời mình, và nếu ta không thích giấc mơ hiện hữu của cuộc đời, ta cần phải thay đổi. Khi ta đã sẵn sàng thay đổi, có Bốn Thỏa ước quyền lực sẽ giúp ta phá vỡ những thỏa ước hiện có dựa trên nỗi sợ hãi và đang khiến ta cạn kiệt.
Mỗi khi bạn phá vỡ một thỏa ước cũ, tất cả năng lượng bạn sử dụng để tạo ra thỏa ước đó sẽ được hồi phục. Nếu bạn chấp nhận Bốn Thỏa ước này, chúng sẽ tạo ra nguồn năng lượng đủ đầy để bạn có thể thay đổi toàn bộ hệ thống các thỏa ước cũ.
Bạn cần một ý chí sắt đá mới có thể thực hiện được Bốn Thỏa ước mới này. Nhưng nếu bạn có thể bắt đầu cuộc sống mới của mình với Bốn Thỏa ước này, cuộc đời bạn sẽ chuyển đổi một cách ngoạn mục. Mọi thảm kịch của địa ngục sẽ lập tức biến mất. Thay vì sống trong địa ngục, bạn có thể kiến tạo một giấc mơ mới, giấc mơ thiên đàng của riêng mình.