SỬ DỤNG NGÔN TỪ TÍCH CỰC
Thỏa ước thứ nhất là thỏa ước quan trọng nhất và cũng khó thực hiện nhất. Nó quan trọng đến nỗi chỉ cần thực hiện được thỏa ước này, bạn đã lên một tầng khác, tầng thiên đàng nơi hạ giới.
Thỏa ước thứ nhất đòi hỏi bạn phải sử dụng ngôn từ tích cực. Nghe thì có vẻ đơn giản, nhưng nó vô cùng quyền lực. Tạo sao lại là ngôn từ? Ngôn từ chính là sức mạnh mà bạn cần phải tạo ra. Ngôn từ là món quà mà Thượng Đế ban tặng con người. Trong sách Phúc Âm John của Kinh Thánh về sự hình thành vũ trụ có nói như sau, “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời, và Ngôi Lời vẫn ở với Thiên Chúa, và Ngôi Lời vẫn là Thiên Chúa”. Qua ngôn từ, ta thể hiện khả năng sáng tạo của mình. Ngôn từ chính là cách mà ta thể hiện mọi điều. Dù bạn đang sử dụng ngôn ngữ nào thì ý định của bạn đều thể hiện qua ngôn từ. Bạn mơ gì, bạn cảm thấy thế nào, bạn là ai, tất đều được mô tả bằng ngôn từ.
Ngôn từ không chỉ là âm thanh hay ký tự. Ngôn từ là sức mạnh, là quyền lực bạn có để thể hiện và giao tiếp, để suy nghĩ, và để kiến tạo những sự kiện trong đời. Bạn có thể nói. Có động vật nào khác trên hành tinh này có thể nói đâu? Ngôn từ là công cụ quyền lực nhất mà con người sở hữu. Nó là phép thuật. Và cũng giống như con dao hai lưỡi, ngôn từ có thể kiến tạo những giấc mơ tuyệt vời nhất, và cũng có thể hủy diệt tất cả mọi điều. Lưỡi dao thứ nhất là lạm dụng ngôn từ để tạo ra địa ngục hạ giới. Lưỡi dao còn lại chính là sử dụng ngôn từ tích cực để kiến tạo cái đẹp, tình yêu thương, và thiên đàng hạ giới. Tùy cách bạn sử dụng ngôn từ mà nó có thể hoặc là trả tự do cho bạn, hoặc là giam cầm bạn. Tất cả phép thuật bạn có đều nằm trong ngôn từ. Ngôn từ là phép thuật trong sáng, còn lạm dụng ngôn từ chính là ma thuật hắc ám.
Ngôn từ quyền lực đến nỗi một từ thôi cũng có thể thay đổi một cuộc đời hay hủy diệt hàng triệu con người. Ở tại Đức, một người, chỉ bằng cách sử dụng ngôn từ, đã thao túng cả quốc gia của những con người thông minh nhất. Hắn đã dẫn dắt họ vào chiến tranh thế giới chỉ bằng sức mạnh ngôn từ. Hắn thuyết phục người khác làm những điều hung bạo nhất. Hắn kích hoạt nỗi sợ hãi trong con người bằng ngôn từ. Vậy là chiến tranh và giết chóc bùng nổ khắp nơi. Người ta giết nhau vì sợ hãi nhau. Có lẽ nhân loại sẽ không bao giờ quên được ngôn từ của Hitler, những ngôn từ dựa trên thỏa ước và niềm tin tạo ra từ nỗi sợ hãi.
Tâm trí con người cũng giống như mảnh đất màu mỡ và hạt giống chính là ý kiến, ý tưởng, khái niệm. Bạn gieo một cái hạt, một suy nghĩ, và nó lớn dần lên. Ngôn từ cũng giống như hạt giống, và tâm trí con người lại rất màu mỡ. Vấn đề là, mảnh đất màu mỡ này rất dễ gieo trồng hạt giống sợ hãi. Tâm trí của ai cũng màu mỡ, và nó chỉ màu mỡ đối với những gì nó được chuẩn bị để nuôi dưỡng. Quan trọng là ta phải biết hạt giống nào dành cho tâm trí màu mỡ của mình, và chuẩn bị nó, để nó sẵn sàng đón nhận hạt giống yêu thương.
Quay lại ví dụ về Hitler, hắn gieo hạt giống sợ hãi khắp mọi nơi, và những hạt giống này đâm chồi nảy lộc để rồi trở thành công cụ hủy diệt khủng khiếp. Nhìn thấy sức mạnh phi thường này của ngôn từ, ta nên hiểu rằng miệng lưỡi của ta có thể tạo ra sức mạnh ghê gớm đến thế nào. Chỉ cần gieo một hạt giống sợ hãi hay nghi kị vào tâm trí, nó có thể tạo ra trùng trùng bi kịch. Từ ngữ được ví như bùa mê, và người gieo bùa mê được ví như phù thủy. Phù thủy là những ai gieo bùa mê một cách vô thức lên người khác.
Con người đều là phù thủy, và chúng ta hoàn toàn có khả năng ếm bùa lên người khác hoặc giải bùa cho họ. Hằng ngày, chúng ta gieo rắc bùa mê bằng ý kiến của mình. Ví dụ, tôi gặp một người bạn và nói, “Này, sắc mặt anh giống như sắc mặt của những người mắc bệnh ung thư”. Nếu bạn tôi nghe những ngôn từ này, và nếu anh ấy đồng thuận, thì chắc chắn anh ta sẽ mắc bệnh ung thư trong vòng một năm. Đó chính là sức mạnh của ngôn từ.
Trong quá trình thuần hóa, cha mẹ và anh chị em đều gieo những ý kiến, quan điểm khác nhau của họ về ta mà không hề suy nghĩ. Ta tin vào những quan điểm này, và rồi sống trong sợ hãi, ví dụ như ta chơi thể thao quá dở hay viết lách quá tệ. Ai đó nhận xét, “Con bé này xấu quá!”. Cô bé nghe theo, tin rằng mình xấu xí thật, và lớn lên với niềm tin rằng bản thân cô thật sự xấu xí. Sau này trong đời, dù cô bé có trở nên xinh đẹp như thế nào đi chăng nữa, cô vẫn tin rằng mình xấu xí, vì cô đã đồng thuận với lời nhận xét năm xưa. Đó chính là bùa mê mà người khác đã ếm lên cuộc đời cô.
Bằng cách gây sự chú ý, ngôn từ sẽ len lỏi vào tâm trí và thay đổi toàn bộ niềm tin của ta, có khi trở nên tốt hơn, cũng có khi trở nên tệ đi. Một ví dụ khác, bạn có thể tin rằng mình rất ngu dốt, và có thể bạn đã tin tưởng như vậy suốt bấy lâu nay. Thỏa thuận này thật nghiệt ngã, nó khiến bạn làm rất nhiều thứ chỉ để chứng minh mình thật sự ngu dốt. Bạn có thể làm điều gì đó và nghĩ, “Ước gì mình thông minh hơn. Nhưng mình là đứa ngu dốt rồi. Nếu không thì mình đã chẳng làm cái điều ngu xuẩn đó”. Tâm trí dẫn dắt ta đến hàng trăm ngã rẽ khác nhau, và ta cứ mãi loay hoay chỉ vì một niềm tin rằng ta là kẻ ngu ngốc.
Rồi một ngày nọ, có ai đó xuất hiện, khiến bạn chú ý và nói cho bạn biết là bạn không hề ngu dốt. Bạn tin vào quan điểm này và ký một thỏa ước mới. Kết quả là bạn không còn nói hay làm những điều ngu ngốc nữa. Bùa mê đã được giải, chỉ bằng sức mạnh ngôn từ. Ngược lại, nếu bạn tin rằng mình ngu dốt, và ai đó gây chú ý bằng cách phát ngôn, “Mày thật sự là kẻ ngu dốt nhất mà tao từng gặp”. Thỏa ước này ngay lập tức được gia cố và trở nên mạnh mẽ hơn.
Tôn giáo hay nhắc đến tội lỗi và kẻ gây tội lỗi, nhưng chúng ta cần hiểu rõ thế nào là tội lỗi. Tội lỗi là bất kỳ điều gì bạn làm mà gây hại cho bạn. Bất kỳ cảm xúc hay niềm tin nào gây hại đến bản thân bạn đều là tội lỗi. Bạn hại mình khi phán xét hay đổ lỗi cho bản thân. Ngược lại, nghĩa là vô hại. Sử dụng ngôn từ tích cực nghĩa là không gây hại bản thân. Khi sử dụng ngôn từ tích cực, bạn chịu trách nhiệm về hành động của mình, nhưng hoàn toàn không phán xét hay đổ lỗi cho bản thân.
Từ góc nhìn này, khái niệm tội lỗi chuyển từ một quan điểm về đạo đức thành một lẽ thường tình. Tội lỗi bắt đầu từ việc bạn phủ nhận bản thân. Việc phủ nhận bản thân chính là tội lỗi lớn nhất mà con người phạm phải. Trong tôn giáo, phủ nhận bản thân là trọng tội có thể dẫn đến cái chết. Ngược lại, sự tích cực dẫn đến sự sống.
Sử dụng ngôn từ tích cực là không sử dụng những từ ngữ gây hại cho bản thân. Nếu tôi gặp bạn trên đường và gọi bạn là “thằng ngu”, rõ ràng tôi đang sử dụng ngôn từ để hại bạn. Nhưng kỳ thực là tôi đang sử dụng ngôn từ để tự hại bản thân tôi, vì bạn sẽ thù ghét tôi và sự thù ghét đó chẳng mang lại điều gì tốt đẹp cho tôi cả. Do đó, khi tôi giận dữ và quăng mớ thuốc độc cảm xúc này vào bạn bằng ngôn từ của tôi, thì thật ra tôi đang sử dụng ngôn từ để tự hại bản thân mình.
Nếu tôi yêu thương bản thân, tôi sẽ thể hiện tình yêu thương đó qua cách tương tác với bạn và tôi sẽ sử dụng ngôn từ tích cực, vì hành động đó sẽ tạo ra phản ứng tương xứng. Nếu bạn yêu thương bản thân mình, thì bạn cũng sẽ yêu thương lại tôi. Nếu tôi thóa mạ bạn, bạn sẽ thóa mạ lại tôi. Nếu tôi biết ơn bạn, bạn sẽ biết ơn tôi. Nếu tôi ích kỷ với bạn, bạn sẽ ích kỷ lại với tôi. Nếu tôi sử dụng ngôn từ để ếm bùa mê lên bạn, đương nhiên bạn sẽ làm y như vậy với tôi.
Sử dụng ngôn từ tích cực là cách sử dụng năng lượng tích cực, hướng về chân lý và tình yêu thương. Nếu bạn ký thỏa ước với bản thân rằng chỉ sử dụng ngôn từ tích cực, thì chỉ với ý định đó thôi, chân lý sẽ hiển hiện trong bạn, và bạn có thể gột rửa mọi thứ thuốc độc cảm xúc trong tâm trí mình. Ký thỏa ước này thật ra không dễ, vì con người hoàn toàn không có thói quen sử dụng ngôn từ tích cực.
Sức mạnh ngôn từ thường xuyên bị lạm dụng trong địa ngục. Chúng ta sử dụng ngôn từ để nguyền rủa, đổ lỗi, vạch trần, hay hủy diệt. Dĩ nhiên, chúng ta cũng có lúc sử dụng ngôn từ đúng cách, nhưng chẳng được mấy khi. Thường thì ta sử dụng ngôn từ để rải món thuốc độc bí truyền của mình, để bày tỏ sự giận dữ, ghen tuông, ganh ghét và thù hận. Ngôn từ vốn là phép thuật trong trẻo, là quà tặng của Thượng Đế, nhưng chúng ta lại sử dụng nó để làm hại mình. Chúng ta lên kế hoạch trả thù. Chúng ta gây ra sự hỗn loạn. Chúng ta sử dụng ngôn từ để gây thù hận giữa các chủng tộc, giữa người với người, giữa gia đình với nhau, giữa quốc gia với nhau. Chúng ta lạm dụng ngôn từ quá nhiều, và chúng ta tạo ra địa ngục. Lạm dụng ngôn từ là cách chúng ta kéo nhau xuống và giam hãm nhau trong sợ hãi, nghi ngờ.
Ngôn từ là phép thuật của loài người, và lạm dụng ngôn từ là ma thuật. Chúng ta đã sử dụng ma thuật quá lâu đến nỗi quên mất ngôn từ thật ra là phép thuật.
Ví dụ, có một người phụ nữ rất thông minh và từ tâm. Bà có một cô con gái mà bà rất thương yêu. Một đêm nọ, bà trở về nhà sau một ngày làm việc mệt mỏi, căng thẳng, đầu đau như búa bổ. Bà chỉ muốn được nghỉ ngơi trong im lặng, nhưng cô con gái thì lại đang vui vẻ nhảy múa và ca hát. Cô bé chẳng hề biết mẹ đang cảm thấy như thế nào, vì cô đang sống trong giấc mơ riêng của mình, trong thế giới riêng của mình. Cô bé cảm thấy thật hạnh phúc nên tiếp tục hát to hơn và nhảy hào hứng hơn, để thể hiện cảm xúc vui tươi và tình yêu thương của bản thân. Cô bé hát to đến nỗi bà mẹ ngày càng đau đầu. Và rồi, vào một khoảnh khắc nào đó, bà mẹ không còn chịu được. Bà giận dữ nhìn con mình và la to: “Câm miệng! Mày hát dở như hạch. Có im ngay đi không!”.
Sự thật là bà mẹ chỉ không chịu được tiếng ồn, chứ không liên quan gì đến chuyện cô bé hát hay hay dở. Nhưng từ đó cô bé tin vào lời mẹ, và tại khoảnh khắc đó, cô đồng thuận. Sau này, cô bé không hát nữa, vì tin rằng mình hát rất tệ và sẽ làm phiền người khác mỗi khi cất giọng. Cô bé trở nên nhút nhát khi đi học, và đương nhiên sẽ từ chối ngay nếu ai đó đề nghị cô hát. Ngay cả việc giao tiếp với người khác cũng trở nên hết sức khó khăn với cô. Mọi điều thay đổi chỉ vì một thỏa ước mới: Cô tin rằng bản thân cần đè nén cảm xúc của mình thì mới có thể được chấp nhận và thương yêu.
Bất kể khi nào chúng ta nghe và tin quan điểm của một ai đó, nghĩa là ta đã ký một thỏa ước, và thỏa ước đó trở thành hệ thống niềm tin của ta. Cô bé nọ lớn lên và không bao giờ ca hát nữa, dù giọng hát của cô rất hay. Cô tạo ra cả một thế giới phức tạp chỉ vì một đạo bùa năm xưa, đạo bùa do chính người yêu thương cô nhất là mẹ cô gieo lên con gái của mình. Bà mẹ không hề biết tội lỗi đã gây ra bằng ngôn từ của mình. Làm sao đổ lỗi cho bà được? Bà đã lặp lại đúng tội lỗi mà chính cha mẹ bà hoặc những người xung quanh đã gây ra với bà: lạm dụng ngôn từ.
Đã bao nhiêu lần chúng ta làm điều này với chính con cái của mình? Chúng ta đưa ra những lời nhận xét giống như bà mẹ ở trên, và mặc cho con cái gánh chịu thứ ma thuật đó cả đời. Những người thương yêu ta sử dụng ma thuật với ta, nhưng họ không hề biết. Vì vậy, ta nên tha thứ cho họ, bởi lẽ họ không hề cố ý.
Một ví dụ khác, bạn thức dậy và cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Bạn cảm thấy thật tuyệt vời và đứng trước gương cả tiếng đồng hồ để trang điểm. Rồi một người bạn nhận xét, “Gì vậy? Sao nay trông cô ghê vậy? Nhìn tệ quá!”. Và thế là xong! Tất cả trở thành địa ngục. Có khi, người bạn này cố tình làm bạn tổn thương, và họ đã làm được. Người này bày tỏ ý kiến bằng sức mạnh ngôn từ của họ. Nếu bạn chấp nhận lời họ, nó trở thành thỏa ước ngay lập tức, và bạn chuyển hết năng lượng của mình vào trong đó. Lời nhận xét ấy trở thành ma thuật.
Ma thuật rất khó hóa giải. Cách duy nhất là tạo ra một thỏa ước mới dựa trên sự thật. Sự thật là phần quan trọng nhất trong việc sử dụng ngôn từ tích cực. Trong con dao hai lưỡi, một lưỡi là ma thuật, lưỡi còn lại là sự thật với quyền năng có thể phá vỡ được mọi ma thuật. Chỉ có sự thật mới có thể mang lại tự do cho bạn.
Hãy nhìn cách con người tương tác, tưởng tượng xem chúng ta ếm bùa lên nhau bao nhiêu lần mỗi ngày bằng ngôn từ? Dần dần, các tương tác này biến thành thứ ma thuật khủng khiếp nhất, và ta gọi nó là “chuyện ngồi lê đôi mách”.
Chuyện ngồi lê đôi mách, chuyện đồn đãi nhảm nhí là loại ma thuật độc địa nhất. Chúng ta học cách ngồi lê đôi mách bằng thỏa ước. Khi còn nhỏ, ta nghe người lớn tám chuyện hằng ngày, công khai phán xét người này kẻ nọ. Họ phán xét cả người mà họ không hề quen biết. Thuốc độc cảm xúc được truyền miệng qua những quan điểm, ý kiến, và chúng ta học được rằng đây là cách giao tiếp thông thường.
Chuyện ngồi lê đôi mách đã trở thành hình thức giao tiếp chính thống trong xã hội loài người. Nó làm chúng ta cảm thấy gần gũi nhau hơn khi nhìn thấy người khác cũng buồn bã ủ ê giống ta. Có một câu ngạn ngữ thế này, “Đau khổ cần có bạn”, và những ai đang thấy khổ sở trong địa ngục thì đâu có muốn chịu cảnh khổ đó một mình. Nỗi sợ hãi và đau khổ là một phần quan trọng trong giấc mơ trần thế, là cách mà giấc mơ trần thế kìm giữ chúng ta.
Nếu ví tâm trí con người như chiếc máy tính, thì chuyện ngồi lê đôi mách cũng giống như virus. Virus là một đoạn mã máy tính được viết bằng kiểu ngôn ngữ giống như những đoạn mã khác, nhưng có tính độc hại. Đoạn mã này được chèn vào một chương trình nào đó trong máy tính của bạn mà bạn không hề chú ý hay nhận biết. Sau khi bị đoạn mã này xâm nhập, máy tính của bạn không còn hoạt động tốt được, vì hệ thống máy tính sẽ hoàn toàn rối loạn và mất khả năng vận hành.
Chuyện ngồi lê đôi mách của con người cũng y như thế. Ví dụ như bạn bắt đầu một lớp học mới với giáo viên mới, và bạn rất mong chờ ngày đi học. Ngày đầu tiên đến lớp, bạn tình cờ gặp một học viên cũ của người giáo viên ấy. Người học viên này nói với bạn, “Ông thầy đó thích khoe khoang và hay phô trương lắm. Ông ta không rành cái mình dạy, lại không đứng đắn nữa. Nhớ coi chừng!”.
Ngay lập tức, bạn bị nhiễm loại virus ngôn từ và cảm xúc tiêu cực này. Điều duy nhất bạn không biết là động cơ, là lý do tại sao người kia lại phao tin đồn này cho bạn. Có thể anh ta giận dữ vì thi trượt, hoặc đơn giản chỉ đưa ra nhận xét dựa trên nỗi sợ hãi hay định kiến nào đó của bản thân. Nhưng vì đã quen cách tiếp nhận thông tin một chiều, nên phần nào đó trong bạn đã tin vào lời đồn thất thiệt này. Lớp học bắt đầu và khi giáo viên giảng bài, bạn cảm thấy thuốc độc lan dần trong người. Rồi một cách hết sức tự nhiên, bạn bỗng nhìn thầy giáo của mình bằng cặp mắt của anh chàng học viên “bà tám” kia. Bạn bắt đầu lan truyền lời đồn ấy đến các học viên khác trong lớp, và cả lớp bỗng dưng nhìn người giáo viên cùng một cách như vậy. Rồi tự nhiên thầy giáo vô cớ trở thành kẻ phô trương và không đứng đắn. Bạn bỗng dưng ghét cay ghét đắng lớp học đó và quyết định bỏ học. Bạn đổ thừa tại ông thầy, nhưng tất cả chỉ bắt đầu bằng lời đồn đại vô căn cứ của một ai đó.
Chỉ vậy thôi, một con virus đủ sức làm cho mọi chuyện trở nên cực kỳ phức tạp. Một mảnh thông tin sai lệch làm cho mọi việc giao tiếp giữa con người với nhau lập tức bị vô hiệu. Chưa hết, nó còn biến thành loại virus có thể lây lan và tất cả những ai lỡ chạm vào nó đều bị nhiễm. Cứ mỗi lần bạn nghe ai đó phao tin đồn nhảm, là một lần bạn bị họ cấy virus vô đầu. Sau một thời gian, bạn nhiễm nặng và mất khả năng suy nghĩ. Rồi vì quá nhiễu loạn, vì cần đào thải virus và giải độc, bạn mang virus ra để lây sang người khác.
Thử tưởng tượng chuỗi lây nhiễm này cứ thế tiếp diễn và lan tràn trên cả trái đất. Kết quả là con người rốt cuộc chỉ có thể tiếp cận thông tin qua những đường dây lây nhiễm virus chứa đầy chất độc mà thôi. Thứ virus độc hại này người Toltec gọi là mitote, sự hỗn loạn của hàng ngàn tiếng nói phát lên trong tâm trí cùng một lúc.
Tệ hơn nữa là khi phù thủy hắc ám hay “hacker máy tính” cố tình thả virus ra. Thử nhớ lại một trường hợp mà bạn nổi giận với ai đó và muốn trả thù. Để trả thù, bạn nói xấu họ với ý đồ lây lan thuốc độc khắp nơi. Bạn làm vậy chỉ để làm người đó khổ sở vì tin đồn. Hồi còn nhỏ, ta làm chuyện này một cách vô thức, nhưng càng lớn ta càng biết tính toán cách hại người. Rồi ta nói dối với bản thân rằng người đó đáng bị trừng trị vì lỗi lầm họ đã gây ra.
Khi ta nhìn thế giới qua lăng kính của một con virus máy tính, ta dễ dàng biện minh cho hành vi ác độc của mình. Điều ta không nhìn thấy là, khi ta lạm dụng ngôn từ, chính ta mới là kẻ bị đẩy sâu hơn vào địa ngục.
Lâu nay, ta quen nhận tin đồn và quen chịu ma thuật từ ngôn từ của người khác, và cả từ ngôn từ của chính mình. Ta liên tục đối thoại với bản thân và không ngừng tự nhủ, “Ôi trời, mình mập quá. Mình xấu quá. Mình già rồi. Mình bị rụng tóc nhiều quá. Mình thật là ngu. Mình chả bao giờ hiểu nổi thứ gì. Mình sẽ chẳng bao giờ giỏi lên được. Và mình sẽ chẳng bao giờ hoàn hảo nổi”. Bạn đã hiểu cách bạn sử dụng ngôn từ để tự làm hại mình chưa? Chúng ta cần phải hiểu bản chất của ngôn từ là gì và nó có khả năng gì. Nếu bạn hiểu thỏa ước thứ nhất, sử dụng ngôn từ tích cực, bạn sẽ bắt đầu nhận ra nhiều thay đổi tích cực trong đời. Thay đổi đầu tiên là thay đổi trong cách bạn đối xử với bản thân. Sau đó là thay đổi trong cách bạn đối xử với người khác, đặc biệt là với những người mà bạn yêu quý.
Thử nghĩ xem đã bao lần bạn phao tin đồn nhảm về người mà bạn yêu thương chỉ để được người khác đồng tình với quan điểm của bạn? Đã bao lần bạn tạo sự chú ý, rồi đổ thuốc độc lan ra chỉ để chứng tỏ mình đúng? Quan điểm của bạn chỉ là quan điểm cá nhân và nó có thể không đúng. Quan điểm của bạn đến từ niềm tin cá nhân của bạn, từ cái tôi của bạn, từ giấc mơ riêng tư của bạn. Vậy mà bạn lại mang thuốc độc rải khắp mọi nơi, lây nhiễm cho mọi người chỉ để cảm thấy quan điểm của mình là đúng.
Nếu ta chấp nhận thỏa ước thứ nhất và sử dụng ngôn từ tích cực, mọi cảm xúc độc hại rồi sẽ dần dần bị đẩy ra khỏi tâm trí ta, khỏi cách giao tiếp của ta với người thân, ngay cả với chó mèo.
Sử dụng ngôn từ tích cực cũng sẽ giúp bạn miễn nhiễm trước ma thuật của kẻ khác. Khi bạn sử dụng ngôn từ tích cực, tâm trí bạn không còn là mảnh đất dung chứa ma thuật, thay vào đó, nó trở thành mảnh đất màu mỡ cho tình yêu thương. Bạn yêu thương bản thân bao nhiêu và bạn cảm nhận bản thân mình như thế nào thì đều trực tiếp ảnh hưởng đến sự cao quý và chính trực trong ngôn từ mà bạn sử dụng. Khi sử dụng ngôn từ tích cực, bạn sẽ thoải mái, hạnh phúc và bình yên.
Bạn có thể thoát khỏi giấc mơ địa ngục bằng cách chấp nhận thỏa ước sử dụng ngôn từ tích cực. Ngay bây giờ, tôi đang gieo hạt giống này vào bạn. Còn hạt giống có nảy mầm hay không thì hoàn toàn phụ thuộc vào mức độ màu mỡ của tâm trí bạn đối với tình yêu thương. Chấp nhận thỏa ước sử dụng ngôn từ tích cực hay không là lựa chọn của chính bạn. Nuôi dưỡng hạt giống này, và khi hạt giống nảy mầm đâm chồi, nó sẽ tạo thêm nhiều hạt giống yêu thương để thay thế những hạt giống sợ hãi. Thỏa ước thứ nhất sẽ thay đổi loại hạt giống mà tâm trí màu mỡ của bạn sẵn sàng chờ đón.
Hãy sử dụng ngôn từ tích cực. Đây là thỏa ước bạn cần phải đồng thuận nếu muốn hạnh phúc, nếu muốn thoát ra khỏi địa ngục hiện tại. Thỏa ước này cực kỳ quyền lực. Hãy sử dụng ngôn từ đúng đắn. Hãy sử dụng ngôn từ để chia sẻ tình yêu thương. Hãy sử dụng phép mầu bắt đầu từ bản thân mình. Hãy tự nói với bản thân rằng mình là người tuyệt vời và giỏi giang. Hãy tự nhủ rằng bạn yêu thương bản thân mình đến nhường nào. Hãy sử dụng ngôn từ để phá vỡ mọi thỏa ước từng khiến bạn chịu khổ đau.
Bạn có thể làm được điều này. Tôi nói vậy vì tôi đã từng trải qua, và tôi nào có hơn gì bạn. Chúng ta đều giống nhau. Chúng ta có bộ não giống nhau, cơ thể giống nhau. Chúng ta đều là con người. Nếu tôi có thể phá vỡ những thỏa ước cũ và tạo ra thỏa ước mới, bạn cũng vậy. Nếu tôi có thể sử dụng ngôn từ tích cực, tại sao bạn lại không? Chỉ một thỏa ước này thôi sẽ thay đổi cả cuộc đời. Sử dụng ngôn từ tích cực sẽ dẫn dắt bạn đến tự do, thành công và viên mãn. Thỏa ước này sẽ xóa sạch mọi sợ hãi, chuyển hóa nỗi sợ thành niềm vui và tình yêu thương.
Hãy tưởng tượng bạn sẽ kiến tạo được gì từ việc sử dụng ngôn từ tích cực. Với thỏa ước này bạn sẽ vượt ra khỏi những giấc mơ sợ hãi và sống một cuộc đời rất khác. Bạn sẽ có thể sống trên thiên đàng trong khi hàng ngàn người khác lao đao trong địa ngục. Tất cả chỉ nhờ vào độ miễn nhiễm của bạn với địa ngục. Với thỏa ước này, bạn kiến tạo nên một vương quốc thiên đàng cho chính mình. Hãy sử dụng ngôn từ tích cực!