KHÔNG CHO PHÉP BẢN THÂN BỊ ẢNH HƯỞNG
Ba thỏa ước tiếp theo đều bắt nguồn từ thỏa ước thứ nhất. Thỏa ước thứ hai là không cho phép bản thân bị ảnh hưởng.
Dù có chuyện gì xảy ra đi chăng nữa, đừng nghĩ người ta đang cố ý nhắm vào mình. Tiếp tục ví dụ cũ, nếu tôi gặp bạn và nói, “Này, bạn ngu quá!” mặc dù tôi không biết bạn là ai, thì vấn đề không nằm ở bạn mà nằm ở tôi. Nếu bạn cảm thấy bị xúc phạm, nghĩa là bạn tin rằng mình ngu. Có khi bạn tự nghĩ, “Sao người này lại biết? Ông ta là nhà ngoại cảm hay sao? Hay tất cả mọi người đều biết mình ngu?”.
Bạn cảm thấy bị xúc phạm vì bạn đồng ý với những gì họ nói. Và ngay khi bạn đồng thuận, thuốc độc ngấm ngay vào người bạn, và bạn bị giam vào giấc mơ địa ngục. Lý do khiến bạn bị giam cầm là do một thứ mà chúng tôi gọi là “cái tôi khổng lồ”. Cái tôi khổng lồ, hay nói cách khác là việc dễ bị ảnh hưởng bởi những gì người khác nói, là biểu hiện cao nhất của lòng vị kỷ. Chúng ta tự cho rằng mọi thứ đều nhắm vào “tôi”. Trong suốt quá trình đi học và thuần hóa, chúng ta học cách liên hệ mọi thứ đến bản thân. Ta nghĩ, mình chịu trách nhiệm cho tất cả mọi thứ trên đời. Tôi, tôi, tôi, luôn luôn là đụng chạm đến tôi.
Người khác làm gì thì cũng không liên quan đến bạn, tất cả chỉ liên quan đến họ. Mọi người đều sống trong những giấc mơ của riêng mình, trong tâm trí của riêng mình. Họ sống trong một thế giới hoàn toàn khác biệt với thế giới của ta. Khi ta cảm thấy bị ảnh hưởng vì những gì họ nói hay làm, là thật ra ta đang giả định rằng họ hiểu thế giới của ta, và ta cũng đang cố tình ép uổng thế giới của ta lên họ.
Ngay cả khi hoàn cảnh mang tính cá nhân, ngay cả khi họ trực tiếp xúc phạm bạn, thật ra điều đó cũng chẳng liên quan gì đến bạn. Lời họ nói, việc họ làm, quan điểm họ đưa ra đều chỉ liên quan đến những thỏa thuận cá nhân diễn ra trong quá trình thuần hóa của họ.
Nếu ai đó nói, “Này, bạn mập quá!”, đừng cảm thấy bị xúc phạm. Sự thật là người nói ra câu đó đang phải xử lý chính cảm xúc, niềm tin và quan điểm cá nhân của họ. Người ta cố quăng thuốc độc vào bạn. Và nếu bạn cảm thấy bị ảnh hưởng, nghĩa là bạn đón nhận thuốc độc vào mình, và đương nhiên nó trở thành thuốc độc của bạn. Khi bạn cho phép mình dễ bị ảnh hưởng bởi suy nghĩ của người khác, bạn trở thành mồi ngon cho phù thủy và thợ săn. Họ chỉ cần thả mồi bằng quan điểm cá nhân của họ để cho bạn cắn câu, rồi đưa thuốc độc cho bạn uống. Khi bạn cảm thấy bị ảnh hưởng nghĩa là bạn đã uống thuốc độc mất rồi.
Bạn nuốt hết rác rưởi cảm xúc của họ. Và giờ nó biến thành rác rưởi của chính bạn. Nếu bạn không bị ảnh hưởng, nghĩa là bạn đã miễn nhiễm ngay trong địa ngục. Món quà từ thỏa ước này chính là sự miễn nhiễm với thuốc độc ngay trong địa ngục.
Khi bạn nghĩ người ta nói về mình, bạn sẽ thấy bị ảnh hưởng. Thế là bạn xông lên bảo vệ niềm tin cá nhân, và từ đó lại gây ra mâu thuẫn. Bạn xé to chuyện từ một vấn đề rất nhỏ, vì bạn cần phải chứng minh rằng bạn đúng, họ sai. Bạn cố hết sức để chứng tỏ mình đúng bằng cách đưa ra quan điểm cá nhân. Mà điều bạn làm và cảm nhận lại cũng chỉ là biểu hiện của giấc mơ riêng, những thỏa ước cá nhân của bạn. Chuyện bạn nói, việc bạn làm, quan điểm bạn đưa ra đều xuất phát từ thỏa ước riêng của bạn. Và những thỏa ước này của bạn không liên quan gì đến tôi.
Chuyện bạn nghĩ sao về tôi không quan trọng đối với tôi, và tôi không bao giờ cảm thấy bị xúc phạm vì bất kỳ điều gì bạn nói. Khi người ta nói, “Miguel, ông thật tuyệt vời!”, tôi thấy điều đó chẳng liên quan đến tôi, điều này cũng tương tự khi ai đó nói, “Miguel, ông tệ quá!”. Tôi hiểu rằng khi bạn vui, bạn sẽ khen tôi, “Miguel, ông là thiên thần!”. Nhưng khi bạn giận tôi, bạn sẽ phán, “Miguel, ông là quỷ dữ. Ông thật đáng khinh. Sao ông dám văng ra những lời ghê tởm như thế?”. Dù bạn nói gì, điều bạn nói cũng chẳng liên quan gì đến tôi, vì tôi biết bản thân mình là ai. Tôi không có nhu cầu được chấp nhận. Tôi không có nhu cầu nghe ai đó khen “Miguel, ông giỏi quá!”, hay chê trách “Sao ông lại dám làm chuyện đó?”.
Không, tôi hoàn toàn không cho phép ai gây ảnh hưởng đến mình. Bạn nghĩ gì, cảm thấy thế nào là chuyện của bạn, không liên quan gì đến tôi. Cách bạn nhìn nhận thế giới ra sao thì không liên quan gì đến tôi. Cách bạn đối xử với bản thân bạn cũng chẳng liên quan gì đến tôi. Mỗi người có quan điểm riêng dựa trên hệ thống niềm tin cá nhân. Do đó, họ nghĩ gì về tôi cũng không ảnh hưởng đến tôi, mà chỉ ảnh hưởng đến chính họ.
Bạn cũng có thể nói, “Miguel, điều ông nói đang làm tôi tổn thương”. Thực tế, bạn không bị tổn thương vì những lời tôi nói. Lời nói của tôi chỉ chạm vào vết thương bạn sẵn có mà thôi. Chính bạn mới là người làm tổn thương mình.
Không có điều gì khiến tôi phải bị ảnh hưởng. Không phải vì tôi không tin tưởng bạn, mà vì tôi hiểu rằng bạn đang nhìn thế giới bằng đôi mắt khác, đôi mắt của riêng bạn. Bạn tự tạo ra bộ phim trong tâm trí của mình. Trong bộ phim đó, bạn là đạo diễn, là nhà sản xuất, và cũng là diễn viên chính. Mọi người khác đều là diễn viên phụ. Đây là bộ phim của riêng bạn.
Cách bạn dựng phim dựa vào những thỏa ước cá nhân của bạn, quan điểm cá nhân của bạn. Nó là sự thật đối với bạn, chứ không phải là sự thật của bất kỳ ai khác. Nếu bạn giận tôi, bạn nên biết là bạn đang phải đối diện với vấn đề của cá nhân bạn, và tôi chỉ là cái cớ để bạn nổi giận. Bạn nổi giận vì bạn sợ, vì bạn phải đối diện với nỗi sợ hãi trong mình. Nếu bạn không sợ hãi, bạn sẽ không bao giờ nổi giận với tôi. Nếu bạn không sợ hãi, bạn sẽ không ghét tôi.
Nếu bạn không sợ hãi, bạn sẽ chẳng bao giờ ganh ghét hay đau khổ.
Khi bạn không sống với nỗi sợ hãi, khi bạn biết yêu thương, thì không còn chỗ cho những cảm xúc tiêu cực. Nếu bạn không bị vướng vào cảm xúc tiêu cực, đương nhiên là bạn sẽ vui vẻ. Khi mọi thứ xung quanh đều ổn thỏa, chuyện gì cũng làm bạn thấy vui. Bạn sẽ yêu thương tất cả mọi điều quanh mình, vì bạn yêu thương bản thân. Vì bạn yêu thương con người mình. Vì bạn hài lòng với bản thân mình. Vì bạn hạnh phúc trong cuộc sống. Bạn hài lòng với bộ phim mình đạo diễn, với những thỏa ước mình đã ký. Bạn bình an và hạnh phúc. Bạn sống trong trạng thái tinh thần đầy hân hoan, mọi thứ đều rất xinh đẹp và tuyệt vời. Trong trạng thái hạnh phúc đó, bạn lan tỏa tình yêu thương đến tất cả mọi thứ xung quanh.
Dù ai nói gì, làm gì, cảm nhận gì đi chăng nữa, đừng cho phép bản thân cảm thấy bị ảnh hưởng. Nếu họ nói bạn thật tuyệt vời, ý họ không phải nói bạn đâu. Bản thân bạn nên biết mình tuyệt vời như thế nào mà không cần chờ người khác nói ra. Đừng bị ảnh hưởng bởi bất kỳ điều gì. Ngay cả khi ai đó rút súng bắn vào đầu bạn, chuyện đó cũng chẳng liên quan gì đến bạn, dù là ngay trong tình huống cực đoan như vậy.
Quan điểm của bạn về cá nhân bạn cũng chưa chắc đúng. Vì thế, bạn cũng không nên bị ảnh hưởng bởi những lời nói trong chính tâm trí mình. Tâm trí có khả năng tự đối thoại, và cũng có khả năng lắng nghe từ nhiều cảnh giới khác nhau. Đôi khi bạn nghe chính tâm trí mình lên tiếng và tự hỏi giọng nói ấy đến từ đâu. Giọng nói đó có thể đến từ một hiện thực khác, nơi tồn tại những bản thể giống như tâm trí con người.
Người Toltec gọi những bản thể này là Allies (tạm dịch là Đồng linh). Tại châu Âu, châu Phi và Ấn Độ, người ta gọi những bản thể này là Thần linh.
Tâm trí ta cũng tồn tại trong cảnh giới của Thần linh. Tâm trí hiện hữu trong hiện thực đó và có thể nhận thức được hiện thực đó. Tâm trí nhìn bằng mắt và nhận thức hiện thực tỉnh thức này. Nhưng tâm trí cũng nhìn thấy và nhận thức không bằng mắt, mặc dù lý trí con người hầu như không kết nối với nhận thức này. Tâm trí sống trong không gian đa chiều hơn. Nhiều khi, bạn bất thần nảy ra ý tưởng. Ý tưởng này không đến từ tâm trí bạn. Bạn chỉ nhận thức nó bằng tâm trí của mình. Bạn có quyền tin hay không tin những giọng nói bên trong tâm trí của bạn, và cũng có quyền không để mình bị ảnh hưởng bởi những giọng nói ấy. Ta có quyền lựa chọn tin hay không tin vào những giọng nói trong tâm trí. Ta cũng có quyền lựa chọn tin và đồng thuận với điều gì trong giấc mơ trần thế.
Tâm trí cũng có thể nói chuyện và lắng nghe chính nó. Tâm trí bị chia cách cũng giống như cơ thể bạn bị chia cách. Bạn hay tâm trí của bạn đều có thể nói, “Tôi có một bàn tay, tôi có thể lắc bàn tay còn lại và cảm nhận bàn tay còn lại”. Một phần tâm trí phát biểu, và phần khác lắng nghe. Và khi một ngàn bộ phận trong tâm trí bạn cùng lên tiếng thì chuyện trở nên nghiêm trọng. Bạn nhớ không, trạng thái đó gọi là mitote.
Có thể so sánh mitote như một cái chợ khổng lồ, nơi hàng ngàn người nói chuyện và đổi chác cùng một lúc. Mỗi người có suy nghĩ, cảm xúc và quan điểm khác nhau. Mọi sự lập trình trong tâm trí ta – tất cả những thỏa ước cá nhân mà ta ký kết – có khi không tương đồng với nhau. Có thể ví mỗi thỏa ước như một bản thể sống, có cá tính và tiếng nói khác nhau. Có những thỏa ước mâu thuẫn với nhiều thỏa ước khác, và thế là có một cuộc đại chiến nổ ra trong tâm trí bạn. Mitote chính là lý do khiến con người chẳng mấy khi biết họ muốn gì, muốn như thế nào, muốn vào lúc nào.
Con người không đồng thuận với chính mình vì một phần của tâm trí họ muốn điều này và phần khác thì muốn điều ngược lại. Một số phần trong tâm trí phản đối một số suy nghĩ và hành động, trong khi các phần khác lại ủng hộ. Tất cả những bản thể sống nhỏ bé này tạo ra mâu thuẫn bên trong vì chúng đều sống và có tiếng nói riêng. Chỉ khi ta kiểm tra lại hết kho thỏa ước của mình, ta mới có thể nhận ra những mâu thuẫn nội bộ trong tâm trí, và từ đó có thể sắp xếp lại trật tự của mitote.
Đừng cho phép bản thân bị ảnh hưởng, nếu không, bạn sẽ mặc nhiên khiến mình đau khổ. Con người bị nghiện khổ đau ở nhiều tầng, nhiều mức độ khác nhau. Chúng ta thậm chí còn giúp nhau duy trì cơn nghiện này nữa. Loài người đồng thuận giúp nhau đau khổ. Nếu bạn có nhu cầu bị lạm dụng, bạn sẽ dễ dàng bị lạm dụng. Tương tự, nếu bạn chơi chung với người có nhu cầu đau khổ, bạn sẽ bị thôi thúc gây đau khổ cho họ, cứ như thể họ có dán trên lưng tờ giấy với dòng chữ “Làm ơn đá tôi thiệt đau”. Họ tìm sự biện hộ cho đau khổ của họ. Cơn nghiện đau khổ của họ chính là một thỏa ước ngày càng trở nên mạnh mẽ.
Ở đâu ta cũng thấy con người nói dối, và khi bạn nhận thức rõ hơn, bạn biết bản thân mình cũng đang nói dối. Đừng mong chờ người khác nói thật vì chính họ còn nói dối bản thân họ. Bạn phải tin vào bản thân mình, và chọn tin hay không tin điều người khác nói.
Khi bạn nhìn rõ họ là ai và không còn bị ảnh hưởng, bạn sẽ không bao giờ cảm thấy tổn thương vì những gì họ nói hay làm, ngay cả khi họ có nói dối cũng không sao. Họ nói dối vì họ sợ hãi. Họ sợ bạn biết họ không hoàn hảo. Gỡ mặt nạ ra là cả một vấn đề. Nếu ai đó nói một đằng làm một nẻo, mà bạn lại không chịu nhìn vào hành động của họ thì nghĩa là bạn cũng đang nói dối chính bạn. Nếu bạn sống thật với mình, bạn sẽ thoát ra khỏi những cảm xúc đau đớn không cần thiết. Sự thật bản thân nó có thể đau đớn, nhưng bạn không cần phải gắn mình vào một nỗi đau. Chữa lành là cách duy nhất. Vấn đề chỉ là thời gian thôi, rồi mọi chuyện sẽ tốt đẹp lên.
Nếu ai đó không yêu thương và tôn trọng bạn, thì chuyện họ bỏ đi là một món quà. Nếu họ còn ở lại, bạn sẽ chịu đau khổ nhiều năm cùng với họ. Khi họ bỏ đi, bạn có thể đau đớn trong một thời gian ngắn, nhưng trái tim trước sau rồi cũng tự chữa lành. Và bạn sẽ được lựa chọn những gì bạn muốn. Bạn sẽ thấy là mình không cần tin người khác, chỉ cần tin vào bản thân mình thôi là đủ để bạn đưa ra những lựa chọn đúng trong đời.
Khi bạn có thói quen không để cho bất kỳ thứ gì ảnh hưởng đến bản thân mình, bạn sẽ tránh được nhiều chuyện buồn trong cuộc sống. Cơn giận dữ, nỗi ghen tuông, sự ganh ghét sẽ biến mất. Rồi dần dần nỗi buồn cũng sẽ biến mất.
Nếu thỏa ước thứ hai trở thành thói quen của bạn, bạn sẽ thấy là không điều gì trên đời này có thể đẩy bạn vào địa ngục. Bạn sẽ vô cùng tự do khi không bị ảnh hưởng. Bạn miễn nhiễm với ma thuật, dù nó có mạnh mẽ cỡ nào. Cả thế giới có thể bịa đặt về bạn, nhưng nếu bạn không bị ảnh hưởng thì bạn hoàn toàn vô sự. Ai đó có thể cố tình gởi thuốc độc qua nhà bạn, nhưng nếu bạn không bị ảnh hưởng thì bạn sẽ không uống món thuốc độc đó. Khi bạn từ chối uống thuốc độc, thuốc độc sẽ quay ra hành hạ người đã gởi nó cho bạn, chứ không ảnh hưởng gì tới bạn.
Bạn thấy đó, thỏa ước này cực kỳ quan trọng. Không cho phép bản thân bị ảnh hưởng giúp bạn phá vỡ nhiều thói quen và thông lệ đã giam hãm bạn vào giấc mơ địa ngục. Chỉ cần thực hành thỏa ước thứ hai, bạn sẽ gỡ bỏ được hết những thỏa ước vụn vặt thời niên thiếu. Và nếu bạn thực hành hai thỏa ước đầu tiên, bạn sẽ phá vỡ được 75% những thỏa ước vụn vặt trước đây đã giam cầm bạn vào địa ngục.
Khi thỏa ước này đã trở thành thói quen, bạn không còn tin vào những gì người khác nói hay làm nữa. Bạn chỉ tin vào bản thân để tự mình lựa chọn. Bạn không chịu trách nhiệm về hành vi của bất kỳ ai khác. Bạn chỉ chịu trách nhiệm về chính mình. Khi hiểu rõ điều này, bạn không còn bị tổn thương bởi vài câu phê bình hay cách cư xử của người khác.
Nếu bạn giữ thỏa ước này, bạn sẽ có thể đi vòng quanh thế giới với trái tim rộng mở, và không ai có thể làm bạn tổn thương. Bạn có thể nói, “Tôi yêu bạn” mà không hề lo lắng rằng mình có thể bị từ chối hay coi thường. Bạn có thể nói “được”, nói “không”, bạn có thể nói như thế nào cũng không cảm thấy tội lỗi hay bị phán xét. Bạn có thể chọn lắng nghe trái tim mình. Và rồi, dù ở giữa địa ngục, bạn vẫn cảm thấy bình an và hạnh phúc. Bạn có thể giữ mình ở trạng thái hạnh phúc mà không mảy may bị ảnh hưởng bởi địa ngục xung quanh.
Hãy viết thỏa ước này xuống, dán lên tủ lạnh để nhắc nhở mình. Không cho phép bản thân bị ảnh hưởng!