Ngày mai gã nhập ngũ. Đêm nay trăng sáng, bầu trời cao vút, xanh ngắt, thênh thang, mênh mông, vô tận. Thiên nhiên mở cho gã một tương lai sáng láng, đa chiều, nhưng cõi lòng gã thì tối đen, không có phía trước, cũng chẳng có phía sau. Gã đang lơ lửng giữa khoảng không mịt mù. Gã coi đời gã thế là hết dù rằng năm đó gã mới hai mươi tuổi. Mọi cố gắng của gã giờ đây chỉ như những chiếc bong bóng xà phòng lập lờ xanh đỏ.
Một thanh niên mới hai mươi tuổi (ấy là kể cả tuổi mụ cho, chứ theo cách tính hiện đại thì gã mới chỉ mười chín, bởi gã sinh vào mùa xuân năm Giáp Thân - tức là năm 1944) mà đã có những ý nghĩ ấy thì thật là đáng trách, đáng xấu hổ. Nhưng công bằng mà nói thì mọi người cũng phải thông cảm cho gã. Gã sinh ra trong cảnh nghèo đói. Chưa đầy hai tuổi bố gã bỏ mẹ gã và bốn anh em ra đi vĩnh viễn. Mẹ đau đớn ôm chặt gã nấc lên. Tiếng nấc tắc nghẽn trong cơn mưa tháng năm xối xả, sấm chớp xé trời. Năm mẹ con đói lả, lăn lộn bên cái xác xám xịt, gồ ghề, lòng khòng không hiểu chết vì bệnh hay vì đói. Hai năm sau, mẹ gã cũng tất tưởi ra đi. Lúc ấy gia cảnh cũng đỡ bần hàn hơn. Mẹ con gã đang ngồi ăn cơm trên cái phản gỗ xoan nhẵn bóng thì một tiếng nổ vang trời trên mặt đê Đại Hà dội vào. Trước mắt năm mẹ con bùng lên một quầng khói lửa. Gã hoảng hốt quăng đũa lao vào lòng mẹ khóc thét, các anh chị cũng cuống quýt quăng đũa bát lăn xuống đất, chui tụt vào gậm phản. Lạ thay, mẹ gã lại sung sướng cười rất giòn, ôm chặt gã, bảo: “Các con đừng sợ. Xe chở bọn Tây mũi lõ đã trúng mìn của du kích làng ta. Phen này thì chúng mày tan xác”. Thấy mẹ cười vui, gã hết sợ cũng toét miệng cười theo, rồi nhoài người cúi sát mặt phản ngọng nghịu gọi: “Anh ơi, chị ơi, lên đi, đừng sợ… Bọn mũi lõ…”. Vòng tay mẹ bỗng lỏng ra, gã chúi đầu ngã bò xoài ra đất. Chưa kịp thét lên thì mẹ gã cũng đổ nhào xuống nền nhà nhớp nháp, miệng ú ớ: “Con ơi! Các… các con…”. Các anh chị vội chui ra thì trời ơi, máu, máu. Máu lênh láng, tung tóe khắp mâm cơm, khắp nền nhà. Bốn anh em hốt hoảng vừa khóc, vừa gọi mẹ. Mặt mẹ tái nhợt, đưa mắt tìm gã. Từ trong đôi mắt đen láy của mẹ hai hàng nước mắt trào ra hòa với máu thành thứ nước lờ lờ vừa tanh, vừa mặn. Gã nhào vào mẹ. Mẹ hét lên kinh dị. Anh cả vội đẩy gã ra vì dưới bụng mẹ một mớ bầy nhầy xổ ra nền nhà, máu, nước và phân đen tạo thành một thứ mùi chết chóc, khủng khiếp. Anh em gã đang quây lấy mẹ kêu gào thảm thiết trong nỗi sợ hãi và bất lực thì may sao chú gã từ đâu chạy xộc vào. Ông định bế mẹ gã lên giường, nhưng mớ ruột bầy nhầy kéo lê trên mặt đất làm mẹ co rúm lại. Ông đành đặt mẹ gã nằm lại chỗ cũ. Dân làng bắt đầu xô tới. Lúc ấy từ trên mặt đê những viên đạn đại liên lại xối xả lao vào cái xóm nhỏ chưa đầy hai chục nóc nhà. Một số nhà trúng đạn lửa bốc cháy. Tiếng kêu la, hò hét, khóc lóc át cả tiếng súng. Có lẽ một trong những viên đạn đại liên đỏ lòe ấy đã xé tan bụng mẹ đúng lúc gã nhoài ra gọi anh chị dưới gầm giường. Năm ấy trời rét như cắt ruột. Đám ma mẹ kéo bầu trời đen kịt, gió từ ngoài sông Đuống thét gào như những bàn tay độc địa véo da, véo thịt khiến mặt ai cũng tím bầm, khô đét. Gã khóc. Mệt quá thiếp đi, tỉnh dậy, lại gào khóc. Đói. Nhớ mẹ và đói…
Đêm nay thì trăng lại sáng quá. Gã no nê trong bữa liên hoan. Nhưng cái đói năm xưa bỗng ùa về. Từng giọt nước mắt của gã rơi ra. Mười lăm năm trôi qua, trừ bữa liên hoan tối nay, đã bao giờ gã hết đói. Sau cái chết của mẹ gã, chú - người đảng viên đầu tiên của xã Đình Tân - phải đảm nhiệm thêm chức Bí thư chi bộ. Chú thím chưa có con đã phải làm bố mẹ của bốn anh em gã và hai chị con ông bác ruột. Giặc Pháp và bọn tay sai Việt gian bán nước ra sức truy lùng khiến ông như con dúi, chui lủi hoạt động và kiếm ăn nuôi tám nhân khẩu thì bảo sao anh em gã chả triền miên đói rét? Ấy thế mà chú vẫn bắt anh em gã phải học. Ngoài truyền thống gia đình và cái danh ngôn “nhân bất học, bất tri lý” chắc ông còn có lý do: Học để khỏi đói. Có học mới làm được quan cho dù là quan cách mạng, mới có việc làm danh giá, mới kiếm được tiền và cái đích cuối cùng vẫn là… khỏi đói. Vì vậy ông bắt anh em gã đói mấy cũng phải học, càng đói càng phải học. Cũng may, anh em gã thông minh nên học rất giỏi, nhất là gã… Thế mà bây giờ gã phải đi lính, phải dấn thân vào con đường gã không nên đi, con đường (theo gã) không cần quá nhiều tri thức… thì bảo sao gã chẳng thấy “lơ lửng giữa khoảng trời mịt mù”…
Đêm mười sáu trăng tròn vành vạnh. Ánh trăng càng khuya càng tỏ, càng mang dáng cô đơn, lành lạnh. Cái lành lạnh giữa tháng Năm là cái lành lạnh của cõi lòng vừa xa xăm, vừa gần gặn, vừa mơ hồ, vừa thực tế chứ ban ngày nắng như đổ lửa mà ban đêm có được cái lành lạnh ru êm cho giấc ngủ thì đã quá tuyệt vời. Chao ơi, “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”, cụ Nguyễn Du bảo thế nên tuyệt vời thì tuyệt vời thật đấy mà sao gã thấy cô đơn, lẻ loi quá đỗi. Cái cảm giác bị bỏ rơi sau ngày mất mẹ từ hôm nhận giấy gọi nhập ngũ hành hạ gã. Gã lại nhớ mẹ. Nhớ đến nao lòng. Nhiều khi gã tự hỏi vì sao bố mẹ cùng sinh ra mình mà mình rất ít khi nhớ bố. Phải chăng khi bố ra đi gã còn quá bé. Gã chưa hiểu thế nào là sự mất mát. Gã cũng chẳng để ý xem bố gã đi vĩnh viễn hay chỉ đi làm thuê làm mướn để rồi một ngày nào đó trở về dúi vào tay gã một chiếc bỏng thơm lừng, một gói kẹo vừng ngọt lịm. Còn mẹ. Chính mắt gã thấy người ta khiêng mẹ đặt vào quan tài, đậy nắp kín mít rồi phũ phàng đóng đinh chan chát mặc anh em gã thét gào thảm thiết. Từ đó gã như bước sang một cuộc đời khác: Cuộc đời của đứa trẻ độc thân. Tự tìm lấy bạn mà chơi, tự kiếm quả ổi, quả sung, con ốc, con nhái… mà lót dạ những khi chú bị truy lùng, công tác vắng nhà, ngô khoai cạn kiệt. Có lẽ vì thế mà gã luôn mặc cảm, luôn cảnh giác, luôn nghi ngờ. Cũng có lẽ vì thế mà gã tỉnh táo, nhạy bén, thông minh và sáng tạo. Gã học rất giỏi. Mãi gần mười tuổi gã vẫn chưa có nơi nào để học. Rồi chú gã bị ngã nước phải ở nhà dưỡng bệnh ba tháng. Ba tháng đủ để chú dạy cho gã biết ghép vần hai mươi tư chữ cái, biết mười con số và bốn phép tính có con số hàng chục, rồi lấy tư cách là Bí thư chi bộ xin cho gã vào thẳng lớp ba. Ông thầy nhăn mặt khi nghe lời đề nghị của chú. Nhưng gã chỉ bỡ ngỡ, đuối sức học kỳ một, sang học kỳ hai gã đã vượt lên. Hết lớp bốn, lúc ấy cả hai huyện nam phần con sông Đuống duy nhất chỉ có một trường cấp hai với ba lớp năm. Gã được tuyển thẳng. Lần này không phải với tư cách là cháu Bí thư mà với tư cách người có điểm thi tốt nghiệp cấp một cao nhất hàng huyện. Đấy, tốt xấu là hai mặt đối nghịch. Thế nhưng nhiều trường hợp nếu không có cái xấu thì cũng không có cái tốt. Xấu tốt như một cặp bài trùng, một cặp tình nhân chí ít là trong trường hợp của gã.
Tốt nghiệp cấp hai gã thi vào 7+1 sư phạm, đỗ với điểm số tót vời. Nhưng chàng trai đã mười sáu tuổi mà cân nặng mới ngót nghét ba mươi mốt ki-lô-gam nên Ban giám hiệu đành ậm ờ bảo: “Em không đủ sức khỏe”. May sao, trước đó gã đã láu lỉnh thi cả vào trường cấp ba. Hôm gã về báo tin, thím (tức vợ chú) bảo: “Ở nhà. Làm mà ăn. Không tiền đâu mà học mãi”. Chú gã không nói gì, nhìn gã nhay nháy mắt. Tối đó ông gọi hai anh gã, bảo: “Chú tuy chưa già lắm nhưng đau yếu liên miên, không làm được gì. Mấy đồng phụ cấp không mua nổi ba ngày gạo. Thím các anh không cho em đi học cũng có nỗi khổ của bà ấy. Nhưng không thể để nó ở nhà. Thôi thì anh Hai chạy cho em cái phiếu gạo (Chả là anh Hai gã ở kho lương thực huyện), còn anh cả và chú cố chu cấp cho em mỗi tháng vài đồng”. Từ khe cửa nhìn vào, bóng đèn dầu le lói, gã thấy nước mắt chú tràn xuống má, bám vào bộ râu bắt đầu lơ thơ bạc. Lòng gã đau quặn. Gã đẩy cửa xông vào, lớn tiếng: “Chú! Chú không phải lo. Em (quê gã có có thói quen con cái xưng với bố mẹ là em, gái làng dù bằng tuổi vẫn gọi trai làng là cậu, xưng cháu) sẽ đi học. Sẽ không cần tiền của ai. Chỉ xin anh Hai một, hai tờ phiếu gạo”. Nói rồi gã chạy thẳng ra đình. Đêm ấy gã không ngủ. Tỉnh táo. Đắn đo. Quyết đoán.
Tốt nghiệp lớp 10 (tức là tốt nghiệp phổ thông) gã được nhà trường chọn đi học Liên Xô. Gã mừng. Chú thím mừng. Anh chị mừng. Nhưng cái dớp ở trường 7+1 sư phạm lại cảnh tỉnh gã. Nhân có đợt đi khám nghĩa vụ quân sự, gã đăng ký khám với ý định khôn lỏi là xem có khiếm khuyết gì thì tìm cách khắc phục để đến khi khám đi Liên Xô ăn chắc trăm phần trăm. Kể cũng lạ. Từ cái cơ thể lèo khèo, cân đi cân lại cũng chỉ xấp xỉ ba mốt ki-lô-gam, chiều cao một mét bốn hai, mà chỉ trong vòng ba năm vừa học, vừa làm, vèo một cái đã thành chàng trai cao tới một mét sáu nhăm, nghiêm chỉnh năm mươi cân nặng. Và tất cả mọi chỉ số gã đều xếp hàng A1. Gã tủm tỉm cười, tập hát ca khúc “Chiều Mát-xcơ-va” bằng tiếng Nga và mường tượng tấm bằng viện sĩ.
Đùng một cái gã có quyết định nhập ngũ. Nghe nói trường hợp của gã Tỉnh đội đã sang trao đổi với bên Tỉnh ủy. Đồng chí cán bộ tổ chức Tỉnh ủy lắc đầu bảo: “Cậu ấy có vấn đề về lý lịch. Đi Liên Xô thì không được, nhưng đi bộ đội thì quá tốt”. Mộng vỡ. Gã lầm lũi như một cái bóng. Bạn gái gã cười cợt gọi gã là “viện sĩ trên mây” rồi huýt gió quay đi, đến bây giờ gã vẫn chưa gặp lại. Gã căm thù cái thông minh phản chủ của gã. Gã tìm tới một lão thầy bói. Lão thầy bói nhăn nhở phán: “Số cậu cao. Thầy chịu”. Gã căm lão thầy bói lắm. Nỗi buồn, sự thất vọng càng được nhân lên.
Đằng đông có ngôi sao không chịu nổi sự cô đơn, lạnh lẽo của bầu trời đã từ bỏ thân phận cao quý rơi về trái đất. Người ta bảo mỗi con người ứng với một ngôi sao. Gã căng mắt nhìn khắp bầu trời tìm ngôi sao của mình. Chà! Lão thầy bói bảo mình cao số thì làm sao có thể tìm thấy ngôi sao của mình, làm sao mà thấy con đường mà ngôi sao của gã một ngày kia sẽ rời khỏi bầu trời bao la tìm về chốn nhân gian?
Một tiếng gà cất lên, rồi hai, rồi nhiều chú gà đua nhau thi giọng. Mãi lúc ấy gã mới chìm vào giấc ngủ. Gã vẫn nghe thấy tiếng gà, nghe rõ tiếng những vì sao lộp bộp rơi như hồi sửa sai mưa đá. Rồi bầu trời tối sẫm lại. Xa xa một bó đuốc, không, một vì sao, cũng không phải, chỉ là một luồng sáng chập chờn trước mặt. Gã nhìn thấy một bóng người - một cụ già - một võ tướng - một ông tiên. Gã định vùng dậy, nhưng ông tiên nhẹ nhàng đặt bàn tay mát lạnh lên trán, khẽ đè gã xuống:
- Con ngủ đi. Ông thầy bói nói đúng. Con cao số, phải qua nhiều trải nghiệm. Con thông minh. Nhưng khôn lỏi không phải là hành xử của người thông minh. Tự dằn vặt, buông xuôi số phận cũng không phải là cách sống của người thông minh. Thuận theo và vượt lên số phận mới là cách ứng xử của những người thông minh.
- Cụ là ai? Là người, là tiên hay hiền triết?
- Ta là tổ phụ của con. Con đã đọc đôi câu đối ở nhà trưởng họ chưa?
- Vâng. Con đã đọc.
- Tốt!
Cụ vẫy tay. Đám mây ngũ sắc sà xuống. Bóng cụ bảng lảng, ẩn hiện quanh ngôi nhà, rồi tan vào khoảng không mờ đục.
Gã bừng tỉnh.
Mặt trời đỏ ửng phía đông.
Xa xa tiếng trống ếch, tiếng loa và tiếng những bước chân rầm rập.
***
Chú đứng đợi gã từ bao giờ. Khi mở mắt, nhìn chú gã tưởng tổ phụ vẫn đứng đó. Chú mặc bộ quần áo trắng tuy cũ nhưng giặt được nắng nên thơm tho, phẳng phiu. Người chú dong dỏng, gầy, da trắng, lộ yết hầu. Mũi chú dọc dừa, cao, nên có người lầm tưởng chú lai Tây. Mắt chú đen, sắc và rất tinh. Ông nội gã có tất cả mười hai người con, bảy trai, năm gái, chỉ có chú và bác cả là được học hành đến nơi đến chốn. Chả biết ngày xưa các cụ học thế nào mà chú cùng với ông cụ Thư xóm dưới học những mười sáu năm chữ Nho. Ông cụ Thư cũng chỉ được làm cái chân chưởng bạ. Còn chú, hồi ít tuổi đi làm gia sư một thời gian rồi tham gia cách mạng, đến đường vợ con cũng lận đận huống hồ là đường danh vọng, khoa cử. Lúc rỗi, vui, chú cháu chuyện gẫu, chú thường kể:
Thời gian chú làm gia sư, tuy ngắn ngủi chỉ vài ba năm nhưng là thời gian hạnh phúc và đáng nhớ nhất đời chú. Cụ chủ dòng dõi nhà Nho, ăn tiên chỉ làng, sinh toàn con trai, về già mới sinh cô út. Cô út được bố, các anh làm việc cho Tây quý như công chúa. Cái năm ở ta mất mùa thì bên Tiên Du lúa tốt ngàn ngạt. Chú theo mọi người sang bên ấy gặt thuê. Vì sợ đỉa nên chú ở nhà nhận chân đập lúa. Sáng hôm ấy có chiếc ô tô bóng loáng bóp còi inh ỏi, lao vào cổng. Xe đỗ. Một ông Tây và một ông ta bước ra. Ông ta bảo bọn chú ngừng đập. Mọi người cúi chào hai người. Ông người Tây cám ơn bằng tiếng Pháp, rồi lại cám ơn bằng tiếng Việt rất sõi. Thấy vậy chú buột miệng nói vài câu tiếng Pháp, đại ý là khen ông người Tây mà nói tiếng Việt giỏi thế. Ông Tây vui vẻ tiến lại bắt tay rồi khăng khăng mời chú vào nhà nói chuyện. Chú không dám. Mãi sau cụ chủ từ trong nhà bước ra ân cần mời, chú mới dám vào. Trời đất, chưa bao giờ chú thấy ngôi nhà nào to và đẹp đến thế. Liếc mắt đọc hết bốn đôi câu đối, chú biết nhà này thời Nho học có người đỗ tới Tiến sĩ. Chú khấu đầu làm lễ rồi mới thong thả bước về phía bàn uống nước. Việc làm của chú không qua mắt mọi người. Trưa ấy, cụ chủ mời chú dùng cơm tiếp khách. Buổi chiều cụ không cho chú ra sân đập lúa, bảo chú ngồi chơi hỏi chuyện. Cụ đưa đôi mắt còn rất tinh nhanh ngắm nhìn chú như kiểu người ta xem tướng rồi hỏi:
- Anh là văn sĩ, sao lại phải đi làm thuê?
- Thưa cụ. Cháu có phải là văn sĩ văn xiếc gì đâu. Cháu chỉ là học trò nghèo lỡ vận.
- Tôi biết anh đã đọc thông cả bốn đôi câu đối nhà tôi, lại nói tiếng Pháp làu làu, am tường phép tắc. Hay anh là người cách mạng?
Chú giật thót người. Thời ấy là người cách mạng thì chỉ có mà tù mọt gông. Chú đành kể hết hoàn cảnh gia đình, lại buột miệng khoe:
- Nhà cháu các cụ ngày xưa cũng có người đỗ Tiến sĩ. Hiện còn câu đối thờ ở nhà ông trưởng.
Cụ hào hứng, bảo:
- Anh có nhớ không? Đọc tôi nghe thử.
- Vâng ạ. Có hai đôi. Một đôi là: Hoàng phiệt khoa đề tam giáp bảng/ Đỉnh giang phái dẫn lục truyền hương.
Cụ vỗ đùi:
- Thế ra anh họ Hoàng. Nhà tôi đây họ Đặng. Còn đôi nữa. Anh đọc tiếp đi.
- Vâng. Đôi này treo chính giữa. Một bên là: “Nội hữu Hoàng Tiến sĩ cập đệ”, một bên là: “Ngoại truyền Đinh Thái giám phong hầu”.
Cụ sửng sốt đứng dậy, bảo:
- Chết! Tôi xin lỗi. Tôi đang đứng trước hậu duệ của bậc Tam khôi mà không biết. Thế nghĩa là các cụ bên anh cao hơn các cụ bên tôi vài bậc đấy. Ở Việt Nam ta, nhà như nhà anh đâu có mấy.
Rồi cụ nhỏ nhẹ gọi:
- Oanh ơi! Ra thầy bảo.
Cô con gái tên Oanh đi đâu giờ mới ren rén bước ra. Chao ơi, chú đi đã nhiều mà chưa đâu gặp được ai đẹp như cô ấy.
- Đây là em Oanh, con gái út của tôi. Tôi muốn nhờ anh ở lại làm gia sư chỉ bảo cho em cả Hán văn lẫn Pháp văn. Ý anh thế nào?
Chú không ngờ mình được diễm phúc ấy. Sau vài câu từ chối lấy lệ, chú đồng ý.
Rồi chuyện gì đến ắt phải đến. Năm sau chú thành con rể với điều kiện là phải ở rể. Chẳng cần suy nghĩ, chú vội gật đầu. Đám cưới theo đúng lệ. Mọi chi phí đều do nhà gái chu cấp. Bên nhà trai chỉ có bà nội già yếu không sang được, còn đầy đủ các bác, các chú. Năm sau, thím sinh con trai. Cuộc sống như thiên đường, cho đến khi bác cả bị người ta xúc phạm. Họ bảo mang tiếng họ Hoàng văn võ lẫy lừng mà phải cho em đi ở rể, khác nào “Chó chui gầm chạn”. Bác cả phẫn uất cho họp họ, mỗi người một ít dựng ba gian nhà tre, vách đất, bắt chú phải đưa vợ con về. Chú thím đành từ bỏ lầu son gác tía, kẻ hầu người hạ. Ông cụ bịn rịn nắm tay chú bảo: “Tôi biết chuyện này trước sau gì cũng sẽ xảy ra. Chỉ mong anh chị thương nhau mãi mãi”. Rồi dúi vào tay chú một bọc tiền vàng. Nhưng vì sĩ diện mà chú nhất định không chịu nhận, chỉ xin một đồng bạc trắng hoa xòe làm kỷ niệm. Ông cụ buồn bã thở dài.
Ba tháng sau, con chú lên đậu. Nó không qua khỏi. Mất con, lại không quen chịu khổ, thím Oanh viết thư để lại, trốn về nhà đẻ. Chú thì không thể lại sang ở rể lần nữa, cũng không thể quên được thím thành ra chuyện vợ con cứ lận đận, mãi sau này mới gặp được thím Thu…
Nghe chuyện chú, tuy còn bé nhưng nước mắt gã cứ giàn giụa. Gã thương chú, thương em và thím Oanh lắm. Gã tự thề lớn lên sẽ tìm sang Tiên Du thăm thím, nếu thấy thím khổ sẽ đón về chăm sóc coi như mẹ của mình...
Còn giờ đây gã vẫn bâng khuâng về giấc mộng. Gã ngồi dậy, kể tỷ mỷ cho chú nghe. Chú bảo: “Chắc là cụ tổ Tam khôi”, rồi thong thả kể.
***
Khoảng hơn hai trăm năm về trước, ở làng Ngọc Bút, huyện Đô Lương có một gia đình đẻ sinh đôi hai anh em trai. Người anh là Hoàng Đình Sơn, người em là Hoàng Đình Thủy. Năm Mậu Tuất, người cha lều chõng ra Đông Kinh ứng thí, không hiểu sao không thấy trở về. Người mẹ, chờ đợi mỏi mòn, buồn đau sinh bệnh, qua đời. Ông nội phải gà trống nuôi dạy hai cháu nhỏ. Rất may hai anh em đều khỏe mạnh, học rất giỏi, văn võ toàn tài, nức tiếng cả vùng xứ Nghệ. Khoa thi năm Bính Thìn (1736) hai anh em lại lều chõng ra Đông Kinh dự thi, cả hai đều đỗ đầu khoa thi Hội cùng được vào thi Đình. Họ tự tin sẽ đoạt Tam khôi nên vô cùng phấn khởi. Trước ngày thi cuối cùng trong phủ chúa, hai anh em rủ nhau đi thăm Tứ Trấn. Mải mê thăm thú, mãi tới chiều tối mới tới đền Trấn Vũ. Mưa lất phất. Gió từng cơn lạnh buốt. Sương giăng bảng lảng. Ánh đèn, nến leo lét, chập chờn vờn sóng mặt hồ. Hai người đi sát vào nhau cho đỡ rét, vừa đi vừa cảm hứng đọc bài thơ “Dâm Đàm đông thi ký” thì bất ngờ một đám lính ập tới, giáo gươm loảng xoảng. Viên chỉ huy hất hàm hỏi:
- Giờ này còn đi đâu?
- Chúng tôi đi thăm Tứ Trấn.
- Biết giờ này là giờ nào không?
- Đầu giờ Dậu.
- Nói láo. Giờ Tuất.
- Mùa đông, trời tối sớm, chứ thực ra mới chỉ đầu giờ Dậu.
Viên chỉ huy gầm lên:
- Chúng mày là ai mà dám cãi quan quân?
- Chúng tôi là học trò về kinh ứng thí. Nhưng dẫu là ai chúng tôi vẫn có quyền cãi điều vô lý…
- Này thì có quyền này…
Viên chỉ huy thẳng cánh tát vào mặt người đối diện. Nhưng bàn tay to đùng chưa chạm vào mặt ai thì đã bị một bàn tay nhỏ nhắn, trắng trẻo, cứng như sắt gạt ra. Viên chỉ huy nổi khùng, hét:
- Giết!
Tức thì cả đám lính xông vào. Chúng đâu biết đã đụng vào mãnh hổ. Chỉ sau vài khắc cả đám lính đã ngã lăn quay. Một người đưa tay nhấc bổng viên chỉ huy dằn từng tiếng:
- Làm quan phải biết thương dân. Làm quân phải tường lẽ phải. Ức hiếp dân lành, chúng bay biết phạm tội gì?
Viên chỉ huy rúm người, van lạy xin tha, hứa không bao giờ tái phạm.
Hôm sau, cả trường thi nhốn nháo. Sau khi thu ống quyển, quan chủ khảo bắt các thí sinh bỏ mũ, đứng cả nửa canh giờ để mấy tên lính ngó nghiêng tận mặt. Một tên, chính là viên chỉ huy đám lính ở đền Trấn Vũ tối qua, đến trước mặt Hoàng Đình Thủy. Gã nhếch mép cười. Điệu cười vừa nham hiểm, vừa đểu cáng.
Khi hai anh em về tới nhà trọ thì đã có đám lính chắn ngang trước cửa. Vẫn viên chỉ huy ban nãy nhếch mép cười: “Chúng ta lại gặp nhau”.
Hoàng Đình Thủy định nhảy vào đánh cho bọn chúng tơi bời, nhưng anh (Hoàng Đình Sơn) ngăn lại. Anh bước tới bảo gã:
- Ông biết rồi đấy. Đám lính này không làm gì được chúng tôi đâu. Nhưng chúng tôi ra đây ứng thí chứ không phải ra đây đánh nhau. Mong ông lượng thứ, đừng làm khó chúng tôi.
Viên chỉ huy có vẻ lưỡng lự thì từ đầu ngõ vang lên một tiếng quát:
- Khoan. Ai bảo không ai làm gì được các ngươi? Còn ta đây.
Đám lính vội quỳ sạp xuống đất. Hai anh em quay về phía có tiếng quát đanh, sắc như nhát gươm chém đá thì thấy một người bận võ phục, to lớn, trắng trẻo, đôi mắt xếch ngược nhưng đôi môi thì đỏ thắm như môi thiếu nữ. Người này không thể đoán tuổi bởi nét mặt thì già dặn nhưng không hề có lấy một sợi râu, tướng mạo thì uy dũng, tiếng nói vang như sấm nhưng giọng kim át giọng thổ, không phải âm điệu của người đàn ông đích thực.
Người ấy tiến sát hai anh em, hất hàm bảo:
- Trong hai ngươi ai là người có thể thi đấu với ta. Hay ta chấp cả hai?
- Tôi.
Hoàng Đình Thủy lên tiếng. Nhưng Hoàng Đình Sơn ngăn lại, bảo:
- Chúng tôi tuy bất tài nhưng cũng sẵn sàng lĩnh giáo. Nhưng chúng tôi phải biết ông là ai, vì sao lại đòi giao đấu với chúng tôi?
Người ấy ngửa mặt cười lớn, bảo:
- Cả xứ đàng trong lẫn xứ đàng ngoài ai mà chả biết ta, chỉ có hai ngươi không biết, thế mà cũng dám ra tận Đông Kinh ứng thí. Ta nể hai ngươi là người cùng họ. Chưa biết chừng vài trăm năm trước, ta với các ngươi lại cùng một gốc. Càng vậy ta càng không thể tha thứ cho cái tội bất kính của hai ngươi.
Hoàng Đình Sơn ngập ngừng hỏi:
- Có phải ngài là Thống lĩnh vệ quân phủ chúa Hoàng Công Phụ?
Người ấy lại ngửa mặt cười lớn:
- Coi như ngươi có mắt. Còn ngươi - Phụ chỉ vào Hoàng Đình Thủy - nếu đã biết ta sao không quỳ xuống xin tha tội?
Hoàng Đình Thủy quắc mắt quát lại:
- Quỳ xuống à? Chẳng qua ngươi chỉ là tên quan hoạn lộng quyền. Ta phải cho ngươi biết họ Hoàng ta không có kẻ vô liêm sỉ như ngươi.
Lời nói như mũi giáo sắc nhọn đâm trúng nỗi đau càng lúc càng nhức nhối của kẻ đã tình nguyện vứt bỏ thiên chức, vứt bỏ một phần thân thể cha mẹ khó nhọc sinh ra để bây giờ đàn ông không ra đàn ông, đàn bà không ra đàn bà, không có tương lai, mất nòi mất giống chỉ để vinh thân phì gia khiến Hoàng Công Phụ nổi điên tuốt gươm nhằm Hoàng Đình Thủy chém tới. Thủy né người, tung cước trúng tay Phụ. Cú kình sơn uy vũ khiến tay Phụ tê dại, thanh kiếm bay vù lên nóc nhà trọ. Hai người sáp lại như hai mãnh hổ. Kẻ chín, người mười, quần thảo mấy canh giờ, bất phân thắng bại. Hoàng Công Phụ kinh qua bao nhiêu trận mạc, giao đấu với đủ các hạng người chưa hề gặp ai như vị thiếu niên này. Còn Hoàng Đình Thủy tuy ít có kinh nghiệm thực chiến nhưng học hành bài bản, tiếp xúc với nhiều môn phái đặc biệt võ xứ Nghệ gia truyền, cộng thêm sức trẻ nên có phần lấn lướt. Người kinh đô vốn hiếu kỳ, nhất là khi biết một trong hai người đang đánh nhau lại là hoạn quan Hoàng Công Phụ, kẻ bị người Đông Kinh mỉa mai gọi là “thần chết không vòi”. Chả mấy chốc khu phố chật ních. Tiếng hò reo vang khắp Đông Kinh. Quân phủ chúa, quân thánh dực, quân tứ trấn ào ạt kéo vào. Vó ngựa dồn dập, gươm tuốt sáng lòa. Hoàng Đình Sơn vô cùng lo lắng, không dám vào trợ chiến, cũng không có cách nào kéo được em ra. Nguy cơ Thủy bị bắt hiện ngay trước mắt. Phía đầu đường một đám kỵ mã lao qua đám đông xông tới. Đấy là vệ binh phủ chúa. Phía cuối đường một tốp kỵ binh rẽ đám đông tiến vào. Đấy là quân thánh dực. Khi vệ binh phủ chúa vây lấy Hoàng Đình Thủy cũng là lúc quân thánh dực do một vị tướng dáng mạo nho nhã thư sinh sáp lại gần. Mọi người nhốn nháo chỉ trỏ. Mấy cụ già vòng tay cung kính. Có tiếng ai hô to: “Hoàng thân! Người hãy cứu cậu học trò này”. Đám đông hùa theo: “Cứu. Cứu người vô tội”. “Đánh chết tên hoạn quan tàn ác đi”. “Đả đảo hoạn quan”…
Người mà ai đó gọi là Hoàng thân chính là Hoàng tử Lê Duy Mật, con vua Lê Dụ Tông. Duy Mật căm ghét chúa Trịnh lộng quyền, giết vua anh là Lê Duy Phương, đã có liên kết với các hoàng tử khác như Lê Duy Quý, Lê Duy Chúc chuẩn bị một đạo quân lấy danh nghĩa là quân thánh dực để lật đổ chúa Trịnh. Phương châm hành động của Mật là phải chắc thắng, nghĩa là phải có cơ hội, vệ binh nhà chúa suy yếu và cố kết lòng người. Nhưng cơ hội thì chưa đến, lòng người thì phần lớn hướng về nhà Lê nhưng sợ oai nhà chúa nên e ngại, lừng khừng, vệ binh nhà chúa thì ngày càng đông, càng mạnh, nhất là từ khi viên hoạn quan Hoàng Công Phụ làm thống lĩnh, quyền ngang nhà chúa. Mật căm ghét Phụ không kém gì căm ghét chúa. Phụ cũng không ưa gì Mật. Nhưng Mật là Hoàng thân nên Phụ ngoài mặt vẫn có phần kiêng nể.
Hoàng thân thấy Hoàng Đình Thủy cao lớn, trắng trẻo, dáng vẻ thư sinh mà võ nghệ oai dũng như Lã Bố thì trong lòng yêu mến lắm, bèn hô lớn:
- Dừng!
Đang bị dồn vào chân tường, Phụ có cớ nhảy phắt ra ngoài. Thủy thì vừa đánh vừa lo tính kế tháo lui, nhất là khi thấy quan quân vây chặt nên cũng vội vàng nhảy lui, biến vào đám đông. Bọn vệ binh định đuổi theo, nhưng Phụ đã quát quay lại.
Đêm ấy hai anh em bí mật rời khỏi Đông Kinh chẳng bụng dạ nào chờ xem yết bảng.
***
Lại nói về kỳ thi Đình năm Bính Thìn. Theo thông lệ thì thi Đình được tổ chức tại sân rồng, tức là cung Vua Lê, nhưng Trịnh Giang muốn tỏ rõ uy quyền, lại thêm sự xúi giục của hoạn quan Hoàng Công Phụ nên nhà chúa ra chỉ lệnh cuộc thi năm ấy tổ chức tại phủ chúa, số người tham dự không quá bốn chục. Ban giám khảo chọn được mười bảy bài dâng lên chúa. Chúa Trịnh Giang là người say mê thi, ca, nhạc, họa, am tường niêm luật các thể thơ, am tường âm luật, khi ngẫu hứng còn sáng tác nên rất coi trọng những bài văn hay. Khi xem tới bài thi của Hoàng Đình Sơn, Hoàng Đình Thủy, Giang vỗ đùi đen đét sai gia nô chấm mực đỏ chi chít khuyên những vòng tròn. Xong xuôi cho gọi Ban giám khảo và cao hứng bảo:
- Năm nay trời đất linh thiêng, tổ tiên phù hộ, nên có lắm nhân tài. Ta đã chọn được hai vị văn chương trác tuyệt, lý giải kỳ diệu, chữ viết như long như phụng xứng là Trạng.
Cả Ban giám khảo không ai nói gì, vội vàng quỳ lạy, chúc mừng, rồi lần lượt rũ áo ra về.
Trịnh Giang vẫn chưa hết hứng, đang đọc lại bài thi của Hoàng Đình Thủy thì Hoàng Công Phụ xin vào yết kiến. Trịnh Giang cười lớn, khen:
- Kỳ này ta phải thưởng lớn cho khanh. Đúng là chỉ có nhà chúa ta tổ chức mới chọn được những tài năng này. Đây, khanh xem bài của hai người này đi.
Công Phụ đưa tay đỡ. Nhác nhìn thấy bức họa chân dung, Phụ đã giật mình. Nhầm làm sao được. Con mắt này, mái tóc này, cái miệng này không lẫn vào đâu được. Đúng là một nhân tài. Phụ khâm phục lắm. Nhưng nỗi uất hận bị sỉ nhục, uất hận vì quá lép vế trong trận tỷ võ khiến Phụ bầm gan tím ruột. Cố nén giận, Phụ đọc hết hai bài, lại xin mượn tất cả những bài còn lại, rồi xin phép ra về, nghĩ kế.
Hôm sau, Phụ vào chầu sớm. Gã tỷ tê kể lại câu chuyện từ hôm đám lính gặp hai người trêu ghẹo đàn bà ở đền Trấn Vũ, đến hôm hai người thi xong trở về nhà trọ. Gã bịa ra rằng hai người rất tự phụ, ăn nói ngông cuồng, dám vỗ ngực văn hơn Ức Trai, võ hơn Lê Sát, mưu lược chẳng thua gì Khổng Minh Gia Cát bên Tàu. Trận thư hùng giữa gã và hai người chưa kịp phân thắng bại thì Hoàng thân Lê Duy Mật tuốt gươm lao tới khiến gã thất thế phải chịu thua. Gã vu Lê Duy Mật chỉ tay vào gã mà mắng rằng:
- Võ như ngươi mà dám nghênh ngang đòi giúp chúa bình thiên hạ, lấn át nhà Lê. Đúng là thầy nào trò ấy, một lũ ngu dốt, bất tài…
Trịnh Giang tái mặt hỏi lại Phụ một lần nữa, rồi bảo:
- Gã Hoàng thân cứ để đấy, trước sau gì cũng bị trừng trị. Còn hai gã thư sinh thì…
Giang vẫn tỏ ra luyến tiếc nhân tài, nói tiếp:
- Có cách nào thu phục về ta?
- Bẩm. Hai tên này là hai anh em sinh đôi, nhưng mọi thứ chẳng giống nhau, từ khuôn mặt, tính nết đến tài năng. Hoàng Đình Sơn thì mặt trái xoan, mắt dài. Hoàng Đình Thủy thì mặt vuông, mắt xếch. Tính nết thì Sơn hòa dịu, biết dưới biết trên, còn Thủy thì ngông cuồng, ngang ngược, coi thường vương pháp. Tài năng Sơn cũng hơn hẳn Thủy. Theo ngu ý của thần thì ta nên lấy Hoàng Đình Sơn đỗ Trạng, còn Hoàng Đình Thủy phải phạt nặng để giữ nghiêm phép chúa.
- Nhưng ta muốn khoa này có hai Trạng. Khanh xem, từ sau năm Bính Dần thời vua Trần Thánh Tông thi Thái học sinh lấy đỗ hai Trạng nguyên vì phân chia theo vùng thành Kinh và Trại, cho đến nay gần năm trăm năm có triều đại nào dám lấy một khoa hai Trạng. Nhưng ta dám. Ta muốn sánh ngang hai vị vua sáng thời Trần, ta muốn hậu thế ghi tạc công đức của ta.
- Chúa nói phải. Đêm qua thần đã đọc hết bài của các thí sinh. Thần thấy Trịnh Tuệ quê xứ Thanh ta cũng là người có tài, tuổi ngót tứ tuần, vô cùng chững chạc, sau này có thể đảm đương vai Tể tướng, lại cùng dòng máu nhà chúa.
Trịnh Giang tỏ vẻ vẫn luyến tiếc Hoàng Đình Thủy, nhưng nghĩ tới những kẻ phản thần càng có tài càng khó trị nên đành gật đầu, bảo Phụ nhanh nhanh cho yết bảng.
Phụ mừng lắm. Thế là đã trả được nhục. Nhưng Hoàng Đình Thủy phải chết. Người thiếu niên tài hoa này còn thì Phụ nhất định chẳng được yên thân.
***
Về phần hai anh em Hoàng Đình Sơn, Hoàng Đình Thủy. Sau những gì xảy ra ở Đông Kinh, biết rằng chẳng thể thoát khỏi bàn tay tên hoạn quan Hoàng Công Phụ nên nhanh chóng về quê. Họ Hoàng Đô Lương là một họ to, riêng làng Ngọc Bút đã có mấy trăm suất đinh. Ngọc Bút là một làng cổ, nằm giữa trấn, đất đai phì nhiêu, lên rừng xuống biển đều thuận. Làng có bốn dòng họ, chủ yếu là họ Hoàng Đình và họ Đinh. Họ Đinh có nguồn gốc từ Ninh Bình, vào lập nghiệp ở Ngọc Bút từ mấy trăm năm trước. Họ Hoàng mãi những năm cuối thế kỷ XVI mới từ Đông Kinh kéo vào. Số người này phần lớn là dòng dõi Hoàng Quận công, do Quận công tư tình với vợ Mạc Kính Chỉ mà lâm trọng tội, gia quyến phải tìm đường thoát nạn. Ngoài ra cũng không ít người là người họ Mạc, nhìn thấy sự sụp đổ của triều Mạc, sợ bị Lê - Trịnh trả thù bèn đổi thành họ Hoàng (do chữ Mạc và chữ Hoàng gần giống nhau) mà trốn đi. Họ Hoàng từ kinh thành vào hầu hết là quan lại hoặc người giàu có nên khi tới Ngọc Bút họ bỏ tiền tậu đất, xây cất nhà to, thuê mướn gia nô, có nhà còn chiêu mộ dân ly tán lập gia binh thực hiện phép “Ngụ binh ư nông” vừa sản xuất vừa luyện rèn võ nghệ, sẵn sàng ứng phó khi có biến. Ngọc Bút như có phép thần bỗng dưng khang trang, to đẹp, bề thế nức tiếng khắp vùng Thanh - Nghệ.
Khi hai anh em Hoàng Đình Sơn, Hoàng Đình Thủy về tới làng thì ở quê không biết từ nguồn tin nào đã tỏ tường mọi chuyện. Vài hôm sau lại có tin báo về: Đông Kinh đã yết bảng. Có bốn người cùng đỗ Tam khôi gọi là Tiến sĩ Cập đệ. Hoàng Đình Sơn và Trịnh Tuệ cùng đỗ Đệ nhất giáp, cùng được ban mũ áo Trạng nguyên. Hoàng Đình Thủy thì đang bị quan quân truy nã vì tội khi Quân phạm thượng.
Trưởng họ Hoàng là một cụ già đã từng đỗ đầu thi Hội khoa Canh Tuất (1670) dưới thời chúa Trịnh Tạc, nhưng triều đình không tổ chức thi Đình nên bất mãn về quê dạy học và làm thuốc. Năm ấy cụ đã suýt trăm tuổi, râu tóc bạc phơ nhưng da dẻ vẫn hồng hào, đôi mắt sáng quắc, đôi tay vẫn nhấc nổi cây trường thương nặng ngót trăm cân. Cụ chính là ông nội của hai anh em Hoàng Đình Sơn và Hoàng Đình Thủy.
Khi nghe tin Hoàng Đình Sơn đỗ Trạng nguyên, Hoàng Đình Thủy bị truy nã, cụ liền nổi trống, mời tất cả tráng đinh họ Hoàng, còn mời cả mấy vị thông gia họ Đinh. Khi tất cả đã an tọa, cụ đứng lên hoan hỷ, bảo:
- Thế là họ nhà ta đã có người đỗ Trạng. Thay mặt họ Hoàng xin kính mời tân quan Trạng lên ghế đỏ an tọa.
Hoàng Đình Sơn mặt đỏ như gấc, bẽn lẽn, không dám lên. Cụ trưởng họ phải đích thân xuống tận nơi, bảo:
- Ở nhà, cháu là cháu nội ta. Ở ngoài, cháu đã là Quan Trạng. Từ thời Thái Tổ đã định rõ luật: Đỗ Tiến sĩ dân làng phải đón rước, định thổ, cất nhà cho quan Nghè. Đỗ Trạng nguyên dân làng (bất phân thân sơ) phải hành lễ như hành lễ với quan nhất phẩm. Tuy không làm quan, nhưng công ơn của tiên đế đánh đuổi giặc Minh, giành lại giang sơn, mấy trăm năm yên bình hưởng lạc khiến ông không thể nào trái mệnh. Vì thế cháu phải lên ngồi ghế đỏ để mọi người hành lễ.
Bấy giờ Hoàng Đình Sơn mới dám bước lên. Các cụ cao niên, rồi lần lượt các trai đinh, lúc sau thì cả làng vào hành lễ.
Phải vài canh giờ cuộc hành lễ mới xong. Bấy giờ cụ trưởng họ mới nói:
- Thưa các cụ cao niên. Thưa toàn thể dân làng. Ngọc Bút ta bao đời trung hậu, hiếu học, nay đã thành kết quả. Làng ta đã có một người đỗ Trạng nguyên. Làng ta còn một người xứng đáng nữa. Đấy là cháu Hoàng Đình Thủy. Nhưng tên hoạn quan Hoàng Công Phụ tạo cớ gắp lửa bỏ tay người, kết oán kết thù, nay lại giả danh chúa ban lệnh truy nã. Trước sau gì lệnh ấy cũng sẽ tới. Liệu dân làng ta, liệu dòng họ Hoàng có chịu hy sinh một con người tài năng, đức độ như Hoàng Đình Thủy hay không?
Mọi người ồn ào bàn tán. Có ai đó nói lớn:
- Không. Không bao giờ Ngọc Bút lại để tên hoạn quan thối tha làm nhục.
- Cứ để lão hoạn quan ấy vô đây. Người Ngọc Bút biết cách nói chuyện bằng gươm giáo.
- …
Các cụ già im lặng vuốt râu suy nghĩ. Đám thanh niên hừng hực, phẫn nộ. Một chàng trai đen nhẫy, cơ bắp cuồn cuộn nhảy lên sân khấu, chắp tay xá Hoàng Đình Sơn và cụ trưởng họ rồi hăng hái nói:
- Tôi nghĩ sự việc đã hai năm rõ mười. Vua Lê mất quyền, chúa Trịnh suy đồi, tự tung tự tác, giết vua nọ, bỏ vua kia, ăn chơi sa đọa, ngang nhiên mang thi Đình về phủ, muốn ai đỗ được đỗ, bắt ai trượt phải trượt. Chú Hoàng Đình Thủy tài ba, đức độ thế nào không chỉ Ngọc Bút biết mà cả xứ Nghệ này đều biết. Thế mà bị đánh trượt, lại còn bị truy nã. Người xưa dạy muốn phòng người khác không gì bằng “tiên phát chế nhân”, ta nổi lên vũ trang khởi nghĩa. Dẫu không thành công thì cũng thành nhân…
Cụ trưởng họ đứng phắt dậy:
- Sao con dám nói những điều đại nghịch vô đạo? Con muốn họ Hoàng ta rơi vào họa tam tộc bị tru di hay sao?
Đám đông lại la ó, cho rằng nổi lên chống lại một chế độ bất công, thối nát, mục rữa là phải đạo, là hợp lòng người, là tri ân đức Thái Tổ nhà Lê. Bàn ra tán vào suốt mấy canh giờ. Cuối cùng Hoàng Đình Thủy lên tiếng:
- Thưa cụ trưởng họ. Thưa các vị bô lão. Thưa bà con cô bác. Những rắc rối khiến cả làng, cả họ phải lo, đều từ cháu mà ra. Cháu xin nhận lỗi. Cháu cũng xin chịu trách nhiệm về những việc làm của mình. Cháu không sợ chết, cũng không chịu nhục. Nếu vì thù riêng mà tên hoạn quan Hoàng Công Phụ đem quân vào đây cháu sẽ chiến đấu đến giọt máu cuối cùng. Nếu ai vì lẽ công bằng, vì tình thương yêu, mà cứu giúp, cháu xin cảm tạ.
Lời nói của Hoàng Đình Thủy đã động đến tình cảm, ý chí và lòng tự trọng của dòng họ Hoàng, của dân Ngọc Bút nên tất cả rùng rùng đứng dậy, hô vang:
- Chủ tướng Hoàng Đình Thủy!
- Phù Lê diệt Trịnh. Diệt Trịnh phù Lê.
Những người quá khích còn hô vang: “Hoàng Đình Thủy vạn tuế! Chủ tướng vạn tuế!”.
Cụ trưởng họ không ngờ sự việc ra nông nỗi này, cúi mặt mà than rằng:
- Than ôi! Tránh sao được họa diệt tộc. Chả lẽ họ Hoàng phải tan đàn xẻ nghé từ đây. Đau xót quá…
Đêm ấy cụ cho gọi trưởng của mười sáu chi tộc đến nhà thờ, vào hậu cung bàn bạc. Việc khẩn cấp bây giờ là làm sao giữ được dòng tộc. Mỗi người mỗi ý, đến nửa đêm thì thống nhất: Mỗi chi lựa chọn ít nhất ba Hoàng nam, đem theo con trai, toàn bộ gia sản và bộ “Hoàng tộc gia phả”, tự lựa họ mà đổi, một nửa vượt sông Gianh vào Nam theo chúa Nguyễn, một nửa ra Bắc ẩn cư. Mai sau tình hình yên ổn thì lại tìm về Ngọc Bút. Còn nếu gặp họa diệt tộc thì phải giữ kín phần gia phả gốc, lập gia phả mới, coi mỗi người ra đi như thủy tổ của dòng họ mới, nhưng không bao giờ được quên họ Hoàng của Hoàng Quận công trên đất Ngọc Bút này.
Năm ngày sau, bốn mươi tám gia đình lần lượt tới nhà thờ khấu đầu bái lạy tổ tiên rồi đi khắp làng từ biệt. Nước mắt nhuộm mờ khuôn mặt những người ra đi và những người ở lại. Ngọc Bút như có đại tang.
Hoàng Đình Sơn không nằm trong số những người phải ra đi nhưng lại xin với cụ trưởng họ (cũng tức là ông nội) được đưa vợ và hai đứa con một trai, một gái về bên quê ngoại rồi quay lại Đông Kinh đem sự việc tâu bày với Vua Lê, hy vọng vào quyền lực (mặc dù quyền lực Vua Lê chỉ như bong bóng xà phòng), hy vọng vào sự công bằng và chính nghĩa cho dù công bằng và chính nghĩa đang bị một chế độ thối nát, sắp đến ngày tàn coi không bằng một đồng chinh.
Tân quan Trạng ra đi vào giữa mùa xuân năm Vĩnh Hựu thứ ba dưới thời vua Lê Duy Thận, với bao nỗi niềm, đau khổ, xót xa nhưng cũng đầy hy vọng. Hai chữ Trung Quân vẫn cố hữu trong đầu những Nho gia. Họ coi đó là lẽ sống, là yêu nước, thương nòi, là chính danh quân tử… Ngoài ra là danh vọng. Danh vọng như lớp sương mù bủa vây trí tuệ, cho dù đó là trí tuệ của một Trạng nguyên. Ngài không biết rằng đường tới kinh đô cũng là con đường dẫn ngài xuống địa ngục.
Khi quan Trạng đang ở lưng chừng dốc Tam Điệp thì tiếng quân reo, ngựa hý đã sầm sập đổ khắp đỉnh đèo. Quan Trạng vẫn vững niềm tin. Một tiếng quát giọng kim đanh sắc, bắt quan Trạng ghìm cương. Tiếng cười man dại âm âm khắp núi, khắp rừng:
- Xin kính chào quan Trạng tân khoa. Chẳng hay quan Trạng có còn nhận ra Hoàng mỗ?
Hoàng Đình Sơn hơi lúng túng, nhưng ngài lấy lại bình tĩnh bảo:
- Đã nhận ra ta, sao không xuống ngựa hành lễ?
Tiếng cười man dại lại vang lên. Hoàng Công Phụ cười. Cả vạn quan quân cùng cười. Cỏ cây và cả dãy núi đá như những bức trường thành vững chãi cũng rung lên.
- Ngươi tưởng ngươi là quan Trạng thật à? Chẳng qua ngài Uy Nam vương say mê văn chương, âm nhạc nên đã lấy cả hai anh em ngươi đỗ Trạng. Nhưng Trạng phải biết trung quân, am tường phép tắc chứ đâu lại hỗn xược, “khi quân phạm thượng” như anh em nhà ngươi. Giờ đây chỉ có ngài Trịnh Tuệ tài hoa mới là Trạng nguyên, mới là người đứng đầu văn nho thiên hạ. Còn lũ ngươi phải chết!
Lúc ấy Hoàng Đình Sơn mới hiểu rõ sự tình, mới biết mình và cả dòng họ đang như con tàu nhỏ nhoi giữa phong ba mênh mông biển cả. Rất may ông nội đã vô cùng sáng suốt, giờ đây bốn mươi tám vị Hoàng nam đã rải khắp trong Nam ngoài Bắc, là niềm hy vọng của dòng họ. Giờ đây Ngài đang đối diện với bộ mặt thối tha của cả một đế chế bạo tàn, vô lý, sắp đến ngày tàn. Ngài sẽ đại diện cho dòng họ, cho em trai, cho dân làng Ngọc Bút chiến đấu cho chính nghĩa, cho lương tri và cho sự tồn vong của dòng họ Hoàng danh giá. Hoàng Đình Sơn ngước mắt nhìn bầu trời vòi vọi, nhìn dãy Tam Điệp mướt xanh giữa mùa xuân ngập tràn hoa lá, rồi quay về Nam chắp tay vĩnh biệt quê hương, vĩnh biệt ông nội già nua mấy chục năm tảo tần nuôi cháu, vĩnh biệt đứa em trai tài hoa, khí khái.
Hoàng Công Phụ tưởng ngài tân Trạng nguyên định tìm đường thoát thân nên lại càng cười to, tỏ vẻ cảm thông, bảo:
- Này! Ta bảo thật. Biết điều thì xuống ngựa, quỳ lạy ta chín lạy rồi ngoan ngoãn dắt cương đưa ta về sào huyệt tên nghịch tặc Hoàng Đình Thủy, may ra ta sẽ tha cho tội chết…
Gã chưa dứt lời thì cú song phi móc thẳng vào yết hầu đã khiến gã bay khỏi ngựa, rơi xuống vực thẳm. Do quá uất hận mà cú đá quá đà khiến Hoàng Đình Sơn cũng lao ra gần miệng vực. Nhanh như chớp ngài túm được một cành cây. Rắc. Cành cây gãy. Ngài ngã xuống mặt đường, chưa kịp bật dậy thì hàng chục ngọn giáo đã lao tới. Một ngọn đâm trúng bả vai phải, máu vung đỏ khắp mặt đường. Ngài bật dậy. Cú đá bạt phong khiến cả chục tên bay xuống vực. Bọn lính sợ hãi dạt ra, rồi theo lệnh một tên tướng khác lại ùa vào. Hết đợt này sang đợt khác, bao nhiêu tên bị ngài hạ gục. Nhưng một đội quân đông cả vạn người dẫu bất tài cũng không thể bị một người đánh bại. Hoàng Đình Sơn đã trúng bao nhiêu mũi giáo. Nhưng ngài vẫn như mãnh hổ. Bọn lính bèn dãn ra tập trung cung tên bắn như mưa. Ngài đứng sững giữa núi rừng Tam Điệp, chi chít mũi tên cắm trên thân thể. Hồn ngài đã về trời mà thân xác vẫn như hóa đá chắn ngang con đường độc đạo, ngăn bọn vệ binh tràn vào quê hương, xứ sở.
Bọn vệ binh không dám bước qua xác ngài. Một số tên ngơ ngác, nhìn trước nhìn sau rồi quỳ sạp xuống mặt đường sì sụp bái lạy, mong quan Trạng tha thứ, thông cảm, đừng bắt tội chúng. Cả đoàn quân khựng lại, tên phó thống lĩnh phải ra lệnh hạ trại, cho người xuống vực tìm xác tên hoạn quan Hoàng Công Phụ. Nhưng sống chết có số. Tên Phụ trúng cú song phi sấm sét của Hoàng Đình Sơn bay xuống vực. Một lùm cây xanh tốt chằng chịt sợi tơ hồng đã cứu gã. Gã nằm bất tỉnh nhân sự, lại nhờ vòng đai đồng của áo giáp giúp cổ gã không bị đứt lìa, cái lưỡi gã cũng không bị hai hàm răng nghiến đứt. Sau nhiều canh giờ tìm kiếm, gã cũng được đưa lên bờ. Tỉnh lại, gã lập tức ra hiệu tiến binh. Gã quyết trả thù. Với cả vạn tinh binh, gã tin là chỉ một trận sẽ diệt tan Hoàng Đình Thủy.
Khoảng mười ngày sau Hoàng Công Phụ mới tới Đô Lương. Trận huyết chiến xảy ra ngay khu vực công đường. Quân khởi nghĩa đã ém quân mai phục. Phụ mất quá nửa quan quân, lương thực bị cướp sạch, lại suýt nữa trúng trường thương của Hoàng Đình Thủy nên sợ quá đành hậm hực lui binh về trấn Thanh Hóa xin viện binh. Viên Đô tổng binh sứ ty Thanh Hóa là người chính trực, liêm khiết, rất ghét bọn tham quan ô lại, từ lâu đã khinh ghét Hoàng Công Phụ, nên khi Phụ tới, Đô tổng tỏ ra lạnh nhạt, lại bảo còn phải tiễu trừ bọn man tộc mãi trên biên giới Ai - Lao mà thoái thác. Phụ đành cho quân nghỉ vài ngày rồi kéo về kinh.
Lúc bấy giờ các nơi đâu đâu cũng mất mùa, đói kém tràn lan, bọn quan lại lại hà hiếp, cướp bóc, dân đen khốn khổ nên khắp nơi nổi lên chống lại nhà Trịnh. Tháng Chín năm Đinh Tỵ, nhà sư Nguyễn Dương Hưng khởi nghĩa ở vùng Tam Đảo. Tháng Chạp năm sau, các tôn thất nhà Lê, đứng đầu là Hoàng tử Lê Duy Mật âm mưu đốt phá kinh thành. Nhưng do có nội gián mà cuộc hành khởi bất thành. Phạm Công Thế, Vũ Thước, Lại Tế Thế và nhiều người khác bị giết. Ba ông Hoàng là Lê Duy Mật, Lê Duy Quý, Lê Duy Chúc trốn thoát, chạy vào Thanh Hóa, vận động nông dân nổi dậy, đánh phá nhà Trịnh suốt ba mươi năm. Năm sau nữa (năm Kỷ Mùi) Nguyễn Tuyển cùng với em là Nguyễn Cừ nổi lên ở Hải Dương, Vũ Trác Oánh dấy binh ở vùng Dạ Trạch, Hoàng Công Chất đánh chiếm Sơn Nam… Cuối năm ấy Hoàng Công Phụ xin Trịnh Giang cho xuất binh vào Nghệ An, nhưng Trịnh Doanh, em ruột Trịnh Giang lúc đó đang là Khâm sai tiết chế các sứ thủy bộ chư quân lại tâu với Giang là nên cử Hoàng Công Phụ đi dẹp loạn Nguyễn Tuyển, Nguyễn Cừ. Hoàng Công Phụ hậm hực đem toàn bộ quân bản bộ về xứ Đông, định dẹp xong giặc Tuyển sẽ kéo quân đi thẳng Nghệ An không cần xin lệnh chỉ. Không ngờ, Hoàng Công Phụ vừa đi thì quân của Nguyễn Quý Cảnh tràn vào kinh thành, tôn Trịnh Doanh lên ngôi chúa. Hay tin, Hoàng Công Phụ rút gươm chỉ về phương Nam (nơi có cuộc khởi nghĩa của Hoàng Đình Thủy) lầm rầm thề độc rồi cắt cổ tự vẫn. Thừa cơ, quân khởi nghĩa bao vây, gọi hàng, tiêu diệt hết vệ binh nhà chúa. Thế là đời một tên hoạn quan tung tác một thời, giết hại đồng liêu, diệt quan chính trực, khắc chế người tài… đã tự mình tìm tới cái chết trong nỗi tủi hờn, uất hận. Nghe nói xác Hoàng Công Phụ bị mấy trăm con quạ khoang xâu xé, bộ xương thì bị lũ chó hoang tha đi mỗi nơi mỗi mảnh.
Do vậy cuộc dấy binh của Hoàng Đình Thủy hoàn toàn yên ổn. Thi thể Hoàng Đình Sơn được đưa về mai táng theo nghi lễ quan nhất phẩm. Trong tang lễ Đô Minh vương (danh hiệu quân khởi nghĩa tôn vinh Hoàng Đình Thủy) đã ngậm ngùi viết đôi câu đối. Một vế là “Nội hữu Hoàng Tiến sĩ Cập đệ”, có thể hiểu rằng họ Hoàng có người đỗ Tam khôi đoạt danh hiệu Trạng nguyên, cũng có thể hiểu họ Hoàng có hai người đỗ Trạng. Một vế là “Ngoại truyền Đinh Thái giám Phong hầu”. Chả là bà nội, rồi mẹ đẻ của Hoàng Đình Sơn - Hoàng Đình Thủy đều là người họ Đinh. Họ Đinh với họ Hoàng nhiều đời có nghĩa thông gia, giúp nhau qua cơn hoạn nạn. Họ Đinh cũng là họ lớn, thành đạt, đã từng có người là tứ trụ triều đình.
Sau lễ an táng Trạng nguyên Hoàng Đình Sơn, nghĩa quân nay đã lên đến vài vạn, tiến đánh khắp Nghệ An, khí thế ngút trời. Đầu năm Kỷ Mùi, chủ tướng Hoàng Đình Thủy thành thân với em gái Hoàng thân Lê Duy Mật, kết giao chặt chẽ với nghĩa quân nông dân nên thanh thế càng lớn, quy mô tổ chức như một triều đình mang đầy tham vọng.
Vèo một cái, hơn bốn năm đã trôi qua. Tháng 4 năm Tân Dậu (1741) sau khi đánh tan các đạo quân của Nguyễn Tuyển, Nguyễn Cừ, Vũ Trác Oánh, Trịnh Doanh đích thân đem mười vạn quân vào Thanh - Nghệ. Duy Mật thấy thế địch mạnh bèn lui quân lên thượng nguồn sông Mã, đưa vợ và hai con trai cùng hơn chục gia nhân của Đô Minh vương lúc đó đang ở chơi nhà Mật, đổi tất cả thành họ Đoàn, cải trang, mang theo vàng bạc, vượt biển ra vùng Kinh Bắc, lại cử người tâm phúc vào Nghệ An cấp báo cho Hoàng Đình Thủy, khuyên Thủy tạm lánh binh. Lúc đó cụ trưởng họ do lo nghĩ, lại thấy mình có tội với tổ tiên, lâm bệnh nặng qua đời. Đô Minh vương không còn ai đủ uy tín can ngăn, cậy có tướng giỏi, quân đông, lương thảo dồi dào, đánh đâu thắng đó, sinh chủ quan khinh địch, không nghe lời khuyên lánh binh của Lê Duy Mật, quyết định đối đầu trực diện với Trịnh Doanh.
Trịnh Doanh đâu phải là Trịnh Giang suốt ngày say mê tửu sắc, cầm, kỳ, thi, họa; cũng không phải là Hoàng Công Phụ mang nặng oán thù, tự kiêu tự đại, giỏi nịnh trên hiếp dưới, độc ác, tham tàn. Trịnh Doanh vừa là tướng văn võ song toàn, mưu cơ sách lược, vừa là vị chúa biết phép trị dân, giữ yên cương vực. Nếu không có sai lầm “Binh ưu quân thượng”, tập trung mọi nguồn lực cho quân đội, tịch thu chuông khánh đúc binh khí, đốt hết sổ sách thư từ… thì rất có thể sẽ cứu cho nhà chúa khỏi họa diệt vong mấy chục năm sau đó.
Tiến vào địa phận Đô Lương, Trịnh Doanh không vội tấn công, cho quân hạ trại, canh phòng cẩn mật, rồi cho thám báo dò xét binh tình. Mấy ngày sau đưa vài ngàn quân ra khiêu chiến, bị Đô Minh vương đánh cho tan tác. Đô Minh vương bảo với thủ hạ: “Ta thấy Trịnh Doanh cũng chả hơn gì tên hoạn quan Hoàng Công Phụ” rồi hạ lệnh hôm sau dốc quân công phá. Không ngờ Trịnh Doanh đã cho mai phục. Khi quân khởi nghĩa ào ạt tấn công, sa vào cạm bẫy, bị tiêu diệt từng mảng, toàn quân tan tác. Hoàng Đình Thủy xông pha giết giặc, thương tích đầy mình, được viên tùy tướng xốc lên lưng ngựa vượt mạn Anh Sơn, định thoát sang Thanh Hóa nương nhờ anh vợ. Trịnh Doanh liệu việc như thần đã cho quân đón lõng. Trận chiến không cân sức diễn ra khốc liệt. Viên tùy tướng hy sinh, Đô Minh vương sa lưới võng bị bắt sống.
Trịnh Doanh đem lời ngon ngọt dụ dỗ, Đô Minh vương khẳng khái lên án chế độ nhà chúa, đòi trả lại quyền vua Lê, trả lại danh phận Trạng nguyên cho hai anh em. Trịnh Doanh ngửa mặt lên trời mà than rằng:
- Chao ơi! Thời nay nhân tài đếm được mấy người. Anh em nhà họ đều là bậc thiếu niên xuất chúng, hiếm thấy trên đời. Thế mà chỉ vì một tên hoạn quan mà ra nông nỗi này. Ta đâu có thù, có oán với họ, nhưng họ đã là mầm họa nên ta phải gạt nước mắt mà trảm.
Than xong cho đao phủ chém ngang lưng Đô Minh vương, lại ban lệnh diệt cỏ diệt tận gốc, tru di tam tộc họ Hoàng. Hàng trăm người bị giết, oán hận ngút trời, dẫu đức Thế tổ Minh khang Thái vương Trịnh Kiểm tái thế cũng chả cứu nổi cơ đồ nhà Trịnh…
***
Chú cứ tỷ tê kể liền một mạch, rồi bảo:
- Chú kể cho cháu nghe về cụ tổ nhà mình để cháu suy ngẫm và tự trọng. Đường đời khúc khuỷu, gồ ghề, lắm chông gai, không có đường nào bằng phẳng, trải hoa thơm. Cháu phải tự mình tìm lấy con đường sáng và phải đi tới đích. Dẫu là binh nhì hay đại tướng mà không đi tới đích thì cũng bằng thừa. Cháu hiểu ý chú chứ?