Mẹ cái trò đời!
Cùng với tiếng chửi mang âm thanh khàn đục, roọc rẹc của đờm dãi đã trở thành câu cửa miệng đó là cả một tấm biển to tướng có hàng chữ bay bướm “Chào mừng hội nghị khách hàng….” bị ném bẹt xuống đất. Chưa đủ, nó còn được chủ nhân nhấc lên một lần nữa quăng sâu vào bụi rậm toàn những cây chó đẻ vàng khè. Tại đó có không ít những tấm biển khác cùng chung số phận nằm còng queo cùng với những hàng chữ sặc mùi quảng cáo rao vặt:
“Ở đây nhận dạy thêm tiếng Anh”, “Cửa hàng chuyên sửa chữa điện lạnh gia dụng có uy tín”, “Salon ô tô Toyota”, “Chú ý, nhà có chó dữ”, “Phở Cồ Nam Định gia truyền ăn một lần là ghiền”, “Chương trình đại nhạc hội có một không hai xôm tụ những giọng ca đình đám nhất của cả ba miền Bắc - Trung - Nam”, “Thuốc gia truyền đặc trị bệnh tổ đỉa, nấm ngứa...”.
Ném xuống rồi lại vớt lên, lại phủi bụi, lại vuốt ve, lại kỳ cạch viết vẽ tiếp và rồi lại phũ phàng vứt xuống như trò chơi của một kẻ điên khùng. Mà nhìn bộ dạng gã lúc này, nếu không có cái dáng dong dỏng cao, khuôn mặt vẫn còn giữ được những nét thanh thoát, góc cạnh thì đúng là có vẻ điên khùng thật. Đầu tóc bù xù sợi bạc sợi đen, cái chổng ngược cái chổng xuôi dễ phải cả năm nay không được chủ nhân nó ngó ngàng gì đến. Gò má hốc hõm, râu ria chắc cũng phải lâu lắm rồi không cắt cạo nên nhìn nó nhôm nhoam tựa một cái bùi nhùi chuyên để đốt lên hun chuột. Thân thể được che đậy bởi chiếc sơ mi trắng đã ngả màu, chiếc quần ka ki lửng loang lổ đủ các loại màu vệt khô vệt ướt làm người ta nhớ đến chiếc quần của vai hài rạp xiếc địa phương.
Tóm lại nhìn gã người ta dễ liên tưởng đến một nhân vật lập dị, hơi ngông mà trong giới văn nghệ sĩ, nhất là dân hội họa thường hay xuất hiện. Lại đôi mắt nữa, mờ đục, ướt nhèm, không có chút thần khí nào, thi thoảng lại hấp háy hấp háy sau đôi mục kỉnh gãy gọng phải chằng lại bằng dây nịt, chốc chốc lại một giọt nước như nước đái nhện rịn ra, chảy ngoằn ngoèo xuống má...
Ném chán, viết vẽ chán, gã buông cọ, thả rơi ngồi xuống một phiến đá xù xì đặt ở góc sân, móp miệng rít một hơi thuốc lào đến tụt nõ rồi ngửa cổ nhả khói mù mịt như cháy rừng lên vòm mít đang kỳ bói quả. Cùng với làn khói thuốc, đôi mắt lờ đờ của gã bất giác chạm vào đám tượng dựng lổn nhổn ở trước mặt, cái còn bằng đất sét, cái đã mang màu trắng thạch cao, cái ở tư thế đứng, cái ở tư thế ngồi, cái nghiêng cái vẹo, cái mất đầu cái mất tay, cái mất chân hệt như một đám âm binh không toàn thây tội tình kéo nhau từ dưới địa ngục lên đây mặc cho dãi dầu mưa nắng. Mà lại toàn tượng về các cô gái thanh niên xung phong, các chàng trai lính chiến đội mũ tai bèo, vai khoác súng mới lạ chứ. Càng lạ hơn là các cô gái chàng trai này hầu như đều giống nhau ở một điểm là không có mắt, thay vào đó là những lỗ đen mờ mịt, kinh dị.
Chợt không biết từ đâu có một trái bóng bay đến, đập mạnh vào một bức tượng khiến bức tượng thạch cao đó ngã nghiêng, tơi vụn. Gã quay lại, đám trẻ con chơi đá bóng đang đứng chết sững, mắt tròn mắt dẹt nhìn gã vô cùng sợ hãi. Một đứa có vẻ là đứa vừa đá trái bóng này, líu ríu đi đến trước mặt gã, quỳ xuống, hai tay khoanh lại, giọng mếu máo:
- Ông… ông ơi! Cháu xin lỗi, cháu không cố ý… Ông tha cho cháu!
Gã đưa tay ra, giây phút ấy cứ tưởng gã sẽ giáng cho thằng bé một cái bạt tai trời giáng, cả một bức tượng vầy vò mất bao thời gian, công sức chứ có phải bỡn đâu, nhưng không, gã đỡ thằng bé dậy, cười hiền khô:
- Không sao! Mày không làm vỡ thì chính ông cũng sẽ đập vỡ. Thôi đi đi! Lần sau đừng đá ở đây, ra ngoài bãi mà đá cho rộng nhé!
- Con cám ơn ông ạ!
Nói xong, thằng bé quay lưng cùng với chúng bạn ôm bóng chạy ào đi. Gã nhìn theo, đôi môi khô héo khẽ mỉm cười. Lát sau, gã quay lại, lừ đừ tiến đến trước bức tượng một cô gái, giương mắt nhìn lom lom như nhìn vào một vật thể sống, đưa tay nhón một viên đất sét dưới chân trám bẹt vào khoảng trống đôi mắt ấy, nhả một câu lẹt phẹt:
- Nhìn làm gì? Cuộc đời có cái mẹ gì hay ho đâu mà nhìn, cứ tạm mù loà cho khoẻ cái đã nhé!
Chưa hết, vừa xiêu vẹo đi được vài bước, chẳng hiểu nghĩ sao, gã lại quay phắt, rê chân đến một bức tượng lính, giơ tay bẻ ngoéo luôn cái đầu vứt huỵch xuống đất. Lại một tiếng nói lẹt phẹt hơn:
- Không được! Cái đầu cậu ngẩng cao quá, kiêu hãnh quá, có cái chó gì mà kiêu hãnh lúc này, qua rồi, hết rồi nhé!
Nhìn theo cái thủ cấp vô hồn vô cảm lăn lộc cộc ra giữa sân, gã bật một tiếng cười khô khốc nữa rồi vớ lấy chai rượu nút lá chuối còn một chút dưới đáy ở gốc mít tu một hụm, quơ luôn cái điếu cày bước vào trong nhà, một ngôi nhà chật chội như cái lều lợp ngói tối thui, tối như đôi mắt của những bức tượng đang bí hiểm dõi theo gã ở ngoài kia.
- Mẹ cái trò đời!
Gã lại chửi. Câu chửi văng xuống nền gạch, bật lên vòm lá và biến mất trong tăm tích. Không biết hắn đã chửi như thế bao nhiêu lần rồi, tự chửi tự nghe, chả ai nghe thấy, kể cả bà chủ trên tay cầm cái chổi sể đang từ khu nhà trọ sinh viên bước vào trong sân kia.
Chừng xấp xỉ trên dưới năm mươi tuổi, tóc đã có nhiều sợi bạc nhưng thân hình bà vẫn có chiều còn mỡ màng lắm, nhất là bộ ngực, nó cứ cong vênh lên, núng nính, nhấp nhô như muốn bứt khỏi tấm áo bay dày cộp mà bung bải ra ngoài. Đôi mắt lá răm khá sắc lia một vòng quanh sân, lia vào những tấm biển quảng cáo vẽ dở nằm trong bụi rậm, lia chạm vào cả cái đầu tượng lính đang nằm lăn lóc nơi góc sân.
- Lại cái lão dở hơi, tâm thần, nửa đời nửa đoạn này đây! Ngày nào cũng dọn, sáng nào cũng dọn, lão tưởng mình là ô-sin cho riêng lão hay sao không biết!
Bà cảu nhảu bằng một thứ giọng chua loét như vừa được vắt khế vào nhưng khá du dương, nhưng rồi cũng cắm cúi dọn dẹp, quét tước, sắp xếp lại tất cả vào thành một đống ngay ngắn. Riêng cái đầu tượng lính, vừa nhấc lên bà ta đã hốt hoảng bỏ xuống, tý nữa ngã ngồi. Rõ ràng là cái khoảng trống đen ngòm mà người ta thường gọi là mắt kia nó đang trừng trừng nhìn mình.
Cái nhìn đó đẩy bắn bà vào trong nhà.
Từ trong bóng tối căn phòng toàn mùi ẩm mốc, hôi xì, đôi mắt gã thuê nhà cũng đang trừng trừng nhìn bà. Giật nảy người, bà định bật trở lại nhưng rồi cái miệng râu ria có những chiếc răng đen xỉn kia đã nhe ra cười, một cái cười ngô nghê nhưng không thể hiền lành hơn đã giữ bà lại.
- Chào bà chủ! Ngọn gió nào sáng nay lại đưa bà chủ quá bộ đến thăm kẻ hèn này sớm sủa thế?
Chả ai nghĩ từ con người như người tiền sử kia, từ cái miệng gớm guốc kia lại có thể phọt ra những ngôn từ khá là cầu kỳ kiểu cách như thế. Nhưng để đáp lại là cái giọng thật sỗ:
- Chả có ngọn gió mẹ nào cả, ngọn gió tiền. Ông có mở cánh cửa sổ ra cho bay bớt mùi hôi ra không? Ở thế này mà cũng có thể ở được, khác gì cái phòng bà đẻ.
Không chờ cho gã đứng dậy, bà xộc bước đến tự tay mở cánh cửa gỗ bạc phếch đã mục nát phát ra, tiếng kêu đến két rồi chun mũi vẻ kinh tởm:
- Thứ nhất, lần cuối cùng tôi yêu cầu ông không được hút thuốc lào trong phòng, mùi thuốc trộn với mùi rượu, mùi quần áo lâu ngày không giặt sẽ thành mùi gì ông biết chửa? Mùi chuột chết, khách người ta ai dám đến ở? Thứ hai…
- Thứ hai, phải thanh toán sáu tháng tiền nhà! - Gã đế luôn.
- Đúng! Lần đầu tiên tôi thấy ông tỏ ra có trí nhớ - Chìa bàn tay có những ngón khá múp ra. - Đâu?
Gã gãi đầu cười thiểu não, cái thiểu não mà bà đã quá quen rồi, quen đến phát chán.
- Tôi đã xin khất bà đến cuối tháng họ mới mang tiền đến.
- Không có đầu cuối gì hết - Người đàn bà thoắt nghiêm mặt lại, đôi mắt lá răm quắc lên - Hết tuần này không có, mời ông dọn dẹp ra khỏi nhà tôi. Tôi đã du di cho ông quá nhiều rồi. Ông cũng phải để đất cho tôi sống với chứ!
Gã đứng dậy, đột ngột dựng thẳng người, một bàn tay đưa lên ngang trán theo động tác chào nhà binh:
- Rõ, thưa bà! Tôi đội ơn bà nhiều. Đúng là quân với dân như cá với nước.
Bà chủ nhà nguýt dài một cái, cái nguýt làm bà ta trẻ lại tới chục tuổi trong cái nét ánh ỏi vẻ nữ tính:
- Nói như loa phường! Tôi không cần cá nước, tôi cũng không cần ông đội ơn mà chỉ cần ông đội tiền đến trả tôi.
Gã giơ tay lên ngang trán một lần nữa rồi đột ngột giương đôi mục kỉnh chăm chú ngắm bà từ đầu đến chân lại từ chân lên đến đầu khiến bà ta thoắt trở nên lúng túng rồi bất giác cũng không thể không tự nhìn lại chân tay, quần áo của mình.
- Ông nhìn gì tôi mà nhìn ghê thế? Lạ lắm à?
- Nếu tôi không nhầm thì ngày xưa bà cũng là một cô thanh niên xung phong hoặc một nữ chiến sĩ bộ đội?
Bà tròn mắt:
- Ông căn cứ vào đâu?
- Vào chiếc áo bà đang mặc. Thời bây giờ chả còn ai mặc cái loại áo bay cứng như mo nang này nữa nếu không có kỷ niệm sâu nặng với nó.
Ánh nhìn của bà chợt mềm lại và không giấu được chút tự hào đang ánh lên:
- Tôi ở giữa. Tức là tự vệ. Tôi là chiến sĩ tự vệ đã bắn nhau với máy bay Mỹ ra trò trên nóc cầu Long Biên ngày ấy đấy. Trông ông khù khì thế mà cũng tinh phết nhẩy!
Như chợt nhớ ra điều gì, gã đột ngột bỏ đi vào cái hành lang bừa bộn đồ đạc nối với căn bếp cũng rất ngổn ngang niêu nồi khiến bà chủ nhà chưng hửng:
- Mà ông đi đâu đấy?
- Bà chờ tôi một tý!
Gã lôi ra từ đó ra cái giá vẽ phủ đầy bụi chắc đã bị bỏ quên lâu ngày, căng tấm toan lên, nặn màu ra miếng gỗ nhỏ rồi hướng về phía bà, đưa cây cọ lên ngang mặt, nheo mắt…
- Tốt rồi! Bà cứ ngồi yên đấy. Chỉ xin bà năm phút thôi.
Bà chủ nhà bất giác hơi rúm người lại, lấy hai tay bưng kín mặt:
- Ấy, ông… ông làm gì đấy? Ông định vẽ tôi ư? Không được đâu! Vẽ tôi để thành con ngáo ộp đi doạ trẻ con à?
- Không, bà vẫn còn giữ được những cái nét xuân sắc của ngày xưa, ngày ấy tôi đảm bảo bà là một thiếu nữ Hà Nội mộng mơ.
- Mơ với mộng gì! Ông cũng thuộc loại khéo miệng ra phết nhẩy! Thôi, tôi phải đi đây…
Nói vậy nhưng bà vẫn ngồi im, còn hơi nhích vai, ưỡn lưng, cắn môi, vén tóc, căng ngực tạo dáng. Dường như chỉ cần có thế, ông họa sĩ là gã bắt đầu lia cây cọ lên tấm toan với một cung cách vừa chú tâm vừa lơ đãng…
Đúng là chỉ một lát sau, chưa đến chục phút, bức ký họa bằng bột màu đã xong. Ông giơ lên. Bà trố mắt nhìn vào… Rồi há hốc miệng. Giời ạ! Trước mắt bà hiện lên một nóc cầu Long Biên gãy nhịp và một cô gái mặc đồ tự vệ, mũ sắt gắn sao vuông, trẻ trung, xinh đẹp, khuôn ngực no tròn, đôi mắt lá răm đen láy, đầu ngẩng cao, cây súng phòng không 12 ly 7 chi chít lá nguỵ trang ghì trong tay đang chĩa thẳng lên bầu trời vần vũ khói đen và phía dưới là dòng sông Hồng phù sa cuộn chảy. Trên mặt cô gái phảng phất những vệt đen nám khói và cả mấy giọt mồ hôi lấm tấm trên trán…
Ngắm xong, bà thả rơi người xuống ghế, nói như mếu:
- Ối giời ơi, không phải tôi! Tôi mà lại được đẹp thế này ấy à? - Rồi liền đó lại chớp chớp mắt - Mà cũng đúng là tôi đấy. Đúng đôi mắt, cái trán, cái ngực, cái hông, cái đùi… nó căng thế đấy. Ngày đó tôi mới có hai mươi…
Mặc cho bà chủ nhà đang ngây ngất chìm vào quá khứ, ông cuốn bức tranh lại đưa cho bà.
- Tặng bà!
- Hả, tặng… tôi?
- Ơ hay! Chả lẽ tôi lại tặng chính tôi để đêm đêm ôm vào lòng nằm ngủ à?
- Khiếp! Cái nhà ông này… Ăn với nói!
Nhưng tay bà cũng run run cầm lấy bức vẽ, đôi mắt lá răm rơm rớm nước nhưng liền đó lại chuyển màu như cũ, liếc nhìn ông một cái khô cong:
- Ông tặng tôi nhận, cám ơn nhưng… tiền nhà vẫn phải đúng ngày đúng giờ đấy. Thôi, tôi về.
Bà quầy quả đi ra. Nhìn đằng sau thấy cái eo lưng, cái vòng mông vẫn còn rung rinh lắm. Bà vừa đi vừa giở bức vẽ ra nhìn say mê, tý nữa thì va phải một người đàn ông trung tuổi ăn mặc khá sang trọng đi ngược từ ngõ vào.
Giật nảy người, bà vội giấu bức tranh ra phía đằng sau.
- Hết hồn… Chào ông Vinh, chào ông giám đốc, ông lại đến với cái lão… bôi sĩ ấy đấy à?
- Vâng! Chào bà! Bà xem cái gì mà chăm chú thế? Lại giấy ghi nợ?
Đôi môi đỏ như đang nhai trầu dẩu lên:
- Này! Ông coi thường nhau quá lắm đấy? Tôi cũng phải có lúc lãng mạn tý chứ. Ông xem này! - Giở rộng bức tranh - Ông có biết ai đây không?... Tôi đấy. Ông ấy vẽ tôi đấy. Hồi trẻ tôi có ra dáng không?
Ông khách nhìn vào bức tranh rồi lại nhìn lên khuôn mặt bà, nói hóm:
- Quá ra dáng. Hồi ấy tôi mà gặp bà thì chắc chắn tôi đã không để bà phải ở không đến tận bây giờ như thế này.
Lại dẩu môi nhưng rõ ràng là ánh mắt chợt ấm lên:
- Thế tôi ngã dúi vào lòng ông chắc, mỡ đấy mà húp, còn khuya nhé!
Ông khách nhìn lại bức tranh, nét mặt thoáng đăm chiêu:
- Vẫn là nét vẽ ngày nào… xuất thần lắm!
- Hả? Ông bảo cái gì thần thần? Tôi là tôi, nữ tự vệ cầu Long Biên, chẳng có thần thánh gì vào đây đâu nhé! Ông vào đi!
Đi được mấy bước, bà lại đột ngột quay lại, nhỏ giọng:
- Này, tôi hỏi khí không phải, cái ông bạn ông có bị tâm thần không đấy?
- Sao kia ạ?
- Chả vợ con, chả có ai quen biết, cũng chả chịu trò chuyện với ai, cứ suốt ngày ru rú như cái anh bị vợ bỏ hoặc bị kỷ luật, bị vỡ nợ, bị truy nã gì đó, vẽ rồi xé, xé rồi lại vẽ, thỉnh thoảng lại lăn đùng ngã ngửa, phòi bọt mép ra, thế chả tâm thần là gì, thỉnh thoảng nhìn vào đôi mắt ấy… sợ lắm!
- Sợ?
- Như nhìn vào miệng vực, vừa đen lại vừa có lom dom ánh sáng ma trơi bên trong. Đấy, cái lúc ông ấy xin… vẽ tôi ấy, tôi lại thấy cái ánh sáng lân tinh trong mắt ông ấy loé lên, hãi hãi là.
Ông khách bật cười:
- Khiếp, bà nói gì như phim kinh dị. Hãi hãi mà bà còn cười tươi thế, nếu không hãi, chắc bà sẽ còn…
- Tôi không đùa - Bà chủ nhà nghiêm mặt - Mà ông thử nhìn cái đống tượng ông ấy vất ngoài sân kia xem, chả tượng nào có mắt cả, lại còn chả có đầu có tay, cứ như ma cả đám. Đêm mà đi qua đây ấy à, xin lỗi, chỉ có chạy vãi tè. Tôi hỏi ông có biết tại sao không?
Ông khách trả lời bừa:
- À, tượng nó thế, có phải cái gì cũng có mắt cả đâu. Vả lại người ta đang hoàn thiện, hoàn thiện chưa ổn thì bẻ ngoéo đi thôi. Mà bà cũng chịu quan sát gớm nhỉ?
- Lại chả không? Ít nhất tôi cũng cần biết khách thuê nhà là ai chứ, lỡ phải thành phần nghiện hút, xã hội đen, gây án mạng hay trại tâm thần sổng ra thì bỏ mẹ!
Sắc mặt ông khách chợt nghiêm lại, giọng nói cũng đằm xuống:
- Không, riêng điều này bà có thể hoàn toàn yên tâm. Bà đang giữ trong nhà một thứ của quý đấy.
- Hả, cái gì… của quý? Ngày hôm nay là ngày gì mà sáng ra đã toàn phải nghe đầy tai những lời chớt nhả vậy không biết nữa?
- Không, tôi nói nghiêm túc, nói theo nghĩa đen. Ngày trước trong chiến tranh, ông ấy là một tên tuổi sáng giá suốt dọc Trường Sơn, một họa sĩ tài hoa lẫy lừng không phải ai ông ấy cũng hạ bút vẽ đâu, may cho bà đó. Bà giữ bức tranh này cẩn thận, biết đâu sau này có khi lại trở thành một thứ mang đấu giá hàng đống tiền đấy. Tôi vào!
- Khoan… Ông vừa nói cái gì? Hoạ sĩ sáng giá, lẫy… lẫy lừng Trường Sơn à? Sao giờ ông ấy nghèo khổ thế, ăn uống thì toàn nước suối với mỳ tôm, khá hơn thì gặm chiếc bánh mỳ nhân thịt, đến tiền nhà cũng không trả nổi. À này, nãy bực thì tôi nói thế nhưng lát nữa vào, ông bảo cứ từ từ, lúc nào trả cũng được.
- Ông ấy nợ bà bao nhiêu?
- Sáu tháng.
- Là bao nhiêu?
- Cánh sinh viên bên kia do ở chung phòng nên tôi lấy rẻ, mỗi người chỉ hai trăm, nhưng ông ấy đòi ở riêng nên tôi lấy năm trăm, mà cũng là rẻ chán so với chỗ khác.
Ông khách móc ví, rút một tệp tiền có mệnh giá một trăm, đếm sơ rồi nhét vào tay bà:
- Sáu năm ba mươi, tiện đây tôi trả luôn cho ông ấy... Mà thôi, tôi trả cả năm luôn.
Bà chủ nhà đẩy lại tệp tiền vào tay ông, chau mày:
- Này, nữ chiến sĩ tự vệ Hà Nội dám bắn máy bay Mỹ trên nóc cầu Long Biên đã nói một là một, hai là hai, ông ấy chưa đến nỗi phải để người khác trả nhé! Chào ông!
Bà định xoay lưng bỏ đi nhưng ông kịp giữ lại:
- Bà nhầm! Tiền này không phải của tôi mà là tiền tôi nợ ông ấy, giờ mới có dịp trả. Xin bà cứ cầm lấy!
Bà chủ nhà đắn đo nhìn vào nét mặt ông khách một lúc rồi chịu cầm lấy tệp tiền, đếm qua… tròn mắt:
- Sao nhiều thế?
- Không sao, bà cứ cầm cả. Số tiền thừa đó tôi nhờ bà thỉnh thoảng chăm nom chuyện ăn uống, thuốc thang cho ông ấy một chút, ông ấy vẫn còn mảnh đạn trong đầu chưa lấy ra, thỉnh thoảng trở trời lại lên cơn kinh giật như bà nhận xét lúc nãy là đúng đấy. Trăm sự nhờ bà, vốn quý, tài sản quốc gia đấy.
- Thôi được, ông yên tâm. Chuyện gì chứ chuyện chăm nom người khác, nhất là “động vật quý hiếm”… à không, tôi nói nhịu, vốn quý, lại là thương binh là thói quen cố hữu thời chiến của tôi.
- À, mà bà đừng nói tiền này của tôi nhé! Ông ấy nghèo nhưng kiêu lắm, không cho ai cưu mang giúp đỡ mình đâu.
Bà chủ nhà khẽ bật một cái nhìn ranh mãnh:
- Giấu đầu hở đuôi! Nghĩa là đây không phải là tiền ông nợ ông ấy.
- Đồng đội đã cùng vào sinh ra tử, nợ có nhiều kiểu nợ bà ạ! Cái nợ này là quá nhỏ.
Bà đi nhanh theo lối mòn sang khu trọ sinh viên đang í ới vang lên tiếng gọi nhau, cãi nhau chí choé và trên dây phơi là la liệt những đồ lót đủ màu bay phơ phất quá ư gợi tình của đám con gái.
Ông khách nhìn theo khẽ lắc đầu rồi đi đến nhặt cái đầu tượng lính định cắm trở lại phần thân của nó thì trong nhà đã văng bật ra tiếng nói khàn đục:
- Cứ để đấy! Biết gì mà cắm.
“Thì để, sư cái thằng, nói như chó ăn vã mắm! Ngày trước nó có thế đâu nhỉ?”. Người khách đi vào. Góc phòng, gã ngồi như một hình nhân bất động trong cái vệt sáng nhợt nhạt từ cửa khung sổ long tróc rọi vào. Không chào hỏi, chẳng đãi bôi, vẻ như đã quá quen thuộc, ông khách đảo mắt nhìn đống pa-no, áp-phích để bừa bộn quanh phòng, tự kéo ghế ngồi, thả rơi một tiếng:
- Vẫn tự giam mình trong cái đống dịch vụ bầy nhầy này?
- Vẫn. Có gì không?
- Buồn!
- Thế cậu tưởng đời vui lắm à? - Lại cái giọng khàn rè tưng tửng nghe như đấm vào tai đó bật lại.
- Đời không vui nhưng con người không thể cứ hiu hắt mãi thế này.
- Cũ mèm!
- Có những cái cũ nhưng luôn mang giá trị mới.
- Ví dụ?
- Ký ức. Ký ức về một thời trận mạc, ký ức về những ngày cao đẹp khổ mà vui chẳng hạn.
Chủ nhà tháo mục kỉnh, nhìn sâu vào mắt bạn rồi nhếch miệng một cái vẻ khinh khi:
- Càng cũ! Này, nếu rỗi hơi, cậu đến đây làm ngụm trà, ly rượu, chơi mồi thuốc rồi im lặng hay ra về thì có lẽ tôi sẽ cám ơn cậu hơn.
Ông khách cũng nhếch miệng nhưng là cái nhếch mang nội dung khác:
- Không còn nhận ra một họa sĩ tài hoa, đẹp đẽ, trẻ trung có những bức tranh làm rúng động cả Trường Sơn, làm bao cô gái rừng đắm say, mê mết nữa.
Gã phẩy tay vẻ không muốn nghe nữa:
- Thế à? Nói xong chưa?
- Với ông, không bao giờ là đủ.
- Phiền hà nhỉ? - Gã lại phẩy tay cái nữa, mạnh hơn - Chiến tranh qua lâu rồi, bây giờ mỗi thằng mỗi số phận, yêu cầu đừng thằng nào can dự vào số phận thằng nào. Cậu làm giám đốc hãy cứ sống đời giám đốc, còn tôi là kẻ vẽ thuê cứ sống đời làm thuê. Hết!
Ông khách kéo ghế ngồi sát lại:
- Rồi, đã thế cho hỏi một câu thẳng kiểu lính: Cái gì đã khiến ông tự đày đoạ mình cho cái thứ tạp vụ chỉ cần biết viết biết tô màu là ai cũng có thể làm được này?... Khoan! Chắc ông lại đổ tại cuộc sống mưu sinh? Hay tại những thằng ngu trong giới không nhận ra được chân giá trị nghệ thuật đích thực nên quẳng cha nó đi còn hơn chúi đầu vào cái đống giả dối nó làm mình hèn đi ấy?
- Đã tự trả lời được thì còn hỏi làm cái đếch gì, thối chuyện?
Lặng đi một chút rồi ông khách thả rơi một tiếng:
- Thật tiếc!
- Cậu tiếc đã bỏ phí thời gian đến đây?
Ông khách đứng dậy, tiếng nói không còn mềm mại nữa:
- Nếu không là đồng đội, là một thằng dở hơi đã có thời ngưỡng mộ ông như ngưỡng mộ một vị á thánh thì đúng. Nhưng đây là tôi tiếc cho ông. Tiếc cho mọi người. Tiếc ít giận nhiều. Nói cách khác thì ông đang phản bội lại bạn bè, đồng đội, phản lại những năm tháng cao đẹp nhất, phản lại những đứa còn sống và cả những thằng đã mãi mãi nằm lại trong rừng sâu.
Gã cũng đứng dậy, quay lưng nhìn qua khung cửa sổ đã nhạt nắng:
- To tát quá nhỉ? Y hệt cái giọng lão Phó Chính ủy binh trạm ngày nào, cứ xoang xoảng, xoang xoảng nghe ghê bỏ mẹ!
Vị khách có vẻ cáu, xoay mạnh cái thân hình ọp ẹp kia quay lại phía mình, nói dằn giọng:
- Tóm lại là ông quyết định chôn vùi cả cuộc đời mình trong cái đống hổ lốn vô tích sự này?
Gã vênh mặt lên:
- Thế cậu tưởng cuộc đời ngoài kia nghiêm ngắn, hữu sự lắm à?
- Này, thú thật tôi đã chán ngấy cái cách trả lời bằng kiểu hỏi lại của ông lắm rồi trong khi ông nên thỉnh thoảng để tâm thử hỏi ngược vào lòng mình xem mình là ai, là cái gì?
Đến đây thì gã quay phắt lại, chỉ thẳng tay ra cửa:
- Mẹ, chả là ai, chả là cái đếch gì hết, nhưng cũng không phải là cái thằng rỗi hơi để thỉnh thoảng phải nghe những thằng khác đến đây rao giảng đạo lý, cách sống nọ kia, đủ chưa? Giờ, nếu chán thì xin mời! Cửa vẫn mở.
Ông khách sầm mặt định phản ứng bằng một câu gì đó nhưng rồi lại thôi, khẽ cười. Khổ! Chấp gã làm gì. Điên lên là gã có thể đuổi hết, kể cả một ông thủ trưởng cũ đeo hàm thượng tướng vốn trước đây quý tài gã, cũng có đôi ba kỷ niệm chiến trường với gã một lần đến đây nói điều hơn lẽ thiệt, nói cả về phẩm chất người lính, người nghệ sĩ cách mạng nọ kia gã cũng đuổi luôn.
Thật ra khi từ trại an dưỡng dài ngày trở về, đầu tuy bị đau, mắt bị mờ, gã vẫn chưa đến nỗi, vẫn vẽ, vẫn tạc tượng, vẫn yêu đời và thỉnh thoảng vẫn đem đi triển lãm chỗ nọ chỗ kia nhưng chính trong vài cuộc triển lãm ban đầu ấy, những ngón chơi bẩn của một vài người trong ban tổ chức khi hắn không chịu mò đến nhà riêng gõ cửa cầu thân, quà cáp và đặc biệt là sự thờ ơ của người xem trước một đề tài mà họ cho là đã quá cũ, quá lạc lõng đã đánh mạnh vào cảm hứng sáng tạo của gã.
Đánh mạnh nhưng chưa hạ gục vì bản tính gã, cũng giống như thời bom đạn, là khá kiên cường, bất chấp. Cho đến khi một bức tranh của gã bị đạo và cái kẻ đạo đó đã gửi đi dự thi trong một tổ chức quốc tế có uy tín để đoạt huy chương vàng cùng một khoản tiền không nhỏ mà lại còn nhơn nhơn hỗn láo do được một vài người trong ban điều hành đồng loã, che chắn thì lão mới thật sự ra nông nỗi này. Đồng nghiệp bảo gã lên tiếng, gã cười nhạt. Bảo gã làm đơn kiện, gã vẫn cười nhạt. Bảo nếu ông thúc thủ như vậy thì chính chúng tôi sẽ phát hỏa, gã càng cười nhạt hơn. Cuối cùng giục quá, gã quát tướng lên: “Chiến tranh không phải tài sản của riêng ai, dù họ có lấy của mình đem đi thi mà được giải thưởng danh giá thì cũng là cái mừng chung, kiện cáo mẹ gì, chỉ thêm xấu mặt”. Nhưng từ đó gã bắt đầu suy sụp cả phần hồn lẫn phần xác như có con ký sinh trùng nào đêm ngày đục khoét trong xương tuỷ, hồn vía, trí lực gã, chỉ để lại cho gã một cái hình hài na ná gã chứ không phải gã. Người ta gọi cái đó là lòng tin bị đánh cắp.
- Mắt mũi dạo này sao rồi? - Ông khách hỏi nhún nhường như một động thái xuê xoa, làm lành.
Gã cũng xuê xoa lại:
- Vẫn. Lúc mờ lúc tỏ, lúc nhìn sáng trưng, lúc lại chả nhìn thấy mẹ gì, như có sương mù giăng ngang mắt. Càng tốt, mù cha nó đi cũng được.
- Còn đầu?
- Cũng vậy. Như có thằng khốn động cỡn nào sểnh ra cái là nó lại đánh trống ngũ liên ầm ầm trong đó, vui phết!
Nói vui mà mặt gã căng chằng chằng như đang bị đánh trống trong đầu thật.
Ông khách nhăn nhó:
- Bao nhiêu lần tôi đã nói ông đi chữa, trong nước không được thì nước ngoài, điều kiện kinh phí bạn bè lo cho mà ông cứ ương gàn không chịu.
- Thôi, cuộc đời này cứ nhìn loà nhoà một tý lại đâm ra hay, coi như khuất mắt, nhìn sáng nét quá, dễ nổi điên mà húc mẹ đầu vào tường mất.
Lý luận cùn thế thì chịu rồi. Phải chăng vì thế mà hầu hết những bức tượng gã vứt chỏng chơ ngoài vườn kia đều không có mắt? Gã không muốn nhìn thì thôi chứ các bức tượng có tội tình gì mà lão cũng cho mù loà luôn. Giống như một lần ông có bảo thôi, rượu vừa thôi, rượu tì tì mà không ăn thì chỉ ba bảy hai mốt ngày là… gã vênh mặt: “Mỗi người có kiểu sống riêng. Các cậu cứ cống hiến, cứ làm giàu, cứ nổi tiếng là doanh nhân thành đạt này, doanh nhân ưu tú kia đi nhưng rồi cuối cùng cũng chỉ hai thước đất. Còn tôi, ngày nào cũng say cũng sướng và cuối cùng cũng hai thước, thằng nào hơn?”. Gã đã triết lý như thế thì người khác chỉ còn cách im mồm.
- Hôm nay tôi đến có việc đây!
Với vẻ không thể nghiêm túc hơn, ông khách hắng giọng mở lời nhưng lại nhận về một tiếng cười khẩy:
- Việc? Việc mẹ gì? Hay lại mời về Tổng Công ty của cậu làm một chân cờ đèn kèn trống suốt ngày vục mặt vào đống khẩu hiệu, tranh cổ động trống rỗng nhưng có đồng lương ổn định? Không nhé! Hoặc giới thiệu cho một dự án trang trí triển lãm kiểu văn hoá quảng trường gì đó với thu nhập cao? Càng không! Vẫn là vẽ mướn, mà là một thứ mướn có chỉ đạo, có phê phán, căn chỉnh ngớ ngẩn, nhục hơn, thà vẽ mướn ở đây còn hơn.
Ông khách lắc đầu vẻ chán nản như không muốn nói nữa.
- Không phải à? - Vẫn cái giọng không thể khó chịu hơn - Hay lại một món tiền tài trợ mang tính nhân đạo kha khá của ai đó, tổ chức từ thiện nào đó để cái thằng tôi có thể yên tâm tập trung vào những gì thuộc về nghệ thuật cao siêu? Cũng không luôn, mẹ, thời buổi này có cái chó gì gọi là cao siêu, càng cao siêu càng ế ẩm, càng bị ghen ghét, càng đích thực càng dễ thành trò cười và tôi cũng chưa đến nỗi phải ngửa tay ăn xin ai.
Để bạn xả hết những gì đang còn bức bối trong đầu, vị khách mới đặt nhẹ tay lên đôi vai xương xẩu kia, từ tốn:
- Không, tôi hiểu những cái này không bao giờ ông chấp nhận. Tôi đến đây lần này là vì một mục đích khác, một mục đích không liên quan gì đến tiền bạc…
- Ấy, lại có thứ mục đích đó nữa kia à? Nghe siêu tưởng nhỉ?
- Rất hiện thực chứ không siêu tưởng chút nào.
- Nói!
- Là muốn xin lại tất cả những bức họa thời chiến của ông để đem về bảo quản, chứ không cứ để cả đống dưới gậm giường cho chuột bọ nó cắn nát thế kia là hỏng hết, là có tội với lịch sử đó.
Một tiếng cười ré lên như tiếng mèo động đực trên mái ngói:
- Lịch sử? Cậu lại to tát rồi. Lịch sử cà trớn, lịch sử đang quên lãng, thằng cha lịch sử vô cảm đó đâu có cần tới những sản phẩm dở hơi đó mà bảo quản!
- Lịch sử có thể không cần nhưng những người lính chúng tôi cần. Đấy là những tác phẩm vẽ bằng máu của đồng đội, của chính ông, ông có thể coi thường nhưng không nên rẻ rúng chúng. Số tranh này không còn thuộc về một cá nhân ông nữa mà thuộc về mọi người.
Gã xua tay ngán ngẩm:
- Nói ít thôi, um sùm quá, đây không phải là mặt trận mà ông chỉ huy tiểu đoàn cứ hét tướng lên, nhức lỗ nhĩ lắm! Thôi, thích thì ôm cả về nhưng với điều kiện là không được mang trả lại. Tôi đã chán ngấy cái trò nhóp nhép nhai lại dĩ vãng rồi. Chờ đấy!
Gã chổng cái mông nhọn hoắt chui vào gầm giường lôi ra một chồng một đống những tờ tranh, cái có màu cái không màu nhàu nát, bụi bặm và giăng đầy mạng nhện:
- Đó, tất cả đấy! Cám ơn cậu đã tránh cho tôi cái việc nhọc nhằn là phải ra đường mời một con mụ đồng nát nào đó đến khuân cái của tội của nợ này đi.
Ông khách cầm lấy chồng tranh, bần thần giở từng bức ra xem… thoáng lặng người. Vẫn là những bức tranh ngày ấy, những bức tranh Trường Sơn man mác đã làm xao xuyến bao trái tim người lính, bao nỗi lòng thẳm sâu các cô gái thanh niên xung phong. Một khúc suối mùa mưa chập chờn những bờ vai trần con gái… Một ánh trăng gầy rọi cô đơn trên đỉnh dốc… Một vệt sáng hoả châu chiếu vào thân hình các em đang ôm nhau ngủ tội tình trong lán… Một dáng ngồi mộng mơ thiếu nữ bên rìa hố bom vừa nổ… Một đôi mắt lính lái xe xót xa mở to nhìn những sợi tóc em đang rụng xuống lòng bàn tay… Một chiếc Zin ba cầu đổ nghiêng bên miệng vực nhưng người lính ngồi trong khoang lái vẫn thò đầu ra, cười như có nắng… Một…
Ông khách hơi nhắm mắt lại như thể để cho đầu óc mình được một tích tắc chìm sâu vào một thời quá khứ… Nhưng liền đó lại bừng mở ra khi chạm mắt vào khuôn mặt phong trần khá đẹp của một người đàn ông trung tuổi đeo xà cột, giắt súng ngắn bên hông.
Ông thốt lên:
- Ông Lâm, Trung tá Lâm - Phó Chính ủy Binh trạm đây phải không? - Không có tiếng trả lời, ông lầm bầm tiếp - Một con người phức tạp, vừa quân tử vừa nhỏ hẹp, vừa dũng cảm vừa bạc nhược, vừa xấu vừa tốt, tất cả những gì hiện lên qua nét vẽ trên khuôn mặt đã nói rõ điều đó. Chính ông ta bằng sự vị kỷ, độc ác của mình đã can thiệp thô bạo vào cuộc sống của ông mà ông vẫn lưu lại ư?
Lần này thì gã, người họa sĩ Trường Sơn ấy lên tiếng sau một hơi thuốc lào, như không thể không lên tiếng:
- Dẫu thế nào, một con người đã đi qua bom đạn mà không phản bội, không đầu hàng kẻ thù là đều đáng lưu lại hết.
- Nhưng lại phản bội đồng đội, phản bội lại bạn bè?
- Những phút yếu lòng ai chả có, kể cả người đó là anh hùng. Trong chiến tranh, tại vùng trọng điểm chiến lược ấy, ông ta là một anh hùng.
Vị khách tròn mắt nhìn bạn. Trời, thì ra sau cái vẻ ngoài nhếch nhác, cùn nhụt, bất cần kia vẫn có một con người thứ hai ẩn chìm. Đây mới đích thị là con người thực của gã, một con người dẫu trong hoàn cảnh nào cũng luôn biết nhìn sự vật một cách sâu sắc và đại lượng. Con người này sẽ làm cho gã gượng lại được.
- Ông vẫn có cái nhìn nhân hậu như ngày xưa, nhân hậu với ngay cả kẻ đã đang tâm chơi xấu với mình.
- Chiến tranh, bom đạn, chết chóc đã quá khốn nạn rồi, con người không thể tất, lại còn đi chấp nhặt nhau nữa thì còn khốn nạn hơn!
Ông khách mừng thầm trong bụng nhưng không để lộ ra. Với câu nói này, ông biết bên trong con người gã vẫn còn lưu giữ một tâm hồn trong vắt, một khát vọng hướng thiện nào đó chứ không hoàn toàn mất đi.
Ông lại cầm lên một bức vẽ khác, bước nhanh ra chỗ có vệt nắng dát vào, gằm mắt chăm chú nhìn rồi bất giác rùng mình, nét mặt tỏ rõ sự xúc động khác lạ:
- Thủy… Cô ấy đây phải không?... Trời, khuôn mặt, cái miệng, đôi mắt, mái tóc, dáng người… Không thể đúng hơn được nữa. Biểu tượng trận mạc của một thời con gái đi qua chiến trường đã ăn sâu vào ký ức của tất cả những thằng con trai trên cung đường bão tố đó.
Ông bỗng thấy quặn thắt trong ruột. “Linh ơi… Nếu cậu biết người ấy đang…”. Ông định nói bật ra một điều hệ trọng, rất hệ trọng mà đã định nói từ lâu rồi nhưng lại không thể nói. “Con người anh ấy đa cảm, yếu đuối lắm, xin anh đừng nói, xin anh im lặng, nói ra anh ấy sẽ không chịu nổi đâu và rồi mọi việc sẽ xôi hỏng bỏng không hết…”. Tiếng nói nghẹn ngào bất chợt hiện về văng vẳng bên tai ấy đã giúp ông ngừng lại.
Hoạ sĩ Linh, Trần Hoài Linh, tên của gã, lại khẽ xua tay, cười hấc lên một tiếng:
- Hả, cái gì mà biểu tượng với trận mạc? Cậu lại đại ngôn rồi Vinh ạ! Cái nghề tuyên huấn, chính trị viên của cậu hồi đó đã ăn sâu vào máu không bỏ được à?
- Sao phải bỏ, việc gì phải bỏ? - Đến đây thì vị khách đã lấy lại được vẻ mặt bình thường - Một hình ảnh đẹp như thế, đáng tự hào như thế sao phải bỏ? Ông khùng à?… Mà này, từ đó đến nay ông vẫn chưa một lần gặp lại à? Hay cuộc sống ngặt nghèo đã làm ông quên tất cả rồi?
Áo ngực ông khách bất chợt bị nắm ngược lên và một tia nhìn soi thẳng vào mắt:
- Tôi cấm! Cậu có thể nói bất cứ điều gì về tôi nhưng về cô ấy tôi cấm cậu không được nói như thế!
Bị quát nhưng khuôn mặt ông khách lại giãn ra:
- Xin lỗi! Tôi chỉ muốn hỏi từ ngày đó đến nay ông vẫn không nhận tin tức gì của… cô ấy à? Thế thôi.
Nét mặt người họa sĩ sầm lại như có một đám mây đau buồn bay qua:
- Không!
Ông Vinh cúi nhìn xuống giây lâu rồi ngẩng lên:
- Hỏi một câu nữa, trả lời hay không, tuỳ: Có khi nào chính vì cô ấy mà không phải vì bất cứ một lý do nào khác khiến ông cho đến lúc này vẫn chỉ vò võ ở một mình, tất nhiên trừ những mối tình qua đường, những mối tình hâm mộ mà chắc ông chả còn nhớ, và phần nào trở nên thân tàn ma dại như thế này không?
Đôi mắt kèm nhèm kia lại trừng lên:
- Im đi! Cậu làm ơn im đi cho tôi nhờ! Cái gì đã qua là cho qua, đừng khai quật lên nữa!
- Chưa hết - Vị khách vẫn không thay đổi sắc mặt - Thế ông có lúc nào nghĩ rằng, người ấy vẫn không thôi hướng về ông trong mọi lúc mọi nơi không?
Lần này là một tiếng quát khàn đặc bật lên:
- Hỏi nhiều quá! Cậu về đi, về đi, để cho tôi yên!
Quát nhưng đôi mắt lại nhoè ra như có nước. Thế là hiểu. Một lần nữa ông Vinh đã định xổ ra hết mọi điều nhưng rồi cái vẻ khổ đau ốm yếu kia đã kịp ngăn ông lại. Anh ấy yếu đuối, đa cảm lắm, sẽ không chịu nổi đâu…
Ông đứng dậy, xốc lại quần áo:
- Thì về, nhưng có cái này thì ông buộc phải nghe này - Lấy từ trong ca táp ra mấy hộp thuốc có dán nhãn hiệu ngoại quốc - Thuốc trị mắt và trị đau đầu của Mỹ tốt lắm, tôi vừa có chuyến qua bên ấy lùng mua được, đây nhé, hộp này để uống, hộp này để nhỏ, nhớ làm hàng ngày nếu không muốn bị mù, bị đột quỵ, hết tôi lại đem đến nữa! Ông không thương cái thân ông thì ông cũng phải biết thương cuộc đời, thương bạn bè một chút chứ. Chào!
Người họa sĩ không trả lời, để mặc ông bạn Trường Sơn hôm qua và nhà doanh nghiệp có thể gọi là thành đạt hôm nay khệ nệ ôm chồng tranh đi nhanh ra chiếc xe hơi đỗ ở đầu ngõ.