Thực ra cái nhận định mang thuần tính ngoại đạo của Hoàng Vinh về sự suy sụp trong con người ông mới chỉ đúng một phần. Nước đời đen bạc, quá khứ bị quên lãng ư? Hay các trò mánh mung, hèn hạ, nhá nhem trong sân chơi nghệ thuật đang phá hủy các năng lực sáng tạo đích thực? Hay bệnh tật vẫn tiếp tục hoành hành không thuyên giảm? Có thể có tất cả và cũng có thể chả có cái nào. Kể cả cái đám tượng không mắt, không đầu, không tay kia nữa…
Sự suy sụp khiến ông buông bỏ hết thảy để mặc cho mình trượt dài trên hành trình bán linh hồn cho ma quỷ đi vẽ thuê vẽ mướn chỉ có ông mới biết lý do. Một lý do vô hình mà có nói ra cũng chả ai tin. Lý do về sự rạn vỡ hoàn toàn trong tâm hồn.
“Tôi có hỏi về anh nhưng cô ấy im lặng, vẻ như không còn nhớ gì nữa…”.
Đó là, đúng vào lúc vết thương trong đầu ông tái phát và nghề nghiệp của ông bị trục trặc nhất thì không hiểu sao, hình ảnh của Thủy và những kỷ niệm với Thủy cứ cồn cào trỗi dậy như một thế tương phản không thoát vùng ra được, cái dịu ngọt và điều nhức nhối, điều vĩnh hằng và cái nhất thời, cái thật và cái giả, đen và trắng… cứ đêm đêm giao tranh dữ dội trong tâm trí ông. Và hơn thế, khuôn mặt em hiện lên ở đầu giường sao lại rách nát, đẫm máu cùng với cái nhìn ai oán, trách móc và cả thương xót khốn khổ như thể ông là người có tội thế này? Tội gì, ông thật sự chưa nghĩ ra.
Ngày ấy, xa lắm rồi, sau lần dính miểng pháo găm vào sọ trước thời điểm xe tăng mang cờ Giải phóng húc đổ dinh Độc Lập có một ngày, ông phải trải qua một thời gian an dưỡng vật vã có lúc tưởng đã không gượng nổi kéo dài tới cả gần năm năm trời, ra trại, việc đầu tiên là ông lang thang đi tìm em ngay nhưng có tìm được đâu!
Tìm về mảnh đất châu thổ sông Hồng có những cánh đồng lúa tạo năng suất kỳ tích trong chiến tranh, nơi đã sinh ra em, hình như có một lần đã loáng thoáng nghe em nói vậy, có người bảo em đã chết, có người nói sau giải hình như cô ấy có tạt qua nhà một lần rồi từ đó đi đâu không ai biết nữa. Lại có người khẳng định em được đi du học nước ngoài rồi nghe đâu đã lấy chồng và ở hẳn bên đó. Nghe đâu… Hình như… Với dáng người tiều tuỵ, với cái đầu thỉnh thoảng lại cứ nhức tăng tăng như có ai gõ nồi niêu xoong chảo trong đó, ông còn tái tê vấp phải hàng đống những lời “Nghe đâu”, “Hình như” lạnh lùng như thế nữa, vấp nhưng vẫn hy vọng, càng vấp càng hy vọng, càng lặn lội đi tìm.
Chỉ đến khi vô tình gặp lại một người quen cũ vốn làm công tác tuyên văn trong binh trạm giờ đang giữ chức thứ trưởng thì ông mới đành hẫng hụt dừng lại. Người này sau khi lôi ông về nhà, tự tay nấu nướng đãi bạn một bữa cơm khá thịnh soạn có món măng rừng và canh môn thục đắng nghét, rồi sau khi đã nghe mọi lời khúc nhôi tâm sự của ông mới nói thẳng: “Khổ thân ông anh! Đừng tìm nữa. Mọi cái thay đổi hết rồi, không còn như cũ nữa đâu. Gần đây trong một hội nghị giáo dục tôi có gặp Thủy, cô ấy vẫn đẹp như xưa nhưng trong mắt có cái gì buồn buồn mà không tiện hỏi. Được biết cô ấy đã lấy chồng, mới lấy, một phó giáo sư tiến sĩ vật lý điện tử học ở nước ngoài về, nghe đâu họ sống với nhau khá hạnh phúc, chỉ hiềm nỗi chưa có con”.
Ông chợt thấy tức ngực: “Thủy… cô ấy có hỏi gì về tôi không?”. “Không - người bạn trả lời - trước đó tôi cũng có hỏi Thủy về anh nhưng cô ấy im lặng, có cảm giác như không nhớ nữa”. Đầu gối ông xuội xuống như vừa bị ai giáng một sống dao vào đó.
Lát sau ông mới cố vớt vát: “Họ đang sống ở đâu, vẫn ở quê hay ở Hà Nội, Sài Gòn, hoặc nước ngoài? Dù sao tôi cũng muốn gặp cô ấy một lần để nói rõ tất cả chứ không, lòng dạ áy náy lắm!”. Người bạn thứ trưởng lắc đầu: “Tôi cũng không biết, hội nghị đông người, nói dăm điều ba chuyện rồi chia tay, từ đó tôi cũng không gặp lại hay được tin gì về cô ấy nữa”.
Đã có chồng… hạnh phúc…
Thôi thế cũng mừng cho em. Miễn là em còn sống, em có chồng, em hạnh phúc là tốt rồi. Cũng coi như đã xong một kỷ niệm. Hậu chiến ngổn ngang, lòng người ly tán, em lại giỏi lại đẹp như thế, làm sao có thể chờ đợi được mà có biết cái thằng tôi chết sống ra sao mà chờ.
Hỏi về anh, có cảm giác cô ấy không nhớ gì nữa…
“Ừ nhớ làm gì? Làm sao mà phải nhớ? Có mỗi đêm ở bên nhau, đêm đầu tiên cũng là đêm cuối cùng, cuộc đời nhá nhem, có rồ mới nhớ, mẹ, lòng dạ đàn bà đều thế cả, lạ chó gì! Càng may, nhớ có khi thêm khổ. Chào nhé, vĩnh viễn chôn chặt nhé, giờ mới thật là hết, hết hẳn, hết nhẵn, cám ơn cái sự thật trần trụi đã phá vỡ trong tôi cái hào quang của sự giả dối, cái thằng đa tình luỵ nghĩa là tôi lại âm thầm trở về với công việc vẽ vời chán ngắt để tìm quên vậy!”.
Nhưng có vẽ được đâu. Nói là tìm quên nhưng lòng dạ bỗng dưng đổ nát đến tan hoang, như con thú bị rút hết xương sống, như một thằng người bị phang một cú trí mạng vào giữa đỉnh đầu. Không biết tin gì còn nuôi hy vọng, khi biết đích xác rồi thì hy vọng cũng tan vào bùn. Choáng váng! Choáng váng đến độ cả một tuần trời ông không ra khỏi nhà, toàn trùm chăn nằm im, từ chối không tiếp bất cứ ai, kể cả người công an hộ tịch đến kiểm tra dân số.
Khoảnh khắc ấy, với ông dường như mọi cảm hứng sống, cảm hứng sáng tạo đều theo em tạt đi đâu hay bay vào hư vô hết rồi, ngày ngày nhìn vào bản vẽ như nhìn vào pháp trường rờn rợn màu xương xẩu trắng xác không có một chút xúc cảm nào. Thì ra, có đúng vậy không, hồi ấy giữa lằn ranh của sự sống và cái chết, ông vẽ được nhiều thế, vẽ như nhập tâm nhập thần, vẽ cuồn cuộn, ý tưởng này chưa xong ý tưởng khác đã ập xuống, tất cả cũng là do em, là lấy cảm hứng từ con người em, từ tình yêu âm thầm với em. Giờ không còn em nữa, đôi cánh sáng tạo bỗng bị gãy gục, mọi sự vẽ vời giờ đây chỉ còn là dớ dẩn, là trò đùa của quỷ.
Đúng hơn, cái nhìn bí hiểm bên đầu giường của em đã đẩy đầu óc ông văng chìm vào sự giá băng của bản chất công việc, của cốt lõi tồn tại. Vẽ làm gì, vẽ cho ai trong khi điều thiêng liêng nhất là em và tình yêu của em trong cái đêm rừng tức tưởi ánh hoả châu đó lại không còn nữa, lại hiện lên oán trách như chính ông là người phản bội. Lấy chồng… Hạnh phúc… Phải chăng bây giờ em mới thật chết, chết thật sự trong ông.
Nhưng ông vẫn phải sống. Nước đời lắm nỗi, dạ dày réo gào, bệnh tật sinh sôi, miếng ăn còn chả đủ, tiền mua thuốc chả xong, ai hơi đâu mà thiết tha với cái cảm hứng trận mạc vốn ngày xưa được cho là niềm tự hào khôn nguôi của dân tộc ấy nữa. Dẹp! Dẹp mẹ nó đi! Dẹp hết! Sống cái đã. Cứ cầm lấy cọ đã. Vẽ như là cái nghề, cái nghiệp, nghiệp chướng, vẽ để tồn tại, không vẽ thì không còn biết làm gì, vẽ để neo cái đầu trống rỗng của mình vào dòng đời, không vẽ chỉ còn cách ra sông nhảy ùm xuống, hoặc đập đầu vào tường mà chết, xong, chấm hết. Vậy thì vẽ, không còn cái đích thực thì chơi cái sinh nhai, đều là vẽ cả, thần thánh hoá nó làm mẹ gì cho thối ruột. Thế là bắt đầu buông bỏ, để mặc linh hồn rơi tự do xuống vực thẳm đen ngòm. Buông bỏ trong cái nhìn đàn bà vẫn khôn nguôi hiện lên oán thán, thương hại.
Và đó cũng là lúc ông bỏ rơi các bức tượng của mình. Ông không muốn chúng được hoàn thiện. Chúng phải thiếu một cái gì đó như ông đang thiếu trầm trọng đây. Một tâm hồn què quặt thì không thể cho ra những sản phẩm lành lặn được. Bằng suy nghĩ cực đoan nhuốm màu bệnh hoạn ấy, ông muốn các bức tượng đã được nung nấu thai nghén từ trong chiến tranh của mình phải chia sẻ nỗi mất mát, phải đồng dạng, đồng cảnh với ông tý chứ.
Còn gì nữa, ông cười gằn trong đêm: “Các chú muốn hoàn chỉnh trong khi cuộc đời chả hoàn chỉnh tý nào à? Không đâu, không có nhé, các chú bỏ xương bỏ máu, tôi cũng vậy, bỏ một cách say sưa và bản năng để mong có một cuộc đời hoàn chỉnh sau này nhưng nó chưa hoàn chỉnh thì tôi và các chú coi như nhiệm vụ chưa thành, coi như phải tiếp tục làm một điều gì đó nữa chứ chưa ngủ yên trên dĩ vãng được đâu. Tôi cứ tạm gọi sự thiếu vắng trên thể xác các cô các chú là một nỗi niềm khát vọng, khát vọng hướng thiện được không? Thì tạm thôi!”.
Nghĩ thì có vẻ sáng láng, vạm vỡ đầy chí hướng tích cực như vậy nhưng chính ông lại để cho linh hồn mình ngã dụi trước. Tác giả ngã dụi trước tác phẩm âu cũng là chuyện bình thường, cổ kim vẫn thế. Vậy mới biết cú đánh hiểm hóc của tình cảm nó nặng đòn hàng ngàn lần hơn cú đánh của kẻ thù, của hoàn cảnh như thế nào, đúng không?
Để rồi như một quy luật hay chả có quy luật mẹ gì, trong nhà ngoài sân, các bức tượng phản ánh phong độ, khí thế và con người tráng sĩ hào sảng khi non nước lâm nguy một thời theo thời gian và dòng đời sôi sủi vẫn thiếu tay thiếu mắt, thiếu cả đầu.
Bước ra sân, đứng trước các bức tượng im lìm như âm binh của mình, ông thả rơi một tiếng cười nhạt thếch. “Chào các người anh em, chào các chiến hữu một thời gian khổ! Tha lỗi cho tớ cái tội đã làm cho các bạn trở thành khiếm khuyết này nhé! Mắt để làm gì? Tớ đang nhìn cuộc đời trái ngang, phi lý ngày ngày diễn ra nhỡn tiền kia bằng một cái nhìn mù loà nhá nhem, nhoà nhạt cho đỡ đau đầu thì các bức tượng, những đứa con tinh thần của tớ cũng nên mù loà theo, sáng ích mẹ gì?”.
Lọ mọ, ông nhặt cái đầu của bức tượng lính nằm chỏng trơ giữa sân, ngắm nghía vô hồn một chút rồi đặt lên cái cần cổ tơ tướp của anh ta. Rồi lại cười. Nửa cười nửa mếu đến khổ!
Ngoài kia mặt trời đã sắp đứng bóng. Oi ả, chả có tý gió nào, kiểu này chắc đêm nay sẽ có giông. Cái oi ả ngoại thành không bức bối bằng nội thành nhưng cũng bứt rứt, ngột ngạt không kém. Ông thất thểu đi trở lại phòng, định bóc một gói mỳ tôm ra bát đổ nước sôi vào thì cái tiếng bà chủ nhà đã xoe xoé ngay bên ngoài:
- Ông gì ơi, đã ăn gì chưa đấy?
Không có tiếng trả lời, bà ta bước hẳn vào, trên tay là một tô cơm còn nóng, trên phần cơm có lát cá kho, quả trứng luộc, gắp rau muống xào cùng mấy lát cà muối xổi.
Bà đặt tất cả xuống trước mặt ông:
- Có hai thay đổi cơ bản cho ông đây. Một là, từ nay tôi không gọi ông là bôi sĩ nữa mà gọi bằng họa sĩ, trong nhà có một họa sĩ thuê oách hơn bôi sĩ chứ. Hai là, từ nay tôi sẽ lo cơm nước, thuốc thang cho ông. Có thể tôi mang xuống và cũng có thể ông chịu khó lên chỗ tôi ăn là tiện nhất. Tiền nong tính toán sau. Cả tiền nhà nữa, chưa vội.
Ông há hốc mồm, nheo mắt nhìn lên như nhìn một phiên bản của bà ta chứ không phải là bà ta:
- Một sự thay đổi nằm ngoài tất cả các cặp phạm trù! Chắc có lý do? Và cả điều kiện?
- Chả có lý do và cũng chả có điều kiện gì hết. Mà cũng chả phải vì cái chân dung vớ vẩn ông vừa vẽ mà tôi thay đổi đâu. Hồi bắn Thần Sấm, Con Ma giặc Mỹ trên nóc cầu, thiếu gì người vẽ tôi, cả chụp ảnh tanh tách nữa kia. Tôi thấy… thương ông thì tôi chăm sóc thế thôi. Ông không thể cứ ăn mỳ tôm trừ bữa mãi thế được. Nhỡ có bề gì, người ta lại hỏi đến tôi, phiền lắm! Vả lại tôi cũng đang một mình, được chăm sóc người khác cũng là… hạnh phúc. Ông cười gì? Tôi nói trong sáng, cái đầu ông lại nghĩ bậy hả?
- Không, không... Tôi cười vì cảm động. Lâu lắm rồi tôi mới được người khác chăm sóc nên hơi bị sốc, bà thông cảm.
- Ông đừng vì một lý do gì mà hận thù cuộc sống như thế, cuộc sống như con người, dẫu thế nào cũng vẫn có cái này có cái kia, ông cứ hận như vậy là chỉ chuốc khổ vào chính mình.
- Ơ, nhưng bà lấy căn cứ gì mà nói tôi hận cuộc sống nhỉ?
- Nhìn vào mắt ông thì biết, cứ tối như hũ nút, chỉ có người đang oán hận, đau đớn, vật vã mới có con mắt như thế. Ông cứ nghe tôi.
- Vâng, sẽ cố nghe theo bà. Nghe vì lòng tốt bất chợt của bà chứ không phải vì tôi.
Thấy ông họa sĩ lập dị chuyện trò đã có vẻ cởi mở hơn, bà hỏi thẳng:
- Này, hỏi khí không phải, thế vợ con ông đâu mà để ông một thân một mình vạ vật thế này?
- Vợ? - Mái đầu lởm chởm lắc lắc - Bà nhìn tôi thế này liệu có ai rồ dại mà chịu ở làm vợ tôi không?
Bà chủ nhà ngắm nghía ông từ đầu đến chân một lát:
- Ừ, đúng là không ai thật. Nhìn ông kinh lắm, bẩn bẩn, điên điên thế nào ấy. À, ông gì này…
- Xin lỗi, tôi tên Linh, gọi thêm họ là Trần Hoài Linh cũng được.
- Ừ, ông Linh, tên hay phết nhẩy, tôi bảo này, ngày mai ông nên ra phố cắt tóc, gội đầu, cạo cái râu đi một chút. Mà thực ra không râu ria, không ăn mặc lôi thôi thì khuôn mặt ông cũng đâu đến nỗi, thậm chí khi ông cười còn có duyên nữa là khác.
- Cám ơn bà đã quá khen, một lời khen cũng lâu lắm rồi tôi mới được nghe.
- Ơn iếc gì! À, mà ông gì này… Quên, ông Linh, chiều nay lên chỗ tôi ăn cơm, tôi sẽ đưa cho ông mấy bộ quần áo ông nhà tôi để lại, vừa cái nào ông cứ lấy mặc, để lâu nó cũng mủn ra.
- Tức là ông nhà…
- Mất rồi. Đột quỵ. Ngày xưa là dân lái xe Trường Sơn, bị thương vào đầu, lười, không đi chữa trị, thế là đột quỵ cái, đi luôn.
- Tôi xin lỗi và thành thực chia buồn!
- Thôi, ông ăn đi cho nóng, tôi cũng phải chạy ù ra chợ cái đây. Cánh sinh viên chúng cũng đang đề nghị tôi nấu cho chúng nó ăn luôn, kể cũng tội. Học suốt ngày đêm mà ăn uống chả có gì.
Bà ta nhìn nhanh vào mặt ông một cái rồi đi ra. Một cái nhìn là lạ mà từ ngày thuê nhà, ông chưa thấy bà nhìn bao giờ.