Mới sáng sớm, mấy tay thuê vẽ quảng cáo đã đến đòi nhận hàng nhặng xị cả lên. Toàn những biển hàng biển hiệu chỉ cần trình độ sơ cấp cũng xong vậy mà vẫn có đứa chu mỏ lên ỏng eo chê nọ chê kia, nào là màu tối quá, nét chữ khô quá, thiếu chất “phăng-tơ-ri” bay bổng mẹ gì đó, rồi bố cục chưa có điểm nhấn. Mẹ, cái đầu sặc mùi hàng xén của chúng mày biết cái đếch gì về bố cục với chả điểm nhấn? Với loại con buôn trọc phú không hiểu từ đâu mà nảy nòi ra như rươi chỉ có màu sắc đồng tiền là hoàn hảo nhất này, mọi sự cắt nghĩa, tranh luận, phản biện đều trở thành vô ích, tốt nhất là cắm mặt vẽ lại, chỉnh lại còn nhanh hơn.
Nhưng cũng có đứa tỏ ra biết điều, am hiểu hơn lại hít hà đẹp quá, thẩm mỹ quá, chỉ mấy nét thôi mà lên hết thần hết thái, tiếc nhỉ, đáng lẽ với bàn tay này cụ có thể làm được những cái gì ra tấm ra món hơn, bao nhiêu hả cụ, tiền ấy, công ty tụi con còn nghèo, mong cụ nới tay cho…
Mẹ, thà nó cứ chê mẹ nó đi còn dễ nghe hơn, khen để nói thế này thì còn khốn nạn hơn: “Tuỳ chú, bao nhiêu cũng được”. Rơi vào những trường hợp này, ông thường có câu trả lời trễ nải như thế. Mà đúng là tuỳ thật. Vừa vẽ vừa tự khinh mình, đến khi nhận mấy đồng bạc còm còn tự khinh hơn, khinh cả đứa đưa tiền vậy thì đôi co mặc cả làm gì cho thêm nhục. Và phải chăng chính vì cung cách lơ đãng như kẻ khinh tiền đó mà ông có khá nhiều đơn đặt hàng. Nhiều đến nỗi lắm khi ông phải miễn cưỡng từ chối. Chỉ có điều chúng đặt thì nhanh nhưng trả tiền lại thường chậm cho nên ông phải thường xuyên muối mặt với bà chủ nhà như vậy.
Cũng như sáng nay, một buổi sáng lập đông se lạnh, sau một hơi thuốc lào thấu đến tận xương tuỷ, khoác thêm chiếc áo bộ đội sờn rách, hôi rình, lại lụi cụi với vẻ không mấy hứng thú nhỏ thêm vài giọt thuốc sáng mắt tay Vinh đưa cho chưa thấy có tác dụng gì, thậm chí còn loà nhoà hơn, ông bỗng cảm thấy trong người hơi ơn ớn, giống cái ơn ớn ở chiến trường khi sắp có một điềm báo gì đó bất thường sắp xảy ra như lũ quét, bom giội, biệt kích luồn vào chẳng hạn. Ông phì ra một tiếng: “Điềm mẹ gì, chiến tranh đã lùi xa hơn hai mươi năm rồi làm gì có điềm điếc vào đây nữa. Chẳng qua là bây giờ toàn thân ọp ẹp, như cái hàn thử biểu, chỉ cần trái gió trở trời một tý là cũng đủ ớn lạnh xương sống ngay”.
Nghĩ thế, ngáp một cái rõ to, ông quyết định làm cái động tác pha màu chán ngắt để nghí ngoáy nốt mấy cái biển hội nghị, cái quán thịt chó, thịt lợn mán xách tay… Đang vẽ dở kia cho xong thì bất chợt sau lưng ông vang lên một tiếng gõ cửa rụt rè. “Mẹ, lại khách đến lấy hàng hay đặt hàng đây!”.
- Cứ vào, cửa không đóng! - Ông nói hắt ra, không quay lại.
Cửa mở khẽ. Một vệt sáng theo gió lạnh lùa vào. Nhưng vẫn im lặng…
- Ai đấy?... Có gì không? Chưa xong đâu.
Ông vẫn không quay lại. Và đằng sau ông vẫn không có một tiếng nói nào. Lấy làm lạ, ông khẽ xoay người nhìn ra… Trong cái nhìn như có sương mù che phủ, lại trong cảnh tranh tối tranh sáng, ông nhận ra đó là một người đàn bà trung tuổi, dáng cao, gầy, ăn vận lịch sự, nước da hơi tái, đầu trùm khăn mỏng, đeo kính mát nhẹ, đang đứng lặng nhìn ông… Ông cũng nhìn lại, vô cảm, chả hiểu gì.
Giây lâu, bà mới cất giọng, một cái giọng chìm nghỉm, ngột ngạt, run run như vang lên từ dưới đáy vực:
- Dạ, chào ông…
- Không dám, chào bà! Hình như tôi chưa gặp bà lần nào?
- Dạ… Tôi đến đây lần đầu.
- Vậy xin lỗi, bà hỏi ai ạ?
- Tôi hỏi ông Linh.
- Linh nào ạ?
- Hoạ sĩ… Trần Hoài Linh.
- Vâng, Linh thì có nhưng họa sĩ thì không, qua rồi thưa bà.
Trả lời vậy, ông nghĩ bà khách sẽ xin lỗi và cáo lui nhưng không, tiếng nói của bà ta vang lên rành rẽ hơn:
- Có thể qua với ông nhưng không qua với mọi người, xin lỗi ông!
Ông khẽ rùng mình như vừa có một giọt gianh chui vào cổ nhưng liền đó lại cười nhẹ:
- Vâng, thì cứ tạm cho là thế, mời bà ngồi…
Ông kéo cái ghế loang lổ màu sắc từ góc phòng ra, lấy tay phủi qua màng bụi bám trên bề mặt, ngượng ngập đặt trước mặt khách.
- Cám ơn ông! - Bà ngồi xuống, khẽ đưa đôi mắt mệt mỏi sau lần kính nhìn quanh phòng, nén một tiếng ho - Ông sống thế này ư?
Người bất đắc chí thường hay chạnh lòng, chạm đến đời sống riêng tư hay chạm tự ái, quái, con mẹ như con ốm dở này là ai mà hôm nay dám đến đây tỏ ý thương hại mình thế nhỉ?
Ông hạ đít ngồi xuống mép giường, lạnh giọng:
- Nào, tôi có thể giúp được gì, thưa bà?
- Tôi muốn đặt vẽ một bức chân dung.
Giọng bà khách cũng lạnh không kém khiến ông suýt phì cười:
- Chân dung?
- Vâng, chân dung.
Ông sẽ cười phì ra thật nếu như không kịp giả vờ cúi xuống nhặt một cái chổi lông lên.
- Xin lỗi, có lẽ bà gõ nhầm cửa rồi. Đây, bà xem, xung quanh tôi toàn những biển hàng biển hiệu sặc mùi mua bán, ẩm thực chứ có bức chân dung chân diếc nào đâu.
- Tôi hiểu - Bà khách lại nén một tiếng ho nữa - Nhưng tôi được nghe người ta giới thiệu trước đây ông là một họa sĩ danh tiếng và là một bậc thầy về vẽ chân dung.
Đến đây thì không nhịn được nữa, ông ngửa cổ nhìn lên cái trần nhà nứt nẻ, cười hấc lên một tiếng như bị hóc xương:
- Bậc thầy! Cám ơn bà đã nhắc với tôi về một quá vãng đã lùi xa nhưng bây giờ nó chỉ còn là một điều xa xỉ, không có thật.
- Nhưng lúc này ngồi trước tôi, con người ông vẫn hoàn toàn là thật.
Lại như có một giọt gianh nữa chui vào cổ, buốt lạnh hơn, lần đầu tiên ông chú mục nhìn bà… nhưng chả phát hiện thêm được gì, vẫn mờ mờ mịt mịt. “Bố tiên sư khỉ, thuốc với thiếc, Mỹ với chả Mẽo, chả có tác dụng mẹ gì, mà với ba cái đồ quảng cáo lăng nhăng này việc gì phải bày đặt sáng với tối kia chứ”.
- Nhưng xin lỗi… bà là ai?
Bà khách hơi quay mặt nhìn ra sân, nơi có những chiếc lá vàng bắt đầu chao rụng, lần này thì tiếng ho thoát ra khỏi lồng ngực tạo nên một âm thanh yếu ớt:
- Một người đã có thời kỳ hâm mộ ông. Và lúc này đang cần đến ông.
Lâu nay ông vốn sống khép kín, khép đến lập dị, khép đến nỗi đã có biết bao lời đồn đoán quái quỷ về ông, ông thây kệ, càng khép, chả thích tâm sự tâm tình với ai, ngay cả với người bạn chiến đấu thân thiết duy nhất còn lại là giám đốc Vinh cũng vậy, nhưng hôm nay không hiểu sao, do giọng nói buồn buồn thoáng vẻ xa vắng gợi lên cảm hứng giãi bày kia hoặc do chính tiếng ho tội tình bị nén lại của bà hoặc cũng chả do cái gì cả, tự nhiên nó thế thôi, ông bỗng như tìm được một chỗ để hứng để đựng những điều bứt rứt đang ung mủ trong đầu, người họa sĩ giơ hai tay vẻ chán nản:
- Chắc bà khinh tôi lắm? Vâng! Không ai có thể mài cái hâm mộ phi vật thể đó ra mà ăn mãi được đâu thưa bà. Chúng tôi cũng là con người, cũng cần phải sống, cần phải có cái tọng vào dạ dày trong khi càng nghiêm túc, càng đau đáu với nghề thì càng đói, thiên hạ càng dửng dưng. Vâng, tôi thà đi vẽ quảng cáo thế này còn hơn cho ra những bức tranh chỉ lo chiều theo thị hiếu của một số người rửng mỡ hay của cánh trọc phú học làm sang.
Ngược lại với cái giọng gay gắt ấy là một tiếng trả lời thật dịu:
- Tôi hiểu, cho nên tôi mới đến đặt ông một bức chân dung.
Bị kéo xếch về hiện thực, ông có vẻ bực mình, xổ ra cả tràng:
- Chân dung ai? Có phải lại là một đại gia, một tỷ phú hay một chính khách mới phất? Và với bà người ấy là ai? Bố mẹ, chồng, con, bè bạn hay… người tình?
- Không, chân dung tôi.
Đôi mắt đục cùi nhãn trợn tròn:
- Bà?
- Vâng, tôi. Có gì không ông?
- Không… - Ông cười ngượng ngập - Chỉ là vì tôi thấy bà… Mà thôi, xin bà có thể cho biết lý do?
- Bên nhận đặt hàng không bao giờ nên hỏi lý do của bên đặt hàng cả. Miễn là sòng phẳng.
Ông bật một tiếng cười khẩy:
- Sòng phẳng? Bà nói năng nghe ra cái mùi thị trường tanh lợm lắm nhỉ trong khi con người bà thì… xin lỗi… hình như không có tý thị trường nào, thậm chí còn ngược lại.
- Ý ông nói tôi là người cổ?
- Đấy là bà nói.
Bà khách thoáng nghiêm mặt:
- Tóm lại ông có nhận vẽ giúp không ạ?
Ông cũng nghiêm mặt:
- Câu trả lời là không!
Im lặng, ngột ngạt… nghe rõ được cả tiếng con chim nào kêu chíu chít ngoài vườn.
Giọng bà khách hơi chùng xuống:
- Nhưng nếu tôi nằn nì? Nếu cần kể cả xin xỏ?
- Câu trả lời vẫn không thay đổi. Không, thưa bà!
Người đàn bà tháo khăn, để lộ một khuôn mặt có những đường nét thanh thoát, khá đẹp nhưng có phần xanh xao, tiều tuỵ. Nhưng người họa sĩ không nhận ra được những sắc thái ấy. Đôi mắt không hiểu còn được mấy phần mười của ông không cho ông nhận ra rạch ròi bất cứ cái gì trong quầng ánh sáng mờ ảo này. Như để chấm dứt câu chuyện, ông quay lưng đi đến chiếc điếu cày được làm bằng i-nốc đã xỉn màu.
- Vậy tôi chỉ còn một cách.
Bà khách đột ngột lên tiếng:
- Cách gì thưa bà? - Ông hỏi với vẻ thách thức.
- Đơn giản: Tôi sẽ ngồi lỳ ở đây một tuần, một tháng, thậm chí là một năm… cho đến khi ông nhận lời.
Người họa sĩ quay lại, nhìn chết trân vào bà khách giây lâu…
- Tôi hy vọng rằng đây chỉ là câu nói đùa của một người thích cợt nhả?
- Vào tuổi này, chắc ông hiểu, người ta không còn thích cợt nhả nữa.
Nhìn vẻ mặt cùng với giọng nói đanh đanh kia, ông hiểu rằng con người này không nói đùa thật. Bối rối, ông lóng ngóng đưa điếu cày lên miệng, bật lửa… nhưng quên nhồi thuốc, lại bỏ xuống, nhăn mặt:
- Nhưng tại sao cứ phải là tôi trong khi còn có biết bao những họa sĩ vẽ chân dung tên tuổi khác đang sống nhan nhản ở cái thành phố này?
- Tôi không biết ai cả và dù có biết thì tôi cũng chỉ tin ở ông, một mình ông. Còn hỏi vì sao thì chính tôi cũng không biết.
Như bị dồn đến bước đường cùng, người họa sĩ đứng dậy nheo nheo mắt nhìn ra khung cửa sổ lặng phắc giây lâu… Khoảnh khắc ấy ông không hề hay biết rằng, sau cặp kính, ánh mắt bà khách cũng đang hút chặt lấy toàn bộ cái hình hài xiêu vẹo, lòng khòng, gù gật, khổ não của ông, một ánh mắt thật buồn, thật xa xót. Rồi bà bật nhẹ một tiếng ho. Tiếng ho không to, không dài, không thành cơn nhưng sao nghe như có tiếng nấc chìm bên trong.
Chính cái âm thanh tắc nghẽn đó đã khiến ông quay lại, nét mặt có chút đổi thay.
- Bà vừa bảo sẽ ngồi lỳ ở đây một tuần, một tháng, một năm nếu tôi không nhận?
- Vâng!
- Kể cả trường hợp tôi bỏ đây mà đi?
Tiếng nói vẫn không thay đổi:
- Vâng!
- Tôi chưa thấy ai có tiếng “vâng” kinh khủng như bà.
- Vâng!
Một tiếng thở phù như tiếng khè của rắn hổ đã chán ngấy con mồi:
- Bà không còn có từ nào để biểu thị sự đồng thuận thay cho tiếng “vâng” cứ như thuốn vào tai thế à?
- Vâng! Có thể ông tự khép kín mình lâu quá nên không nghe được những tiếng nói khác mình đó thôi.
Bất lực và chán nản, miệng ông lại phì ra tiếng nữa nhưng có phần nhẹ hơn:
- Bà có thể giúp tôi bỏ cái kính mát ra được không? Bà đang ngồi trong nhà.
Bà khách bối rối đưa tay lên gọng kính rồi lại ngần ngừ bỏ xuống:
- Xin lỗi! Tôi bị đau mắt đỏ, sợ lây qua người nói chuyện. Nhưng nếu ông cần, tôi cũng bỏ.
Bà khách quyết định tháo kính để lộ một đôi mắt trũng sâu, mệt mỏi, trống vắng, không ánh sáng mà cũng không bóng tối, mờ mờ, ảo ảo. Dường như không chịu nổi cái nhìn vô hồn nhưng đa chiều ấy, ông xua tay:
- Thôi, đủ rồi!
Bà khách lại bình thản đeo kính vào, trở lại giọng nói cũ:
- Cám ơn ông! Còn cái việc tôi nhờ ông?
Người họa sĩ bất giác giơ hai tay lên ngang đầu như quy hàng:
- Thôi được! Nếu bà đã cố tình như thế thì tôi nhận nhưng cũng xin báo trước, đúng theo giọng thị trường: Nhận nhưng giá không rẻ đâu.
Thoáng một nụ cười trên khuôn mặt héo hắt:
- Nghệ thuật đích thực không có giá. Tiền nong ở đây không thành vấn đề. Tôi chấp nhận.
Đôi mắt kèm nhèm của người họa sĩ ánh lên một chút khiêu khích:
- Bà định bao nhiêu mà chấp nhận?
- Đủ để ông có thể sống ung dung cho đến khi hoàn thành nó. Sáu tháng, một năm, hai năm, có thể ba năm, tùy.
Người họa sĩ gần như thả thõng người xuống ghế:
- Hả, cái gì?... Bà nói cái gì?
- Xin lỗi, tôi đã nói rồi và không muốn nhắc lại nữa!
Hoạ sĩ lại đứng bật dậy, và lần này thì ông có vẻ cáu thật sự:
- Bà hợm mình quá đấy! Một người như bà mà bà nghĩ tôi có thể bỏ ra cả sáu tháng, một năm trời chỉ để hình thành một khuôn mặt ư? Xin lỗi nhé!
- Xin ông cứ ngồi xuống! Vào cái tuổi này, tôi thiết nghĩ chúng ta nên tránh những xúc động không cần thiết. Là tôi cứ nói ví dụ vậy chứ làm sao tôi biết được cái công việc bí ẩn và phức tạp của các ông cần một khoảng thời gian bao nhiêu cho một bức chân dung!
- Nhưng bà nghe đây - Ông phóng cái nhìn lạnh lẽo thẳng căng vào khuôn mặt bà - Nếu tôi có nhận thì đó không phải vì tiền, vì cái hợm mình khó chịu của bà mà từ chính thái độ như là thách thức của bà. Và xin lỗi, cả tiếng ho khốn khổ cố nén của bà nữa.
Giọng bà khách hơi nghẹn lại:
- Tôi chờ nghe câu này từ lâu rồi, cám ơn ông!
- Xong - Người họa sĩ khoát mạnh tay - Giờ bà chỉ cần để lại một tấm ảnh mà khỏi ngồi làm mẫu. Thần thái của bà từ nãy đến giờ tôi đã nắm bắt đủ rồi.
- Thần thái? Nói vậy có sớm quá không, thưa ông?
- Tuần sau bà có thể đến lấy hàng.
Ông thực sự đã muốn kết thúc câu chuyện.
- Tuần sau?... Tôi e rằng vẫn có cái gì hơi vội.
Vẫn câu nói rất dễ khiến người khác nổi điên.
- Vội hay không là ở như tôi, câu hỏi này không thuộc về người đặt hàng, bà hiểu chứ?
- Vâng, tôi xin lỗi! - Bà khách cúi xuống rút từ túi xách ra một tấm ảnh cỡ trung đặt trước mặt ông - Ảnh đây ạ! Tôi mới chụp trước khi quyết định đến đây.
Người họa sĩ cầm lên nhìn qua rồi đặt xuống:
- Phụ nữ khi muốn có một bức chân dung thì thường đưa ảnh hồi trẻ, riêng bà lại đưa tấm ảnh này.
- Tôi muốn cái gì là thật thì nó cứ mãi mãi là thật. Mọi sự làm khác đi chỉ làm cho nó giả thêm.
Bà khách lại cúi xuống lấy trong túi ra một gói giấy nhỏ màu xanh đặt lên bàn:
- Giờ tôi mạn phép đặt trước một ít để ông có thể tập trung vào công việc mà khỏi bận tâm sang những chuyện khác.
- Bao nhiêu đấy? - Ông buột miệng hỏi.
- Dạ, một trăm năm mươi triệu. Đây chỉ là một phần ba tạm ứng ban đầu, xong, tôi sẽ xin đưa nốt.
Ông thoáng nhìn gói tiền rồi lại nhìn lên khuôn mặt bà, ánh mắt thoáng tối sẫm lại:
- Không cần, thưa bà. Mặc dù với số tiền này, tôi có thể hoàn thành được một bức sơn mài khổ lớn hoặc có thể đủ sống vài năm. Xin lỗi, đám làm nghề chúng tôi dẫu có chết đói cũng không thể làm thằng ăn mày. Xin bà cầm lại!
Bà khách lắc đầu:
- Thì chúng ta vừa thống nhất với nhau là phải sòng phẳng. Sòng phẳng và ăn mày là hai cái khác nhau. Mong ông nhận cho.
Không để cho chủ nhà nói thêm được câu nào nữa, bà đứng dậy, quấn lại tấm khăn mỏng che nửa mặt, tiếng nói bỗng như không thoát ra được, nó tụt sâu vào trong cổ:
- Cứ thế nhé! Chào ông… tôi về.
Nói xong, bật ho một tiếng yếu ớt, bà xoay lưng bước ra cửa luôn, bước đi vấp váp, xiêu xiêu như người quáng nắng. Ra đến sân, bước chân bà chậm lại… chợt dừng, đứng lặng phắc giây lâu rồi như chẳng thể đặng đừng, bà khẽ quay đầu nhìn lại người họa sĩ già, mắt hun hút như nhìn đi đâu xa lắm nhưng cũng gần lắm rồi mới khuất mình trong ngõ nhỏ um tùm cây lá. Bước chân vẫn xiêu xiêu, thỉnh thoảng lại vấp.
Đứng trên bậu cửa, nét mặt khinh khỉnh và thoáng chút tò mò, người họa sĩ già dụi mắt, hấp háy nhìn theo như nhìn một ảo ảnh không có thật nếu như thi thoảng từ đó không có một tiếng ho đàn bà rơi lại.
Cười khan một tiếng, ông trở vào phòng, cầm tấm ảnh lên xem. Một khuôn mặt giống như khuôn mặt vừa rồi, cùng trang tuổi ấy nhưng tươi tắn, trẻ trung hơn tý chút. Mẹ, ông bật ngón tay búng vào tấm ảnh đến tách một cái, cái mặt này mà đòi một năm, hai năm, ba năm ư? Một ngày, cùng lắm là hai ngày, ba ngày thôi bà bạn đáng quý có nét buồn ốm yếu ạ! À, mà bà bạn có đôi mắt cũng ghê đấy, đôi mắt biết nói, đôi mắt hướng vào trong nhưng kệ, đôi mắt ấy có biết cười hay biết khóc đi nữa thì cũng chỉ… ba ngày. Đúng là nhiều tiền rửng mỡ, già cóc đế rồi mà còn chân với chả dung. Khùng!
Giây phút ấy ông không biết rằng, ngoài đường nhựa, trước khi bước lên một chiếc taxi đã chờ sẵn, người đàn bà còn dừng lại, ngước mắt nhìn về cái mái ngói phòng ông một lần nữa, nhìn lâu lắm, như nhìn lần cuối cùng rồi mới rút khăn chấm nhẹ vào mắt, lặng lẽ bước lên xe.