Đêm qua cơn đau đầu khi dữ dội lúc âm ỉ đã khiến cho lão không chợp mắt được chút nào. Trong bóng tối ngột ngạt, lão đã nghĩ đến cái chết, chết để giải thoát. Chết thế nào ư? Quá dễ, một vốc seduxen, một gói bả chuột, một liều thuốc sâu, một cú đập đầu vào tường, một phát nhảy cầu hay một trò treo cổ lên xà nhà là xong nhưng lão lại không dám, nói đúng hơn cái hợp đồng vẽ chân dung ma quỷ kia đã giữ lão lại. Giữ lại để hành hạ cho thân xác, linh hồn lão lên bờ xuống ruộng chứ không dễ dàng trốn chạy được.
Khi lão thiếp đi được, tỉnh dậy thì trời đã chuyển sang chiều. Mây đen vần vũ. Gió thổi xao xác qua mảnh vườn hoang báo hiệu trời sắp có giông. Gió đánh tơi tả những bộ đồ lót con gái nồng nồng, ngầy ngậy trên dây phơi bên khu nhà trọ sinh viên như sắp sửa bật bung lên tận trời. Ngoài mặt đường, một vài bóng người đi bộ, đạp xe hối hả lướt qua, giống như những con chim già sau một ngày tần tảo kiếm mồi giờ bay nhanh về tổ của mình để rồi sáng sớm mai lại lặp lại cái quy trình vô nghĩa đó. Chém cha cái sự đời vô vị! Đó là nói theo cách nói của ông họa sĩ bất đắc chí, thi thoảng cứ phải chửi hắt lên một câu như thế vào không gian nó mới thông khí chứ người có cái đầu bình thường thì chả ai mất công đi chửi tung toé lên như vậy cả.
Bởi chỉ vì một lẽ đơn giản, đơn giản ngoài sức hình dung của lão, đó là đã một tuần trôi qua rồi mà bản vẽ chân dung về người đàn bà đó vẫn chưa xong, thậm chí có nhiều khả năng không xong, không thể xong, càng vẽ càng rối rắm, càng căn chỉnh càng nhập nhèm. Mặc dù căn phòng của lão lúc này đã không còn những biển hiệu cao thấp, xanh đỏ tím vàng sặc mùi hàng họ dựng đầy ở chân tường mà thay vào đó là một giá vẽ có tấm toan căng rộng kê ngay bên cửa sổ để hứng ánh sáng, trên tấm toan là tấm ảnh chụp khuôn mặt của người khách lạ để lại được gắn vào một góc, và phía dưới là bức chân dung đã vẽ được già một nửa, chỉ còn thiếu đôi mắt. Mà đôi mắt mới là toàn bộ cái thần của một khuôn mặt. Khốn nạn, chính cái đôi mắt vừa vô hồn vô cảm vừa tinh ranh quỷ quái, vừa khinh bạc vừa thách thức, vừa nóng vừa lạnh này đã hành hạ lão suốt bao nhiêu ngày nay! Mới nhìn thì tưởng bình thường, ừ thì cứ cho như là nó biết nói, là hướng nội, là có trăm điều giằng xé bên trong đi, giằng thế này chứ có giằng nữa thì với lão, chỉ phảy dăm phát là ra vậy mà chẳng những không ra, thậm chí nó còn tụt lại, biến mất, mờ nhoà, tan biến như ma trơi, như trốn chạy. Mà lão lại không thể là kẻ qua loa, tắc trách, tặc lưỡi cái cho xong. Thì thử nhìn kia, cả một đống những tấm toan bị xé đi, vò nát, vo viên đang nằm bừa bộn dưới chân giá, dưới chân lão đây này, nằm lẫn lộn với những vỏ mì tôm quăn queo cùng những xác chai nước suối Lavie cạn đáy đã là một bằng chứng khốn khổ không thể chối cãi được. Căng lên, xé đi, rồi lại căng, lại xé… Mẹ, hầu như cả tuần nay lão chỉ làm được nhõn một việc căng và xé như vậy.
Quăng bút, thở phì phựt, lão bật người nằm ngửa ra giữa nhà, mắt lơ đãng nhìn lên cánh tủ khép hờ, nơi lão ném cái gói tiền vào đấy, dưới những cuộn tranh cuộn giấy, gói tiền mà từ lúc bất đắc dĩ nhận nó, lão chưa đụng đến lần nào. Mẹ, lão tự trách, sao già mà ngu, đang không lại đi cầm một đống thế này rồi mang vạ mang nợ vào thân! Mà thực ra cũng không phải vì nó, cầm rồi trả, trả nguyên vẹn thì ai bắt vạ được nhưng tự trong sâu thẳm tâm can lão, có một cái gì như sự tự ái trồi lên, sự tự ái của nghề nghiệp, cái nghề nghiệp mà đã lâu lắm rồi, như bà ta nói, cũng đã tạo cho lão một danh xưng, một tên tuổi không đến nỗi nào, thậm chí rất tiếng tăm. Tiếng tăm mà chịu cái mắt của con mẹ này à? Không nhé, còn lâu nhé!
Nghĩ thế lão lại bật dậy, nói đúng hơn một chút lửa còn cháy lom dom trong cái đầu đã khô hạn của lão buộc lão không thể ngồi yên, càng không thể chịu thất bại. Lão phải vẽ được, vẽ kỳ được, lão phải thắng, thế thôi chứ không phải vì ba cái đồng tiền tanh tưởi kia mặc dù nếu có nó, cuộc sống của lão sẽ đổi thay sang một trang khác sạch lành, ung dung tự tại hơn rất nhiều. Vẽ xong, lão sẽ nhất quyết trả lại cho bà ta đủ số tiền ấy không thiếu một xu với câu nói đã nhẩm sẵn trong đầu: “Bà cầm về đi và nên nhớ, ở đời không phải cái gì cũng dùng tiền mà mua được, chào bà!”.
Lão vẫn nằm ngửa, xương sườn xương ngực nhô lên như xác ướp. Lão nhắm mắt rồi lại mở mắt. Mẹ, lại tấm ảnh đàn bà bằng bàn tay đập chát chúa vào mặt lão. Đôi mắt trong ảnh không hiểu do nắng chiếu vào hay do chính từ nó hắt ra mà ánh lên một chút như bỡn cợt, như mai mỉa: “Ông lại tiếp tục à? Khổ thân ông! Tôi biết con người ông không dễ bỏ cuộc đâu ông bạn già ạ! Nào, khắc đi khắc đến, cố gắng lên!”.
Khỏi phải nhắc nhở, lão cười gằn: “Cờ bạc ăn nhau về sáng, đây là canh bạc đời, cũng là trận chiến của tôi mà bà là đối tượng tôi phải xoá đi bằng mọi giá thưa bà, bà cứ chờ đấy”. Như có một làn hơi nóng thổi mạnh trong từng thớ thịt, lão bật ngồi dậy, vớ lấy cây bút, quết tý màu, lại chấm chấm quệt quệt vào đôi mắt đang vẽ dở. Điểm chấm lúc mờ lúc tỏ, đôi chân lẻo khoẻo của lão lúc lùi ra lúc tiến vào, khi ngập ngừng khi xăng xái khi lại dừng sựng, và lại bôi lại xoá, lại thêm tý này bớt tý kia nhưng rồi, như một trò đùa mộng mị, đôi mắt ấy vẫn cứ đơ ra, không hồn không vía, cạn queo, bạc phếch, trống rỗng, thật khác xa với đôi mắt trên tấm ảnh.
“Mẹ! Sao ấy nhỉ?”. Lão lại hạ lưng nằm xuống, mồ hôi vã ra, gò má tái nhợt như đang lên cơn sốt rét ác tính giữa rừng già. Rõ ràng là lão đã huy động, vận dụng tất cả các nguyên lý hội họa và thủ thuật cơ bản vào trong bức chân dung này rồi kia mà? Thì quanh quẩn cũng chỉ có vài thứ: Trắng đen, xa gần, đậm nhạt, sắc nét, làm mờ, thần thái trước, khuôn viền sau… huy động ráo, vốn rõ như ban ngày ai chả biết, rất a bê xê, sinh viên chưa ra trường nó cũng xử lý được, vậy mà… Bàn tay lão cứng đờ, những ngón tay bỏng buốt như không phải là ngón tay của lão mà là tay của một kẻ khác không biết một chút hội họa nào lắp vào. Lão định lái nó sang phải thì nó lại chệch sang trái, lão định đưa nó sang trái thì nó lại truội sang phải, lão định chấm một chấm sáng nhỏ ở con ngươi thì nó lại thành một con nhặng xanh nằm chình ình không chuyển động. Thậm chí có lúc lão vất cọ, chỉ dùng một nét chì đen thật mềm xem thử, cũng không ăn thua. Cọ hay chì hay ngay cả bút sắt, tất cả những chi tiết, đường nét trong khoé mắt, con ngươi, mi mắt, lòng trắng, lòng đen ấy cứ như là một trò đùa nhả, bí hiểm, nhảy múa, bồng bềnh, phồng dẹt liên tục bắt ngọn bút lão trượt đi, sa vào những điểm không định trước.
Chưa hết, lão tiến đến trò cuối cùng là thử chơi kỹ thuật truyền thần - điều mà những họa sĩ chuyên nghiệp không bao giờ cho phép mình mó máy vào. Lão truyền thần kỹ càng, tỉ mỉ không để thiếu một nét nào dù là li ti nhỏ nhất trong ảnh. Truyền thần xong, lão chửi tục một tiếng rồi xé ngay: “Mẹ, rõ ràng là như bản sao, như chụp ảnh, còn hơn cả chụp ảnh mà vẫn không ra, thậm chí đôi mắt còn cạn cợt, ráo hoảnh hơn. Thế là thế nào nhỉ?”. Vậy thì dùng thủ thuật vẽ bằng ký ức cái đôi mắt, ánh nhìn vào giây phút bà ta tháo kính ra coi có khá hơn không, cái thủ thuật mà đồng nghiệp lâu nay vẫn hằng ngưỡng mộ lão, một thủ thuật mang tính nghệ sĩ và tay nghề cao nhất. Cũng xôi hỏng bỏng không! Lần này thì lão không chửi nữa mà hộc lên một tiếng như con thú bị đuổi cùng đường: “Trời ạ, đôi mắt ấy không những chỉ cạn cợt, ráo hoảnh mà còn tối sầm, nhợt nhạt chả có một chút sắc thái nào. Thế là hết. Cả cơ học lẫn trí tưởng tượng đều bó tay trước cái vật thể gọi là mắt ấy thì chỉ còn cách… con lạy mẹ!”.
Đau đớn và bất lực, lão lại ném mạnh cây bút lông xuống đất, mặc cho mấy giọt màu bắn túa nhem nhuốc như cứt gián đậu trên tường. Khốn khổ, đây là cây bút không biết thứ bao nhiêu cùng chung số phận này rồi.
Tu một hớp rượu, khà một tiếng, mùi rượu hắc như mùi bả chuột, lão lết đến, dựa lưng vào tường, duỗi chân, thõng tay như một thứ hình nhân thế mạng, mắt nhắm lại… Giây phút đó lão cảm thấy rõ ràng người đàn bà kia từ bức ảnh tách ra, bước xuống, ngồi trước mặt lão, vẫn khuôn mặt và cái cười bí hiểm: “Để ông có thể sống ung dung cho đến khi hoàn thành nó… Một tháng, một năm, hai năm, ba năm, tuỳ”.
Câu nói từ cặp môi heo héo ấy bay ra, vang lộng, xoáy buốt, lan toả, lèn chặt làm cho thân hình và nét mặt lão rúm lại, bẹt xuống. Rồi vẻ như không chịu nổi cái âm thanh kinh dị ấy, lão bật dậy giật mạnh bức tranh đang vẽ ra, xé nát, vo viên, ném xuống đất nằm chung với cả đống vo viên khác. Duy chỉ có tấm ảnh người đàn bà đính ở góc trái giá vẽ là vẫn lặng lẽ nhìn xuống lão, bình thản, xa cách, không rõ ràng…
Lần này thì vẻ như không còn chịu nổi cái nhìn ấy nữa, lão đã định bật dậy giật tiếp bức ảnh xuống xé nát rồi muốn ra sao thì ra nhưng rồi có một cái gì đó từ bên trong vô hình cản lại nên lão vẫn ngồi, trừng trừng nhìn găm vào bức ảnh như nhìn vào quân hằn quân thù, gầm lên trong cổ: “Bà là ai? Bà là cái gì, bà nhân danh ai, kiếp trước tôi có nợ bà cái gì không mà tự dưng bà mò đến bà hành hạ tôi thế này? Tóm lại đôi mắt bà màu đen, màu nâu, màu xanh hay màu xám? Hay chẳng có màu mẹ gì cả, trống rỗng, hoang vu, toàn sương khói ẩn chìm mà tôi không thể nắm bắt được? Tôi… tôi căm ghét đôi mắt bà…”.
Không biết hồn người trong ảnh có nghe được gì không nhưng rõ ràng là đôi mắt ấy hình như cũng có chiều dịu lại.
Nhưng cái cảnh vật vã như bị nhập đồng, như bị lên cơn sang chấn tâm lý ấy của người đàn ông không qua được mắt bà chủ nhà. Thực ra bà đã đến từ cách đây mươi phút với một chiếc cặp lồng đựng thứ gì đó còn nóng hổi trên tay nhưng rồi không hiểu sao lại dừng sững nơi bậu cửa. Suốt một tuần nay ngày nào bà cũng đều đặn đem cơm cho lão nhưng rồi đến buổi lại lủi thủi mang nguyên dạng trở về. Lão hầu như chỉ đụng đũa vài miếng rồi thôi, lại đẩy ra hè. “Này cái lão nửa điên nửa dại kia” - Mấy bận bà đã muốn hét lên như thế - “Tôi hầu thì cũng phải để cho tôi hầu chứ, ông là cái thá gì trên đời này mà vênh váo thế? Ừ thì cứ cho ông vênh váo đi, họa sĩ tài danh một thời có quyền vênh váo nhưng cứ ăn uống kiểu này, mai mốt ông định chết thối trong nhà tôi à?”.
Lúc này nhìn theo cái nhìn ma mị của lão, bà chợt phát hiện ra tấm ảnh chân dung của bà khách tìm đến đây hôm rồi. Thì ra chính con mẹ này là thủ phạm đây. Cũng thường thôi, đứng tuổi, u hoài, nhàu nhĩ, ốm yếu, chả có gì đặc biệt mà sao lão lại khốn khổ khốn nạn vì nó thế? Lão nuốt phải bả của mụ rồi à, hay nó đã bùa ngải lão? “Con này phải để tôi xử lý!”.
Một cơn giận vô cớ trào ngược lên từ bộ ngực đồ sộ, bà xăm xăm đi vào giật tấm ảnh định xé thì một tiếng quát giật lên:
- Bà mà sờ đến nó là tôi đốt cái nhà này!
“Ơ! Đứa nào quát thế nhỉ? Uy lực đàn ông phết. Chắc không phải lão rồi, lão thở còn chả xong huống chi quát? Nhưng trong phòng ngoài lão ra đâu có ma nào? Tức là cái âm thanh rè khàn như sắp kéo đờm này chỉ có thể là của lão thôi. Thì đấy, cái miệng khô xác của lão đang trề ra mấp máy đó thôi. Và cả đôi mắt nữa, trời ạ, nó cứ vằn lên bạc phếch như đôi mắt của cái kẻ sắp lên cơn động kinh. Được, lão thử quát nữa đi! Tôi và lão cùng quát xem ai át vía ai. Tôi là con ở của nhà lão đấy hở? Còn khuya nhé!”.
- Ông vừa quát ai đấy?
Giọng bà nặng như chì. Nhưng chả ăn nhằm gì khi lão còn vênh mặt lên:
- Không chỉ quát mà sẽ còn đốt cháy hết!
Ái chà chà! Con mắt của lão mới trừng trạo lên ghê chưa? Bà đứng hai tay chống nạnh:
- Giỏi thì ông cứ đốt thử xem! Tôi thách đấy!
Tất nhiên là lão ngồi im, chỉ có bộ xương ngực ọp ẹp nhô lên hạ xuống đến khổ. Bỗng thấy thương, bà hạ giọng nhưng vẫn không che đi được sự chì chiết cứ tự nhiên thoát ra từ kẽ răng:
- Này, ông là khách thuê nhà tôi, ông sống thế nào, ông làm cái gì là tôi có quyền được biết, hiểu chưa? Vậy tôi hỏi cái con mụ nào trong tấm ảnh kia cả tuần nay nó đã vật ông như vật thuốc vậy? Vợ cũ à? Hay nhân tình mới? Ông trả lời đi!
Trước tràng liên thanh ngôn từ dồn dập có cả mùi hành tỏi của bát phở sáng ấy, lão chỉ khẽ lắc đầu cười buồn:
- Nếu biết được thì đã phúc cho tôi quá bà ơi!
- Nhưng chắc bà ta phải thế nào mới có thể làm ông điên đảo, bỏ ăn bỏ uống như vậy được chứ? Ông định hành mình đến chết chỉ vì một cái bóng hư ảo như hồn ma bóng quế ấy à?
Lại một cái nhếch mép nữa, còn buồn hơn:
- Không! Tôi vẫn sống và chí ít cũng phải sống cho đến khi xong được cái bức vẽ đúng như bà nói là hồn ma bóng quế này. Một bức vẽ chỉ do người ta đặt hàng thôi nhưng tôi… Mà thôi, nói bà cũng chả hiểu đâu, nhân đây cũng xin cám ơn bà về mọi sự chăm sóc mà bà đã dành cho tôi, kể cả mùi thuốc lào giờ đây bà cũng không coi là mùi chuột chết nữa.
Bà chủ nhà dẩu môi, nguýt nhẹ một cái như cái nguýt của cô gái mười tám đứng trước chàng trai của mình:
- Gớm, đàn ông đàn ang gì mà nhớ dai thế? Mùi gì ngửi mãi cũng thành quen, thành nghiện. Ông cứ hút mặc sức. Thơm phết! Nào, bỏ đấy, ông ăn bát phở này đi cho nóng. Gà đùi đấy, phở Nam Ngư nổi tiếng tôi nhờ mua tận Phan Bội Châu về đấy, hơi dai một tý nhưng ngọt thịt. Nào, tôi cho cả chanh dấm, tương ớt, hạt tiêu vào rồi. Mời ông!
Với tất cả vẻ xăm xắn và ân cần của một người phụ nữ độc thân lâu niên, bà đặt nhẹ chiếc cặp lồng xuống, mở nắp, đặt đôi đũa tre vào bàn tay cóc cáy dính đầy màu của lão, ra dấu bảo ông ăn đi!
Đôi mắt lão nhìn xuống những sợi phở mịn mềm lượn quanh vài ba lát thịt thái mỏng còn dính cả lần da vàng rộm rồi lại nhìn lên bà qua những làn khói thơm lựng, cảm kích. Nhưng chỉ lùa được dăm miếng, lão lại bỏ đũa xuống.
Bà chau mày:
- Cái gì thế? Chê à?
- Không, cứ để đấy lát nữa tôi ăn, giờ mồm miệng đắng nghét, ăn nó phí đi - Rồi cố nở một nụ cười - Nói đùa, cái nước dùng ngon thật, chả ai bắt chước nổi, trong vắt mà thơm ngậy, hao hao cái vị phở của Hà Nội xưa.
Bà chủ nhà cũng cười:
- Ừ, nếu ông thấy hợp, sáng nào tôi cũng mang về cho ông một tô.
- Ấy, tôi không dám phiền. Xong cái của nợ này - Chỉ bức ảnh - chính tôi sẽ mời bà đi ăn thả dàn một bữa.
Bà chủ nhà ném cái nhìn ác ý vào đôi mắt trong bức tranh vừa bị xé nằm quăn queo trên sàn gạch:
- Ông vẽ quảng cáo cho bệnh viện mắt hay cơ sở khám chữa mắt lậu của tư nhân à?
- Hả?... Bà căn cứ vào đâu mà nói vậy?
- Vào mắt chứ vào đâu nữa! Mắt gì như mắt toét ba vành, kinh bỏ mẹ!
Người họa sĩ bật cười:
- Bà nói đúng. Đúng là mắt toét ba vành thật. Đấy cũng là cái khốn nạn của tôi. Lâu nay vẽ bậy bạ quen tay, giờ vẽ cho nghiêm chỉnh tý thì lại toàn… ba vành. Cám ơn một nhận xét xác đáng!
Vẻ mặt xì xầm, bà chủ nhà đậy nắp cặp lồng, cẩn thận đặt lên nóc tủ:
- Tôi không dám. Nói chơi chứ lâu lắm tôi mới thấy ông có cái kiểu làm việc như người mê muội thế này, thật khác xa với trước đó, ông vừa vẽ cái đống bùng nhùng kia vừa càu nhàu chửi mình, chửi đời inh cả lên. Chỉ khổ cái lỗ tai tôi.
- Đống bùng nhùng! Ha! - Ông bật cười to một tiếng - Bà lại nói đúng. Nếu những giá trị đích thực của nghệ thuật không bị cái giả cưỡng dâm thì tôi đâu có phải chúi mũi vào cái đống bùng nhùng, tanh tưởi như bãi nôn này.
- Cưỡng dâm… Khiếp cái nhà ông này, ăn với chả nói. Thảo nào chả có ma nào nó chịu rước?
Miệng nói thế nhưng đôi mắt lá răm của bà lại liếc xéo lão một cái. Không hề cảm nhận được cái liếc đó, lão rót từ chai Lavie ra nửa cốc nước đưa cho bà:
- Bà thật đã hiểu tôi. Quá cám ơn! Và bây giờ tôi cho bà hiểu thêm một điều nữa như một sự chia sẻ. Đó là tôi đang bị cái bức ảnh kia nó ám. Đời tôi đã vẽ hàng trăm chân dung, chân dung chính khách, danh nhân, người lính, nông phu, thiếu nữ, trẻ em… đã nhận giải trong nước ngoài nước đủ cả nhưng đến bức này thì tôi thấy bất lực, tưởng chỉ ngoáy vài nét là xong ai dè càng vẽ càng xa rời ảnh thật, như có ai cứ đẩy tay mình ra, bắt bàn tay mình lạc đi, không gân không cốt, đùa cợt, trêu ngươi, xé vất đi cả đống rồi mà chưa đâu vào đâu.
Chả biết cái đầu thô thiển của người đàn bà có hiểu không nhưng cái miệng lại xổ ra một tràng sặc mùi tiền bạc:
- Thì ông đừng vẽ nữa. Việc gì chuốc khổ vào thân? Hay là vì đã trót cầm tiền của người ta rồi? Nhiều không? Có giá bằng một thùng mỳ tôm không?
- Không… - Giọng ông vẫn rì rầm - Đây không còn là chuyện tiền nong nữa mà hơn thế là chuyện danh dự bà ạ! Như thể tôi chưa làm cái nghề này bao giờ và tất cả những gì người ta đã nói về tôi lâu nay đều là giả trá, là sai sự thật hết, là của người khác chứ không phải của tôi.
- Kệ ông với cái nghề của ông, tôi chỉ biết rằng nếu ông cứ hành xác mãi thế này thì chỉ ba bảy hai mốt ngày chính tôi sẽ phải hương khói đưa ông ra đồng. Tôi nói hết, nghe được thì nghe, không nghe được thì tuỳ. Giờ tôi về. À mà đêm nay đài báo có mưa giông, đi ngủ ông nhớ đóng hết các cửa lại nhé!
Người họa sĩ lại bật cười:
- Chết nỗi, mẹ tôi ngày tôi còn bé cũng dặn tôi y hệt thế này.
Bà chủ nhà định đi nhưng rồi lại dừng, nhìn lão là lạ:
- Này, ông cười đẹp phết! Ông không cười nhìn âm u cứ như cái người sắp giết ai hay là tự giết mình.
- Vâng, ngược lại tôi sắp bị cái người trong ảnh kia giết kìa, giết dần, giết từng phút một, sắp đi rồi!
Bà ta bất giác hơi lùi lại, miệng lầm rầm:
- Lão này có khi sắp thần kinh đến nơi thật!
Nói xong, bà quày quả đi ra luôn, quên cả khép cửa nhưng vẫn kịp nguýt trở lại lão một cái...