Lúc ấy khoảng 12 giờ đêm. Ngoài cửa sổ trời bỗng nổi sấm chớp nhì nhoằng rồi mưa bắt đầu lộp bộp gõ xuống mái tôn, gõ xuống mặt sân, gõ mỗi lúc mỗi to như những bước nhảy âm binh đang hân hoan thực hiện một bản luân vũ cuồng loạn của bóng đêm.
Gió đem theo mưa thốc vào trong nhà, thổi tung những trang giấy Coki vón vào một góc. Ông vội chui ra khỏi màn, quờ dép, đi ra đóng cửa lại.
Chợt ông dừng sững! Mắt ông đập ngay vào một bóng người đang đứng co ro ngay dưới tấm ô văng cửa sổ phòng ông. Cái bóng trắng toát, tóc rối tung, toàn thân ướt nhép, thỉnh thoảng lại giật lên một cái.
Cùng lúc khuôn mặt ấy ngẩng nhìn lên. Qua ánh chớp, hiện lờ mờ một khuôn mặt xanh lét, răng trắng ởn, đôi mắt chỉ còn là hai cái hốc tối om… Giống hốc mắt của mấy bức tượng ngoài kia. Mẹ! Người hay ma thế này? Chả lẽ mấy bức tượng mất mắt, mất tay, mất đầu ngoài kia nó kéo nhau vào báo oán mình ư? Hay là ma thật đúng như người ta đồn đoán khi ông mới bước chân về đây rằng cái nhà này có dớp, lâu nay không ai dám thuê dù giá thuê rẻ đến cỡ nào vì năm kia có một cô gái thất tình hay mắc bệnh nan y không chữa trị được gì đó đã cứa cổ tự tử. Là người đã từng nằm bên những xác chết cả đêm mà vẫn ngủ ngon không thấy gì, ông không bao giờ tin trên đời này có ma, chết là hết, là tan biến, là trở về với đất, ma miếc mẹ gì, thối chuyện. Còn báo oán ư? Càng thối nữa. Người thật đã chả ăn ai huống chi là tượng, mà tượng là cái gì, là mấy đống đất sét, đống thạch cao vô tri vô giác do chính tay ông dựng lên chứ có phải thiên la địa võng từ trên trời rơi xuống đâu.
Nhưng đêm nay ông bỗng thấy người nhờn nhợn. Chả lẽ cái cô gái cứa cổ kia đã nhập hồn vào đám tượng đến trêu chọc ông? Có thể lắm chứ. Ở đời không có cái gì là không thể, kể cả cái chuyện một thằng họa sĩ danh tiếng muối mặt ăn cắp tranh của ông mà trước công luận báo chí, nó còn trắng trợn nói chính ông đã tháu cáy tranh của nó. Đấy mới thực sự là ma, một thứ ma tanh tưởi nhất.
Nghĩ vậy ông thoắt rùng mình ập nhanh cửa lại. Tự nhiên mắt ông chạm vào tấm ảnh. Đôi mắt của người khách lạ trong ảnh lại nhìn xuống ông như khích lệ, như bảo ông hãy mở ra, nên mở ra cho người ta vào.
Thì mở chứ việc gì mà bà nhìn tôi như kẻ tội đồ, vô tâm, vô cảm như thế, rách việc, ông lầm bầm trong miệng rồi đi ra rút thanh chốt kêu đánh két như tiếng răng nhai xương. Cái bóng kia vẫn còn đó, rúm ró hơn. Kệ mẹ, ma cũng cho vào, thử xem nó dám làm gì mình nào, còn hơn để dầm mưa khốn khổ khốn nạn thế kia.
Cửa vừa hé, một thân hình ướt sũng đã ập vào rồi gần như ngã sụp xuống ngay chân ông. Hơi lùi lại, ông chú mục nhìn, mẹ khỉ, chả phải ma quái gì cả mà chính là cái bóng đen đứng dưới ô văng lúc nãy. Dưới ánh sáng đèn tù mù, ông nhận ra đó là một cô gái bằng xương bằng thịt còn khá trẻ, chắc mới ngoài hai mươi, nước da võ vàng, nhợt nhạt, mắt thâm quầng, tóc tai xõa xượi, quần áo kiểu thợ hồ hay phu làm đường bết nước.
Đôi mắt cô nhìn lên ông đầy vẻ van vỉ, tội tình. Hồi lâu cô mới cất tiếng, hai hàm răng va nhau lập cập:
- Em… em xin lỗi… em không định nhưng ngoài kia mưa quá… em rét!
Ông đỡ cô gái dậy:
- Thì cô cứ vào hẳn trong này đã để tôi đóng cửa! Mà… cô ở đâu và làm sao lại gõ cửa nhà tôi giữa lúc đêm hôm mưa gió thế này?
Cô gái ngồi xuống chiếc ghế ông vừa kéo đến, người co rúm lại nhưng những đường nét đàn bà vẫn hằn cong lên sau lần vải ướt. Ông bất giác quay mặt đi. Thái độ ấy vẻ như không qua được cái nhìn tinh quái kia, cô ta hơi kéo trễ cái cổ áo xuống một chút:
- Tại... tại em thấy đèn nhà ông còn sáng nên...
“Em…”. Ông thấy thật sự dị ứng với kiểu xưng hô quái đản này, nó làm ông chợt nhớ lại cái lần cách đây không lâu lắm, vì nhận được bản quảng cáo quá ưng ý nên khách hàng đã nài nỉ mời ông vào một quán karaoke để chiêu đãi bàn tay vàng, ông đành khiên cưỡng đi theo nhưng vừa ngồi xuống ông đã phải bật đứng dậy bởi một con bé tuổi còn ranh con đã vừa vuốt ve sờ nắn khuôn mặt ông vừa nũng nịu: “Anh… anh đến đây lần đầu phải không? Nào ngồi xích vào em lau mặt, lau ngực cho! Ôi, anh có khuôn mặt nghệ sĩ quá…”. “Này, xin lỗi cô, tôi đáng tuổi cha chú, thậm chí tuổi ông của cô, cô không nên xưng hô như thế”. Con ranh bị bất ngờ ngẩn tẽn mặt ra, còn vị khách phá lên cười sặc sụa…
Cô gái đưa đôi mắt mệt mỏi nhìn quanh:
- Ông… nhà có trà hay nước nóng không ạ? Làm ơn cho em xin một cốc, thật nóng vào! Em rét…
“Lại em… Bố tiên sư khỉ! Thời buổi này, chưa nói đến các giá trị cơ bản, ngay đến cách xưng hô cũng lộn tùng phèo mẹ nó lên hết rồi”. Dù không muốn nhưng ông cũng lục tủ lôi ra một chiếc khăn màu cỏ úa, một bộ quân phục cũ nhăn nhúm, lôi mạnh đến nỗi cái gói tiền bọc giấy xanh cũng theo đống lổn nhổn đó mà rơi ra, lăn xuống đất. Ông thờ ơ nhặt lên, nhét trở lại. Đôi mắt cô gái thoáng nhìn vào cái vật màu xanh đó rồi bối rối nhìn xuống…
- Có, có trà nhưng trước hết cô vào trong kia lau qua người đi cái đã và khoác tạm bộ quần áo này vào, kẻo cảm lạnh chết.
- Cám ơn ông… Ông tốt quá nhưng thôi, cứ kệ em, em quen rồi. Vả lại người em… bẩn lắm!
Nói vậy nhưng cô cũng ngoan ngoãn cầm chiếc khăn, bộ quần áo lui vào ngách tối. Ngoài này ông lóng ngóng tìm phích nước pha trà. Trà còn mấy sợi vụn nhưng may quá, nước sôi vẫn còn một chút ở đáy phích mà sáng nào bà chủ nhà cũng có ý lọ mọ đưa sang.
Pha xong, ông quay ra thì chút nữa bật cười. Phần nào giống như thời ở Trường Sơn khi có một đoàn tân binh gái mới nhập ngũ, trước mặt ông là một cô bộ đội mảnh gày, nhỏ xíu khoác bên ngoài bộ đồ lính rộng thùng thình. Vạt áo thì đến gối mà gấu quần thì quét đất và cũng tự nhiên như lính, không một chút bẽn lẽn, cô khẽ xoay người, mở khuy áo, luồn cái khăn khô lau vào phía trong, vô tình để lộ ra một mảng ngực tròn căng, trắng nõn. Như bị một dòng điện cao thế giật mạnh, đôi mắt người họa sĩ sa sầm, lại bất giác khó nhọc lảng nhìn sang chỗ khác.
Dường như cảm nhận được điều đó, cô gái vội ngượng ngập khép nhanh ngực áo, người hơi co lại, nói lí nhí:
- Ấy chết! Em xin lỗi… Em vô ý quá!
Vẫn quay đi hướng khác, ông chỉ ấm trà trên mặt bàn:
- Trà… pha rồi đây, cô uống đi, trà Thái đấy.
Cô gái sáng mắt, vội đưa ly trà lên miệng thổi phù phù rồi tợp một ngụm, xuýt xoa:
- Trời! Ngon quá!... Sao… ông pha khéo thế? Em ở đất chè mà chưa bao giờ được uống một chén trà ngon thế này. Cho em chén nữa!... Thôi cứ đưa cả ấm đây em tự uống.
Vẫn rất tự nhiên và chân mộc, cô đưa vòi ấm lên miệng uống một hơi dài rồi lắc lắc vẻ tiếc rẻ:
- Ơ, hết rồi… Nhà còn nước sôi không ông?
- Để tôi sang hàng xóm xin.
- Thôi, không cần đâu. Thế là người em ấm lại rồi.
Người họa sĩ nhìn ra cửa sổ. Ngoài đó mưa gió vẫn gầm gào. Chà, mưa kiểu này là chưa biết khi nào tạnh đây? Khi ông quay nhìn lại thì chợt giật mình khi thấy cô khách đang gập người xuống, ôm bụng nhăn nhó. Cái khỉ gì nữa thế này, nó mà giở chứng đau ruột thừa ở đây một cái là mình coi như ra bã.
Ông nhăn mặt hỏi:
- Làm sao thế?
Cô gái rên rỉ:
- Em dại rồi !
- Nhưng mà cô làm sao?
- Em… em đói! Cả ngày nay chưa có cái gì vào bụng. Lại uống trà đặc nữa.
Ông nén một tiếng thở phào:
- Đói à? Sao không nói ngay? Để tôi chạy ù ra phố mua cái gì cho mà ăn.
- Thôi, khuya thế này lại mưa rét nữa, tội ông, vả lại làm gì có quán nào mở. Cứ kệ em… Đau tý là lại thôi, em… quen rồi.
- Hay là thế này - Ông xoa hai tay vào nhau - Lát nữa mưa tạnh, tôi đưa tiền cho cô đi ăn cái gì vậy nhé, được không?
Cô gái bỗng khóc òa như thể cùng với tiếng khóc ấy, bao nhiêu nỗi niềm đều tứa ra cả:
- Nhà em vô phúc... Bố mẹ mất sớm, chồng nghe người ta xui dại xui khôn đi đào vàng cũng chết nốt, thế là em phải gửi đứa con bệnh tật bỏ làng ra đi. Ngồi trên tàu em lại bị chúng nó trấn sạch đồ đạc, tiền nong. Cái số em nó khổ quá ông ơi…
Tiếng khóc đàn bà nổi lên rấm rứt giữa đêm mưa khiến ông khổ sở loay hoay đi đi lại lại không biết tính sao rồi chợt nhìn thấy tô phở hồi chiều bà chủ nhà mang đến còn để trên kệ tủ, ông gần như reo lên:
- Tốt rồi. Còn bát phở, nguội ngặm một tý nhưng cô lót bụng tạm vậy. Phở… phở Nam Ngư đấy. Ngọt thịt lắm!
Mắt cô gái chợt sáng lên mừng rỡ như mắt trẻ thơ:
- Phở hả ông? Giá mà có ít cơm nguội trộn vào nữa thì ngon hết ý!
- Cơm nguội hả?... Có, có nhưng để mấy hôm rồi, sợ thiu.
- Thiu cũng được ạ! Bụng em nó ăn thiu quen rồi, ăn đồ mới có khi lại đau.
Ông nhìn cô lắc đầu như không hiểu rồi cũng đi lại góc tủ mở nồi cơm, ngửi ngửi một tý thấy có vẻ ổn, bèn dùng môi quèn quẹt múc hết vào tô phở, trộn đều, thêm đôi đũa đưa cho cô.
Cô gái gần như vồ lấy và không một chút khách sáo, chỉ nói mỗi tiếng “Em ăn nhá!” là đưa lên miệng và luôn, và một lèo, và không kịp nuốt, thoáng cái đã hết sạch rồi đưa đôi đũa gạt qua miệng, đánh lưỡi vào chân răng chóp chép, giọng tiếc rẻ:
- Hết rồi!... Ngon quá! Đời em chưa bao giờ được ăn một bữa ngon ơi là ngon thế này. Kể còn nữa em cũng ăn hết.
Chưa nói xong, cô đã đưa tay che miệng ngáp một cái rõ dài. Ngoài kia trời đã ngớt gió. Tiếng mưa gõ xuống mái tôn cũng nhỏ dần. Ông mở cánh cửa nhìn ra rồi quay lại. Thấy cô vẫn ngồi im, hơi tựa lưng vào thành ghế, mắt lim dim, ông thoáng tỏ ra sốt ruột:
- Hình như… ngớt rồi thì phải.
Cô mở bừng mắt, cãi:
- Đâu, chỉ tạm ngớt thôi, nó lại mưa to bây giờ đấy. Kiểu này là phải mưa đến sáng.
Lại ngáp một tiếng nữa, dài hơn. Dường như tiếng ngáp ấy đã làm chủ nhà nhăn quắt mặt lại nhưng lại thả ra một câu vô nghĩa:
- Ừ, mưa cuối mùa mà dai nhỉ?
Nói xong ông nhặt cái điếu lên, vê vê một bi thuốc lào định hút, cô gái mở to mắt:
- Ấy chết, ông đừng hút, ho lao đấy. Ở quê em cũng có mấy người nghiện thuốc rồi thay nhau ra… đồng cả. Mà hôi lắm, cẩn thận không bà chị em lại chê. Ơ, mà chị nhà đâu hả ông?
- Tôi chưa có chị nào cả, à, mà trước đây cũng có nhưng có lẽ vì cái mùi hôi như cô nói, bà ấy bỏ đi rồi.
- Tội nghiệp! Chỉ vì mùi thuốc lào mà nửa đường đứt gánh em thấy nó… thế nào ấy.
Đến đây thì ông thấy đã đến lúc không cần kéo dài cái tình trạng lằng nhằng và nhạy cảm này thêm nữa, trong đầu lại thấy có tiếng trống gõ quái ác, bèn lấy cái áo mưa bộ đội treo trên móc xuống, đưa cho cô:
- Xin lỗi, đã quá nửa đêm rồi, gần sáng rồi, cô có thể cầm cái áo mưa của tôi mà dùng, cầm luôn cũng được, cả cái bộ quần áo kia nữa, cho cô luôn, thú thật tôi cũng cần nằm nghỉ một chút.
Cô gái sững lại giây lát rồi méo giọng như sắp khóc:
- Thì ra ông cho em ăn rồi ông đuổi em đi ư?
- Ấy, tôi đâu dám… Tôi chỉ… quả thực là…
Cô ta càng mếu máo:
- Ông ác lắm! Trời đang mưa to, em biết đi đâu? Ông chỉ coi em như con ăn mày ăn nhặt, thậm chí như con chó đói vậy thôi sao? Hu hu…
Cô bật oà khóc thật. Khóc tức tưởi, khóc như trẻ con bị mẹ mắng oan, nước mắt nước mũi tứa ra ròng ròng.
Tiếng khóc ấy làm cho người đàn ông vò đầu bứt tóc, vẻ vô cùng khổ sở. Giọng ông bất giác cũng méo theo:
- Khổ quá! Thì cô cứ ở nhưng… nhà tôi có mỗi cái giường.
Chỉ cần thế, cô đã ngừng khóc:
- Thì em nằm đất, đời em ăn đất nằm cát quen rồi.
- Ấy, ai lại thế…
Rõ ra vẻ bất lực, ông thở phì một cái rồi mở cánh tủ kêu đến két một cái, moi chiếc võng dù, một chiếc võng quen thuộc thời Trường Sơn giờ đã rạn nứt, thủng lỗ chỗ ra mắc ngang nhà, một đầu quấn vào song cửa sổ, một đầu quấn vào bản lề cửa ra vào.
Đôi mắt cô khách một lần nữa vô tình nhìn nhanh vào cánh tủ ấy rồi chuyển qua chiếc võng, thốt kêu lên:
- Ôi, giống y đúc chiếc võng của mẹ nuôi em. Mà ông biết không, mẹ nuôi em cũng là dân kháng chiến trở về đấy.
Không để ý đến câu bộc bạch ấy, ông nắm đầu dây võng nhún nhún lắc lắc mấy cái như để chắc ăn rồi hất cằm:
- Cô nằm giường, tôi nằm võng.
Cô gái đột nhiên lắc đầu quầy quậy:
- Không, em thích võng. Hồi ở nhà em toàn lấy chiếc võng của mẹ nuôi em mắc giữa hai bụi tre ngủ trưa đấy.
Nói rồi, cô thoải mái bước đến chiếc võng, hạ ngay lưng xuống, chân dậm nhẹ vào đất lấy đà cho võng đòng đưa, vẻ khoan khoái lắm:
- Ôi, êm quá! Võng thế này mới gọi là võng chứ!... À mà ông thích nghe hát không? Em hát một điệu dân ca quê em ông nghe nhé?
Ông giật nảy người:
- Thôi tôi xin, tôi xin, cô mà hát bây giờ là thiên hạ người ta tưởng tôi nhốt người điên trong nhà.
- Thì thôi vậy - Vẻ tin cậy, cô oằn lưng bẻ người đến rắc một cái rồi duỗi dài chân, chiếc gấu quần bị mắt võng giữ lại để hở ra đôi bắp chân cũng trắng mịn, thon dài - Em ngủ trước đây. Ông cũng ngủ ngon nhé! Hì, mà em ngáy to lắm đấy.
Nói xong, cô nhắm mắt và đúng là chỉ phút sau là tiếng ngáy đã giòn tan vang lên. Ngồi bần thần ở mép giường, nhịp điệu tiếng ngáy nửa đàn ông nửa đàn bà đó đã làm cái thân hình ọp ẹp của ông bất giác cũng nhô lên hạ xuống theo, khi nhanh khi chậm, lúc lại trải ra…
Chao ôi, sao giống tiếng ngáy vô tư của các cô gái sau một đêm vật lộn trên trọng điểm sáng ra mới trở về lán thế? Tiếng ngáy như có cả một đời con gái đi qua cánh rừng ẩn chìm trong đó. Ông bất giác đưa mắt nhìn cái thân hình đàn bà nằm cuộn tròn trên võng kia. Đường hông cong vênh, khuôn ngực căng tròn, đôi bắp chân thon dài ló ra khỏi ống quần, nét mặt vừa trẻ thơ vừa như tội tình của người già. Thỉnh thoảng cô ta lại trở mình sau một tiếng thở dài đứt đoạn. Chao ôi, lâu lắm rồi trong ông mới lại nảy sinh một cảm giác kỳ lạ ở chung phòng với một người đàn bà còn trẻ và khá xinh xắn như thế này. Đàn bà…
Bỗng dưng ông cảm thấy một cái gì đó như nôn nao, như nhơn nhớt đang ngọ nguậy chuyển động trong người, chuyển động từ sống lưng xuống vùng thắt lưng và dừng lại ấm hỉm nơi đũng quần. “Khốn nạn chưa, cái của nợ ấy mà vẫn còn có thể ấm hỉm được nữa ư? Tao tưởng mày đã ỉu xìu, tê liệt, vô tích sự hoàn toàn rồi mà lâu nay mày chỉ còn có độc một chức năng là tiết thải nước tiểu thôi”.
Ông nhắm mắt lại và khi mở ra, thoáng nhợn người vì vấp phải cái nhìn của người đàn bà trong tấm ảnh kia đang rọi thẳng vào mặt mình, săm soi, theo dõi, thậm chí có điều gì đó như tò mò lại như ngăn cản.
“Ngăn cản mẹ gì, việc chó gì mà phải ngăn” - ông nhếch một cái cười khinh bạc - “Bà tưởng tôi thèm nhạt lắm đấy à? Không nhé! Cái đó trong tôi đã chết từ lâu rồi nhé! Tôi chỉ coi nó như con cái trong nhà thôi nhé! Mà nếu như vừa rồi cái đũng quần của tôi chẳng may có ngọ nguậy tý chút thì cũng là chuyện bình thường thôi, nhìn gì, đểu!”.
Nghĩ vậy, ông với tay tắt đèn, ngả lưng xuống giường, quay lưng úp mặt vào vách. Hình như chưa đủ, ông còn quơ chiếc gối ẩm sì, mốc mác áp chặt vào tai như để che đi mọi âm thanh và hương vị nồng nồng ngầy ngậy đang gào thét từ chiếc võng kia dội lại.
Và cũng chìm nhẹ vào giấc ngủ nhọc nhằn.
Ngoài kia mưa lại trút rào rào, gió vẫn không ngừng rít qua khe cửa, chỉ có tiếng giọt gianh đầu hồi là rỏ tinh tang đến sốt ruột xuống lòng chum như giọt nước đái khốn khổ của một gã đàn ông mắc bệnh phì đại tiền liệt tuyến…
***
Lúc ấy đã hai giờ đêm…
Trong giấc ngủ nhọc nhằn, không hiểu có phải do mưa gió, do tấm ảnh bí hiểm kia hay do chính cái võng dù đang ôm gọn một thân hình con gái nồng nàn như ôm gọn thân hình các cô trong rừng năm nào mà ông toàn mơ thấy rừng là rừng, thấy cả mình lúc đó còn trẻ đang ngồi che mưa chắn gió cho em dưới một gốc cây trụi lá. Em ngước mắt nhìn lên, một đôi mắt chứa cả trời hoả châu pháo sáng bên trong… Anh, anh ơi! Yêu em đi… Nhớ trở về với em nhé! Tiếng nói của em hay tiếng gió đại ngàn? Nhất định anh sẽ trở về, chờ anh nhé… Thủy ơi, anh yêu em… Một nụ hôn giữa gió lạnh mà ấm nồng như ngọn lửa bếp Hoàng Cầm hí hóp cháy giữa rừng. Một sự ngào trộn, xuyên thấu vào thân thể như có lưỡi lửa Napan lê liếm, ngoáy sâu vào thân thể. Anh… Đừng anh ơi… Ôi, em chết, em chết…
Một ánh chớp pháo sáng nhoằng lên, tiếp liền là một tiếng nổ rền của B-52 xé ngang trời. Ông rùng mình choàng tỉnh… Đến lúc ấy ông mới chợt nhận ra đũng quần mình ướt dấp dính… Và cùng lúc, ông cũng nhận ra chiếc võng lúc này đã trống không, trống như cái cô khách quái quỷ đêm hôm qua chỉ là một ảo ảnh.
Ông vội đảo mắt một vòng quanh phòng, đảo cả xuống dưới gầm giường, gầm tủ, ngách bếp… Vẫn tịnh không thấy gì. Chắc biến rồi, cũng may, giờ này mà cô ta còn nằm chình ình ở đây thì sáng mai cái mồm xoe xoé của mụ chủ nhà chắc sẽ vang vọng cả xóm. Ông vươn vai thở ra một cái như trút đi được một gánh nặng. Theo thói quen buổi sáng vừa tỉnh dậy, chưa súc miệng, chưa đi tè, ông vơ cái điếu cày tính làm một bi cho đã đời nhưng, cái đóm trên tay ông chưa kịp đưa vào miệng nõ thì bỗng sựng lại. Cái cánh tủ trước mặt ông mở ra toang hoác như một vết thương đang há miệng. Bỏ mẹ rồi, một linh cảm không bình thường ập xuống, ông vội lao đến, thọc tay vào góc tủ, lục lọi… Rồi như bị một con rắn lục từ chính chỗ đó đớp vào tay, ông giật nảy người lùi lại, vẻ mặt thất thần. Liền đó, không kịp xỏ dép, ông mụ mị lao ra cửa, chạy qua sân, phóng nhanh lên mặt đường…
Đường vắng tanh, chỉ có mấy người đạp xe đi làm sớm hoặc bán hàng ăn sáng lầm lũi đi ngược lại. Bần thần đứng im một lúc, vẫn chân đất, quần áo lót, ông cười đắng chát một tiếng rồi thất thểu đi trở lại. Nhưng như thế đâu đã xong, dọc đường về, gặp mấy ông bà cựu chiến binh đi bộ tập thể dục, ông lại phải khiên cưỡng trả lời những câu chào hỏi khê nồng hoàn toàn không đúng lúc chút nào của họ. Nào là “Ối chà chà, ông họa sĩ sáng nay cũng hạ sơn tập thể dục với bà con kia đấy! Nào là, có khi hôm nay trời có bão đây!”. Lại nữa: “Có vậy chứ, nghệ sĩ phải hòa nhập, phải thở hơi thở của nhân dân cần lao mới có cảm hứng chứ ông nhỉ?”... “Chào ông!”. “Vâng chào bà!”. Ông chỉ ậm ừ trả lời cho qua, cố cười mà không cười nổi. “Hòa nhập gì, cần lao gì? Một ả cần lao vừa cuỗm đi của tôi một đống tiền đây”.
Về đến đầu ngõ, vô tình đụng bà chủ nhà đi ra, trên tay cầm chiếc chổi cán dài thượt chuẩn bị làm cái động tác quét tước, dọn dẹp hàng sáng của mình, ông đã định tránh nhưng không tránh nổi.
Nhìn thấy ông, bà tròn mắt:
- Ông đi đâu về đấy?
- Tôi… tôi đi tập thể dục.
Lần này thì bà ta há to miệng:
- Thể dục?... Tôi có nghe nhầm không đấy? Thế cái đôi mắt quái quỷ của con mụ nạ dòng nào đó, đêm qua chắc ông vẽ xong rồi?
- Vâng xong. Xong sạch. Xong cả chì lẫn chài. Chào bà!
Buông thõng một câu, ông lách qua tấm thân phốp pháp của bà đi vào. Bà chủ nhìn theo, nhìn cả bàn chân lầm bụi của ông nữa, cái miệng có đôi môi đỏ như đang nhai trầu vẫn há ra như vừa rồi không phải gặp cái lão già thuê nhà kỳ dị mà gặp một ai khác.
Bàn chân ông dợm dừng ở trước cửa phòng như dừng trước một con mắt mù loà đang phả hơi lạnh vào mặt mình. Và có lẽ ông sẽ đứng như thế không biết đến bao lâu nếu cái nhìn nhập nhèm không va phải chiếc võng có bộ quân phục nhàu nát của ông đang đòng đưa như trêu ngươi ở giữa phòng. Lại còn đòng đưa à, con mẹ mày! Ông bước vào, vung chân đá một phát như đá chính vào cái thân hình con gái mới đêm qua còn ngầy ngậy nồng nồng kia. Bộ quần áo bay lên rồi rơi xuống đất, quẩn cả vào chân người đá nó. Ông vội quýnh quáng hất mạnh ra như hất một con rắn hổ đang quấn siết vào chân mình. Lại nhác thấy cái giá vẽ dựng ở gần đó đứng khẳng khiu như một bộ xương người, ông vung chân đá tiếp mặc kệ cho tấm ảnh chân dung của người đàn bà rơi ra, liệng bay xuống đất rồi thả người ngồi bệt, mắt nhìn trân trân lên trần, tuyệt vọng và trống rỗng…
Và lạ chưa, đúng giây phút ấy ông cảm nhận rõ đôi mắt trong tấm ảnh kia cũng đang nhìn lên ông khắc khoải, thương xót và cả hờn trách. Hờn trách cái con khỉ! Chính đêm qua, khi con khốn đó bước vào, bà đã chả nhìn tôi với cái nhìn hàm ý khích lệ sao. Để bây giờ, chỉ mình tôi là trần thân chịu trận. Khốn nạn, đúng là chó cắn áo rách! Một trăm năm mươi triệu… Không, không phải tôi tiếc nó bởi không có nó tôi cũng chả chết, cái thân tôi nghèo quen rồi, nhưng đây là trận đấu giữa tôi và bà mà bà là người thách đấu, một trận đấu cam go bất phân thua thắng nhưng tôi sẽ nhất định phải thắng vì nó thuộc về danh dự, về những gì ẩn sâu nhất trong lòng tự trọng nghề nghiệp của tôi chứ tuyệt nhiên không phải vì tiền. Tôi đã quyết định khi vẽ xong, vẽ được, tôi sẽ chính thức trao bức chân dung cho bà cùng với mớ tiền chết tiệt ấy để bà mở to mắt ra mà thấy rằng, ở đời có những lúc đồng tiền không là cái mẹ gì cả, đồng tiền nhiều khi chỉ là tờ giấy lộn nhưng, ông rên lên một tiếng trong cổ họng như vừa bị mắc xương, con khốn ấy nó đã cướp đi danh dự, lòng tự trọng của tôi rồi bà có hiểu không hay không hiểu mà mắt cứ mở trừng trừng rất khó chịu như thế. Ông quờ tay úp sấp tấm ảnh lại như úp đi một sự ám ảnh không còn chịu nổi.
Nhưng mà khoan đã, ông vỗ mạnh vào đầu. “Con khốn à”. Nó có đúng là khốn thật không hay ông tìm chưa kỹ, hoặc nhớ nhầm để một chỗ kiếm một nơi? Chút hy vọng loé lên đó làm ông nóng phực người… nhưng liền đó lại tắt ngúm khi tại cái góc tủ tối thui, mốc mác đó những ngón tay run rẩy của ông chỉ còn chạm vào được một tệp tiền mỏng ước khoảng vài triệu. “Mẹ, đã khoắng thì khoắng sạch trơn mẹ nó đi cho đỡ ngứa mắt, để lại mấy tờ làm con mẹ gì? Trộm mà cũng có nhân tình nhân đạo hay hữu ái giai cấp cùng cảnh ngộ thương nhau mà không nỡ khoắng sạch trơn à? Thà mày cứ lấy hết mẹ nó đi còn đỡ ngứa mắt”. Ông ném tung tệp tiền ra nhà rồi loáng quáng đi tìm chai rượu lăn xuống gậm tủ. Chai cạn kiệt. “Đời đểu thế này, con người bạc thế này thì chỉ có hơi men mới hòng xoá đi được. Vậy mà ngay cái hơi men rẻ tiền đó lúc này cũng bỏ ông mà đi nốt. Đểu!”.
Chính lúc đó, như phù họa cho cái tiếng “đểu” chưa kịp bục ra khỏi đầu lưỡi khô rạn ấy thì ngoài sân bỗng có những tiếng xôn xao khác lạ. Tiếng xôn xao lớn dần biến thành những bước chân đi rầm rập đến gần. Ông chưa kịp hiểu ra chuyện gì thì bóng hai người một đàn ông, một đàn bà mặc sắc phục công an đã hiện ra ngay trước cửa phòng. Phía sau họ là lố nhố những bóng người khác mà nổi bật là mấy cái dáng nữ sinh viên thon mảnh xanh đỏ tím vàng đang cố chen vào.
“Cái quái gì thế nhỉ? Bạo loạn à hay cháy nhà? Hay lại có án mạng, giết người hàng loạt?… Không! Mình đã giết ai đâu, chỉ mới có ý định giết thôi chứ đã dám động dạng gì?”.
Đang ngơ ngác như thế thì nữ chiến sĩ công an, nói đùa, con gái mặc võ phục đẹp thật, dường như cái vẻ cứng cáp oai phong của bộ cảnh phục càng làm tôn cái chất nữ tính mềm mại, bí hiểm bên trong lên đáo để, bước vào, đứng trước mặt ông, giọng lạnh và êm như giọng của nữ thần tù ngục:
- Ông là Linh, Trần Hoài Linh?
- Vâng, tôi đây! Có chuyện gì không, đồng chí?
Ông cố làm ra vẻ bình thản, pha chút ủ dột, bất cần nhưng lại thoáng chột dạ: “Bỏ mẹ, có khi con bé này là cán bộ an ninh văn hoá đến tra hỏi mình những câu phát ngôn về cuộc đời vẩn đục, về các giá trị tinh thần, đạo đức xuống cấp, về văn hoá nghệ thuật chợ chiều… mà thỉnh thoảng ở chỗ này chỗ khác, mình vẫn thường phọt ra tung toé vô tội vạ đây! Vậy thì xin mời, mồm miệng đang ngứa ran, nhân tiện xả ra một thể cho nó xông khí”.
Nhưng không, với vẻ mặt dễ thương và giọng nói cũng không thể dễ thương hơn, cô trung úy công an đưa ra trước mặt ông một cái gói giấy màu xanh có chằng bằng mấy sợi dây thun quá đỗi quen thuộc mà nếu không kịp kìm chế, ông đã reo toáng lên và vồ lấy rồi.
- Xin hỏi, cái gói này có phải của ông không?
- Hả… Cái… cái gói này ấy à? - Giọng ông nhột nhạt - Màu xanh… Vâng, của tôi… Hình như là của tôi… Tất nhiên là của tôi.
Cô trung úy cau mày:
- Sao lại hình như? Của ông ông phải biết chứ?
- Vậy thì chắc chắn là của tôi. Chả lẽ lại của ai khác?
Nét mặt cô gái bận cảnh phục ánh lên một chút gì như là sự lạnh lẽo của nghiệp vụ:
- Vậy trong đó có gì, thưa ông?
- Tiền chứ còn gì nữa. Rất nhiều tiền.
Ông buột miệng nói luôn. Cô trung úy gật nhẹ rồi tung ra câu hỏi mang tính nghiệp vụ cuối cùng:
- Bao nhiêu, nếu ông không cảm thấy phiền?
- Hả?... Chừng trăm năm mươi… hay gần trăm năm mươi triệu gì đó. Tiền người ta gửi tôi.
Cô công an đánh mắt nhìn sang người đồng nghiệp nam đứng cạnh đó rồi hất tay ra hiệu về phía sau. Lập tức đám đông bị rẽ ra lấy lối cho một thân hình con gái nhếch nhác được đẩy bắn vào phòng. Ông trố mắt, không ai khác, đó chính là con khốn ngủ trọ đêm qua. Lúc này hình dong nó thật thảm hại, mặt mày xanh mét, chân tay run rẩy, hai đầu gối gần như muốn quỵ xuống, đôi mắt lấm lét nhìn lên ông rồi lại nhìn cắm xuống đất như muốn tìm một lỗ nẻ nào đó để chui vào.
Cô trung úy hỏi:
- Ông còn nhớ người này chứ?
- Cô này… Vâng, nhớ, nhớ… Đêm qua mưa to, tôi đã cho cô ấy trú nhờ.
- Tốt rồi! Sáng nay chúng tôi đã bắt được cô ta từ trong nhà ông đi ra với số tiền này trong người.
Nghe tới đó, cô gái khóc nấc lên, ngước nhìn lên ông với đôi mắt khổ sở đến tột độ, đôi mắt của con nai vừa bị sa bẫy, đôi mắt con gái trong rừng năm ấy khi phải nhìn một cẳng chân của mình bị cưa đi. Đôi mắt ấy khiến ông ớn lạnh. Không!
Bằng sự từng trải và nhạy cảm vốn có cùng thói quen quan sát nhiều năm của nghề nghiệp, ông không thấy cái nhìn kia đơn thuần chỉ là cái nhìn cố tạo của một con ăn cắp, của một ả tội đồ chuyên nghiệp khi bị sa cơ mà ẩn đằng sau nó, sâu lắm, còn có một cái gì đó toát lên vẻ oan ức, đau đớn, thống khổ và tuyệt vọng đến không cùng. Cái nhìn ấy giống một làn sóng màu chì cứ không thôi vỗ dồn dập vào khoảng tâm hồn vốn đã mỏng rách của ông, khiến ông thấy lồng ngực mình thắt bóp nhói đau như có một mũi kim lạnh buốt đang thúc mạnh vào.
Tiếng nói và nét mặt ông bỗng trở về vẻ bình thản mà sau này khi nghĩ lại chính ông cũng không hiểu làm sao mình lại có thể có được cái vẻ bình thản bất ngờ ấy như thế:
- Chết!... Có lẽ các đồng chí hiểu sai rồi. Cắp kiếc gì đâu. Đây là số tiền mà tôi cho cô ấy vay để về chạy chữa cho bà mẹ bị trọng bệnh.
Tiếng xôn xao của đám người hiếu kỳ nổi lên khiến cô công an hơi sững lại một chút. Đang từ thế thắng chuyển sang thế bại, đang từ chiến công lại hoá thành vô công, đôi mắt khá sắc và đẹp của cô trừng lên, chuyển làn xoáy sâu vào mắt cô gái:
- Có đúng vậy không?
Cô gái nhìn lên ông vẻ bàng hoàng, sửng sốt như không tin vào tai mình… Rồi trước khuôn mặt nhân từ cũng như đôi mắt hàm chứa sự khích lệ của ông, đôi mắt của một người cha, người ông, cô gái khẽ cúi đầu xuống, nói lí nhí:
- Dạ…
Đến đây thì cái giọng của người nữ sĩ quan công an không còn êm êm được nữa mà chuyển sang gắt gỏng rất đanh:
- Sao lúc nãy cô không nói, hả? Cô đùa với chúng tôi đấy à? Mất thì giờ, vớ vẩn! Lần sau thì liệu cái thần hồn!
Nói rồi, để lại trên bàn gói tiền, cô gật đầu chào chủ nhà bỏ đi, kéo luôn cả đám đông hiếu kỳ đi theo.
Chờ cho tiếng chân của mọi người đã đi khuất sang bên kia mảnh vườn hoang, cô gái mới vội quỳ sụp xuống chân ông, hai tay vái lạy sát đất, giọng nghẹn ngào:
- Bác… Bác ơi!... Cháu đội ơn bác. Cháu là con đàn bà không ra gì, hôm nay nếu không có tấm lòng trời biển của bác thì…
Ông nhăn mặt quay đi:
- Cô đứng lên đi! Đừng để tôi phải ghê tởm đuổi cô ra khỏi đây ngay bây giờ.
Cô gái vẫn quỳ:
- Vâng, cháu là một con đàn bà ghê tởm… Cháu không xứng đáng được ở lại đây, bác cứ đuổi cháu đi nhưng cháu chỉ xin bác nghe cháu nói một câu thôi, chỉ một câu để bác thấu hiểu cho hoàn cảnh cháu phần nào rồi cháu sẽ đi ngay.
- Câu gì?
- Vâng - Cô luýnh quýnh ngồi dậy, nước mắt vẫn lưng tròng - Cháu không phải là một con ăn cắp, cháu chưa bao giờ ăn cắp nhưng chỉ vì hoàn cảnh cháu…
- Hoàn cảnh! - Ông nhếch một tiếng cười chua chát - Con người bây giờ đổ đốn thật, cứ hễ gây tội bị sờ gáy là lại đổ tại cơ chế, tại hoàn cảnh này nọ.
- Không, cháu không đổ tại mà sự thật là như vậy. Cháu…
- Có gì thì cô nói luôn đi, tôi không có thì giờ và cô cũng không nên ở lại đây lâu.
- Vâng - Cô gạt nước mắt để lại một vết nhọ ngang mặt - Hoàn cảnh cháu nói ra thì dài lắm, nhưng cháu không thể không nói, ít nhất cũng để bác hiểu mà tha thứ cho… mẹ con cháu phần nào được phần ấy.
- Con cô thì dính dáng gì vào đây? Vớ vẩn!
- Dính ạ, dính lắm bác ơi, chính vì mạng sống của nó mà cháu phải ra nông nỗi này. Nó bị suy tim bẩm sinh nặng lắm mà nhà cháu… Giờ thằng bé đang chờ mẹ mang tiền về. Con ơi!...
- Thế bố nó đâu? Có đúng là đi đào vàng chết như cô nói không?
Cô gái bỗng khóc oà:
- Trời, nếu thế thì còn là phước, đằng này lão ấy bỏ mẹ con cháu theo người đàn bà khác đi vào Nam làm ăn rồi.
Ông ra bàn rót đưa cô một cốc nước:
- Uống đi!... Cô nói bố mẹ cô mất sớm?
Cô cầm lấy cốc nước, lắc lắc đầu:
- Không ạ… Cháu nói vậy để lúc ấy bác thương không đuổi cháu đi chứ thực ra cháu không có cha mẹ, cháu chỉ là đứa trẻ mồ côi được một người hồi chiến tranh là thanh niên xung phong ở Trường Sơn nhận về làm con nuôi.
- Thanh niên xung phong ở Trường Sơn à?...
- Dạ, cuộc đời mẹ nuôi cháu cũng cơ cực lắm! Cả tuổi trẻ vào chiến trường, đến khi ra khỏi rừng thì đã quá lứa lỡ thì, lại bệnh tật triền miên, thế là mẹ xuống tóc vào chùa…
Người họa sĩ già khẽ nhíu mày vẻ như không muốn nghe thêm nữa, đứng dậy rít một hơi thuốc lào, ngửa cổ lên trần nhà nhả khói chầm chậm như đang suy nghĩ điều gì khó nghĩ.
- Tất cả những điều cô nói, tôi tin.
- Vâng, cháu cám ơn bác, trước một tấm lòng trời biển như bác, cháu lại có thể nói dối thêm một lần nữa được ư? Không, dạ, không bao giờ. Cháu thề…
Người họa sĩ lắng lại giây lâu như để một lần nữa lắng nghe trở lại tiếng động thì thầm trong lòng mình. Ở đời, để tồn tại, con người ta có thể giả mọi điều nhưng những giọt nước mắt đang tuôn ra lã chã kia không thể là giả, là diễn được.
Rồi ông quay lại, cầm gói tiền đặt vào tay cô:
- Giờ thế này, cô cứ cầm số tiền này về chạy chữa cho cháu, sau này có tiền thì trả, không thì thôi, mạng người là quý, và nhớ là cuộc sống dù có khốn cùng thế nào đi nữa thì cũng không được làm liều.
Cô gái mở tròn mắt, hơi giật lùi lại:
- Không… Bác đã tha cho cháu là phúc bảy đời nhà cháu rồi, cháu còn lòng dạ nào cầm tiền của bác nữa mà… mà cháu thấy cuộc sống của bác cũng cơ hàn, vất vả lắm.
Ông thoáng nhìn ra khung cửa sổ đang có những tia nắng sớm cùng tiếng chim hót ríu ran dội vào:
- Thôi, không nói nhiều nữa, cầm tiền về với thằng bé ngay đi, kẻo bệnh tình nó chuyển lại hối không kịp. Tôi cũng đang có việc bận.
Nói rồi ông quay về với giá vẽ, nhặt một tấm toan rơi dưới đất định căng lên. Cô gái ngẩn người, dừng sững như không tin vào những điều vừa xảy ra, chần chừ một lát rồi khi đã hiểu ra đó là sự thật, cô quỳ hẳn xuống, nấc lên:
- Thôi, bác đã nói thế cháu xin cầm nhưng chỉ dám vay thôi, sau này nếu làm được tiền cháu… cháu sẽ hoàn lại. Đây là địa chỉ của cháu, cháu tên là Hoà, Nguyễn Thị Hoà, nếu có dịp mẹ con cháu xin mời bác về chơi như một người ông đỡ đầu.
Cô gái run run rút trong túi áo ra một miếng giấy nhàu nát đã ghi sẵn địa chỉ như để đề phòng những cơ nhỡ bất trắc có thể xảy ra dọc đường, đặt lên bàn.
Ông họa sĩ cầm lấy thờ ơ đưa lên mắt đọc…
- Yên Trường, Yên Định, Thanh Hoá à?
Cô gái đột nhiên thay đổi nét mặt, giọng đỡ tức tưởi hơn:
- Dạ. Quê cháu có ngôi chùa cổ đẹp lắm, bác về đấy tha hồ mà vẽ. Ngay tối qua nhìn cái khung vẽ kia con đã biết bác là họa sĩ rồi.
Không thấy ông họa sĩ nói gì, đôi mắt lại trở về vẻ đăm chiêu, xa vắng nhìn vào bức ảnh gắn trên giá, cô len lét cầm lấy gói tiền rồi khe khẽ đi ra. Ra đến cửa, dù biết ông vẫn không quay lại nhưng cô vẫn quỳ thụp xuống, nước mặt giàn giụa, vái ông ba vái rồi mới đi hẳn.
Ra đến đầu ngõ, đụng bà chủ nhà xách cái cặp lồng đi ngược lại, như mê mụ, cô vái luôn rồi hấp tấp đi qua vườn. Bà chủ nhìn theo, hứ một tiếng như cóc kêu, đủ để đẩy cái thân hình tiều tuỵ kia bắn nhanh ra mặt đường.
Rồi với vẻ mặt căng chằng, bà bước phăm phăm qua sân đến trước cửa phòng ông, trợn mắt nhìn vào, tay chống nẹ, chao chát:
- Sao? Đẹp mặt chưa? Tưởng con người ông hiền lành, tử tế mà cũng dám chứa gái qua đêm để rồi tý nữa thì mất cả chì lẫn chài. May mà lúc đó tôi ra chợ chứ không là tôi xé xác con đĩ ấy.
Ngược lại với giọng nói lửa khói của bà, ông lại gãi đầu cười:
- Thì bà cứ vào trong này đã rồi muốn xé gì thì xé… Khổ, mà có chứa gì đâu. Nếu cái thằng tôi mà còn sức để… chứa thì đã phúc. Chỉ tại hoàn cảnh cô ấy tội quá!
Vẻ như không thèm đôi co mất giá, bà phẩy tay, đảo mắt nhìn quanh nhà, nhìn găm vào bộ quần áo nhàu nát nằm trên sàn nhà, nhìn vào chiếc giường có chiếc chăn chưa kịp gấp, lại nhìn sang cánh võng vẫn đang còn đong đưa, cười nhạt một tiếng lạnh đến nhởn da ốc:
- Hì! Chắc đêm qua mèo mả gà đồng gặp nhau, mọi thứ cứ rung giật lên phải biết nhỉ?
Ông lại gãi đầu mặc dù mấy cái móng tay cáu bẩn của ông toàn cạo cồn cột vào sọ chứ chả thấy tóc đâu:
- Thôi, tôi xin bà! Tôi hết cái tuổi rung giật ấy rồi mà sao bà nhìn đâu cũng thấy toàn bóng đen cả thế?
- Vâng, tôi đen đúa vậy đấy. Còn ông thì sáng lắm! Sáng trưng. Mà tôi nói cho có nói thế thôi chứ nhìn cái bộ dạng ông, lại nhìn cái võng mới được mắc kia là đủ biết đêm qua… ông chả nước non mẹ gì.
Ông cười, nhe ra mấy chiếc răng ám khói:
- Cám ơn bà đã hiểu cho tôi!
- Tôi không cần cám ơn, vẽ! Một lần thì cạch đến già… Mà ông cũng già thật rồi còn gì! Lần này tôi bỏ qua, lần sau với tư cách chủ nhà, tôi sẽ làm việc với ông cẩn thận đấy. Tiếng là nhà trọ nhưng ít nhất nó cũng không phải là nhà thổ.
- Khiếp, bà nói cái gì mà nghe thum thủm như món bốc mả thế?
Nét mặt bà chợt dịu đi, các cơ dãn ra làm nền cho cái giọng trở nên mềm hơn:
- Nào, trưa nay ông định ăn gì để tôi còn xuống bếp? Hì, sau một trận mây mưa, chắc cũng phải có tý tẩm bổ chứ?
- Lại nữa! Sao ba cái chuyện mây mưa, chăn gối, xác thịt nó cứ dính mãi vào miệng bà thế nhỉ? Thôi, bà cho ăn gì cũng được, miễn là được nhìn cái cười phúc hậu của bà như lúc này là đủ no rồi.
Bà đặt cái cặp lồng lên mặt bàn, rút trong túi áo đặt thêm một gói giấy nhỏ màu vàng nữa:
- Nỡm cái nhà ông này! Già mà vẫn chưa thành nết. Phở gà đồi đây, ông ăn cho nóng. Có gói thuốc lào hiến vua mà tôi đặt mua tận Vĩnh Bảo cho ông nữa. Mà cũng rít vừa thôi, ông thử một lần đi kiểm tra xem, phổi nó lại chả rỗ chằng rỗ chịt như cái tổ ong rồi ấy à. Thôi tôi đi đây, nói với ông có mà cả ngày.
Nguýt nhẹ một tiếng, nhưng là một tiếng nguýt thật duyên và dịu dàng, bà xoay người đi ra. Ra đến cửa như chợt nhớ ra điều gì, bà lại quay lại:
- À mà này, đêm nay họ báo mất điện đấy, nếu ông định làm việc khuya thì có mấy cây nến để ở gầm tủ ấy. Thắp cẩn thận chứ không lại cháy nhà!
Cháy nhà… Câu nói mang đậm hơi hướng của chiếc loa phường suốt ngày đêm ra rả trên ngọn cây cột điện ngoài kia không hiểu sao lại khiến ông chợt rùng mình. Nó kéo xếch đầu óc ông trở lại với phần việc đang còn dang dở, khắc khoải của mình. Phần việc nhức nhối từ trên trời rơi xuống đã hành hạ cả tâm hồn, thể xác ông suốt mấy tuần qua. Và sẽ còn hành hạ nữa nếu ông không nắm bắt được cái thần sắc của đôi mắt càng ngày càng rời xa đó.