Đêm ngoại thành huyền hoặc và thẳm sâu. Đêm Thăng Long ngào ngạt hương hoa sữa báo hiệu mùa thu đã trở về. Chiếc lá vàng nào rơi nhẹ xuống vườn hoang tạo nên cái thanh âm xào xạc nôn nao quen thuộc mà chỉ một lần nghe thấy sẽ nhớ khôn nguôi suốt cả cuộc đời. Đêm thu. Đêm Tràng An. Đêm Hà Nội. Dường như nghe đâu đây có cả tiếng vó ngựa chiến chinh từ ngàn năm xa ngái vọng về. Thời gian trôi qua, các triều đại trôi qua, các đế chế suy rồi thịnh, các lớp người đến rồi đi, chỉ có ngọn gió La Thành mang hồn vua Lý là vẫn thổi vô tư, bền bỉ qua năm tháng, qua bao thăng trầm vật vã của kiếp người.
Cái nóng khắc nghiệt đã bướng bỉnh lùi lại phía sau nhưng cái dư ba của nó vẫn dùng dằng ở lại để cho đêm nay, một đêm chớm thu mà sao đất trời vẫn oi nồng đến thế! Lại mong cháy lòng một cơn mưa rào mùa hạ cho cảnh vật, đầu óc thơi thoáng đi được chút nào.
Ngoài mặt đường đã vãn tiếng động cơ xe cộ, bên khu nhà trọ sinh viên ngọn đèn cuối cùng cũng đã phụt tắt để đẩy các nữ sinh viên vào giấc ngủ nồng nàn và chắc cũng có nhiều mộng mị trăn trở, khát khao.
Chỉ có cây cọ trên tay người họa sĩ già vẫn đánh vật với đôi mắt của người đàn bà bí ẩn trên tấm toan trắng xác màu pháp trường. Đúng là đánh vật cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Đầu óc ông ong ong như có một đàn côn trùng cùng đồng thanh la hét bằng đủ các loại giọng to nhỏ, thanh đục, ngắn dài khác nhau xoáy vào. Bàn tay ông mỏi dừ, những ngón chân bấm sâu vào sàn nhà tê cóng, mồ hôi ông vã ra như đang ngồi trùm chăn trong một nồi nước xông ngạt khói… Ông hiểu rằng cứ đà này thì rất có thể cái thân hình ọp ẹp của ông một ngày nào đó không chịu nổi sẽ đổ gục xuống trước khi hoàn thành xong bức tranh. Và cũng có thể sẽ không bao giờ hoàn thành cả. Do đôi mắt ma trơi không thể miêu tả nổi kia hay do tài năng ông đã thực sự cạn cợt. Hoặc do cả hai?
Một cảm giác cay đắng và rã rời chảy trong từng mạch máu, tế bào, huyết quản ông. Ông đã định buông cọ thả người nằm dài xuống nền gạch như bao đêm qua ông đã bất lực thả người như thế song ông hiểu rằng, giống như một đêm hành quân mang vác nặng, cơn sốt rét lại đang gặm nhấm, chỉ cần hạ ba lô chui vào bụi nhắm mắt lại một cái là không bao giờ dậy nổi nữa, giờ đây nếu ông buông xuôi như thế thì chắc chắn người đàn bà xa lạ kia sẽ hoàn toàn chiến thắng ông trong sự ngạo mạn không dễ nhận ra, không, đúng hơn, nghệ thuật đích thực sẽ đánh bại ông vĩnh viễn.
Và lạ lùng thay, giây phút ấy, từ nỗi oán giận, ông lại để đầu óc mình rơi vào khoảng lặng của cảm giác biết ơn người đàn bà kia. Phải chăng sự xuất hiện của bà đã là một phép thử, một dung dịch để ít nhất cũng giúp cho ông biết ông là ai, ông đang ở khúc ngoặt khốn nạn nào của cuộc đời chứ không, cứ theo độ trớn ma quái này, ông sẽ sống một cuộc sống thực vật… mà không hay không biết. Cám ơn bà và cũng cồn cào muốn xé nát khuôn mặt bà. “Tiên sư bà, con đàn bà không mời mà tới. Tiên sư tôi, thằng khọm già thế mà đã có thời mang danh là họa sĩ của đại ngàn, của tình yêu, của trận mạc. Khốn nạn! Cả hai đều khốn nạn, hai kẻ khốn cùng mở trận đánh thốc vào mặt nhau nhưng bà cứ chờ đấy, nhất định tôi sẽ là kẻ thắng, sẽ tìm được bà là ai, đôi mắt bà là thế nào và khi đó tôi cũng bỏ mẹ nó cái nghề bạc bẽo này luôn, kiếm một mảnh vườn ở quê làm kẻ trồng trọt, vĩnh biệt hội hoạ, vĩnh biệt thi ca phù du, vớ vẩn! Nào…”.
Như tìm được một giọt tinh lực năm nào còn tích lại, ông gượng chống tay ngồi dậy, cắn răng, nhíu mày, quả quyết đưa đầu cọ vào đôi mắt mịt mùng đang vẽ dở như bắt đầu dợm chân thám hiểm vào một vùng rừng rậm bít bùng không lối ra…
Nhưng đúng lúc ấy thì đèn phụt tắt. Trong phòng tối om, ngoài sân tối om, cả thành phố tối om.
Lời cảnh báo của bà chủ nhà đã thành sự thật.
Nhưng còn có một sự thật nữa là toàn thân ông đang ngứa ngáy rần rần y hệt một con đực đói khát sắp sửa được thoả mãn tận cùng thì bất chợt có bước chân người đi đến, ông quyết định lần mò tìm ra mấy cây nến trong gầm tủ, lóng ngóng châm lửa đốt lên cả bốn cây, đặt ở bốn góc giá vẽ như bốn đốm sáng chập chờn đậu xuống bốn góc quan tài. Như thế, ông mơ hồ hy vọng rằng, với ngọn lửa ma này thì đôi con mắt ma kia dứt khoát sẽ hiện hình.
Nhưng không! Đôi mắt trong ảnh và đôi mắt trong tranh vẫn nhìn ông câm lặng, vô hồn vô cảm, thậm chí còn câm lặng hơn. “Mẹ, thế là thế nào nhỉ? Nó quyết chơi mình đến cùng chắc? Một cú nghiệp chướng cuối đời đây ư? Ừ thì cứ coi như nghiệp chướng đi nhưng số tiền mình vừa ngẫu hứng cho đi kia lại là sự thật. Không còn số tiền bỗng dưng quẳng qua cửa sổ một cách dở người ấy thì mình biết ăn nói với mụ ta thế nào? Thắng cũng dở mà thua càng dở, hiện nguyên hình ra cái thằng tham tiền, mẹ, già mà dại, tiên sư sự mủi lòng! Thôi thì chọn cái đỡ dở hơn là chỉ còn cách thắng”. Sao phận số cuộc đời ông lại tự nhiên dính đến con đàn bà kia làm gì không biết. “Tôi ngưỡng mộ ông… Chỉ trông nhờ vào ông”… “Ngưỡng mộ cái con khỉ! Trông nhờ cái con tườu! Định mệnh ư? Hay món nợ tiền kiếp?”.
Nghĩ vậy, ông chụm cả bốn cây nến để sát gần vào đôi mắt trong ảnh với chút hy vọng mong manh rằng sẽ tìm ra được một chấm sáng bí mật nào đó nằm trong đáy cùng của nó… Nhưng không, đáy cùng của nó đâu không thấy chỉ thấy đáy cùng của lòng dạ ông đang vữa ra từng mảng, rã rời.
Trong khối u tâm trạng nặng nề ấy, không hiểu sao ông thèm được ngủ, ngủ một giấc thật sâu không bao giờ trở dậy nữa để trốn thoát tất cả. Nói đúng hơn, một cơn đau đầu đột ngột ập đến không cho ông được thức dù là một giây nữa. Ngủ để trốn thoát những ký ức chiến tranh cực mà vui, trốn thoát những ngày hòa bình tưởng vui nhưng mà rất cực, trốn thoát khỏi cõi sống nhạt nhẽo này, trốn thoát cả em, cô gái mỏng manh đã cho nhau tức tưởi trong một đêm bạt ngàn mưa gió giờ đã yên bề gia thất, nhưng mãi mãi vẫn trở thành một nỗi u hoài nhức nhối không sao tháo gỡ ra được, càng cố tháo nó lại càng lặn sâu vào trong, bóp nghẹt từng mạch máu, tế bào.
Và trước hết là trốn thoát đôi mắt kia. Đôi mắt như soi thấu tâm can ông. Đôi mắt biết nói, biết cười, biết thương xót, biết giễu nhạo. Đôi mắt tàn nhẫn đẩy ông ra khi ông định hăm hở sán vào và lại kéo rút ông vào khi tâm trí ông định lùi ra. Thế thì ngủ.
Và ông ngủ thật. Một giấc ngủ vật vã như hôn mê của gã tử tù chỉ vài giờ nữa là sẽ bị trói giật cánh khuỷu vào cây cọc pháp trường. Lúc ấy con người khốn khổ mang nghiệp sáng tạo kia đâu có hay rằng, một cơn mưa trái mùa đột ngột ập xuống. Mưa không lớn nhưng cũng đủ để ngọn gió nương vào đó mà thốc thổi vào trong phòng. Cả ba cây nến cùng phụt tắt, chỉ còn cây cuối cùng không hiểu sao vẫn ngả ngớn chống cự và khi đã không còn chống cự nổi nữa thì cái lưỡi của nó đã cố sức liếm vào tấm toan trên giá vẽ. Tấm toan bén lửa cháy liu riu, rồi cháy bùng lên, sắp cháy đến tấm ảnh người đàn bà ghim nhẹ ở một góc…
Đến lúc đó ông mới choàng tỉnh. Cảm giác đầu tiên là nóng, nóng quá, nóng như ngày nào chạy dưới cánh rừng đang bị tưới bom xăng. Cảm giác tiếp theo là loá mắt, loá như có cả một quầng nham thạch từ trên cao giội vào mặt. Và trong cái quầng sáng kinh hoàng ấy, ông chợt phát hiện ra tấm ảnh kia đã bắt đầu bén lửa, bèn hốt hoảng lao lại…
Nhưng rồi bàn chân ông đột nhiên bị chôn chặt như có ai đặt cả tảng đá ngàn cân vào đấy. Trước đôi mắt mở to bàng hoàng và kinh ngạc của ông, tấm ảnh người đàn bà bừng lên chang chói và trời ơi, sao lại thế kia, khuôn mặt ấy bỗng biến hình trẻ lại, rất trẻ, cái trẻ của tuổi mười tám, đôi mươi, vai khoác súng, đầu nghiêng vênh một vành mũ tai bèo, miệng toả rạng một nụ cười tội tình kiêu hãnh và trên tất cả là đôi mắt, đôi mắt sắp bén lửa đang nhìn xuống ông chan chứa yêu thương và giận hờn, hội tụ và ly biệt, oán giận mà tha thứ, say đắm đấy mà lạnh lùng cũng đấy… Đôi mắt có một đốm sáng ẩn chìm trong khoé như trăng lặn đáy nước mà bao lâu nay ông đã đi tìm nhưng không thấy…
Đôi mắt! Đầu óc ông như bị xé ra, châng lâng, ngầy ngật. Đôi mắt của em… Đôi mắt của Cô đôi thượng ngàn lúng liếng, dịu êm, chớp sáng trong hang sâu không lẫn đi đâu được. “Có phải em đấy không? Thủy ơi…”.