Lửa đang cháy ngùn ngụt nơi trọng điểm. Cháy rần rật trên sườn núi. Lửa bốc lên từ tất cả những gì có thể cháy được: Cành cây, mái lá, thân xe, nguỵ trang, cỏ gianh, lá khô, quần áo và thân người. Cả trọng điểm bỗng biến thành miệng núi lửa mà ở đó nó có thể nhấn chìm đi hết thảy mọi cảnh vật, con người. Con người vẫn chạy qua chạy lại để dập lửa. Xe vẫn rồ máy phóng ngược lên cao để thoát khỏi đám cháy. Bom xăng, bom từ trường vẫn bị kích nổ rung giật. Dập được lửa chỗ này lửa chỗ khác lại bùng lên. Miên man lửa, trùng trùng lửa, biển lửa, chảo lửa, cả bầu trời, mặt đất đều là lửa. Lửa ăn vào tóc, lửa nhập vào mắt, đôi mắt con gái vốn chỉ xanh màu lá sao lúc này nhìn lên lại toàn là lửa thế này? Có rất nhiều thân người ngã xuống, vùi trong lửa và bùn đất. Có rất nhiều nước mắt khóc thương đồng đội nhưng vẫn không dập tắt được những giọt lửa thấp thỏm trong cái nhìn. Để rồi khi lửa không còn nữa, những nấm mồ trinh nữ hiện lên, cô đơn, hoa dại cắm lắt lay, suối chảy vô tình thành khúc ca buồn của nước tan vào cây rừng, tan vào thinh không, tan vào máu…
***
Lửa cũng đang cháy trong hang nhưng là ngọn lửa bập bùng, êm nhẹ. Đêm lửa rừng, đêm trong hang đá, đêm trong nỗi mất mát tan hoang, ứ nghẹn mới xảy ra ngoài kia hôm qua nhưng ở đây, làn điệu chầu văn theo tích Cô đôi thượng ngàn vẫn ánh lên rộn ràng, réo rắt như có cả một vùng hậu phương thanh bình, một chiếu chèo diệu vợi không dính dáng gì đến bom đạn, chết chóc, tang thương mới xảy ra chiều qua đang hiển hiện ở nơi đây.
Ngọc điện chốn Kim Môn cô ra vào…
Ngọc điện chốn Kim Môn…
Danh thơm ngoài cõi tiếng đồn trong cung…
Không có đàn sáo, không có trống phách phù hoạ, không hoá trang điểm trang, quần áo cô chầu chỉ là những mảnh vải, mảnh báo, nhành hoa dại đủ màu ghép lại với giọng hát phiêu linh, điệu nhảy duyên dáng mà sao nó vẫn bay lên, lung linh, phơ phất toả lan sâu thẳm vào những đôi mắt người nghe da diết đến nỗi này. Giai điệu chân mộc đang được thể hiện bởi những gì chân mộc nhất, sự chân mộc chiết ra từ nỗi đau và sự mất mát nhiều khi không chịu đựng được trong đáy lòng nên sức truyền cảm của nó đượm một chút thần linh, siêu thực, mãnh liệt không gì có thể so sánh được.
Bầu trời cảnh Phật… phong quang bốn mùa…
Cô gái đang nhảy và cũng đang hát hát đó là Thủy, đội trưởng đội phá bom được mang danh là đơn vị anh hùng. Tiếng hát cô thật ngọt, điệu múa cô thực hiện thật duyên. Toàn thân cô tan hòa vào lửa như hiện diện của nữ thần ánh sáng. Không có hương khói trên tay, cô cầm hai que củi nhẹ hoa lên, tàn lửa từ đó bay ra, bủa vây, vương vấn, làm lung linh cả đôi mắt mở to, lúng liếng.
Trên bát ngát trăm hoa đua nở
Dưới cành cây bầy thú đua chơi…
Ngồi ở một góc xa chìm trong vũng tối, cây bút chì trên tay Linh - chàng họa sĩ được Bộ Tư lệnh biệt phái xuống đây không chuyển động được nữa! Nó đờ ra trong trạng thái tê liệt. Đôi mắt người vẽ cũng đang bị tê liệt. Trong đầu anh không thấy cô, không thấy giọng hát, không thấy gì hết, tất cả chỉ mờ nhoà, ẩn hiện một nàng tiên nữ thượng ngàn bay nhẹ giữa thinh không ngào ngạt mùi cây trái và mây trời.
- Ông làm sao thế? - Tiểu đoàn trưởng Hoàng Vinh, một người có thân hình xoắn bện như chão rừng nhìn sang, hỏi.
Linh khẽ giật mình, mỉm cười gượng gạo rồi lúng túng cúi xuống tiếp tục với cây bút của mình. Lúc đó cả hai không biết rằng, đứng ở một góc xa hơn, Phó Chính ủy Binh trạm Trần Lâm - một người đàn ông trung tuổi, cao ráo, nét mặt cương nghị, đẹp, phong trần, súng ngắn một bên, xà cột một bên, sau đôi mục kỉnh cũng đang hướng lên cô gái hát với cái nhìn khác lạ, vừa cháy nồng vừa có cái gì nao buồn như là tiếc nuối xa xăm…
***
Đứng trước hơn ba trăm cán bộ, chiến sĩ binh trạm dưới những tán lá khộp bị cháy rụi không còn một chiếc mang sắc xanh nào, người Phó Chính ủy ấy, với giọng nói khúc chiết của một ông thầy dạy sử cấp ba, của một chiến binh đường dây đã tồn tại ở nơi đây không dưới chục năm đang nói khẽ khàng như tâm sự:
“Các em! Chúng ta đã trải qua những ngày tháng khó khăn nhất trên tuyến đường này nhưng chúng ta vẫn trụ vững. Đó là một điều phi thường mà Bộ Tư lệnh đã chuyển lời cảm ơn và tuyên dương tất cả các em”.
Với quầng mắt trũng sâu vì nhiều đêm không ngủ, ông quét cái nhìn ấm áp về tất cả mọi người, trầm giọng nói tiếp, vẫn như là tâm sự:
“Lịch sử Việt Nam mình là lịch sử trận mạc, dân tộc Việt Nam mình dẫu không muốn cũng là một dân tộc trận mạc, một dân tộc đa đoan và bất khuất. Trong bối cảnh ấy, kho tàng thi ca của Việt Nam có những câu thơ mãi mãi lặn vào ký ức dân tộc, lặn vào mạch nguồn lịch sử như một nỗi nhớ không nguôi, như một niềm tự hào vang vọng đến muôn sau. Trường Sơn Đông nắng Tây mưa/ Ai chưa đến đó như chưa thấy mình… Nhưng các em thấy đó, Trường Sơn đâu chỉ có rừng ngàn núi cả, vượn hót chim kêu, thác đổ vô tình, những đoàn quân ra đi, những đoàn quân không trở về, gầm gào bom đạn, mất mát đau thương mà ẩn dưới những cánh rừng đại ngàn úa héo, những sườn đồi lở loét, những bài ca hào hùng ra trận nó còn là muôn nẻo các góc khuất cuộc đời, góc khuất Trường Sơn, góc khuất lòng người và để rồi chính những tiếng động rì rầm của tình yêu tình người, của điều tốt đẹp và cả những điều còn nhá nhem tranh tối tranh sáng đã làm nên bản trường ca huyền thoại về Trường Sơn bất diệt trong đó có xương máu, tuổi trẻ của tất cả chúng ta, của các em…”.
Mấy cô thanh niên xung phong ngồi dưới thì thào vào tai nhau, có cô còn rơm rớm nước mắt:
- Thủ trưởng nói hay quá!
- Chuyện, thầy giáo sao không hay? Lại đẹp trai nữa.
- Vậy mà vẫn chưa vợ con gì, phí không?
Đội trưởng Thủy chỉ mủm mỉm cười. Khuôn mặt cô nổi bật lên giữa các khuôn mặt khác với vẻ đẹp thanh thoát, nước da trắng xanh, đôi mắt to như biết nói. Lan, cô bạn ngồi cạnh thì lại ngược lại, trán dô, gò má cao, lông mày rậm, chỉ được mỗi cái miệng là cười khá duyên.
Cái miệng đó cũng ghé sát vào tai bạn:
- Này…
- Cái gì?
- Tao có cảm giác lão ấy nói cho chỉ một mình mày nghe.
Thủy cấu nhẹ vào tay bạn:
- Cái chị này, trật tự đi, không lại bị nhắc méo mặt bây giờ.
“Các em, các đồng chí…”.
Tiếng nói trên kia vẫn vang lên đều đều như một mục sư đáng kính đang giảng đạo nơi thánh đường xanh:
“Bạn bè trên thế giới và cả những người phía bên kia đang tự hỏi tại sao chúng ta có thể trụ vững được trên những cung đường mà mật độ đánh phá có thể hạ gục được bất cứ một lực lượng nào, dù ngoan cường nhất? Đó là sức mạnh tinh thần của ngàn năm chống ngoại xâm của ông cha ta kết tủa lại. Đó là sức mạnh và sự chiến thắng của các giá trị lịch sử và giá trị văn hóa mà đối phương sẽ không bao giờ hiểu được…”.
Lan lại ghé tai bạn, mùi bồ kết trên mái tóc vừa gội phả vào ngan ngát:
- Thấy chưa? “Em” nhé! Đã có thủ trưởng nào gọi lính bằng các em ngọt xớt như vậy chưa? Em là mày đấy.
Thủy không trả lời. Cô đang bị những câu nói của người Phó Chính ủy thu phục. Sức mạnh tinh thần… Giá trị văn hoá… Có đúng vậy không? Những câu nói của người đàn ông được mệnh danh là con người thép trên cái trọng điểm ác liệt nhất trong các trọng điểm mà nếu thiếu ông ta dù chỉ một ngày thôi thì rồi không hiểu mọi chuyện sẽ ra sao kia chắc chắn không chỉ là sáo rỗng, là tuyên truyền đầu môi chót lưỡi được.
“Trường Sơn của chúng ta không chỉ có rừng ngàn núi cả, tiếng vượn hót chim kêu, những cung đường lở loét, những bài ca hào hùng ra trận mà nó còn cả tiếng động rì rầm khe khẽ của những góc khuất trong lòng người, góc khuất Trường Sơn, góc khuất của tình yêu tình đời. Chính cái góc khuất ấy đã làm nên cái vẻ đẹp huyền thoại của Trường Sơn, vẻ đẹp đau thương và lãng mạn...”.
Có một cái gì ấm áp chảy lan trong cơ thể, cô bất giác kín đáo đưa mắt nhìn ra xung quanh, nhìn cả về phía sau… Rồi như không thấy cái cần nhìn, đành quay trở lại, thoáng một chút bần thần.
Nhận ra điều đó, cô bạn tên Lan lại nở một cái cười ranh ma:
- Không có đâu. Người của mày đang ngồi bên bờ suối cơ.
Bị bắt quả tang, Thủy đỏ bừng mặt nhưng vẫn kịp véo vào cái đùi nần nẫn của Lan một cái rồi hạ giọng:
- Sáng nay gội đầu lại mất đi một nhúm tóc phải không? Thưa lắm…
Lan im lặng. Thủy hiểu, một con người lì lợm, gan góc nhất nhưng một khi đã động đến cái phần giới tính đang ngày ngày bị hao hụt đi do sốt rét, do thiếu chất, do những kìm nén vụn vặt vu vơ đủ thứ của thân phận một thời con gái ở rừng thì cũng không thể nhơn nhơn được. Cô đưa tay ra nắm tay bạn siết chặt như để an ủi và cũng là tự an ủi mình. Đêm qua, chính nó đã ôm chặt lấy cô vừa khóc vừa nói tấm tức:
“Tau… mất kinh rồi!... Năm năm nay tau có đụng thằng con trai nào đâu?”. Cô cũng khóc, khóc lặng lẽ, khóc chỉ một mình mình biết, bao giờ đến lượt mình?
“Cho nên, thưa các đồng chí và các em! Kẻ thù đã làm chúng ta đủ các thứ cơ cực rồi, chúng ta không thể lại làm chúng ta cơ cực thêm nữa. Sức mạnh của người lính Trường Sơn hơn lúc nào hết là phải luôn truyền lửa, thương yêu và thể tất, bỏ qua cho nhau mọi cá tính, mọi khuyết tật nếu những cái đó không ảnh hưởng gì đến ý chí chiến đấu, đến tinh thần tiến công. Ngày thắng lợi cuối cùng đang ở phía trước, tôi tin rằng đội hình binh trạm ta luôn luôn được siết chặt và giữ vững. Đã đến giờ ra mặt đường, chúc tất cả một đêm thắng lợi!”.
Không có tiếng hoan hô, người lính binh trạm không quen hoan hô trong những hoàn cảnh một tiếng ho cũng phải nén lại nhưng những câu nói thâm trầm, gan ruột của người chỉ huy đã đốt cháy trong lòng họ một ngọn lửa nhỏ để họ tiếp tục đứng vững, cống hiến, hy sinh và ngã xuống trước nghĩa cả non sông đang vào kỳ sinh tử sống còn với sự tình nguyện trinh nguyên được chiết ra từ những trái tim thanh nữ chứ chưa hẳn đã vì những lời động viên, hô hào dù rổn rảng nhất.
***
Chiều rừng.
Chiều trong rừng bao giờ cũng xuống nhanh hơn chiều đồng bằng dưới kia. Nó không có ráng chiều, không có sự chuyển giao ánh sáng mờ dần mà ụp cái là sẫm màu luôn, như một cú chia tay ráo hoảnh với ánh sáng trời không chút nuối tiếc, vấn vương.
Cái người mà đội trưởng Thu Thủy đảo mắt tìm qua ánh lửa bập bùng trong hang đá nhưng không thấy lúc này đang một mình âm thầm ngồi bên bờ suối. Nói đúng hơn, dường như bị choáng ngợp trước sức truyền cảm của làn điệu hát văn “Cô đôi thượng ngàn” cũng như vẻ đẹp bất ngờ của người thể hiện nó nên anh đã tìm ra đây để trốn, để được tĩnh lặng một mình.
Anh tên Linh, mà các chiến sĩ Trường Sơn thường yêu mến kêu bằng họa sĩ Tám Linh theo cách gọi thân mật trong này đang ngồi trước giá vẽ bên khúc suối vắng vào mùa nước. Anh là trai xứ Đoài, đã tốt nghiệp loại ưu Đại học Yết Kiêu, nhà trường muốn giữ anh ở lại giảng dạy hoặc cử ra nước ngoài trang bị thêm kiến thức để trở về phục vụ đất nước sau này khi cuộc chiến kết thúc nhưng anh đã khước từ tất cả kiên quyết xin vào đây.
Và chỉ sau vài năm lặn lội, xông pha trên các trọng điểm tay bút tay súng như một người lính thực thụ, anh đã kịp gửi ra hậu phương những bức tranh làm xôn xao dư luận giới tạo hình bởi nét vẽ tung phá, về độ cảm xúc mới mẻ và về cách cảm nhận tinh tế mang hơi hướng trầm tích không giống ai khi miêu tả cuộc sống chiến đấu của những người lính trên đường mòn Hồ Chí Minh, điều mà chưa có tiền lệ với các họa sĩ đàn anh đi trước. Anh đã trở thành vốn quý trong các cánh rừng bom đạn và được chính vị Tư lệnh đường dây 559 đặc cách gửi xuống đây với lời giới thiệu trang trọng: “Đây là một họa sĩ có tài, một vốn quý của Trường Sơn, các đồng chí cố gắng tạo điều kiện tốt nhất cho đồng chí Linh để có thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ sáng tạo của mình…”.
Cả ngày nay máy bay đối phương không hiểu sao lại không hoạt động, như thể chúng chán nản, mệt mỏi rồi hay chỉ là cái im lặng trước bão giông, cái khoảng dừng chết chóc thường thấy trước cơn hủy diệt? Có tất cả mà cũng có thể không có cái gì, chiến tranh tưởng chừng nó luôn tuân theo một quy luật nhưng đôi khi nó cũng chả có quy luật gì, chỉ là ngẫu hứng. Nhưng với anh, điều đó chả mấy để tâm. Lúc này, trong bóng chiều đang phủ một gam màu dịu dàng xuống dòng suối ăm ắp nước, anh chỉ thấy tâm hồn mình tan ra trước cảnh các cô gái đang dầm mình vào dòng suối đó. Chỉ là các cô thanh niên xung phong đang mượn dòng nước tảy sạch mọi bụi bặm sau một ngày mệt nhoài trên trọng điểm hay các nữ thuỷ thần động tình bảo nhau nhô lên từ lòng sâu đùa giỡn với trần gian?
Chao ôi, có tiếng cười nào trong vắt như tiếng cười con gái lăn trên mặt nước kia không? Có nước da nào trắng đến tội tình phiêu linh như nước da trên bờ vai con gái kia không? Chiến tranh và tuổi trẻ, con gái và chiều rừng, thiên thần và địa ngục, sự sống và cái chết, phi lý và hữu lý, vô cảm và hữu cảm nhường bao. Có lọn tóc nào còn xanh mướt đang trôi theo dòng nước qua trước mắt anh, trôi vô tình, trôi lững lờ nhưng sao thấy the thắt lòng dạ. Một thời con gái đi qua cánh rừng… Câu thơ của ai nghe sao buồn đến thế!
Và cây cọ trong tay anh bay lên. Bay dứt dạt và quyết đoán. Bay thẳng một đường từ trái tim ra tấm toan chứ không phải len lách qua một bộ lọc lý tính nào. Anh vẽ những gì đang diễn ra trong đầu chứ không vẽ những gì đang xảy ra trước mắt. Nói đúng hơn thì anh mượn những gì đang xảy ra trước mắt để phác lên những ý tưởng nảy nở trong đầu.
Nhưng đường bút trên tay anh đang trơn thì như gặp một vật cản vô hình gì đó làm cho nó khẽ khựng lại. Trước mắt anh, trong bảng lảng ráng chiều, tại một chỗ khuất nhất, với dáng người mảnh mai, dong dỏng, bờ vai mỏng, cổ cao, mái tóc để dài, nổi bật so với các cô gái khác, Thủy, “Cô đôi thượng ngàn” đang từ từ thả chân xuống mép nước. Gấu quần cô vén cao để phơi ra một đôi bắp chân thon trắng đến xanh xao, cái xanh xao của màu da sốt rét, của màu lá rừng, của ánh trăng khuya tẩm ướp vào nhưng vẫn không xoá đi được cái màu trắng nôn nao tự nhiên của làn da con gái. Trắng và xanh, xanh và trắng, phải chăng đó là sắc màu biểu tượng của các cô gái Trường Sơn mà không phải nơi nào cũng có được.
Ra đến giữa dòng, cô duyên dáng hất mái tóc qua vai, ngước nhìn lên cao, nơi có những vạt mây màu cánh gián đang lướt nhẹ qua khoảng trống những tán cây. Chính khoảnh khắc đó, người họa sĩ đã phát hiện ra được một chấm sáng kỳ lạ ẩn sâu trong mắt cô, chấm sáng không màu nhưng dường như lại có đầy đủ tất cả các sắc màu, màu trắng mây, màu lá rừng, màu trăng muộn, màu của bình minh, màu của hoàng hôn, màu của bom đạn, cả màu của máu.
Như gặp được một bảo vật vô cùng quý giá ẩn sâu trong lòng đất, ẩn sâu trong thế giới tâm linh con người, anh gần như vồ lấy cây bút để chấm phá nhanh một đường phác họa nhưng chậm mất rồi. Từ phía tây hướng mặt trời lặn bỗng xé lên tiếng rít kinh hoàng của một tốp máy bay phản lực mượn ráng chiều lấp loá vun vút lao tới. Chưa kịp hiểu ra điều gì thì cả cánh rừng đã rung giật lên dữ dội bởi những loạt bom thả trúng đích như đã có căn chỉnh toạ độ từ trước. Dòng suối quặn lên, đất đá quặn lên, cây cối bị xé tơi tả, đổ rạp, nền rừng chao nghiêng, vỡ toác, lửa hực lên như có cả một ngọn núi lửa đang cuồn cuộn nhả ra những dòng nham thạch dâng tới tận trời. Mùi diêm sinh, mùi lưu huỳnh khét đắng, mùi lá cây, mùi tanh máu xộc lên, trộn vào khói bụi. Vang lên những tiếng con gái la hét thất thanh. Tất cả như tạo nên cái âm thanh hủy diệt của ngày tận thế.
Nhưng cũng qua rất nhanh. Cú cắn trộm dù là của một sức mạnh không lực vào loại hàng đầu thế giới cũng không bao giờ dừng lại lâu. Mạng lưới dày đặc pháo phòng không dưới mặt đất không buộc được chúng dừng lại. Nhưng như thế cũng đủ để khi mặt trời lặn, đơn vị âm thầm mang trên vai những liệt sĩ không toàn thây ra bìa rừng chôn cất trong đó có thi thể của ba cô gái được vớt lên từ lòng suối, nhưng… không có thi thể của Thuỷ.
Và đối với anh, người họa sĩ của rừng, như một thứ định mệnh mang màu lửa, cái chấm sáng kỳ lạ ẩn chìm trong đôi mắt ấy dù đã lặn sâu vào tâm trí nhưng anh biết mình cũng không bao giờ tìm lại, vẽ lại được nữa.
***
Cường độ chiến tranh càng vào sâu càng khốc liệt. Mức độ thương vong và mức độ lở loét của những cung đường tỷ lệ thuận với nhau. Tới nỗi có một nhà báo phương Tây đã phải thốt lên trên tờ New York Times một câu cảm thán rằng: “Với mức độ đánh phá như thế này, đến một con kiến cũng không sống nổi chứ đừng nói con người. Vậy mà họ vẫn sống, vẫn giữ thông được mạch máu vào sâu phía trong. Đó sẽ là một ẩn số mà người Mỹ sẽ không bao giờ hiểu nổi!”.
Vào một ngày như thế, anh được gọi lên Ban Chỉ huy Binh trạm. Người tiếp anh không ai khác chính là Phó Chính ủy Trần Lâm. Vẫn nụ cười lịch thiệp của một người nguyên là nhà sư phạm, nhưng lại có cái bắt tay khá chặt của một chiến binh, ông rót từ bi đông chiến lợi phẩm ra một chén trà còn nóng đưa cho anh:
- Uống đi, trà Thái từ ngoài kia mới gửi vào đó. Sáng ra chỉ cần một chén trà như thế này là mọi mệt mỏi tiêu tan hết, đầu óc sáng ra nghĩ được khối chuyện.
Anh cầm ly trà đưa lên ngang mắt như để chăm chú ngắm nghía cái màu xanh kỳ bí của nó mà chưa uống ngay:
- Hình như có chuyện gì nên hôm nay Phó Chính ủy mới gọi tôi lên thưởng trà sớm thế?
- Cũng chả có chuyện gì. Trà ngon phải có bạn hiền… thế thôi. Vả lại trong cả binh trạm này, nếu cần được tâm sự, sẻ chia những gì sâu sâu một tý về cuộc đời, về con người, về văn hoá thì ngoài cậu thực ra đâu còn có ai.
- Anh quá khen.
- Vẫn vẽ đều đấy chứ?
- Đều, rất đều ạ!
- Cảm hứng chủ yếu của cậu lúc này là gì?
Câu hỏi này có vẻ hơi đi sâu vào chuyên môn rồi đây. Không sao, lãnh đạo phần hồn của binh trạm thì phải đi sâu chứ. Anh trả lời thoải mái mà không gợn một chút nào:
- Tất nhiên là chất anh hùng ca, chất hào sảng, ý chí nghị lực phi thường trong tâm hồn mỗi con người. Nhưng tôi muốn đi tìm một cái gì sâu hơn nữa, đó là mạch nguồn nào đã tạo nên chất hào sảng ấy.
- Tìm được chưa?
- Cũng đang tìm và chắc sẽ tìm được anh ạ! Cũng là nhờ có anh và binh trạm quan tâm tạo điều kiện nên cái sự tìm này chắc cũng sẽ nhanh đến đích.
Phó Chính ủy mỉm cười:
- Này, nhưng để đáp lại cái quan tâm đó hình như cậu vẫn có cái gì lủng củng trong đầu chưa thoát ra được thì phải?
Anh đặt chén trà đã cạn xuống, cũng mỉm cười theo nhưng hơi có chiều gường gượng:
- Anh nói gì tôi chưa hiểu?
Cái cười nhã nhặn trên khuôn mặt kia đột ngột biến mất như sự biến mất của vạt nắng cuối chiều, thay vào đó là cái nhìn khá lạnh, âm u:
- Tôi được anh em báo lên là gần đây các bản vẽ của cậu có cái gì đã bắt đầu xa rời thực tế. Nói thẳng nhé, đã có cái gì làm méo đi hình ảnh người lính, nhất là của các cô thanh niên xung phong trên tuyến lửa Trường Sơn này.
- Méo?
Anh hỏi mà thấy lửa phực cháy trong lồng ngực.
- Nói đúng hơn, đó là cách gọi của hai từ lệch lạc. Nếu có gì hơi quá, cậu bỏ qua.
Lửa đã cháy lên tận đỉnh đầu nhưng anh vẫn cố ghìm giọng - Lệch lạc? Đó là anh em báo lên như anh vừa nói hay nó đã nằm ngay trong suy nghĩ của anh?
- Điều đó không quan trọng. Anh em báo lên hay suy nghĩ của tôi cũng đều nằm trong bản chất sự thật cả. Cậu cứ bình tĩnh.
- Tôi vẫn rất bình tĩnh và tôi muốn được đồng chí Phó Chính ủy chỉ giáo cụ thể thêm.
Đang từ “Anh” chuyển sang “Đồng chí” là câu chuyện bắt đầu không còn bình thường được nữa. Ông Lâm nhận ra điều đó, không nói gì, chỉ cúi xuống rút từ trong hộc tủ đan bằng lồ ô khá đẹp ra một xấp tranh đặt trước mặt anh, cũng chuyển cách gọi:
- Tất cả những bức tranh này đều là của đồng chí?
- Vâng, của tôi.
- Cả bức màu nước “Cô đôi thượng ngàn” này?
Ông giơ bức tranh anh đã phác thảo hình ảnh Thủy với nét bút cách điệu ở trong hang đêm ấy ra.
- Vâng, vẫn là của tôi. Có gì không ạ?
Ngược lại với giọng nói đã căng căng của anh, tiếng nói của ông Phó Chính ủy vẫn đều đều đến sốt ruột, đều đều nhưng lại như có cật nứa cứa vào tai:
- Đẹp nhưng… tách rời hiện thực. Đây là một nữ chiến sĩ thanh niên xung phong chị em mình đang phục vụ văn nghệ cây nhà lá vườn nhằm làm loãng đi bom đạn, lấy lại tinh thần chung thì nét vẽ phải mạnh mẽ, rắn rỏi, con mắt nhìn phải như có ánh thép ở bên trong, đằng này cậu vẽ cô ta như một cô nàng ẻo lả, quần áo hớ hênh, ngấn ngực lộ ra ngoài, chân tay đùi vế cứ ngồn ngộn, trắng nõn như sắp bay lên thế thì anh em mình xem sẽ nghĩ gì?
Lửa đã lan ra toàn thân, người họa sĩ định nói lại một câu gì đó quyết liệt nhưng rồi lại thôi, mệt mỏi nhìn sang chỗ khác. Trước mặt anh là một cán bộ chỉ huy dày dạn, có nhiều công tích, thế là quá ổn, làm sao có thể đòi hỏi ông ta có được cái nhìn tinh tế, sâu xa như một người thưởng thức hiểu nghề.
Nghĩ thế, anh mềm giọng xuống đến mức khiêm nhường:
- Vâng, cũng có thể như thế. Tôi sẽ chỉnh sửa lại cho nó… rắn rỏi, vạm vỡ, khí thế hơn, vâng!
- Tốt! - Vẻ mặt ông Phó Chính ủy thoáng nhẹ hơn nhưng tiếng nói vẫn lạnh - Sửa cả những cái khác nữa. Nhìn chung là nét vẽ đẹp, tài hoa, có nghề nhưng vẫn còn thiếu cái tinh thần cơ bản. Trường Sơn của chúng ta tuy đau thương, mất mát nhưng khí chất hào hùng vẫn là khí chất chủ đạo. Đâu, bom đạn của kẻ thù rải như vãi trấu đâu? Các cung đường các cánh rừng rực lửa như địa ngục trần gian mà kẻ thù đã tạo ra đâu? Những chuyến xe bùng cháy nhưng các đội viên vẫn cắn răng băng mình lên phía trước đâu? Những cô gái phá bom trần thân với toạ độ chết nhưng vẫn ngẩng cao đầu kiêu hãnh thách thức tất cả không lực Hoa Kỳ đâu? Những thương binh tuy toàn thân băng bó nhưng vẫn giữ chặt cây súng sống mái với bọn biệt kích xộc vào trạm xá đâu? Rồi các chiến sĩ lái xe nữa, có hình ảnh nào đẹp bằng hình ảnh các chiến sĩ ngồi sau vô lăng sẵn sàng chấp nhận cái chết tan xác để đưa hàng ngàn tấn hàng vào phía trong?... Nhiều, nhiều lắm mà những bức tranh trước đây của đồng chí đã thể hiện khá sinh động, đã góp phần tạo nên sức mạnh tinh thần và cảm hứng chiến đấu của người lính binh trạm để rồi giờ đây, với những bức tranh èo uột gần như mang tư tưởng phản chiến này đã làm tôi bất ngờ, không hiểu nổi. Cái gì đã xảy ra trong đầu đồng chí, một họa sĩ được cả Trường Sơn tin cậy, yêu mến vậy?
Anh thực sự choáng với hàng loạt câu hỏi đâu đâu phóng ra như một tràng đại liên lúc bắn thẳng lúc bắn tắc cú làm tối tăm mặt mày ấy. Thấy anh chịu trận ngồi im, người phụ trách tư tưởng của binh trạm tiếp tục rao giảng, rao giảng liền mạch câu nọ nối tiếp câu kia, đều đều, nhấn nhá nhưng câu nào cũng như móc họng móc óc người nghe khiến cho kẻ có thần kinh vững nhất cũng không kịp đáp trả lại. Có lẽ điều làm cho người làm cái công việc quá đỗi nhọc nhằn thì sự động chạm đến nghề nghiệp thường là dễ bị tổn thương nhất.
“Xa rời… Lệch lạc… Thiếu tinh thần cơ bản… Ôi chao!”.
Anh thoáng lịm đi một chút. “Chao ôi, chả lẽ bấy lâu nay mình bỏ công đi tìm một vẻ đẹp gì đó sâu kín ẩn đằng sau tất cả lại là lệch lạc, là phản chiến ư? Có cần phải nói lại không nhỉ? Không nói, coi như mình đã đứng ra ngoài đội ngũ. Nói, có khi còn chằng thêm hai chữ ngoan cố vào cổ! Thì đã sao? Giữa cái sống cái chết chỉ cách nhau một sợi tóc, chả lẽ mình hèn đến nỗi để hoá thành một gã cơ hội, thành một đứa ngậm miệng ăn tiền à?”.
Thì cứ thử xem. Vả lại con người này cũng có chữ có nghĩa, trải đời, có khi lại thích sự sòng phẳng hơn là cái im lặng một chiều.
Anh cố cất giọng từ tốn:
- Tôi không minh họa chiến tranh, minh họa cái anh hùng, cái đó đã quá rõ và ai cũng làm được và đã làm nhiều rồi, tôi muốn nói đến nỗi niềm con người trong chiến cuộc bởi chả lẽ chiến tranh chỉ là chiến tranh, chỉ là gầm gào và chết chóc, là các cỗ máy chiến đấu dàn hàng ngang hừng hực xông pha, là bản anh hùng ca vang vọng đến tận trời mà bỏ quên đi cái ẩn đằng sau tất cả những bề nổi đó là chiều sâu tâm hồn con người ư? Ai bảo một mái tóc dài xoã trong dòng suối, một mắt nhìn con gái bâng khuâng hướng về ráng chiều, một tiếng thở dài trong đêm, kể cả một tiếng khóc tấm tức vì nhớ nhà giữa thanh vắng lại không tạo nên nhưng hạt phù sa trong tâm hồn? Đấy là những góc khuất sâu thẳm cần được tôn trọng mà chính đồng chí cũng đã nhiều lần đề cập đến.
Ông Phó Chính ủy gật nhẹ mái đầu đã muối tiêu nhưng vẫn được cắt tỉa gọn gàng:
- Tôi hiểu, rất hiểu. Cũng như tiếng ru của người mẹ đã làm nên một dòng sữa ngọt ngào nuôi dưỡng ý chí cho những đứa con đi xa, một mắt nhìn con gái hậu phương sẽ làm đôi chân người lính thêm vững bước. Nhất trí! Ta đã gặp nhau ở điểm này, đó là chúng ta đối chọi với kẻ thù mạnh nhất hành tinh không phải chỉ bằng vũ khí mà bằng sức mạnh tinh thần và bề dày văn hóa. Đồng chí gọi là nỗi niềm, tôi gọi là góc khuất, như nhau tuy nhiên…
Ông nhấp một hụm trà rồi nhìn lên, khẽ cười. Còn anh thì bất giác rùng mình. Có những cái cười ấm áp, lại có cái cười rất lạnh, cái cười của con người này, cũng giống như cái bắt tay, vừa ấm vừa lạnh như có tà khí ẩn bên trong.
- Vẫn có cái khác đấy, ông họa sĩ ạ! Tất nhiên về nghệ thuật tôi chỉ là thằng trẻ trâu nên đâu dám cầm đèn chạy trước ô tô nhưng về khía cạnh tâm hồn thì cũng xin lạm bàn đôi chút vì chính trị, xét đến cùng cũng là con người. Thế này nhé, trong chiến tranh, dù là góc khuất hay nỗi niềm thì vẫn phải tuân thủ theo mặt bằng giá trị tinh thần, đó là hơi thở nóng hổi của cuộc chiến đấu mà nếu thiếu nó, tất cả sẽ nhợt nhạt và đông lạnh. Khoan… để tôi nói nốt, ông định nói tất cả những cái riêng tư thì thầm đó đã tạo nên vẻ đẹp tinh thần cũng như nghị lực phi thường của người lính chứ gì? Nhất trí nhưng riêng tư quá thì nó lại ngả sang hướng khác mà tôi chưa dám kết luận nó còn manh nha một cái gì đó như là dấu hiệu ủy mị, mất phương hướng. Đây nhé!
Vừa nói ông vừa lần giở những bức tranh xỉa ra trước mặt anh:
- Một bờ vai con gái dưới trăng, một cặp chân thon thả chìm sâu trong lòng nước, đẹp không? Đẹp quá đi chứ? Một ánh nhìn man mác của người lính vào trời chiều, đẹp không? Đẹp quá đi chứ. Một nhúm tóc rụng nằm trong lòng bàn tay xanh gầy của cô nữ thanh niên xung phong, gợi không? Gợi quá đi chứ. Một giọt nước mắt được đặc tả lăn trên gò má người y tá khi cắm nhánh hoa rừng lên mồ bạn, cảm động không? Cảm động quá đi chứ, nhưng nếu chỉ có thế mà không có cái gì ở trên nó như sự lạc quan, sự kiên định, tầm nhìn cao cả thì dường như nó lại bị thiếu, hụt.
- Nhưng thưa đồng chí…
Lại một cái xua tay ý nhị:
- Tôi biết, tôi hiểu đồng chí định nói gì! Nghệ thuật và hiện thực không thể sao chép khô cứng được, đó là vẻ đẹp tinh thần của người lính, đúng không? Nhất trí. Nhưng vẻ đẹp ấy một khi không hun đúc, tạo nên nghị lực, ý chí phi thường thì lại sai, nó nằm ngoài cuộc chiến tranh vĩ đại, đôi khi phản ngược. Có lẽ giữa chính trị và nghệ thuật nó cũng có những nét không phải là hoàn toàn tương đồng nhưng nó luôn luôn phải phục vụ cho chính trị, tức là phục vụ cho cuộc chiến đấu đến ngày thắng lợi.
- Đồng chí Phó Chính ủy…
- Khoan! Cho mình nói một câu sau cùng mang tính bổn phận nhé, xét đến căn nguyên thì những bức tranh của cậu gần đây đều có chút u ám, bế tắc, đậm dấu hiệu bi quan nếu không muốn nói thẳng ra là nó nhuốm tư tưởng phản chiến trước cuộc chiến đấu mang âm hưởng anh hùng ca của dân tộc. Xin lỗi nếu mình đã nói hơi quá!
Anh im lặng.
Ngôn từ đáng sợ thật, cứ sau mỗi từ “Nhất trí” lại kèm theo một chữ “Nhưng” thì có khác gì vừa mở vừa khoá cứng mồm người đối thoại lại. Anh im lặng không phải anh không có gì để nói lại mà anh không muốn nói. Con người này đối với anh từ lúc mới đặt chân về đây đã như một người tri kỷ, ngoài những giờ sống chết ngoài tuyến, cả hai thường tìm đến một chỗ tĩnh lặng ngồi tâm sự với nhau về cuộc đời, về chiến tranh, về kẻ thù, về đồng đội, về tình yêu về gia đình có vẻ khá tâm đầu ý hợp. Đến nỗi có một lần nằm điều trị vết thương trong trạm xá, ông ấy đã cầm lấy tay mình mà rằng: “Rất may trong hoàn cảnh sinh tử mù mịt thế này mình đã gặp được cậu, gặp được cái phần nửa bên kia mà trách nhiệm và bổn phận không cho phép mình được sống thật với nó”. Còn anh, một cá tính nhạy cảm và dễ xúc động cũng tìm thấy ở ông một nhân cách, một dũng khí, một năng lực chỉ huy vừa quyết liệt vừa nhân văn, điều mà không phải ai ở cương vị ấy cũng có được. Vì vậy, với một con người có vốn hiểu biết sâu rộng, lại can trường rất đáng kính như vậy đã nói ra điều gì chắc đã có suy nghĩ kỹ về điều đó, anh không muốn cãi lại. “Hay là cái đầu cái tay của mình cũng đang lệch lạc thật mà không hay?”.
Và đến lúc này thì anh cũng bắt đầu lờ mờ nhận ra đằng sau những câu nói vừa nhẹ nhàng vừa sắc cạnh kia, con người trung tuổi ngồi trước mặt anh vẫn còn có một cái gì đó mù mờ chưa nói ra. Không nói thì anh nói, còn ngàn lần hơn phải ngồi nghe cái màn triết lý rất vớ vẩn về mối liên quan giữa bản chất sáng tạo và hiện thực cuộc sống này. Mà quái lạ! Kiểu lập luận nói năng như thế trong nhà trường, trong các hội nghị, hội thảo anh đã nghe nhiều rồi nhưng qua cách nói của ông ta, sao mọi việc nó cứ chao chênh, chấp chới, hư hư ảo ảo không thể phản biện nổi.
Vậy thì chỉ còn cách bẻ quẹo nó sang hướng khác. Anh hỏi thẳng:
- Hôm nay Phó Chính ủy gọi tôi lên đây chắc không chỉ để luận bàn về phạm trù nghệ thuật và cuộc sống?
- Vẫn là nó nhưng cụ thể hơn một chút. Uống nước đi đã, trà để nguội mất ngon. Thế… Có nghĩa là theo tôi, đồng chí nên chuyển vùng để làm mới lại cảm xúc và vốn sống, cái gì tồn tại lâu quá cũng rất dễ sáo mòn, nhất là văn học nghệ thuật.
Khốn khổ! Cuối cùng rồi cũng ló ra cái đích đến sau mọi lời cao siêu rối nhằng vòng vo Tam Quốc đây.
- Chuyển đi đâu ạ?
- Một vùng đồng bằng giáp ranh. Ở đó cuộc sống phong phú hơn, đa chiều đa dạng hơn và nói thật cũng ác liệt hơn, xuống đó, với tài năng của mình, tin rằng đồng chí sẽ nắm bắt được những huyệt mạch của cuộc sống để hiến dâng cho bộ đội và nhân dân những tác phẩm giàu rung cảm và giàu tính chiến đấu hơn. Đấy là ý kiến của tôi và Ban chỉ huy, còn tuỳ thuộc vào đồng chí, nghệ thuật là không thể bắt buộc, đúng không?
- Không!
Anh đứng bật dậy để không vả vào giữa cái miệng giả dối kia một cái đích đáng. Đây là sự ép buộc chứ không còn là chuyện phân công nhiệm vụ nữa. Nhưng mà thôi, sống ở đây đủ rồi, lại phải sống cạnh một con người đa nhân cách như thế này thì khác gì chết.
- Tôi sẽ đi - Anh dằn giọng nói tiếp - Tôi cũng đã định đi. Cám ơn những lời chỉ giáo và sự điều chuyển công tác bất ngờ đối với tôi của đồng chí. Còn buổi chuyện trò về nghệ thuật và cuộc sống xin tạm dừng ở đây, tôi không muốn nói thêm gì nữa. Chính cuộc sống sẽ trả lời tất cả.
- Tuỳ.
Ông ta nói tuỳ nhưng rõ ràng là anh thấy cơ mặt của ông giãn ra như vừa tắm gội kỹ càng ở dưới suối lên. Cái gì thế nhỉ?...
Anh vơ xấp tranh bỏ đi. Một cơn gió rừng mát rượi thổi thốc vào mặt vào ngực. Anh bỗng thấy nhẹ người. “Mẹ khỉ! Cũng là may chứ cứ phải ngồi đây mà nghe lão rao giảng thêm ít phút nữa có khi mình tâm thần”. Thời gian gần đây, bằng cái nhìn khang khác, bằng cách nói cũng khang khác, anh đã linh cảm thấy giữa anh và ông ta hình như có cái gì không ổn ngầm chứa bên trong, chỉ đơn thuần là quan điểm nghệ thuật, mỹ cảm khác nhau hay đặc thù khó hiểu của công tác cán bộ hoặc còn điều gì sâu xa, tế nhị khác nữa anh không thật biết, cho nên việc điều chuyển đột ngột này chỉ bổ sung thêm vào câu giải đáp không mấy làm anh quan tâm và ngạc nhiên.
***
Nhưng đi được một đoạn, gặp Hoàng Vinh - Tiểu đoàn trưởng kiêm Chính trị viên tiểu đoàn bộ binh, một người luôn nghĩ thẳng và không ngần ngại dám nói thẳng mọi điều thì anh lại nhận được sự phản ứng gay gắt:
- Cái gì? - Hoàng Vinh trợn tròn mắt - Điều chuyển? Sao lại điều chuyển? Công việc của ông ở đây đang rất thuận lợi, muốn đi đâu thì đi, muốn vẽ gì thì vẽ, lại được anh chị em tin cậy, yêu mến, điều chuyển là thế nào? Có khác gì bứng đi cái cây đã ăn sâu xuống nền đất màu mỡ mà từ đó nó đã lớn lên. Tại sao?
- Đơn giản: để tẩy rửa tâm hồn.
- Tâm hồn ông làm sao? Họ đã nói gì về tâm hồn ông?
- Không nói gì cả, chỉ là tự mình thấy cái tâm hồn mình đang có vấn đề thôi. Thay đổi một tý cũng hay.
- Không được! - Đôi lông mày sâu róm của chàng ngư dân miền biển quen ăn sóng nói gió dựng ngược lên - Để mình sẽ lên nói chuyện với ông ấy, nếu cần nói với cả Bộ Tư lệnh nữa vì ông đang là một đặc phái viên, quân số thuộc Bộ Tư lệnh quản lý. Có thể họ sẽ nghe một thằng tiểu đoàn trưởng đã kinh qua hàng trăm trận đánh như mình rằng, cậu không chỉ là chỗ dựa tinh thần và cả tình cảm của anh chị em binh trạm này mà còn là tài sản của quân đội, của nhân dân.
Hoài Linh bật cười rồi đấm đám vào đôi vai vâm vam của bạn:
- To tát quá! Ầm ĩ quá! Mình chỉ là con sâu cái kiến trong cả binh đoàn. Mà cũng muộn rồi! Chính mình cũng muốn đi và đã quyết định đi.
- Hả? Cậu quyết định?... Nhưng ông đã bàn với…
- Với ai?
- Với cái người mà mình biết bao lâu nay ông vẫn thầm thương trộm nhớ.
- Lại huyễn hoặc! Có ai đâu nào. Thôi, mình về lán chuẩn bị đây để mai theo xe sớm. Hy vọng gặp nhau ở mặt trận dưới đó nhé!
- Khoan đã! - Với cánh tay gân guốc như chão rừng, Hoàng Vinh kéo xếch cái thân hình mảnh khảnh thư sinh của bạn vào một gốc cây, ấn ngồi xuống, giọng vẫn thẳng băng như đường đạn:
- Cái gì nữa đây? - Anh hỏi.
Hoàng Vinh nhìn sâu vào mắt bạn:
- Này, có khi nào ông nghĩ lão ta điều ông đi vì một lý do hoàn toàn khác không?
- Không. Mà lý do gì?
- Như nhổ gai chẳng hạn?
Anh bật cười phá:
- Chết nỗi! Mình mà lại có thể được làm một cái gai trước con người quyền lực khét tiếng ấy ư? Gai xấu hổ. Không có đâu.
Hoàng Vinh không cười, nét mặt trở nên nghiêm trọng:
- Thế còn Thủy, bông hoa quý của rừng thì sao? Ông không nhận ra hình ảnh cô ấy đã lọt vào đôi mắt lúc nào cũng tỏ vẻ nghiêm nghị nhưng hun hút những đam mê của ông ta sao?
Anh thoáng giật mình nhưng liền đó lại lắc đầu:
- Mình chưa nghĩ đến điều đó và chắc điều đó cũng không thể có ở ông ta, một cán bộ từng trải, bản lĩnh, một con người rất biết vượt qua những cám dỗ lăn tăn trong những năm tháng khốc liệt này.
Hoàng Vinh vung tay ném vù một viên đá sang bờ suối bên kia như ném vào chính sự mơ hồ trong đầu anh:
- Vẫn cách nhìn duy cảm, dễ dãi, nhẹ dạ của một thằng nghệ sĩ và rồi chính ông sẽ khổ vì cái nhìn ấy. Là người trực tiếp nằm dưới quyền của ông ấy, hơn ai hết mình hiểu con người thật của ông ta như thế nào.
- Con người thật?
- Đúng!
Anh đã định hỏi cụ thể về con người thật của nhân vật kia ra sao nhưng thấy vẻ mặt đanh lại của bạn, anh đã đoán trước được câu trả lời sẽ rơi về hướng nào nên nói tránh đi:
- Tất nhiên, trong một vị á thánh cũng có đầy khoảng tối, trong một đấng siêu nhiên cũng có lắm cái tầm thường nhưng thế mới là con người và thật ra, nếu lấy cái sáng trừ đi cái tối thì ở ông ấy vẫn còn dương. Vả lại, anh bạn chiến binh ơi, cuộc chiến tranh đã quá sức chịu đựng rồi, nếu chỉ chăm chăm nhìn vào mặt trái của một con người thì khó sống lắm.
- Tức là chỉ nhìn vào mặt phải?
- Đúng! Mà mặt phải của ông này cũng có nhiều cái để khẳng định.
- Vậy ông cứ nhìn vào mặt phải đi, tôi thì tôi nhìn cả hai. Không thể cứ vin vào chiến tranh để rồi bỏ qua cho nhau tất cả mọi khuyết tật được, có tội đấy, ông nghệ sĩ ạ!
- Mình chấp nhận. Chí ít là lúc này.
- Tốt! Rồi cuộc sống sẽ mở mắt cho ông, khi đó đừng trách thằng bạn võ biền này không báo trước.
Im lặng giây lâu... Rồi Hoàng Vinh phủi mạnh đít quần đứng dậy, mặt hầm hầm kết thúc câu chuyện, coi như không có gì để nói nữa.
- Thôi được, nếu cần đi thì cứ đi, mình cũng sẽ đi, đi vào mặt trận phía trong như ông. Làm thằng lính mà cứ cắm cúi mãi ở đường dây thế này, buồn bỏ mẹ! Hẹn gặp lại và cố đừng chết, nhất là một họa sĩ có tài như cậu.
Họ siết chặt tay nhau với sự khiên cưỡng không giấu được rồi mỗi người mỗi tâm trạng đi về hai phía đường rừng. Chỉ còn lại tiếng xào xạc của đại ngàn và ráng chiều đỏ rựng chiếu qua các kẽ lá xuống mặt đất phủ đầy lá khô…
***
Chiều ở đâu cũng buồn. Chiều Trường Sơn càng buồn. Cái buồn vừa man mác vừa khắc khoải của sự đợi chờ giữa lằn ranh sự sống và cái chết. Cái buồn của ly biệt và cả vĩnh biệt.
Đội trưởng Thủy đi chầm chậm từ bìa suối lên. Cô hơi dừng lại quay nhanh mái tóc vừa gội để mặc cho những hạt nước li ti bắn ra xung quanh lấp lánh như những hạt lân tinh. Chiều nay còn được đằm mình trong dòng nước mát lạnh, chiều mai chưa hiểu điều gì sẽ xảy ra, liệu có phải vĩnh viễn xa rời con suối này không nếu đêm nay, ngày mai chúng nó lại ào đến đánh phá với một cường lực mạnh hơn? Câu hỏi này ngày nào cũng được vang lên khe khẽ trong đầu nhưng ngày nào cũng không có câu trả lời, không thể trả lời, không muốn trả lời. Sống ngày nào lãi ngày đó, còn đứa nào được đứa đó cái đã.
Cô định dé chân bước về lán thì có tiếng gọi giật lại:
- Thủy! Đứng lại tao bảo đã!
Đó là Lan, đội phó, cô bạn thân nhưng tính tình lại khác hẳn nhau. Một đằng dìu dịu, kín đáo, đằng kia ồn ào, nghĩ gì nói nấy, chẳng giấu cái gì trong ruột được dăm phút.
- Cơm chưa, chị? - Thủy hỏi.
- Cơm nước mẹ gì! Có chuyện đây!
Cô kéo bạn ra trước một vạt cỏ hiếm hoi còn nhu nhú chút màu xanh, cả hai ngồi xuống.
Lan nhìn vào đôi mắt chứa cả rừng chiều của bạn:
- Mày biết chuyện gì chưa?
- Chưa. Đêm nay lại có B-52 à?
- Còn hơn B-52. B-52 chỉ hủy diệt thân xác, còn đây là hủy diệt linh hồn.
- Ôi leo! Chị nói nghe khiếp quá! Ai hủy diệt?
- Mày.
Vang lên một tiếng cười ngất:
- Còn kẻ bị hủy diệt?
- Cũng là mày.
- Ôi, bà chị tôi hôm nay nói năng nghe khó hiểu quá!
- Biết rồi còn lỡm. Người ta sắp đi đấy?
- Ai?
- Anh Linh họa sĩ.
- Ơ!... Việc anh ấy đi thì phải đi, có dính dáng gì đến em mà bảo hủy diệt?
Lan quay hẳn khuôn mặt thanh thoát của bạn lại phía mình, nghiêm giọng:
- Đừng giả vờ nữa! Mặt đang tái dại đi đây này. Ai cũng biết là anh ấy để ý đến mày, chỉ mình mày thôi trong khi cả cái liên binh trạm ngàn ngạt con gái này có hàng trăm đứa mơ ước chỉ cần được một lần chuyện trò, một lần được ngồi cho anh ta vẽ, một lần được anh ta mỉm cười thôi mà đâu có ăn thua gì! Trong khi đó mày cứ ráo hoảnh như không biết có ai ở trên đời này. Mày đang dối lòng hay chiến tranh và gian khổ đã làm mày chai sạn đi mất rồi?
Thủy khẽ hỏi sau một chút bần thần:
- Anh ấy… đi đâu hả chị?
- Nghe nói xuống sâu hơn nữa vào mặt trận trọng điểm, vào cái nơi mà bọn bên kia nó gọi là cối xay thịt một đi không trở lại ấy.
Đến đây thì Thủy không giấu được vẻ hẫng hụt và lo lắng thật sự:
- Cối xay thịt ư?... Nhưng tại sao lại phải đi? Ai điều anh ấy đi? Người ta bảo anh ấy đang định mở một cái triển lãm lớn lắm ở ngay đây kia mà?
- Anh ấy đi là vì mày.
- Ơ… Sao lại vì em? Em có làm gì đâu?
- Vì có người cứ vin vào tư tưởng, thái độ, cả tác phẩm của anh ấy có vấn đề để loại anh ấy ra khỏi binh trạm nhằm có thể độc quyền tìm đến với mày.
Cô giãy nảy:
- Làm gì có chuyện đó. Sao lại có thể có chuyện đó được?
- Mày là đội trưởng, mày có thể già dặn trong bom đạn nhưng về cuộc đời trong đục thì còn ngây thơ lắm em ạ. Ông ấy là đồng hương với tao, cùng xã đấy, nhưng không phải vì thế mà tao im lặng. Đã có khi nào mày để ý thấy đôi mắt ông Lâm nhìn mày như thế nào chưa?
- Thế nào?
- Như đói khát, như khổ đau, như vầy vò bứt xé kinh lắm chứ còn thế nào nữa.
- Chị… Đừng… đừng nghĩ sai về người khác mà tội!
- Thế những lần ông ta làm như vô tình ghé qua lán của mày, rồi lúc thì để lại lọ dầu gió, lúc hộp sữa, lúc phong lương khô cao cấp, lúc lại một nhánh lan rừng thì cũng là không đúng à? Chưa kể có những lần tao bắt gặp ông ấy ngồi tư lự một mình bên bờ suối, mắt buồn như mắt hoẵng lạc mẹ. Tóm lại con nít nó cũng biết ông ấy rất nặng lòng với mày hiểu chưa?
Thủy im lặng. Nặng lòng? Người ấy nặng lòng với cô hay không, cô không biết và cũng thật sự không cần biết bởi lẽ từ ngày về đây, trong tất cả các mối quan hệ, cô lúc nào cũng coi ông như người cha người chú, người chỉ huy đáng kính trọng, thế thôi. “Trường Sơn không chỉ là gầm gào bom đạn, là núi rừng lở loét, là những đoàn quân trùng trùng ra trận mà nó còn có những góc khuất lòng người, góc khuất Trường Sơn, góc khuất tình yêu, tình đời…”.
Chả lẽ những câu nói thấm vào lòng người ấy lại chỉ che đậy cho cái góc khuất tối thui của ông mà không đếm xỉa đến góc khuất của người khác sao? Chả lẽ đó chỉ là những câu nói sáo rỗng để ngấm ngầm thực hiện cái hành động nhổ gai như chị Lan nói cho khuất mắt sao? Chả lẽ con người luôn là chỗ dựa tinh thần cho mấy trăm con người kiên cường sống nay chết mai ở đây lại nhỏ nhen, ích kỷ đến nhường ấy? Cô không tin. Còn anh, người họa sĩ làm nhiệm vụ biệt phái ấy, lâu nay bằng nhạy cảm đàn bà, bằng cảm nhận tinh tế của một cô sinh viên tổng hợp văn sắp tốt nghiệp nhưng nhất định xin vào tuyến lửa, bằng cả ánh mắt không biết che giấu như đôi mắt trẻ thơ của anh, cô biết anh đã nghĩ về cô như thế nào, nghĩ âm thầm, nghĩ không bộc lộ. Còn cô, thú thật là cô cố không để ý đến anh là ai, anh ở đâu đến, anh tài hoa nổi tiếng thế nào, anh được cánh đàn bà con gái ở đây ngưỡng mộ ra sao, tất cả những cái đó cô không cần để tâm mà chỉ biết rằng, ngay từ lần đầu gặp, cô đã hơi bị chênh chao trước cái nhìn ấy, cái nhìn chờm ngợp như có sóng có gió thổi bên trong.
Nhưng, giống anh, cô cũng không thể bộc lộ, không muốn bộc lộ. Đó là cái khó của hai tiêu điểm. Cô biết mình là tiêu điểm của các chàng trai và anh cũng là tiêu điểm của các cô gái. Chính vì thế mà cô không muốn xếp hàng trong cái hàng dài những cô gái tìm đến, mong đợi anh. Và anh, có lẽ cũng không muốn tạo thành thế đối cực với những người đàn ông trong các cánh rừng này một khi cô không thể là của riêng một người nào đó. Hãy để cho tất cả được yên bình. Phải chăng vì lẽ đó mà ngày nào họ cũng gặp nhau, cũng lặng lẽ hướng về nhau nhưng vẫn lạnh lùng như hai lục địa tách rời.
Và người duy nhất nhận ra điều đó không ai khác lại chính là ông Phó Chính ủy bằng câu nói lơ lửng một lần lọt vào tai cô: “Đẹp trai, trẻ trung, có tài, có duyên… Người như cậu ấy là vốn quý của chiến tranh và cũng là vốn quý của các cô gái có trái tim đa cảm rất dễ bị giăng mắc vào lưới tình mà cậu ấy vô tình hay cố ý thả ra…”. Thả ra! Nhưng chả lẽ chỉ vì thế mà nỡ đẩy người ta đi xa, đi vào vùng chiến địa nóng nhất ư?
- Không, em không tin.
Cô phản ứng một cách yếu ớt, và rồi như để tự xoá đi một chút nhức nhối đang ứ lên, cô gượng đùa:
- Em bảo này, chị với anh Vinh tính tình giống nhau, tại sao hai người không làm một cặp nhỉ?
- Vớ vẩn! Tao đang nói chuyện mày.
- Em nói thật lòng đấy.
Dường như bị chạm đến phần sâu kín nhất của thân phận người con gái ở rừng, giọng Lan bỗng chùng xuống:
- Ông ấy không phải là loại đàn ông tao cần mà tao cũng chẳng phải là loại đàn bà ông ấy thích, hai người cùng tính cách thì đẩy nhau ra chứ yêu nhau thế chó nào được, vả lại, nghe đâu người ta đã có tình ý với một cô văn công đường dây rồi, cô này có giọng hát chèo hay lắm, thử hỏi tao đã là cái gì?
Thủy thả nhẹ tiếng cười xuống cỏ. Rõ ràng trong giọng nói của bà ấy đã đượm chút ghen ghen mà lại vẫn còn nói cứng. Giống mình… Mà mai anh ấy đi rồi ư? Bất giác cô thấy có gì chẹn ngang cổ.
Vừa lúc, chừng như sốt ruột, cô bạn giáng một đòn cuối cùng:
- Không nói năng lạp xạp nữa! Giờ trở lại chuyện của mày. Chuyện lòng người nông sâu khôn dò, xấu đấy mà tốt đấy. Trong những cánh rừng này còn nhiều chuyện không tin nhưng có cái này thì mày phải tin - Móc trong túi áo có gài kim găm ra một mảnh giấy nhỏ được cuộn lại như điếu thuốc lá - Người ta vừa nhờ tao chuyển cho mày mấy chữ này, đọc đi rồi quyết định chứ không cuộc sống vắn lắm, người ta đi rồi lại hối cả đời.
Cô bồi hồi cầm lấy mảnh giấy giở ra… Một hàng chữ xiên xiên viết bằng bút bi đập bồng bềnh vào mắt:
“Thuỷ! Sáng mai tôi đi rồi. Đi mà không được nhìn thấy em thì đối với tôi là một cái gì rất không ổn. Cái không ổn này còn lớn hơn cái chết, hơn mọi vui buồn, hơn cả cuộc chiến tranh khốc hại này. Tôi muốn gặp em dù chỉ một phút, dù chỉ là im lặng thế cũng là đủ để thu nhận tất cả con người em vào lòng làm hành trang đi xa… Mong em…”.
Đọc xong, ngẩng lên thì Lan đã ý nhị bỏ về lán, còn lại một mình, cô bần thần thả người vào thân cây, mắt nhìn mông lung về phía cửa rừng, nơi có một vệt sáng mờ mờ yếu ớt hắt chiếu vào… “Cuộc sống vắn lắm, sống đúng lòng mình đi chứ không người ta đi rồi lại hối cả đời…”. “Tôi muốn gặp em dù chỉ một phút,… để thu nhận tất cả con người em vào lòng làm hành trang đi xa…”. Trái tim buộc phải kìm nén cho bổn phận lên trên của cô bỗng vỡ toác như nó đã rạn vỡ từ lâu rồi, từ khi mới thoạt gặp anh, để chỉ chờ một lần được nảy ra.
Cùng lúc bóng tối ập xuống trong âm thanh văng vẳng của tiếng chim từ quy bắt đầu làm cuộc hành trình thao thiết vô vọng gọi tìm nhau… Gió cũng bắt đầu xào xạc. Ngọn gió rừng, ngọn gió chiến tranh, ngọn gió Trường Sơn thổi qua suốt một thời con gái sao cứ gợi thức trong tâm hồn con người những thanh âm sâu lắng nhất, những thanh âm mà ban ngày bị cái sống cái chết xoá đi chỉ đêm về nó mới rì rầm trỗi dậy.
***
Đêm đã vào khuya.
Lúc này họ đang ngồi bên nhau, dưới một gốc cây săng lẻ bom vừa đánh cụt ngọn trưa nay.
Linh nhìn đồng hồ:
- Mười hai giờ… Nửa đêm rồi, anh đã nghĩ em không ra.
- Em cũng đã định không ra…
- Tại sao?
- Vì… vì em muốn anh đi không vướng bận gì và em… em ở lại cũng không phải nặng lòng.
Anh chạm nhẹ vào tay cô. Cô khẽ rùng mình như có giọt mưa nào rơi sâu vào cổ.
- Cám ơn em vì câu nói này, nhưng… tại sao bao lâu nay em chỉ im lặng?
- Em không muốn mình có tình yêu, có hạnh phúc bên cạnh những chị em trần thân không có gì, tội lắm. Thế còn anh, anh cũng chỉ im lặng đó thôi?
Giống em, anh cũng không muốn những người con trai khác phải suy nghĩ, phải ghen tỵ với anh trong khi không có cái đó họ đã đủ cơ cực lắm rồi.
Một tiếng thở dài con gái:
- Thế là chúng mình giống nhau đều biết nén cái riêng tư lại vì người khác, các cụ gọi là thân làm tội đời.
Im lặng. Nghe được cả tiếng con côn trùng nào rỉ rả ở những gốc cây phía cửa rừng.
- Mai anh đi sớm à?
Tiếng cô nghe như tiếng gió lùa lao xao trên vòm lá.
- Anh sẽ đi trước lúc em tỉnh dậy. Ở dưới kia, thỉnh thoảng anh sẽ nhờ người báo tin về cho em. Khi không còn tin nữa thì coi như anh…
Thủy vội đưa tay bịt lấy miệng anh, những ngón tay còn nguyên vẹn hương hà thủ ô rừng.
- Phỉ phui! Em cấm anh không được nói thế!
Anh giữ bàn tay ấy nằm im trên mặt mình, hít nhẹ:
- Chỉ cần thế này thôi là đã đủ hành trang cho anh đi suốt cuộc chiến tranh, đi suốt cuộc đời này.
- Đàn ông có nhất thiết phải khéo nói như vậy không, nhất lại là anh, một người mà trên những cung trạm anh đi, anh đặt chân tới chắc sẽ có nhiều người hướng lòng, yêu thương? Em có là cái gì?
- Là tất cả. Có khi ngàn người chỉ gom về một người, một người lại trở thành tất cả. Em không hiểu được cái vẻ đẹp kỳ lạ của em, một cô gái giữa rừng chiến tranh đẹp như thế nào đâu, đẹp trong gian lao, đẹp giữa lằn ranh của cái sống cái chết, đẹp tội tình và kiêu hãnh, đẹp huyền ảo nhưng lại rất thực mà không có một vẻ đẹp đời thường nào có thể thay thế được, nhất đôi mắt, một đôi mắt chỉ có trong rừng chiều chiến tranh mới có thể có được.
- Lại khéo nữa! Mắt làm sao?
- Đôi mắt của “Cô đôi thượng ngàn…” có một điều gì đó rất sâu rất lạ như vừa xa vừa gần, vừa đẩy ra vừa hút vào, đôi mắt như có lửa cháy bên trong, lại như có cả sự tĩnh lặng của ánh sao khuya e ấp hắt vào.
- Khiếp! Anh làm như mắt phù thuỷ.
- Còn hơn phù thuỷ.
- Thế mà em chưa được một bức tranh nào của anh đấy!
- Không phải một mà hàng chục, hàng trăm cái. Anh lén vẽ em mọi lúc mọi nơi, vẽ thầm cả trong đầu và cuối cùng đành bất lực, bất lực trước cái thần thái bí hiểm ẩn sâu trong mắt em mà không thể nắm bắt được.
Một tiếng cười khúc khích:
- Thì anh đừng nắm bắt nữa. Cứ coi như mắt mọi người đi.
- Không! Anh phải nắm bắt bằng được. Bây giờ chưa thì sau này nếu còn sống sẽ làm nốt. Nó như một chân lý nghệ thuật, một cảm hứng thẩm mỹ cơ bản mà thua là thua cả đời. Thuỷ…
- Dạ…
Anh rút trong bồng ra một cuộn giấy mỏng đặt vào tay cô:
- Nhưng vẫn còn một bức này anh tặng em, bức khi em đang hát văn bài “Cô đôi thượng ngàn” trong hang. Có lẽ vẻ đẹp tận cùng, sâu thẳm nhất của người phụ nữ trong chiến tranh, trong ước vọng đời thường đã được bộc lộ rõ nhất trong khoảnh khắc thần thánh ấy mà sau này có điều kiện anh sẽ vẽ lại thành khổ lớn, sơn dầu hoặc sơn mài vì thứ ánh sáng bí hiểm trong mắt em anh vẫn chưa lột tả hết được.
Cô cảm động cầm lấy cuốn tranh, cẩn thận nhét sâu vào bên trong áo ngực mình rồi để bàn tay lên chính chỗ đó, phía trái tim, im lặng…
- Em… Anh muốn được nghe em hát bài này ngay bây giờ, tại đây, hát nhỏ thôi, chỉ vừa đủ cho một mình anh nghe, được không?
Cô ngước mắt nhìn lên anh giây lâu rồi nhẹ gật đầu… Lát sau, hòa vào tiếng gió thổi trên vòm cây, làn điệu vời vợi, cổ kính ấy được bay lên không hiểu từ cái miệng xinh xắn của cô hay từ trong lồng ngực con gái chiết ra mà nghe như một tiếng thở dài, mà thấy như có cả một chiếu chèo ở đâu xa lắm hiện về và như thấy có cả nước mắt ứa nhoà trong đó…
… Ngọc Điện chốn Kim Môn… Chốn Kim Môn… Bầu trời cảnh vật… Phong quang bốn mùa… Trên bát ngát trăm hoa đua nở… Dưới cành cây bầy thú đua chơi…
Toàn thân người họa sĩ trẻ khẽ rung lên trong những cảm xúc thánh thiện đến ngộp thở. Chao ôi! Làm sao có thể tưởng tượng được rằng, đêm nay, giữa rừng chiến tranh, ngày mai có thể tất cả sẽ biến đi không còn lại gì dấu vết, lại được nghe một làn điệu mênh mang, sâu thẳm, xa xăm như thế này ư? Một làn điệu từ trời cao hạ xuống, từ sông suối bay lên, một làn điệu thần linh như không có thật mà lại có sức mạnh gọi mưa gió sắp tràn về…
Đang hát, cô bỗng dưng dừng lại:
- Anh… Sao nín gió thế? Có lẽ trời sắp chuyển mưa?
- Mùa mưa đến. Thương em ở lại vất vả.
Cô quay lại nhìn anh, quyết định hỏi cái câu hỏi mà từ lúc gặp Lan đến giờ vẫn canh cánh trong lòng:
- Tại sao anh phải đi?... Anh không đi cũng được kia mà?... Sao anh im lặng? Có phải người ta tìm cách đẩy anh đi không?
- Không, không! Không ai có thể đẩy anh đi được hết. Chỉ khuyên em ở lại phải nên dè chừng, chiến tranh cũng có những mặt tối chứ không phải tất cả đều sáng sủa đâu. Và nếu có thì ngay cả những khoảng tối của ai đó cũng nên thể tất. Chiến tranh dài quá, ác liệt quá, làm sao có thể tránh được những giây phút xao lòng, yếu đuối.
- Em hiểu…
Cô cúi xuống vân vê những nhánh cỏ mềm mịn. Vậy là anh ấy cũng đã hiểu được phần nào câu chuyện. Nhưng mong anh đừng hiểu để những chặng đường gian khổ tới đây khỏi phân tâm bận lòng.
Cùng với tiếng sấm nhì nhằng nổ ở trên cao, có những làn gió lạnh từ phía cổng trời tràn về.
- Anh… em lạnh.
Cô hơi co người lại. Anh vội vàng cởi chiếc áo khoác ngoài của mình choàng lên vai cô. Lại một hồi sấm nữa. Lần này có cả chớp. Chớp chém dài theo các sườn dốc, chém ngược lên đỉnh rừng. Sau đó là mưa. Mưa lay phay nhè nhẹ.
Cô hơi nép vào anh, tiếng nói bỗng trở nên thơ bé, yếu đuối:
- Em… em sợ.
Anh kéo cô vào sát mình như thầm nói: “Có anh ở đây rồi, em không cần phải sợ gì hết”.
Lại im lặng. Thêm những làn gió lạnh hơn… Sau đó là mưa. Mưa thật sự. Những cơn mưa rừng đỏng đảnh nặng hạt ngay từ đầu mà không cần phải qua một bước chuyển tiếp nào cả. Anh vội lôi chiếc tăng ở trong bồng ra, buộc nhanh hai góc vào chạc cây tạo thành một cái mái mỏng manh che trên đầu hai người. Mưa nhỏ lộp bộp xuống tăng. Lại một ánh chớp chém qua mặt họ.
Cô nép vào anh, hơi rúm người lại:
- Anh… thế là sáng mai ngủ dậy không còn anh… Em sẽ nhớ anh lắm!
Cảm động, anh kéo sát cô vào người mình chặt thêm chút nữa… Ôi, em gầy quá, những rẻ xương vai lộ lên hết cả rồi đây. Mềm mại và ngoan ngoãn, cô cũng ngả đầu vào ngực anh tin cậy. Cả một cánh rừng hoa dại phả lên mặt anh nôn nao. Chao ôi, hai bảy tuổi đời, anh đã trải qua một vài mối tình lãng mạn và cả trần trụi nhưng chưa có người con gái nào gợi cho anh một hương thơm ngan ngát phả sâu vào lòng dạ như thế này. Hay trước sự chia ly sống chết, mọi mùi vị nó đều có một hương sắc khác thường?
- Anh… Chiến tranh ngày càng ác liệt, liệu anh có trở lại không?
- Nhất định sẽ trở lại. Tại đây anh đã sống, đã vẽ và điều hệ trọng nhất là đã tìm được người con gái của mình. Nhất định anh sẽ trở lại.
- Em chờ…
Anh ôm siết cô vào lòng:
- Thủy ơi… Chỉ thế thôi là anh có thể vượt qua được mọi bom đạn, mọi chết chóc để trở về bên em.
Cô cũng ôm siết lấy anh… Hình như có sợi tóc nào rụng ra rơi vào má anh nhồn nhột.
Lại một tiếng sét nữa. Tiếng sét đẩy đôi môi giá lạnh của họ dính vào nhau, dính chặt như đáng ra phải dính từ lâu rồi nếu như cuộc sống trận mạc đã không kìm họ lại.
Có tiếng gà rừng nào đó vang lên ẩm ướt và cô độc.
Thân hình cô gái hơi lả đi, giọng trở nên đứt quãng và mụ mị:
- Anh… Gà rừng gáy canh ba, sắp sáng rồi… Yêu… yêu em đi!
- Thủy… Anh yêu em.
Rừng già, mưa gió và sấm chớp như phụ họa, đẩy đưa, đỡ dìu cho hai thân hình dần dần ngả xuống tấm dù trắng vừa được trải ra… Ngả xuống thấp hơn nữa… Trên cao, rừng cây vẫn nghiêng ngả, ào ạt… Trong âm thanh đại ngàn ấy, tiếng nói của em bật lên át đi tất cả, xuyên thấu, nghẹn ngào, đau đớn và hạnh phúc:
“Linh ơi… Ôi, em chết mất…”.
***
Sau cơn mưa, cảnh vật được tắm gội sạch sẽ, tinh tươm, thơm thảo như một cô gái vừa tươi mởn đi từ lòng suối lên. Có tiếng chim báo sáng rộn rã hót trên cành cao. Ánh sáng trời tựa như một chiếc bút thần dần dần quét một màu vàng non lên mặt đất ẩm ướt.
Họ vẫn ngồi bên nhau. Im lặng…
Cô gái gục mặt vào hai đầu gối, rấm rứt khóc… Bên cạnh, người con trai bần thần nhìn một vệt chấm thẫm trên miếng dù xanh rồi nâng niu gấp gọn lại, nhét sâu vào trong bồng như nhét sâu một kỷ vật vào đáy lòng, giọng ngột ngạt:
- Em… Anh sẽ mang theo miếng dù này đi vào phía trong, đi khắp các mặt trận như một lá bùa tình yêu, lá bùa hộ mạng, lá bùa có dấu vết trinh tiết một đời con gái của em.
Cô gái bật khóc nấc rồi từ từ nhìn lên, mắt rơm rớm:
- Đi xa… anh nên nhớ ngày nào cũng có một người con gái hướng về phương Nam cầu khấn cho anh tránh được mọi hòn tên mũi đạn để… trở về với em.
- Anh nhớ… thôi, anh đi đây… Anh yêu em nhiều lắm!
Họ vội vã ghì siết lấy nhau lần cuối rồi anh thoát vùng ra khỏi cánh tay của cô đi như lao chạy theo vệt đường mòn xuống chân dốc. Cô thẫn thờ nhìn theo như nhìn một hình ảnh có thể tới đây sẽ không bao giờ gặp lại nữa, bật kêu lên một tiếng thảng thốt: “Anh Linh ơi…” và cũng định chạy theo nhưng đúng lúc ấy cái dáng dong dỏng của người Phó Chính ủy đã xuất hiện ở ngay trước mặt, giơ tay cản lại.
Cô giật mình đứng sững:
- Thủ… thủ trưởng…
- Cậu ấy đi rồi à?
Câu hỏi làm như vô tâm nhưng cô cảm thấy tất cả sự lạnh lẽo, u uẩn bên trong. Và đôi mắt nữa, một đôi mắt thâm quầng chứng tỏ con người này cả đêm qua thức trắng.
Cô khẽ cúi đầu xuống như một sự thú nhận:
- Dạ… dạ… đi rồi.
- Tốt! - Giọng người đàn ông vẫn lành lạnh - Một tình cảm đẹp, một sự chia ly lãng mạn, thôi thì cậu ta cũng có một niềm vui để ra đi.
- Thủ trưởng… nói gì kia ạ?
- Không, không có gì. Vậy là… cả đêm à?
- Đêm… đêm gì kia ạ?
Người đàn ông như chợt tỉnh, bật cười một tiếng vô nghĩa:
- Hả?... Không, không có gì. Đêm là đêm thế thôi. Chúc mừng hạnh phúc!
Ông chìa tay về phía cô nhưng mắt lại nhìn sang phía khác. Cô nắm nhẹ lấy bàn tay ông và chợt rùng mình… Có cảm giác như nắm vào một chiếc rễ cây ngâm trong nước đá hay bàn tay của một người đã chết.
- Em… em xin phép ra trọng điểm.
- Khoan đã - Ông lại đưa tay ra - Đây cũng là một trọng điểm, một trọng điểm còn khốc liệt hơn mọi trọng điểm khác.
- Em… em không hiểu.
Lần đầu tiên từ lúc gặp đến giờ, ông nhìn thẳng vào mắt cô:
- Đồng chí còn nhiều cái không hiểu được. Ví dụ như đã đặt nhầm trái tim mình vào một phần tử đang có tư tưởng xa dần cuộc chiến đấu của dân tộc. Ví dụ như đã sẵn sàng đánh đổi cả tương lai, tiền đồ xán lạn của mình chỉ vì một phút nông nổi, nhẹ dạ. Ví dụ như… - Đến đây ông bất giác nhìn xuống, nhả lời một cách khó nhọc - Có những tấm tình chân thành, thắm thiết ở ngay bên cạnh mà mù loà không nhìn thấy. Ví dụ…
Cái điệp khúc “Ví dụ như” ấy không biết sẽ còn kéo dài đến chừng nào nếu như từ ngã ba đường mòn, vẻ như đã chứng kiến câu chuyện từ nãy, Lan không vội đi đến, vẫn cái giọng chao chát như xé võng:
- Đội trưởng đâu rồi? Sắp tới giờ ra trọng điểm, mọi người đang chờ kia kìa!
Nét mặt Thủy sáng lên như gặp được cứu tinh:
- Vâng! Em ra ngay đây! - Quay qua ông Lâm, giọng vẫn hết sức mềm mại - Tất cả những điều thủ trưởng vừa nói em đều hiểu nhưng em cũng muốn thủ trưởng hiểu cho em một điều, đàn bà con gái chúng em con tim có những lý lẽ riêng của nó, nhiều khi nó vượt ra ngoài những lý lẽ thông thường. Em xin phép!
Cô đi nhanh về phía lán. Ông Lâm nhìn theo, mắt tối sẫm, lúc này mới nhếch một cái cười nhạt:
- Lý lẽ ư? Đúng là cái giọng của nó. Mới có một đêm mà mọi sự đã ngấu vào nhau ghê gớm đến thế kia ư?
Rồi ông giơ hai tay, ngửa cổ lên trời như một bức tượng đài oán thán, khổ đau:
- Ta chậm mất rồi! Suốt đời chậm. Bao giờ cũng chậm.
Chỉ có những giọt mưa cuối cùng còn giắt lại trên cành lá lộp độp rơi xuống là trả lời ông, một chỉ huy đầy bản lĩnh trước hoàn cảnh, trước kẻ thù nhưng không vượt qua được những hố đen yếu mềm, tăm tối trong tâm hồn.