Căn phòng của người họa sĩ già lại đóng cửa im ỉm suốt tuần nay. Im ỉm hơn cả thời gian trước.
Bà chủ nhà đã năm lần bảy bận đi đến nhưng rồi đều bất lực quay trở lại.
Sau cái đêm nếu bà không đến kịp thì lão hâm đã gây ra hoả hoạn ấy, bà đã cảnh cáo rất nghiêm khắc, nói rằng ông còn điên điên dại dại như thế một lần nữa là bà sẽ đơn phương phá hủy hợp đồng thuê nhà. Lão nghe chả biết có vào tai không mà chỉ cười cười rồi ngoan ngoãn gật đầu. Thế là từ hôm đó lão khoá trái cửa bên trong, ai gọi cũng không mở, gọi nữa là lập tức có một miếng giấy gài bên ngoài đập mạnh vào mắt: “Xin lỗi, không làm phiền!”. “Phiền cái con khỉ! Lão mà chết thối xác ra đấy thì ai mới chính là kẻ bị làm phiền?”. Nghĩ vậy nhưng bà vẫn ngày ngày lặng lẽ mang đặt trước cửa phòng lão lúc thì tô cơm, lúc thì liễn xôi, khi lại chục trúng gà, mươi gói mỳ tôm, cả rau cỏ, cả nước uống nữa. Và trước khi quay lưng bỏ đi, bao giờ bà cũng ghé mắt nhìn qua khe cửa để thấy lão vẫn còng lưng, lệch vai, mắm môi mắm lợi đánh vật trước giá vẽ mới thực sự yên tâm. “Tốt” - Bà lầm bầm - “Ông cứ đánh vật đi, vật cho sướng đi, vật xong, tôi sẽ mở toang cửa và nhất định sẽ cho ông một trận ông bôi… à, ông họa sĩ rừng ạ!”.
***
Ông vẫn đang đánh vật thật.
Nhưng ở một tư thế khác. Tư thế đã nhìn thấy nẻo đi, đã phát hiện ra điểm yếu của đối phương, đã thấy chấm sáng ở trước mắt nhưng lại không thể đến ngay được vì các ngón tay vẫn cứ đơ ra, buốt cóng, ngọng nghịu nhất định không chịu tuân theo cái suy nghĩ cồn cào, mãnh liệt mới khởi phát bên trong ông.
Bỗng cay đắng nhận ra một điều, thì ra bấy lâu nay ông chỉ vẽ lập trình, vẽ như cái máy mà không cần huy động đến cảm xúc đến sự nhập tâm nhập hồn gì cả, khổ, vẽ hàng chợ kiếm tiền thì cần quái gì đến hồn với tâm nhưng giờ đây, sau mảng ký ức khắc khoải và dữ dội vừa được sống lại trong đêm cháy nến, hồn và tâm ông đã cuộn trào trở lại, thì hỡi ôi, các ngón tay lại bị tê liệt mất rồi. Chả lẽ cái câu “Cơm áo không đùa với khách thơ…” của các cụ lại hiệu nghiệm nghiệt ngã đến thế sao? Vậy chỉ còn cách bỏ hết, bỏ quách những đơn đặt hàng trước mắt và trả nốt những cái đặt hàng đã xong, kệ cha nó tất cả những tiếng gõ cửa sặc mùi xôi thịt không phải không có sức quyến rũ để trở về với tĩnh lặng.
Và trong sự tĩnh lặng ấy, khuôn mặt em, dáng hình em, con người em, đôi mắt của em cứ từ từ hiện lên cùng với các khuôn mặt đồng đội, các cảnh rừng bom đạn, mưa rơi, lửa cháy, suối chảy, tóc rụng, mắt buồn, thi thể, xe đổ… như một sự đánh thức, vẫy gọi từ cõi sâu thẳm bên trong. Cứ thế, ngày lại ngày, bàn tay ông bắt đầu mềm lại, hay nói đúng hơn, sức nóng từ cảm xúc của ông đã truyền lan cho những ngón tay mềm lại.
Và ông lại căng toan, pha màu, nhưng khác với những lần điên loạn, bức bối, tuyệt vọng và bất lực trước đó, lần này ông lặng lẽ và bình tâm cầm lấy cây cọ, bức ảnh chân dung của em bị cháy rụi thành tro không còn thì ông vẽ bằng trí nhớ, cái trí nhớ mà tất cả những gì có trên khuôn mặt em đã lặn sâu, chìm xuống từ lâu giờ đang xôn xao trỗi dậy.
Chỉ trong ba ngày ba đêm, bức chân dung người đàn bà lạ đã gần như hình thành. Cho hai ngày hai đêm nữa để ông chú mục vào đôi mắt. Cái đôi mắt mà nếu không có sự bùng lửa thần kỳ đêm đó thì ông sẽ không bao giờ tìm lại được bởi cái ánh sáng của nó, cái thần thái của nó không nằm ở bề ngoài mà nằm ẩn mãi bên trong đáy sâu, điều mà một người đàn bà nghèo nàn nội tâm, nghèo nàn cuộc sống sẽ không bao giờ có được. Cái chấm sáng đa đoan, đợi chờ, giằng xé và trung trinh. Chấm sáng trong mắt em, chỉ có thể có trong mắt em. Như thể đó là giọt kết tinh của tình yêu và sự mất mát, của nét bền bỉ và chí kiên trung, của hy vọng và tuyệt vọng. Của em. Chỉ một giọt lân tinh quá đỗi nhỏ nhoi đó thôi đã làm cả khuôn mặt em bừng lên một ánh sáng khác lạ.
Cho đến giấc nửa đêm hôm ấy, bức tranh đã hoàn thành. Chấm xong điểm màu cuối cùng, một điểm màu hội tụ bao nhiêu vật vã, khổ đau, như một đấu sĩ kiệt sức trên đấu trường sinh tử, ông thả cây cọ, nằm vật ra sàn nhà, mắt nhắm lại, để mặc cho đầu óc mình chìm sâu vào giấc ngủ kéo dài đến hai đêm hai ngày. Dài đến nỗi, bà chủ nhà đã mấy lần định đi báo ông tổ trưởng dân phố hoặc chú công an phường nhưng rồi lại thôi. Xấu chàng hổ ai, chưa chi đã nhoắng lên công an công iếc chỉ tổ cho người ta cười. Vả lại ghé mắt nhìn vào qua khe cửa, bà vẫn thấy cái hình hài mỏng dẹt kia đang hí hóp thở chứ chưa hoàn toàn bất động. Nhưng bà lại chột dạ: “Có khi nào con người cứ thế rồi chìm sâu trong giấc ngủ thiên thu không nhỉ? Dễ lắm, bệnh tật đầy người, ăn uống linh tinh, làm việc kiệt sức như gã rồ thế kia thì khả năng đó rất có khả năng xảy ra. Mà cửa rả lại cứ khoá trái kia chứ!”.
Đang bán tín bán nghi chưa biết xử lý thế nào thì may quá, ông bạn giám đốc Hoàng Vinh bất ngờ xuất hiện. Bà kể lại mọi khúc nhôi câu chuyện bắt đầu từ cái đêm suýt cháy nhà đó. Hoàng Vinh im lặng không nói gì, chỉ khẽ bước đến cánh cửa, soi đèn pin qua khe hở hẹp vào bên trong. Dưới ánh sáng nhờ nhờ, người bạn họa sĩ vẫn nằm trên sàn nhà, thở đều đều và khi giọt sáng đèn soi vào bức chân dung thì nó chợt rùng mình dừng lại một lúc rồi tắt phụt.
Người đàn ông quay lại, nét mặt sáng lên, có một chút nước rơm rớm nơi khoé mắt, nở một nụ cười heo héo:
- Tốt quá, tốt quá rồi, trận đánh đã xong rồi… Chị cứ để cho ông ấy ngủ. Ông ấy vừa trải qua một chặng đường dài lắm, vất vả lắm, cần lấy lại sức. Chị cứ yên tâm đi, chiều nay hay sáng mai sẽ có người đến đánh thức ông ấy dậy.
Nói xong ông ý nhị đặt vào tay bà ít tiền nói là để bồi dưỡng khi nào ông ấy trở dậy.
- Tôi đi nhé!
Rõ ràng bà nghe trong cái câu chào xã giao ấy có cái gì nghèn nghẹn không bình thường… và cũng chỉ thế thôi chứ bà làm sao có thể biết được rằng, suốt một tuần qua, tối nào ông khách doanh nhân ấy cũng kín đáo tìm đến đây như để muốn báo một cái tin gì quan trọng lắm nhưng lại không thể báo vì hơn ai hết, ông biết rằng, chỉ cần nghe nó một lần thôi là người họa sĩ già kia sẽ đổ gục và bức tranh ấy sẽ mãi mãi hoá dở dang.
***
Sau trận mưa rào đêm qua, sáng nay khu vườn trở nên tinh khôi và ngát hương hoa mộc mà chỉ cần chớm bước vào ngõ đã ngửi thấy.
Cũng theo con ngõ được lát gạch cổ đó, có một cô gái vận áo dài trắng, dáng thon thả, tóc buông dài đến lưng, đeo kính râm loại nhỏ, nét mặt ưu tư, khẽ chân bước vào.
Nhìn thấy bà chủ nhà đang lui cui quét dọn, cô dừng lại, giọng rất lễ độ:
- Cháu chào bác!
- Đi đâu? - Bà chủ nhà nhìn lên gườm gườm - Thuê nhà à? Hết phòng rồi nhé!
- Dạ không, cháu hỏi ông Linh ạ!
- Linh nào? - Vẫn gườm gườm - Khu này có bốn Linh kia. Linh hói, Linh mát-xa, Linh vừa ra tù, Linh…
- Cháu hỏi ông Linh họa sĩ ạ!
Bà chủ nhà buông cây chổi, mắt đỡ gườm gườm hơn:
- Linh điên, Linh bẩn, Linh rồ… sao không nói ngay - Hất cằm về phía căn phòng cửa vẫn đóng im ỉm - Kia kìa, đang ngủ, ngủ hai ngày hai đêm rồi đấy. Cô cứ gọi thử xem, có khi chết thối rồi cũng nên. À… - Đôi mắt bà quét suốt người cô, từ chân lên đến đầu - Mà cô là thế nào với cái nhà lão ấy?
- Dạ, cháu là… cháu ạ!
- Cháu ạ… - Miệng bà đay ra - Sao lắm cháu thế? Mới tháng trước cũng có một cô cháu đến tý nữa thì khoắng hết tài sản của ông ấy đấy.
Cô gái cười buồn buồn:
- Không, cháu thật ạ! Cháu… rất thân thiết ạ!
Đôi mắt bà dịu xuống:
- Chả phải nói cũng biết cô là người tử tế, còn thân thiết thật không, cái đó không biết nhé! Cô vào đi!
- Dạ, cháu cám ơn bác!
Cô lặng lẽ đi đến trước cánh cửa. Càng đến gần bước chân càng chậm hơn, có lúc muốn dừng lại. Bên trong im lìm như ngàn năm nay không có ai ở trong đó. Cô đưa tay gõ nhẹ… Im lặng. Gõ mạnh hơn… Vẫn không một tiếng động.
Cô cất tiếng gọi rất thanh:
- Bác… Bác ơi! Bác Linh ơi…
Tiếng gọi không lớn hơn tiếng gõ nhưng không hiểu sao lại đủ sức kéo ông ra khỏi giấc ngủ hôn mê như tiếng của gió, như tiếng động của định mệnh mà ông lại mộng mị nghe ra thành: “Linh ơi… Em đây…”. “Thủy! Đúng tiếng của em rồi, Thủy ơi!...”. Ông choàng dậy, chấp chới, phải mất một lúc mới định thần rằng mình đang ở đâu, mình đang trong trạng thái nào. Ông vội vục mặt vào thau nước để sẵn, súc miệng, vuốt lại mớ tóc rối bù, mặc vội bộ quần áo rồi hồi hộp đi ra mở cửa...
Nhưng không… Đứng trước cửa không phải là người đàn bà ấy mà là một cô gái trẻ, đẹp, tóc dài, khuôn mặt gợi nhớ đến một cái gì của ngày xưa xa lắm… Sự tuyệt vọng và hẫng hụt khiến ông không nói được lời nào.
Đôi mắt cô gái cũng mở to hun hút nhìn ông… Một cái nhìn khiến ông thoáng rùng mình. Tiếng nói của cô run run như bị nén lại:
- Cháu… cháu chào bác ạ!
Ông dụi mắt:
- Cô… cô là ai? Cô có phải cô vừa gọi tôi?
- Dạ, cháu. Cháu tên là Thu, cháu đến xin bác bức chân dung của mẹ cháu. Xong chưa ạ?
Người họa sĩ nhìn cô chăm chú:
- À, ra là thế. Cũng coi như xong... Nhưng bà ấy đâu mà cô lại phải đến?
Tiếng trả lời như bị chìm sâu vào trong ngực:
- Mẹ cháu… bận. Mẹ cháu xin lỗi… Mẹ bảo cháu đến xin nhận thay ạ!
- Nhận… nhận thay à? Cũng… cũng được thôi, nhưng…
Ông bỗng thấy rỗng roãng hết cả người. Sau đêm bén lửa, đã biết người ấy là ai, ông vừa cố vẽ bằng xong vừa cồn cào mong người ấy trở lại, phải trở lại, còn có bao nhiêu chuyện để nói, để hỏi, để cả khóc mà giờ đây…
Tuy vậy, còn một tia hy vọng, ông vẫn cố vớt vát:
- À,… vẫn còn có đôi chỗ phải chỉnh sửa lại, cô nói với mẹ cứ thư thư rồi bà ấy trực tiếp đến lấy cũng chưa muộn.
Đến lúc này thì ánh mắt cô mới chạm nhẹ được vào bức chân dung nằm trên giá. Có một luồng điện gì đó thổi dọc sống lưng, khiến cô hơi lùi lại rồi thảng thốt rơi người ngồi xuống ghế:
- Muộn ư?... Không, không sao đâu ạ! Chắc mẹ cháu sẽ… hài lòng… Bác cứ cho cháu cầm về.
Lại thêm một sự hẫng hụt nữa hiện rõ trên khuôn mặt võ vàng, già nua của ông. Im lặng…
Lát sau người họa sĩ mới nói vẻ gượng gạo:
- Thôi được!... Cô chờ tôi một chút.
Bằng những động tác lóng ngóng, ông cẩn thận gỡ bức tranh ra khỏi giá, nâng niu cuốn lại, bọc một lần ni lông ra ngoài, chằng dây thun rồi đưa cho cô mà mắt nhìn đi chỗ khác như không chịu nổi áp lực của một cảm giác chia ly mơ hồ xé lên từ bên trong khuôn ngực ọp ẹp:
- Cô cầm về đi! Nói với mẹ là nếu có thể được, một lần nào đó mời bà đến đây, tôi… tôi cũng có chuyện cần thưa lại.
Cô gái cầm bức tranh, hơi áp nhẹ vào ngực mình rồi lấy từ trong túi xách ra một gói giấy vuông vức đưa cho ông bằng cả hai tay:
- Mẹ cháu… gửi bác ạ!
Ông nhìn qua gói giấy, lấy tay đẩy lại:
- Cái gì đấy?... Tiền à? Không, cô cầm về đi, nói với mẹ là bức này tôi không lấy tiền, không thể lấy tiền, coi như quà tặng. Mà tôi vẫn còn cầm của mẹ cô một số tiền lớn nữa, mai mốt tôi sẽ trả lại. Vậy nhé!
Cô gái nghẹn lời:
- Nhưng trong ấy có… một lá thư.
Ông mở tròn đôi mắt đã đục ngầu:
- Thư? Một… một lá thư ư?
Ông như chộp lấy gói giấy, mở ra, nhặt lên một chiếc phong bì, xé vội rồi đưa lên mắt… Nhưng có vẻ như mắt đã quá kém không đọc được, ông loay hoay tìm chiếc kính gãy gọng trên mặt bàn lập cập ngoàm vào sống mũi…
Những hàng chữ mềm mại, rất đẹp xiên xiên hiện ra:
“Anh!..
Khi anh nhận được lá thư này thì em đã đi xa, đi rất xa rồi! Chất dioxin ngày ấy nó đã không buông tha em.
Anh!
Sau cái đêm mưa gió giữa trọng điểm em đã gặp anh và đã… trao thân cho anh đấy, người ta điều em về phía sau, tận phía rừng Lào và thế là không còn liên lạc được với anh nữa dù em đã nhắn tin, hỏi tin anh rất nhiều. Em nghĩ anh đã chết như một lần anh nói gở. Sau này khi đã có gia đình, em mới biết anh còn sống, cũng mới biết tên thật của anh và lúc đó anh đang là một họa sĩ nổi tiếng, nổi tiếng đến nỗi không biết bao nhiêu lần em đi qua nhà anh, qua cái Galery của anh mà không dám vào chỉ vì người ta bảo anh đang sống hạnh phúc với một người phụ nữ giỏi giang cùng nghề. Vì vậy, khi bất cứ ai hỏi em về anh, em đều im lặng, em không muốn cuộc sống của anh bị xáo trộn. Chỉ đến khi anh sa sút, tên anh bỗng dưng biến mất trên các diễn đàn mỹ thuật và người đàn bà ấy đã bỏ đi, em mới đủ can đảm đến gặp anh. Nhưng đó cũng là lúc… Mà thôi.
Anh! Thực ra bức chân dung em đặt anh vẽ chỉ là cái cớ để em gặp được anh thôi, gặp lại một lần trước khi đi… Hơn thế, muốn anh có dịp sống lại, nhớ lại và chắc là đã nhớ lại cái thời cao đẹp nhất của chúng mình, cái thời khổ mà vui. Em chỉ tâm nguyện một điều rằng, cuộc sống dù có thế nào thì anh cũng không được đánh mất mình, không có quyền được buông thả xa rời những giá trị tốt đẹp nhất của đời mình. Cũng là cuộc đời của em, của chúng ta.
Và hy vọng rằng tới đây anh lại có những cái Galery làm xúc động người xem như những phòng tranh của anh trong rừng trước đây.
Điều cuối cùng, cô bé cầm lá thư này chính là giọt máu của anh vào cái đêm ấy, đêm mưa… Rồi sau này lớn lên, không hiểu sao nó cũng có những dấu hiệu thích theo nghề của bố…”.
Một tiếng nổ xé toang lồng ngực. Ông bàng hoàng nhìn lên thì cô gái đã không còn ở đó. Chỉ có cánh cửa mở hé đang có chút ánh sáng trời lọt vào.
- Con ơi!...
Người họa sĩ già kêu lên một tiếng đứt ruột rồi không kịp xỏ dép, không kịp cả khoác thêm chiếc áo, lao bắn mình ra ngoài…
Mảnh vườn vắng tanh. Ông lao lên mặt đường… Mặt đường cũng không bóng người qua lại. Ông lật đật chạy đến ngã tư… ngã tư cũng vắng nốt, chỉ có mấy người đi xe máy, xe đạp qua lại ngoái nhìn ông như nhìn một con bệnh tâm thần vừa sổng viện…
Lúc đó ông không hay biết rằng, chiều ngược lại với ông, cô gái áo dài trắng đã ngồi trên một chiếc xe ô tô màu đen đang bon qua cầu sang bên kia sông Hồng, nước mắt chảy giàn giụa…
Chiếc xe màu đen quen thuộc của giám đốc Hoàng Vinh.