T
ôi nhận ra Rommel không biết đọc ngay từ buổi học đầu tiên tại trường tiểu học Mildred Green. Khi đó, tôi đã ra một bài tập có tên Viết về ước muốn của bản thân , với những câu hỏi khảo sát vui nhộn, chẳng hạn như“Nếu em có thể trở thành một hương vị kem bất kỳ thì em sẽ chọn hương vị nào? Tại sao?”. Với trẻ nhỏ, đó là một đề tài cực kỳ thú vị. Còn với tôi, đó là cơ hội để tôi hòa nhập với các học sinh mới.
Sau khi dẫn cả lớp (gồm 27 học sinh lớp 4) tới một quán ăn tự phục vụ để dùng bữa trưa, tôi trở lại phòng và đọc chồng phiếu khảo sát. Tôi nhận thấy lớp mình phụ trách có thật nhiều “cầu thủ bóng đá”, “ca sĩ” và rất nhiều “kem sô-cô-la vị bạc hà”. Nhưng tôi rất ngạc nhiên tìm thấy trong số đó một tờ khảo sát còn bỏ trống. Không ngày sinh, không màu yêu thích, và dường như cậu bé Rommel Sales không muốn trở thành một “que kem” đủ hương vị như các bạn. Trang giấy bỏ trống của Rommel khiến tôi vô cùng ngạc nhiên vì thông thường bọn trẻ đều tỏ ra thật dễ thương vào ngày đầu tới trường.
Tôi đi xuống quán ăn tìm Rommel. Đó là một đứa trẻ mười tuổi không mặc đồng phục học sinh. Cậu bé trông khá gầy nhưng khỏe mạnh, chiều cao vừa phải và có mái tóc cụt ngủn.
- Thầy có thể nói chuyện với em một chút được không? – Tôi hỏi cậu bé.
- Vâng, thưa thầy. – Rommel đáp.
Cậu theo tôi xuống sảnh, vừa đi vừa nhún nhảy.
- Mùa hè của em thế nào? – Tôi hỏi.
- Dạ, cũng tốt ạ.
- Em đã làm gì?
- Dạ, em cũng không nhớ rõ nữa!
Cậu bé bắt đầu tỏ ra bối rối.
- Đừng lo lắng, không có gì đâu. – Tôi vội trấn an. – Thầy muốn biết môn tập đọc của em thế nào?
- Dạ, không tốt lắm. Em đang cố gắng ạ. – Rommel e dè trả lời.
Tôi rút ra một cuốn sách mà trẻ học hết lớp một đã có thể đọc vanh vách.
- Để thầy xem nào! – Tôi mở trang đầu tiên.
Rommel nhăn nhó với từ đầu tiên:
- Con.
Sau đó, tất cả chữ viết trong trang sách cứ như thể được viết bằng tiếng nước ngoài và Rommel không thể đọc nổi một từ nào khác. Cố biện hộ, cậu bé nói rằng cậu biết từ m-è-o vì mẹ đã dạy cậu.
- Tốt lắm! – Tôi nói.
- Còn từ này thì sao? – Tôi chỉ vào chữ cái “r”.
Cậu bé biết chữ này vì đó là chữ cái đầu tiên trong tên của cậu.
Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi diễn ra rất ngắn ngủi.
- Em đang tham gia lớp giáo dục đặc biệt, thưa thầy! – Rommel nói với tôi.
Lời nói của cậu bé chứa đầy nỗi mặc cảm như thể cậu tự thừa nhận mình thuộc đẳng cấp thấp kém trong xã hội vậy. Cậu nói là cậu không thích thể thao, cũng không yêu âm nhạc, nhưng cậu thích vẽ tranh. Rồi cậu cho tôi xem một tập vẽ theo phong cách truyện tranh Nhật Bản. Những nhân vật được phác họa như Ninja, cao to, cường tráng và có mái tóc lập dị, trông thật dũng mãnh khi dùng tay ném ra những quả cầu lửa. Tôi thán phục những bức vẽ của Rommel, nhưng tôi không biết rồi mình sẽ phải làm gì với cậu bé này. Đứa trẻ này không thể nào theo kịp chương trình học lớp 4.
Đó là ngày mồng 5 tháng 9 năm 2000, cũng là năm thứ hai tôi giảng dạy tại Mildred Green, một ngôi trường đơn sơ xây bằng gạch ở phía Nam Washington, trung tâm của khu phố cổ. Sau khi giành được tấm bằng tiếng Anh của Đại học Michigan, tôi đăng ký gia nhập Teach for America, một tổ chức sẽ chỉ định các sinh viên mới tốt nghiệp đại học về giảng dạy tại các lớp học ở vùng ngoại ô dành cho những người thu nhập thấp trên khắp đất nước.
Hầu hết bọn trẻ ở đây đều đọc và viết tương đối tốt. Một bé gái đã có thể đọc tác phẩm Dấu hiệu đỏ của lòng dũng cảm của tác giả Stephen Crane, trong khi đó năng lực đọc của Rommel thậm chí không bằng một học sinh yếu kém. Giáo viên lớp giáo dục đặc biệt mà cậu đang theo học lấy làm tiếc khi phải báo cho tôi biết rằng Rommel sẽ không bao giờ đọc được.
Một thời gian dài sau đó, tôi không đả động gì đến khả năng nhận âm quá kém của cậu bé. Tôi quá bận rộn với việc giữ cho lớp trật tự và dạy các em còn lại trong lớp nên tôi đã vô tình gạt Rommel sang một bên. Trong tiết học ngôn ngữ, khi cả lớp đọc tác phẩm văn học thì Rommel ngồi ở cuối lớp để nghe những câu chuyện được ghi âm sẵn. Chẳng lẽ tôi phải bắt cậu bé dùng tranh vẽ để hoàn thành bài tập, vì cậu không thể viết?
Thực sự, Rommel không hề tối dạ. Trong các tiết học toán của tôi, cậu bé không gặp phải bất cứ trở ngại gì so với bạn bè. Thế thì tại sao Rommel lại không biết đọc? Tôi thường xuyên đặt ra câu hỏi này bởi vì trong ngày có đến hai tiết học Rommel tỏ ra rất xuất sắc, đó là giờ toán và kể chuyện.
Vào đầu giờ các buổi sáng và sau giờ giải lao, tôi thường đọc cho cả lớp nghe những cuốn sách mà hầu hết tất cả các em đều không thể tự xoay xở một mình, đặc biệt là với Rommel. Tuy không thể đọc, nhưng Rommel lại tỏ ra đặc biệt hứng thú với cốt truyện. Cậu bé mỉm cười mỗi khi các bạn khác quên hoặc thốt lên “không công bằng” trước sự bội tín của nhân vật. Cậu trả lời các câu hỏi, bảo vệ ý kiến riêng và thách thức những lời diễn giải của các bạn trong lớp. Khi tôi đọc truyện Người lùn Hobbit của tác giả Tolkien, Rommel không ngừng đi vòng quanh và luôn miệng xuýt xoa nhân vật Gollum. Nhưng khi giờ kể chuyện kết thúc, Rommel lại thay đổi nhanh chóng. Như một phù thủy mất hết pháp thuật, Rommel mất hẳn sự tự tin, sôi động. Một lần nữa, cậu lại trở về là một đứa trẻ không biết đọc.
Sau kỳ nghỉ Giáng sinh, tôi lập ra một kế hoạch để giúp đỡ Rommel. Rommel và tôi dành ra mười phút mỗi ngày để đọc truyện Harry Potter và Phòng chứa bí mật , chỉ hai chúng tôi mà thôi. Tôi đảm nhận việc đọc truyện còn nhiệm vụ của Rommel là điền vào một hoặc hai từ đã được chỉ định trước.
- Rommel, hôm nay chúng ta học cách dùng từ “off”.
Tôi viết ra từ “off”. Sau đó, tôi bắt đầu đọc truyện. Khi tôi đọc đến câu “Người đàn ông ôm ông Dursley một cái rồi đi...” , Rommel phải đoán từ tiếp theo là từ gì. Nếu cậu bé nói “off”, để trọn nghĩa cho câu tôi đang đọc“Người đàn ông ôm ông Dursley một cái rồi đi mất” , thì tôi sẽ tiếp tục đọc; ngược lại, tôi sẽ nhẹ nhàng phát vào tay cậu để nhắc nhở.
Dần dần, những từ Rommel không biết ngày càng thu hẹp lại. Phương pháp của tôi tuy chưa được kiểm chứng, cũng không phải phương pháp chính thống, nhưng lại hiệu quả. Rommel đặc biệt hứng thú với câu chuyện và cả sự quan tâm của tôi.
Nhưng nhiều tuần qua đi mà Rommel vẫn không đọc được. Tôi nhắc nhở cậu phải nghiêm túc hơn nữa, nhưng Rommel tỏ ra chống đối và bỏ học. Đây cũng không phải là lần đầu tiên. Một tuần, cậu trở lại trường cùng mẹ – bà Zalonda Sales.
Florine Bruton, người trợ lý đầy nhiệt huyết của hiệu trưởng, và tôi lần lượt cho Rommel những lời khuyên quen thuộc như phải tập kiềm chế bởi tranh cãi chẳng thể giải quyết được vấn đề, thay vào đó hãy nhờ giáo viên giúp đỡ v.v...
Tôi không khỏi xúc động khi bắt gặp ánh mắt của bà Sales dõi theo cậu con trai. Rommel cúi đầu xuống. Mẹ cậu bé suýt khóc, bà nói:
- Rommel, nếu con chịu khó lắng nghe lời thầy, con sẽ đọc được mà. Hãy chú ý những lời chỉ bảo của thầy Currie, con nhé.
Tôi không muốn nói với bà Sales sự thật, rằng vấn đề không nằm ở con trai bà mà nằm ở chúng tôi, những giáo viên lẽ ra phải dạy cho Rommel cách đọc. Và lỗi cũng ở người quản lý nhà trường khi đã cho Rommel lên tới lớp 4 trong khi cậu bé vẫn chưa biết đọc. Tất cả chúng tôi đã làm hại cậu bé gầy yếu này, để đến bây giờ, những gì cậu nhận được chỉ là sự tự ti.
Năm học gần kết thúc, tôi cũng đã đọc xong cuốn Harry Potter và Phòng chứa bí mật cho Rommel nghe. Cậu bé hỏi mượn trang 341. Yêu cầu đó khiến tôi rất ngạc nhiên. “Không đâu, Rommel, thậm chí em còn không thể...”. May thay, tôi đã kịp ngừng lại trước khi khía vào nỗi đau vốn ăn sâu trong cậu bé.
- Rommel, đây là cuốn duy nhất của thầy…
Cuối cùng, sau khi nài nỉ mà vẫn không được, Rommel trở về chỗ ngồi rồi lấy ra một tờ giấy vẽ.
Cuối ngày, tôi về nhà, cởi bỏ giày, xoa bóp đôi chân mỏi nhừ và nhìn quanh căn hộ nhỏ bé của mình. Sách được xếp chồng chất trên giá. Với tôi, sách luôn là một đam mê to lớn. Tôi xỏ lại đôi giày, đi bộ ra cửa tiệm sách và mua cuốn băng cát sét Harry Potter và Phòng chứa bí mật. Ngày hôm sau, khi tôi trao cho Rommel cuộn băng, đôi mắt cậu bé lộ rõ vẻ ngạc nhiên.
- Hãy giữ lấy nó, Rommel. Nó là của em đấy!
- Dạ, em cảm ơn thầy, thầy Currie. – Rommel hào hứng đón nhận cuộn băng.
Cậu bé khoác chiếc ba lô lên vai, vô tình chiếc ba lô bị móc vào bàn. Hàng chục bức họa trên giấy bung ra ngoài. Cậu bé ôm chúng bỏ vào thùng rác. Thật lãng phí, không phải lãng phí giấy, mà lãng phí một năm học chữ.
Đêm đó, tôi quyết định “Mình sẽ dạy Rommel đọc sách” .
Tôi đến gặp người bạn đồng nghiệp Bruton của mình nhờ giúp đỡ, cô đã cho tôi mượn một căn phòng nhỏ, trước kia vốn là phòng tập nhạc, để làm phòng học. Tôi ôm hôn cô Bruton và cô chúc tôi may mắn với quyết tâm giúp đỡ Rommel khắc phục việc đọc.
Mỗi tuần, tôi và Rommel sẽ dành ra 9 giờ cho việc học. Trong thời gian này, tôi không dạy bất cứ học sinh nào khác và tôi chấp nhận làm việc không lương. Điều này chẳng thành vấn đề, bởi công việc bồi bàn mới của tôi vào các buổi tối có thể mang lại số tiền còn cao hơn cả tiền lương dạy học.
Ngày mồng 4 tháng 9 năm 2001, lần đầu tiên Rommel và tôi ngồi trong phòng học nhỏ đó.
- Hoan nghênh vì sự có mặt trong Dự án dạy đọc Douglass. – Giọng tôi hài hước.
Tôi đã lấy tên ông Frederick Douglass(*) để đặt tên cho thử thách này. Ông là một nhà văn lớn kiêm chính trị gia quyền lực, người cũng giống Rommel, được sinh trưởng tại đây và thời trẻ ông cũng từng gặp rất nhiều khó khăn trong việc đọc.
*. Frederick Douglass (1818 – 1895): một người theo chủ nghĩa bãi nô, người tán thành việc mở rộng quyền bầu cử cho phụ nữ. Ông còn là một biên tập viên, nhà hùng biện, chính khách và người đưa ra chủ trương cải cách ở Mỹ.
Tôi lấy ra một cuốn sách tập đọc.
- Được rồi, chúng ta bắt đầu học thôi.
Rommel không biết cách phát âm các chữ cái, vì thế chúng tôi bắt đầu với chữ cái “A”.
Mỗi tuần, chúng tôi học một nguyên âm và một phụ âm. Rommel tự nghĩ ra cách để ghi nhớ. Với mỗi âm mới, cậu sáng tạo ra một nhân vật.
Alex - kẻ dùng rìu màu xanh .
Iggy - con cự đà ngốc nghếch.
Oscar - con bạch tuộc.
Dingo - con chó.
...
Cậu vẽ tranh về những nhân vật này và dán chúng khắp tường của lớp học. Khi quên một âm, cậu lại liếc nhìn tường. Dần dần, cậu học cách nối những âm này thành từ.
Nhiều tuần sau, Rommel cùng tôi tới văn phòng của cô Bruton, ở đó rất đông học sinh.
- Các em, tập trung một lúc nhé. – Cô ấy nói.
Rommel đứng bên cạnh cô ấy, cậu bé hắng giọng rồi mở cuốn The Foot Book của Giáo sư Seuss. Chẳng khác gì vị bộ trưởng uy nghiêm, cậu trịnh trọng đọc từng chữ trong đó.
Suốt một tuần trước đó, Rommel đã chuẩn bị rất kỹ cho cuộc gặp gỡ với cô Bruton. Khi cậu bé đọc xong, cô Bruton đã ôm lấy cậu và nói:
- Cô rất tự hào về em.
Rommel tỏ ra bình thản như thể đó chẳng phải việc gì lớn lao. Sau đó, cô Bruton nói tiếp:
- Cô sẽ gọi điện cho mẹ em và kể cho mẹ em nghe về thành tích ngày hôm nay.
Đến lúc này thì Rommel không thể kìm nén thêm nữa, gương mặt cậu rạng rỡ chưa từng thấy.
Khi kỳ nghỉ tới gần, việc luyện đọc của Rommel tiến triển với tốc độ bất ngờ. Chúng tôi chìm ngập trong từ, âm và các câu chuyện, Rommel tiếp thu tất cả như một người bị bỏ đói lâu ngày mới kiếm được miếng ăn.
Nhưng sau tất cả các phương pháp luyện đọc, tôi đã quên một điều không kém phần quan trọng: viết. Tôi yêu cầu Rommel phải hoàn thành một bài viết sau kỳ nghỉ Giáng sinh và nói với cậu bé rằng chúng tôi sẽ bắt đầu mỗi buổi học bằng cách viết về kỳ nghỉ.
Trong bài viết của Rommel, câu đầu tiên do chính tay cậu bé viết là “Em thích pa tê” . Tới khi đi học trở lại sau kỳ nghỉ mùa xuân, cậu bé hoan hỉ khoe với tôi rằng cậu đang đọc Harry Potter và tên tù nhân ngục Azkaban– cuốn thứ ba trong loạt truyện Harry Potter. Tôi yêu cầu cậu viết về những gì đọc được.
“Trong chương hai, Harry đã quyết định bỏ nhà ra đi. Cậu lựa chọn ra đi vì cậu đã hất tung dì Marge. Kết quả là cậu gặp Fudge và họ đã nói chuyện. Theo em, Harry đã có quyết định sáng suốt vì nếu ở lại, cậu chắc chắn sẽ gặp rắc rối.”
Trong một thời gian dài, tôi luôn cho rằng lỗi là do Rommel chưa chịu cố gắng học đọc vì cơ hội để học tốt ở trường là không thiếu. Nhưng thực tế thì chẳng ai trong chúng tôi hiểu được niềm khát khao mong mỏi được đọc viết bình thường như các bạn của cậu bé. Không phải Rommel không biết đọc, mà đơn giản vì chúng tôi đã chưa dạy cho cậu đủ tận tình.
Người thầy là một nghệ sĩ vĩ đại, và chỉ có một số ít nghệ sĩ vĩ đại như vậy.
Dạy học là nghệ thuật vĩ đại nhất trong số các nghệ thuật vì sản phẩm của nó là trí óc và tinh thần của con người.
- John Steinbeck