C
ậu bé là học trò lớp ba trong lớp học đầu tiên tôi đảm nhiệm tại trường Saint Mary, vùng Morris, thuộc bang Minnesota. Tất cả 34 cô cậu học trò đều rất thân thiện với tôi, chỉ riêng Mark Eklund là một ngoại lệ. Cậu có vẻ ngoài gọn gàng, sáng sủa, nhưng thái độ sống “vui là chính” thỉnh thoảng khiến cậu bị cuốn hút vào những trò nghịch ngợm.
Mark chẳng bao giờ chịu im lặng quá 5 phút, cậu nói luôn miệng, bất kể đang ở trong hoàn cảnh nào. Tôi phải nhắc đi nhắc lại với cậu rằng nói chuyện trong lớp học khi chưa được phép là không thể chấp nhận. Và điều khiến tôi ấn tượng nhất là mỗi lần tôi điều chỉnh hành vi của cậu, cậu đều nói “Cảm ơn cô đã sửa sai cho em”. Thoạt đầu tôi hơi bối rối với kiểu trả lời ấy, nhưng không lâu sau tôi bắt đầu quen dần với câu trả lời ngộ nghĩnh của Mark.
Một sáng kia, lòng kiên nhẫn của tôi với cậu bé không còn nữa khi cậu cứ hết lần này đến lần khác phạm lỗi, vậy là tôi đã phạm phải lỗi lầm của một giáo viên mới vào nghề. Tôi nhìn thẳng vào Mark và tuyên bố:
- Nếu em còn nói thêm một lời nào nữa cô sẽ dán miệng em lại.
Rồi chưa đầy 10 giây sau, Chuck kêu lên:
- Mark lại nói chuyện nữa, thưa cô.
Tôi không yêu cầu học sinh nào trong lớp giúp tôi trông chừng Mark, nhưng vì tôi đã tuyên bố hình phạt trước cả lớp, tôi phải thực hiện nó.
Đến giờ tôi vẫn còn nhớ rõ khung cảnh của buổi sáng hôm ấy. Tôi bước về phía bàn giáo viên, nhẹ nhàng mở ngăn kéo, lấy ra một cuộn băng keo, không nói một lời, tôi tiến thẳng về phía bàn của Mark, xé hai mảnh băng keo rồi dán thành một chữ X to, và dán lên miệng cậu bé. Sau đó tôi quay lưng bước về phía bục giảng. Lúc tôi liếc mắt về phía Mark xem cậu bé đang làm gì, thì thấy Mark nháy mắt với tôi. Thật vậy!
Và tôi bật cười.
Cả lớp bắt đầu hoan hô khi tôi đi về phía Mark, gỡ miếng băng keo khỏi miệng cậu bé với một cái nhún vai. Câu đầu tiên cậu nói vẫn là “Cảm ơn cô đã sửa sai cho em”.
Cuối năm học đó, tôi chuyển sang dạy toán ở trường trung học. Thời gian cứ thế trôi đi, và ngoài dự tính của tôi, Mark được xếp vào lớp tôi một lần nữa. Cậu bé giờ đây điển trai hơn rất nhiều, và cũng lịch sự hơn nữa. Ở lớp chín này của tôi, cậu đã chăm chú nghe giảng bài chứ không còn nói chuyện trong lớp như năm lớp ba nữa.
Một ngày thứ sáu nọ, mọi chuyện trong lớp đột nhiên không được suôn sẻ. Cả lớp đã học tập cật lực trong suốt một tuần để làm quen với một khái niệm mới, và tôi cảm thấy bầu không khí ngột ngạt, căng thẳng trong lớp. Ai ai cũng mang vẻ mặt cau có, căng thẳng và còn bực dọc, cáu kỉnh với nhau.
Tôi nghĩ mình phải chấm dứt tình trạng ấy trước khi mọi thứ đi quá xa. Thế là tôi yêu cầu cả lớp lấy ra hai tờ giấy, viết tất cả tên các bạn học trong lớp lên đó, giữa hai cái tên phải chừa một khoảng trống. Tôi bảo cả lớp hãy nghĩ về những điều tốt đẹp nhất của tất cả các bạn của mình, sau đó viết những điều ấy ra.
Cả thời gian còn lại của buổi học được dành cho cả lớp hoàn thành “bài tập” này, và khi rời khỏi lớp, mỗi học sinh đều phải nộp lại tờ giấy cho tôi. Charlie mỉm cười, còn Mark nói “Cảm ơn cô đã dạy em. Chúc cô cuối tuần vui vẻ!”.
Tôi dành ra ngày thứ bảy để viết tên mỗi học sinh lên một tờ giấy riêng, và liệt kê tất cả những gì các học sinh khác trong lớp nhận xét về bạn mình. Đến thứ hai, tôi phát những tờ giấy đó cho cả lớp. Chỉ một chốc, những nụ cười bắt đầu tỏa ra trên gương mặt mọi thành viên trong lớp.
Tôi nghe những tiếng thì thầm:
- Thật vậy ư, tớ chưa bao giờ biết điều này sẽ có ý nghĩa với một ai đó.
- Tớ chưa từng biết rằng mình được người khác yêu mến như vậy.
Sau đó không ai nhắc lại về những tờ giấy đó trong lớp học nữa. Tôi cũng không biết học trò của mình có thảo luận với bố mẹ chúng về những tờ giấy ấy không. Nhưng không quan trọng, mục tiêu của bài tập đã hoàn thành, học trò của tôi đã cảm thấy vui vẻ với chính mình và với bạn bè trở lại.
Rồi lớp học trò ấy cũng đi qua.
Nhiều năm sau, khi tôi từ một kỳ nghỉ trở về, bố mẹ đón tôi ở sân bay. Khi chúng tôi lái xe về nhà, mẹ hỏi tôi về chuyến đi, về thời tiết, về những trải nghiệm của tôi. Cuộc trò chuyện đột nhiên rơi vào khoảng lặng, mẹ liếc mắt nhìn bố và gợi ý:
- Bố nó à?
Bố tôi hắng giọng như ông vẫn thường làm mỗi khi sắp nói điều gì quan trọng.
- Gia đình Eklund đã gọi điện cho bố tối qua. – Bố tôi nói.
- Thật ư? Con chưa nghe tin tức gì của họ trong nhiều năm rồi. Không biết bây giờ Mark ra sao?
Bố tôi trầm lặng đáp:
- Mark đã hy sinh trên chiến trường, tang lễ được tổ chức ngày mai. Bố mẹ cậu ấy hy vọng con sẽ có mặt ở đó.
Cho đến bây giờ tôi vẫn nhớ như in cột mốc I-494 trên quốc lộ, nơi bố nói với tôi về sự ra đi của Mark.
Trước đó, tôi chưa từng nhìn thấy một quân nhân nào nằm trong cỗ quan tài. Mark trông thật điển trai, thật trưởng thành. Trong giây phút đó, tất cả những gì tôi có thể nghĩ chính là “Mark, cô có thể vứt hết những mảnh băng dán trên đời này chỉ để em có thể nói chuyện với cô lần nữa”.
Bạn bè của Mark chen kín cả nhà thờ. Chị gái của Chuck cất tiếng hát, hát bài “The Battle Hymn of the Republic”.
Sao mưa lại rơi vào ngày tang lễ ấy nhỉ? Nỗi buồn đã che phủ đủ trên mộ phần rồi còn gì. Vị linh mục đọc lời cầu nguyện, đội kèn chơi một khúc nhạc tiễn biệt u buồn. Những người thân yêu của Mark, từng người, từng người một bước đến bên cỗ quan tài và vẫy nước thánh. Tôi là người cuối cùng. Một người lính đứng hộ tang bên cỗ quan tài bước đến gần tôi.
- Cô là cô giáo của Mark đúng không? – Cậu ta hỏi.
Tôi đăm đăm nhìn cỗ quan tài và gật đầu.
- Mark nhắc về cô nhiều lắm. – Cậu nói tiếp.
Sau tang lễ, bạn học cũ của Mark cùng đến nông trang nhà Chuck ăn trưa. Bố mẹ Mark cũng ở đó, có thể thấy rõ họ đang cố tình đợi tôi.
- Có thứ này chúng tôi muốn cho cô xem. – Bố cậu ấy mở lời rồi lấy từ túi áo ra một cái ví.
- Họ tìm thấy thứ này trên người thằng bé khi nó hy sinh. Chúng tôi nghĩ là cô nhận ra nó.
Ông mở ví, cẩn thận lấy ra từ đó một mảnh giấy nhàu nát, được dán băng keo, rõ ràng là đã được mở ra gấp lại rất nhiều lần. Không cần nhìn tôi cũng nhận ra đó chính là mảnh giấy tôi liệt kê tất cả những điều tốt đẹp mà bạn bè trong lớp nói về Mark.
Mẹ cậu xúc động nói:
- Cảm ơn cô vì điều đó. Như cô thấy, Mark rất trân quý nó.
Bạn học của Mark bắt đầu tụ họp lại quanh chúng tôi. Charlie ngượng ngùng nói:
- Em vẫn còn giữ mảnh giấy của mình, nó vẫn luôn nằm trên bàn làm việc của em ở nhà.
Vợ Chuck nói:
- Chuck muốn đặt mảnh giấy của anh ấy trong album ảnh cưới của chúng em.
Marilyn nói:
- Em cũng còn giữ, em đặt nó trong nhật ký của mình.
Sau đó là Vicki, một bạn học khác, lấy từ trong ví ra một mảnh giấy cũ nhàu nhĩ đưa cho mọi người xem.
- Em luôn mang theo nó bên mình. – Vicki nói, mắt không chớp. – Em nghĩ tất cả mọi người đều còn giữ tờ danh sách của mình.
Đó là lúc tôi ngồi xuống và bật khóc, tôi khóc cho Mark và cho tất cả bạn bè không còn được nhìn thấy cậu ấy lần nữa.