Ô
ng Reardon thuộc kiểu người không bao giờ muốn nghe bất kỳ điều gì không hay về con cái mình. Khi tôi vừa trình bày những gì mình nghĩ về trường hợp của con gái ông qua điện thoại, ông đã quát lên, đổ lỗi cho tôi rồi giận dữ cúp máy. Không chịu thua, tôi quyết tâm đến gặp ông ấy liền cho bằng được, bởi tôi đang rất cần sự giúp đỡ của ông. Suốt ba ngày nay, cứ đến buổi trưa, tôi đều đến tận sở nơi ông Reardon làm để tìm, nhưng ông vẫn cứ lánh mặt.
“Tìm gặp ông ta mà khó như tìm ủy viên công tố vậy! Tại sao ông ta lại không muốn gặp mình nhỉ?”, tôi thoáng bực mình.
Tôi cần phải nói rõ cho ông ấy biết rằng, đứa con gái mười tuổi của ông đang bị khủng hoảng tinh thần trầm trọng. Lẽ nào ông không quan tâm đến con mình?
Sau hơn mười năm đi dạy, tôi đã tự cho mình là một giáo viên đầy kinh nghiệm – về chuyên môn, cũng như trong việc thấu hiểu các học sinh. Cho đến khi gặp Rachel, tôi bỗng cảm thấy nghi ngờ bản thân. Có phải thật như ông Reardon nói, những vấn đề hiện tại của Rachel là do lỗi của tôi? Hay là tôi đang âu lo một cách thái quá trước những biến đổi tâm lý của lứa tuổi này? Liệu có phải tôi đã đặt quá nhiều áp lực lên cô bé không? Không, tôi đã nhìn lại tất cả và thật lòng tôi không nghĩ mọi chuyện chỉ đơn giản như vậy. Rachel chắc chắn đang gặp phải vấn đề gì đó.
Rachel có dáng người mảnh khảnh, đôi mắt xanh và trong. Em chăm chỉ và thông minh. Ngay từ những ngày đầu nhập học, Rachel đã chứng tỏ mình là học sinh giỏi nhất lớp. Cô bé nắm vững kiến thức rất nhanh, dễ dàng giải được những bài toán khó và có thể viết những bài văn với sự sáng tạo đầy say mê. Mặc dù hơi nhút nhát, nhưng Rachel cũng nhanh chóng hòa nhập với tập thể lớp. Phải nói rằng đó là một cô bé mà bất cứ ai cũng dễ dàng cảm mến.
Đến giữa năm học, Rachel bắt đầu có những thay đổi lớn. Cô bé hầu như luôn trong trạng thái lơ đễnh, mơ màng, hoặc uể oải, chán nản và không còn hứng thú học tập như trước nữa. Nếu Rachel có thể khóc lóc hay nổi cơn giận dữ để giải tỏa tâm trạng thì có lẽ tôi đã bớt lo lắng hơn, nhưng đằng này cô bé chỉ ngồi bất động hàng giờ, khoanh tay trước ngực và mím chặt môi. Nếu tôi không yêu cầu làm một bài văn hoặc đại loại như thế thì cô bé hiếm khi nào hoàn thành một bài tập cho đến hết giờ học.
Nhưng điều thực sự thôi thúc tôi trực tiếp đến tìm bố của Rachel chính là biểu hiện xa lánh mọi người trong khoảng thời gian gần đây của cô bé. Giờ giải lao, thay vì ra chơi với các bạn như trước, cô bé lại thui thủi đứng một mình. Giờ ăn trưa, Rachel cũng chỉ ngồi lặng lẽ trong góc khuất. Còn trong giờ học, khi tôi bảo học sinh chọn bạn thảo luận nhóm thì cô bé vẫn ngồi một mình, không nói chuyện với một ai, mắt đăm chiêu hướng ra ngoài cửa sổ hoặc thẫn thờ nguệch ngoạc những đường nét ngang dọc trên quyển tập của mình.
Tôi sốt ruột dõi theo Rachel và không tài nào hiểu nổi tại sao bố cô bé lại không chịu gặp tôi để trao đổi về tình trạng này. Chẳng lẽ ông ta không hề nhận thấy những biến đổi tâm lý ở con gái mình hay sao? Rõ ràng Rachel đang gặp phải vấn đề gì đó.
Còn mẹ cô bé thì sao? Tôi biết cô bé còn cả cha lẫn mẹ, và họ vẫn đang sống với nhau. Nhưng các cuộc họp phụ huynh thì chỉ có bố Rachel đi họp mà thôi, tôi chưa bao giờ gặp hay tiếp xúc với mẹ cô bé. Tôi đoan chắc rằng sự thay đổi khác lạ ở Rachel ắt hẳn có liên quan đến chuyện gia đình, nhưng chuyện trong gia đình cô bé thì làm sao mà tôi có thể can thiệp được. Bố Rachel đã tỏ rõ cho tôi thấy điều đó. Tôi chỉ nên tập trung vào nhiệm vụ dạy dỗ Rachel ở trên lớp thì hơn, ông ấy đã bảo tôi như vậy.
Mấy hôm sau, Rachel đến lớp với bộ đồ nhàu nát và mái tóc rối bù. Trên khuôn mặt nhợt nhạt và mệt mỏi của cô bé là đôi mắt lờ đờ như vừa trải qua nhiều đêm thức trắng. Thả mình xuống ghế, lấy ra một cuốn sách đặt lên bàn để làm gối, cô bé gục xuống ngủ thiếp đi.
Ba tiếng đồng hồ sau, khi cả lớp đều đã đi ăn cơm trưa, tôi nhẹ nhàng đánh thức cô bé dậy.
- Dạo này con phải thức trắng đêm để khỏi gặp ác mộng. – Cô bé dụi dụi mắt, khẽ nói.
- Con ăn một ít salad nhé? – Tôi hỏi và mở túi ra.
Cô bé quay mặt đi chỗ khác, thì thầm như đang cầu nguyện:
- Mẹ con cũng từng làm món này cho con.
- Đã từng à? Giờ thì không còn nữa sao Rachel? – Dù có phải tỏ ra thiếu tế nhị đi chăng nữa, tôi vẫn phải biết điều gì đang xảy ra với cô học trò nhỏ của mình.
Không trả lời tôi, Rachel mím chặt đôi môi. Rồi như không cầm được nữa, đôi vai nhỏ bé run lên, cô bé ôm mặt khóc nức nở:
- Mẹ không còn làm được gì nữa hết. Mẹ... Mẹ...
- Mẹ con đi vắng ư? Hay là bị bệnh? – Tôi gặng hỏi.
- Ý con là...! Không, con không thể nói cho cô được. Không phải là con muốn giấu cô, nhưng con đã hứa với bố rồi. Bố bắt con phải hứa là không nói cho bất cứ một ai hết. Con không thể thất hứa được, đúng không cô?
Ánh mắt đẫm lệ của cô bé ngước nhìn tôi – ánh mắt của một tâm hồn đang trong cơn tuyệt vọng.
Cố gắng giữ bình tĩnh, tôi đưa khăn cho Rachel lau nước mắt, lòng bối rối tự hỏi mình sẽ phải làm gì đây để giúp nhẹ bớt gánh nặng có lẽ rất kinh khủng đang đè lên đôi vai bé nhỏ của cô học trò này.
Tôi đứng đối diện cô bé, hơi nghiêng mình như vẫn thường làm mỗi khi bắt đầu giao đề bài viết cho học sinh, tôi mở đầu bằng câu “Ngày xửa ngày xưa...”.
Ngay lập tức, Rachel ngồi thẳng người lên, nhìn tôi với ánh mắt hăng hái quen thuộc. “Ngày xửa ngày xưa...”, cô bé lặp lại lời tôi, tay với lấy cây bút chì.
Chưa đầy nửa giờ đồng hồ sau, tôi đã cầm trên tay bài viết mới của Rachel.
“Ngày xửa ngày xưa, tại xứ sở Huyền bí, có một cô Công chúa nhỏ sống cùng Vua cha và Hoàng hậu. Mặc dù sống trong cảnh xa hoa, giàu có nhưng cả Công chúa lẫn Đức vua đều buồn bã. Hoàng hậu rất yếu, căn bệnh của bà kéo dài dai dẳng, chữa thế nào cũng không dứt được. Khi Công chúa vừa học xong tiểu học cũng là lúc bệnh tình của Hoàng hậu trở nặng. Bà được đưa vào bệnh viện hoàng gia để chăm sóc và chữa trị đặc biệt. Nhưng mọi công sức của các ngự y tài giỏi nơi đây đều trở nên vô ích vì bệnh tình của Hoàng hậu liên quan trực tiếp đến những thương tổn thần kinh. Các phương thuốc chữa trị thông thường không thể nào làm cho bà khỏe lên được.
Một ngày nọ, ngự y đưa bà trở về thăm cung điện. Vị quan ngự y nghĩ rằng Hoàng hậu sẽ khỏe hơn nếu bà được gặp lại đứa con gái và người chồng thương yêu của mình. Nhưng điều đó chỉ khiến cho hoàng gia trở nên rối loạn hơn, vì một lần nọ, trong một phút lơ là của mọi người, Hoàng hậu đã uống thuốc quá liều và suýt vĩnh viễn ra đi.
Tất nhiên sau đó Hoàng hậu phải quay trở lại bệnh viện. Đức vua đau buồn hơn bao giờ hết, bởi hy vọng chữa lành bệnh cho người vợ hiền trong ông đã dần lụi tàn. Ông đau buồn đến nỗi hầu như quên mất rằng mình vẫn còn một cô con gái. Ông không còn ngó ngàng gì đến cô Công chúa bé bỏng ‘luôn sợ hãi mọi thứ’ của mình nữa – thậm chí, ông còn dọa sẽ nhốt cô vào ngục tối nếu như cô tiết lộ cho bất cứ ai về bệnh tình của Mẫu hậu.
Kể từ đó, Công chúa nhỏ như tự giam mình trong một cuộc sống bế tắc, tràn ngập nỗi sợ hãi vì cô biết rằng cô sẽ không bao giờ có thể có được một cuộc sống hạnh phúc.”
Câu chuyện của Rachel khiến tôi bàng hoàng. Đã bao năm qua, vậy mà nhà trường vẫn không hề hay biết về bệnh tình của mẹ em. Tôi cứ ngỡ rằng mình đã quan tâm rất sâu sát đến các em học trò của mình, ấy vậy mà tôi vẫn không hiểu chút gì về hoàn cảnh gia đình Rachel ngoài những dòng ghi trên học bạ. Căn bệnh tâm thần của mẹ Rachel cùng với việc bà suýt chết vừa qua đã ảnh hưởng sâu sắc đến tâm lý cũng như suy nghĩ non nớt của cô bé. Nỗi đau này có thể nói đã vượt quá sức chịu đựng của một đứa trẻ. Nhưng ông Reardon vì quá đau buồn nên đã không thể làm chỗ dựa cho đứa con tội nghiệp. Ông đã quá cứng nhắc và cố chấp trong việc buộc con gái thực hiện lời hứa chôn chặt nỗi đau trong lòng nên càng khiến cô bé thêm khổ sở...
Cuối cùng thì bố Rachel cũng miễn cưỡng chịu gặp riêng tôi. Tôi trao cho ông bài viết của Rachel và bảo rằng trong đó chứa đựng chính câu chuyện của đứa con gái bé bỏng tội nghiệp của ông. Biết Rachel đã kể cho tôi, ông tỏ ra rất tức giận và kiên quyết nói rằng sẽ không tha thứ cho cô bé. Nhưng khi đọc xong những dòng chữ trẻ thơ đầy đau buồn của con gái, ông đã không cầm được nước mắt.
Ông bàng hoàng nhận ra bản thân đã quá thờ ơ với chính đứa con thân yêu của mình, rằng những chuyện xảy ra với gia đình cùng với lối cư xử của ông đã ảnh hưởng rất lớn đến Rachel. Đáng ra cô bé phải được nâng niu bảo bọc, vì nó thật sự là viên ngọc quý của ông. Vậy mà ông đã quên đứa con gái bé bỏng đáng thương của mình, bỏ mặc con với những nỗi đau quá sức chịu đựng của nó.
Mẹ Rachel vẫn phải nằm viện với rất ít hy vọng hồi phục, nhưng giờ đây bố con Rachel đã tìm thấy được sự cân bằng trong tâm hồn, không còn dằn vặt, oán trách về những bất hạnh đã ập xuống gia đình. Họ cũng hiểu ra rằng để có thể vượt lên nỗi đau, họ cần phải sống tốt và mang lại tình yêu thương cho nhau.
“Người thầy cần phải có kiến thức, có hiểu biết sư phạm về quy luật xã hội, có khả năng dùng lời nói để tác động đến tâm hồn học sinh.
Người thầy cũng cần có kỹ năng nhìn nhận con người và cảm nhận được những rung động tinh tế nhất trong trái tim mỗi người.”
- Xukhomlinxki