Các kĩ năng ghi nhớ trong phương pháp kiểm soát tâm trí có thể giúp bạn giảm việc sử dụng danh bạ điện thoại và gây ấn tượng mạnh với bạn bè. Có lẽ một số học viên tốt nghiệp khóa kiểm soát tâm trí sử dụng các kĩ năng của họ để ghi nhớ số điện thoại. Còn tôi, nếu muốn tìm một số điện thoại, tôi sẽ tra cứu nó trong cuốn danh bạ. Như tôi đã nói trong chương trước, mong muốn rất quan trọng nếu bạn muốn làm một việc nào đó, nhưng mong muốn nhớ được các số điện thoại không phải là một mục tiêu cấp thiết của tôi. Giả sử mỗi lần cần số điện thoại tôi phải băng qua thị trấn mới có được nó, thì mong muốn ghi nhớ số điện thoại của tôi sẽ tăng lên. Về cơ bản, việc sử dụng các kĩ thuật kiểm soát tâm trí cho những việc vụn vặt không đáng, thường không có ích cho việc ghi nhớ.
Có bao nhiêu người trong chúng ta có trí nhớ hiệu quả như mong muốn? Bạn có thể tiến bộ theo những cách không ngờ tới nếu bạn đã nắm vững các kĩ thuật được mô tả trong hai chương trước. Khả năng mới của bạn trong việc hình dung và tái dựng các sự kiện trong quá khứ khi bạn ở trạng thái Alpha nhất định sẽ chuyển sang giai đoạn Beta. Vì vậy, không cần quá nhiều nỗ lực, tâm trí bạn có thể hoạt động theo những cách mới. Tuy nhiên, vẫn còn chỗ để cải thiện.
Trong các lớp học kiểm soát tâm trí, chúng ta có một bài tập thực hành đặc biệt. Trong bài tập này huấn luyện viên sẽ viết ra những con số từ 1 đến 30 trên bảng đen, rồi học viên xướng tên của các đồ vật: quả cầu tuyết, giày trượt pa-tanh, nút bịt tai chống ồn… bất cứ cái gì xuất hiện trong tâm trí của họ. Huấn luyện viên sẽ viết mỗi từ tương ứng với một con số, sau đó quay lưng lại vế phía bảng đen và đọc chúng theo thứ tự. Tiếp đó, học viên đọc bất cứ từ nào và huấn luyện viên sẽ đọc con số tương ứng lên.
Đây không phải là một trò giải trí trong phòng khách mà là một buổi học về hình dung. Huấn luyện viên gán cho mỗi từ một con số và ghi nhớ các cặp đó. Do đó, mỗi số gợi lên một hình ảnh trực quan về đồ vật tương ứng với nó. Tôi gọi những hình ảnh này là những chốt ghi nhớ. Khi một học viên đọc một từ, huấn luyện viên liên kết nó theo một cách nào đó có ý nghĩa với một số tương ứng. Chốt ghi nhớ cho số 10 là ngón chân. Nếu một học viên đưa ra “quả cầu tuyết” là từ thứ 10, thì hình ảnh phản chiếu có thể là quả cầu tuyết trên ngón chân của bạn. Điều này không khó đối với một tâm trí đã quen hình dung.
Ở trạng thái nhập thiền cấp độ Alpha, học viên bắt đầu luyện tập với các chốt ghi nhớ, thông qua hướng dẫn của huấn luyện viên, chậm rãi lặp lại chúng. Sau đó, họ thực hiện việc ghi nhớ trong trạng thái tỉnh táo Beta. Công việc sẽ dễ dàng hơn vì các từ này có vẻ đã quen thuộc.
Tôi phải bỏ qua, không nói sâu hơn về chốt ghi nhớ vì cần rất nhiều thời gian và không gian để học chúng. Và nữa, bạn đã có một công cụ mạnh mẽ để cải thiện cùng một lúc khả năng hình dung và ghi nhớ của bạn: màn hình tâm trí.
Bất cứ điều gì bạn tin là bạn đã quên đều liên đới với một sự kiện. Nếu nó là một cái tên, sự kiện là thời điểm bạn nghe hoặc đọc nó. Tất cả những gì bạn phải làm, khi đã học được cách vận hành màn hình tâm trí, là hình dung ra một sự kiện trong quá khứ mà bạn tin là mình đã quên, và thứ bạn quên sẽ ở đó. Một sự kiện bạn tin là bạn đã quên, nhưng thực tế bạn không hề quên nó, chỉ đơn giản là bạn không triệu hồi được nó. Ở đây có một sự khác biệt lớn.
Thế giới quảng cáo cho chúng ta một minh họa quen thuộc của sự khác biệt giữa kí ức và sự triệu hồi này. Chúng ta đều xem quảng cáo trên ti-vi. Có rất nhiều quảng cáo, chúng đều rất ngắn. Nếu được yêu cầu liệt kê 5 hoặc 10 quảng cáo đã xem trong tuần qua, thì chúng ta sẽ chỉ có khả năng kể ra nhiều nhất 3 - 4 quảng cáo.
Một trong những mấu chốt mà quảng cáo có thể tạo ra doanh số là vì khi xem quảng cáo chúng ta đã ghi nhớ và lưu hình ảnh sản phẩm trong não, dù không ý thức được điều đó.
Sẽ rất đáng ngờ nếu tuyên bố rằng chúng ta thực sự quên một điều gì đó. Bộ não của chúng ta lưu trữ hình ảnh tất cả các sự kiện hằng ngày, dù là nhỏ nhặt nhất. Hình ảnh càng sống động và càng quan trọng đối với chúng ta, chúng ta càng dễ nhớ lại, càng dễ triệu hồi nó.
Một điện cực chạm nhẹ vào phần não trong quá trình phẫu thuật có thể kích hoạt một sự kiện bị “lãng quên” từ lâu với tất cả các chi tiết của nó, sống động đến mức như người bệnh thực sự đang trải nghiệm lại âm thanh, mùi hương và cảnh huống đấy. Tất nhiên, ở đây điện cực chạm vào não bộ, không chạm vào tâm trí. Cảm nhận của bệnh nhân có lẽ rất thực, giống như những đoạn phim hồi tưởng do bộ não cung cấp, thế nhưng anh ta biết rằng anh ta không thực sự đang sống lại quá khứ. Đây chỉ là tâm trí của anh đang hoạt động như một người quan sát, mộ người thông dịch và không có điện cực nào chạm vào nó. Không giống như chóp mũi của chúng ta, tâm trí không tồn tại ở một nơi cụ thể.
Trở về với trí nhớ. Ở một nơi nào đó cách chỗ bạn đang ngồi hàng ngàn dặm, một chiếc lá đang rơi xuống từ một cái cây. Bạn sẽ nhớ hoặc không nhớ lại sự kiện này bởi vì bạn không trải qua nó, và nó không quan trọng đối với bạn. Tuy nhiên, bộ não của chúng ta ghi lại nhiều sự kiện hơn những gì chúng ta ý thức được.
Trong lúc bạn ngồi đọc cuốn sách này, bạn đang trải qua hàng ngàn trải nghiệm mà bạn không nhận ra do không nhận ra. Ở mức độ tập trung của bạn hiện nay, bạn không ý thức được chúng. Những âm thanh, mùi vị, tầm nhìn tại góc mắt, một chút cảm giác không thoải mái với chiếc giày quá chật, cảm nhận chiếc ghế bạn đang ngồi, nhiệt độ trong phòng,... dường như không có điểm dừng cho những điều bạn không thể thấy biết. Chúng ta ghi nhận những cảm xúc, cảm giác này nhưng không ý thức được về sự tồn tại của chúng trong tâm trí. Điều này nghe có vẻ mâu thuẫn, nhưng bạn sẽ hiểu khi xem xét trường hợp một phụ nữ bị gây mê toàn thân.
Trong quá trình mang thai, giữa người phụ nữ này và bác sĩ sản khoa của cô ấy đã phát triển một mối liên kết tuyệt vời. Họ có một tình bạn và một sự lệ thuộc. Đến lúc sinh con, cô ấy được gây mê theo đúng lộ trình và sinh ra một em bé khỏe mạnh. Sau đó, khi vị bác sĩ gặp lại cô ấy tại phòng bệnh, cô ấy tỏ ra xa cách lạ lùng, thậm chí là thù địch tới anh ấy. Cả cô ấy và vị bác sĩ đều không biết nguyên do khiến cô ấy thay đổi thái độ, cả hai đều mong muốn tìm ra một lời giải thích. Họ quyết định thực hiện thôi miên, để tìm ra những kí ức bị ẩn đi có thể giải thích cho sự thay đổi đột ngột của cô ấy.
Bằng cách thôi miên, cô ấy được dẫn dắt ngược thời gian, từ trải nghiệm gần nhất cùng vị bác sĩ, đến những sự kiện xa hơn, nhưng họ không cần phải đào sâu vào quá khứ. Khi bị thôi miên sâu, cô ấy đã nhớ lại mọi điều vị bác sĩ và các y tá nói với nhau trong khoảng thời gian cô ấy “mất ý thức” trong phòng đẻ. Trước mặt bệnh nhân đã gây mê, các bác sĩ và y tá không “giữ mồm giữ miệng”, câu chuyện của họ lúc thì hài hước, lúc khác họ tỏ ra khó chịu trước sự chậm chạp của ca sinh nở. Cô ấy cảm thấy mình bị coi như một con vật, không phải con người, không ai quan tâm đến cảm xúc của cô lúc này. Hẳn họ nghĩ là cô ấy đang bất tỉnh, không có ý thức?
Rõ ràng, trong tình huống này, khi ở trạng thái bất tỉnh không ý thức, phần vô thức vẫn ghi nhận những điều xảy ra xung quanh. Chúng ta có thể hoặc không thể hồi tưởng lại những điều chúng ta trải qua, nhưng chúng ta luôn đang trải nghiệm và tất cả những trải nghiệm đều in dấu những kí ức vào não bộ của chúng ta.
Điều này có nghĩa là với kĩ năng ghi nhớ mà bạn chuẩn bị học, bạn sẽ có khả năng nhớ lại nội dung trang sách bạn đang đọc là trang số bao nhiêu sau 10 năm nữa? Bạn có lẽ không cố gắng để ý đến nó, nhưng nó ở trong tâm trí của bạn. Để nói rằng, bạn đã nhìn thấy trang sách tại góc mắt của mình. Có thể là như thế, nhưng có thể không. Điều này không và có lẽ không bao giờ là quan trọng đối với bạn.
Liệu bạn có thể triệu hồi tên của một người rất hấp dẫn mà bạn đã gặp tại bữa tối tuần trước không? Lần đầu bạn nghe thấy cái tên đó, thì việc nghe thấy nó là một sự kiện. Bạn chỉ cần tái dựng lại sự kiện xung quanh liên quan tới cái tên đó trên màn hình tâm trí của mình, như tôi đã giải thích, và bạn sẽ nghe thấy cái tên đó lần nữa. Hãy thư giãn, nhập thiền, tạo ra màn hình và trải nghiệm sự kiện. Điều này cần khoảng 15 - 20 phút. Nhưng chúng ta còn một cách khác, một phương pháp khẩn cấp sẽ đưa bạn ngay lập tức đến một cấp độ của tâm trí, nơi bạn sẽ triệu hồi thông tin dễ hơn.
Phương pháp này liên quan đến một cơ chế kích hoạt đơn giản, khi bạn thường xuyên sử dụng nó, sẽ giúp bạn cải thiện trí nhớ. Việc biến phương pháp này thành một cơ chế hoạt động trong bạn đòi hỏi vài buổi thiền để nội hóa quy trình một cách chu toàn. Đơn giản là thế này: Hãy chạm ngón tay cái vào đầu ngón trỏ và ngón giữa ở cả hai tay (chụm ba ngón tay vào nhau), và khi ấy trí não của bạn sẽ ngay lập tức điều chỉnh về một cấp độ sâu hơn. Thử làm nó ngay bây giờ và sẽ không có gì xảy ra, vì cơ chế kích hoạt chưa được hình thành. Để tạo thành cơ chế đó, hãy đi đến cấp độ nhập thiền của bạn và nói với bản thân (nói thầm hoặc nói to): “Bất cứ khi nào tôi chạm những ngón tay của tôi lại thế này, vì một mục đích nghiêm túc tôi sẽ ngay lập tức chạm đến cấp độ này trong tâm trí để đạt được điều tôi muốn.” Vừa nói vừa chụm ba ngón tay vào nhau.
Làm điều này trong khoảng một tuần, luôn luôn sử dụng các từ đã chọn. Sẽ sớm có một mối liên hệ chắc chắn trong tâm trí bạn giữa việc kết hợp ngón cái và hai ngón tay đầu trên bàn tay với việc đạt đến mức thiền hiệu quả. Rồi một ngày rất gần, bạn thử triệu hồi một điều gì đó trong tâm trí, tên của ai đó chẳng hạn, nhưng cái tên đó không xuất hiện. Bạn càng cố gắng bao nhiêu, thì cái tên lại càng cứng đầu bấy nhiêu, từ chối xuất hiện. Khi đó, ý chí của bạn không chỉ vô dụng, mà còn là một cản trở. Giờ hãy thư giãn. Hãy nhận ra rằng bạn vẫn còn nhớ cái tên đó ở đâu đó và rằng bạn có cách để kích hoạt việc triệu hồi nó.
Một giáo viên lớp bốn tại Denver sử dụng màn hình tâm trí và kĩ thuật ba ngón tay để dạy đánh vần. Cô ấy dạy khoảng 20 từ một tuần. Để kiểm tra các học sinh, thay vì nói từng từ một và hỏi cách đánh vần chuẩn xác, cô ấy yêu cầu học sinh viết ra giấy tất cả các từ chúng đã học. Chúng nhớ những từ này và cách đánh vần khi ba ngón tay của chúng chạm vào nhau, nhìn thấy các chữ xuất hiện trên màn hình tâm trí. Cô ấy nói: “Những em chậm hơn, mất khoảng 15 phút với bài kiểm tra này.”
Sử dụng cùng kĩ thuật ba ngón tay, cô ấy dạy các học sinh lớp bốn ghi nhớ bảng tính nhân đến phép nhân với 12 trước khi đến tháng Mười một, mà thường thì phải mất cả năm học mới làm được điều này.
Tim Master làm nghề lái taxi, đồng thời là sinh viên đại học, tôi đã nhắc đến ở chương trước, anh hay gặp phải những hành khách muốn đi đến những địa điểm anh không thường lui tới. Do đó, anh không nhớ rõ đường đi đến những địa điểm này. Không phải hành khách nào đang vội cũng thông cảm nếu anh thực hiện nhập thiền trước khi khởi hành. Nhưng với kĩ thuật ba ngón tay chạm vào nhau, anh ấy “làm sống lại” lần cuối anh lái xe đến đó rất nhanh chóng.
Trước khi tham gia khóa kiểm soát tâm trí, điểm số của Tim tại Viện công nghệ New York chỉ có một điểm A và còn lại toàn B. Anh ấy chia sẻ: “Bây giờ tôi là một sinh viên với một điểm B và còn lại toàn là A.” Anh ấy sử dụng phương pháp học tốc hành trong khi nghiên cứu tài liệu (bạn sẽ học về điều này ở chương tiếp theo) và anh ấy làm bài kiểm tra với kĩ thuật ba ngón tay chạm vào nhau.
Còn có những cách dùng khác với kĩ năng ba ngón tay này, tôi sẽ giới thiệu về chúng sau. Chúng ta sử dụng kĩ thuật này theo một số cách khác thường. Kĩ thuật ba ngón tay cũng được sử dụng với các bộ môn thiền khác trong nhiều thế kỉ. Lần tới, bạn sẽ thấy một bức tranh hay một bức tượng điêu khắc của một người phương Đông. Anh ấy đang tập yoga ở tư thế ngồi bắt chéo chân, hãy chú ý rằng ba ngón tay của anh ấy cũng chạm vào nhau theo cách tương tự.