Trong chương trước, tôi đã giới thiệu cho bạn về thiền định, hay là kiểu thiền thụ động. Tôi hi vọng bạn sẽ trải nghiệm trạng thái thiền này. Thiền thụ động có thể được thực hiện theo những cách khác. Thay vì tập trung vào một hình ảnh trực quan, bạn có thể tập trung vào một âm thanh, chẳng hạn như OM hay ONE hay AMEN phát ra thành tiếng hoặc nhẩm trong đầu. Bạn có thể cảm nhận nhịp thở của mình, hoặc hướng vào một điểm tập trung năng lượng của cơ thể. Bạn có thể tận hưởng nhịp trống và điệu nhảy, hoặc nghe bản thánh ca Gregorian da diết trong khi nhìn vào màn trình diễn quen thuộc của một nghi lễ tôn giáo. Quan trọng nhất vẫn là sự tập trung của bạn, quán vào một đối tượng cụ thể sẽ giúp bạn tiến nhập vào thiền định, đạt đến sự tĩnh tại của tâm trí.
Tôi thích chọn việc đếm ngược để đưa bạn đến đó, bởi vì ban đầu việc này đòi hỏi sự tập trung, và tập trung là chìa khóa để thành công ở đây. Một khi bạn đã nhập thiền thành công với phương pháp này, tâm trí của bạn cũng nhận được tín hiệu liên kết với một kết quả thành công và quá trình này sẽ dần trở thành tự động.
Mọi kết quả thành công trong kiểm soát tâm trí đều trở thành điều mà chúng ta gọi là một điểm tham khảo. Chúng ta quay trở lại trải nghiệm điểm này một cách có ý thức hoặc vô thức, lặp lại nó và tiếp tục từ đó.
Khi đạt đến một cấp độ thiền định, đừng chỉ cố gắng duy trì trạng thái đó rồi chờ đợi điều tiếp theo xảy ra, hãy cảm nhận vẻ đẹp và sự bình yên trong đấy. Thiền định thực sự có thể giúp bạn cải thiện sức khỏe, nhưng đây là những thành tựu vô cùng khiêm tốn so với những gì nó có thể đem đến cho bạn. Hãy vượt lên trên việc thiền thụ động này, hãy huấn luyện bộ não của bạn cho những hoạt động có tổ chức và trở nên năng động hơn. Tôi tin rằng trí não của chúng ta được thiết kế để làm điều đó và kết quả sẽ làm bạn ngạc nhiên.
Tôi đưa ra quan điểm này ngay bây giờ bởi vì đây là thời điểm để chúng ta vượt ra ngoài kĩ thuật thiền thụ động mà bạn vừa đọc và bắt đầu học cách sử dụng thiền động để giải quyết một số vấn đề. Bạn sẽ thấy tại sao bài tập đơn giản là hình dung một quả táo, hoặc bất cứ thứ gì khác trên màn hình tâm trí lại quan trọng đến vậy.
Trước khi bạn đến với cấp độ nhập thiền tiếp theo, hãy nghĩ đến điều gì đó vui vẻ, những câu chuyện vui nho nhỏ cũng được, xảy ra vào hôm qua hoặc hôm nay. Hãy xem lại nó thật nhanh trong đầu của bạn, rồi bắt đầu nhập thiền, đưa sự việc đó lên màn hình tâm trí. Đâu là những điều bạn đã thấy, đã ngửi, đã nghe, đã cảm nhận tại thời điểm đó? Đừng bỏ qua chi tiết nào nhé. Bạn sẽ thấy ngạc nhiên về sự khác biệt giữa trí nhớ Beta của mình về sự việc đó và cấp độ Alpha đang gợi lại nó. Sự khác biệt là rất lớn, như giữa việc nói từ “bơi” và thực sự đi bơi vậy.
Giá trị của việc này là gì? Đầu tiên, nó là bước đệm cho một quá trình tiến đến những mục tiêu lớn hơn; và thứ hai, bản thân nó đã là hữu ích, giúp bạn nhìn nhận rõ hơn về sự việc và bản chất của sự việc này. Dưới đây là cách bạn thực hiện thiền động.
Hãy nghĩ về một vật mà bạn sở hữu, và bạn cần đi tìm thì mới thấy. Chìa khóa ô tô chẳng hạn, nó ở trong túi, trong văn phòng, hay trong xe ô tô của bạn? Nếu bạn không biết chắc, hãy bắt đầu nhập thiền, nghĩ về lần cuối cùng bạn thấy nó, rồi làm sống lại khoảnh khắc ấy. Tiếp theo, hãy quay lại hiện tại để xem nó có ở vị trí bạn đã thấy lần cuối cùng không. Nếu ai đó đã lấy nó đi, bạn có một vấn đề khác cần giải quyết, điều này đòi hỏi những kĩ thuật cao hơn nhiều.
Hãy tưởng tượng một học sinh nhớ rằng giáo viên của cậu ta dặn thứ Tư này sẽ có một bài kiểm tra, hay là thứ Tư tiếp theo nữa? Anh ta có thể giải quyết câu hỏi đó trong cấp độ Alpha của mình.
Đây là những vấn đề “quên – nhớ” điển hình hằng ngày mà kĩ thuật thiền đơn giản này có thể giải quyết.
Bây giờ là lúc dành cho một bước nhảy vọt về phía trước. Chúng ta sẽ kết nối một sự kiện thực tế với một sự kiện tưởng tượng mà bạn mong muốn, và xem sự kiện tưởng tượng sẽ trở thành gì sau đó. Nếu bạn thực hiện theo một số định luật rất đơn giản, sự kiện tưởng tượng sẽ trở thành hiện thực.
Luật số 1: Bạn phải khao khát sự kiện xảy ra. “Người đầu tiên bạn thấy đi bộ trên vỉa hè vào ngày mai sẽ xì mũi” là một ý tưởng vô dụng mà tâm trí bạn sẽ bỏ qua. “Sếp của bạn sẽ dễ tính hơn và khách hàng nhất định sẽ dễ dàng tiếp nhận những gì bạn đang bán,” bạn sẽ thấy hài lòng trong một nhiệm vụ mà bạn thường thấy không hài lòng. Đây là những khía cạnh tiềm năng có thể coi là một mong muốn hợp lí.
Luật số 2: Bạn phải tin sự kiện đó sẽ xảy ra. Nếu khách hàng của bạn đã tích trữ quá nhiều sản phẩm mà bạn bán, bạn không có căn cứ nào để tin rằng anh ta sẽ muốn mua hàng. Nếu bạn không thể tin sự kiện này có thể xảy ra, tâm trí của bạn sẽ hoạt động để chống lại sự kiện ấy.
Luật số 3: Bạn phải mong đợi sự kiện đấy diễn ra. Đây là một luật rất hay ho. Hai luật đầu tiên thì đơn giản và thụ động, luật thứ ba này khai phá một số động lực: Bạn muốn một sự kiện xảy ra, bạn tin rằng nó có thể xảy ra, nhưng vẫn không mong đợi nó diễn ra. Bạn muốn sếp của mình vui vẻ vào ngày mai, bạn biết rằng ông ấy có thể như vậy, nhưng bạn vẫn còn một khoảng cách xa so với mong đợi. Đây là nơi kiểm soát tâm trí và hình dung hiệu quả, như chúng ta sẽ thấy sau đây.
Luật số 4: Bạn không được tạo ra vấn đề. Không phải là không nên mà là không được phép. Đây là luật cơ bản, bạn phải kiểm soát tất cả. "Không phải sẽ rất tuyệt sao, nếu tôi có thể khiến ông chủ của tôi tự đưa mình vào tình huống tệ đến mức ông ấy bị sa thải, và tôi sẽ thay thế ông ta?" Khi bạn đang làm việc năng động trong trạng thái Alpha, bạn tiếp xúc với trí tuệ cao hơn, và từ quan điểm của trí tuệ cao hơn này, ý tưởng của bạn không tuyệt vời chút nào. Bạn có thể gài bẫy sếp của mình và khiến ông ta bị sa thải, nhưng bạn sẽ vẫn chỉ là bạn, ngay cả khi bạn đang trong trạng thái Beta. Trong trạng thái Alpha, tâm trí của bạn sẽ không hoạt động.
Nếu, ở cấp độ thiền định của bạn, bạn cố gắng điều chỉnh một loại trí thông minh nào đó, nhằm hỗ trợ cho một ý tưởng xấu xa, nó sẽ không có kết quả, cũng giống như cố gắng tạo một kênh radio tại một đài phát thanh vốn không tồn tại.
Một số người cho rằng tôi là một pollyanna6 về điểm này. Rất nhiều người đã cười châm chọc khi tôi nói về việc hoàn toàn không thể làm điều gì có hại trong trạng thái Alpha, nhưng cuối cùng họ cũng nhận ra sự thật là vậy. Có rất nhiều điều xấu ác trên hành tinh này, con người chúng ta gây ra những điều xấu nhiều hơn những gì ta thường chia sẻ. Hành vi này được thực hiện trong trạng thái Beta, không phải Alpha, không phải Theta và có lẽ cũng không phải Delta. Nghiên cứu của tôi đã chứng minh điều này.
6 Pollyanna là tiểu thuyết của Eleanor H. Porter, ngày nay được xem là một tác phẩm thiếu nhi kinh điển. Nhân vật chính là một người lúc nào cũng lạc quan. Ngoài ra, nguyên tắc Pollyanna cũng mô tả sự thiên lệch tiềm thức theo hướng tích cực.
Tôi không bao giờ khuyên bạn nên lãng phí thời gian, nhưng nếu bạn phải chứng minh điều này cho chính mình, hãy bắt đầu nhập thiền và thử cố gắng khiến ai đó đau đầu. Nếu bạn hình dung “sự kiện” này một cách sinh động đến mức cần thiết để một việc diễn ra, sẽ dẫn đến một trong hai kết quả: (1) Bạn, chứ không phải nạn nhân dự kiến của bạn, sẽ đau đầu, và/hoặc (2) bạn sẽ thoát khỏi trạng thái Alpha.
Điều này không trả lời cho câu hỏi rằng, phải chăng trong tâm trí bạn có hai loại tiềm năng thiện và ác riêng biệt. Sẽ có nhiều điều để nói về sau. Vào lúc này, hãy chọn một sự kiện mang tính giải pháp cho một vấn đề – sự kiện mà bạn mong muốn và tin rằng nó có thể xảy ra. Và với bài tập sau, bạn sẽ học được cách mong đợi. Dưới đây là những gì bạn cần làm:
Chọn một vấn đề thực sự mà bạn phải đối mặt, một vấn đề chưa được giải quyết. Như một minh họa, tôi ví dụ rằng sếp của bạn gần đây đã trở nên khó tính. Có 3 bước để thực hiện khi bạn nhập thiền:
Bước 1: Tại màn hình tâm trí, cẩn thận tái dựng lại một sự kiện gần đây liên quan đến vấn đề bạn đang gặp phải. Làm nó sống lại trong một khoảnh khắc;
Bước 2: Nhẹ nhàng đưa cảnh đó ra khỏi màn hình về phía bên phải. Đưa một cảnh khác vào màn hình, cảnh này sẽ diễn ra vào ngày mai: Mọi người xung quanh sếp đều vui vẻ, và sếp của bạn vừa nhận được một tin tốt. Rõ ràng là anh ta đang có tâm trạng tốt. Nếu bạn biết chính xác điều gì gây ra vấn đề, hãy hình dung ra một giải pháp có hiệu quả. Hình dung nó sống động như khi bạn đã gây ra vấn đề.
Bước 3: Giờ hãy đưa cảnh đó ra khỏi màn hình về phía bên phải và thay thay thế nó với một cảnh khác từ phía bên trái đi vào. Sếp của bạn giờ đang vui vẻ, hoàn toàn vui vẻ hết mức bạn có thể hình dung. Trải nghiệm cảnh này sống động như thể nó thực sự đã xảy ra. Dừng lại ở cảnh này một lúc, cảm nhận nó một cách trọn vẹn.
Giờ thì hãy đếm ngược từ 5, bạn thấy mình tỉnh táo và cảm thấy tốt hơn nhiều so với trước đây. Bạn có thể tự tin rằng bạn vừa sắp đặt những nguồn lực để hành động theo hướng tạo ra sự kiện mà bạn muốn.
Điều này có luôn luôn xảy ra không, không có sự khác biệt, không một sai sót? Không.
Tuy nhiên, điều bạn sẽ trải nghiệm nếu kiên trì thực hiện những bước này là: Một buổi thiền động có thể giúp bạn giải quyết vấn đề nhanh chóng và hiệu quả. Khi sự kiện xảy ra, sẽ có ai đó nói rằng chỉ là ngẫu nhiên. Nhưng nói cho cùng, sự kiện bạn chọn đã có đủ xác suất để bạn tin rằng nó có thể trở thành hiện thực. Sau đó, sự ngẫu nhiên sẽ xảy ra lần thứ hai và lần thứ ba. Những “sự trùng hợp ngẫu nhiên” chồng chất lên nhau. Nếu bạn từ bỏ các hoạt động kiểm soát tâm trí, thì không có sự ngẫu nhiên chồng chất như vậy đâu.
Còn nữa, khi bạn dần tăng kĩ năng của mình lên, bạn sẽ thấy bạn có khả năng tin và mong đợi những sự kiện mà có ít và ít hơn nữa khả năng xảy ra. Theo thời gian, càng tập luyện, các kết quả bạn đạt được sẽ ngày càng đáng kinh ngạc.
Khi bạn xử lí từng vấn đề một, hãy bắt đầu với việc làm sống lại trải nghiệm thành công tuyệt vời nhất thật nhanh chóng. Rồi một trải nghiệm thành công hơn nữa đến, hãy bỏ thành công trước đi và sử dụng trải nghiệm thành công hơn làm điểm tham chiếu. Bằng cách này, bạn sẽ trở nên “tốt hơn và tốt hơn”. Điều này có ý nghĩa đặc biệt đối với tất cả những ai đang thực hiện phương pháp kiểm soát tâm trí.
Tim Masters, một người lái taxi đồng thời là sinh viên đại học tại Fort Lee, New Jersey, sử dụng thời gian đợi có khách để thiền. Việc kinh doanh ở địa phương kém phát triển, nên anh ấy đưa một giải pháp vào màn hình tâm trí của mình: Một ai đó mang theo những chiếc vali và muốn đi đến sân bay Kennedy. “Vài lần đầu tôi thử nó… không có gì xảy ra. Rồi nó xảy ra, một người đàn ông với những chiếc vali đi Kennedy. Lần tiếp theo, tôi đưa người đàn ông này vào màn hình của mình, tôi có cảm giác rằng mọi việc đang diễn tiến thuận lợi, và rồi một người nữa đi Kennedy. Phương pháp này thực sự hiệu quả! Nó giống như một chuỗi chiến thắng không ngừng!”
Trước khi chúng ta đến với bài tập và kĩ thuật khác, hãy để tôi ghi lại một điều mà bạn hẳn thắc mắc: Tại sao chúng ta di chuyển cảnh từ bên trái sang bên phải trên màn hình tâm trí? Tôi ghi lại câu hỏi này ở đây nhưng tôi sẽ trả lời nó sau, với nhiều chi tiết hơn.
Những thí nghiệm của tôi chỉ ra rằng ở các cấp độ tâm trí càng sâu, thời gian trải nghiệm chảy từ trái sang phải. Nói cách khác, tương lai được nhận thức từ bên trái của chúng ta, quá khứ thì từ bên phải. Việc đi sâu vào chủ đề này rất hấp dẫn, nhưng có những việc khác chúng ta phải làm trước.