Tôi đã dành gần nửa thời gian của mình đi du lịch trong và ngoài nước để gặp gỡ các nhóm học viên tốt nghiệp khóa học kiểm soát tâm trí. Trong vòng một năm, tôi gặp không phải hàng trăm mà là hàng nghìn người nói về những cách thực sự tuyệt vời để tự chữa bệnh. Những chuyện như thế bây giờ với tôi là chuyện rất đỗi bình thường. Tôi nghĩ câu chuyện tuyệt vời theo một nghĩa khác. Tôi băn khoăn rất nhiều rằng mọi người không nắm bắt được hết sức mạnh của tâm trí đối với cơ thể của họ. Vì vậy, nhiều người nghĩ việc chữa lành tinh thần là kì lạ và bí truyền, nhưng điều gì có thể kì lạ và bí truyền hơn những loại thuốc kê đơn cực mạnh với những tác dụng phụ đe dọa sức khỏe? Trong tất cả kinh nghiệm của tôi về chữa lành bằng tâm linh, tôi chưa bao giờ trải qua, nhìn thấy hay nghe nói về một tác dụng phụ có hại.
Nghiên cứu y học tìm ra ngày càng nhiều mối liên hệ giữa cơ thể và trí não. Trong tất cả các nỗ lực nghiên cứu dường như không liên quan với nhau, có một sự nhất quán thú vị về các phát hiện: Tâm trí hóa ra đóng một vai trò bí ẩn mạnh mẽ.
Nếu kiểm soát tâm trí là hoàn hảo (hiện nó chưa được như vậy, chúng tôi vẫn cần nghiên cứu thêm) thì tôi tin rằng tất cả chúng ta đều có một cơ thể hoàn hảo, vào mọi lúc. Tuy nhiên, một thực tế không thể tránh né là kiến thức của chúng ta đã đầy đủ tới mức có thể dùng tâm trí để tăng cường các nguồn lực cải thiện cơ thể, giúp đầy lùi bệnh tật nhiều hơn. Ngay cả những phương pháp đơn giản của Émile Coué cũng có tác dụng. Các phương pháp kiểm soát tâm trí, bao gồm cả những phương pháp của Coué, có tác dụng thậm chí còn mạnh mẽ hơn.
Rõ ràng là, khi bạn phát triển nhiều kĩ năng hơn trong việc tự chữa lành, bạn sẽ cần ít hơn sự hiện diện của y học. Tuy nhiên, tại giai đoạn này của phát triển kiểm soát tâm trí, và tại giai đoạn bạn làm chủ những gì chúng ta đã phát triển, vẫn còn quá sớm để các bác sĩ nghỉ hưu. Điều bạn nên làm là hỏi ý kiến họ, như bạn thường làm, và nghe theo lời khuyên của họ. Điều bạn có thể làm là khiến họ ngạc nhiên với tốc độ hồi phục của mình. Một ngày nào đó họ có thể sẽ tự hỏi xem bằng con đường nào bạn đã làm được điều đó.
Nhiều người tốt nghiệp kể rằng họ sử dụng kiểm soát tâm trí trong các trường hợp khẩn cấp để giảm chảy máu và giảm đau. Bà Donald Wildowsky ở Texas trong một chuyến đi dự hội nghị với chồng. Theo thời báo Bullentin, Norwich, Connecticut, bà lặn xuống một bể bơi và bị thủng màng nhĩ.
Bà nói: “Chúng tôi cách xa các thị trấn hàng dặm đường, và tôi không muốn ông ấy phải rời buổi hội nghị giữa chừng. Vì vậy tôi tiến vào trạng thái Alpha, đặt tay lên tai, tập trung vào vùng bị đau và nói ‘Biến mất, biến mất, biến mất!’ Máu ngừng chảy ngay lập tức và nỗi đau biến mất. Cuối cùng, khi tôi gặp bác sĩ, anh ta kinh ngạc không nói lên lời.”
Nếu tự chữa lành, có sáu bước khá đơn giản để bạn thực hiện.
Đầu tiên là để bắt đầu tại trạng thái Beta, để cảm thấy bản thân mình trở thành một người đang yêu (và vì thế là người biết khoan dung tha thứ). Điều này hẳn sẽ đòi hỏi việc “dọn dẹp căn nhà tinh thần” khá kĩ lưỡng (xem Chương 8).
Thứ hai, đi đến cấp độ nhập thiền của bạn. Chỉ riêng việc này đã là một bước lớn trong quá trình tự chữa lành, bởi vì như tôi đã đề cập ngay từ ban đầu, tại cấp độ này hoạt động tiêu cực của tâm trí – tất cả những cảm giác tội lỗi và giận dữ – đều bị vô hiệu, và cơ thể sẽ được tự do để làm điều mà Tự nhiên đã thiết kế nó để làm: tự sửa chữa. Tất nhiên, nếu bạn có những cảm giác tội lỗi và giận dữ rất thật, nhưng tôi đã phát hiện ra rằng những điều đó chỉ có ở trạng thái tỉnh táo, hay cấp độ Beta, và chúng thường biến mất khi bạn thực hiện kiểm soát tâm trí.
Thứ ba, nói chuyện thầm trong óc với chính mình. Hãy biểu lộ mong muốn của bạn là có một căn nhà tinh thần được dọn dẹp sạch sẽ, cẩn thận, để sử dụng những từ tích cực, để suy nghĩ tích cực, để trở nên một người đáng yêu, biết tha thứ.
Thứ tư, hãy hình dung trong đầu căn bệnh đang làm phiền bạn đến mức nào. Sử dụng màn hình tâm trí, xem và cảm nhận căn bệnh. Bước này nên ngắn. Mục đích của nó đơn giản là để tập trung những năng lượng chữa lành của bạn đến nơi cần chúng.
Thứ năm, nhanh chóng xóa bỏ hình ảnh về bệnh tật của bạn và trải nghiệm bản thân trong tình trạng đã được chữa lành hoàn toàn. Cảm nhận sự tự do và niềm hạnh phúc của việc có một thân thể khỏe mạnh. Hãy bám lấy hình ảnh đó, nán lại ở đó, tận hưởng nó, và biết rằng bạn xứng đáng với nó. Hiện giờ trong trạng thái sức khỏe này, bạn hoàn toàn hòa điệu với những ý định của tự nhiên dành cho mình.
Thứ sáu, củng cố việc “dọn dẹp căn nhà tinh thần” của bạn một lần nữa. Kết thúc bằng việc nói với bản thân: “Mỗi ngày, về mọi mặt, tôi đang trở nên tốt hơn và tốt hơn.”
Điều này nên tốn bao nhiêu lâu và tần suất thực hiện ra sao? Theo kinh nghiệm của tôi, 15 phút là độ dài tốt nhất. Hãy thực hiện bài tập này nhiều nhất có thể, không ít hơn 1 lần/ngày. Ở đây không có chỗ cho cụm từ “nhiều quá”.
Cho phép tôi nói ngoài lề một chút. Có lẽ bạn từng nghe người ta nói rằng thiền định là một điều tuyệt vời, nhưng bạn phải cẩn thận để không bị mê hoặc vì bạn làm việc đó quá nhiều. Việc thiền quá nhiều được cho là có thể dẫn đến sự tách biệt bản thân khỏi thế giới và những mối bận tâm không lành mạnh của bản thân. Điều này có đúng hay không, tôi không biết. Người ta nhận xét như thế về các môn thiền định khác, không phải với kiểm soát tâm trí. Chúng tôi nhấn mạnh đến việc tham gia vào thế giới, không phải là rút lui khỏi nó. Không phải là trốn tránh các vấn đề thực tế hoặc bỏ qua chúng, mà là đối mặt trực tiếp và giải quyết chúng. Việc này làm bao nhiêu cũng là không thừa.
Quay trở lại việc tự chữa lành: Tiếp tục với bước một, có lẽ là không có điểm dừng ở đây. Hãy thực hành việc chữa lành trong trạng thái Beta, Alpha và Theta. Hãy sống cùng nó. Nếu bạn cảm thấy, trong ngày, mình đang trượt ra khỏi việc tự chữa lành thì hãy chụm ba ngón tay của bạn vào nhau để quay trở lại quỹ đạo ngay lập tức.
Rất nhiều trung tâm kiểm soát tâm trí của chúng tôi xuất bản các bản tin cho học viên đã tốt nghiệp. Đây là những chia sẻ của họ về những gì kiểm soát tâm trí đã giúp cho họ. Những câu chuyện về cách họ kiểm soát chứng đau đầu, hen suyễn, mệt mỏi và huyết áp cao,... quá nhiều để có thể kể hết.
Sau đây là một câu chuyện, tôi chọn nó bởi vì người viết là một bác sĩ.
Từ khi tôi khoảng 11 tuổi, tôi bắt đầu bị đau nửa đầu. Ban đầu chúng thi thoảng xuất hiện và có thể kiểm soát được. Nhưng khi tôi lớn lên, chúng trở nên tồi tệ hơn và cuối cùng tôi bị “đau đầu cụm” kéo dài ba hoặc bốn ngày, với khoảng thời gian chỉ hai ngày giữa các cơn đau. Một cơn đau nửa đầu toàn phát rất kinh hoàng… thường phát ra ở một nửa bên mặt và đầu. Tôi cảm thấy như thể mắt mình bị kéo ra khỏi hố mắt. Cơn đau giống như siết chặt và dạ dày bị đảo lộn. Cơn đau đôi khi sẽ giảm bớt bằng một loại thuốc co mạch, phải dùng khi cơn đau bắt đầu tấn công tôi. Cơn đau đầu dần dần tan đi, không có gì có thể làm dịu nó ngoại trừ thời gian. Tình trạng tệ đến mức tôi đã phải chuẩn bị chịu đựng cơn đau mỗi bốn giờ một lần và thậm chí sau đó cơn đau chỉ nhẹ bớt chứ không dứt hẳn.
Vì vậy tôi đã đến gặp một bác sĩ chuyên khoa về đau đầu. Anh ta đã tiến hành đủ các xét nghiệm để chắc rằng tôi không có bất cứ sự bất thường nào về thể chất hoặc thần kinh. Anh ta cho tôi lời khuyên và cách chữa trị. Chúng đều là những cách tôi đã đang thực hiện, và những cơn đau đầu vẫn tiếp tục.
Một trong những bệnh nhân của tôi là học viên đã tốt nghiệp khóa học kiểm soát tâm trí, và trong khoảng một năm cô ấy đã kiên trì gợi ý tôi đi cùng cô ấy đến lớp học. Tôi luôn trả lời cô ấy rằng tôi không tin vào thứ vô lí đó. Rồi một ngày tôi gặp cô ấy, lúc đó là vào khoảng ngày thứ tư liên tiếp tôi bị đau đầu và tôi hẳn nhìn rất xanh xao. Cô ấy nói, “Không phải đã đến lúc anh cần học cách kiểm soát tâm trí sao? Có một khóa mới bắt đầu vào tuần tới. Tại sao anh không đi với tôi?”
Tôi đăng kí khóa học và trung thành đi mỗi tối, chắc chắn là tôi đã không còn đau đầu trong tuần đó. Nhưng một tuần sau khi tôi kết thúc khóa học, tôi thức dậy với một cơn đau đầu khủng khiếp. Đây là cơ hội để xem liệu lập trình của tôi có hoạt động hay không. Tôi thực hiện một lượt từ bước một và đến bước cuối… không đau đầu… cảm thấy thật tuyệt. Nó đúng là phép màu! Năm giây sau, cơn đau đầu quay lại còn tệ hơn. Tôi không từ bỏ, vì vậy tôi làm lại một chu trình nữa, cơn đau đầu đã biến mất trong khoảnh khắc, rồi nó quay trở lại. Tôi phải thực hiện khoảng mười vòng, nhưng tôi tiếp tục thực hiện và không uống thuốc đau đầu. Tôi nói với bản thân rằng tôi sẽ làm được và cơn đau đầu cuối cùng cũng biến mất.
Tôi không bị đau đầu trong một thời gian. Khi nó quay lại, tôi phải thực hiện trong ba vòng cơn đau đầu mới thuyên giảm. Tôi hết đau đầu trong khoảng ba tháng sau đó, tôi thậm chí không cần dùng đến aspirin. Kể từ khi tôi dùng kiểm soát tâm trí, tôi đã không còn uống aspirin. Nó thật sự có hiệu quả!
Sau đây là một ví dụ khác, từ sơ Barbara Burns ở Detroit, Michigan. Tôi chọn ví dụ này vì sơ Barbara đã sử dụng khéo léo cơ chế kích hoạt của riêng mình.
Trong 27 năm, sơ Barbara đeo kính vì sơ bị cận thị. Khi chứng cận thị nặng hơn, kính mắt cận thị của sơ cũng được nâng số, dày thêm lên để sơ nhìn rõ ở khoảng cách xa. Trước khi thị lực của sơ được cải thiện, mắt kính là vô cùng thiết yếu. Rồi, vào tháng Bảy năm 1974, sơ quyết định sử dụng kiểm soát tâm trí. Trong khi thiền sâu, sơ nói với chính mình: “Mỗi lần tôi chớp mắt, chúng sẽ tập trung chính xác, giống như ống kính máy ảnh.” Mỗi lần thiền, sơ đều lặp lại điều này. Khoảng hai tuần sau, sơ bắt đầu sống mà không cần kính, dù sơ vẫn cần chúng để đọc. Sơ tham khảo ý kiến bác sĩ Richard W lodyga, một bác sĩ đo thị lực (đã tốt nghiệp khóa học kiểm soát tâm trí). Ông ấy đã nói với sơ rằng giác mạc của sơ hơi bị méo. Sơ Barbara đã đưa việc chỉnh sửa giác mạc vào thiền định của mình trong khoảng thời gian vài tuần trước khi bác sĩ W lodyga kiểm tra lại.
Tiếp theo đây là một phần lá thư bác sĩ Wlodyga gửi chúng tôi. Sơ Barbara đã đề nghị anh ấy viết:
Sơ Barbara Burns được tôi kiểm tra vào ngày 20 tháng 8 năm 1974
Tôi kiểm tra lại cho Sơ Burns vào ngày 26 tháng 8 năm 1975. Sơ đã không đeo kính được khoảng một năm…
Sơ đã giảm độ cận thị đến mức không cần đeo kính.
Tất nhiên vị bác sĩ với chứng đau nửa đầu và Sơ Barbara Burns không phải chịu đựng “những căn bệnh đáng kinh sợ” theo kiểu chúng ta đã được huấn luyện để sợ. Kiểm soát tâm trí có thể giúp ích nếu một người mắc phải chúng, hay chúng ta chỉ cần uống thuốc và chờ thời gian trôi qua? Hãy cùng chúng tôi điểm qua căn bệnh đáng sợ nhất, có lẽ là ung thư.
Bạn có thể đã biết đến nghiên cứu của Tiến sĩ O. Carl Simonton, một chuyên gia về ung thư. Tác giả Marilyn Ferguson đã mô tả một phần nghiên cứu đó trong cuốn sách nổi tiếng gần đây của cô ấy The Brain Revolution (tạm dịch: Cuộc cách mạng não bộ). Tháng 1 năm 1976, Tạp chí Prevention đã xuất bản một bài báo về ông, “Mind Over Cancer” của Grace Halsell. Tiến sĩ Simonton, người được đào tạo về các kĩ thuật kiểm soát tâm trí, đã điều chỉnh thành công một số kĩ thuật này để điều trị cho bệnh nhân của mình.
Khi phụ trách xạ trị tại căn cứ không quân Travis gần San Francisco, ông đã nghiên cứu một hiện tượng hiếm gặp nhưng nổi tiếng: Những người bệnh ung thư đã tự khỏi bệnh nhờ những lí do mà y học chưa biết đến. Chúng được gọi là “thuyên giảm tự phát” và chiếm một tỉ lệ rất nhỏ trong số vô vàn các bệnh nhân ung thư. Tiến sĩ Simonton lí luận rằng, nếu ông có thể tìm hiểu lí do tại sao những bệnh nhân này hồi phục, thì có lẽ ông có thể tìm ra cách để khiến bệnh thuyên giảm.
Ông nhận thấy rằng những bệnh nhân này có điểm chung rất quan trọng.
Họ thường là những người tích cực, lạc quan, kiên định. Trong một bài phát biểu tại Hội nghị Kiểm soát Tâm trí tại Boston năm 1974, ông nói:
Yếu tố cảm xúc cá nhân lớn nhất được các nhà nghiên cứu xác định trong sự phát triển của bệnh ung thư nói chung là sự mất mát đáng kể xảy ra từ 6 đến 18 tháng trước khi được chẩn đoán mắc bệnh.
Điều này được chỉ ra trong một số nghiên cứu dài hạn của các nhà nghiên cứu độc lập có kiểm soát… Chúng tôi thấy rằng không chỉ sự mất mát đó là một yếu tố đáng kể, mà cả cách sự mất mát đó được cá nhân đón nhận.
Bạn thấy đấy, sự mất mát phải đủ để gây ra cảm giác bất lực và tuyệt vọng cho bệnh nhân. Do đó, có vẻ như sức đề kháng cơ bản của anh ta giảm xuống, cho phép bệnh ác tính phát triển trên lâm sàng.
Trong một nghiên cứu khác tại căn cứ không quân Travis, đăng trên Tạp chí Transpersonal Psychology, Tiến sĩ Simonton đã đánh giá thái độ của 152 bệnh nhân ung thư theo 5 mức, từ tiêu cực đến tích cực. Sau đó, ông đánh giá phản ứng của họ đối với phương pháp trị liệu, từ xuất sắc đến kém. Đối với 20 bệnh nhân trong số này, kết quả điều trị của họ rất tuyệt vời, mặc dù tình trạng của 14 người trong số họ nghiêm trọng đến mức họ sẽ có ít hơn 50% cơ hội sống trong 5 năm. Điều làm nghiêng sự cân bằng là thái độ tích cực của họ. Ở đầu kia của thang điểm, 22 bệnh nhân cho kết quả kém từ việc điều trị, không ai trong số này có thái độ tích cực.
Tuy nhiên, khi một số bệnh nhân tích cực hơn trở về nhà, có một sự lật ngược trong thái độ của họ “và chúng tôi thấy bệnh tình của họ cũng theo đó thay đổi.” Rõ ràng là thái độ của họ, chứ không phải mức độ nghiêm trọng của căn bệnh đóng vai trò mạnh mẽ hơn.
Tiến sĩ Elmer Green của Tổ chức Menninger đã được biên tập viên của tạp chí Journal's trích dẫn rằng, “Carl và Stephanie Simonton... đã đạt được những kết quả đáng kể trong việc kiểm soát ung thư bằng cách kết hợp hình ảnh hóa với X-quang truyền thống để tự điều chỉnh sinh lí.”
Trong bài phát biểu tại Boston của mình, Tiến sĩ Simonton dẫn lời chủ tịch Hiệp hội Ung thư Hoa Kì – Eugene Pendergrass năm 1959, rằng “Có một số bằng chứng cho thấy quá trình bệnh tật nói chung chịu ảnh hưởng bởi cảm xúc đau khổ. Tôi chân thành hi vọng rằng chúng ta có thể mở rộng việc nghiên cứu, bao gồm cả những khả năng khác biệt, rằng trong tâm trí của mỗi người là một sức mạnh có khả năng tác động đến cơ thể, giúp tăng cường hoặc ức chế sự tiến triển của căn bệnh.”
Tiến sĩ Carl Simonton hiện là giám đốc Y tế của Trung tâm Tư vấn và Nghiên cứu Ung thư ở Fort Worth, nơi ông và đồng nghiệp trị liệu của mình – Stephanie Mathews - Simonton, huấn luyện bệnh nhân của mình tự chữa lành.
“Bạn thấy đấy, tôi bắt đầu với ý tưởng rằng thái độ của bệnh nhân đóng một vai trò quan trọng trong việc anh ta phản ứng với bất kì hình thức điều trị nào. Nó cũng có ảnh hưởng nhất định đến tiến trình bệnh của anh ta. Khi tôi khám phá ra điều này, tôi nhận thấy rằng kiểm soát tâm trí – phản hồi sinh học và thiền định – là một công cụ để sử dụng trong việc dạy bệnh nhân cách bắt đầu tương tác và tham gia vào quá trình sức khỏe của chính họ. Tôi có thể nói rằng đó là công cụ mạnh mẽ nhất mà tôi có thể cung cấp cho bệnh nhân của mình.”
Một trong những bước đầu tiên mà tiến sĩ Simonton thực hiện khi huấn luyện bệnh nhân của mình là xua đuổi nỗi sợ hãi. “Chúng tôi nhận ra rằng ung thư là một quá trình bình thường diễn ra ở tất cả chúng ta, rằng lúc nào chúng ta cũng có các tế bào ung thư gây ra sự thoái hóa ác tính. Cơ thể nhận ra và tiêu diệt chúng theo cách xử lí đối với bất kì protein lạ nào. Vấn đề không chỉ đơn giản là loại bỏ tất cả các tế bào ung thư, bởi vì chúng ta luôn phát triển các tế bào ung thư. Cơ thể có thể chiến thắng, và xử lí các quá trình phát triển tế bào ung thư này.”
Kết luận của tiến sĩ Carl Simonton được bà Somonton đón nhận và tiếp bước. Bà nói:
Hầu hết mọi người đều hình dung một tế bào ung thư là một thứ xấu xí, ích kỉ, xảo quyệt. Nó rình rập xung quanh bạn và nó rất có sức mạnh, một khi nó bắt đầu thì cơ thể không thể làm gì. Trên thực tế một tế bào ung thư là một tế bào bình thường bị rối loạn… Nó là một tế bào rất ngu ngốc, nó tái sản xuất quá nhanh khiến rất nhiều lần nó đã chèn ép chính nguồn máu cung cấp cho nó và tự chết đói. Nó yếu đuối. Bạn cắt bỏ nó, hoặc chiếu xạ nó, hoặc dùng hóa chất để chữa trị, và nếu nó bị bệnh, nó sẽ không thể khỏe trở lại. Nó sẽ chết.
Giờ hãy so tế bào ung thư với một tế bào khỏe mạnh. Chúng ta biết rằng bạn có thể bị dao cắt vào các mô khỏe mạnh ở ngón tay, và nếu bạn không làm gì khác ngoài dán băng y tế, nó sẽ tự lành. Chúng ta biết rằng các mô bình thường có thể tự sửa chữa chính mình… Chúng không ngấu nghiến hết số máu được cơ thể cung cấp. Thêm vào đó, bạn hãy nhìn vào hình ảnh của những tế bào ung thư này mà chúng ta tưởng tượng ra trong đầu. Bạn có thể thấy sức mạnh mà chúng ta gán cho căn bệnh này bởi nỗi sợ hãi của chúng ta và hình ảnh tinh thần mà chúng ta sử dụng trong nỗi sợ hãi của mình.
Đề cập đến các kĩ thuật thư giãn và hình dung mà họ sử dụng cùng với xạ trị, bà Simonton nói:
Có lẽ công cụ có giá trị nhất mà chúng ta có là kĩ thuật màn hình tâm trí.
Có ba điều cơ bản mà chúng tôi yêu cầu bệnh nhân làm. Chúng tôi yêu cầu họ (1) hình dung về căn bệnh của họ, (2) hình dung cách điều trị và (3) hình dung cơ chế miễn dịch của cơ thể.
[Trong các buổi họp nhóm,] chúng tôi hình dung những gì chúng tôi muốn làm trước khi tin rằng nó sẽ xảy ra. Việc hình dung trước như vậy là rất quan trọng.
Một trong những hoạt động chính mà chúng ta nói đến là thiền định. Bạn thường thiền như thế nào? Bạn đang làm gì trong lúc bạn thiền?