Hãy để khẩu hiệu của bạn trở thành chỉ dẫn, và hải đăng dẫn đường của bạn trở thành vẻ đẹp vĩnh hằng.
— Daniel Burnham
Debbie Reber và chồng của cô, Darron, đã dành nhiều năm để tìm các phương án hỗ trợ tốt nhất cho con trai của họ - Asher - ở trường học và trong đời sống. Asher mắc chứng đa dạng thần kinh (bao gồm các hội chứng như có tài năng bẩm sinh, tăng động giảm chú ý (ADHD), rối loạn cảm giác, v.v…), khiến cậu bé gặp nhiều khó khăn trong việc hòa nhập với các bạn đồng trang lứa. Chính vì vậy, tìm ra môi trường học phù hợp cho Asher là một nhiệm vụ không hề dễ dàng. “Chúng tôi luôn cảm thấy thất bại vì không thể kiểm soát những lúc Asher bị khủng hoảng hay rối loạn hành vi. Chắc chắn rằng các giáo viên, phụ huynh xung quanh đều đánh giá thấp chúng tôi.” Debbie và Darron vô cùng trăn trở, họ không biết vấn đề là do họ hay Asher, và càng không biết nên làm gì, nên đi đến đâu hay tìm ai để nhờ giúp đỡ.
Debbie nhận thấy rằng, những trang web và tổ chức liên quan mà cô tự tìm được trên mạng đều không đủ kiến thức chuyên môn để giúp cô vẽ ra một kế hoạch thích hợp cho Asher. Chỉ khi hỏi những người bạn, người quen có cùng hoàn cảnh với cô, cô mới biết đến các cá nhân, tổ chức thực sự có thể mang lại lời khuyên hữu ích cho mình. Debbie đã mô tả về trải nghiệm này là, “Quá trình đi tìm câu trả lời rằng tôi nên làm gì, tôi nên đến đâu giống như việc truy tìm kho báu mà không có định vị GPS vậy.”
Cô quyết định thành lập trang web và xây dựng cộng đồng dành cho các phụ huynh có con mắc chứng đa dạng thần kinh, hay theo cách Debbie gọi là những đứa trẻ “đặc biệt”, nơi họ sẽ được tư vấn, trao đổi thông tin và kinh nghiệm, hướng đến mục đích cuối cùng là đưa ra phương án tối ưu nhất cho các bé và cả gia đình. Với tỷ lệ 20% số trẻ em bị đa dạng thần kinh, đây là một thị trường không hề nhỏ để Debbie tiến hành tiếp cận.
Và thế là Tilt Parenting đã chính thức ra đời.
LỰA CHỌN NGỌN HẢI ĐĂNG DẪN ĐƯỜNG
Debbie đã cân nhắc rất kĩ về cách thức xây dựng và phát triển Tilt Parenting. Là một tác giả, một huấn luyện viên có chuyên môn bài bản, Debbie đã viết rất nhiều cuốn sách, tham gia làm phim tài liệu và sản xuất các chương trình truyền hình. Với những kinh nghiệm đó, Debbie hoàn toàn có thể lựa chọn thực hiện nội dung với nhiều hình thức khác nhau để tiếp cận đối tượng mong muốn. Thế nhưng, cô lại quyết định chọn podcast, một hình thức chưa quá phổ biến để làm phương tiện truyền tải nội dung chính cho Tilt Parenting. Debbie chia sẻ:
Là một khán giả trung thành của podcast trong nhiều năm, tôi biết chắc chắn đây chính là phương tiện truyền tải nội dung hiệu quả nhất cho “cuộc cách mạng” Tilt Parenting mà tôi đang tiến hành. Khi bạn là phụ huynh của một em bé “đặc biệt”, bạn sẽ cần dành nhiều thời gian cho con hơn so với những phụ huynh khác, đồng nghĩa rằng bạn sẽ càng có ít thời gian hơn nếu muốn tự học hay nghiên cứu. Vì lý do này, tôi muốn mang đến cho họ những nội dung hữu ích từ các chuyên gia mà họ có thể nghe – thay vì đọc và xem – trong bất cứ lúc nào, với độ dài tầm 30 – 40 phút. Tôi hi vọng rằng sau mỗi bài nghe, họ sẽ tìm thấy một chút kiến thức, phần nào hỗ trợ cho các bé cũng như gia đình của họ.
Một điều mà tôi rất thích khi làm podcast đó là tôi không bị giới hạn về số lượng tập, chủ đề, hay khách mời tham gia – tôi có thể mang tới chương trình từ các chuyên gia, tác giả, góc nhìn mới, hay cả những người mang đến thay đổi cho cộng đồng trẻ em đa dạng hệ thần kinh. Sản xuất podcast thực sự đã cho tôi cơ hội phát triển giá trị bản thân và trở thành một người luôn muốn được học tập cả đời… Tôi hi vọng mình có thể tiếp thu nhiều kiến thức có ích hơn nữa để chia sẻ chúng tới những người đang cần.
Trong suốt sáu chương vừa qua, tôi luôn phản đối cách thức tiếp thị tràn lan và thiếu chiến lược, giống như việc bạn cưỡi ngựa lao vào phòng và hét lên cho mọi người nghe về sản phẩm của bạn; thay vào đó, tôi khuyến khích các bạn dành thời gian lắng nghe và nghiên cứu về các vấn đề, thách thức và nguyện vọng của khách hàng lý tưởng.
Tôi cũng không đồng ý với cách thức xây dựng công ty như một đế chế để giải quyết tất cả các vấn đề, khúc mắc của khách hàng. Trái lại, tôi đưa ra các phương hướng giúp bạn mở rộng thị trường, bắt đầu bằng việc đặt hành trình khách hàng làm trung tâm, tiếp theo đó là tiếp cận với các quán rượu khách hàng trong hệ sinh thái thông qua quan hệ đối tác, hợp tác tiếp thị hay làm khách mời trong sự kiện. Bây giờ, đã đến lúc bạn thể hiện bản thân, quan điểm độc đáo, nổi bật của mình tới khách hàng lý tưởng, đồng nghiệp và đối tác:
Đây là con người của tôi.
Đây là điều mà tôi tin tưởng.
Đây là lý thuyết về sự thay đổi của tôi.
Đây là quan điểm của tôi.
Đây là giải pháp tôi mang đến cho các vấn đề của bạn.
Tôi gọi những điều này là Ngọn Hải Đăng của bạn
CÓ NHỮNG LOẠI HẢI ĐĂNG NÀO?
Có hai loại Hải Đăng:
Nhất thời và Thường xuyên.
Những ví dụ về Hải Đăng Nhất Thời là:
• Một sự kiện đặc biệt.
• Bữa tiệc tối được tổ chức chu đáo.
• Video hoặc bài viết đặc biệt, chỉ có một tập và không liên quan đến loạt nội dung nào.
• Hội thảo hoặc diễn thuyết có giới hạn về thời gian.
• Chuỗi hội thảo trực tuyến có giới hạn về phạm vi.
Những ví dụ về Hải Đăng Thường Xuyên là:
• Bản tin email.
• Podcast hoặc chương trình radio.
• Blog.
• Các kênh mạng xã hội vệ tinh (Facebook, Twitter, LinkedIn, Pinterest, YouTube, TikTok, v.v…).
• Một không gian cụ thể.
• Một buổi gặp mặt đang được tổ chức thường xuyên.
• Hội nghị thường niên.
Bạn hãy lưu ý rằng, với những Hải Đăng mà bạn sẽ được gặp gỡ trực tiếp mọi người như tại không gian cụ thể, buổi gặp mặt hay hội nghị, bạn sẽ cần xây dựng một Hải Đăng về nội dung để thu hút khán giả tham gia.
MỤC ĐÍCH CỦA VIỆC XÂY DỰNG HẢI ĐĂNG
Hải Đăng của bạn sẽ là kênh hoặc địa điểm chính, không phải duy nhất để bạn chia sẻ quan điểm và tập trung vào sản phẩm của bạn. Hải Đăng là câu trả lời cho câu hỏi: “Đâu là nơi tốt nhất để tôi tìm hiểu về bạn và công việc, sản phẩm của bạn?” Từ Hải Đăng bạn đã lựa chọn, bạn sẽ có thể tăng cường phạm vi quảng bá các nội dung mới của mình thông qua các kênh mạng xã hội vệ tinh được liệt kê ở trên. Ví dụ, nếu Hải Đăng của bạn là podcast, khi sản xuất mỗi tập, bạn sẽ cần thiết kế một hình đại diện cho tập đó trên Canva để đăng tải lên LinkedIn, Twitter, và Facebook, đồng thời viết một đoạn giới thiệu ngắn để gửi bản tin email đến khách hàng.
Để có thể xác định được Hải Đăng phù hợp với mình, bạn sẽ cần một chút phân tích và nghiên cứu. Dưới đây là một số yếu tố mà bạn nên cân nhắc:
• Thế mạnh về truyền thông của bạn là gì? (Viết? Thu âm? Làm video?)
• Các mục tiêu bạn muốn đạt được với Hải Đăng là gì?
• Bạn muốn sử dụng phương tiện truyền thông nào để mang đến nội dung cho khách hàng lý tưởng? (Các khách hàng của bạn thường giao lưu hoặc xem nội dung ở đâu?)
• Bạn sở hữu kênh truyền thông trực tuyến nào? (Nếu Hải Đăng của bạn là một kênh mạng xã hội, hãy lưu ý đến trường hợp bạn có thể bị mất tài khoản và mất kết nối với các khách hàng)
• Bạn cần đến công nghệ hay ứng dụng nào để sản xuất nội dung cho Hải Đăng bạn chọn?
• Chi phí sản xuất những nội dung này gồm những gì, giá như thế nào?
• Bạn cho rằng bạn sẽ hoạt động ổn định nhất trên Hải Đăng nào?
NHỮNG YẾU TỐ CẦN THIẾT ĐỂ TẠO NÊN MỘT HẢI ĐĂNG CHẤT LƯỢNG
Sau khi đã chọn được Hải Đăng phù hợp, bạn sẽ cần chuẩn bị thêm những yếu tố sau để thu hút khách hàng tới Hải Đăng của bạn:
• Một quan điểm độc đáo và rõ ràng, đồng hành cùng một hệ sinh thái thông minh. Lựa chọn Hải Đăng cần thể hiện được sự sáng suốt của bạn trong việc tiếp cận và giải quyết vấn đề mà khách hàng lý tưởng gặp phải, cụ thể là trả lời những câu hỏi:
→ Vấn đề nào chưa được nhắc đến trong những cuộc hội thoại cùng khách hàng?
→ Ai đang đưa ra một quan điểm quan trọng nhưng chưa được chia sẻ rộng rãi?
→ Sự thật hiển nhiên nào đang bị bỏ qua?
→ Những bước quan trọng nào chưa được thực hiện?
• Một tiếng nói có sức thuyết phục. Hải Đăng của bạn cần mang đến một tiếng nói rõ ràng và chân thực. Khi tiếp cận nội dung mà bạn hay cộng sự của bạn đăng tải trên Hải Đăng, khán giả phải cảm nhận được sự kết nối về cách suy nghĩ. Để làm được như vậy, bạn nên sản xuất những nội dung thể hiện tiếng nói riêng của bạn, kể cả sự hài hước, chiều sâu trong tư duy, sự thật, cảm xúc hay quan điểm cá nhân.
• Nội dung chất lượng. Hiện tại trên mạng tràn ngập những nội dung khác nhau. Để có thể vượt qua cuộc cạnh tranh và thu hút được cộng đồng khán giả, bạn phải chú ý đến chất lượng sản xuất nội dung, hoặc nếu Hải Đăng là địa điểm cụ thể, hãy chú ý đến chất lượng sự kiện. Hải Đăng sẽ hoạt động tốt hơn nếu chất lượng sản xuất của bạn nâng cao được trải nghiệm của khán giả. Tuy nhiên, nếu bạn chưa thể cải thiện chất lượng sản xuất, hãy bảo đảm tối thiểu nhất là nó không gây ảnh hưởng tiêu cực nào đến khán giả tiếp cận Hải Đăng.
• Nhịp độ ổn định, cân bằng. Thiết lập cho Hải Đăng một nhịp độ ổn định là yếu tố quan trọng giúp bạn phát triển được mối quan hệ bền vững với khách hàng lý tưởng. Khi khách hàng nhận thấy những nội dung bạn đăng tải hữu ích và chất lượng, họ sẽ vừa đón chờ các nội dung mới, vừa giới thiệu với người thân, bạn bè về Hải Đăng của bạn. Bạn nên sắp xếp một lịch trình sản xuất nội dung cho Hải Đăng hợp lý và thực hiện chính xác theo lịch trình đó (lưu ý – đừng quá lo lắng về việc phải tạo ra một nhịp độ hoàn hảo, bạn nên cân bằng nó với khả năng sản xuất nội dung của mình).
• Khả năng thích ứng và thích hợp. Không chỉ khách hàng mà ngay cả bạn cũng sẽ cảm thấy chán khi phải liên tục đọc những nội dung cùng chủ đề. Bạn nên cập nhật định kì về những gì đang diễn ra đối với khách hàng của bạn cũng như trên thế giới, xu hướng và chủ đề họ đang quan tâm là gì, qua đó điều chỉnh nội dung của mình cho phù hợp.
• Chiều sâu trong sản phẩm, tác phẩm của bạn. Hải Đăng của bạn chính là nơi bạn có thể đào sâu và thể hiện quan điểm riêng về những chủ đề bạn quan tâm. Bạn có thể sản xuất những bài viết dài trên trang web hoặc blog, những tài liệu với nhiều thông tin giá trị để gửi kèm bản tin email, hoặc đăng tải một chuỗi các tập podcast trên kênh Youtube.
• Tổng hợp tất cả nội dung, sản phẩm của bạn chính là giải pháp hoàn chỉnh cho vấn đề của khách hàng lý tưởng. Tất cả bài viết, video, podcast, hay sự kiện bạn sản xuất khi được tổng hợp lại phải hình thành nên một danh mục nội dung hữu ích, thậm chí có thể xuất bản được thành sách hoặc làm sườn nội dung cho các chương trình đào tạo. Hoặc, nói theo cách khác, chúng nên mang đến cho khách hàng một bộ giải pháp hoàn chỉnh để họ giải quyết được vấn đề một cách triệt để.
• Chọn lọc và giám định. Tự sản xuất nội dung không phải cách duy nhất để có được nội dung trên Hải Đăng của bạn, bạn còn có thể chọn lọc từ các nguồn khác để mang đến những thông tin mới, góc nhìn mới hữu ích cho khách hàng. Việc này sẽ giúp bạn tiết kiệm được đáng kể thời gian và công sức, tuy nhiên đòi hỏi bạn phải có kỹ năng giám định tốt, biết đánh giá chất lượng thông tin.
VÍ DỤ VỀ HẢI ĐĂNG
Trên thực tế, bạn sẽ thấy có rất nhiều Hải Đăng đã được xây dựng rất tốt và hoạt động hiệu quả. Dưới đây là một số ví dụ yêu thích của tôi:
Bản Tin Email
Bản tin 3-2-1 của James Clear
https://jamesclear.com/newsletter
James Clear, tác giả của cuốn sách nổi tiếng Thay đổi tí hon hiệu quả bất ngờ, lựa chọn sử dụng bản tin email để gửi nội dung tới 1.000.000 khán giả đăng kí của mình hàng tuần. Bản tin của anh có cấu trúc rất độc đáo và dễ nhìn, thường bao gồm ba ý tưởng, hai câu trích dẫn và một câu hỏi.
Tình trạng hoàn toàn hỗn loạn của Ann Handley
https://annhandley.com/newsletter
Ann Handley, tác giả sách và đồng thời là người sáng lập MarketingProfs, thường chia sẻ các thông tin, nhận định, ví dụ và những câu chuyện hài hước về chủ đề “những điều tôi đang làm và những điều đáng để chia sẻ” thông qua bản tin email mang tên tình trạng hoàn toàn hỗn loạn của Ann Handley.
Morning Brew
https://www.morningbrew.com/daily
Morning Brew là bản tin email tổng hợp tin tức hàng ngày yêu thích của tôi. Họ sở hữu cách viết sắc sảo và dí dỏm, đồng thời sử dụng rất nhiều sáng kiến thông minh để thu hút tương tác từ độc giả, ví dụ như đưa ra bài kiểm tra năm câu hỏi vào cuối tuần để thử thách độc giả về nội dung được chia sẻ trong bản tin tuần đó. Họ cũng có rất nhiều bản tin chi tiết về các chủ đề khác nhau như Marketing Brew (về quảng cáo và marketing), Retail Brew (về kinh doanh và bán lẻ), Emerging Tech Brew (về công nghệ), kênh podcast Business Casual (về kinh doanh, kinh tế) và Founder’s Journal (dành cho các doanh nhân và công ty khởi nghiệp).
Bản tin Sợi dây đỏ của Tamsen Webster
https://tamsenwebster.com/newsletter/
Thông qua bản tin này, Tamsen mô tả và phân tích chi tiết để hướng dẫn người đọc về phương pháp quan trọng nhất của cô, Sợi dây đỏ, cũng chính là tựa đề cuốn sách mà cô đã xuất bản. Các nội dung cô mang đến thường đào sâu vào các ý tưởng, sử dụng ví dụ của khách hàng thực tế. Những khán giả đăng kí theo dõi Tamsen sẽ không chỉ nhận được các thông tin hữu ích từ bản tin của cô, họ còn có cơ hội tiếp cận các công cụ hữu ích, văn bản mẫu hay công thức góp phần hỗ trợ họ giao tiếp hiệu quả hơn.
Bản Tin Non-Obvious Của Rohit Bhargava
https://nonobvious.com/
Rohit là một tác giả và diễn giả về chủ đề xu hướng kinh doanh. Bản tin của anh được sản xuất với mục đích theo đuổi sứ mệnh “hỗ trợ các lãnh đạo, tổ chức và những bộ óc tò mò có thể học được thói quen tìm hiểu về những thất bại và thành công của những cá nhân, tập thể khác.” Là một người đọc quen thuộc của bản tin, tôi cũng chờ đón những câu chuyện kì lạ và thú vị như “sự xấu hổ của quần áo ngủ” hay “đạo đức du hành không gian của NASA”.
Các Kênh Truyền Thông Xã Hội Vệ Tinh
Hiện nay, chúng ta có thể thấy rất nhiều người sáng tạo nội dung tuyệt vời trên các trang mạng xã hội, và dưới đây là một vài kênh yêu thích của tôi:
Humans of New York
https://www.facebook.com/humansofnewyork
Brandon Stanton đã khởi động Humans of New York với tư cách một dự án về nhiếp ảnh, mục đích là chụp được 10.000 bức ảnh của những người dân New York. Về sau, anh bắt đầu phỏng vấn thêm những người anh chụp hình và đăng tải câu chuyện của họ. Các câu chuyện cảm động và chân thực tới mức thu hút hàng nghìn lượt bình luận và chia sẻ, mang về cho anh 20 triệu người theo dõi trên Facebook cùng rất nhiều cuốn sách được phát hành. Brandon Stanton và Humans of New York chính là ví dụ điển hình của việc sử dụng Hải Đăng Mạng Xã Hội một cách thông minh, hiệu quả.
Healthy Active Natives
https://www.facebook.com/groups/Healthyactivenatives
Waylon Pee Pahona đã mở ra nhóm Facebook này với mục đích truyền cảm hứng cho những người thân là người Mỹ bản địa, giúp họ tăng cường sức khỏe và trở nên chủ động, nhanh nhẹn hơn. Đến nay, nhóm đã thu hút được 75.000 thành viên là người Mỹ bản địa trên khắp Bắc Mỹ, trở thành một nhóm hoạt động tích cực trên Facebook, liên tục mang lại nguồn cảm hứng và các hoạt động hỗ trợ cho các thành viên.
Small Biz Lady
https://twitter.com/smallbizlady
Melinda Emerson, hay còn được biết đến với cái tên Small Biz Lady, là một chuyên gia kinh doanh sở hữu gần 300.000 người theo dõi trên Twitter. Cô sử dụng Hải Đăng này để tổ chức các buổi trò chuyện, chia sẻ bí quyết trong kinh doanh cũng như thông báo cho những người theo dõi về các sự kiện, dịch vụ, sản phẩm mà cô cung cấp.
Small Business Trends
https://twitter.com/SmallBizTrends
Trên Small Business Trends, Anita Campell – người sáng lập kênh – đã chọn lọc và đăng tải các nội dung về thông tin, lời khuyên và nguồn lực hỗ trợ kinh doanh cho những doanh nhân sử hữu doanh nghiệp nhỏ.
Color Me Magic (dành cho những người yêu mến Disney)
https://www.instagram.com/colormemagic/
Color Me Magic, được thành lập bởi Courtney Quinn, là kênh Instagram mang đến những hình ảnh rực rỡ, vui nhộn, thể hiện văn hóa đại chúng, tập trung vào chủ đề Những nàng công chúa Disney. Các bức hình của Courtney thường đính kèm tài khoản của nhiều cửa hàng, nơi cung cấp trang phục, phụ kiện với phong cách màu sắc công chúa.
Chipotle
https://www.instagram.com/chipotle/
Chipotle đăng tải đan xen những nội dung từ người theo dõi và nội dung tự sản xuất theo một phong cách đặc trưng – hóm hỉnh và hài hước. Chipotle là ví dụ điển hình cho thấy ngay cả các thương hiệu ẩm thực lớn vẫn có thể vừa mang đến tiếng nói chân thực, vui vẻ, vừa tôn vinh được niềm vui mà khách hàng dành cho món ăn của họ.
Những Hải Đăng Là Địa Điểm Cụ Thể
K’é – Phòng Thí Nghiệm Học Tập Tại Phố Main, Mesa, Arizona
https://pamelaslim.com/ke
Với vị trí được chúng tôi chủ ý đặt tại chính giữa Phố Main, K’é – Phòng Thí nghiệm Học tập của chúng tôi đã nhanh chóng trở thành nơi chào đón, nơi tập trung quen thuộc của hơn 5.000 thành viên trong vòng năm năm. Bên cạnh vị trí thuận lợi, K’é còn sở hữu thiết kế rực rỡ, tràn ngập tính nghệ thuật cùng một bức tường trắng khổng lồ, nơi các thành viên phác thảo hàng trăm kế hoạch kinh doanh, ý tưởng đổi mới cộng đồng hay thảo luận về nhiều chủ đề khác nhau.
Trung Tâm Lumin Của Angelica Perez-Litwin
http://www.lumincenter.com/
Angelica Perez là một bác sĩ trị liệu với nhiều năm kinh nghiệm tại New York. Cô dành phần lớn thời gian để xây dựng dịch vụ, sản phẩm hướng đến giải quyết tất cả vấn đề về sức khoẻ tâm lý cho các bệnh nhân người Mỹ gốc Latinh. Cô đã thành lập một nhóm trên Facebook mang tên Latinas Think Big, hiện đang hoạt động vô cùng tích cực với hơn 20.000 thành viên tham gia.
Sau khi chuyển đến Greenville, South Carolina cùng gia đình, cô đã mở một trung tâm với thiết kế rất đẹp và đặt tên là Trung tâm Lumin. Tại Lumin, Angelica cung cấp “Phương pháp trị liệu hiện đại”, bao gồm các dịch vụ hỗ trợ phục hồi tâm lý và cảm xúc, trị liệu cặp đôi, tư vấn hướng nghiệp, cố vấn đăng kí nhập học và hướng dẫn chăm sóc bản thân. Bên cạnh đó, Lumin còn tổ chức nhiều khoá trị liệu trực tuyến cùng các bác sĩ có chuyên môn đa dạng trong lĩnh vực sức khoẻ tâm lý đến từ nhiều nền văn hoá khác nhau để dễ dàng thấu cảm và hỗ trợ bệnh nhân với những vấn đề riêng biệt tốt hơn. Hình thức tiếp nhận trị liệu ở Lumin cũng rất linh động, khách hàng có thể lựa chọn trao đổi trực tiếp, trực tuyến hay qua email, tuỳ thuộc vào tình trạng hiện tại của họ.
VÍ DỤ THỰC TẾ VỀ HẢI ĐĂNG LÀ NHÓM FACEBOOK
Nhóm Facebook là một lựa chọn về Hải Đăng rất phổ biến với nhiều doanh nhân, đặc biệt là những người đang muốn tập trung vào xây dựng cộng đồng và kết nối với khách hàng lý tưởng.
Lamar Tyler và Ronnie Tyler, đồng sáng lập hai trang web và blog: Black and Married with Kids (mang đến những hướng dẫn, bí quyết hôn nhân và nuôi dạy con cái cho các cặp vợ chồng người Mỹ gốc Phi) và Traffic Sales and Profit (mang đến những thông tin hữu ích cho các doanh nhân người Mỹ gốc Phi), là những người vô cùng thành công trong việc xây dựng một cộng đồng trực tuyến mạnh mẽ và tích cực. Họ theo đuổi một sứ mệnh rất rõ ràng: “Nâng cao, khuyến khích và hỗ trợ cộng đồng người Mỹ gốc Phi.” Khởi đầu từ việc thành lập blog mang tên Black and Married with Kids vào năm 2007, họ liên tục cập nhật, phát triển nội dung và về sau đã thành công sản xuất bảy phim điện ảnh, mười hai cuốn sách, tổ chức các hội thảo, hội nghị và thậm chí là sự kiện trên du thuyền. Bên cạnh đó, họ được xuất hiện trên nhiều kênh và chương trình truyền hình khác nhau như CNN, HLN hay Chương trình Today. Sở hữu hơn 600.000 người theo dõi trên các tài khoản mạng xã hội, Lamar Tyler và Ronnie Tyler đã giúp đỡ hơn 51.000 khách hàng tại 50 tiểu bang và ở hầu hết các quốc gia trên thế giới.
Sau khi gặt hái được nhiều thành công với thương hiệu đầu tiên, Lamar nhận được rất nhiều câu hỏi về công nghệ, kỹ thuật anh sử dụng để phát triển Black and Married with Kids. Anh và Ronnie quyết định mở ra Traffic Sales and Profit, xây dựng nó thành kênh thông tin để giúp đỡ những doanh nhân người Mỹ gốc Phi mở rộng quy mô, tăng doanh thu đến sáu, bảy chữ số, sử dụng các công cụ và kỹ thuật tiếp thị trực tuyến.
Yếu tố cốt lõi trong chiến lược phát triển Traffic Sales and Profit là sử dụng các nhóm Facebook làm Hải Đăng để cung cấp một không gian an toàn và thúc đẩy phát triển cho các thành viên người Mỹ gốc Phi. Lamar chia sẻ:
Bạn có thể tìm được rất nhiều thông tin về kinh doanh ở các nhóm trên mạng. Thế nhưng, chỉ có 10% – 15% nội dung trong đó mang tính văn hóa riêng của cộng đồng người Mỹ gốc Phi. Cảm giác an toàn trong một không gian để chia sẻ câu chuyện, thể hiện sự tôn thờ và kết nối văn hóa là một nhu cầu rất quan trọng với các thành viên của chúng tôi. Chúng tôi mong bạn hiểu rằng, tự yêu thương bản thân không đồng nghĩa với việc chúng tôi ghét những người khác.
Tham gia nhóm Facebook với 25.000 thành viên của Lamar, các thành viên sẽ có cơ hội tiếp cận, làm việc với các sự kiện thu phí, khóa huấn luyện, khóa học hay hợp tác cùng chuyên gia của Traffic Sales and Profit. Đây còn là một cộng đồng luôn sẵn sàng trả lời các câu hỏi, chia sẻ tài nguyên, giúp đỡ và chúc mừng những chiến thắng, thành tựu của nhau. Lamar nói, “Chúng tôi không cần tiết chế hay quản lý cộng đồng nhiều, bởi vì những khách hàng bị thu hút bởi cộng đồng của chúng tôi đa phần là những người có tấm lòng nhân hậu và sẵn sàng hỗ trợ mọi người. Họ đã tạo ra, xây dựng văn hóa quan tâm, chăm sóc lẫn nhau giữa các thành viên như hiện nay.”
Vào cuối năm 2020, cộng đồng chuyên gia trong nhóm Traffic Sales and Profit đã tăng trưởng mạnh mẽ, với 40 chủ doanh nghiệp đạt doanh thu sáu chữ số và 15 chủ doanh nghiệp đạt doanh thu bảy chữ số. Sở hữu số lượng thành viên đông đảo cùng danh tiếng tuyệt vời từ các thương hiệu họ phát triển, Lamar và Ronnie đã thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp, tập đoàn và nhận được rất nhiều lời mời hợp tác. Với kinh nghiệm làm việc và nhận tài trợ từ những công ty lớn như General Mills, Lamar và Ronnie chia sẻ, “Mối quan hệ mà chúng tôi đã xây dựng được cùng cộng đồng của mình là một mối quan hệ sâu sắc và thân thiết, do đó, chúng tôi có sức ảnh hưởng đáng kể đến với họ. Chúng tôi cần phải hết sức thận trọng, sáng suốt khi lựa chọn cá nhân hay công ty để hợp tác làm việc.”
Khi được hỏi về những phẩm chất họ mong muốn thấy được từ các đối tác, Lamar đã liệt kê những câu hỏi họ sử dụng để đánh giá đối tác tiềm năng như sau:
• Họ có sở hữu một hành trình khách hàng tuyệt vời hay không?
• Con đường phát triển và mục đích của họ là gì? Đối với các công ty cung cấp phần mềm dạng dịch vụ - tương lai họ hướng đến là gì?
• Họ có dám đứng lên và thực hiện những gì họ nói họ sẽ làm hay không?
• Họ có lý lịch chuyên môn ấn tượng, bao gồm nhiều khách hàng cảm thấy hài lòng sau khi sử dụng dịch vụ hoặc sản phẩm của họ hay không?
• Họ có đối xử với các thành viên trong cộng đồng của chúng tôi giống như cách họ đối xử với chúng tôi hay không?
• Họ có nhân viên và các nhóm đa dạng ở tất cả các cấp bậc trong từng bộ phận của công ty hay không?
“Vấn đề mà chúng tôi quan tâm ở đối tác không phải là mức độ hoàn hảo của họ,” Lamar giải thích. “Chúng tôi muốn làm việc cùng những người thực sự quan tâm đến cộng đồng của chúng tôi, những người trung thực, dám nói sự thật thay vì chỉ nói ra những điều họ nghĩ họ nên nói.”
Trong thời gian tới, Lamar và Ronnie vẫn sẽ tiếp tục đầu tư và xây dựng cộng đồng của họ. Họ mới mua lại và đang cải tạo một địa điểm tại Atlanta để thành lập trụ sở công ty, nơi họ dự định tổ chức các sự kiện và hội thảo cho các thành viên. Toàn bộ hoạt động của họ đều hướng đến ba mục tiêu chính là:
1. Trao lại cho cộng đồng. Mục tiêu này được thiết lập để hỗ trợ các tổ chức phi lợi nhuận thường ở trong trạng thái không được cấp đủ vốn. Hiện tại, họ đã huy động được hơn 80.000 đô la cho mục tiêu này.
2. Sáng kiến cho thế hệ trẻ. Họ mang đến những chương trình học bổng, sự kiện với sự tham gia của các doanh nhân lớn, nhằm mục đích truyền cảm hứng và động lực cho cộng đồng doanh nhân trẻ.
3. Cung cấp vốn đầu tư. Với lịch sử cho vay nặng lãi tồn tại lâu dài trong cộng đồng người Mỹ gốc Phi, họ quyết định tập trung vào cung cấp các khoản vay và đầu tư để giúp các thành viên của họ phát triển cũng như mở rộng quy mô doanh nghiệp.
NHỮNG HẢI ĐĂNG TUYỆT VỜI SỞ HỮU TUYÊN NGÔN MẠNH MẼ
Vào thời điểm tôi bắt đầu làm việc cùng Debbie Reber, cô đã hoàn thiện rất chỉn chu một bản nội dung về tầm nhìn của Tilt Parenting, cũng chính là Bản Tuyên Ngôn Của Tilt Parenting mà cô đã xây dựng khi tham gia lớp học của Jonathan Fields. Bản Tuyên Ngôn này đã nêu ra rất rõ bốn yếu tố quan trọng góp phần định hướng sự phát triển cho Hải Đăng của Debbie:
• Câu chuyện cá nhân của người sáng lập Tilt, Debbie Reber, về hành trình nuôi dạy một người con khác-thường- gấp-đôi (trường hợp một đứa trẻ vừa có năng khiếu vừa có khiếm khuyết trong khả năng học tập). Cô thay đổi từ trạng thái thất vọng, căng thẳng và bị cô lập thành thật sự chấp nhận, lạc quan và tin vào các cơ hội.
• Vì sao mô hình nuôi dạy con cái hiện tại đã lỗi thời và không còn phù hợp cho các phụ huynh, điển hình là bố mẹ của những đứa trẻ “đặc biệt”.
• Mặc dù hành trình làm phụ huynh và nuôi dạy những đứa trẻ “đặc biệt” của chúng ta hoàn toàn khác nhau, chúng ta vẫn có thể kết nối thông qua việc chia sẻ những kinh nghiệm riêng, sáng tạo và độc đáo trong quá trình chăm sóc con.
• 10 điều mà tất cả các bậc phụ huynh nên bắt đầu thực hiện để góp phần thay đổi mô hình nuôi dạy con cái hiện tại thành một mô hình yêu thương, trân trọng con cái cũng như trải nghiệm chăm sóc và nuôi dưỡng con.
Với bản tuyên ngôn vô cùng thu hút và mạch lạc này, việc tạo nội dung cho Hải Đăng của Debbie – podcast – trở nên cực kì dễ hiểu, bởi lẽ cô đã đưa ra được một quan điểm riêng rõ ràng. Nếu bạn muốn đọc và tải xuống Bản Tuyên Ngôn Của Tilt Parenting, hãy truy cập đường link sau: https://tiltparenting. com/recommended-resources/manifesto/
BẢO ĐẢM TÍNH CHÂN THỰC TRÊN MÔI TRƯỜNG MẠNG
Trong thời gian tham gia giảng dạy tại một lớp học marketing nhiều năm về trước, câu hỏi yêu thích của tôi là: “Làm thế nào để mọi người thấy rằng tôi chân thực ở trên môi trường mạng?” Câu trả lời mà tôi đưa ra có phần hơi xấc xược, nhưng cũng là đáp án chính xác nhất: “Cách tốt nhất để có được một hình ảnh chân thực trên môi trường mạng là hãy thật sự chân thực trên môi trường mạng.”
Tôi luôn ủng hộ việc bạn thể hiện rõ ràng, chân thành về con người thật của mình, những điều bạn tin tưởng, cũng như cách bạn hành xử trước mặt và sau lưng mọi người. Bạn không cần cảm thấy lo lắng, hãy thoải mái nói ra điều bạn muốn, ngay cả về chính trị, các chủ đề quan trọng hay có phần nhạy cảm, hoặc thậm chí những yếu tố trong hành trình phát triển cá nhân góp phần hình thành khả năng lãnh đạo và tính cách của bạn ngày hôm nay.
Mặc dù vậy, việc này không có nghĩa là bạn phải chia sẻ tất cả thông tin cá nhân hay những chi tiết lộn xộn, ngoài lề về các mối quan hệ của bạn trên mạng xã hội. Hãy suy nghĩ một cách sáng suốt để chọn lọc những nội dung cần thể hiện. Dưới đây là một số ví dụ về những điều bạn không nên chia sẻ trên Hải Đăng của mình:
• Một diễn giả rời khỏi sân khấu và đăng lên tài khoản Twitter của mình, “Tôi đã trình bày bài diễn thuyết một cách hết sức tuyệt vời! Chúng tôi đã chuyển đổi được 80% lượng khán giả trở thành khách hàng của mình!” Bạn thử nghĩ xem, từ góc nhìn của khán giả, lý do diễn giả đó đứng trên sân khấu là gì? Có phải là để “chuyển đổi họ thành khách hàng mua sản phẩm” không, hay là để cung cấp những thông tin, ý tưởng hữu ích giúp họ giải quyết các vấn đề? Khi thông điệp bạn mang lại chỉ tập trung vào kết quả kinh doanh, không phải kết quả của khách hàng, cộng đồng của bạn sẽ nhận định về bạn rằng, “Bạn tới đây chỉ để làm giàu.” Rõ ràng đó là một thông điệp không hề truyền cảm hứng hay tích cực đối với khách hàng mà bạn muốn tiếp cận.
• “Tôi đã ngừng hợp tác với một khách hàng chẳng ra gì và khiến tôi phát điên. Thật là một sự giải thoát tuyệt vời!” Khi bạn sử dụng những từ ngữ mập mờ và nặng nề như vậy trên mạng xã hội, khách hàng của bạn có thể sẽ nghĩ rằng bạn đang nói về họ, mặc dù đối tượng bạn hướng đến là người khác. Để hiểu rõ hơn, bạn hãy tưởng tượng giả sử bạn vừa trải qua hai tình huống với khách hàng, bạn dừng hợp tác với một khách hàng và hoàn trả chi phí trong hòa bình, người còn lại là kết thúc trong bất hòa, tranh cãi. Nếu họ thấy bạn đăng tải trạng thái trên mạng xã hội với nội dung như trên, làm sao họ biết được bạn đang nói về ai, có phải về họ hay không? Và quan trọng hơn, tại sao bạn lại muốn công khai việc bạn nghĩ khách hàng của bạn là một người chẳng ra gì?
• “Chồng tôi đã bỏ đi, chú chó của tôi thì chạy mất, đến chiếc xe tải của tôi cũng tự nhiên hỏng. Tôi thực sự không biết làm thế nào để hoàn thành công việc cho khách hàng trong tuần này.” Tất cả chúng ta đều từng trải qua khoảng thời gian tồi tệ như vậy, hoặc ít nhất cũng đã từng nghe một bài hát đồng quê với nội dung đó. Ngay cả bản thân tôi, trong suốt 25 năm kinh doanh, không ít lần tôi đã nghĩ, “Nếu mọi người nhìn thấy tình trạng rối ren của tôi bây giờ, họ sẽ không thể tin đó là sự thật!” Thế nhưng, bạn biết đấy, khó khăn là một phần không thể thiếu trong hành trình trưởng thành của mỗi người. Đừng tự đổ lỗi cho bản thân, bạn không làm gì sai cả, chỉ là có những lúc một loạt vấn đề sẽ đột ngột xuất hiện và tác động lên bạn. Đây là thời điểm mà bạn cần gọi điện cho bố mẹ, khóc thật to, đi cà phê cùng bạn thân, và vạch ra một kế hoạch hợp lý để vượt qua sự tiêu cực. Lưu ý rằng bạn không nên thể hiện những gì bạn đang suy nghĩ trên mạng xã hội vào lúc này. Vài năm trước, Mark Silver, một người bạn của tôi, đã viết một bài blog với nội dung “Mặt Tồi Tệ Của Sự Chân Thực”. Trong đó, anh nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lựa chọn thời điểm thích hợp để công khai chia sẻ về các trở ngại bản thân gặp phải. Mark giải thích:
Không, tôi không cần thể hiện là mình hoàn hảo. Nhưng tôi muốn những gì tôi chia sẻ phải có ý nghĩa, có chủ đích và giúp đỡ được người khác, không phải chỉ là một mớ ngôn từ hỗn độn hình thành từ sự bùng nổ cảm xúc hay hoàn cảnh tiêu cực. Không ai phải chịu trách nhiệm dọn dẹp mớ hỗn độn của tôi cả, nhất là khi tôi đã có một hệ thống để hỗ trợ cho mình. Sau khi đã hoàn toàn vượt qua tình trạng khó khăn, tôi sẽ chia sẻ với các bạn cách thức tôi đối mặt và giải quyết những trở ngại đó.
Nhận định sáng suốt về nội dung, thời điểm và đối tượng để chia sẻ chính là chìa khóa giúp bạn điều hành doanh nghiệp hiệu quả. Tuy nhiên, việc này không hề dễ dàng, bởi mỗi doanh nhân và tập đối tượng lại sở hữu tính chất khác nhau, bởi vậy không có quy tắc chung nào có thể áp dụng để đánh giá tất cả cộng đồng. Dưới đây là một vài câu hỏi giúp bạn xác định thời điểm chia sẻ thông tin tốt hơn:
• Tại sao bạn lại chia sẻ thông điệp này? Mục đích của việc chia sẻ là để bạn cảm thấy tốt hơn hay là mang đến giá trị cho khách hàng?
• Tinh thần của thông điệp có phản ánh và hài hòa với tinh thần của thương hiệu hay không? Lưu ý rằng “hài hòa” không có nghĩa là bạn sẽ không bao giờ nhắc đến khó khăn hay thể hiện quan điểm cá nhân mạnh mẽ về các vấn đề xã hội – nó chỉ có nghĩa là những quan điểm bạn chia sẻ đồng điệu với mục đích và tầm nhìn của doanh nghiệp bạn.
• Bạn đang chia sẻ thông điệp này để tạo nên một cuộc thảo luận chuyên sâu hay để củng cố hình ảnh bản thân một cách tích cực? Tôi không hề có ý đánh giá – tất cả chúng ta đều từng làm việc này! Ai mà không thích nhận được thật nhiều lượt thích trên mạng xã hội chứ?
• Thông điệp này có phải là một phần quan trọng trong câu chuyện phát triển sản phẩm của bạn hay không? Thông điệp này có liên quan hay ảnh hưởng đến câu chuyện, cuộc đối thoại nào về công việc của bạn hay không? Nó có bao gồm câu chuyện về những khách hàng bạn từng hợp tác cùng không? Nó có cung cấp thông tin hay công cụ để giải quyết vấn đề mà bạn và doanh nghiệp của bạn quan tâm hay không?
Đưa ra được quyết định chính xác về nội dung nên được chia sẻ trên Hải Đăng là một nhiệm vụ không hề dễ dàng. Hãy nhớ rằng, bạn không cần phải thể hiện một hình ảnh hoàn hảo, quan trọng là bạn cần cân nhắc và có mục đích rõ ràng với mỗi thông điệp, thông tin mà bạn mang đến cho cộng đồng.
VÍ DỤ THỰC TẾ VỀ HẢI ĐĂNG LÀ ĐỊA ĐIỂM CỤ THỂ VÀ CÔNG CỤ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH: XƯỞNG SÁNG KIẾN CỦA ĐẠI HỌC BANG ARIZONA
Trong khu vực trung tâm thành phố Mesa, Arizona, một dự án Hải Đăng lớn đang được tiến hành. Trường Đại học Bang Arizona (ASU) đang xây dựng một cơ sở giáo dục tại đây, với vị trí chỉ cách K’é – Phòng Thí nghiệm Học tập tại Phố Main của chúng tôi hai con phố. Ngay gần đó, một thư viện cũ kĩ cũng đang được cải tạo để trở thành Xưởng Sáng Kiến, một trung tâm thuộc sở hữu của chính quyền thành phố Mesa và được điều hành bởi bộ phận/phòng ban Sáng Kiến và Khởi Nghiệp của Đại học Bang Arizona. Trung tâm Mesa, nơi tập trung của các doanh nghiệp, cộng đồng địa phương và người dân tại thành phố Mesa, cũng đang thiết kế một khu vực với tên gọi Quận Sáng Kiến, dựa theo ý tưởng và khuôn mẫu được phát triển bởi Viện Brookings.
Nếu chỉ nhìn từ bên ngoài, chúng ta sẽ có xu hướng đánh giá rằng các dự án trên đã mang đến cơ hội tuyệt vời cho cộng đồng địa phương, đặc biệt khi người dân được tiếp cận Xưởng Sáng Kiến mà không mất phí, cũng như hoạt động lên kế hoạch bởi ASU, trường nằm trong danh sách Đại Học Hàng Đầu Về Sáng Kiến Và Đổi Mới của tạp chí Báo cáo Tin tức Hoa Kỳ & Thế giới (US News & World Report) trong năm năm liên tiếp. Thế nhưng, sau quá trình thu thập thông tin, ý kiến từ cộng đồng để phát triển ý tưởng, ASU đã nhận ra rằng họ cần sở hữu sự am hiểu sâu sắc về hệ sinh thái các địa điểm tại địa phương nếu muốn xây dựng thành công một Hải Đăng. Hiện tại, xung quanh khu vực nơi Xưởng Sáng Kiến đang thi công đã tồn tại rất nhiều địa điểm, không gian để tổ chức sự kiện cho cộng đồng doanh nhân, cụ thể là:
K’é – Phòng Thí nghiệm Học tập tại Phố Main của chúng tôi.
Visit Mesa (Văn Phòng Dành Cho Khách Du Lịch).
Phòng Thương Mại Khu Vực East Valley Dành Cho Các Doanh Nhân Người Mỹ Gốc Tây Ban Nha.
Phòng Thương Mại Thành Phố Mesa.
Heatsync Labs (Không gian dành cho các nhà sản xuất, chế tạo vật phẩm).
Các không gian làm việc chung đang được xây dựng, dự kiến hoàn thiện và mở cửa trong vòng 12 đến 18 tháng tới.
Trung Tâm Nghệ Thuật Mesa (Trung tâm nghệ thuật lớn của thành phố với rất nhiều không gian, khu vực để gặp gỡ, hội họp có thiết kế đẹp mắt).
Không gian nghệ thuật Mesa Artspace Lofts (cộng đồng dân cư địa phương dành cho các nghệ sĩ với một không gian triển lãm cộng đồng).
Các nhà thờ địa phương.
Các tòa nhà khác thuộc sở hữu của chính quyền thành phố.
Học Viện Công Nghệ East Valley.
Đại Học Benedictine.
Quán cà phê và nhà hàng có không gian thích hợp để tụ họp.
Các địa điểm, không gian tổ chức sự kiện có thu phí.
Và rất nhiều địa điểm mới được mở ra hàng tháng.
Chuyện gì sẽ xảy ra nếu hoạt động lên kế hoạch tại Xưởng Sáng Kiến vô tình thu hút và lấy đi các thành viên, nhân sự cũng như nguồn lực từ các tổ chức khác?
Sự thành công của một Hải Đăng là địa điểm cụ thể dựa vào chỗ đứng của nó trong hệ sinh thái. Cụ thể, Hải Đăng càng độc đáo thì nó càng nhiều khả năng hoạt động hiệu quả hơn. Chính vì vậy, trước khi xây dựng Hải Đăng, hãy cân nhắc xem bạn có thể mang đến điều gì hoàn toàn khác biệt và mới lạ cho cộng đồng hay không?
Hướng Tiếp Cận
Khi làm việc cùng các đối tác trong cộng đồng, ASU đã thực hiện quy trình lập sơ đồ Hải Đăng cụ thể bao gồm:
• Đánh giá những địa điểm đang hoạt động bằng cách thực hiện các cuộc phỏng vấn và vẽ sơ đồ của các địa điểm đó.
• Xác định những điểm mạnh, độc đáo của Xưởng Sáng Kiến.
• Phân tích và xác định đối tượng muốn tiếp cận.
• Xác định rõ các mục tiêu cần đạt được.
• Xây dựng một sơ đồ kế hoạch.
• Xây dựng một kế hoạch truyền thông hợp lý.
Để hỗ trợ cho ASU tăng cường các mối quan hệ đối tác trong trung tâm thành phố, tôi đã phát triển Cấu Trúc Hoạt Động Cho Hải Đăng Là Địa Điểm Cụ Thể, với mục đích giúp họ đưa ra các quyết định đúng đắn khi lập kế hoạch cho Hải Đăng mới.
Mục Tiêu Của Quận Sáng Kiến
Dưới đây là mô tả tổng quan, cơ bản của Quận Sáng Kiến được viết bởi Viện Brookings. Định nghĩa chính xác và cụ thể cho Quận Sáng Kiến Tại Trung Tâm Thành Phố Mesa sẽ được hình thành thông qua Cuộc Đối Thoại Về Hải Đăng.
Quận Sáng Kiến là nơi thúc đẩy sự hình thành và thương mại hóa các ý tưởng, hỗ trợ phát triển kinh tế đô thị bằng cách gia tăng số lượng việc làm và tận dụng các thuộc tính kinh tế riêng biệt. Các quận này vừa được xây dựng dựa trên, vừa khiến chúng ta đánh giá lại các giá trị cơ bản của một thành phố: Sự lân cận, mật độ dân số, mức độ tin cậy và số lượng địa điểm sôi động. Với vị trí đa phần ở gần các khu vực có thu nhập thấp, cùng tình trạng gia tăng đáng kể số lượng công việc chỉ yêu cầu chứng chỉ kĩ năng, sự phát triển của Quận Sáng Kiến sẽ góp phần hỗ trợ những người khó khăn, thiệt thòi trong cuộc sống tiếp cận các cơ hội việc làm và học tập.
Các Bên Liên Quan Của Quận Sáng Kiến
Các bên liên quan của Quận Sáng Kiến là những ai? Những ai là đối tác và là người thụ hưởng chính?
Các Đối Tác Trong Hệ Sinh Thái
Những ai cũng ở chung khu vực địa lý với Quận Sáng Kiến và đang làm việc để hướng đến mục tiêu mà Quận Sáng Kiến theo đuổi? Họ hỗ trợ và phục vụ các đối tượng nào? Mục đích chính của họ là gì?
Mục Đích Cốt Lõi: Xưởng Sáng Kiến
Khoảng trống nào còn tồn tại giữa các địa điểm và tổ chức đã hình thành nên mục đích cốt lõi của Xưởng Sáng Kiến? Hoặc, nói theo cách khác, giá trị độc đáo hay đóng góp khác biệt nào mà Xưởng Sáng Kiến có thể mang lại cho cộng đồng?
a
Các Bên Liên Quan Của Xưởng Sáng Kiến
• Ai đang điều hành (chọn lọc và giám định) quy trình thiết kế của xưởng? (ASU làm được gì so với các bên khác?)
• Ai là người chịu trách nhiệm cho các quyết định của xưởng?
• Quy trình đưa ra quyết định về hoạt động phát triển và tăng trưởng của xưởng là như thế nào?
• Ai là người sẽ chịu ảnh hưởng bởi các quyết định của xưởng?
Hoạt Động Chính
• Những hoạt động, chương trình hoặc sự kiện nào phù hợp để diễn ra tại xưởng?
• Những hoạt động, chương trình hoặc sự kiện nào không phù hợp để tổ chức tại xưởng?
Giao Tiếp Và Liên Lạc
• Những phương tiện giao tiếp và liên lạc nào là cần thiết để đảm bảo tất cả các bên liên quan đều được thông báo, tương tác và cảm thấy phấn khích về không gian tại xưởng?
• Những phương tiện giao tiếp và liên lạc nào cần được sử dụng riêng cho các bên liên quan đặc biệt?
Ví dụ:
→ Bản tin email.
→ Các kênh mạng xã hội (Facebook, Instagram, LinkedIn, Snapchat, TikTok, YouTube).
→ Cổng thông tin điện tử.
→ Tờ rơi.
→ Cuộc họp trực tiếp hoặc trực tuyến.
→ Podcast.
→ Bảng thông tin điện tử.
• Bạn cần sản xuất tư liệu bằng những ngôn ngữ nào để đáp ứng nhu cầu của các bên liên quan? Dịch vụ dịch thuật nào là cần thiết để sử dụng trong các sự kiện hoặc cuộc họp trực tiếp?
• Bạn cần giao tiếp như thế nào, tần suất ra sao với các đối tác trong hệ sinh thái để tạo ra sự phát triển đều đặn, liên tục của xưởng và rộng hơn là Quận Sáng Kiến?
Nhân Sự
Những vị trí, vai trò nào là cần thiết giúp xưởng đạt được các mục tiêu mong muốn?
Ngân sách
• Bạn cần ngân sách như thế nào để hỗ trợ hoạt động thiết kế, phát triển và vận hành liên tục của Xưởng Sáng Kiến?
• Ai là người đang tài trợ phần ngân sách này?
• Các đối tác cam kết tài trợ cho xưởng trong bao lâu?
• Trong ngân sách hiện tại còn xuất hiện lỗ hổng nào không, bạn có kế hoạch gì để thu hẹp hoặc loại bỏ lỗ hổng ngân sách đó?
Tại thời điểm viết sách, Xưởng Sáng Kiến vẫn đang trong quá trình xây dựng và thi công. Chỉ cần xưởng vẫn tiếp tục đặt hệ sinh thái làm yếu tố cơ sở để đưa ra những chiến lược thiết kế và phát triển tương ứng, tôi tin chắc rằng nơi đây sẽ trở thành một Hải Đăng tuyệt vời, hỗ trợ và mang đến giá trị cho cộng đồng trung tâm thành phố Mesa.
Nếu bạn đang có ý định mở ra một địa điểm cụ thể để làm Hải Đăng cho mình, bạn có thể tải xuống mẫu kế hoạch xây dựng Hải Đăng tại đường link: https://pamelaslim.com/ thewidestnet.
CÂU CHUYỆN PHÁT TRIỂN CỦA TILT PARENTING
Sau sự thành công của chuỗi podcast Tilt Parenting, Debbie được tiếp cận bởi một tổng biên tập, người rất yêu thích nội dung cô sản xuất, mến mộ những gì cô đang làm và muốn biết liệu cô có nguyện vọng thực hiện một cuốn sách dành cho các phụ huynh hay không. Lúc đó, vị tổng biên tập không hề biết là Debbie đã có kinh nghiệm viết sách, thế nên, bà rất vui mừng khi nghe cô chia sẻ rằng cô cũng hào hứng với việc xuất bản sách về Tilt Parenting. Ngay sau đó, hai bên đã xác nhận hợp tác, đánh dấu cho sự ra đời của Phương Pháp Để Nuôi Dạy Một Đứa Trẻ Đặc Biệt Giữa Một Xã Hội Bình Thường, xuất bản bởi Nhà Xuất Bản Workman vào năm 2018.
Chỉ trong một thời gian ngắn, số lượng người theo dõi Debbie trên tài khoản mạng xã hội đã tăng vọt lên đến 40.000 người, podcast của cô cũng lọt top 5 podcast về nuôi dạy trẻ hàng đầu thế giới. Cô quyết định thành lập Câu Lạc Bộ Đặc Biệt, một cộng đồng có trả phí, vào mùa thu năm 2019. Đây chính là sản phẩm cốt lõi của Debbie, nơi cô thực hiện hoạt động hỗ trợ, tư vấn chuyên sâu cho các cha mẹ có con là trẻ đặc biệt. Ngoài ra, Debbie còn mở thêm một số hội thảo với mức phí thấp hoặc trả theo ý muốn cùng các tác giả, chuyên gia nuôi dạy trẻ em khác, đồng thời tham gia diễn thuyết tại những hội nghị, trường học, tổ chức liên quan để có thể truyền bá thông điệp rộng rãi hơn. Vào tháng Ba năm 2021, chuỗi podcast Tilt Parenting đã cán mốc ba triệu lượt tải xuống, thể hiện mức độ quan tâm sâu sắc của xã hội nói chung và cộng đồng các bậc phụ huynh nói riêng đối với những kiến thức mà Debbie mang lại.
Là người theo dõi Tilt Parenting từ giai đoạn khởi đầu, tôi đã hỏi Debbie về lý do cô chọn podcast để làm Hải Đăng, và nhận được câu trả lời rằng:
Podcast chính là yếu tố mang lại tất cả thành công tôi có bây giờ. Khi ra mắt Tilt, tôi thực sự bắt đầu từ con số 0 tròn trĩnh – tôi không có danh sách khách hàng, không có người theo dõi trên mạng xã hội, không gì cả. Podcast giúp tôi có được một sản phẩm hoàn toàn khác biệt để chia sẻ với những cộng đồng tôi tham gia, cho phép tôi dễ dàng quảng bá và lan tỏa rộng rãi các thông điệp, và đặc biệt là tạo cơ hội để khán giả biết đến con người thật của tôi. Tôi nghĩ podcast là một phương tiện truyền thông đậm tính cá nhân, bởi người thực hiện nó là những người thật sự có chung hoàn cảnh với khán giả và cũng dễ bị tổn thương như họ. Khi các khán giả của tôi lắng nghe podcast tôi thực hiện, họ có thể cảm nhận được sự kết nối ngay tức khắc, và vì vậy, họ sẽ muốn tôi tham gia chung nhóm với họ. Cảm giác gần gũi, thân thuộc và đồng cảm này chính là chìa khóa giúp tôi thúc đẩy sự phát triển cộng đồng của mình.
BÀI TẬP: Mẫu Kế Hoạch Xây Dựng Hải Đăng
Hải Đăng Chính của tôi là (chọn một đáp án):
☐ Bản tin email:
☐ Podcast:
☐ Blog:
☐ Các buổi họp mặt thường xuyên:
☐ Sự kiện thường niên:
Kênh mạng xã hội vệ tinh: (Điền một kênh vào chỗ trống: )
Tôi có địa điểm cụ thể nào làm Hải Đăng hay không? Có/Không
Các Kênh Vệ Tinh Phụ của tôi là (Tôi sẽ đăng chéo nội dung từ Hải Đăng Chính trên các kênh nào? Khoanh tròn tất cả đáp án phù hợp.):
Twitter Facebook LinkedIn YouTube SnapChat TikTok Pinterest
Kênh khác:
Tôi muốn chia sẻ loại nội dung nào trên Hải Đăng Chính của mình?
Chọn tất cả các đáp án phù hợp:
☐ Bí quyết hoặc hướng dẫn thực hiện.
☐ Các câu chuyện dài, chi tiết.
☐ Câu chuyện khách hàng.
☐ Các nội dung, đường dẫn có chọn lọc từ các kênh khác.
☐ Các nội dung khác:
Tôi muốn chia sẻ các nội dung trên Hải Đăng với tần suất như thế nào?
Hàng ngày.
Hàng tuần.
Hai tuần một lần.
Hàng tháng.
Tôi sẽ thống nhất hình ảnh thương hiệu của mình với các nội dung được chia sẻ trên Hải Đăng như thế nào? (Bạn hãy điền chi tiết cách thức vào mỗi mục ở dưới):
Tiếng nói thương hiệu:
Diện mạo/cảm nhận:
BẠN ĐÃ SẴN SÀNG ĐỂ BÁN HÀNG CHƯA?
Vì nhiều lý do khác nhau, một số chủ doanh nghiệp, mặc dù rất thích chia sẻ những nội dung hữu ích cũng như xây dựng cộng đồng thông qua Hải Đăng, vẫn cảm thấy lo lắng khi bước sang giai đoạn chào mời và bán sản phẩm.
Quá trình mang tới khách hàng các quan điểm cá nhân, đồng thời giải quyết các vấn đề cho họ luôn là một phần vô cùng quan trọng trong vận hành doanh nghiệp, dẫu vậy, đừng quên rằng bạn vẫn cần có doanh thu ổn định để duy trì và phát triển công ty của mình.
Qua nội dung ở chương tiếp theo, bạn sẽ thấy được rằng bán hàng thực sự có thể là một trải nghiệm thoải mái và tự nhiên với khách hàng lý tưởng của bạn, và thậm chí giúp tăng cường niềm tin và kết nối giữa đôi bên thay vì phá hủy nó.
Bán hàng trong hạnh phúc không phải là một cặp từ nghịch hợp đâu. Rồi bạn sẽ thấy!