Trên thực tế, không khó để bạn có thể tìm thấy thông tin của các công ty đã từng vi phạm đạo đức nghiêm trọng. Các tờ báo, trang báo kinh doanh hiện nay đăng tải rất nhiều những câu chuyện về lãnh đạo các tổ chức đã có hành vi lừa dối nhà đầu tư, lợi dụng, bóc lột nhân viên hoặc gây ô nhiễm môi trường. Tất cả mọi người, ai cũng có những câu chuyện riêng về các hoạt động trái với chuẩn mực đạo đức của một số công ty mà họ đã từng làm việc hoặc hợp tác kinh doanh cùng. Một nhân viên bị sa thải một cách bất công, các hành vi quấy rối bị che đậy thay vì được xử lý, những sản phẩm kém chất lượng không thể hoàn trả, v.v... chỉ là một vài ví dụ trong rất nhiều những câu chuyện đáng buồn của các doanh nghiệp. Liệu đây có phải là hình ảnh người lãnh đạo bạn muốn trở thành không? Và đây có phải là những gì mà bạn muốn công ty của bạn được biết đến hay không?
Bạn cần biết rằng, mục đích kinh doanh của bạn sẽ thiết lập nên mục tiêu mà bạn muốn đạt được với doanh nghiệp của mình, cũng như cách thức mà bạn sẽ thay đổi thế giới trở thành nơi tốt đẹp hơn. Giá trị của bạn chính là những niềm tin, triết lý và nguyên tắc thúc đẩy doanh nghiệp. Chúng là những kim chỉ nam dẫn lối cho từng hành vi và hành động – từ lớn đến nhỏ – để bạn có thể đạt được mục đích lớn nhất cho doanh nghiệp của mình.
Những giá trị trong doanh nghiệp của bạn sẽ giúp bạn xác định:
• Bạn sẽ và sẽ không hợp tác kinh doanh với ai, tại sao như vậy?
• Cách bạn đưa ra những quyết định quan trọng.
• Loại văn hóa doanh nghiệp nào sẽ khiến cho sứ mệnh của bạn trở nên thú vị, đáng quan tâm hơn?
• Cách bạn sẽ chọn những đối tác phù hợp nhất để mở rộng hoạt động kinh doanh.
• Bạn sẽ tuyển dụng ai để làm việc trong công ty của bạn.
• Bạn sẽ hành xử như thế nào tại công ty và trong công việc của mình.
Các giá trị thông thường sẽ bao gồm:
• Chính trực.
• Trung thực.
• Vui vẻ.
• Tin cậy.
• Sáng tạo.
Bạn có thể tìm kiếm các ý tưởng và cách diễn đạt cho các giá trị của mình qua Bài Trắc nghiệm Điểm mạnh VIA Character Strengths tại trang web: https://www.viacharacter.org/.Nếu bạn thấy rằng các giá trị được biểu thị dưới dạng từ đơn không đủ rõ ràng đối với bạn, bạn có thể sử dụng một công cụ có tên là “Luôn luôn và Không bao giờ” của người bạn và cũng là người đồng nghiệp của tôi, Greg Hartle.
LUÔN LUÔN VÀ KHÔNG BAO GIỜ
Greg Hartle là một doanh nhân đã thành lập và bán đi nhiều công ty. Với những trải nghiệm sẵn có, anh ấy sở hữu một góc nhìn rất thực tế về việc điều hành doanh nghiệp, cũng như một quan điểm vô cùng sâu sắc về vấn đề đạo đức trong kinh doanh. Tôi đã hỏi anh ấy làm thế nào để chúng tôi có thể chuyển đổi từ các giá trị chung chung như “công bằng” hay “trung thực” thành các mô tả cụ thể, dựa trên các hành vi để thể hiện rằng chúng tôi đang đưa các giá trị của mình vào hành động thực tiễn.
Một phương pháp mà anh ấy đã chia sẻ đó là tạo danh sách Luôn luôn và Không bao giờ. Ví dụ, tại một trong những doanh nghiệp của Greg, có một quy tắc Luôn luôn là:
Bất kỳ cam kết nào được thực hiện với khách hàng đều được lập thành văn bản, chia sẻ với khách hàng và được ký bởi người quản lý. Bằng cách này, tất cả chúng ta đều biết chính xác những gì đã được cam kết, và chúng ta sẽ làm tất cả trong khả năng của mình để thực hiện được cam kết đó.
Những Điều Không Bao Giờ
Dưới đây là một số ví dụ về những điều Không Bao Giờ của các chủ doanh nghiệp tôi làm việc cùng:
Có các cuộc họp vào sáng sớm.
Hủy lời hứa với gia đình để làm việc hay kiếm tiền.
Nói ra một lời hứa mà mình không thể thực hiện được.
Bóp méo bản thân và sự chính trực của mình để giành được một khách hàng.
Nói với một người rằng họ không thể thực hiện việc thay đổi trang web của họ vì họ sẽ làm hỏng nó.
Những Điều Luôn Luôn
Và đây là một số ví dụ về những điều Luôn Luôn:
Cho khách hàng biết rằng họ quan trọng, cuộc sống của họ có ý nghĩa, và tôi rất trân trọng họ.
Nói sự thật.
Thể hiện 100% khả năng tiếp thu và thấu hiểu.
Yêu quý khách hàng, và luôn vui vẻ!
Tập trung vào việc tìm giải pháp.
Sử dụng những từ mang nghĩa tuyệt đối như “luôn luôn” và “không bao giờ” sẽ khiến bạn phải phân biệt những điều có-thì-tốt với những điều bắt-buộc-phải-có. Bạn có thể nói, “Tôi sẽ không bao giờ làm việc với một khách hàng không tử tế hoặc thiếu tôn trọng với mình.” Liệu bạn có sẵn sàng bảo vệ quan điểm này ngay cả khi bạn sắp mất nhà và cách duy nhất để cứu ngôi nhà của bạn đó là làm việc với vị khách không tử tế kia hay không? Liệu bạn có giữ được ý kiến của mình nếu làm việc với vị khách đó sẽ giúp bạn đạt được mục tiêu cả đời là gặp và phỏng vấn John Legend hay không? (Tất nhiên đây chỉ là những giả thuyết, thật may là tôi chưa phải trải qua những việc này!)
Ranh Giới Đạo Đức
Việc xem xét kĩ lưỡng những điều tuyệt đối “luôn luôn” và “không bao giờ” đẩy bạn đến một ranh giới, được Greg gọi là “Ranh giới Đạo đức”. Nếu bạn vượt qua ranh giới đó, có nghĩa là bạn đã vi phạm nghiêm trọng vào chuẩn mực đạo đức của mình.
Trong quãng thời gian làm việc với tư cách là nhà tư vấn hướng nghiệp, tôi đã gặp rất nhiều người từng đi quá Ranh giới Đạo đức của họ và phải chịu tác động, hậu quả nặng nề từ việc đó. Việc vi phạm đạo đức, trước tiên, sẽ khiến bạn mất cân bằng về cảm xúc và tinh thần, kéo theo đó là cảm giác sợ hãi thường trực. Trạng thái này có thể dẫn đến triệu chứng hoang tưởng, ví dụ như bạn có thể đột nhiên cho rằng có ai đó ngoài kia đang đến để bắt bạn. Hoặc, bạn thường xuyên cảm thấy trống rỗng, vô cảm với mọi điều xung quanh.
Tác Động Mạnh Mẽ Của Quá Trình Thẩm Định
Tôi luôn gặp khó khăn khi nhìn mọi vấn đề trong cuộc sống với góc nhìn tuyệt đối. Có quá nhiều những khía cạnh, những sự việc nằm trong “vùng xám” khó mà phân định đúng sai, bởi chúng được sinh ra dưới nhiều tác động ngoại cảnh khác nhau. Tuy vậy, ngay cả khi mọi thứ liên tục dịch chuyển như hiện nay, có một số phạm vi và lĩnh vực mà bạn biết rõ rằng sẽ không thể thay đổi. Xác định rõ những phạm vi và lĩnh vực đó chính là nền tảng để xây dựng văn hóa tổ chức của bạn.
KHI BẠN ĐẠT ĐƯỢC MỤC TIÊU CỦA MÌNH NHƯNG NHẬN RA ĐÃ ĐI LỆCH VỚI SỨ MỆNH GỐC RỄ BAN ĐẦU
Jeff Goins thành lập doanh nghiệp riêng với sứ mệnh là được làm những công việc khiến anh hạnh phúc, được mang đến những chia sẻ hữu ích cho mọi người về cách mà anh tạo nên những thay đổi tích cực về bản thân và kiến thức chuyên môn.
Với kinh nghiệm là một tác giả, chuyên gia viết thuê và đồng thời là giáo viên dạy viết, Jeff đã xây dựng một số lượng lớn các khóa học trực tuyến với trải nghiệm học tập ấn tượng, thúc đẩy doanh nghiệp của anh phát triển nhanh chóng.
Trong thế giới của các doanh nghiệp trực tuyến, đạt được doanh thu 7 con số là cột mốc quan trọng mà rất nhiều người hướng đến. Ai mà không muốn chia sẻ với họ hàng và những người thân trong một bữa ăn gia đình rằng ý tưởng kinh doanh kỳ cục khiến anh ta từ bỏ cả sự nghiệp ổn định tại tập đoàn lớn để theo đuổi bây giờ đã thu về được cả triệu đô la một năm? Đó là những gì Jeff Goins đã từng nghĩ khi đang chăm chỉ học hỏi và làm theo lời khuyên của những bạn bè là doanh nhân và những huấn luyện viên của anh.
Jeff đã xây dựng được một đội ngũ nhân viên mẫn cán và ủy thác phần lớn công việc của anh cho họ. Không những vậy, anh còn tăng cường thêm các hoạt động tiếp thị và thu hút khách hàng tiềm năng trong tương lai. Nếu Jeff có thể giữ được tiến độ này từ ba đến bốn năm nữa, anh biết chắc rằng anh sẽ tiến đến một vị trí tuyệt vời, nơi mà anh có thể để người khác điều hành công việc kinh doanh thay mình và ngồi yên hưởng thụ lợi nhuận công ty thu được.
Vào một buổi sáng nọ khi đang làm bánh kếp cho lũ trẻ, một cảm giác bỗng ập đến với anh: Anh cảm thấy mất phương hướng. Jeff mô tả về thời điểm đó là:
Tôi mất phương hướng trong việc giữ bản thân là một người nghệ sĩ bởi vì tôi đang cố gắng xây dựng một hình ảnh không chân thực với mình. Sự mất phương hướng này không hề liên quan đến việc tôi đã kiếm được bao nhiêu tiền hay tôi đang quản lý bao nhiêu người. Nó liên quan đến mục đích đằng sau những hành động của tôi. Tôi đã có một mong muốn to lớn đó là được cảm thấy bản thân mình quan trọng. Và tôi thấy mọi người xung quanh mình, bao gồm cả người bạn Michael Hyatt, anh ấy chính là huấn luyện viên của tôi và là người đã đi trước tôi 30 năm trong việc xây dựng và điều hành các tổ chức. Bằng cách nào đó, tôi đã có một suy nghĩ điên rồ rằng tôi hoàn toàn có thể làm được những điều anh ấy đã làm.
Vấn đề lớn nhất là các công việc mà Jeff đang làm hoàn toàn không phải là những việc anh thích thú và quan tâm đến khi thành lập doanh nghiệp riêng. Jeff chủ yếu đang quản lý các nhà thầu phụ, trả lời email, và ám ảnh về tỷ lệ mở email của khách hàng. Anh không hề tập trung vào việc anh yêu thích nhất – nghiên cứu sâu về quá trình viết và sáng tác, giảng dạy và hướng dẫn mọi người những kiến thức đó.
Bên cạnh những hoạt động và công việc không mấy hấp dẫn hay tràn ngập năng lượng, tình hình tài chính của công ty cũng không thực sự khả quan. Mặc dù công ty của anh đã thu về được hơn một triệu đô la một năm, tuy nhiên, sau khi thanh toán hết chi phí nhân sự, chi phí hoạt động kinh doanh và tiền thuế, tiền lương của Jeff chỉ còn lại gần 80.000 đô la. Mức thu nhập không cao là điều dễ hiểu trong một vài năm đầu khi mở rộng quy mô kinh doanh, dẫu vậy, anh vẫn không tránh khỏi cảm giác buồn phiền khi thấy toàn bộ công sức làm việc của mình không mang lại được mấy thành quả.
Jeff nhận ra rằng con đường mình đang theo đuổi không hề bền vững, bởi vì anh không xây dựng doanh nghiệp dựa trên sứ mệnh của mình hay các giá trị của công ty. Cảm thấy rối bời, anh tìm đến Seth Godin, người sau đó đã dành ra 30 phút nói chuyện qua điện thoại và phân tích về các lựa chọn cho công ty của Jeff. Jeff kể lại:
Seth nói với tôi hai viễn cảnh, một là tôi có thể trở thành Giám đốc Điều hành, tập trung phát triển công ty mình thành một doanh nghiệp lớn, trị giá 50 đến 100 triệu đô la và có khả năng thay đổi cả thế giới. Hai là, tôi có thể chỉ kiếm khoảng 1,2 triệu đô la một năm và tuyển dụng một nhóm nhỏ nhân viên hỗ trợ tôi trong công việc. Sau đó, khi đã trả tất cả chi phí cần thiết và thuế, tôi có thể gửi một nửa thu nhập còn lại vào ngân hàng, để dành cho những lúc các tác phẩm nghệ thuật của tôi không mang về được lợi nhuận.
Sau cuộc điện thoại đó, Jeff hiểu ra anh cần phải làm gì. Anh lập tức gọi cho huấn luyện viên của mình để nói rằng anh quyết định thay đổi định hướng kinh doanh.
Trong khoảng thời gian tầm một năm sau đó, Jeff đã cắt giảm nhóm nhân sự, thu nhỏ hoạt động và quay trở lại làm công việc đã đưa anh ấy đến với kinh doanh ngay từ đầu: Viết và chia sẻ hành trình chuyên môn của mình để giúp đỡ những người khác. Trớ trêu thay, sự thay đổi tưởng chừng rất lớn này không gây ảnh hưởng quá nhiều đến tổng doanh thu của Jeff, mà lại tác động đáng kể đến lợi nhuận của anh: Thay vì thu được 80.000 đô la, anh đã mang về đến 600.000 đô la.
Quá trình chuyển đổi, tuy vậy, là một quá trình không hề dễ dàng
Thực sự rất khó để nói với các thành viên vô cùng đáng giá và tuyệt vời trong công ty của mình rằng công ty sẽ theo đuổi một con đường mới và do đó sẽ phải chia tay các bạn. Thật lòng, quyết định này đã khiến tôi có chút xấu hổ với những người bạn cũng là chủ doanh nghiệp, cũng đã trải qua ba năm gian khổ để xây dựng công ty riêng và bây giờ họ đang sống một cuộc sống hoàn toàn thảnh thơi. Nhưng ngay lập tức, cảm giác nhẹ nhõm trong tôi xuất hiện, bởi vì tôi nhận ra có thể lựa chọn này không bao giờ đúng với mình nhưng nó thực sự đúng đắn với một người khác. Và mọi thứ hoàn toàn ổn, chúng tôi đều đã có được lựa chọn phù hợp cho riêng mình.
Bốn năm sau quyết định theo đuổi lại sứ mệnh ban đầu, Jeff đã thành lập thành công một công ty chuyên nhận viết thuê và thực sự hào hứng về việc mở rộng quy mô kinh doanh. Lần này, anh quyết định sẽ làm điều đó một cách thật phù hợp với đam mê, nhất quán với sứ mệnh và giá trị của bản thân mình.
BÀI TẬP: Xác Định Những Điều Luôn Luôn Và Không Bao Giờ Của Bạn
1. Lấy một tờ giấy hoặc một quyển tài liệu, vẽ hai cột “Luôn luôn” và “Không bao giờ” trong đó.
2. Liệt kê càng nhiều điều càng tốt trong mỗi cột.
3. Xem xét lại từng điều trong danh sách và đặt câu hỏi: “Liệu tôi có thể nghĩ ra một ngoại lệ hợp lý cho quy tắc này?” Nếu có, hãy gạch mục đó khỏi danh sách.
4. Rút gọn dần danh sách và chỉ để lại những quy tắc mà bạn cảm thấy rõ ràng, khả thi và hữu ích trong việc định hướng các hoạt động của doanh nghiệp.
5. Bạn có thể thực hiện danh sách này cùng với các thành viên trong nhóm.
6. Xem lại một lượt danh sách các dự án chính của bạn, các bước vận hành kinh doanh và các chiến lược tiếp thị.
7. Tự hỏi bản thân: “Căn cứ theo danh sách Luôn luôn và Không bao giờ, tôi có cần điều chỉnh lĩnh vực gì trong doanh nghiệp của mình không?”
8. Thực hiện các điều chỉnh cần thiết.
9. Ngủ ngon hơn, và bạn sẽ thấy doanh nghiệp của bạn ngày một phát triển sau những điều chỉnh trên.
Bây giờ, bạn đã có thể tự tin rằng các giá trị và sứ mệnh của bạn đã được xác định rõ ràng, chúng ta sẽ chuyển sang bước tiếp theo trong Phương pháp Bùng Nổ Mạng Lưới Kinh Doanh Đa Chiều, bước sẽ giúp bạn đổi mới cách tiếp thị và mở ra vô số cơ hội phát triển doanh nghiệp: Xác định khách hàng lý tưởng của bạn.