N
ằm ngay dưới đại não và trước tiểu não là thân não. Nếu ta hình dung đại não như một ngôi sao nhạc rock nổi tiếng thế giới đang trong một tour diễn, thì tiểu não sẽ là biên đạo múa, quyết định từng động tác của đại não, và thân não sẽ là người quản lý, người chịu trách nhiệm điều phối tất cả thông tin cần thiết để đảm bảo tour diễn diễn ra trôi chảy và ngôi sao nhạc rock có được mọi thứ mình cần để tỏa sáng. Thân não nhỏ hơn đại não nhiều, nhưng nó chịu trách nhiệm cho tất cả chức năng giúp cơ thể hoạt động, và nó là con đường chính chịu trách nhiệm chuyển hàng triệu tin nhắn cần chuyển đến và đi giữa não bộ và cơ thể.
Não bộ bắt đầu định hình sau khoảng ba tuần thụ thai, khi ống thần kinh bắt đầu đóng lại và những khớp thần kinh đầu tiên của hệ thần kinh trung ương cho phép bào thai chuyển động. Khi đó thân não phát triển và điều phối các chức năng quan trọng cần thiết như nhịp tim, hít thở và huyết áp – tạo ra khả năng cho cuộc sống bên ngoài bụng mẹ. Những vùng cấp cao hơn của bộ não – hệ viền và vỏ não – còn rất nguyên sơ khi trẻ mới sinh, dành thời gian cho trải nghiệm và môi trường sống thành hình nó một cách toàn diện. Kiểu thành hình và phát triển của những vùng cấp cao của não bộ thông qua kinh nghiệm này không bao giờ kết thúc – không có sự về hưu dành cho não bộ, mọi trải nghiệm đều quan trọng.
Noel bước vào phòng cấp cứu than thở về chứng đau đầu, buồn nôn và ói mửa. Cô có chồng và hai đứa con đi cùng, một bé gái bốn tuổi và một bé trai sáu tuổi. Cặp đôi đang ở độ tuổi đầu ba mươi và Noel đang mang thai tám tháng. Đau đầu và buồn nôn có thể là triệu chứng bình thường của thai kỳ, nhưng bắt đầu từ quý thứ ba của thai kỳ, sự tấn công đột ngột của những triệu chứng này kèm theo tăng huyết áp có thể là dấu hiệu của chứng tiền sản giật, một tình trạng nguy hiểm cho cả mẹ và con. Tôi tình cờ có lịch on-call(1) vào sáng hôm đó và đang khám bệnh trong bệnh viện khi cả gia đình ấy tới. Bác sĩ sản khoa đã được gọi ngay nhưng ông chưa kịp đến bệnh viện khi Noel bất ngờ ngã xuống trong phòng cấp cứu và bất tỉnh.
(1) Trực on-call: Ca trực không thường trực ở bệnh viện nhưng sẽ có mặt khi được gọi.
Lúc tôi đến được chỗ cô, cô đã được đặt ống thở và đang chụp cắt lớp vi tính não bộ. Trong quá trình chụp cắt lớp, sinh hiệu của cô bắt đầu hỗn loạn và huyết áp trở nên vô cùng bất ổn. Nhìn vào hình ảnh cắt lớp, tôi có thể thấy nơi vốn là thân não của cô hiện đã hoàn toàn bị thế chỗ bằng máu. Noel đang lâm vào một ca xuất huyết não trầm trọng – xuất huyết nội mô – chứng bệnh mà người bệnh thường không thể hồi phục. Chúng tôi bắt đầu những nỗ lực hồi sức cấp cứu tại chỗ ngay trong máy chụp cắt lớp, nhưng tôi chẳng dám hy vọng gì nhiều. Tôi không thấy bất cứ tín hiệu nào của sự phản xạ từ thân não – những chuyển động vô thức vốn xảy ra khi thân não vận hành tốt. Đồng tử của cô không chuyển động và đã giãn ra. Cô đã hoàn toàn mất phản ứng.
Cơ thể của Noel vẫn sống, nhưng não của cô đã chết.
Tôi kê đơn thuốc ổn định huyết áp cho cô và gọi phòng mổ để bảo họ chuẩn bị sẵn sàng.
– Gọi một bác sĩ sản khoa ngay lập tức. – Tôi hét lên với y tá. – Đứa bé này cần được lấy ra ngay bây giờ, nếu không nó sẽ chết.
Tôi chạy theo băng ca, hướng đến phòng mổ, cầu nguyện bác sĩ sản khoa có mặt kịp thời. Đội ngũ nhân viên phòng mổ đã nhanh chóng chuẩn bị cho một ca phẫu thuật lấy thai khẩn cấp(2). Chúng tôi đẩy cô ấy vào phòng phẫu thuật. Bác sĩ nhi khoa đã có mặt, nhưng không thấy bác sĩ sản khoa. Huyết áp của Noel đã bắt đầu tuột nhanh và nhịp tim của cô trở nên thất thường hơn. Và rồi đột nhiên tất cả mọi người nhìn về phía tôi. Không còn thời gian nữa. Đã hai mươi năm trôi qua từ lúc tôi quẩn quanh ở khoa sản với vai trò bác sĩ thực tập, nhưng chẳng có bác sĩ phẫu thuật nào khác trong phòng mổ cả. Trừ khi tôi làm cái gì đó, nếu không đứa bé sẽ chết. Tôi sắp phải thực hiện một ca mổ lấy thai và giúp đứa bé ra đời.
(2) Nguyên văn: C-section, phẫu thuật mở tử cung, hay còn gọi là thủ thuật caesarean.
Không còn thời gian để chần chừ hay để chuẩn bị sơ bộ. Noel đã chết não. Và tôi biết chúng tôi sẽ không thể duy trì huyết áp của cô lâu hơn.
Chúng tôi đặt cô lên bàn mổ. Bác sĩ gây mê nhanh chóng gây mê cho cô, tôi lập tức chuẩn bị và kéo rèm phẫu thuật. Tôi nhìn quanh một lần nữa và cầu nguyện vị bác sĩ sản khoa bước vào. Nhịp tim của cô ấy bỗng nhiên bắt đầu mất nhịp với những đốm sáng trên màn hình máy đo điện tâm đồ (EKG). Bác sĩ gây mê nhìn tôi và nói:
– Huyết áp của cô ấy đang tuột nhanh. Chúng ta đã dùng đủ lượng thuốc mê. Anh cần hành động ngay.
Tôi có thể cảm nhận mồ hôi đổ ra trên trán và nhận thấy mình đang thở gấp. Tôi sợ. Rồi tôi nhắm mắt và bắt đầu thở chầm chậm. Hít vào thở ra, hít vào thở ra. Và tôi đã trở lại cửa hiệu ảo thuật ấy. Tôi cầm dao mổ lên, rạch mở phần bụng của cô ra, và sau đó đến tử cung của cô. Tôi luồn tay vào trong thân người cô và lôi đứa bé ra ngoài. Có một vết cắt mảnh nhỏ xíu trên trán đứa bé do con dao mổ mà tôi dùng để rạch bụng của Noel, nhưng trừ chuyện đó ra thì đứa bé vẫn sống và khỏe mạnh. Tôi chuyền đứa bé cho bác sĩ nhi khoa, cắt và thắt dây rốn, và tôi khâu bụng Noel lại.
Tim của cô ngừng đập ngay sau khi đứa con trai bé bỏng của cô chào đời.
Trong trường Y, người ta không dạy bạn bất cứ thứ gì về việc làm thế nào để nói với người chồng và hai đứa con nhỏ rằng vợ và mẹ của họ đã không còn. Ta không thể là con người mà không cảm nhận được nỗi đau của những thân nhân. Hết cơn sóng này đến cơn sóng khác của buồn đau, giận dữ, chối bỏ và tuyệt vọng. Đó là lý do mà nhiều bác sĩ chỉ đơn giản nói: “Tôi đã làm hết sức có thể. Tôi rất tiếc”. Rồi họ lập tức rời đi, để lại cho một giáo sĩ bệnh viện hoặc một nhân viên khác thu nhặt những mảnh vỡ. Không có thực tế đơn giản nào trong việc báo với người chồng rằng vợ anh ta đã mất. Không lời xin lỗi nào có thể xoa dịu nỗi đau của đứa trẻ chưa thể ý thức được rằng cái ngày khủng khiếp này có nghĩa là mẹ nó sẽ không bao giờ có thể làm cho nó một chiếc bánh sandwich bơ đậu phộng lần nữa, hay kể nó nghe một câu chuyện, hay ôm hôn và dỗ dành nó sau mỗi lần nó vấp ngã.
Tôi dẫn chồng Noel ra một chỗ, rồi kể lại với anh những gì đã xảy ra. Anh nhắm mắt lại, nhoài người về phía tôi, nức nở trong một tiếng khóc thê lương của đau đớn và tuyệt vọng. Tôi chẳng thể làm gì khác ngoài việc ôm lấy anh khi anh khóc. Hai đứa trẻ nhìn thấy cha chúng khóc, cũng bắt đầu khóc theo. Tôi cố hết sức để tạo không gian cho nỗi đau của gia đình này. Tôi cố nói với chồng của Noel về đứa bé, nhưng anh không thể nghe thấy gì ngoài sự thật là vợ anh đã qua đời.
Khi ngồi cùng họ, tôi để ý trước tấm áo phẫu thuật của mình là những vệt máu li ti. Là máu của Noel ư? Hay là máu trên trán đứa trẻ? Chuyện đó có quan trọng không? Thật khó để chúc tụng một sự ra đời trong khi ta đang đau buồn vì một người đã khuất, nhưng chẳng phải đó là những gì vốn diễn ra trong đời sao? Chúng ta được sinh ra, và chúng ta chết đi, và mọi thứ diễn ra giữa hai cột mốc đó có thể nói là hoàn toàn ngẫu nhiên, bất chấp mọi logic. Lựa chọn duy nhất chúng ta có là cách chúng ta đáp lại từng khoảnh khắc quý giá được ban cho. Trong khoảnh khắc đó, chẳng có gì khác ngoài đau đớn, và lựa chọn của tôi là an ủi và chia sẻ nỗi đau cùng họ hoặc là cứ thế bỏ đi.
Tôi ở lại với họ, nhưng trong bao lâu thì tôi không biết. Tôi chỉ biết mình đã làm tốt nhất có thể để ở bên họ.
Não của Noel đã chết và mọi chức năng sống chúng ta vẫn thường cho là hiển nhiên cũng theo đó mà ngừng lại. Và giờ đứa con trai của cô là người sở hữu bộ não hiện đang trải nghiệm thực tại của thế giới lần đầu tiên. Một lần nữa, sự ngẫu nhiên và tùy tiện của thế giới này. Trải nghiệm và môi trường của chúng ta định hình nên tất cả chúng ta. Hy vọng của tôi là gia đình này sẽ hồi phục từ tấm thảm kịch này, và đứa bé sẽ không phải mang bên mình vết thương vô hình từ câu chuyện nó được sinh ra và sự ngẫu nhiên của cái chết của mẹ nó.
Đây không phải là cái chết đầu tiên tôi chứng kiến với vai trò là bác sĩ phẫu thuật, và cũng sẽ không phải là cái chết cuối cùng.
Đây cũng không phải là lần đầu tiên tôi bước đi khỏi một gia đình với máu dính trên quần áo. Lần đầu tiên xảy ra khi tôi rời nhà đi học đại học, và gia đình đó chính là gia đình tôi.
THÔNG TIN tôi được nhận vào trường Đại học UC Irvine đến với cha mẹ tôi bằng cả sự phấn khích lẫn hoài nghi. Tôi đã từng nói về việc tôi sẽ học đại học, nhưng tôi không nghĩ họ liên kết được mơ ước của tôi với thực tế là tôi đã được nhận và sắp rời đi. Khi ngày tôi khởi hành sắp đến thì cha tôi biến mất. Bất cứ khi nào thấy căng thẳng hoặc có một sự kiện trọng đại nào sắp diễn ra, cha tôi không thể xử lý nó và ông bỏ đi để nỗi sợ, cùng nỗi lo lắng của ông được xoa dịu bằng thứ thuốc mà ông chọn, rượu whisky. Đêm trước ngày tôi rời nhà đi học đại học, tôi đi đi lại lại quanh căn hộ nhỏ xíu của chúng tôi với sự phấn khích và hồi hộp. Mọi đồ đạc thuộc về tôi có thể được gói gọn trong cái túi thể thao lớn của mình. Tôi đã sắp xếp xong mọi thứ trước giờ đi ngủ và sẵn sàng cho cuộc vượt thoát của mình vào hôm sau. Tôi thậm chí còn đi ngủ trong bộ quần áo mà tôi sẽ mặc để đến Irvine chỉ để tôi không phải gói ghém thêm cái gì vào sáng hôm sau nữa và cũng không bỏ lại cái gì. Tôi không thấy bịn rịn hay luyến tiếc gì cả. Tôi đã sẵn sàng để đi khỏi đây rồi. Cha tôi đã đi mất được gần một tuần, dù ông biết rõ ngày mà tôi sẽ lên chuyến xe đi đến Irvine, tôi không chắc liệu tôi có gặp lại ông trước khi đi hay không.
Tôi tự nhủ là tôi không quan tâm. Nhưng thật ra tôi có. Tôi yêu thương cha mình cùng tất cả thiếu sót của ông. Khi ông tỉnh táo và có mặt ở nhà, ông luôn vui tính, thông minh và tốt bụng. Ông là cha tôi.
Khoảng ba giờ sáng là lúc tôi nghe thấy tiếng la hét và đập cửa, và rồi nhiều tiếng la hét hơn. Cha tôi đang ở trước cửa, nghe có vẻ đã say bí tỉ và đang bị nhốt bên ngoài.
Mẹ tôi khập khiễng bước ra khỏi phòng trong chiếc áo choàng tắm, và tôi thấy được nét kinh hãi trên gương mặt bà. Bà không động đậy, không mở cửa và tôi có thể thấy mắt bà mở to nhìn chằm chằm vào cánh cửa. Bà lấy hai bàn tay bịt tai lại, tôi có thể thấy bà đang run rẩy và hoảng sợ. Chúng tôi bàn đến chuyện gọi cảnh sát.
Tiếng la hét bên ngoài ngày một to và tôi biết không lâu nữa cũng sẽ có ai đó gọi cảnh sát. Tôi có một chuyến xe phải đón sau mấy tiếng nữa và tôi không muốn bỏ lỡ nó chỉ bởi tôi phải dành thời gian còn lại của đêm nay để làm việc với cảnh sát khi họ bắt cha tôi. Tôi bước một bước về phía cửa ngay lúc cha tôi tung cú đá xuyên qua tấm gỗ dán rẻ tiền, khiến cánh cửa vỡ vụn gần một nửa. Tôi thấy ông thò tay vào và vặn nắm cửa.
Ông bước vào nhà, la hét còn to hơn lúc trước.
– Khốn kiếp! Đừng bao giờ nhốt tao bên ngoài chính ngôi nhà của tao lần nữa. – Ông rít lên, nhìn thẳng vào tôi.
Gương mặt ông méo mó và đôi mắt tối sầm hoang dại. Mẹ tôi bắt đầu nhích về góc phòng, và chuyển động đó thu hút sự chú ý của ông.
– Tại sao bà không mở cửa?
Ông bắt đầu bước về phía mẹ, và bà lùi dần về sau cho đến khi va vào bức tường. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy cha tôi giận dữ thế này. Thường thì khi say, ông không còn biết trời trăng gì nữa. Ông chưa bao giờ có hành động bạo lực thể xác.
– Không được đến gần mẹ. – Tôi nghe thấy mình lên tiếng.
Tôi không chắc ông có nghe tôi không, ông bước thêm một bước về phía mẹ, người hiện đang như một con chim nhỏ run rẩy trong chiếc áo choàng quá khổ. Trước đây tôi chưa từng vùng lên chống lại cha. Chúng tôi đã ngầm nhất trí trong việc chấp nhận hành vi và thói rượu chè của ông. Nhưng không thể chấp nhận thêm nữa. Không phải lần này.
Tôi bước đến giữa hai người và hét to hơn để khiến ông chú ý.
– Nếu ông bước thêm bước nào, tôi sẽ buộc phải đánh ông. Tôi sẽ, tôi thật sự sẽ làm vậy đấy.
Ông lờ tôi đi và bước thêm một bước hướng về phía mẹ. Tôi có cảm giác như mình đang chuyển động trong một pha quay chậm, hoặc đang cố cử động dưới nước khi tôi bước lên và giơ tay lên. Tôi nắm tay thành nắm đấm và nhắm tới mũi ông. Tôi nghe thấy và cảm nhận được tiếng xương vỡ. Rồi ông ngã xuống, thật mạnh, như một cái cây đổ.
Mẹ tôi hét lên, và tôi nhìn cha đập mặt xuống đất trong khi máu bắn ra và văng khắp nơi. Tôi có thể ngửi thấy mùi cồn trộn lẫn với một thứ mùi nồng nồng, có mùi đồng, mùi kim loại mà tôi biết đó là máu.
Rất nhiều, rất nhiều máu.
Ruột gan dâng lên tới cổ họng tôi và cơn buồn nôn ập đến. Tôi xoay lưng bước về phòng tắm, vừa kịp lúc trước khi trận nôn mửa kéo tới. Tôi quỳ trước bồn cầu và thì thầm thứ gần giống với lời cầu nguyện nhất mà tôi từng nói. Giúp tôi với. Tôi lau miệng bằng tay áo và quay trở lại phòng khách. Cha tôi vẫn nằm úp mặt xuống sàn, không hề động đậy. Tôi đã giết ông rồi ư? Tôi lật người ông lại. Máu và nước mũi chảy thành vệt dài trên mặt ông. Tôi chưa từng nhìn thấy nhiều máu như vậy. Mũi của ông đã bị vẹo và lệch đi một cách kỳ cục sang bên trái khuôn mặt. Thật là thảm họa, tôi không ngừng suy nghĩ, thật là một thảm họa kinh khủng.
Tôi nghe ông rên rỉ rất nhỏ, và khi ông có lại ý thức, tôi đặt đầu ông lên trên đùi mình. Tôi thậm chí không nhận ra mình đang khóc cho tới khi tôi thấy một giọt nước mắt rơi xuống một vũng máu đông trên má ông. Cú đấm làm ông tỉnh rượu. Ông chầm chậm ngước lên và chăm chú nhìn tôi theo cái cách tôi chưa từng thấy trước đây. Ông nói: “Không sao, con trai. Không sao đâu”. Mẹ tôi vẫn không ngừng khóc, nhưng tôi lau khô nước mắt. Trong khoảnh khắc đó, tôi biết rằng mọi thứ giữa hai cha con tôi rồi sẽ khác đi.
Giờ là sáu giờ sáng và chuyến xe của tôi sẽ khởi hành lúc bảy giờ rưỡi. Mẹ đang chăm sóc cho cha, ông giờ đã khá tỉnh táo và đang ngồi uống cà phê trên ghế với hai cục bông trong mũi. Ông nhìn tôi lần nữa, rồi lại cúi xuống. Mẹ bảo tôi rằng bà không muốn tôi lỡ chuyến xe. Và trong khoảnh khắc lạ kỳ đó, tôi đã hôn cả hai người, ôm lấy cả hai và bước qua cánh cửa vỡ vụn, rời khỏi nhà để tới trường đại học. Khi tôi bước về phía xe của bạn mình, chiếc xe sẽ đưa tôi đến trạm xe buýt, tôi để ý thấy có vết máu bắn trên quần. Quá trễ để quay lại và thay đồ. Mà dù sao thì toàn bộ quần áo của tôi cũng đã nằm trong chiếc túi thể thao rồi. Tôi không biết màn tạm biệt của những đứa trẻ khác khi đi học xa nhà lần đầu tiên ra sao, nhưng tôi khá chắc chắn là sẽ chẳng giống thế này.
MẶC DÙ tôi đã được nhận vào đại học, nhưng tôi vẫn chuẩn bị khá tệ trong việc sắp xếp công việc toàn thời gian của mình với trường lớp và học hành. Tôi cũng tham gia chèo thuyền – quyết tâm đạt được chiếc áo khoác huy hiệu của riêng mình. Năm này qua năm khác, tôi dường như là đứa học hành chăm chỉ hơn bất kỳ ai khác – lại chỉ để vừa đủ điểm qua môn. Tôi ngồi xe buýt từ Irvine về Lancaster thường xuyên trong suốt năm đầu tiên, và có những lần khác thì tôi quá giang. Mặc dù tôi học hành chăm chỉ, nhưng có những tuần lễ tôi phải rời trường để chăm sóc mẹ tôi, kiềm chế cha tôi, hoặc giúp họ thoát khỏi hết cơn khủng hoảng này đến cơn khủng hoảng khác. Khi đến thời điểm nộp đơn vào trường Y, không chỉ tôi có điểm GPA được 2,5, mà còn có vẻ như tôi thậm chí không được tốt nghiệp. Như đã lường trước, tôi thiếu điểm thê thảm. Điểm GPA cần để được nhận vào trường Y đợt đó là khoảng 3,8.
Sâu thẳm trong tôi vẫn cảm thấy rằng mình sẽ trở thành bác sĩ. Hình ảnh tôi trong chiếc áo blouse trắng không phải là ảo ảnh, với tôi nó chân thực như thể tôi đang nhìn chính mình trong gương. Trong gần bảy năm ròng rã, tôi đã khắc sâu hình ảnh ấy trong đầu mình, và việc không biến nó thành sự thật với tôi là không thể chấp nhận được. Mặc dù đây là hiện thực trong đầu tôi, nhưng tôi nhận ra một vài đứa bạn học của tôi rất sẵn lòng nhắc nhở tôi rằng với điểm số của mình, tôi sẽ chẳng bao giờ vào được trường Y. Không may, rất nhiều người cho phép người khác quyết định họ có thể hoặc không thể làm gì. Đây là một món khác mà Ruth đã tặng tôi – khả năng tin tưởng vào chính mình và chấp nhận rằng không phải ai cũng muốn tôi có được thành công hay đạt tới những thứ lớn lao. Cả cách làm thế nào để chấp nhận thực tế ấy và không phản ứng lại nó.
Quá trình ứng tuyển vào trường Y bắt đầu từ cuối năm thứ ba của tôi. Tôi khám phá ra rằng một phần của quá trình ứng tuyển của sinh viên UCI phải bao gồm một lá thư giới thiệu sẽ có sau buổi phỏng vấn với ủy ban tiền y tế. Tôi nghiêm túc đi gặp viên thư ký ủy ban tiền y tế để đặt lịch phỏng vấn.
Đến giờ đã một phần tư thế kỷ trôi qua, tôi vẫn nhớ như in hình ảnh cô thư ký, khi cô rút bộ hồ sơ của tôi ra và liếc sơ qua nó, ngước lên nhìn tôi một cách trịch thượng, rồi trở lại lật giở mấy trang giấy. Cuối cùng, cô ta đóng bộ hồ sơ lại và nói:
– Tôi sẽ không xếp lịch phỏng vấn cho em. Em sẽ chẳng bao giờ vào được trường Y. Chỉ lãng phí thời gian của mọi người thôi.
Tôi đứng đó chết lặng. Có được thư giới thiệu từ ủy ban là việc bắt buộc. Đó là bước đầu tiên trong một danh sách dài các bước mà tôi phải thực hiện để được ứng tuyển vào trường Y. Sau bước này sẽ là một mẫu đơn ứng tuyển phải điền vào, một bài luận văn phải viết, và rồi hy vọng có một lời mời phỏng vấn tại trường Y. Rất nhiều vòng mà tôi phải vượt qua, và tất cả những gì tôi cần là một cơ hội để vượt qua chúng.
Tôi hít thật sâu.
– Em nhận thức rõ điều cô nói, nhưng em muốn có một cuộc hẹn.
– Tôi không thể làm vậy. Em không đủ tiêu chuẩn. – Cô ta gõ gõ ngón tay lên xuống trên tập hồ sơ.
Tôi biết mình hơn hẳn bất cứ cái gì được viết trong bộ hồ sơ đó. Bộ hồ sơ đó không phải là tôi. Bộ hồ sơ đó không cho thấy tôi đã làm việc hai mươi lăm giờ một tuần trong khi đang gánh vác toàn bộ trách nhiệm. Nó không cho thấy đã bao nhiêu lần tôi phải rời trường về nhà giải quyết những vấn đề rắc rối của gia đình. Nó không cho thấy tôi thức dậy mỗi năm giờ sáng để chèo thuyền. Nó thật sự chỉ cho thấy được một thứ duy nhất – điểm GPA của tôi – và nếu đó là tiêu chuẩn duy nhất để có được bức thư giới thiệu, vậy thì viên thư ký đã đúng. Tôi sẽ chẳng bao giờ vào được trường Y. Nhưng bộ hồ sơ đó không phải là tôi.
Ruth đã dạy tôi như vậy, và sự tập luyện không ngừng nghỉ của tôi cũng đã giúp tôi tự khám phá ra điều đó. Bà cũng từng bảo tôi rằng tôi không bao giờ được chấp nhận những gì không thể chấp nhận. Tôi phải đấu tranh vì chính mình. Tôi đã vượt qua muôn ngàn trở ngại, không đời nào cái ủy ban này có thể ngăn được tôi. Tôi phải nói chuyện với họ.
– Việc đó là không thể chấp nhận.
– Gì cơ?
– Em sẽ không rời khỏi đây cho đến khi em có được lịch hẹn gặp với ủy ban. – Tôi nói điều đó với sự điềm đạm và trầm tĩnh, và tôi nhìn thẳng vào mắt viên thư ký.
– Tôi thật sự… không thể làm vậy. – Cô ta lặp lại.
Nhưng tôi đã nghe thấy một chút ngập ngừng trong lời cô, một khe hở cho tôi hy vọng.
– Này nhé. – Tôi nói. – Em biết em không đủ tiêu chuẩn. Em biết cô không thường làm thế này. Nhưng cô có thể làm được. Em chỉ cần một cơ hội thôi.
Cô ta lắc đầu lần nữa.
– Em không phải đang cố làm lãng phí thời gian của cô hay của ủy ban, và em cũng không phải đang cố gây khó dễ. Chỉ là em sẽ không rời khỏi đây cho đến khi em có được lịch hẹn. Em không quan tâm mình phải chờ bao lâu. Em chỉ không thể chấp nhận mình là một đứa vô vọng. Em sẽ không chấp nhận chuyện đó.
Không có chút tức giận nào trong giọng nói của tôi. Tôi nghĩ cô ấy hẳn đã nghe ra sự cương quyết và chân thật trong lời nói của tôi. Cô nhìn thẳng vào mắt tôi cả phút.
– Được rồi. – Cuối cùng cô đồng ý. – Thứ Ba tới, ba giờ.
– Cảm ơn cô. Em vô cùng cảm kích điều đó.
Khi tôi quay đi rời khỏi văn phòng, tôi nghe cô lẩm bẩm mấy lời cuối cùng: “Vụ này sẽ thú vị lắm đây”.
Vào ngày gặp mặt, chủ nhiệm khoa của trường Khoa học Sinh học giữ vai trò là một trong những thành viên thường trực của ủy ban. Hình như ông bị kích thích bởi sự tò mò và sự bạo gan của tôi trong việc đòi hỏi một cuộc hẹn đã lan truyền khắp ủy ban.
Viên thư ký chào hỏi tôi nghiêm trang và mở cửa vào phòng hội nghị. Có một cái bàn dài, hình chữ nhật ở cuối phòng, và ba vị giáo sư, bao gồm cả chủ nhiệm khoa đang ngồi đó, mặt lạnh như tiền, tay khoanh lại, ở một phía của cái bàn. Không một nụ cười. Mỗi người đều có một bản hồ sơ và bảng điểm của tôi trước mặt. Có một cái ghế xếp dành cho tôi ở phía còn lại của cái bàn. Ba chọi một… hình như không công bằng. Tôi thì chỉ mới hai mươi tuổi.
Tôi bước vào, nhìn quanh, và nhận ra đây đâu phải là một cuộc gặp mặt. Đây là một tòa án dị giáo.
Và tôi chính là kẻ dị giáo.
– Cậu Doty. – Một thành viên ủy ban lên tiếng, một giáo sư hóa học mà năm ngoái trong lớp của ông tôi chỉ vừa đủ điểm qua môn. – Cậu còn một vài môn chưa hoàn thành, và thành tích học tập của cậu không cho thấy cậu có thể tốt nghiệp chứ đừng nói tới trở thành ứng viên trúng tuyển vào trường Y. Nó cũng không cho thấy dấu hiệu nào là cậu sẽ trở thành một sinh viên y khoa tài giỏi hay chứa bất kỳ đảm bảo nào rằng cậu có sự trui rèn trí óc và trí thông minh để trở thành một bác sĩ.
– Tôi tin rằng cuộc gặp này thật sự chỉ lãng phí thời gian của mọi người ở đây. Cậu có thể thuyết phục chúng tôi nghĩ khác không, cậu Doty? – Một thành viên khác trong ủy ban nói tiếp, một nữ giáo sư có tiếng nghiêm khắc, dù tôi chưa từng gặp bà. – Tôi đánh giá cao việc cậu ép được viên thư ký sắp xếp cuộc gặp này, nhưng kỳ vọng chúng tôi tiến cử cậu đến một nghề nghiệp mà cậu hoàn toàn không có cơ hội thành công là một sự ngạo mạn tột cùng. Trường Y là nơi vô cùng cạnh tranh, tôi chắc cậu nhận thức được chuyện đó, trong khi điểm GPA của cậu thì không.
Tôi nhìn vị chủ nhiệm khoa. Nhưng ông không nói gì cả mà chỉ nhìn tôi với sự tò mò. Ông ở đây chỉ để quan sát.
– Em muốn nói vài điều. – Tôi nói.
– Chúng tôi còn có những lịch hẹn khác, và cậu cứ thoải mái giải quyết trường hợp của cậu, nhưng ngắn gọn thôi.
Cái ghế xếp tôi ngồi thì rất nhỏ, và nó gợi nhớ cho tôi về cái ghế mà tôi đã ngồi hàng giờ đối diện với Ruth trong cửa hiệu ảo thuật. Ruth đã dạy tôi không để cho hoàn cảnh định nghĩa mình. Không để người khác quyết định giá trị của mình. Đúng, không nghi ngờ gì về việc điểm số của tôi quá tệ, nhưng còn có nhiều điều đáng nói hơn điều đó. Tôi hít một hơi thật sâu và đứng lên.
– Ai trao cho các vị quyền hủy hoại ước mơ của người khác? – Tôi ngừng lại một chút rồi tiếp tục. – Năm em học lớp bốn, em đã gặp một người đàn ông, một bác sĩ. Ông đã gieo trong em hạt mầm mơ ước là một ngày nào đó em cũng sẽ trở thành một bác sĩ. Chuyện đó không có vẻ gì thực tế. Chưa từng có ai trong gia đình em học tới đại học. Chưa từng có ai là chuyên gia trong bất cứ lĩnh vực gì, càng không nói đến một người theo ngành Y. Năm lớp tám, em gặp một người phụ nữ, người đã dạy em rằng mọi thứ đều là có thể nếu em tin vào bản thân, nếu ta tắt đi giọng nói trong đầu vốn nói ta là ai chỉ dựa trên việc ta từng là ai. Em lớn lên trong nghèo khó. Em lớn lên trong cô độc. Cha mẹ em đã làm hết sức họ có thể, nhưng họ cũng có những cuộc chiến của riêng họ.
Tôi nhìn một lượt từng thành viên ủy ban. Hai vị giáo sư kia vẫn khoanh tay, nhưng vị chủ nhiệm khoa nhoài người về phía trước một chút. Ông gật đầu nhẹ với tôi ý bảo tiếp tục.
– Em đã nuôi giấc mơ này gần như trọn cuộc đời mình. Nó dẫn lối cho em. Nó chống đỡ em. Nó là điều duy nhất kiên định trước sau như một trong đời em. Đúng vậy, em không phải luôn đạt điểm tốt, nhưng không phải mọi thứ đều nằm trong tầm kiểm soát. Em đã học hành chăm chỉ, thậm chí chăm chỉ hơn hầu hết các bạn, và ngay cả nếu điểm số của em không thể hiện được điều đó, em đảm bảo rằng không có ai từng đến trước ủy ban này mà mang quyết tâm vào trường Y cao hơn em.
Tôi nhìn vào ba người đang nắm tương lai của mình trong tay. Hai trong số họ dường như không còn lắng nghe, và lần đầu tiên sau rất nhiều năm tôi cảm thấy nỗi sợ hãi, bất an tràn qua người mình. Tôi biết cảm giác này. Đó là cảm giác mà suốt mười hai năm đầu đời tôi đã trải qua. Tim tôi bắt đầu đập nhanh hơn. Tôi lại cảm thấy mình là đứa trẻ lạc lối kia, và nỗi hồ nghi bắt đầu quét qua tôi như màn sương mù. Tôi là ai mà nghĩ mình có thể trở thành một bác sĩ? Những người này là người hiểu rõ nhất. Rồi đột nhiên tôi nghe thấy giọng Ruth vang lên trong đầu mình, bảo tôi phải mở lòng ra. Tôi nhắm mắt lại và tôi nhìn thấy nụ cười của Ruth. Con có thể làm được, Jim à, bà nói. Con có thể làm mọi thứ. Con có phép màu ấy bên trong mình. Hãy để phép thuật ấy thoát ra.
Tôi tiếp tục trút hết tâm tư vì điều tôi luôn theo đuổi. Tôi kể họ nghe về việc lớn lên trong nghèo khó và cuộc đấu tranh của tôi để vào được đại học. Tôi kể về mẹ và cha. Tôi kể về vô số lần tôi phải rời trường để lo cho cha mẹ tôi. Tôi kể mình đã nỗ lực thế nào ở trường để duy trì điểm số và không bị đuổi học. Rằng thật đáng ngạc nhiên là tôi còn đứng đây, trước mặt họ, khát khao được vào trường Y, và tôi đã làm mọi thứ tôi có thể để họ thấy chuyện đó thật phi thường.
– Các vị biết là chẳng có chút bằng chứng nào cho thấy điểm GPA có liên quan đến việc trở thành một bác sĩ giỏi. Một điểm GPA cao không khiến ta trở thành người biết quan tâm. Mỗi một người, tại thời điểm này hay thời điểm khác trong đời, cần có cơ hội để làm điều mà không ai tin rằng họ có thể làm được. Mỗi người các vị ở đây hôm nay là bởi vì đã có người tin tưởng các vị. Bởi vì đã có người quan tâm. Em đang yêu cầu các vị tin tưởng ở em. Đó là tất cả những gì em đòi hỏi. Em đang yêu cầu các vị cho em cơ hội trở thành người em luôn khao khát được trở thành.
Một sự yên lặng kéo dài một lúc sau khi tôi nói xong. Họ nói với tôi rằng họ sẽ cân nhắc mọi điều tôi nói.
Rồi vị chủ nhiệm khoa đứng lên và bắt tay tôi.
– Jim, tôi nghĩ em đã cho chúng tôi thấy một góc nhìn mà chúng tôi vẫn thường lờ đi. Chúng tôi đã quên rằng ngồi trước chúng tôi là một con người, không phải một bộ hồ sơ. Trong khi rất nhiều người thỏa mãn mọi tiêu chuẩn chúng tôi yêu cầu, thì theo nhiều cách, những tiêu chuẩn này lại khá thất thường. Cần có can đảm để đến trước chúng tôi. Cần có đam mê và can đảm mới chia sẻ với chúng tôi những gì em đã chia sẻ. Em sẽ không bỏ cuộc đâu, đúng không?
– Không thưa thầy. – Tôi trả lời. – Em sẽ không bỏ cuộc. Cảm ơn các vị đã dành thời gian cho em. – Tôi nói và rời khỏi phòng.
Cô thư ký ngước lên khi tôi đi ngang qua.
– Thế nào rồi?
Tôi nhún vai. Chỉ có thời gian mới trả lời được. Cô mỉm cười ấm áp với tôi.
– Tôi có trộm nghe một chút những gì diễn ra trong đó. Tôi có cảm giác mọi thứ sẽ suôn sẻ với cậu. – Cô đưa tôi một tờ bướm. – Chắc cậu sẽ muốn ngó qua cái này. Thời hạn đã qua rồi, nhưng theo tôi cảm thấy thì với cậu mấy thứ thời hạn đó cũng là không thể chấp nhận.
Tờ bướm nói về một chương trình mùa hè gọi là MEdREP tại Đại học Y khoa Tulane. Đây là chương trình dành cho những sinh viên thuộc dân tộc thiểu số hoặc có hoàn cảnh kinh tế khó khăn mong muốn theo đuổi nghề nghiệp Y. Đó là một khóa học bổ túc mùa hè cho bạn trải nghiệm phòng thí nghiệm, và giúp bạn chuẩn bị cho kỳ thi MCAT(3), kỳ thi mà mọi thí sinh muốn vào trường Y đều buộc phải trải qua.
(3) Medical College Admission Test.
– Cảm ơn. – Tôi nói. Tôi nhìn xuống tờ bướm. Đại học Y Tulane. Tôi không biết gì về trường Tulane, nhưng ngay lúc đó, tôi có cảm giác rằng đó sẽ là chìa khóa mở ra tương lai của mình.
Ủy ban tiền y tế cuối cùng đã cấp cho tôi một bức thư tiến cử tuyệt vời nhất có thể. Phép màu của Ruth lại hiệu nghiệm lần nữa.
Và khi tôi gọi điện đến chương trình mùa hè, người trả lời điện thoại báo với tôi rằng hạn đăng ký đã qua. Tôi đề nghị được nói chuyện với tiến sĩ Epps, giám đốc chương trình. Tôi nó với bà là tôi cần được tham gia chương trình này. Bà nghe tôi kể câu chuyện của mình và cuối cùng bà nói: “Jim, gửi cho tôi đơn đăng ký của cậu. Sẽ ổn thỏa cả thôi”. Và hai tuần sau đó, tôi đã có thư chấp thuận từ chương trình MEdREP trong tay. Không may, tôi không có đủ tiền cho chuyến bay tới Tulane, ngôi trường nằm ở New Orleans. Trùng hợp là ngay sau khi tôi nhận được thư chấp thuận từ chương trình, tôi nhận được cuộc gọi từ cha tôi. Ông đang ngồi tù ở Los Angeles và sắp được thả, cần tôi đến đó đón ông. Ông nói ông cần tiền để mua thức ăn và thuê phòng ở bởi vì mẹ tôi sẽ không cho ông trở về nhà, và ông sẽ phải ngủ ngoài đường. Tôi chỉ còn đủ tiền để trang trải thức ăn và chỗ ở trong hai tuần. Ông nói với tôi ông đang đợi một khoản thanh toán sắp được gửi tới. Lại nữa rồi, tôi nghĩ. Nhưng tôi biết mình sẽ giúp ông. Ông là cha tôi mà. Bạn tôi, Keith, người biết chút ít về hoàn cảnh gia đình tôi, đã đề nghị lái xe đưa tôi đến Los Angeles để đón cha tôi. Cha tôi trông có vẻ ổn, bởi ông đã ở tù mấy tuần rồi và đã tỉnh táo trong suốt thời gian đó. Chúng tôi đưa ông đến khu ổ chuột và thuê cho ông một căn phòng trong hai tuần. Tôi đưa ông hai trăm đô-la. Tôi kể ông nghe về chương trình mùa hè ở Tulane, ông mỉm cười và nói rằng ông tự hào về tôi. Ông cảm ơn tôi. Tôi vẫn không biết mình phải làm thế nào để chi trả chuyến đi đến Tulane, nhưng hai tuần sau một phong bì được gửi đến cho tôi với chữ viết trên đó mà tôi nhận ra là của cha mình và trong đó ông đã ký cho tôi tờ séc một nghìn đô-la. Cha đã gửi cho tôi những đồng tiền cuối cùng của ông để tôi có thể đến New Orleans. Tôi đã khóc. Chương trình mùa hè năm đó thật sự là một sự chuyển mình. Nó cho tôi được trải nghiệm nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, cho tôi được gặp một số thành viên giàu năng lực của trường Y. Nó đã chuẩn bị cho tôi vượt qua kỳ thi MCAT, nó cho tôi trải nghiệm được phỏng vấn. Đó là một mùa hè làm việc căng thẳng, nhưng tôi đã hoàn toàn tập trung và vui vẻ. Tôi sẽ trở thành một bác sĩ. Tôi chắc chắn điều đó.
Mùa thu năm đó tôi ứng tuyển vào Tulane và chờ đợi trong lo âu. Tôi biết mình đã làm tốt trong chương trình MEdREP, và tôi đã làm tốt trong kỳ thi MCAT, nhưng bởi vì điểm GPA của mình nên tôi biết đơn ứng tuyển của tôi không cạnh tranh nổi với phần lớn những ứng viên khác. Tôi cũng đã làm hai công việc một lúc, và những giờ làm việc dài cũng nhiều tổn hại. Thật khó tập trung. Chính trong khoảng thời gian này tôi nhận được điện thoại từ mẹ. Cha tôi đã uống rất say và đột nhiên quyết định sẽ bỏ đi, lên chuyến sẽ buýt Greyhound và về thăm gia đình ở Kentucky. Mẹ rất lo lắng bởi cha không mang theo gì bên mình. Đã hai tuần trôi qua mà chẳng có tin tức gì từ cha và ông cũng không xuất hiện ở Kentucky. Dù cha tôi đã từng biến mất nhiều lần, nhưng tôi không nhớ có lần nào ông đi lâu như thế mà không trở về hay chúng tôi không nghe tin tức gì từ ông, hoặc từ một nhà tù nào đó. Giờ thì tôi phải thêm việc này vào danh sách những lo lắng của mình. Mẹ tôi gọi lại sau mấy ngày và nói rằng cha tôi đang nằm trong một bệnh viện dành cho cựu chiến binh ở Johnson City, Tennessee.
LÚC ĐÓ ĐANG LÀ BUỔI TỐI nhưng tôi lập tức liên lạc với bệnh viện và nói chuyện với bác sĩ trực. Cha tôi đang nằm trong khu chăm sóc đặc biệt, đang phải tiếp nhận kháng sinh liều cao và phải gắn máy trợ thở. Ông chỉ phản ứng lúc có lúc không trước các hiệu lệnh. Ông bị viêm phổi rất nghiêm trọng và họ đang gặp khó khăn trong việc đưa khí oxy vào phổi ông. Bác sĩ thông báo rằng cha tôi dường như đang có phản ứng nhưng tình hình vẫn không ổn định. Ông hỏi thêm về hoàn cảnh và tiểu sử bệnh lý của cha tôi. Và tôi nhận ra tôi biết rất ít về cha mình. Tôi không biết liệu ông có đang gặp vấn đề sức khỏe nào khác không. Tôi cũng không biết ông từng dùng thuốc gì, đã từng phẫu thuật gì chưa, liệu ông có dị ứng gì không… Tất cả những gì tôi biết là ông nghiện rượu. Mọi thứ tôi biết về cha tôi đều liên quan tới chuyện rượu chè của ông.
Khi cúp máy, tôi cố gắng nghĩ lại những lần tôi và cha ngồi nói chuyện hoặc làm gì đó cùng nhau. Việc gì đó không liên quan đến chuyện say xỉn của ông. Đó đều là những ký ức mờ mịt, mơ hồ. Tôi đã chẳng giữ được gì trong ký ức. Giờ thì ông lên một chuyến xe buýt để đi thăm họ hàng, và rồi chẳng bao giờ đến được đó. Ông đã làm gì trên chuyến xe đó? Ông đã tìm kiếm gì? Tại sao ông lại chọn đi xa như vậy vào thời điểm đó? Những câu hỏi đó chẳng có ích gì nữa, và tôi biết rốt cuộc thì chính thói say xỉn của ông đã dẫn ông đến kết cuộc là phải nằm đơn độc trong cái bệnh viện xa lắc kia.
Tôi ngồi xuống bên giường mình và khóc. Tôi cần tới được đó, nhưng tôi không có tiền. Mẹ tôi không có tiền. Tôi có một kỳ thi sắp đến. Mấy ngày tiếp đó trôi qua trong lo lắng. Tôi đã gọi đến bệnh viện vài lần. Cha tôi đã không còn ý thức và các cơ quan của ông bắt đầu suy kiệt. Bác sĩ nói với tôi bệnh tình của cha tiến triển rất xấu và ông có thể sẽ chết. Bạn cùng phòng đề nghị cho tôi vay tiền để mua vé máy bay. Tôi sắp xếp mọi việc và định bay vào trưa hôm sau. Tôi không biết mình phải làm gì khi đến đó. Tôi chỉ không muốn để cha tôi một mình.
Tôi buồn ngủ nhưng lại rất bồn chồn. Tôi chưa bao giờ đi máy bay. Tôi không biết gì về nơi tôi sắp đến. Tôi sợ. Tôi mệt. Cuối cùng tôi cũng ngủ thiếp đi, một giấc ngủ sâu. Đột nhiên tôi tỉnh dậy. Tôi không chắc điều gì đã đánh thức tôi. Tôi chỉ đơn giản là thức dậy, mắt mở to. Tôi nhìn quanh, và cuối giường là cha tôi. Ông nhìn tôi. Trông ông rất khỏe. Thật ra là khá hơn nhiều so với tình trạng tôi thấy ở ông suốt nhiều năm. Ông rất bình tĩnh và trên gương mặt ông không hẳn là nụ cười, mà là vẻ ân cần và tán thưởng. Ông nói:
– Chào con trai. Cha đến để tạm biệt. Cha xin lỗi vì đã không phải là người cha như cha mong muốn. Cha xin lỗi vì đã không ở bên con. Mỗi chúng ta đều có một con đường riêng phải đi. Giờ cha phải đi con đường của mình. Cha muốn con biết rằng cha tự hào về con và cha yêu con rất nhiều. Giờ cha phải đi rồi. Hãy nhớ rằng cha luôn yêu con. Tạm biệt, con trai.
– Con cũng yêu cha. – Tôi nói. Và rồi ông biến mất.
Tôi ngồi dậy. Tôi không biết mình vừa mơ hay đó là thật. Tôi không biết phải nghĩ gì. Tôi chỉ ngồi đó và nghĩ rằng khi nào gặp cha, tôi sẽ ôm ông và bảo ông rằng không sao cả. Rằng tôi yêu ông. Tôi lại ngủ thiếp đi cho đến khi điện thoại reo và đánh thức tôi. Tôi nhấc máy chầm chậm, vẫn chưa tỉnh ngủ. Đó là bác sĩ của cha tôi. Ông muốn báo rằng cha tôi đã qua đời nửa giờ trước và rằng ông rất tiếc. Ông nói rằng ngay trước khi mất, cha tôi đã mở mắt và mỉm cười. Ông muốn tôi biết cha tôi đã không phải chịu đau đớn khi ông qua đời. Tôi cảm ơn ông và cúp máy. Tôi gọi cho mẹ và chúng tôi đều khóc. Mẹ nói rằng cha tôi đã làm hết những gì ông có thể và tận sâu bên trong mình, ông là một người tốt và rằng ông yêu tôi rất nhiều.
Cha tôi yêu tôi.
Tôi biết ông yêu tôi.
Và tôi cũng yêu ông.
GẦN MỘT NĂM sau buổi gặp với ủy ban ở UC Irvine và hai tuần sau khi cha tôi qua đời, tôi được nhận vào Đại học Y Tulane. Khi nhận được thư trúng tuyển, tôi đi vào phòng và ngồi xuống mép giường, rồi chậm rãi mở phong bì và nghĩ về cha tôi. Tôi nhìn vào nơi ông đã ngồi vào cái đêm ông ghé thăm tôi và nói lời từ biệt. Tôi biết ông tự hào về tôi.
Như đã được chỉ ra trong cuộc phỏng vấn với ủy ban tiền y tế, tôi không đủ điểm tốt nghiệp, nhưng tôi vẫn đến dự lễ tốt nghiệp cùng cả khóa năm 1977. Việc được nhận vào trường Y đã tạo điều kiện cho tôi nhận được tấm bằng. Năm thứ ba đại học, tôi đã phải về nhà chăm sóc mẹ sau một nỗ lực tự tử của bà và đã phải bỏ dở hết các lớp học. Kết quả là tôi còn thiếu ba môn sinh vật học tự chọn. Chẳng có cách nào tôi kịp hoàn thành chúng trước khi trường Y khai giảng vào mùa thu. Tôi đã vượt qua rất nhiều và giờ mọi thứ đều đang đứng trước nguy cơ. Tôi không biết phải làm gì và tôi nhận ra tất cả những gì tôi có thể làm là nói sự thật. Tôi nhấc điện thoại gọi đến Tulane và xin gặp người chịu trách nhiệm tuyển sinh ở trường Y. Khoảng thời gian tôi chờ đợi kéo dài như bất tận cho đến khi nối máy được với ông. Dường như ông biết chính xác tôi là ai. Tôi giải thích tình huống của mình, và sau đó là một quãng im lặng. Lại một sự kéo dài bất tận nữa. Rồi ông nói:
– Jim, chúng tôi muốn em học ở Tulane. Nếu Irvine cho phép em chuyển các tín chỉ sang trường Y để hoàn thành các môn học tự chọn của em thì mọi thứ đều ổn.
Tôi phải nói cảm ơn ông đến triệu lần rồi cúp máy. Mọi thứ diễn ra tiếp theo thật đáng kinh ngạc. Tôi giải thích với những giáo sư ở các lớp mà tôi đã bỏ dở rằng tôi đã được nhận vào trường Y nhưng vì chuyện khẩn cấp ở gia đình mà tôi đã bỏ dở các lớp học vào kỳ cuối và hỏi liệu họ có thể xem xét cho phép tôi chuyển sang khóa học ở trường Y để hoàn thành yêu cầu không. Tất cả họ đều lập tức đồng ý và chúc mừng tôi đã được nhận vào trường Y. Tôi đã không nhận ra, cho đến mãi sau này, là họ đều đã tưởng rằng tôi có điểm GPA và MCAT thuộc hàng xuất sắc, và dĩ nhiên, họ sẽ bỏ qua việc tôi không hoàn thành các môn tự chọn và thay thế bằng một khóa học ở trường Y.
Có lúc luật lệ và tiêu chuẩn là cực kỳ quan trọng, nhưng cũng có lúc chúng tùy ý và hoạt động chỉ để sàng lọc nhờ con số và làm giới hạn những cơ hội. Một bảng điểm xuất sắc hay một trình độ chưa tốt nghiệp là một rào cản độc đoán trong việc trở thành bác sĩ. Tôi biết mình có sự thông minh bẩm sinh và sự quyết tâm trở thành một bác sĩ xuất sắc.
Và giờ là lúc để chứng minh điều đó.