T
ôi chưa bao giờ dự định trở thành một bác sĩ phẫu thuật thần kinh. Kế hoạch của tôi là trở thành một bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình – tôi đã bị xúc động trước những đứa trẻ bị dị tật sọ mặt và bị thu hút trước những kỹ thuật phức tạp của phẫu thuật. Nhìn hình ảnh của những đứa trẻ bị dị tật mặt khiến tôi buồn đau lẫn lộn. Tôi luôn có sự đồng cảm đặc biệt với những đứa trẻ có vết thương không thể che giấu trước cuộc đời và phải liên tục chứng kiến người khác xa lánh sự dị dạng của mình. Đồng thời, tôi cũng thích tính thẩm mỹ của phẫu thuật chỉnh hình và tưởng tượng ra cảnh mình là một giáo sư đại học, dành một phần thời gian chăm sóc cho những đứa trẻ, rồi đi đến văn phòng ở khu Beverly Hills của tôi để gặp những khách hàng riêng giàu có đến phẫu thuật chỉnh hình. Hơn nữa, làm bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình cho người giàu và nổi tiếng được trả phí rất hậu, và tôi sẽ có cơ hội gặp được nhiều phụ nữ quyến rũ.
Tôi đã được cấp học bổng để trả học phí trường Y năm đầu tiên, và từ năm sau đó tôi nhận được học bổng từ quân đội. Tôi cảm nhận sâu sắc bổn phận phục vụ quốc gia và tôi muốn được cống hiến. Tôi vẫn nhớ rất rõ những giấc mơ của tôi về việc trở thành Chuck Yeager bay qua Lancaster và phá vỡ bức tường âm thanh, và niềm hãnh diện của tôi trong bộ đồng phục của lực lượng tình nguyện viên hành pháp. Một điều mà tôi đã tìm hiểu được trong những năm đại học chính là Chuck Yeager không phải là lựa chọn đầu tiên thực hiện nhiệm vụ phá vỡ bức tường âm thanh, vinh dự này ban đầu thuộc về một người đàn ông tên Slick Goodlin. Vấn đề với Goodlin là ông ta đòi mức thù lao lái máy bay lên đến một trăm năm mươi ngàn đô-la, một số tiền khổng lồ vào năm 1947. Yeager, tuy vậy, lại không muốn làm việc đó vì tiền. Ông muốn phá vỡ rào chắn âm thanh đó để tìm kiếm một cuộc phiêu lưu và một tinh thần khám phá. Ông chỉ muốn thấy con người có thể làm được những gì khi bị đẩy đến giới hạn. Ngay cả với hai chiếc xương sườn bị gãy và rất nhiều đau đớn khi ông phải tận dụng một cái cán chổi để đóng cửa sập của máy bay, ông đã không hề nhụt chí.
Tôi là ai? Tôi có phải là người mà Oscar Wilde(1) đã mô tả, người “biết cái giá của việc có tất cả và giá trị của việc không có gì cả”? Tôi đã dành phần lớn cuộc đời mình cố gắng dung hòa phần Slick Goodlin và phần Chuck Yeager thầm kín bên trong mình. Tôi có sự đồng cảm với những người phải đấu tranh giống như tôi, những người chịu đau đớn, và tôi muốn giúp họ. Nhưng tôi cũng muốn thành đạt. Thực hành những bài tập của Ruth đã đưa tôi đi xa được chừng này và tôi vẫn tiếp tục luyện tập hằng ngày, biết rằng mình chỉ mới đi được một đoạn trên hành trình đến nơi tôi muốn đến. Tôi muốn danh tiếng và giàu sang. Tôi muốn trở thành người mà người khác phải ngưỡng mộ. Tôi muốn trở thành bác sĩ phẫu thuật giỏi nhất thế giới.
(1) Oscar Wilde (1854 – 1900): Là một tác giả nổi tiếng người Ireland.
Quân đội đồng ý trả toàn bộ chi phí ở trường Y cho tôi, bao gồm học phí và phí sinh hoạt, và tôi đã đồng ý phục vụ trong quân đội với vai trò bác sĩ. Tôi đã phục vụ tất cả là chín năm trong quân đội Mỹ, và cuối cùng trở thành Thiếu tá James Doty.
TRẢI NGHIỆM Ở TRƯỜNG Y của tôi hoàn toàn không giống với ở đại học. Tôi không gặp khó khăn gì với bài vở và tôi khám phá ra rằng tôi có năng khiếu tự nhiên về nghiên cứu những bộ phận phức tạp trên cơ thể người – giải phẫu học, mô học và sinh lý học. Khả năng ghi nhớ nhiều thông tin hơn so với một người bình thường có thể là vấn đề khá chật vật với mọi sinh viên năm nhất trường Y. Giờ đây tôi đã biết rằng những năm tháng tập luyện những gì tôi được học trong cửa hiệu ảo thuật đã phát triển bộ não của tôi nên tôi có khả năng ghi nhớ dễ dàng hơn nhiều bạn học của mình. Tôi có thể tập trung trong những khoảng thời gian dài hơn trong quá trình học tập, và tôi không bao giờ phải than thở việc tâm trí cứ đi lang thang trong khi đọc sách giáo khoa y học. Chúng tôi đã được dạy thuật nhớ để giúp ghi nhớ mọi thứ từ xương đến dây thần kinh, đến cách vẽ các biểu đồ sinh học. Một vài kiểu khá ngớ ngẩn, như thuật nhớ để xác định các dây thần kinh sọ não dây nào thuộc cảm giác (S), vận động (M), hoặc cả hai (B) – Some Say Marry Money But My Brother Says Big Brains Matter More(2). Có những thuật nhớ khác thì khó nhớ hơn cả thông tin gốc, như thuật nhớ tên của các dây thần kinh sọ này, OOOTTAFVGVAH(3).
(2) Câu nói thuật nhớ này giúp ghi nhớ chức năng của mười hai dây thần kinh trong sọ não là SSMMBMBSBBMM, trong đó S là sensory – dây thần kinh cảm giác, M là motor – dây thần kinh vận động, B là both – dây thần kinh cảm giác và vận động.
(3) OOOTTAFVGVAH là viết tắt của tên mười hai dây thần kinh trong sọ não. Trong đó, lần lượt là Olfactory nerve (dây thần kinh [dtk] khứu giác), Optic nerve (dtk thị giác), Oculomotor nerve (dtk vận nhãn), Trochlear nerve (dtk ròng rọc), Trigeminal nerve (dtk sinh ba/tam thoa), Abducens nerve (dtk vận nhãn ngoài), Facial nerve (dtk mặt), Auditory (or vestibulocochlear) nerve (dtk tiền đình ốc tai), Glossopharyngeal nerve (dtk thiệt hầu), Vagus nerve (dtk phế vị), Spinal accessory nerve (dtk phụ), Hypoglossal nerve (dtk hạ thiệt/dưới lưỡi).
Tôi sử dụng một vài thuật nhớ tiêu chuẩn, những trường hợp khác tôi tự soạn ra cho mình, và cũng có những lúc khác tôi vờ như đang sử dụng chúng trong khi thực tế là những thông tin tôi học dường như chỉ đơn giản là chảy vào tiềm thức tôi khi cần. Một nghiên cứu thực hiện năm 2013 bởi các nhà nghiên cứu thuộc Đại học California, Santa Barbara, đã khám phá ra rằng rèn luyện thiền định với sự tập trung chú ý sẽ giúp phát triển trí nhớ, khả năng tập trung và các chức năng nhận thức tổng quát ở sinh viên đang ngồi trên ghế nhà trường chỉ sau hai tuần tập luyện, như đã được đánh giá dựa trên việc cải thiện điểm số GRE(4) cùng các bài kiểm tra trí nhớ và tập trung khác. Điều khiến tôi ngạc nhiên với nghiên cứu này là những bài tập được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu năm 2013 giống một cách rõ rệt với bài tập của tôi với Ruth năm 1968. Bao nhiều tiền đã tốn cho các khóa học và chuẩn bị cho kỳ thi GRE chứ? Điều tuyệt vời của việc luyện tập thiền định với mục đích học tập là nó hoàn toàn miễn phí.
(4) GRE (Graduate Record Examination) là bài kiểm tra tiêu chuẩn được sử dụng trong việc xét điều kiện nhập học sau đại học (Master hoặc PhD) ở các chuyên ngành khoa học tự nhiên và khoa học xã hội (trừ Y, Dược, Luật) tại Mỹ. Nó được dùng như một tiêu chí đánh giá khác bên cạnh thành tích học tập đại học của thí sinh và các chứng chỉ liên quan.
Học bổng quân đội đảm bảo cho tôi một vị trí thực tập sau khi học xong trường Y nhưng không cho tôi một chân nội trú. Trong giới dân sự, hai thứ đó thường đi liền nhau, nhưng tôi thì phải nộp đơn xin nội trú. Sau khi tốt nghiệp Tulane năm 1981, tôi nhận một kỳ thực tập linh động tại Trung tâm Y tế Quân đội Tripler ở Hawaii, nơi mà hồi sinh viên tôi từng tham gia một đợt thực tập luân chuyển. Một kỳ thực tập linh động nghĩa là tôi sẽ tập trung vào một vài phẫu thuật chuyên khoa thay vì chỉ là phẫu thuật tổng quát. Tôi đã luân chuyển từ nhi khoa, sản khoa, phụ khoa, nội khoa, cả ngoại tổng quát và phẫu thuật thần kinh.
Tôi nghĩ trải nghiệm sâu rộng và đa dạng này sẽ có ích cho vốn học của mình, nhưng tôi đã không nhận ra rằng nếu tham gia kỳ thực tập linh động sẽ đặt tôi vào thế bất lợi khi nộp đơn xin làm bác sĩ ngoại tổng quát nội trú bởi vì tôi đã không chỉ tập trung phẫu thuật và những chuyên ngành của nó. Một kiến thức sâu rộng ở nhiều phạm vi khác nhau thật sự làm tổn hại đến cơ hội của tôi.
Kế hoạch của tôi vẫn là trở thành bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình cho trẻ em, nghĩa là tôi phải hoàn thành khóa thực tập ngoại tổng quát nội trú, tiếp theo là một học bổng phẫu thuật chỉnh hình, rồi đến một học bổng để nghiên cứu về sọ mặt. Tôi đã có kế hoạch. Nhưng có đến mười hai người cạnh tranh vị trí bác sĩ ngoại tổng quát nội trú, và tôi là người duy nhất theo chương trình thực tập linh động. Tỷ lệ không đứng về phía tôi. Mười một đồng nghiệp kia nói với tôi rằng không đời nào tôi được nhận vào vị trí bác sĩ ngoại tổng quát nội trú, và họ rõ ràng là vui mừng vì sự bất lợi của tôi. Tôi có sự quyết liệt với mục tiêu của mình nên đã không giao du tốt với những người khác, và niềm tin mãnh liệt vào khả năng làm được mọi thứ tôi muốn làm ở trong mắt người khác đã trở thành ngạo mạn. Nên giờ tôi cũng hiểu tại sao họ có vẻ muốn tôi thất bại.
Kỳ hạn nộp đơn vào nội trú là tháng Mười một, nên tôi cũng đã ứng tuyển vị trí bác sĩ ngoại tổng quát nội trú như những người khác. Tuy nhiên, tháng Tư tôi có đợt luân chuyển sang khoa giải phẫu thần kinh. Những người phụ trách trong khoa này là những người tử tế nhất tôi gặp trong mọi lần luân chuyển của mình. Giải phẫu thần kinh vô cùng cuốn hút – làm việc với não bộ đòi hỏi rất khắt khe và nghiêm ngặt, hơn nữa nó cho tôi những rung cảm mà tôi không được trải qua trong phẫu thuật tổng quát, thường là với ngực và bụng. Có điều gì đó trong việc đi đến nơi chưa ai đến, tiến vào những hốc ngách sâu nhất của thứ tạo nên con người, đang mời gọi tôi. Tôi vẫn muốn giúp đỡ trẻ em dị tật, nhưng khám phá bí ẩn của não bộ giống như thể một hành trình truy lùng mới mẻ đang vẫy gọi tôi. Tôi muốn trở thành nhà giải phẫu thần kinh cũng y hệt như từng muốn vào đại học và học trường Y, nhưng để làm vậy tôi phải được vào thực tập ở khoa thần kinh nội trú chứ không phải khoa ngoại tổng quát nữa. Tôi biết tôi có thể theo khoa ngoại thần kinh và vẫn có được học bổng ngoại chỉnh hình và sọ mặt nếu tôi muốn. Như thế là hoàn hảo.
Trưởng khoa ngoại thần kinh ở Tripler rất ủng hộ.
– Cậu rất tài năng, Jim. Cậu nên theo ngành giải phẫu thần kinh. Cậu cần phải theo ngành giải phẫu thần kinh.
– Vậy tốt quá. – Tôi đáp lại. Tôi căng ra với niềm tự hào. Tôi sẽ trở thành một bác sĩ phẫu thuật thần kinh.
– Vấn đề là, – ông nói thêm, – người ta chỉ đào tạo một bác sĩ ngoại thần kinh mỗi năm trong quân đội, và đã có danh sách dự trù đến ba năm rồi. Cậu sẽ phải chờ, và sau kỳ thực tập của cậu, họ sẽ đưa cậu ra mặt trận với tư cách bác sĩ đa khoa quân y trong vài năm cho đến khi tới lượt cậu trong danh sách và khi đó cậu có thể bắt đầu chương trình nội trú của mình.
– Ba năm ư? – Tôi hỏi.
– Chỉ ba năm thôi.
– Tôi xin lỗi, nhưng tôi không thể chấp nhận như vậy.
Ông cười với tôi.
– Cậu phải theo lượt của mình, Jim.
– Chuyện đó nhảm nhí và không thể chấp nhận. – Tôi nói với sự quyết liệt và rạch ròi từng chữ.
– Đó là cách mọi chuyện diễn ra. Không phải chuyện nhảm nhí. Đó là quân đội.
– Nhưng với tôi nó là không thể chấp nhận. – Tôi nói.
Ông lắc đầu, rồi dẫn tôi ra khỏi văn phòng.
Tôi sắp có một kỳ nghỉ phép, ba mươi ngày rời quân ngũ, vì thế tôi rời khỏi Tripler và dành một tháng ở Walter Reed. Đó là nơi tôi dự định sẽ ổn định công tác, nên tôi đã chuyển đến khoa giải phẫu thần kinh trong thời gian riêng tư của mình và đã làm việc tốt. Tôi gặp trưởng khoa giải phẫu thần kinh trước khi “kỳ nghỉ” của tôi kết thúc.
– Tôi thích cậu, Jim, cậu đã thể hiện xuất sắc trong quá trình thực tập ở đây, và tôi nghĩ cậu sẽ trở thành một bác sĩ nội trú tài ba.
– Cảm ơn. – Tôi nói. – Tôi cho rằng điều đó có nghĩa là tôi sẽ bắt đầu vào mùa thu.
– Jim, cậu biết rằng có một quãng thời gian chờ đợi tối thiểu là ba năm mà. Tôi sẽ cho tên cậu vào ngay sau cuối danh sách ba năm kia. Cậu nên thấy biết ơn, bởi tôi đã có bốn người muốn xin vào vị trí đó, mà dù sao thì cậu cũng còn chưa nộp đơn chính thức nữa.
Tôi nhìn thẳng vào mắt ông và nói:
– Chờ đến ba năm là việc không thể chấp nhận được. Nếu ông không nhận tôi vào năm tới, đó sẽ là sai lầm lớn nhất ông từng mắc phải. Tôi sẽ không đợi đến ba năm. Tôi xin lỗi, tôi không có ý thô lỗ hay xấc xược, chỉ là tôi không thể chấp nhận chuyện đó.
Dù đã trễ rồi, tôi vẫn nộp đơn vào vị trí bác sĩ ngoại thần kinh nội trú. Tôi tin vào sức mạnh phép thuật của mình.
Tôi trở về Tripler và báo với trưởng khoa ngoại tổng quát rằng tôi cảm kích sự cất nhắc của ông nhưng tôi sẽ rút đơn đăng ký vào khoa ngoại tổng quát bởi vì tôi đang theo khoa ngoại thần kinh ở Walter Reed.
– Không thể nào, cậu sẽ không được nhận đâu. – Đấy là câu trả lời chính thức của ông. – Tôi sẽ không cho phép cậu rút đơn. Đây là nhóm ứng viên ưu tú nhất tôi từng có trong chương trình này, và cậu là một trong số đó. Tôi sẽ không để cậu đi.
– Được rồi, – tôi nói, – nhưng tôi chỉ muốn nói rằng tôi sẽ không làm bác sĩ ngoại tổng quát nội trú, và tôi sẽ đến Walter Reed.
Tôi kết thúc kỳ thực tập của mình, tưởng tượng hình ảnh bác sĩ ngoại thần kinh nội trú của mình ở Walter Reed. Mỗi buổi sáng và mỗi buổi tối, tôi nhìn thấy chính mình ở đó bằng đôi mắt tâm trí. Tôi không lo lắng về kết quả, tôi đã học cách tưởng tượng ra điều tôi muốn và đồng thời tách mình ra khỏi kết quả cuối cùng. Nó sẽ xảy ra, theo cách này hay cách khác. Đó là tất cả những gì tôi biết. Tôi đã thực hiện bước đà của mình và tin tưởng những tình tiết được mở ra, bất kể chúng được định sẽ mở ra theo cách nào.
Như kết quả lần này, tình tiết có hơi thiếu lành mạnh. Người được nhận vào năm tới đã bắt đầu mối quan hệ tình ái với một nữ y tá tại Walter Reed. Họ chia tay, và anh ta bắt đầu bám theo cô. Rõ ràng là còn có những vấn đề liên quan khác nữa, trưởng khoa ngoại thần kinh đã hủy lời mời cho vị trí bác sĩ nội trú của anh ta. Anh ta được phân công lại vị trí bác sĩ đa khoa quân y tại Hàn Quốc trong suốt quãng thời gian quân ngũ còn lại của mình. Không còn ai dự bị cho vị trí này, bởi những người đã có suất cho vị trí bác sĩ ngoại thần kinh nội trú trong tương lai đã cam kết hoàn thành phân công quân sự của họ ở nơi khác. Như những quân bài domino ngã xuống, thành ra tôi bỗng nhiên trở thành người duy nhất đứng vững.
Tôi không biết đây là kết quả của những gì tôi tưởng tượng, một chuỗi những tình huống may mắn, hay là cái gì khác. Tất cả những gì tôi biết là, một lần nữa, mọi thứ đã kết thúc suôn sẻ.
Tôi nhận được thư trúng tuyển vào chương trình ngoại tổng quát ở Tripler và chương trình ngoại thần kinh ở Walter Reed trong cùng một ngày. Người đứng đầu khoa ngoại tổng quát đã nhận bốn người trong chúng tôi. Vào ngày thư trúng tuyển được gửi đến, ông đã đưa cả bốn chúng tôi vào văn phòng của mình.
– Tôi muốn bốn người các cậu hiểu rằng các cậu đều là lựa chọn hàng đầu của tôi cho bốn vị trí ở Tripler, và rằng đây là lớp thực tập sinh giỏi nhất tôi từng thấy.
Tôi nhìn ba người cũng trúng tuyển kia. Họ đã thay đổi mình để làm vui lòng vị trưởng khoa ngoại tổng quát, người cũng đồng thời là trưởng khoa phẫu thuật. Họ đã đảm bảo mình có kiểu tóc được cắt chuẩn mực và những đôi giày bóng loáng. Toàn những điều chưa bao giờ là mối bận tâm của tôi. Tôi muốn là một bác sĩ thực tập tốt nhất có thể, và thường thì tóc tôi luôn quá dài, còn giày thì chẳng được bóng bẩy. Và tôi thì chưa bao giờ giỏi ở khoản xu nịnh.
– Tôi sẽ đưa các cậu đến câu lạc bộ quân nhân, và chúng ta sẽ ăn mừng.
Tôi cắt ngang màn ăn mừng, chúc tụng và khen ngợi.
– Thưa ngài. – Tôi nói. – Tôi muốn ngài biết rằng tôi không thể nhận vị trí này.
Vị trưởng khoa nhìn tôi.
– Tại sao không? – Ông hỏi. Chưa từng có ai từ chối vị trí này một khi đã được nhận.
– Tôi đã được nhận vào khoa giải phẫu thần kinh ở Walter Reed.
Mặt ông ta bừng đỏ. Ông hoàn toàn nín lặng.
– Tôi đã cố báo trước với ngài. – Tôi nói. – Tôi đã bảo ngài rút lại đơn ứng tuyển của tôi.
Tôi đứng lên, chào ông và đi ra.
CHỦ NHIỆM ở Walter Reed đã nói rằng ông thích tôi trong tháng thực tập luân chuyển của tôi, nhưng hóa ra tôi lại chẳng mang đến gì cho ông ngoài rắc rối. Tôi ứng trí nhanh và có thể sử dụng miệng lưỡi của mình như một thứ vũ khí. Tôi thường làm vậy ở Walter Reed. Tôi cảm thấy bị thôi thúc phải đứng lên và nói sự thật, bất kể thế nào, và sự trung thực lỗ mãng này không ích lợi gì nhiều trong trường hợp này của tôi, với tư cách một bác sĩ nội trú.
Tôi đã trở nên ngạo mạn. Phương pháp có được mọi thứ tôi muốn, và kỹ thuật chuyên môn trong giải phẫu thần kinh của tôi đã khiến tôi cảm thấy mình quan trọng và đặc biệt theo một cách tôi chưa từng cảm thấy trước đây. Thứ phép màu tôi học được từ năm mười hai tuổi và tiếp tục tập luyện hơn một thập kỷ cho đến giờ, đã khiến tôi cảm thấy mình không thể bị đánh bại. Tôi vướng vào rắc rối thường xuyên. Tôi vẫn chưa học được sự thận trọng hay sáng suốt. Tôi đối đầu với chủ nhiệm của mình và thường là trước mặt những người khác. Dù chỉ là một bác sĩ nội trú còn non trẻ, tôi vẫn đảm nhận vai trò của mình một cách nghiêm túc. Tôi quan tâm đến bệnh nhân của mình nhiều hơn là quan tâm đến tôn ti trật tự và những quy chế của bệnh viện. Thái độ của tôi đã khiến cấp trên chán ghét, và cuối cùng vị chủ nhiệm đâm ra ghét tôi dữ dội bởi tôi từ chối tuân theo bất cứ luật lệ nào mà tôi cảm thấy không thích hoặc nghĩ rằng không hợp lý. Tôi không quan tâm đến cái cách mà khoa và nhiều bác sĩ nội trú cấp cao bắt nạt, xem nhẹ các bác sĩ khác, bao gồm cả tôi, và nó gợi nhớ cho tôi rất nhiều về tuổi thơ của tôi ở Lancaster. Tôi biết cách đứng lên vì bản thân, cũng như cách đứng lên vì người khác, và tôi làm vậy mỗi khi có cơ hội.
Ngay trước Giáng sinh năm đầu tiên nội trú của tôi, tôi được gọi lên đánh giá. Chủ nhiệm ngồi ở bàn của ông và tất cả những người tham dự cũng ở trong phòng.
– Chúng tôi muốn xem xét kỹ lưỡng phần đánh giá về cậu. – Vị chủ nhiệm bắt đầu. – Chúng tôi có những lo ngại đáng kể, và đã đặt ra câu hỏi về việc cậu chăm sóc những bệnh nhân của mình như thế nào.
Tôi lập tức đứng lên và nói:
– Dừng ở đây đi. Nếu có bất kỳ vấn đề nào về chăm sóc y khoa của tôi, tôi muốn thấy một sự chứng minh bằng tài liệu. Tôi đã đảm nhiệm vai trò bác sĩ một cách nghiêm túc và tôi sẽ không chấp nhận một cáo buộc như thế mà không có bằng chứng.
Tôi đã trải qua nhiều năm chứng kiến mẹ tôi bị đối xử tệ bạc bởi những bác sĩ chẳng quan tâm gì tới bệnh nhân. Tôi đã chứng kiến bà bị xua đuổi. Gia đình tôi bị xua đuổi. Tôi biết tôi quan tâm đến bệnh nhân nhiều như thế nào. Tôi đã lắng nghe câu chuyện của họ. Tôi luôn cân nhắc mọi thứ cần làm trong ca điều trị của họ. Tôi ngồi bên cạnh họ hàng giờ. Tôi biết vị chủ nhiệm đã sai.
Cả căn phòng chìm trong thinh lặng. Chủ nhiệm bắt đầu lúng túng lật giở mấy trang giấy trên bàn.
– Ừ, thì… – Ông lắp bắp. – Không hẳn là vấn đề đó. Vấn đề là thái độ của cậu. Chúng tôi không nghĩ cậu thật sự muốn ở đây bởi vì cậu luôn chống đối, và chúng tôi đã quyết định đưa ra cho cậu một đợt thử thách. Chúng tôi sẽ đánh giá cậu trong sáu tháng tiếp theo. Nếu cậu không hoàn thành thử thách, chúng tôi sẽ phải loại cậu khỏi vai trò bác sĩ nội trú.
Tôi nhìn vào gương mặt từng người trong phòng. Không ai nhìn tôi cả.
– Nếu ông muốn tống tôi đi thì cứ việc. Ngay bây giờ. Thử thách là chuyện không thể chấp nhận. Tôi sẽ không làm vậy. Tôi chưa từng rơi vào diện thử thách một lần nào trong đời, và giờ tôi sẽ không bắt đầu chuyện đó.
Họ không nói được gì. Họ không thể đuổi tôi được, và tôi biết là họ hiểu rõ điều đó. Làm vậy sẽ rất khó khăn, bởi tất cả đánh giá từ bệnh nhân và từ khoa về tôi đều rất tốt. Chỉ mỗi vị chủ nhiệm đưa ra những đánh giá tiêu cực về tôi. Hơn nữa, đó sẽ là một vụ lộn xộn lớn.
– Đợi bên ngoài, chúng tôi sẽ gọi cậu vào sau khi chúng tôi có quyết định.
Tôi ngồi đợi bên ngoài văn phòng hết một tiếng rưỡi. Tôi nhắm mắt lại và tập trung vào hơi thở. Tôi cố gắng giữ bình tĩnh và tin vào những gì Ruth đã dạy tôi.
Khi họ gọi tôi trở vào, vị trưởng khoa hắng giọng và thông báo:
– Chúng tôi đã quyết định sẽ không thử thách cậu, nhưng chúng tôi sẽ giám sát cậu. Sát sao.
Tôi phải rất cố gắng mới không cười thành tiếng. Họ vốn đã luôn theo dõi tôi sát sao, và trong khi thái độ của tôi với cấp trên không tốt, thì phương thức của tôi với các bệnh nhân và tài năng về y khoa của tôi đã vượt lên mọi sự quở trách. Tôi đã tự mãn, và vẫn tin rằng mình không những không thể bị đánh bại mà còn tin rằng những phép màu mà Ruth đã dạy tôi sẽ không bao giờ khiến tôi thất vọng. Giờ tôi có thể thấy tôi đã học được lý thuyết từ Ruth nhưng đã bỏ qua cốt lõi trong những bài học của bà.
– Được thôi. – Tôi nói. – Nghe có vẻ hợp lý.
Tôi đã chống đối chủ nhiệm của mình hàng năm trời. Tôi là một bác sĩ ngoại thần kinh xuất sắc. Ông ấy biết điều đó và tôi biết điều đó. Tôi không bao giờ phải chịu một thử thách chính thức nào, nhưng khi tôi tốt nghiệp, ông bắt tay tôi, ghé vào tai tôi và nói:
– Tôi muốn cậu biết rằng toàn bộ thời gian qua cậu đã ở trong diện thử thách trong suy nghĩ của tôi.
Tôi không chút nhún nhường, và thành công của tôi trong chiếc áo blouse trắng đã đi vào tâm trí tôi.
Bác sĩ nội trú là một công việc nghiêm túc, nhưng mỗi khi chúng tôi được nghỉ, đó sẽ là những buổi tiệc tùng xả láng chẳng màng gì đến hậu quả. Tôi đã làm việc chăm chỉ, và tôi cũng ăn chơi hết mình. Tôi cảm thấy vững chãi. Bất khả chiến bại. Giống như tôi đã tưởng tượng biết bao năm trời, tôi đang mặc áo blouse trắng. Tôi là bác sĩ Doty.
Không gì có thể cản bước tôi.
Làm bác sĩ nội trú vào những năm giữa thập kỷ 1980 khắc nghiệt hơn hiện nay rất nhiều, một kiểu trại quân y – với mỗi ca làm việc đều gần như dài hai mươi bốn tiếng. Chúng tôi thiếu ngủ, chịu sự giám sát gắt gao và áp lực liên tục. Thỉnh thoảng xả hơi hết mình trở thành chuyện bình thường – nghỉ xả hơi khỏi những đòi hỏi về thể chất và tinh thần của công việc bác sĩ nội trú. Một vài đồng nghiệp của tôi bắt đầu uống nhiều hơn mức giới hạn – tôi nhận ra dấu hiệu ở họ và ở cả chính mình. Tôi biết chứng nghiện rượu trông như thế nào từ lúc nhỏ, nhưng tôi cố cân bằng lưỡi dao giữa uống quá nhiều tùy dịp với lạm dụng rượu chè. Tiệc tùng vào những khoảng thời gian nghỉ phép hiếm hoi không phải là mất kiểm soát, tôi tự nói với mình như thế. Tôi cảm thấy sự di truyền thúc đẩy trong mình vào những lúc tìm kiếm sự giải thoát khỏi áp lực và những đòi hỏi từ cuộc sống của một bác sĩ nội trú, nhưng tôi không phải cha tôi. Tôi sẽ không bao giờ trở thành cha tôi.
Dần dần, tôi dừng việc thiền định và tưởng tượng. Những ca trực kéo dài không cho tôi thời gian để luyện tập mỗi sáng và mỗi tối. Ban đầu tôi bắt đầu bỏ một vài ngày, rồi tôi chỉ tập mỗi tuần một lần, đến khi cuối cùng tôi cảm thấy hoàn toàn không có thời gian nữa. Tôi ngừng bổ sung vào danh sách của mình. Tôi biết chính xác những gì mình muốn, và tôi cũng biết màn diễn chung cuộc của buổi diễn ảo thuật của tôi đã đến gần thế nào. Tôi sắp trở thành một nhà giải phẫu thần kinh, một trong những chuyên gia ưu tú được giao phó mổ xẻ bộ phận quan trọng nhất trong cơ thể người. Bộ não điều khiển mọi thứ, hoặc tôi tin là vậy, và tôi thì điều khiển bộ não. Chẳng còn gì để học từ những phép thuật của Ruth nữa.
Một buổi tối nọ, bốn chúng tôi quyết định ra ngoài ăn mừng kỳ thực tập đặc biệt mỏi mệt này kết thúc. Chúng tôi là một nhóm thân thiết. Chúng tôi làm việc cùng nhau, ăn cùng nhau, nốc cà phê ở quầy tự phục vụ cùng nhau. Chúng tôi đã gắn bó khăng khít với nhau theo cách mà người ta vẫn làm khi cùng nhau trải qua một sự kiện chấn động hoặc một thảm họa tự nhiên. Chúng tôi kề vai sát cánh chiến đấu trong cùng một trận chiến – nội trú. Bởi vì chúng tôi không còn thời gian dành cho ai khác trong đời, nên theo lẽ hiển nhiên, chúng tôi đã trở thành bạn thân và thành một gia đình, hay đại loại thế.
Áp lực của chúng tôi rất lớn, và cách chúng tôi giải tỏa áp lực đó cũng vô cùng quá khích. Làm việc ở bệnh viện, bạn phải chứng kiến những việc bạn ước mình chưa từng thấy, và chúng tôi nhận ra rằng công thức thần kỳ để làm mờ những hình ảnh ấy trong đầu sẽ bao gồm một hỗn hợp của một lượng lớn rượu, cocaine, âm nhạc xập xình, và những người phụ nữ bán khỏa thân. Không nhất thiết theo trật tự đó.
Đêm đó, chúng tôi bắt đầu uống từ khoảng tám giờ tối tại một câu lạc bộ thoát y gần bệnh viện. Chúng tôi ném tiền vào những vũ công như thể chúng tôi là những gã thật sự có đủ tiền để ném chúng đi. Chúng tôi di chuyển đến một nhà hàng Tây Ban Nha để ăn một món cơm thập cẩm và giăm bông Serrano, một loại thịt lợn xông khói ăn cùng bánh mì nướng. Chúng tôi uống hết chai này tới chai kia một thứ rượu Tây Ban Nha nào đó. Tôi không chắc khoản dùng cocaine diễn ra lúc nào, nhưng sau khi giật một thanh kiếm cổ xuống khỏi bức tường của nhà hàng, và tiến hành một trận đọ kiếm sống chết với nhau thì chúng tôi bị tống ra ngoài.
Đó là một đêm tháng Mười ẩm thấp, và khi chúng tôi rời khỏi nhà hàng, tôi nhớ mình đã quay đầu vào màn sương mù và cảm nhận sự ẩm ướt lạnh lẽo của nó trên má. Thật tuyệt khi thoát khỏi bệnh viện. Thật tuyệt khi được sống. Thật tuyệt khi được là chính mình. Thật tuyệt khi được say sưa.
Bốn chúng tôi chất mình vào chiếc xe vốn đã vứt đầy những lon bia rỗng. Chúng tôi lạng lách qua đêm tối với nhạc nhẽo om sòm. Tôi cảm thấy như mình đang dạt trôi vào một trạng thái sững sờ hạnh phúc. Và rồi tôi nghe một giọng nói bật lên trong đầu, nói rằng: “Thắt dây an toàn vào! Ngay bây giờ!”. Tôi cảnh giác và nhìn xung quanh. Bạn tôi ngồi ở ghế trước đang hát hò ầm ĩ và ném những lon bia rỗng qua cửa sổ. Anh bạn đang cầm lái thì đang gật gù với giọng hát lệch tông. Anh bạn ngồi kế tôi ở ghế sau thì đã ngủ. Không có ai trong số họ bảo tôi thắt dây an toàn cả.
Chiếc xe này là một chiếc Ford Fairlane 1964 màu đỏ, một chiếc xe cổ điển vốn thuộc về mẹ của bạn tôi. Không ai trong chúng tôi biết lốp xe hầu như đã mòn. Có mấy sợi dây an toàn ở ghế sau, và tôi với một sợi cho mình ngay lúc chúng tôi đụng phải một góc cua gắt trên đường. Chiếc xe bắt đầu trượt băng băng trên mặt đường nhựa ẩm ướt về một phía, văng sang làn đường hướng ngược lại. Tôi cảm thấy dây an toàn thít chặt lại khi lực ly tâm kéo tôi khỏi nó, và rồi như thể trong một giấc mơ, tôi nhìn chúng tôi đâm thẳng vào một gốc cây to.
Rồi mọi thứ tối đen.
Tiếng rên rỉ kéo tôi về trạng thái có ý thức. Tôi đang nằm trên vỉa hè ẩm ướt bên cạnh chiếc xe, phía có ghế lái. Tôi không biết là mình đã bị hất văng khỏi xe hay bạn tôi đã kéo tôi ra. Người bạn lái xe thì nằm tì người lên bánh lái và không hề động đậy. Tôi cảm thấy một cơn đau thiêu đốt ở lưng, còn chân tôi thì tê liệt. Tôi cố cử động chân, nhưng chúng không hợp tác.
Tôi bắt đầu muốn nôn và cố gắng ngồi dậy. Tôi nghe tiếng bạn mình đang nói chuyện. Công viên Rock Creek. Cách chừng một dặm. Một trong chúng ta phải đi. Đầu gối của tôi. Anh ở lại với anh ấy. Tôi không thể chắp vá lại ý nghĩa của những lời đó, và tôi nhắm mắt lại, để vỉa hè ẩm ướt làm mát mặt của mình. Cơ thể tôi đang bốc hỏa, nhưng theo một cách nào đó, tôi tin rằng nếu tôi giữ cho mặt mình vẫn lạnh, tôi sẽ không sao.
Walter Reed chỉ cách đó một dặm nên người bạn ngồi ở ghế sau, người chỉ bị những vết cắt và trầy xước nhẹ, đã đi bộ về tìm người giúp. Khi đến Walter Reed, cậu ta nói với nhân viên rằng họ cần điều một chiếc xe cấp cứu đi đón chúng tôi. Họ từ chối, giải thích rằng họ không được phép xử lý những vụ tai nạn ở ngoài căn cứ.
Không khuất phục, cậu trưng dụng một chiếc xe công mà không cần sự phê chuẩn, rồi lái trở lại vị trí tai nạn. Tôi hét lên trong đau đớn khi cậu ta kéo tôi vào ghế sau chiếc xe và đưa tôi đến phòng cấp cứu. Thật lạ kỳ khi được thăm khám bởi các đồng nghiệp trong bộ phận cấp cứu ở Walter Reed. Một giờ trước, chúng tôi là những bác sĩ, nhưng giờ chúng tôi là bệnh nhân. Bạn tôi bị rách dây chằng, vài vết cắt. Một người bị chấn động và giập ngực khá nặng. Nhưng về cơ bản thì họ vẫn ổn.
Tôi là người duy nhất thắt dây an toàn, và tôi là người bị thương nặng nhất – ruột non bị cắt, lá lách vỡ, và nứt xương cột sống vùng dưới thắt lưng. Những vết thương ở bụng cần được xử lý ngay lập tức, và tôi được nhanh chóng đẩy vào phòng mổ.
Tôi trở thành một bệnh nhân, và khi nhìn ánh đèn phẫu thuật chiếu xuống mình, tôi có thể cảm nhận được những gì mà mỗi bệnh nhân từng được phẫu thuật trong căn phòng này từng cảm nhận trước đây. Tôi cảm thấy những cơn đau, sợ hãi, và lo lắng. Tôi nghe thấy những giọng nói. Như thể ở trong một căn phòng đầy người và mọi người nói chuyện cùng một lúc. Nếu tôi không tỉnh lại nữa thì sao? Chúa ơi, làm ơn. Đừng tàn nhẫn như vậy. Lẽ ra tôi nên nói rằng tôi yêu Người thêm lần nữa. Nếu tôi không bao giờ đi lại được nữa thì sao? Họ sẽ làm gì khi không có tôi? Làm ơn. Xin cứu giúp. Tôi không muốn chết.
Âm thanh tiếp theo tôi nghe được là tiếng cãi vã. Tôi mở mắt ra và có thể thấy mình đang nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt. Cơn đau rất dữ dội, vượt trên mọi thứ tôi từng tưởng tượng. Bụng tôi đã được băng bó. Tôi nhắm mắt lại tránh khỏi ánh đèn, nghe chủ nhiệm khoa ngoại tổng quát và phó chủ nhiệm khoa ngoại thần kinh cãi nhau. Cuộc tranh cãi là về tôi.
Tình hình không khả quan. Ngay cả trong đau đớn, kiến thức y khoa trong tôi vẫn hoạt động. Huyết áp của tôi tuột rất nhanh từ sau ca mổ. Nó thấp đến nỗi không ghi nhận được huyết áp tâm trương(5). Huyết áp tâm thu(6), chỉ số huyết áp lớn hơn và được ghi nhận bằng áp lực trong động mạch khi tim co bóp, chỉ được 40. Huyết áp của tôi ít nhất nên gấp hai, ba lần như thế. Thế nhưng, nhịp tim của tôi lại vượt qua 160. Rõ ràng, tôi đang trong trạng thái sốc do mất máu. Nhưng tôi vẫn đang mất máu và mất rất nhanh, một dấu hiệu rõ ràng của xuất huyết nội. Sẽ rất nhanh không còn đủ áp lực để đẩy máu đến các cơ quan trọng yếu của tôi. Tôi biết điều đó có nghĩa là gì. Tôi sắp bị ngừng tim trong chốc lát nữa. Não tôi sẽ chết. Tôi sẽ chết.
(5) Huyết áp tâm trương là mức huyết áp thấp nhất trong mạch máu và xảy ra giữa các lần tim co bóp, khi cơ tim được thả lỏng.
(6) Huyết áp tâm thu là mức huyết áp cao nhất trong mạch máu, xảy ra khi tim co bóp.
Tôi tự nhủ rằng đây không phải là cách mà cuộc đời tôi nên kết thúc. Tôi lẽ ra không nên chết như thế này.
Khoảnh khắc tiếp theo, tôi cảm thấy như thể mọi thứ bị chuyển dời và nghiêng ngả. Bỗng nhiên tôi nhìn xuống chính mình từ trên một góc của trần nhà. Tôi không cảm thấy chút đau đớn nào. Tôi có thể thấy những luồng sáng từ những bóng đèn phát ra theo hình zíc zắc. Tôi có thể thấy từng giọt chất lỏng trong những túi truyền dịch. Tôi có thể thấy đỉnh đầu của chủ nhiệm khoa, và mồ hôi đọng thành giọt trên trán ông. Tôi nhìn xuống và thấy chính mình đang ở trên giường. Trông tôi nhỏ bé, yếu ớt, và rất, rất nhợt nhạt. Tôi có thể nhìn thấy những máy đo, những đường kẻ và con số lên xuống thất thường, và như thể tôi có thể nghe thấy máu đang chảy trong mạch máu của mình, và có thể cảm thấy rằng đã không có đủ máu. Tôi có thể nghe tim mình đập. Nghe như một tiếng trống từ xa xôi, đập với nhịp điệu dồn dập. Tôi quan sát tất cả những thứ đó mà không có cảm xúc nào. Tôi không thấy buồn, mà chỉ nhận thức sâu sắc mọi thứ xảy ra với tôi và quanh tôi.
Chủ nhiệm khoa ngoại vẫn khăng khăng rằng ông không thể nào bỏ sót một chỗ xuất huyết trong ổ bụng, và đây không thể nào là nguồn cơn của tình trạng mất máu của tôi.
– Rõ ràng ông đã bỏ qua cái gì đó. – Vị phó chủ nhiệm hét lên. – Cậu ấy vẫn chuyển hóa oxy và không bị gãy xương nghiêm trọng. Cậu ấy đang bị chảy máu trong bụng. Ông rõ ràng đã bỏ sót một chỗ chảy máu.
Giống như đang xem kịch, cùng lúc tôi có thể cảm nhận cả sự tuyệt vọng và sợ hãi của phó chủ nhiệm cùng sự kiêu ngạo và đoan chắc của vị chủ nhiệm. Tôi có thể cảm nhận được mọi người trong phòng đang cảm thấy thế nào.
Tôi thấy phó chủ nhiệm đặt tay ông lên chân tôi.
– Đồ ngu xuẩn, nếu ông không đưa cậu ấy trở lại bàn mổ ngay, tôi sẽ làm. Ngay bây giờ!
Cuối cùng, chủ nhiệm khoa đồng ý. Từ trên cao tôi nhìn theo khi họ đưa tôi trở lại phòng phẫu thuật. Một trong những y tá nhoài người tới và thì thầm vào tai tôi:
– Xin hãy ở lại với chúng tôi, Jim. Chúng tôi cần anh. Anh sẽ không sao đâu.
Sau đó là bóng tối.
Trải nghiệm của tôi sau bóng tối này là điều mà tôi không bao giờ có thể giải thích thỏa đáng và không bao giờ quên được. Càng nan giải hơn khi đó là một trải nghiệm có phần thông thường và cũng vô cùng đặc biệt. Một thứ đã được nói đến rất nhiều lần suốt nhiều thế kỷ.
Bỗng nhiên tôi đang trôi trên một dòng sông hẹp. Lúc đầu tôi trôi rất chậm. Phía trước tôi nhìn thấy một ánh sáng trắng rực rỡ, khá giống đỉnh ngọn lửa mà tôi đã từng nhìn vào ở cửa hiệu ảo thuật. Tôi bắt đầu tăng tốc, và chẳng mấy chốc tôi đã lao về phía nó. Dọc hai phía bờ sông, tôi nhìn thấy những người tôi biết đang tụ tập lại bên hai bờ của con sông. Tôi nghĩ tôi đã nhìn thấy cha tôi. Tôi nghĩ tôi đã nhìn thấy Ruth. Tôi cảm nhận được yêu thương và được chấp nhận theo cách mà tôi chưa từng cảm nhận được trước đây. Rất nhiều người trong những người tôi thấy vẫn còn sống. Tôi nhìn thấy mẹ tôi trong chiếc áo choàng tắm của bà. Anh trai tôi cười với tôi từ căn phòng ngủ của hai anh em ở Lancaster. Tôi nhìn thấy Chris, cô bé tôi từng thầm thích trong những năm đầu trung học. Tôi nhìn thấy chiếc xe đạp Sting-Ray màu cam cũ kỹ. Tôi nhìn thấy mình trên chuyến xe buýt đi đến Irvine, và tôi thấy mình đang thử khoác chiếc áo blouse trắng lần đầu tiên. Tôi thấy mình xoay mặt về phía sương mù trong cùng đêm hôm đó. Tôi cảm thấy ánh sáng trắng đang trở nên ấm áp hơn và gần hơn. Nó đang lớn dần. Bằng cách nào đó tôi biết rằng ánh sáng này chính là tình yêu, và đó là thứ duy nhất mang ý nghĩa mọi thứ trong vũ trụ này. Tôi phải vươn tới nó, và tôi biết rằng một khi tôi làm vậy, tôi sẽ là người có tất cả mọi thứ. Đây chính là thứ tôi vẫn luôn tìm kiếm. Đây là thứ duy nhất tôi cần. Tôi muốn được hòa cùng ánh sáng đó. Và đột nhiên tôi nhận ra rằng một khi tôi hòa cùng ánh sáng ấm áp, gọi mời đó, tôi sẽ không còn là một phần của thế giới này nữa. Tôi sẽ chết. “Không!”, tôi hét lên. Hay ít nhất là tôi nghĩ rằng mình đã hét lên. Đột nhiên tôi đi lùi lại, xa khỏi ánh sáng ấy. Như thể tôi đã kéo một sợi dây thun căng đến tối đa và rồi thả ra. Tôi đi ngược lại nhanh đến mức tôi hầu như không nhận thức được. Tôi cảm thấy những người có mặt ở đó để đón chào tôi đều đang bỏ đi.
Tôi vẫn nhắm mắt, nhưng tôi có thể nghe tiếng bíp từ các máy đo.
Tôi chỉ cần mở mắt ra thôi.
– Jim, anh có nghe thấy tôi nói không? – Tôi cảm thấy có một cú thúc vào bàn chân và tôi mở mắt ra. Ánh đèn sáng chói trong phòng hồi sức chiếu thẳng vào mắt tôi, tôi chớp mắt liên tục.
– Jim. – Giọng nói đó nói tiếp. – Tôi đã nói là chúng tôi cần anh ở đây mà. Ai sẽ làm chúng tôi cười và để chúng tôi trút giận nếu anh không ở đây chứ?
Tôi giơ tay lên chạm vào cánh tay cô ấy.
– Tôi còn sống không?
– Dĩ nhiên là anh còn sống. Chúng tôi đã phải truyền rất nhiều máu cho anh, nhưng anh sẽ khỏe thôi. Anh ổn rồi.
– Bạn tôi có sao không?
– Họ ổn cả. Các anh đều là những bệnh nhân thảm hại, nhưng anh sẽ ổn. Trừ khi chúng tôi giết anh trong khi anh ngủ. – Cô cười.
– Tôi đã chết ư? – Tôi hỏi.
– Anh còn sống.
– Không, ý tôi là, có phải tôi đã từng chết không? Có phải tôi đã được đưa về từ cõi chết?
– Không. Anh đã không ổn và huyết áp của anh thì rất thấp, rất thấp, nhưng anh không bị trụy tim. Họ đã tìm thấy một chỗ chảy máu mà họ đã bỏ sót ở gần lá lách của anh. Anh có bốn lít máu trong ổ bụng của mình. Chả trách huyết áp của anh thấp như vậy. Họ đã truyền cho anh sáu mươi đơn vị máu. Nhưng không, anh đã không chết. Ít nhất không phải kiểu mà tôi biết.
Cô nhìn tôi thăm dò.
– Không có gì. Chỉ là hơi kỳ lạ. Tôi đã ở trên một con sông. – Tôi dừng ở đó. Dù trải nghiệm đó là gì, tôi cũng không cần giải thích nó. Nhà khoa học trong tôi bắt đầu xem xét lại theo khía cạnh sinh lý học của toàn bộ sự kiện này. Liệu trải nghiệm của tôi có phải là một trạng thái cực đoan của việc thiếu oxy não? Có phải tôi đã tiết ra một lượng lớn chất dẫn truyền thần kinh(7)? Có phải đó là một ảo giác do sốc, chấn thương và mất máu? Lúc tôi ở trong trải nghiệm này, tôi không phải một bác sĩ ngoại thần kinh đang nhìn nhận nó bằng kiến thức y học, nhưng giờ thì phải. Đây có phải là một bí ẩn của não bộ mà tôi không bao giờ lý giải được?
(7) Chất dẫn truyền thần kinh: Là các chất hóa học nội sinh dẫn truyền tín hiệu từ các neuron thần kinh đến các tế bào đích qua các khớp thần kinh.
THEO ƯỚC TÍNH, có gần mười lăm triệu người Mỹ đã từng có trải nghiệm cận tử, hay như người ta vẫn thường gọi là NDE(8). Năm 2001, tạp chí Lancet đã đăng tải một nghiên cứu chỉ ra rằng có khoảng 12 đến 18% bệnh nhân bị trụy tim hay ngừng thở có thể đã có trải nghiệm cận tử sau những tình trạng y học bao gồm huyết áp thấp, thiếu oxy não, hay suy yếu toàn diện chức năng não do chấn thương hay bệnh tật. Những trải nghiệm đồng dạng này thường bao gồm những mô tả về thoát xác, trôi đi, hồi tưởng lại cuộc đời, có cảm giác được ở bên cạnh những người thân yêu đã khuất hay nghe được giọng nói của họ, một cảm giác ấm áp và thương yêu vô điều kiện, và thường sẽ trôi trên một dòng sông hay ở trong một đường hầm trong khi đang bị lôi kéo về một luồng sáng. Những mô tả như thế cũng đã từng được mô tả trong nhiều nền văn minh và xuyên suốt các ghi chép lịch sử.
(8) Near Death Experience.
Trong cuốn Republic của Plato có “Câu chuyện về Er”, trong đó kể về một người lính bị giết, được tìm thấy trong tình trạng chưa phân hủy, và sau đó mười hai ngày đã tỉnh lại trên giàn thiêu trong đám tang của anh ta. Anh đã có một miêu tả tương tự về trải nghiệm cận tử (hoặc đã chết thật) của chính anh, bao gồm nhiều yếu tố thông thường liên quan tới NDE thời hiện đại. Nhiều người cho rằng bức họa nổi tiếng thế kỷ 16, Ascent into Empyrean của danh họa Hieronymus Bosch người Hà Lan, là sự miêu tả một trải nghiệm cận tử với một đường hầm dẫn đến một ánh sáng rực rỡ mang dáng hình có thể là tượng trưng cho thế giới vượt trên sự sống ở trái đất. Còn có một câu chuyện về đô đốc người Anh, Beaufort, người đã mô tả lại lần suýt chết đuối của ông vào năm 1795, và một bác sĩ người Mỹ, A. S. Wiltse, người mà năm 1889 đã mô tả một trải nghiệm tương tự của chính ông trong một lần chiến đấu với căn bệnh thương hàn. Mỗi miêu tả trong số này đều có một vài điểm liên kết với NDE điển hình – nhìn thấy cơ thể của họ từ xa, có cảm giác trôi đi, nhìn thấy những người thân yêu, và đi hướng về ánh sáng trắng.
Cuối thế kỷ 19, Victor Egger, một nhà nhận thức luận và nhà tâm lý học người Pháp, đã sử dụng thuật ngữ tiếng Pháp expérience de mort imminente (trải nghiệm cái chết cận kề) để mô tả một hiện tượng tương tự xảy ra với những nhà leo núi, những người đã “thấy” cuộc đời họ trôi qua trước mắt mình khi họ rơi vào thứ mà họ nghĩ rằng là cái chết của mình. Gần đây hơn, Celia Green, năm 1968, xuất bản một phân tích về bốn trăm trường hợp trải nghiệm thoát xác đã dẫn người ta đến câu hỏi liệu ý thức của chúng ta có thể tồn tại bên ngoài cơ thể chúng ta, và trong năm 1975, bác sĩ tâm thần Raymond Moody phát hành một cuốn sách về những trải nghiệm này và đặt ra thuật ngữ trải nghiệm cận tử, thu hút sự quan tâm chú ý của các nhà khoa học đến với hiện tượng phi thường này, điều mà trước đây vốn chỉ được mô tả trong địa hạt của tôn giáo, triết học và siêu hình học. Có rất nhiều mô tả bao gồm các biểu tượng tôn giáo như thiên thần và những hình tượng như Chúa Jesus hay Muhammad. Những biểu tượng như thế thường tương liên với niềm tin hoặc đức tin tôn giáo của mỗi cá nhân. Với nhiều người, những trải nghiệm như thế là về những biến đổi cuộc đời. Những người theo thuyết vô thần cũng đã thuật lại nhiều yếu tố NDE cơ bản giống như những người có đức tin. Một trong những vụ nổi tiếng nhất là về ngài A. J. Ayer, một triết gia người Anh và là tác giả của cuốn Language, Truth, and Logic, một người theo thuyết vô thần công khai, người mà vào năm 1988 đã suýt chết nghẹn trong khi ăn. Về sự việc đó, ông đã nói: “Những gì tôi biết đã suy yếu, không phải niềm tin của tôi rằng không có cuộc sống sau cái chết, mà là thái độ khăng khăng của tôi với niềm tin ấy”. Giữa những ghi chép về NDE của những người vô thần, có một số không có ảnh hưởng đến đức tin của họ, trong khi một số khác đã có những biến đổi về tâm linh.
Nhờ công trình của Moody và những người khác, những nhà khoa học quan tâm nghiên cứu hiện tượng này đã tăng lên. Ngoài ra, chúng ta cũng biết rằng những trải nghiệm tương tự có thể được đem lại một cách giả tạo bằng những loại thuốc như thuốc gây mê ketamine và một vài loại ma túy. Chúng cũng có thể được gây ra bằng kích thích điện ở thùy thái dương hoặc hồi hải mã(9) trong não. Chúng có thể xảy ra ở một mức độ sụt giảm oxy não do thiếu hụt lượng máu bơm lên não (như trải nghiệm của một phi công chiến đấu) và thậm chí khi mắc chứng thở quá nhanh(10). Điều thú vị là, trong khi đem lại những trải nghiệm cấu thành NDE, trừ trường hợp ảo giác với các loại ma túy, chúng lại không liên đới một cách đặc trưng đến những phản hồi mang tính biến đổi hay đổi đời của những cá nhân trải nghiệm chúng. Có phải là nguy cơ của cái chết (hay một phần của não bộ đã lý giải tình huống thành như thế) chính là mẫu thức chung trong những tình huống khiến họ biến đổi?
(9) Hồi hải mã là một cấu trúc nằm trong thùy thái dương, thực hiện các chức năng có liên quan đến hoạt động lưu giữ thông tin, hình thành ký ức trong trí nhớ dài hạn và khả năng định hướng trong không gian.
(10) Hyperventilation.
Nhà tâm lý học Susan Blackmore đã đưa ra nhận định rằng trải nghiệm đi qua một đường hầm hướng về ánh sáng rực rỡ là kết quả của sự nhiễu loạn thần kinh tăng lên, xảy ra khi ngày càng nhiều tế bào não bắt đầu kích động để phản ứng lại sự thiếu oxy trong não. Bà cũng đưa ra giả thuyết là cảm giác thanh thản và yên bình là do một lượng lớn chất dẫn truyền thần kinh endorphin(11) được tiết ra từ áp lực của sự kiện. Trong những nghiên cứu gần đây, nhà sinh lý học Jimo Borjigin, bằng một thí nghiệm giảm oxy máu trên loài gặm nhấm, đã chứng minh được một sự gia tăng nhất thời trong dao động sóng gamma liên kết đồng bộ, vốn là một liên kết chặt chẽ và toàn diện, xảy ra trong khoảng ba mươi giây sau khi ngừng tim. Nói cách khác, những con chuột thiếu oxy, rơi vào trạng thái ngừng tim và chết đã có một sự tăng cường ý thức trong não sau khi chết. Những dao động gamma này được ghi nhận cả trong ý thức tỉnh táo lẫn trạng thái ý thức được tăng cường, đồng thời có liên kết với trạng thái thiền định trong giai đoạn giấc ngủ mắt chuyển động nhanh (REM)(12), vốn là giai đoạn trong giấc ngủ khi mà trí nhớ được củng cố và tăng cường. Rõ ràng, có nhiều ghi chép tỉ mỉ về các biểu hiện sinh lý thần kinh diễn ra trong quá trình NDE và có thể diễn ra trong những kiểu áp lực não khác hoặc được tái tạo bằng những phương pháp không liên quan đến NDE.
(11) Một loại chất dẫn truyền thần kinh giúp tạo ra những cảm xúc tích cực.
(12) Giấc ngủ REM, giấc ngủ mắt chuyển động nhanh là một trong bốn giai đoạn của giấc ngủ. Đây là giai đoạn của giấc ngủ mà não hoạt động tích cực và xuất hiện những giấc mơ. Trong giấc ngủ REM, mắt chuyển động rất nhanh. Giai đoạn REM của giấc ngủ được chứng minh là có thể giúp tăng cường khả năng gợi nhớ và năng lực trí tuệ toàn phần.
Giống như rất nhiều thứ khác trong đời, niềm tin của chúng ta vốn là hiện thân của những trải nghiệm sống của chúng ta. Và bộ não là sự hợp nhất của những trải nghiệm đó. Nhưng còn trải nghiệm của trái tim thì sao? Điều hấp dẫn tôi hơn cả khoa học, sự nghiên cứu và những câu hỏi về cuộc sống sau cái chết được đưa ra từ một trải nghiệm cận tử chính là sợi chỉ chung nào đã xâu chuỗi hết những trải nghiệm ấy. Tại sao rất nhiều người đều hướng về ánh sáng, sự ấm áp và tình yêu? Có lẽ những gì chúng ta trải nghiệm trong những NDE chính là những khao khát mãnh liệt nhất trong tim ta. Được yêu thương vô điều kiện. Được chào đón. Được cảm nhận sự ấm áp của mái nhà và gia đình. Được thuộc về.
Tôi không biết chính xác điều gì đã xảy ra sau tai nạn xe đó, khi huyết áp của tôi tuột không phanh, và rồi sau cùng, tôi nhận ra chuyện đó không quan trọng. Tôi không cần tìm đáp án hay giải thích nó. Có thể tôi đã chết, có thể không.
Tôi không biết được.
Điều tôi biết chắc chắn là tôi đã chết nhiều lần trong đời này rồi. Là một đứa trẻ lạc lối và vô vọng, tôi đã chết trong cửa hiệu ảo thuật. Chàng trai trẻ từng cảm thấy cả nỗi xấu hổ lẫn khiếp hãi cha mình, người đã đấm và nhuộm máu ông trên tay, đã chết vào cái ngày anh ta rời nhà đi học đại học. Và mặc dù tôi không biết điều này vào thời điểm gặp tai nạn, nhưng đến cuối cùng thì một vị bác sĩ ngoại thần kinh ngạo mạn, tự cao tự đại mà tôi sẽ trở thành rồi cũng sẽ đối diện với cái chết của chính mình. Chúng ta có thể chết đến ngàn lần trong cuộc đời này, và đó là một trong những món quà tuyệt vời nhất của việc được sống. Đêm đó, điều đã chết trong tôi chính là niềm tin rằng phép màu của Ruth đã khiến tôi trở thành bất khả chiến bại và niềm tin rằng tôi vốn đơn độc trên đời. Khi đó tôi đã cảm nhận được sự ấm áp của ánh sáng và một cảm giác hòa hợp với vũ trụ này. Tôi đã được bao bọc trong tình yêu, và trong khi nó không làm thay đổi đức tin tôn giáo của tôi, nó đã củng cố cho niềm tin mãnh liệt của tôi là chúng ta của hôm nay không nhất thiết sẽ là chúng ta của ngày mai và rằng chúng ta được kết nối với mọi thứ, với mọi người.
Tôi tỉnh dậy trên chiếc giường bệnh đó và tôi nhớ mình đã đi xa như thế nào từ chiếc xe đạp Sting-Ray màu cam nọ, từ mùa hè trôi qua trong một cửa hiệu ảo thuật. Điều tôi không biết khi đó là tôi còn phải đi bao xa nữa. Nhìn thấy Ruth cạnh dòng sông đó, cảm thấy thương yêu và nối kết với nhiều người, có thể đã là một dấu hiệu cảnh báo rằng tôi đã chệch hướng quá xa khỏi những gì bà đã cố dạy dỗ tôi. Nhưng phải mất nhiều năm trời và nhiều sai lầm đau đớn trước khi tôi nhận ra điều đó.