T
ôi đã luôn yêu thích nhạc opera, dù tôi không thể nói chắc chắn là tại sao. Mặc dù không hiểu một lời nào, nó vẫn thường khiến tôi muốn khóc. Có lẽ đó là cảm xúc nguyên sơ, là sự thể hiện đầy dũng cảm của cảm giác say mê đã vượt trên ngôn ngữ. Opera không phải là thứ bạn có thể tri thức hóa hay khám phá bằng trí óc – nó chỉ có thể được cảm nhận bằng trái tim. Hầu hết các bác sĩ phẫu thuật đều mở nhạc trong phòng mổ – nó có thể xoa dịu và trấn tĩnh bệnh nhân hoặc tăng tập trung và năng lượng cho đội ngũ phẫu thuật. Các nghiên cứu đã cho thấy rằng khi nhạc được mở cho bệnh nhân nghe trước khi phẫu thuật, họ biểu lộ ít sự lo lắng hơn và cần ít thuốc giảm đau hơn. Giống như kỹ thuật thiền định, âm nhạc giúp làm giảm nhịp tim, giảm stress, và hạ huyết áp. Hiệu quả xoa dịu này không chỉ diễn ra với bệnh nhân mà còn với cả bác sĩ.
Với tôi, nếu tôi mở nhạc trong lúc phẫu thuật, âm lượng sẽ rất nhỏ và nhạc thường là nhạc cổ điển, êm dịu trong suốt giai đoạn căng thẳng của ca phẫu thuật. Khi tôi đóng cửa một mình, tôi có thể bật âm lượng lớn lên và mở nhạc rock cổ điển. Nhưng loại nhạc mà tôi không bao giờ mở đó là opera. Khi tiến hành phẫu thuật, tôi giống như một cái máy. Bệnh nhân của tôi có thể muốn sự thông cảm và kết nối về cảm xúc trước khi phẫu thuật, nhưng trong quá trình phẫu thuật, họ cần kỹ năng, khả năng chuyên môn và những quyết định quan trọng của tôi. Họ không muốn tôi khóc vì họ trên bàn mổ. Họ muốn tôi quan tâm, nhưng nếu chuyện đó cản trở tôi cứu sống họ thì không.
June là bệnh nhân đầu tiên của tôi trong chặng đường hành nghề y khoa sau khi tôi rời vị trí bác sĩ ngoại thần kinh của mình trong quân đội, và June sống vì opera. Khi cô lần đầu tiên ùa vào văn phòng tôi, cô tỏa ra năng lượng mạnh mẽ và một tâm hồn ấm áp. Cô thích đi giày cao gót, và cô nói với tôi từ sớm rằng cô không quan tâm tôi là một bác sĩ giỏi đến đâu, cô sẽ không bao giờ từ bỏ hai niềm đam mê lớn nhất của mình là ca hát và pasta(1), cho dù tôi có nói rằng làm vậy sẽ cứu mạng cô.
(1) Pasta là một loại mì, là món ăn truyền thống của Ý và hiện đã phổ biến trên toàn thế giới. Pasta vô cùng đa dạng về hình dạng và công thức chế biến. Dựa theo hình dạng và công thức chế biến, pasta có thể có nhiều tên gọi khác nhau.
June là giọng nữ cao trong một đoàn nhạc kịch lưu động. Opera là cả nghề nghiệp và tình yêu của đời cô. Chúng tôi dành thời gian mỗi lần hẹn để nói về những gì cô yêu thích – vở Aida(2), các vở nhạc kịch của Strauss(3) và vở Carmen(4). Những buổi hẹn của chúng tôi thường kéo dài hơn bình thường bởi vì tôi thích nghe những câu chuyện lưu diễn vòng quanh đất nước của cô. Cô thích làm cho người khác thấy dễ chịu.
(2) Aida là vở opera nổi tiếng của Giuseppe Verdi viết bằng tiếng Ý, được công diễn ở Cairo vào ngày 24 tháng 12, năm 1871.
(3) Richard Strauss (1864 – 1949) là nhà soạn nhạc người Đức.
(4) Carmen là vở nhạc kịch nổi tiếng của Georges Bizet, công diễn lần đầu tại Paris vào ngày 3 tháng 3 năm 1875.
– Nghe hơi điên, nhưng tôi thích khi tiếng hát của tôi khiến người ta khóc. Đó là khi tôi biết tôi đã lay động được họ. Đó là khi tôi biết tôi đã kết nối.
June bị chứng đau nửa đầu dữ dội, và trong khi bác sĩ chuyên khoa thần kinh có thể trị những cơn đau đầu của cô, ông lại không thể chữa được khối phình mạch lớn nằm sát ngay bên trái của thùy đảo(5) và phần đó của não liên quan tới chuyển động của vùng cơ mặt ở phía bán cầu não “trội” của cô. Khối phình mạch đã được tìm thấy như là một phần của kết quả khám bệnh cho chứng đau đầu của cô. Nó không phải là nguyên nhân gây đau đầu, nhưng nó lại ẩn chứa nguy cơ không chỉ cướp đi của cô điều mà cô coi trọng nhất, mà còn có thể lấy mạng cô.
(5) Thùy đảo (Insula lobe) nằm sâu dưới lớp vỏ não ở thùy thái dương, có thể cảm nhận được tình trạng nội tại của cơ thể, gồm cả những cảm tính trực giác, làm phát khởi tình thương và sự đồng cảm.
– Bất kể tôi bị gì, – cô nói, – tôi không muốn làm bất cứ thứ gì mà sẽ gây tổn hại đến chất giọng hay khả năng ca hát của tôi. Đó là thứ quan trọng nhất tôi có.
Tôi phải báo tin xấu với June.
Chứng phình mạch, dựa trên kích cỡ đường kính lớn hơn một xăng-ti-mét, cần phải được xử lý ngay lập tức, và tôi đã giải thích điều này với cô nhiều lần suốt các buổi hẹn. Tôi cảm thấy việc này là cấp bách, nhưng tôi biết với June thì cần một phương thức khéo léo để giải thích cho cô chầm chậm, hết lần này đến lần khác. Tôi khuyến khích cô tham khảo ý kiến của các bác sĩ ngoại thần kinh khác, bao gồm những đồng nghiệp nhiều kinh nghiệm hơn của tôi, mặc dù tôi đã tiến hành loại phẫu thuật này nhiều lần. Không may là, một vài bác sĩ ngoại thần kinh với sự nghiêm túc nhất với địa vị mình đã hồn nhiên và thực tế mô tả phương pháp điều trị cùng những rủi ro đi kèm mà không hiểu rằng trong khi đó là việc làm hằng ngày với chúng tôi thì việc điều trị này thường là sự kiện quan trọng nhất trong đời bệnh nhân và gia đình của họ. Hai vị bác sĩ ngoại thần kinh khác mà cô gặp để tham khảo ý kiến bổ sung chính là kiểu này. Cô trở lại trong sự sợ hãi – với cảm giác rằng cô không phải là một con người mà là một lời chẩn đoán.
June cần khoảng thời gian để xử lý chuyện này, thậm chí cần nhiều hơn hầu hết mọi người, và tôi cố cho cô tất cả thời gian mà tình trạng của cô cho phép. Thậm chí trước đây khi là một bác sĩ mới vào nghề, tôi đã biết rằng dành thời gian cho bệnh nhân là một phần của kỹ thuật y khoa. Sau rốt, chúng ta đang làm việc với con người thật, người có những mối bận tâm và lo sợ thật sự. Bệnh nhân không phải là máy móc bị trục trặc và bác sĩ phẫu thuật không phải là thợ máy.
Càng nói chuyện nhiều với June, tôi càng thấy nỗi lo lắng của cô tiêu tan. Cô cần được kể câu chuyện của mình và cô cần được biết rằng tôi lắng nghe câu chuyện của cô, hiểu biết về cô với tư cách là một con người. Chúng tôi đã phát triển một tình bạn. Cuối cùng, cô bảo tôi rằng tôi là người duy nhất mà cô tin tưởng tiến hành phẫu thuật cho cô. Trong khi việc bệnh nhân có niềm tin to lớn vào khả năng của bạn là một việc tuyệt vời, thì chuyện lại khác khi bệnh nhân là một người bạn. Một ngày trước ca phẫu thuật của cô, cô gửi cho tôi đoạn ghi âm cô hát những khúc aria(6) yêu thích của mình. Đêm đó, tôi ngồi trong phòng làm việc của mình, nhắm mắt lắng nghe tiếng hát của cô.
(6) Aria (tiếng Ý nguyên gốc có nghĩa là “khúc ca” hay “điệu ca”, “điệu nhạc”) là thuật ngữ chỉ một bài ca hoặc độc lập hoặc là một phần của một tác phẩm lớn (opera, cantata, oratorio).
Buổi sáng có ca phẫu thuật của June, tôi chọn mở nhạc rock cổ điển từ thời thơ ấu của mình. Cô mỉm cười ấm áp với tôi khi được đẩy vào phòng phẫu thuật trên một chiếc băng ca và cô nghe những ca từ của ca khúc “All You Need Is Love” vang lên trên loa phóng thanh và chúng là những từ cuối cùng cô nghe khi dần rơi vào giấc ngủ. Chúng tôi chuyển cô từ băng ca lên bàn mổ sau khi cô được gây mê, tôi lấy dụng cụ kẹp đầu với những cái ghim nhọn và gắn nó vào đầu cô để cố định nó trong suốt ca mổ. Tôi có thể cảm nhận được những cái ghim đâm xuyên qua da đầu cô và gài vào hộp sọ. Tôi xoay đầu cô sang bên phải và duỗi nhẹ cổ của cô ra. Tôi biết ngoại hình rất quan trọng với cô nên tôi cắt tóc của cô ít nhất có thể. Tôi xem qua ảnh chụp X-quang mạch máu với đường nét của một bong bóng lớn trên động mạch dẫn tới một phần lớn trên não trái của cô. Đó là một khối phình mạch xuất hiện tại chỗ phân nhánh của động mạch não giữa. Tôi rạch da đầu và lật lớp da để lộ hộp sọ. Thông thường, hộp sọ bảo vệ chúng ta, nhưng trong trường hợp này nó đang cản đường. Tôi dùng một máy cắt sọ để mở hộp sọ của cô, thứ mà sau đó tôi tháo ra và cẩn thận đặt lên một cái khăn vô trùng. Tôi có thể nhìn thấy màng cứng của cô, thứ mô xơ đang bao phủ não bộ ấy, và biết rằng ngay bên dưới nó chính là khối phình mạch, đang hòa nhịp với nhịp đập trái tim cô.
Nếu nó bị cắt, cô có thể lên cơn đột quỵ, hoặc mất giọng, hoặc sẽ chết.
Tôi chầm chậm mở màng cứng, và khi làm vậy, tôi có thể thấy phần chóp của khối phình mạch hiện ra giữa thùy trán và thùy thái dương tại rãnh Sylvian(7). Tôi bắt đầu công việc thực sự – đặt kính hiển vi vào vị trí và sử dụng một lưỡi dao micro để mổ lớp màng tinh xảo trên bề mặt não, cho phép tôi mở đến rãnh Sylvian và tiếp cận được phần cổ của khối phình mạch, nơi mà cái kẹp sẽ được gắn vào. Tôi cần tách nó ra khỏi hệ tuần hoàn bình thường của cô. Khi tiếp cận khối phình mạch, tôi có thể thấy phần thành mạch rất mỏng. Qua ánh sáng cường độ mạnh của kính hiển vi, tôi có thể thấy máu cuộn chảy bên trong thành mạch phình to và đang đập. Nó có thể tự vỡ bất cứ lúc nào. Một phần thành mạch và cổ của khối phình mạch rõ ràng là gắn liền với phần não xung quanh, khiến chúng càng khó tách ra hơn mà không bị vỡ. Thật chậm, vô cùng chậm, tôi tiếp tục quá trình phân tách và đã có thể tạo ra một đường nhỏ giữa mô sẹo dính liền và phần cổ để tôi có thể đặt cái kẹp. Tôi thậm chí không có một milimet không gian dư nào. Nếu tôi bất cẩn, nó sẽ vỡ ngay. Sai sót của tôi có thể lập tức tước đi khỏi cô thứ có ý nghĩa nhất đời cô – ca hát. Tôi lật giở, xem xét vài cái kẹp khác nhau và đặt một cái lên cái gắp, hướng đến khối phình mạch đang đập mà có thể giết chết cô ấy. Đột nhiên tôi thấy gương mặt June hiện lên trong tâm trí và nghĩ về tiếng hát của cô. Tôi có thể nghe thấy giọng hát ngân nga của cô. Và rồi tôi nghĩ đến nguy cơ bị liệt của cô, không còn có thể nói chuyện hay ca hát. Bàn tay đang cầm kẹp của tôi bắt đầu run rẩy. Không phải một cái run thoáng qua mà là run rẩy thật sự. Tôi không thể tiếp tục.
(7) Rãnh Sylvian còn gọi là rãnh bên, nằm giữa thùy trán và thùy đỉnh não.
June là một người bạn. Là người phụ nữ đã nói với tôi rằng giọng hát của cô là thứ quan trọng nhất trên đời với cô. Tôi đã hứa với cô rằng sẽ không có bất trắc gì. Tôi đã hứa rằng mọi thứ rồi sẽ ổn thôi.
Sẽ là nguy hiểm chết người khi một bác sĩ phẫu thuật có sự kết nối về mặt con người với bệnh nhân trong ca phẫu thuật. Đó phải là chuyện thực hành kỹ thuật. Bạn phải khách quan hóa con người kia. Nếu bạn nghĩ về việc chuyện gì sẽ xảy ra với người bạn này, bạn không thể tiến hành ca phẫu thuật được. Chuyện này quá ảnh hưởng cá nhân. Tôi thấy sợ. Điều này chưa từng xảy ra trước đây.
Tay tôi run quá dữ dội đến nỗi tôi phải ngừng lại một chút và ngồi xuống. Tôi nhắm mắt và tập trung vào nhịp thở của mình – hít vào, rồi chầm chậm thở ra – cho đến khi tạo ra đủ khoảng không trong suy nghĩ mà nỗi sợ chẳng còn chỗ để trụ lại. Đó là lúc để mở rộng trái tim, là lúc để tin cậy vào kỹ năng và năng lực nhà phẫu thuật của tôi. Năng lực nhà chuyên môn thuần túy của tôi. Đây là phương pháp tôi đã từng tiến hành vô số lần. Một thứ mà tôi cực kỳ giỏi. Nỗi sợ buông tha cho tôi và tôi quay trở lại trạng thái bình tĩnh với sự chắc chắn về mục đích của mình. Tôi có thể nhìn thấy trong tâm trí mình hình ảnh cái kẹp được đặt vào đúng vị trí và khối phình mạch bị loại bỏ. Tôi quay lại với hộp sọ đang mở của June và chỉnh tiêu điểm kính hiển vi vào chỗ phình mạch, chầm chậm đưa cái kẹp vào vị trí trong khe hở nhỏ xíu mà tôi đã tạo ra, và một khi đến được đó, tôi từ từ đóng miệng kẹp lại. Sau đó, tôi đâm mũi kim vào đỉnh khối phình mạch và rút máu thừa trong đó. Nó không bị phình trở lại. Con quái thú đã bị đánh bại và chẳng còn nguy hiểm nữa. June sẽ lại ca hát. Tôi chậm rãi đóng màng cứng lại, đặt lại phần nắp sọ và khâu lại da đầu. Khi khâu mũi cuối cùng, tôi nhận ra nhạc đang mở lại bài hát mà chúng tôi đã nghe lúc bắt đầu. “Tình yêu là tất cả những gì ta cần, tình yêu là tất cả những gì ta cần”.
June được rút ống và được đưa về phòng hồi sức. Tôi kiệt sức ngồi xuống và nhắm mắt lại một lúc trước khi bắt đầu viết toa thuốc. Tôi nghĩ về June và về việc tay tôi đã run rẩy. Đột nhiên, tôi nghe giọng June.
– Bác sĩ Doty đâu rồi? Tôi cần nói chuyện với ông ấy. Tôi cần nói chuyện với ông ấy ngay bây giờ.
Tôi bước đến bên cô và nắm tay cô.
– Chào June. Tình hình thế nào?
Cô nhìn sâu vào mắt tôi và nhìn thấy điều cô muốn thấy. “Ổn cả, ổn cả. Cảm ơn anh”. Rồi cô rướn người dậy để ôm tôi và bắt đầu khóc khi nhận ra mình rồi sẽ ỔN THÔI.
Khi lái xe khỏi bệnh viện mấy tiếng sau đó, tôi mở đĩa CD mà June đã gửi tôi mấy hôm trước. Ngay khi những nốt nhạc đầu tiên vang lên, tôi tăng tốc lên đường cao tốc hướng về nhà.
Giọng hát của June bất ngờ lấp đầy khoang xe với một bản aria từ vở Carmen, khúc Habanera – Tình yêu là cánh chim bất trị. Tôi mở âm lượng lớn hơn, mở cửa sổ và để gió lùa qua gương mặt mình. June có thiên khiếu. Cô có thể khiến người ta cảm thấy thoải mái bằng tiếng hát của mình. Cô có thể chạm đến trái tim người khác với chất giọng của mình và ngay cả qua một bản thu âm, cô cũng tạo được sự kết nối.
Chúng ta đều có năng khiếu và khả năng nối kết đó. Bất kể là qua âm nhạc, nghệ thuật, thơ ca hay chỉ bằng việc lắng nghe người khác. Có hàng triệu cách nhỏ bé để trái tim chúng ta cất tiếng với nhau, và đây là cách June tiếp cận chuyện trò cùng tôi.
Bản nhạc làm tôi đau đầu. Có một vẻ đẹp ẩn chứa trong giọng hát của cô. Tôi để tâm trí mình lang thang đến viễn cảnh những gì có thể xảy ra với June nếu ca phẫu thuật không được tiến hành suôn sẻ, và tôi có thể cảm thấy nước dâng lên trong mắt. Tôi biết ơn vì cô vẫn có thể tiếp tục chia sẻ món quà của cô với thế giới này, và lòng biết ơn đó khiến nước mắt tuôn ra nhiều hơn nữa. Tôi không thể hát opera, nhưng tôi vẫn có thể cảm nhận được nó có ý nghĩa thế nào với cô. Và trong khoảnh khắc đó, tôi muốn được ở nhà. Tôi muốn được ôm lấy người mình thương yêu. Và tôi biết ơn. Biết ơn vì tôi đã có thể giúp June. Biết ơn vì tôi đã là một bác sĩ.
SỐNG VỚI một trái tim rộng mở có thể khiến bạn bị tổn thương nhưng sẽ không nhiều như khi bạn sống với một trái tim khép kín. Tôi vẫn đang vật lộn với việc làm sao dung hòa phần con người của tôi với tư cách một bác sĩ ngoại thần kinh hoàn toàn khách quan với phần con người trong tôi đã cam kết sẽ nối kết với mọi người.
Tôi nhận thấy mình thường xuyên nghĩ về Ruth và ước rằng tôi có thể hỏi bà, khi đã là một người trưởng thành, cùng một câu hỏi mà tôi đã hỏi bà khi còn là một đứa trẻ, rằng: Tại sao? Điều gì đã khiến Ruth tiếp cận tôi, khi mà quá nhiều người khác chẳng làm vậy? Ruth không giàu có gì và bà không phải không có những vấn đề của riêng mình, nhưng trái tim bà rộng mở và bà nhìn thấy người khác đang khó khăn, bà đã làm gì đó để giúp đỡ. Tôi không ngừng băn khoăn, làm thế nào mà có những người có quá nhiều thứ lại có thể làm rất ít để giúp đỡ những người đang gặp khó khăn? Và làm thế nào có những người, những người gần như chẳng có gì, xét về vật chất, vẫn sẵn sàng trao đi mọi thứ họ có cho những người ít may mắn hơn? Sao vẫn có những người, những người như Ruth, cất công giúp đỡ người khác, và tại sao có những người quay lưng lại với người đang vật lộn trong khó khăn?
Đây không chỉ là những tư duy triết học không căn cứ. Tôi bắt đầu cống hiến hết mình cho nghiên cứu khoa học nghiêm cẩn và hợp tác với những người đang tìm tòi nghiên cứu trong những lĩnh vực tương tự. Tôi đã khám phá những bí ẩn của não bộ, và đã đến lúc phải cống hiến cho học thuật nghiêm khắc và khoa học không thể chối cãi để khám phá những bí mật của trái tim.
Tôi đã học được từ lâu rằng lòng trắc ẩn là một bản năng, có lẽ là bản năng bẩm sinh nhất của chúng ta. Nghiên cứu gần đây cho thấy rằng ngay cả động vật cũng có thể nỗ lực và trả giá ghê gớm để giúp đỡ đồng loại – hay thậm chí là khác loài – đang đau đớn. Những con khỉ chăm sóc nhau khi bị thương, những con cú con nhường phần ăn của chính mình cho những con yếu ớt hơn, còn có một con cá heo từng giúp đỡ một con cá voi lưng gù mắc cạn. Loài người chúng ta còn có lòng trắc ẩn bản năng hơn; não bộ chúng ta được mắc nối với khát khao giúp đỡ lẫn nhau. Chúng ta nhìn thấy khát khao này ở trẻ nhỏ từ lúc mới chập chững biết đi.
Có một phần của bộ não chúng ta được gọi là trung tâm hay chất xám quanh kênh tủy(8) và chỗ nối của nó với vùng vỏ não trán ổ mắt chịu trách nhiệm chủ yếu cho hành vi nuôi dưỡng. Khi chúng ta nhìn thấy người khác đau đớn hay khổ sở, phần này sẽ kích hoạt, nghĩa là chúng ta đã được “lập trình” để nuôi dưỡng và giúp đỡ người khác khi họ cần. Tương tự, khi chúng ta cho đi, điều đó thắp sáng niềm vui và kích thích hệ thần kinh tưởng thưởng trong não, thậm chí còn nhiều hơn khi nhận được sự cho đi từ người khác. Và khi chúng ta thấy ai đó hành động tử tế hoặc biết giúp đỡ, việc đó trở thành động lực cho chúng ta hành động với lòng trắc ẩn nhiều hơn.
(8) Periaqueductal grey matter, thường được viết tắt là PAG.
Nhiều người hiểu sai Darwin với việc ngụ ý rằng sự sống sót của những loài thích nghi nhất nghĩa là sự sống sót của những loài mạnh và tàn bạo nhất, trong khi sự thật đó là sự sống sót của những loài tử tế nhất và biết hợp tác nhất mới đảm bảo được sự tồn tại lâu bền của một giống loài. Chúng ta tiến hóa để hợp tác, để nuôi dưỡng, và nâng đỡ người chúng ta bảo hộ, và để phát triển lẫn nhau, vì lợi ích của tất cả mọi người.
Hôm đó tôi đã khóc vì June, cũng như tôi đã khóc vì những bệnh nhân khác trước đây, mặc dù tôi không bao giờ để ca phẫu thuật của mình bị gián đoạn bởi cảm xúc như thế. Chẳng có gì xấu hổ trong việc quan tâm hay cảm thông cho nỗi đau của người khác. Đó là điều tốt đẹp và tôi nghĩ rằng đó là lý do chúng ta ở đây, cùng nhau, trong cuộc đời này.
TRONG KHI VIẾT CUỐN SÁCH NÀY, tôi biết được tin Ruth đã qua đời vào năm 1979 vì căn bệnh ung thư vú, vậy nên trong khi tôi chẳng bao giờ biết chắc được, tôi vẫn tin rằng Ruth hẳn sẽ rất tự hào vì hành trình mở cửa chính trái tim mình và trái tim người khác của tôi. Và tôi nghĩ bà sẽ hiểu được khao khát của tôi muốn chứng minh một cách khoa học những gì bà đã biết bằng trực giác. Khi bộ não và trái tim chúng ta hoạt động trong sự hợp tác – chúng ta hạnh phúc hơn, chúng ta khỏe mạnh hơn, và chúng ta tự động thể hiện tình yêu thương, lòng tốt và quan tâm đến nhau. Tôi biết điều này bằng trực giác, nhưng tôi cần hợp thức hóa nó bằng khoa học. Đây là động lực để bắt đầu nghiên cứu về lòng trắc ẩn và vị tha. Tôi muốn hiểu sự tiến hóa, không chỉ tại sao chúng ta phát triển những hành vi như thế mà còn hiểu được nó ảnh hưởng đến bộ não và cuối cùng đến sức khỏe của chúng ta như thế nào. Rõ ràng, đã có những bằng chứng sơ bộ cho thấy những hiệu quả tích cực đáng kể. Mục tiêu của tôi là gia nhập một nhóm nhỏ những nhà nghiên cứu đã nghiên cứu trong lĩnh vực này rồi. Ở cấp độ cá nhân, tôi đã biết hiệu quả của việc này, nhưng tôi tự hỏi liệu chúng ta có thể tạo ra một phương pháp để cải thiện cuộc đời mọi người thông qua sự hiểu biết này không. Tôi có thể góp phần không?
Tôi đã bắt đầu vài điều tra nghiên cứu mở đầu với những đồng nghiệp trong khoa học thần kinh và tâm lý học. Kết quả rất đáng khích lệ. Chúng tôi thậm chí còn bắt đầu họp mỗi vài tuần để thảo luận những nghiên cứu gần nhất cũng như những dự án nghiên cứu tiềm năng. Chúng tôi gọi đây là Dự án Lòng trắc ẩn trong giai đoạn khởi xướng chưa chính thức. Lúc đầu, tôi tự góp vốn cho nghiên cứu này. Giữa một trong những cuộc họp của chúng tôi, cái tên Đạt Lai Lạt Ma xuất hiện, bởi một trong những nhân vật trung tâm dẫn dắt việc nghiên cứu này đã được Ngài khuyến khích nghiên cứu ảnh hưởng của thiền định và lòng trắc ẩn lên bộ não. Một vài ngày sau, trong khi đang dạo bước qua khu sân bãi của Stanford, một hình ảnh về Đạt Lai Lạt Ma chợt thình lình bật ra trong đầu tôi. Tôi nghĩ sẽ rất tuyệt nếu Ngài có thể đến Stanford, gặp tôi và đồng nghiệp của tôi, và nói về lòng trắc ẩn. Khá thú vị, vì tôi không phải là một Phật tử, tôi cũng không biết gì về Đạt Lai Lạt Ma nhiều hơn là Ngài từng thăm Stanford vào năm 2005 và đã thảo luận về thói nghiện, lòng ham muốn và nỗi thống khổ. Thế nhưng, tôi lại không thể vứt bỏ ý tưởng Ngài viếng thăm nơi này lần nữa ra khỏi đầu. Tôi tìm hiểu được chuyến viếng thăm năm 2005 một phần nào đó được thúc đẩy bởi vợ của chủ nhiệm khoa trường Y, người đã luôn ngưỡng mộ Đạt Lai Lạt Ma. Bà nói với tôi rằng một cán bộ ở bộ phận nghiên cứu về Tây Tạng của Stanford là người chịu trách nhiệm lo liệu thủ tục giới thiệu thỏa đáng. Tôi liên lạc với anh ta, và anh rất ủng hộ. Anh giới thiệu tôi với người phiên dịch tiếng Anh của Đạt Lai Lạt Ma, Thupten Jinpa, một cựu tăng sĩ, người đến lúc này đã làm việc với Đức Lạt Ma gần một phần tư thế kỷ. Tôi nói chuyện với ông qua điện thoại, và ông sắp xếp một cuộc gặp với Đạt Lai Lạt Ma trong chuyến thăm của Ngài đến Seattle vào năm 2008.
Và như thế đó, tôi đã diện kiến Đạt Lai Lạt Ma.
Một vài đại diện của Stanford đồng hành cùng tôi trong chuyến đi đến Seattle – một đại diện từ trường Y, chủ nhiệm khoa của khoa Đời sống Tín ngưỡng, giám đốc Viện Khoa học Thần kinh của Stanford, giáo sư thuộc khoa nghiên cứu Tây Tạng, người đã sắp xếp mối liên lạc ban đầu, và một mạnh thường quân tiềm năng. Một đoàn tùy tùng kha khá mà tôi không hề tính đến khi nảy ra ý tưởng mời Đạt Lai Lạt Ma.
Chúng tôi gặp nhau trong căn phòng ở khách sạn của Ngài và giới thiệu nhau, sau đó tôi giải thích với Đức Lạt Ma về mối quan tâm của tôi với lòng trắc ẩn và nền tảng của tôi với tư cách là một bác sĩ, một nhà giải phẫu thần kinh, những nghiên cứu sơ khởi mà chúng tôi đã bắt đầu với lòng trắc ẩn và mong muốn mời Ngài đến phát biểu tại Stanford. Ngài hỏi tôi vài câu hỏi sâu sắc về việc nghiên cứu và khoa học về lòng trắc ẩn. Sau khi tôi trả lời xong, Ngài nhìn tôi và mỉm cười. Ngài nói: “Vâng, dĩ nhiên tôi sẽ đến”.
Có một cảm giác khá lạ thường trong sự hiện diện của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Tình yêu tuyệt đối và vô điều kiện mà Ngài tỏa ra tạo cảm giác như thể một hơi thở thật sâu sau khi đã phải nín thở rất lâu. Ta không phải là bất kỳ ai khác ngoài chính mình, và ta được chào đón với sự chấp nhận toàn diện. Đó là một cảm giác sâu sắc mà không ngôn từ nào có thể giải thích thỏa đáng. Vị tăng sĩ nhanh chóng bày ra một cuốn sổ lớn để tìm chỗ trên tờ lịch nhằm lên lịch cho chuyến viếng thăm. Một ngày đã được thống nhất. Đột nhiên Đạt Lai Lạt Ma bắt đầu một màn thảo luận sôi nổi và sinh động bằng tiếng Tây Tạng cùng người phiên dịch của mình. Chuyện này bắt đầu hơi kỳ quái và đoàn người Stanford tất cả đều im lặng ngồi đó. Tôi đã làm gì khiến Ngài không vui ư? Tôi đã vô tình chọc giận Đức Lạt Ma hay sao? Họ đang nói gì?
Tôi bắt đầu toát mồ hôi và cảm thấy lo lắng.
Cuộc hội thoại đột nhiên kết thúc và người phiên dịch, Jinpa, quay sang tôi và nói:
– Jim, Đức Lạt Ma rất ấn tượng với ý định của anh và với nỗ lực mà anh đã khởi xướng, Ngài mong muốn có sự đóng góp cá nhân cho công trình của anh.
Ông ta nói với tôi con số, và tôi hoàn toàn lặng người. Một con số to lớn và chưa có tiền lệ. Đức Đạt Lai Lạt Ma có một nguồn vốn tự do từ việc bán sách mà Ngài đặc thù dành cho đại nghiệp hay những phát kiến của Tây Tạng. Ngài từng quyên những khoản tiền nhỏ hơn cho vài mục đích khác trong quá khứ, nhưng sự quyên góp lần này là con số lớn nhất Ngài từng quyên góp cho một sự nghiệp không thuộc Tây Tạng. Cuộc gặp kết thúc với việc chúng tôi ở trong trạng thái lâng lâng bay bổng. Không chỉ chúng tôi đã mời được Ngài về phát biểu ở Stanford, mà giờ Ngài còn là mạnh thường quân của chúng tôi. Tuyệt diệu. Rồi sau đó, một trong số những người có mặt ở buổi gặp đã nói với tôi rằng dựa trên cách mà Đức Lạt Ma hồi đáp lại tôi, anh ta cảm thấy buộc phải quyên góp cho dự án của tôi. Một tuần sau, một kỹ sư Google mà tôi đã gặp và có hứng thú với nghiên cứu của tôi đã gọi đến, nói rằng anh đã nghe về buổi gặp của chúng tôi và anh vô cùng ấn tượng với việc quyên góp của Đức Lạt Ma nên anh cũng muốn góp phần. Thứ được khởi đầu như một dự án không chính thức giờ đã được chính thức hóa bởi chủ nhiệm khoa của trường Y, với sự ủng hộ từ giám đốc Viện Khoa học Thần kinh và trưởng khoa của tôi, với tên gọi Trung tâm Nghiên cứu và Giáo dục lòng Trắc ẩn và Vị tha (CCARE(9)).
(9) Center for Compassion and Altruism Research and Education.
Và cũng phi thường như thế, Jinpa, người ngoài việc từng là cựu tăng sĩ còn từng lấy bằng tiến sĩ ở Đại học Cambridge, cuối cùng đã trở thành bạn thân thiết của tôi và đã dành một tuần mỗi tháng, trong suốt ba năm tiếp theo để giúp đỡ tôi trong việc gầy dựng CCARE của ngày hôm nay. Cùng lúc, cùng với những đồng nghiệp trong ngành tâm lý học, ông đã giúp đỡ phát triển một chương trình đào tạo nuôi dưỡng lòng trắc ẩn mà giờ đã được dạy cho hàng ngàn người và hiện chúng tôi vẫn tiếp tục nghiên cứu về ảnh hưởng của nó. Chúng tôi cũng đào tạo những trợ giáo, những người mang sức mạnh của việc tôi rèn này đi đến nhiều vùng trên thế giới và là những người mà không nghi ngờ gì là sẽ còn truyền bá nó nhiều năm, nhiều năm nữa.
Kể từ khi thành lập, CCARE đã được công nhận là đơn vị tiên phong và dẫn đầu trong địa hạt nghiên cứu về lòng trắc ẩn và vị tha, và đã lan tỏa ảnh hưởng sâu sắc của những đức tính này lên đời sống cá nhân, lên việc học hành, kinh doanh, sức khỏe, công bằng xã hội và lên chính quyền công dân. Chúng tôi hy vọng nó sẽ phụng sự như ánh sáng của ngọn hải đăng, chứng minh sức mạnh của một cá nhân có thể ảnh hưởng lên cuộc đời người khác và xa hơn nữa là thể hiện bằng thực nghiệm giá trị của những đức tính này đối với sức khỏe, sự lành mạnh và trường thọ.
Tôi đã có trải nghiệm cá nhân về sức mạnh mà một cá nhân có thể ảnh hưởng lên cuộc đời người khác. Hy vọng của tôi là CCARE sẽ truyền cảm hứng cho mọi người biết được sức mạnh tương tự. CCARE là một cách để thực hiện điều mà Ruth đã yêu cầu ở tôi – dạy phép màu của bà cho mọi người. Hướng dẫn những bác sĩ khác là một cách khác nữa.