“Nạn nhân là Robert Moreno”, Laurel nói với họ. “Ba mươi tám tuổi.”
“Moreno - nghe quen lắm”, Sachs nói.
“Báo chí nói rần rần đấy, thám tử”, đại úy Bill Myers xen vào. “Trang đầu luôn.”
Sellitto hỏi, “Khoan đã, tay người Mỹ chống Mỹ đấy hả? Tờ báo nào đấy gọi anh ta vậy thì phải.”
“Đúng rồi”, tay đại úy nói. Rồi ông đế thêm một cách cay cú: “Thứ đần độn.”
Lần này không dùng biệt ngữ.
Rhyme để ý Laurel có vẻ không thích nhận xét này. Chưa hết, cô ta có vẻ sốt ruột, cứ như mình không có thời gian cho mấy chuyện bông đùa lạc đề. Anh nhớ cô ta nói mình muốn hành động nhanh - và lý do giờ đây đã rõ: Có lẽ một khi NIOS phát hiện ra vụ điều tra này, bọn họ sẽ tiến hành các biện pháp chặn đứng vụ việc - một cách hợp pháp và, biết đâu, cả không hợp pháp.
Rhyme cũng sốt ruột không kém. Anh muốn sự ly kỳ.
Laurel trưng ra tấm ảnh một người đàn ông điển trai mặc sơ mi trắng, ngồi trước một micro phát thanh. Anh ta có đường nét đầy đặn trên khuôn mặt cùng mái tóc đang thưa dần. Cô phó công tố viên quận bảo họ, “Một tấm ảnh chụp gần đây trong phòng thu thanh của anh ta ở Caracas. Lúc còn sống, anh ta mang hộ chiếu Mỹ nhưng là kiều dân, sống tại Venezuela. Ngày 9 tháng 5, người này đi công tác tại Bahamas thì bị tay bắn tỉa giết trong phòng khách sạn. Hai người khác cũng thiệt mạng - vệ sĩ của Moreno và một nhà báo phỏng vấn anh ta. Tay vệ sĩ là người Brazil, sống tại Venezuela. Ông nhà báo là người Puerto Rico, sống tại Argentina.”
Rhyme chỉ ra, “Báo chí cũng không làm rùm beng gì nhiều. Nếu chính phủ bị bắt quả tang đặt tay trên cò súng, có thể nói vậy, thì báo chí đã ầm ĩ lên rồi. Người ta cho ai là kẻ gây án?”
“Các các-ten ma túy”, Laurel bảo anh. “Moreno đã lập ra một tổ chức gọi là Phong trào Trao quyền Địa phương để làm việc với người bản địa và người nghèo khổ tại Mỹ Latin. Anh ta phê phán việc buôn lậu ma túy. Điều này chọc giận một số người tại Bogotá và tại một số nước Trung Mỹ. Nhưng tôi không tìm được dữ kiện củng cố giả thuyết là có các-ten cụ thể nào muốn anh ta chết. Tôi tin Metzger và NIOS đã dựng mấy câu chuyện về các nhóm các-ten để lái sự chú ý ra khỏi bọn họ. Vả lại, còn một thứ tôi chưa nói đến. Tôi biết chắc chắn một tay bắn tỉa của NIOS đã giết anh ta. Tôi có bằng chứng.”
“Bằng chứng?” Sellitto hỏi.
Ngôn ngữ hình thể của Laurel, tuy không phải là nét mặt của cô ta, như muốn nói cô ta rất hân hạnh kể cho họ biết chi tiết. “Chúng tôi có một người tố giác - trong nội bộ NIOS hoặc có dính líu tới NIOS. Người này rò rỉ chỉ lệnh cho phép giết Moreno.”
“Như WikiLeaks hả?” Sellitto hỏi. Đoạn lắc đầu. “Mà không phải, không thể nào được.”
“Đúng rồi”, Rhyme nói. “Vì nếu có thì chuyện này đã đăng khắp báo đài rồi. Văn phòng công tố quận nhận được tin này trực tiếp đấy. Trong lặng lẽ.”
Myers: “Đúng vậy. Tay tố giác đã mao dẫn lệnh khử này.”
Rhyme lờ đi tay đại úy và cách nói kỳ quặc của ông ta. Anh nói với Laurel: “Kể cho chúng tôi nghe về Moreno đi.”
Cô ta kể, theo trí nhớ. Gia đình có gốc gác ở New Jersey, rời Mỹ khi Moreno được mười hai tuổi rồi chuyển nhà tới Trung Mỹ để tiện công việc của người cha, ông này là nhà địa chất cho một công ty dầu khí của Mỹ. Thoạt đầu, Moreno học trường Mỹ dưới đấy, nhưng sau khi người mẹ tự sát thì anh ta chuyển sang học trường địa phương và học rất giỏi.
“Tự sát?” Sachs hỏi.
“Hình như do bà ấy không thích nghi được với việc chuyển nhà… còn công việc của người chồng buộc phải đi công tác suốt đến những địa điểm khoan dầu và thăm dò dầu khắp vùng. Ông ấy chẳng mấy khi ở nhà.”
Laurel tiếp tục khắc họa nạn nhân: Ngay từ khi còn nhỏ, Moreno đã ghét việc chính phủ Mỹ và doanh nghiệp Mỹ vì lợi ích của họ mà bóc lột người dân Nam Mỹ và Trung Mỹ bản địa. Sau đại học, tại thành phố Mexico, anh ta trở thành người dẫn chương trình phát thanh và nhà hoạt động chính trị, viết và phát thanh nhiều bài công kích dữ dội nhằm vào Mỹ và cái mà anh ta gọi là chủ nghĩa đế quốc thế kỉ XXI của Mỹ.
“Anh ta định cư tại Caracas và lập ra Phong trào Trao quyền Địa phương như một phương thức thay thế giúp người lao động phát triển sự độc lập và không phải dựa dẫm vào các công ty châu Âu hay Mỹ để tìm việc và dựa vào viện trợ Mỹ giúp đỡ. Phong trào này có nửa tá chi nhánh khắp Nam Mỹ, Trung Mỹ và vùng Caribê.”
Rhyme rối trí. “Khó có thể là tiểu sử của một tay khủng bố.” Laurel nói, “Chính xác. Nhưng tôi phải nói với anh là Moreno lên tiếng ủng hộ một số nhóm khủng bố: al-Qaeda, al-Shabaab, Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan ở Tân Cương, Trung Quốc. Và anh ta hình thành một vài mối liên minh với nhiều nhóm cực đoan tại Mỹ Latin: ELN của Colombia - Quân đội Giải phóng Quốc gia - và FARC, cũng như Lực lượng Tự vệ Thống nhất. Anh ta rất đồng tình với nhóm Sendero Luminoso tại Peru.”
“Con đường Sáng phải không?” Sachs hỏi. “Phải.”
Kẻ thù của kẻ thù mình chính là bạn mình, Rhyme suy ngẫm. Cho dù chúng đánh bom giết trẻ em. “Nhưng mà…” anh hỏi. “Chỉ vì vậy mà bị ám sát ư?”
Laurel giải thích, “Gần đây trang blog và những số phát sóng của Moreno ngày càng chống Mỹ kịch liệt hơn. Anh ta tự xưng là ‘Sứ giả Chân lý’. Và một số thông điệp của anh ta là cực kỳ hung hăng. Anh ta thật sự ghét cái đất nước này. Đến mức có tin đồn là có người vì được anh ta truyền cảm hứng mà bắn du khách hoặc quân nhân Mỹ, hoặc quăng bom vào các đại sứ quán Mỹ hay các công ty hải ngoại. Nhưng tôi không tìm được một sự kiện nào trong đó anh ta chính miệng nói một từ ra lệnh hay thậm chí là gợi ý tiến hành một vụ tấn công cụ thể. Truyền cảm hứng khác với dự mưu.”
Dù chỉ biết cô ta vài phút, nhưng Rhyme ngờ rằng cô Nance Laurel đã chọn lọc hết sức kỹ càng những từ ngữ này.
“Nhưng NIOS cho rằng có tin tình báo nói Moreno đang lên kế hoạch tấn công hẳn hoi: đánh bom trụ sở một công ty dầu tại Miami. Họ dò trộm được một cuộc nói chuyện qua điện thoại, bằng tiếng Tây Ban Nha, và giọng nói được xác nhận là của Moreno.”
Cô ta bèn lục lọi trong chiếc cặp hồ sơ cũ nát của mình và tham khảo các ghi chép. “Đây là Moreno: Anh ta nói, ‘Tôi muốn nhắm vào Công ty Khoan Lọc Dầu Mỹ tại Florida. Vào ngày thứ Tư.’ Bên kia, chưa rõ là ai: ‘Ngày 10. Ngày 10 tháng 5 hả?’ Moreno:
‘Phải, buổi trưa, lúc nhân viên đang đi ăn trưa.’ Rồi bên kia: ‘Chà, làm sao đem đến đó được đây?’ Moreno: ‘Xe tải’. Rồi đến đoạn nói chuyện loạn xạ. Moreno lại nói: ‘Và đây chỉ mới là khởi đầu thôi. Tôi còn cả mớ thông điệp tương tự nữa trong kế hoạch.’”
Cô ta bỏ bản ghi vào lại cặp hồ sơ. “Công ty Khoan Lọc Dầu Mỹ có hai cơ sở tại Florida hoặc ở gần đấy: trụ sở khu đông nam tại Miami và một giàn khoan dầu ngoài biển. Không thể nào là giàn khoan được vì Moreno nói đến xe tải. Nên NIOS tin chắc trụ sở, nằm trên Đại lộ Brickell, mới chính là mục tiêu.
“Đồng thời, các nhà phân tích tình báo phát hiện thấy các công ty có dính líu tới Moreno đang chuyên chở nhiên liệu điêzen, phân bón và nitơ mêtan tới Bahamas trong tháng vừa qua.”
Ba thành phần phổ biến trong thiết bị nổ tự chế. Chính các chất này đã xóa sổ tòa nhà liên bang tại thành phố Oklahoma. Cũng chính là nơi chúng được vận chuyển đến bằng xe tải .
Laurel nói tiếp, “Rõ ràng Metzger tin nếu Moreno bị giết trước khi quả bom được tuồn lậu vào Mỹ thì bọn tay sai của anh ta sẽ không hoàn thành được kế hoạch. Anh ta bị bắn một ngày trước sự kiện này tại Miami. Vào ngày 9 tháng 5.”
Câu chuyện đến bây giờ nghe có vẻ như, cho dù người ta có ủng hộ việc ám sát hay không, giải pháp của Metzger đã cứu nhiều mạng người.
Rhyme toan đề cập đến điểm này nhưng Laurel đã đi trước anh. Cô ta nói, “Nhưng Moreno lại không nói đến một vụ tấn công. Đó là một vụ phản đối ôn hòa. Vào ngày 10 tháng 5, giữa trưa, nửa chục xe tải xuất hiện trước trụ sở Công ty Khoan Lọc Dầu Mỹ. Chỗ xe này không chuyển bom đến, mà là chuyển người đến để tham gia biểu tình.
“Còn các thành phần chế bom kia thì sao? Các thành phần này dành cho chi nhánh Phong trào Trao quyền Địa phương của Moreno tại Bahamas. Nhiên liệu điêzen dành cho một công ty vận tải. Phân bón dành cho mấy hợp tác xã nông nghiệp còn nitơ mêtan thì để sử dụng trong thuốc hun trùng trong đất. Đều hợp pháp cả. Đây là chỗ vật liệu duy nhất được nói đến trong chỉ lệnh cho phép giết Moreno nhưng còn có cả tấn hạt giống, gạo, linh kiện xe tải, nước đóng chai và các vật vô hại khác trong cùng một kiện hàng. NIOS đã cố tình quên đề cập đến mấy thứ đấy.”
“Không phải tình báo sai sao?” Rhyme ngỏ lời.
Khoảng nghỉ tiếp sau đó dài hơn gần hết các khoảng nghỉ trước, rồi cuối cùng Laurel nói, “Không. Tôi nghĩ tin tình báo đã bị sửa đổi. Metzger không thích Moreno, không thích cách anh ta hùng biện. Y có lần gọi thẳng người này là ‘một thằng phản bội đáng khinh’. Tôi nghĩ y không chia sẻ với các cấp tất cả các thông tin y tìm được. Thành thử giới chóp bu ở Washington phê chuẩn phi vụ này vì nghĩ có liên quan đến bom, trong khi Metzger biết là không có.”
Sellitto nói, “Nên NIOS đã giết một người vô tội.”
“Phải”, Laurel nói kèm một thoáng cao hứng trong giọng. “Nhưng vậy thì tốt.”
“Hả?” Sachs thốt lên, mày nhăn lại.
Một khoảng nghỉ bằng một nhịp tim. Laurel rõ ràng không hiểu vẻ thất kinh thấy rõ của Sachs, hệt như lúc cô thám tử này phản ứng trước nhận xét trước đó của Laurel rằng “may ra” thì tay súng này là dân thường, không phải quân nhân.
Rhyme giải thích, “Ban hội thẩm nữa đấy Sachs. Họ có khuynh hướng kết tội bị cáo đã giết một nhà hoạt động chính trị khi người này chỉ thực thi quyền tự do ngôn luận của mình theo Điểm sửa đổi Thứ nhất của Hiến pháp - hơn là một tay khủng bố cộm cán.”
Laurel nói thêm, “Đối với tôi không có khác biệt về mặt luân lý giữa hai trường hợp, ta không hành quyết bất kỳ ai mà không thông qua trình tự pháp luật chính đáng. Bất kỳ ai. Nhưng Lincoln nói đúng, tôi phải tính đến ban hội thẩm.”
“Thành ra, đại úy à”, Myers nói với Rhyme, “vụ án này chắc chắn sẽ được nhiều người quan tâm và khi đó chúng tôi sẽ cần một người sáng suốt như anh.”
Phản ứng tức thì của Rhyme là đồng ý. Vụ án rất ly kỳ và đầy thử thách về đủ mọi phương diện. Nhưng anh để ý thấy Sachs đang nhìn xuống, một ngón tay chà xát da đầu, một thói quen của cô. Anh tự hỏi điều gì đang làm cô phiền lòng.
Cô nói với công tố viên, “Cô đâu có truy tố CIA về vụ al-Awlaki đâu nào.”
Anwar al-Awlaki, công dân Mỹ, là một lãnh tụ Hồi giáo cấp tiến ủng hộ thánh chiến, đồng thời là một thành viên cốt cán bên trong mạng lưới con của al-Qaeda tại Yemen. Là một kiều dân như Moreno, hắn có biệt danh là Bin Laden của mạng Internet và hào hứng cổ vũ tấn công người Mỹ thông qua các bài viết trên blog của mình. Trong số những kẻ được hắn truyền cảm hứng có tay súng tại Fort Hood và kẻ đánh bom máy bay bằng thuốc nổ trong đồ lót, hai sự kiện đều xảy ra vào năm 2009, cùng kẻ đánh bom Quảng trường Thời đại vào năm 2010.
Al-Awlaki và một công dân Mỹ khác, biên tập viên trực tuyến của hắn, bị giết trong một đợt oanh tạc bằng máy bay không người lái theo chỉ đạo của CIA.
Laurel ra chiều không hiểu. “Sao tôi truy tố vụ đó được? Tôi là công tố viên New York mà. Chẳng có sự liên hệ nào ở cấp bang trong vụ ám sát al-Awlaki cả. Nhưng nếu cô hỏi tôi có chọn những vụ mà tôi nghĩ có thể thắng không, thám tử Sachs, thì câu trả lời là có. Buộc Metzger tội ám sát một tay khủng bố khét tiếng và nguy hiểm có lẽ sẽ không thắng được. Cũng không thắng được nếu buộc tội ám sát một người không phải công dân Mỹ. Nhưng vụ bắn Moreno thì tôi có thể thuyết phục được ban hội thẩm. Khi Metzger và tay bắn tỉa của y bị kết tội rồi thì tôi sẽ có thể xét đến các vụ án khác nhập nhằng hơn.” Cô dừng nói. “Hoặc có lẽ chỉ cần chính phủ đánh giá lại các chính sách của mình và hoạt động theo sát Hiến pháp… rồi ra khỏi ngành giết thuê.”
Liếc nhìn Rhyme, Sachs nói với cả Laurel lẫn Myers. “Tôi không biết nữa. Có cái gì đấy không ổn.”
“Ổn ư?” Laurel hỏi, ra chiều không hiểu cái từ ấy.
Chà mạnh hai ngón tay vào nhau, Sachs nói, “Tôi không biết. Tôi không chắc đây có phải là việc của chúng tôi hay không.”
“Cô và Lincoln à?” Laurel thắc mắc.
“Ai trong chúng tôi cũng vậy thôi. Đây là vấn đề chính trị, không phải vấn đề hình sự. Cô muốn ngăn NIOS ám sát người, được thôi. Nhưng chẳng phải đây là vấn đề của Quốc hội sao? Sao lại dính tới cảnh sát?”
Laurel liếc trộm Rhyme. Sachs tất nhiên đã đưa ra một luận điểm hợp lý - cái luận điểm mà ngay cả Rhyme cũng không nghĩ tới. Nói đến luật pháp, anh rất ít quan tâm đến vấn đề rộng hơn là đúng hay sai. Đối với anh, chỉ cần chính quyền Albany hay Washington hay hội đồng thành phố xác định rằng một tội cần tìm ra hung thủ, vậy là đủ. Việc của anh sau đó rất đơn giản: truy ra thủ phạm và xây dựng lập luận chống lại kẻ này.
Cũng như chơi cờ vua vậy. Việc các cha đẻ của trò cờ bí truyền ấy quyết định buộc quân hậu phải toàn năng và quân mã phải đi theo góc vuông có quan trọng không? Không. Nhưng một khi các quy tắc đó được thiết lập, người ta chơi theo các quy tắc đó.
Anh lờ đi Laurel nhưng mắt vẫn dán vào Sachs.
Rồi điệu bộ của cô phó công tố viên quận thay đổi, tinh tế nhưng rõ ràng. Rhyme nghĩ thoạt đầu cô ta chột dạ nhưng anh nhận ra không phải vậy. Cô ta đang chuyển sang chế độ biện hộ. Như thể cô ta vừa đứng dậy khỏi bàn công tố viên tại tòa rồi bước đến trước mặt ban hội thẩm - một ban hội thẩm vẫn chưa bị thuyết phục về tội của nghi can.
“Amelia, tôi nghĩ công lý nằm ở những tiểu tiết”, Laurel bắt đầu. “Ở những điều nhỏ nhặt. Tôi truy tố một vụ cưỡng hiếp không phải vì xã hội sẽ kém ổn định khi phụ nữ bị bạo hành tình dục. Tôi truy tố tội cưỡng hiếp bởi vì có một con người hành xử theo những hành vi bị cấm trong Bộ luật Hình sự New York, điều 130 khoản 35. Công việc của tôi là vậy, công việc của tất cả chúng ta là vậy.”
Nghỉ một chốc, cô ta nói, “Xin cô đấy, Amelia. Tôi biết thành tích của cô. Tôi muốn cô tham gia.”
Vì tham vọng hay ý thức hệ đây? Rhyme tự hỏi, mắt nhìn lướt qua thể trạng nhỏ bé nhưng khỏe khoắn của Nance Laurel, với mái tóc cứng đơ, ngón tay và móng tay cùn thiếu nước sơn bóng, bàn chân nhỏ nhắn trong đôi giày thực dụng không dây buộc, trên giày là dung dịch che vết trầy đã được bôi kỹ lưỡng như lớp phấn trên mặt cô ta. Anh thực tình không thể nói yếu tố nào trong hai yếu tố đó thúc đẩy cô ta, nhưng có một điều anh quan sát thấy: Thực ra anh đã rùng mình khi thấy sự thiếu vắng đam mê trong đôi mắt đen của cô ta. Và không dễ gì làm Lincoln Rhyme rùng mình.
Trong khoảng im lặng tiếp sau đó, ánh mắt Sachs chạm ánh mắt Rhyme. Cô dường như cảm nhận được anh rất muốn tham gia vụ án này. Và đây chính là điểm bùng phát. Một cái gật đầu. “Tôi tham gia”, cô nói.
“Tôi nữa.” Rhyme đang nhìn, không phải nhìn Myers hay Laurel mà là Sachs. Nét mặt của anh nói, Cảm ơn em.
“Và dù không ai yêu cầu tôi”, Sellitto càu nhàu nói, “nhưng tôi rất sẵn lòng phá mẹ nó sự nghiệp của mình bằng cách tóm cổ một quan chức liên bang thâm niên.”
Rồi Rhyme nói, “Tôi cho rằng việc cần ưu tiên là bảo mật.”
“Chúng ta phải giữ kín chuyện này”, Laurel đáp. “Bằng không chứng cứ sẽ biến mất dần. Nhưng tôi nghĩ chúng ta không cần phải lo vào thời điểm này. Trong văn phòng tôi, chúng tôi đã tìm mọi cách giấu kín vụ án. Tôi tin chắc NIOS không biết gì về cuộc điều tra đâu.”