Vygotsky tin rằng ngôn ngữ đại diện cho kho kinh nghiệm được chia sẻ chung, rất cần thiết trong việc kiến tạo sự phát triển nhận thức. Ông tin rằng việc trò chuyện rất cần thiết để làm sáng tỏ các điểm quan trọng, nhưng trò chuyện với người khác còn giúp chúng ta học được nhiều hơn về giao tiếp. Chúng ta có thể học được rất nhiều từ việc quan sát các cuộc đối thoại của trẻ. Nó có thể giúp chúng ta nhận ra trẻ đã biết được gì và điều gì trẻ còn lẫn lộn. Rất nhiều người trong chúng ta vẫn còn nhớ những ngày còn đi học, khi chúng ta bị bắt phải giữ trật tự và tập trung vào học. Các giáo viên ngày đó nghĩ rằng việc học là một cuộc hành trình đơn độc, là thứ gì đó mà mỗi học sinh phải thực hiện một mình. Vygotsky đã cho chúng ta thấy tầm quan trọng của việc học như một trải nghiệm mang tính tương tác. Những giáo viên nào muốn khích lệ sự phát triển nhận thức của học trò thì nên khuyến khích các cuộc đối thoại.
Khuyến khích đối thoại
Đôi khi các giáo viên không khích lệ sự đối thoại. Thường điều này diễn ra trong thời gian làm việc nhóm. Giáo viên trình bày các chủ đề như sự phát triển của các sự vật, về những con khủng long, về giao thông vận tải, với hy vọng chia sẻ hiểu biết của mình về thế giới với trẻ em. Việc ngắt lời bị xem là phá rối “bài học”. Hiểu về lý thuyết của Vygotsky sẽ cho chúng ta thấy vai trò của ngôn ngữ - hỏi han, trò chuyện, đùa vui, ngắt lời – trong việc mở rộng khả năng học tập của trẻ. Trong trò đóng kịch chúng ta thường nghe thấy trẻ điều chỉnh cách nhìn về thế giới của chúng. Ví dụ, một hôm tôi vô tình nghe được cuộc đối thoại này tại một trung tâm chăm sóc trẻ:
Juan: Tớ sẽ trở thành một y tá.
Nicole: Không, bạn không thể làm y tá được! Mẹ tớ là một y tá. Bạn phải trở thành một cô gái.
Heather: Đúng thế, các bạn trai chắc sẽ trở thành các bác sĩ.
Erleen: Bác sĩ đỡ đẻ cho mẹ tớ là một cô gái đấy.
Dylan: Coi nào Juan, bạn cứ làm một bác sĩ đi để chúng ta có thể tiếp tục chơi trò này!
Những ý kiến cá nhân đã được đưa ra. Những kinh nghiệm được chia sẻ. Thậm chí Dylan còn đủ khôn ngoan để nhận ra rằng cậu và Juan đang bị mắc vào một “trận chiến ngôn từ” và nó khiến cho trò chơi phải ngưng lại. Trong tình huống này có sự học hỏi về nội dung (cả nam và nữ đều có thể làm bác sĩ), nhưng cũng có sự học hỏi cả về quá trình (cuộc trao đổi này đang ngăn cản việc chơi, nhưng chỉ cần chúng ta đồng thuận thôi là trò chơi có thể tiếp tục được!).
Rất nhiều giáo viên sẽ cắt đứt cuộc đối thoại này bằng cách chen ngang vào ngay khi có một câu nói chưa đúng để khẳng định với trẻ rằng cả nam và nữ đều có thể trở thành y tá. Trong tình huống ở trên, người giáo viên đã nhẹ nhàng kết luận cho lũ trẻ khi cuộc đối thoại chấm dứt, rằng có vẻ các em đều biết những điều khác biệt về các bác sĩ và y tá, nhưng sự thật là cả nam và nữ đều làm việc trong cả hai lĩnh vực công việc đó. Bằng cách để yên cho lũ trẻ tiếp tục những lý lẽ và tranh luận của chúng, cô giáo đã không chỉ nuôi dưỡng nội dung cuộc đối thoại mà còn duy trì cả quá trình nữa, điều đó sẽ giúp tất cả các em trở thành những người học hỏi tốt hơn.