Theo Vygotsky, những tình huống mang tính tương tác như đã mô tả ở trên cho phép trẻ mở rộng và trưởng thành về mặt tâm trí. Thông thường, các giáo viên hành xử như thể năng lực ngôn ngữ và nhận thức sẽ có thể phát triển chỉ với chút ít hỗ trợ hoặc định hướng. Nhưng quá trình trưởng thành và học tập không phải luôn diễn ra “một cách tự nhiên”. Một giáo viên thuộc thế hệ trước mà tôi quen từng nói: “Lũ trẻ sẽ phát triển cao hơn mà không cần sự trợ giúp của tôi, nhưng chúng không tự nhiên thông minh hay tốt bụng hơn được!” Giáo viên cần phát triển các kĩ năng quan sát, hỏi và khích lệ những tương tác đồng lứa để hỗ trợ tốt nhất cho quá trình trưởng thành và phát triển của trẻ. Họ cần cân nhắc khi nào thì nên xen vào với những gợi ý hoặc đưa ra quan điểm và khi nào thì nên để cho trẻ tự thực hiện quá trình.
Lý thuyết của Vygotsky cho rằng phát triển là quá trình mang tính tương tác đã thay đổi cách nghĩ của chúng ta về quá trình học tập của trẻ em. Đối với một số giáo viên, quan điểm cho rằng trẻ có thể trợ giúp lẫn nhau trong học tập là một quan điểm quá thoáng. Họ không tin rằng đôi khi họ đã phá vỡ những cơ hội tuyệt vời để trẻ học hỏi trong nhóm, khi họ bắt trẻ phải xếp vòng tròn chỉ để ngồi và lắng nghe họ nói. Vygotsky đã giúp các giáo viên nhận ra rằng trẻ không chỉ học bằng việc làm mà trẻ còn học qua trò chuyện, qua làm việc cùng bạn bè và sẽ tiếp tục trao đổi cho đến khi trẻ “nắm được vấn đề”. Nhằm hỗ trợ việc học tập mang tính tương tác xã hội của trẻ, các giáo viên có thể tạo ra rất nhiều cơ hội cho trẻ để các em có thể trợ giúp các bạn khác hoặc có thể cùng làm việc theo những dự án mà các em lựa chọn.
Tạo cơ hội cho trẻ làm việc cùng nhau
Một ngày mùa xuân nọ tại phía bắc New Hampshire, tôi đã thấy một ví dụ rất hay về việc trẻ em làm việc cùng nhau. Đó là ví dụ tuyệt vời về việc giáo viên để cho các em học sinh học hỏi lẫn nhau và học từ trải nghiệm gắn kết giữa các em. Chương trình Head Start dành cho vùng nông thôn ở nơi tôi đang quan sát có khu vực vui chơi ngoài trời rất tuyệt. Tự nhiên đã tạo ra cho vùng một trung tâm khoa học tuyệt vời. Khu vực râm mát tạo ra các khu có thể trượt tuyết. Khu có nắng thì có những vũng nước bùn do tuyết tan. Nhũ băng treo trên những mái nhà thấp. Trẻ vui chơi ở mọi góc sân. Giữa lúc đó một em trai 4 tuổi đã phát hiện ra một kho báu. Ló ra khỏi lớp băng là phần đầu của một cái găng tay. Lũ trẻ quyết định “khai quật” nốt phần còn lại. Đầu tiên chúng cố gắng đào bằng những chiếc que nhỏ. Sau khi những chiếc que lớn, que nhỏ và que vừa vừa đều gãy hết, chúng quyết định cần phải có những công cụ “thật sự”. Cô giáo mở kho công cụ cho các em và quan sát các em lựa chọn công cụ. Những cậu bé lôi ra một cái xẻng mà độ dài của nó còn hơn cả chiều cao của các em đến 50 cm. “Nó dính trong băng chặt lắm, nên chúng mình cần cái gì đó thật lớn để đào nó ra,” Kevin nói. “Đúng thế,” Jeffrey đồng ý.
Cô giáo không nói “Nó quá to” hay “Ai đó sẽ bị đau đó.” Cô chỉ đứng gần đó quan sát. Đầu tiên các bé trai bàn về việc ai sẽ là người đào đầu tiên. Khi đó, ta có thể đoán trước được, Jeffrey đã gõ cán xẻng vào Kevin khi cậu cố sử dụng cái xẻng. Kevin nói: “Để tớ làm cho. Cậu làm không đúng rồi – cậu đập vào tớ chứ có đào cái găng tay đâu.” Kevin thử, và tất nhiên kết quả cũng như vậy. Cô giáo nói: “Chà, các chàng trai đang thực sự làm việc theo kế hoạch đấy nhỉ.” Các bé trai toét miệng ra cười nhưng đều nói: “Nó không đúng. Có lẽ chúng ta cần một dụng cụ đào nhỏ hơn.” Cô giáo nói, “Uhm, có lẽ thế.” Vậy là các bé đi tìm và quay trở lại với một cái cào và cái xẻng làm vườn nhỏ hơn. Các bé trai tập trung vào nhiệm vụ này trong khoảng nửa giờ. Chúng thất vọng và bắt đầu to tiếng với nhau và với chính mình khi cố gắng trong vô vọng. Thực tế các em đã luân phiên nhau làm. Các em nhận ra rằng khi một người đào thì người kia có thể kéo.
Sau cùng các em cũng đào được chiếc găng tay, nhưng cô giáo thông thái không khen “Làm tốt lắm”. Mà thay vào đó cô nói thế này: “Các em đã làm việc cùng nhau thật sự chăm chỉ. Các em đã thử rất nhiều thứ. Một số thứ không hiệu quả nhưng các em không để mình chán nản. Các em vẫn tiếp tục thử những phương án khác. Cùng nhau làm việc các em đã đào được chiếc găng tay ra. Các em có thể cảm thấy hài lòng với chính bản thân mình.” Cách phản hồi này đã củng cố trải nghiệm cho trẻ và giúp chúng hiểu rằng tốt hơn là nên suy ngẫm lại việc đã làm một cách chi tiết và rõ ràng. Đây là một ví dụ khác của sự bắc giàn.
Giáo viên đã củng cố quá trình học tập của trẻ bằng cách không xen ngang vào để đưa ra cho trẻ câu trả lời. Thông qua sự tương tác, đối thoại và thử nghiệm, trẻ đã củng cố các kĩ năng của mình và hoàn thành mục tiêu. Thông qua sự tương tác các em đã học được về quá trình làm việc – học cách làm thế nào để thỏa thuận về việc sử dụng các công cụ; làm thế nào để thử nghiệm để xem xem công cụ nào là hiệu quả nhất. Và các em học được nội dung – cách hiệu quả nhất để đào một đồ vật kẹt cứng trong băng ra, và một cách ngẫu nhiên, các em học được những qui tắc về vật lý như qui tắc đòn bẩy. Vygotsky tin rằng quá trình học tập và quá trình phát triển rất giống nhau nhưng không phải là một. Việc kết hợp giữa sự hướng dẫn trẻ với việc khen ngợi sự phát triển cá nhân của trẻ đã tối ưu hóa việc học.