Hiện nay ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy năng lực của trẻ ở độ tuổi trước khi tới trường gắn liền với việc kiểm soát nhận thức, còn được gọi là chức năng điều hành, là yếu tố dự đoán về những thành công sau này ở trường học còn tốt hơn bất kì thành quả học tập nào khác trong những năm mẫu giáo. Chức năng điều hành bao gồm các kĩ năng tự điều chỉnh1, gồm cả kĩ năng xã hội, tự kỉ luật và tính linh hoạt của tâm trí. Trẻ em thiếu những kĩ năng này hoặc thiếu các công cụ tâm trí sẽ không biết làm thế nào để có thể học một cách có suy nghĩ – chúng sẽ “không có khả năng tập trung tâm trí vào mục đích, do đó việc học của các em sẽ có hiệu quả và năng suất kém hơn” (Bodrova và Leong 2007, 5).
1 Self-regulation skills.
Cho đến tận gần đây, những kĩ năng này vẫn được xem là khó có thể dạy được trong các lớp mẫu giáo. Tuy nhiên những phát hiện mới trong các nghiên cứu về não bộ đã tìm ra được mối liên hệ giữa sự phát triển và kĩ năng tự điều chỉnh với sự chín muồi của những khu vực đặc thù trong não bộ. Các nghiên cứu cho thấy rằng, cũng như nhiều năng lực khác của não bộ, chức năng điều hành cũng có thể được kiến tạo thông qua việc thực hành. Ngoài ra nghiên cứu còn cho thấy trẻ em phát triển những kĩ năng nền tảng cho việc tự điều chỉnh trong 5 năm đầu đời. Khám phá này có rất nhiều ứng dụng trong việc giáo dục trẻ nhỏ và làm nổi bật vai trò quan trọng của giáo viên trong việc trợ giúp trẻ nhỏ phát triển những kĩ năng quan trọng có liên quan tới chức năng điều hành.
Hai trong số những khái niệm của Vygotsky đặc biệt hữu dụng trong việc nuôi dưỡng kĩ năng tự điều chỉnh ở trẻ nhỏ là: vùng phát triển gần nhất và bắc giàn. Vì kĩ năng tự điều chỉnh được phát triển theo thời gian nên một điểm rất quan trọng là các giáo viên cần ghi nhớ vùng phát triển gần nhất của từng học sinh và đưa ra những trải nghiệm học tập sát nhất với những gì mà trẻ đã sẵn sàng để học (bắc giàn), bao gồm cả những trải nghiệm mà trẻ có thể thực hành với giáo viên và với những bạn đồng lứa đã có năng lực về trải nghiệm đó. Việc dạy các kĩ thuật để nuôi dưỡng kĩ năng tự điều chỉnh này bao gồm việc bắt chước những hành vi thích hợp, đưa ra những gợi ý và manh mối về việc làm thế nào và khi nào thì trẻ nên tự điều chỉnh hành vi của mình. Chỉ sau khi trẻ đã lĩnh hội được chắc chắn kĩ năng tự điều chỉnh, hoặc sau khi trẻ đã nhập tâm hóa được những kĩ năng này, các giáo viên mới nên bắt đầu rút dần sự hỗ trợ.
Nuôi dưỡng kĩ năng tự điều chỉnh thông qua trò chơi đóng giả
Trong khi chúng ta đã biết nhiều về hiệu quả tích cực của trò chơi đóng giả đối với sự phát triển về mặt xã hội, văn chương và toán học ở trẻ nhỏ, các nghiên cứu còn chỉ ra rằng trò chơi đóng giả có những hiệu quả tích cực đối với sự phát triển kĩ năng tự điều chỉnh ở trẻ nhỏ (Singer, Golinkoff và Hirsh-Pasek 2006). Thứ gắn liền với trò chơi đóng giả là vùng phát triển gần nhất, vì chính trong kiểu trò chơi mang tính xã hội này mà trẻ biết cách ứng xử chín chắn trước tuổi và vượt xa những hành vi thường ngày của mình. Khi trẻ tham dự vào trò chơi đóng giả, các em sẽ thực hành việc điều chỉnh hành vi một cách rất tự nhiên – các em điều chỉnh những bạn khác bằng cách nói với các bạn nên làm gì; các em tự điều chỉnh mình bằng cách đóng tốt các vai của mình và cố gắng không làm bất cứ điều gì có thể gây ngắt quãng mạch chơi; và các em cũng được điều chỉnh bởi các bạn khác khi các em đồng thuận với những vai và những qui tắc vốn chưa có trong hình dung của mình.
Dưới đây là một ví dụ rất điển hình cho điều này. Đó là tuần lễ hội Deerfield tại New Hampshire. Những chiếc xe RV và những người cắm trại, những chiếc xe ngựa, những chiếc xe tải kéo nhau đậu ở khu hội trại. Trường học đóng cửa vào thứ Sáu vì kinh nghiệm cho những người bảo vệ biết rằng chẳng có ai tới trường vào ngày đó cả. Tất cả mọi người đều tụ tập ở lễ hội.
Khi lũ trẻ quay lại trường học vào ngày thứ Hai, giáo viên đã biến khu vực diễn kịch thành một khu vực cắm trại cho ngày lễ. Những đứa trẻ thích mê ly và ngay lập tức bắt đầu tái hiện lại những gì đã trải nghiệm vào cuối tuần. Josh (6 tuổi), Pete (4 tuổi rưỡi), Rachel (5 tuổi) và Lynn (5 tuổi rưỡi) cùng ở đó. Rachel và Lynn ngay lập tức chui vào khu nhà kính trồng rau và bắt đầu nhổ rau củ về nấu nướng. Các bé gái cảm thấy mình “trội hơn về mặt xã hội” trong việc chuẩn bị đồ ăn. Josh, rất quyết đoán và đầy ý tưởng, bắt đầu đặt ra một số qui tắc cơ bản. “Đầu tiên,” Josh nói: “Chúng ta cần quyết định xem chúng ta là ai. Chúng ta cần làm đám cưới. Tớ sẽ cưới bạn, Rachel!”
Rachel nghĩ điều này là sai. Lũ trẻ đều biết hết tuổi của nhau. “Tớ nên cưới Pete”, cô bé nói (có lẽ cô bé dựa trên cơ sở là mình và Pete xấp xỉ tuổi nhau). “Không,” Josh nói. “Rachel vừa vặn với Pete mà.” Lynn nói (Lynn lớn tuổi hơn Rachel nhưng người nhỏ hơn). Josh thực sự đã nhập cuộc chơi. Cậu chuyển từ các bạn gái sang Pete. “Cậu có thể đi lấy bia chứ?” Josh nói rất thoải mái. Pete cười khúc khích và lắc đầu. Pete nhìn cô giáo. Cậu bé chưa chắc lắm về “trò chơi nhập vai” (một thái độ đòi hỏi phải thiết lập lại qui tắc). Pete nghĩ rằng có lẽ không nên nói về bia tại trường mẫu giáo. Lynn bằng lòng với việc là một phần trong nhóm nên không nói gì.
Chúng ta có thể thấy tính chất tương tác như Vygotsky đã mô tả trong trò chơi của những đứa trẻ. Josh ngay lập tức biết cần làm gì. Cậu bé không bao giờ tự hỏi về tính thích hợp trong lời nói của mình, như thể tụi trẻ đã được giả định là những người đàn ông tới lễ hội với những người vợ của mình. Rachel từ chối nhập vai mà cô bé được gán định khi cô bé kết luận rằng độ tuổi chứ không phải chiều cao mới là thứ phù hợp để ghép đôi. Hành vi của Pete là chỉ báo rõ nhất của việc tự điều chỉnh. Cậu bé cảm thấy “bia” là một từ không thích hợp lắm với môi trường lớp học nhưng cậu bé không dám chắc. Pete không tự tin vào vai trò của mình lắm như Josh. Lynn lắng nghe trong khi mắt liếc sang hết bạn này đến bạn khác trong đám bạn đồng lứa với mình. Cô bé im lặng, không thấy thoải mái lắm khi lên tiếng trong đám đông, dù vẫn đủ tự tin để làm những gì mình thích – thích thú quan sát và học hỏi từ những bạn đồng lứa.
Các giáo viên muốn ứng dụng quan điểm của Vygotsky về vùng phát triển gần nhất và về bắc giàn để khích lệ trò chơi đóng giả trong các chương trình giáo dục mầm non có thể:
• Bảo đảm trẻ có đủ thời gian để chơi;
• Cung cấp cho trẻ đồ chơi và những đề xuất thích hợp; và
• Quan sát trẻ chơi và khi thích hợp hãy chia sẻ những ý tưởng liên quan tới các chủ đề có thể làm phong phú hoặc mở rộng trò chơi của trẻ.