Vygotsky đã góp một tiếng nói mới cùng với những người tiên phong cùng thời với mình khi ông gợi ý rằng sự tương tác cũng quan trọng như quá trình kiến tạo tư tưởng đối với việc học tập của chúng ta. Khái niệm về vùng phát triển gần nhất của ông là phần bổ sung hữu ích cho chúng ta, những người thuần túy dùng cách tiếp cận của Piaget để dạy cho trẻ nhỏ và để hiểu về quá trình học. Ít nhất trong khoảng ba thập kỉ (những năm 1960, 1970 và 1980) chúng ta đã nhấn mạnh vào tầm quan trọng của việc không thúc trẻ mẫu giáo học. Mới đầu khái niệm về vùng phát triển gần nhất và quan điểm kéo trẻ tới bước phát triển kế tiếp tạo nên một xu thế trầm lắng vốn đã được điều kiện hóa. Chúng ta không muốn bị thúc đẩy!
Nhưng dần dần nó tạo được sự chú ý, làm giảm áp lực cho các giáo viên khi nó gợi ý rằng trẻ em thường học hỏi rất nhiều từ các bạn đồng lứa có khả năng trội hơn mình hơn là học từ các giáo viên. Khi chúng ta thử bắc giàn cho quá trình học tập của trẻ, chúng ta sẽ thấy những quan điểm này thực sự hiệu quả. Lại một lần nữa, nhịp độ của rất nhiều trường mẫu giáo và mầm non hiện nay không còn nhiều thời gian dành cho các giáo viên để họ có thể khuyến khích sự đối thoại.
Chúng ta có trách nhiệm chia sẻ khái niệm của Vygotsky về ảnh hưởng của chức năng điều hành tới sự tự điều chỉnh, khi mà hiện nay các khu vực trường học đang ngăn cản việc tổ chức các trò chơi và đối thoại trong các nhà trẻ. Từ nhiều nguồn kinh nghiệm chúng ta biết rằng, sự hướng dẫn của các nhà lý thuyết tiên phong là thứ rất quan trọng hiện nay, cũng như nó đã từng rất quan trong vào thời điểm họ mới đưa ra những quan điểm đó. Vậy những nhà giáo dục tâm huyết sẽ phải làm gì với khoảng phân cách giữa những gì chúng ta biết là tốt, với những gì mọi người mong đợi ở chúng ta?
Tôi gợi ý cho các bậc cha mẹ và giáo viên quan tâm tới tương lai của xã hội và nền giáo dục của chúng ta nên đọc cuốn Distracted: The Erosion of Attention and the Coming Dark Age (Tạm dịch: Mất tập trung: Sự xói mòn của sự chú ý và sự trỗi dậy của kỷ nguyên bóng đêm) của Maggie Jackson. Cuốn sách này không liên quan lắm tới công trình của Vygotsky, khi tác giả cho rằng những thế hệ trẻ hiện nay đang lớn lên với công nghệ, với Tweeter, Skype và sử dụng Facebook, sẽ yếu kém về năng lực tương tác ngôn ngữ hơn các thế hệ trước đây. Như đã nói tới ở chương về Dewey, chúng ta không thể chỉ nhìn vào bề nổi của sự tiến bộ, phán xét nó chỉ là thứ có hại và quay sang hướng khác để lảng tránh. Chẳng có hướng nào để lảng tránh cả. Nhưng những gì Jackson nói tới cũng cung cấp cho chúng ta những thông tin hữu ích cùng ngẫm lại mọi việc, để cùng nhau bắt đầu xây dựng những chiến lược giúp trẻ trao đổi và học hỏi từ những người khác.