T
rong một cuộc khảo sát tại trường đại học nhằm đánh giá hiểu biết của sinh viên về lý thuyết và thực tiễn kinh doanh, hàng trăm sinh viên năm nhất đã được hỏi câu này: “Giả sử bạn đang sở hữu một công ty lớn, bạn sẽ đòi hỏi những phẩm chất, đặc điểm hay bằng cấp nào ở các giám đốc điều hành của bạn?”
Các câu trả lời khá ngẫu nhiên nhưng lại rất điển hình:
“Tôi muốn các giám đốc điều hành của tôi ăn mặc đẹp và có tính cách tốt.”
“Họ sẽ phải biết cách làm hài lòng những khách hàng quan trọng.”
“Tôi chỉ thuê các giám đốc điều hành có thể giữ giá bán cao và trả lương thấp.”
“Tôi chắc chắn sẽ đòi hỏi ở các giám đốc điều hành khả năng khiến mọi người làm việc chăm chỉ và nhanh hơn.”
Những câu trả lời này quả thật có phần ngây ngô, nhưng người ta không thể đổ lỗi cho sinh viên năm nhất vì họ còn quá mơ hồ về những gì đang diễn ra trong thế giới kinh doanh. Thật không may, sự thiếu hiểu biết này của họ cũng tồn tại ở nhiều người lớn tuổi và đáng ra phải khôn ngoan hơn nhiều. Các nguyên tắc lựa chọn nhân sự quản lý thường bị hiểu sai bởi một số người có thâm niên trong hoạt động quản lý doanh nghiệp. Tôi đã gặp khá nhiều doanh nhân có nhiều kinh nghiệm, nhưng phẩm chất và trình độ của họ hay nhân viên quản lý khác đang sở hữu thì gần như chỉ dừng lại ở trình độ của những sinh viên năm nhất.
Tôi có thể lấy ví dụ về trường hợp này. Có một nhân viên quản lý cấp cao trông rất hào hoa và đang tìm kiếm cơ hội việc làm nên đã tìm cách tiếp cận tôi ở một bữa tiệc cocktail. Anh ta phàn nàn một cách cay đắng rằng anh ta đã bỏ qua cơ hội thăng tiến tới hai lần bởi công ty nổi tiếng mà anh ta làm việc.
“Tôi là một nạn nhân chính trị trong công ty”, giọng anh chắc nịch, “Không có lời giải thích nào khác. Tôi luôn thực hiện nhiệm vụ của mình như một người điều hành một cách hoàn hảo!”
“Hoàn hảo tới mức nào cơ?” Tôi hỏi và thật sự tò mò về những lý thuyết kỳ lạ mà anh ấy đưa ra để cố gắng thuyết phục được tôi.
“Tôi luôn kiểm soát chặt những người trong bộ phận của mình. Tôi không bao giờ để bất cứ một chuyện gì lọt khỏi tầm mắt. Nếu họ có ý định làm trái với mệnh lệnh, tôi sẽ sa thải họ ngay lập tức!” Người đàn ông trả lời một cách tự mãn, “Tôi không bao đặt câu hỏi và luôn thực hiện đúng theo những mệnh lệnh được giao, bất kể hậu quả là gì chăng đi nữa.”
Lúc đó, tôi ngay lập tức làm như vừa nhận ra một người quen đã mất liên lạc từ lâu đang ngồi ở phòng đối diện nhằm kết thúc cuộc trò chuyện và rút lui nhanh chóng. Tôi đã nghe được tất cả những gì tôi muốn nghe.
Tôi có thể dễ dàng hiểu tại sao người này lại không được thăng chức. Điều tôi không hiểu nổi là tại sao anh ta không bị sa thải sớm hơn. Chắc chắn, anh ta sẽ không thể tồn tại trong công ty của tôi dù chỉ năm phút. Anh ta là ví dụ điển hình của hai phẩm chất tồi tệ nhất mà bất cứ ai nắm giữ vai trò quản lý trong một công ty kinh doanh hiện đại có thể sở hữu. Thái độ của anh ta đối với cấp dưới rõ ràng là của một kẻ dưới trướng chủ nô đang bóc lột nô lệ. Còn thái độ của anh ta đối với cấp trên, ít nhất là ở trước mặt, thì rõ ràng chỉ là một kẻ nịnh hót, không có suy nghĩ hay ý tưởng riêng.
Hãy nhìn nhận việc đó theo cách này, quản lý kinh doanh có thể được hiểu là nghệ thuật chỉ đạo các hoạt động của con người để thực hiện các chính sách của một tổ chức kinh doanh và đạt được các mục tiêu của nó. Cho dù đó là quản lý chung hay chuyên ngành như nhân sự, mua hàng, sản xuất hay bán hàng, từ khóa áp dụng cho tất cả các vị quản lý kinh doanh là: chỉ đạo các hoạt động của con người.
Không ai làm quản lý trong công ty của tôi có thái độ giống như vị nhân viên điều hành bất mãn mà tôi gặp trong bữa tiệc cocktail. Kiểu của anh ta chỉ có thể ép buộc hay bắt nạt những người không may phải làm việc dưới quyền anh ta. Tôi nghĩ không cần thiết phải chỉ ra rằng đây không phải là phương pháp tốt để khiến nhân viên phản ứng một cách tích cực và làm việc hiệu quả.
Anh ta còn tự nói rằng mình không bao giờ đặt câu hỏi và “luôn thực hiện đúng theo những mệnh lệnh được giao, bất kể hậu quả là gì chăng nữa”. Điều này chỉ chứng tỏ anh ta là một kẻ bợ đỡ, cực kỳ ngu ngốc, không có khái niệm về trách nhiệm mà mọi nhân viên quản lý đều cần phải có.
Đúng là một nhân viên điều hành nên tận tâm và trung thành thực hiện các mệnh lệnh anh ta nhận được từ cấp trên. Nhưng điều này không đồng nghĩa với việc anh ta thực hiện chúng một cách mù quáng, giống như một cái máy không biết suy nghĩ. Nếu thực sự là một quản lý giỏi, anh ta sẽ cân nhắc cẩn thận về các “hậu quả” khi chấp hành mệnh lệnh.
Bất kể vị trí của anh ta cao thế nào thì cũng có những lúc sai lầm. Ngay cả chủ tịch hội đồng quản trị cũng có thể phạm lỗi bởi họ cũng là con người. Một nhân viên điều hành cấp dưới nhận ra lỗi, sai lầm hoặc khuyết điểm trong các mệnh lệnh của cấp trên nhưng lại không phản hồi về những lỗi đó thì rõ ràng anh ta không phải là một người quản lý tận tâm và trung thành. Anh ta chỉ đơn giản là đang trốn tránh trách nhiệm của mình.
Bất kỳ nhà điều hành cấp cao nào cũng muốn được chỉ ra những sai lầm của mình trước khi những sai lầm đó khiến bản thân họ phải đau đầu khi nhìn vào chỉ số lợi nhuận sau này.
Nhiều năm trước, tôi đã phải đưa ra một số quyết định lớn liên quan đến hoạt động của một công ty ở Mỹ. Khi đó tôi đang ở châu Âu thì nhận được những bức thư, bản ghi nhớ và báo cáo từ nhân viên quản lý của công ty. Tôi cho rằng đó là những thông tin cần thiết vào lúc bấy giờ mà không biết rằng còn một báo cáo thống kê cực kỳ quan trọng nữa. Nhưng, bản báo cáo có thể ảnh hưởng đến tất cả các báo cáo khác đã bị thất lạc. Nó không đến được với tôi, do đó, tôi đã vô tình xây dựng kế hoạch của mình dựa trên một lượng thông tin không đầy đủ.
Tôi đã gửi chỉ đạo đến văn phòng của công ty ở Hoa Kỳ sau khi đưa ra quyết định mà tôi tưởng là chính xác. Vài ngày sau, tôi nhận được một cuộc gọi xuyên Đại Tây Dương đến từ một trong những giám đốc điều hành của công ty. Ông lịch sự nhưng kiên quyết chỉ ra rằng tôi đã không xem xét một số sự kiện quan trọng và nếu kế hoạch tôi vạch ra được thực hiện, công ty sẽ chịu tổn thất nặng nề.
Sau khi thảo luận về nhiều vấn đề trong vài phút, cả hai chúng tôi đều nhận ra rằng tôi đã lập kế hoạch dựa trên một số tính toán với những thông tin thống kê sai lệch. Một bản sao của báo cáo mất tích đã được gửi đến tôi ngay lập tức. Ngay sau đó, tôi sửa đổi các tính toán, quyết định và chỉ dẫn của mình.
Kế hoạch cuối cùng được sửa đổi sau này đã thành công và đem về lợi nhuận cho công ty. Tất cả là nhờ có sự nhắc nhở của vị giám đốc điều hành đó. Tôi không dám nghĩ đến kết quả sẽ thế nào nếu tất cả các giám đốc điều hành của công ty là kiểu người không bao giờ đặt câu hỏi về mệnh lệnh của cấp trên và thực hiện chúng “đúng theo những mệnh lệnh được giao, bất kể hậu quả là gì đi chăng nữa!”
Đương nhiên, tôi cũng như tất cả những người đang sở hữu hay phải quản lý các doanh nghiệp đều rất quan tâm đến việc lựa chọn nhân sự quản lý. Tôi tin rằng có một số tiêu chí có thể áp dụng để đánh giá các giá trị tiềm năng mà một nhân viên quản lý có thể đem lại cho công ty.
Tôi không khẳng định những tiêu chuẩn của cá nhân tôi là không có sai lầm, nhưng chúng rất gần với những tiêu chuẩn được sử dụng bởi nhiều doanh nhân thành đạt khác, và qua nhiều năm, những tiêu chuẩn này đã được chứng minh là khá chính xác. Phần lớn thành công kinh doanh của tôi đến từ sự trung thành của các giám đốc điều hành; do đó, tôi cho rằng, các tiêu chí lựa chọn quản lý là phải đáng tin cậy.
Vậy làm thế nào để tôi đánh giá một người có phải hoặc có thể trở thành một người điều hành giỏi hay không? Tôi cho rằng bài kiểm tra đầu tiên dành cho một người quản lý là khả năng tự suy nghĩ và tự hành động. Người đó nên có trí thông minh và khả năng khơi nguồn ý tưởng, xây dựng kế hoạch, thực hiện các chương trình, giải quyết vấn đề và tình huống khó mà không cần phải chạy liên tục lên cấp trên để xin chỉ thị. Theo tôi, một người không thể làm những điều này sẽ không phải là một giám đốc điều hành tốt. Người đó sẽ không khác gì một nhân viên văn phòng quèn.
Có lần, tôi đã hỏi một nhà kinh doanh công nghiệp hàng đầu của Mỹ về đội ngũ quản lý hoàn hảo của mình. Anh ta đã vẽ cho tôi một bức tranh trong mơ của các doanh nhân:
“Các giám đốc điều hành sẽ là những người tôi có thể gọi vào văn phòng lúc chín giờ sáng ngày đầu năm mới và nói với họ: Mọi người nghe này, công ty của chúng ta đã làm da bọc “xúc xích” trong nhiều năm nay rồi. Năm ngoái, lợi nhuận của chúng ta là một triệu đô la. Năm nay, tôi nghĩ chúng ta nên ngừng làm da bọc “xúc xích” và bắt đầu chế tạo ra các loại ốc vít.”
“Lúc đó, tất cả các giám đốc điều hành sẽ mỉm cười, gật đầu và rời khỏi văn phòng. Và tôi sẽ không phải gặp lại họ cho đến 5 giờ chiều ngày 31 cuối năm để nghe họ nói rằng chúng ta đang sản xuất được loại ốc vít tốt nhất thế giới, đánh bại các đối thủ tới 50% và đã tăng gấp ba lợi nhuận so với năm trước!”
Tất nhiên, giấc mơ hạnh phúc của anh ta cũng chỉ là giấc mơ mà thôi. Nhưng câu chuyện này đã minh chứng cho điều mà tôi muốn nói. Một giám đốc điều hành giỏi là một người có thể suy nghĩ, hành động độc lập và cần chỉ dẫn tối thiểu nhất để thực hiện tốt công việc của mình.
Giờ đây, nhiệm vụ chính của một giám đốc điều hành là chỉ đạo các hoạt động, đầu việc cho những người dưới quyền. Việc chỉ đạo tốt có thể tóm lại trong một từ là tinh thần lãnh đạo. Điều này có nghĩa là người điều hành tốt phải thực sự kiên trì suy nghĩ và hành động như một nhà lãnh đạo thực thụ.
Thật không may, rất ít người bẩm sinh mà có tố chất của nhà lãnh đạo. Chỉ có duy nhất một Churchill cho một thế hệ. Tuy nhiên, hầu hết những người thông minh và có tinh thần sẵn sàng phát triển những phẩm chất của một nhà lãnh đạo có thể điều hành tốt hầu hết các tình huống mà họ gặp phải trong sự nghiệp.
Có những giám đốc điều hành được đào tạo cách lãnh đạo ở trường đại học, có những người học từ chính công việc của họ, lại có những người học ở các khóa đào tạo quản lý do công ty mở ra. Tất nhiên, cũng có những người không bao giờ học nhưng họ chỉ là thiểu số và thường nhóm người này không thể tham gia được vào các bậc quản lý cao hơn.
Dù là học cách lãnh đạo ở đâu thì điểm chung vẫn là họ cần phải học được một số quy tắc cơ bản nhất định để có thể áp dụng trong kinh doanh và cả trên thương trường. Tuân theo những nguyên tắc này sẽ đưa họ đi rất xa trên con đường trở thành lãnh đạo tốt. Trong số đó có năm điều mà cá nhân tôi coi là đặc biệt quan trọng:
1. Dẫn chứng minh họa là phương tiện tốt nhất để hướng dẫn hoặc truyền cảm hứng cho người khác. Người có khả năng thị phạm cũng như biết cách giải thích vấn đề sẽ là người nhận được nhiều nhất từ cấp dưới của mình.
2. Một giám đốc điều hành giỏi sẽ nhận toàn bộ trách nhiệm đối với hành động của những nhân viên dưới quyền. Nếu bị triệu tập bởi cấp trên vì bất ổn trong bộ phận hoặc văn phòng, anh ta sẽ là người nhận toàn bộ trách nhiệm vì lỗi sai đều nằm ở quản lý.
3. Người lãnh đạo giỏi nhất không bao giờ yêu cầu ai dưới quyền anh ta làm bất cứ điều gì anh ta không thể làm được hoặc không sẵn sàng làm.
4. Người phụ trách phải công bằng nhưng kiên quyết với cấp dưới, thể hiện sự quan tâm đến nhu cầu của họ và làm tất cả những gì có thể để đáp ứng những yêu cầu hợp lý của họ. Người đó cần phải đối xử với cấp dưới của mình bằng sự kiên nhẫn, hiểu biết, tôn trọng và ủng hộ hết mực. Mặt khác, người đó cũng không được nuông chiều họ, và luôn nhớ rằng chiều chuộng dễ sinh hư.
5. Có một quy tắc có vẻ nhỏ nhưng thực sự rất quan trọng mà các nhà điều hành nên nhớ. Lời khen phải luôn được công khai ở nơi đông người, còn chê bai chỉ nên đưa ra trong phòng kín. Nhân viên đã làm tốt công việc nên được khen công khai trước mặt các đồng nghiệp của họ. Điều này sẽ làm tăng khí thế của mọi người. Còn nếu nhân viên làm điều gì sai trái thì nên nói riêng, nếu không, họ sẽ có cảm giác bị sỉ nhục và tinh thần làm việc chung của nhóm sẽ bị ảnh hưởng bởi điều đó.
Tôi đã học được những bài học của riêng mình về khả năng lãnh đạo từ nhiều năm trước trong môi trường khắc nghiệt và nghiêm túc của ngành dầu khí. Hầu như tất cả những người thăm dò dầu mỏ, bao gồm cả tôi, đều nắm rõ các đầu việc của mọi người trong đội ngũ. Chúng tôi không bao giờ yêu cầu một người làm điều gì mà chúng tôi sẽ không làm hoặc không thể làm. Bất cứ khi nào có thể, chúng tôi sẽ lấy dẫn chứng để mọi người thấy những gì chúng tôi muốn làm và cách chúng tôi muốn họ làm điều gì đó.
“Ông chủ tốt nhất là người hiểu rõ công việc kinh doanh hơn tôi, nhưng vẫn tin tưởng tôi, mặc dù vậy, ông sẽ không bao giờ để tôi quên rằng ai là chủ”, một người đầu bếp thời xưa nói với tôi, “Đó là kiểu người mà tôi muốn cống hiến hết mình cho họ...”
Tôi cho rằng về cơ bản, mọi nhân viên đều nghĩ như vậy. Mặc dù có rất ít giám đốc điều hành ngày nay đi thực tế và đổ mồ hôi cùng với đội ngũ làm việc nhưng các quy tắc cũ đã được chứng minh vẫn luôn đúng. Tôi tin rằng các giám đốc điều hành thành công nhất định sẽ là những người nghiêm khắc tuân thủ các quy tắc đó.
Một phẩm chất khác tôi tìm kiếm ở các nhân viên quản lý là khả năng giao tiếp. Trong kinh doanh, thời gian là tiền bạc; những hiểu lầm trong việc giải thích các yêu cầu, báo cáo hoặc hướng dẫn sẽ gây rất nhiều tốn kém. Do đó, người điều hành giỏi luôn là người có thể giải thích và hướng dẫn công việc cho mọi người một cách nhanh chóng và rõ ràng.
Sự quan tâm và nhiệt tình là hai phẩm chất nữa mà một nhà điều hành giỏi phải có. Không một người nào có thể làm một công việc mà anh ta không có hứng thú. Mối quan tâm của một giám đốc điều hành phải vượt ra khỏi giới hạn trong bộ phận. Anh ta cần phải biết tất cả những gì đang diễn ra ở các bộ phận khác và hoàn toàn bắt nhịp được với các chính sách và hoạt động chung của công ty. Chỉ có như vậy, anh ta mới có thể đánh giá vai trò và hiệu quả tương đối của bộ phận mình, từ đó liên hệ các hoạt động của bộ phận mình với bộ phận khác như là một phần trong bộ máy công ty.
Sau đó, mối quan tâm của anh ta sẽ cần phải mở rộng hơn nữa: Nắm được toàn bộ lĩnh vực hay ngành nghề mà công ty anh ta đang hoạt động. Bởi chỉ khi đã hiểu rõ về ngành nghề của mình, anh ta mới có thể nhận ra được điểm mạnh, điểm yếu và vấn đề của công ty.
Tuy nhiên, chỉ quan tâm thôi thì chưa đủ. Người điều hành cũng cần phải có sự nhiệt tình mạnh mẽ trong thái độ. Ý tôi không phải nhiệt tình kiểu “Cha, cha, tuyệt vời!” Tôi chưa bao giờ tán thành kiểu bắt đầu các buổi bán hàng bằng bài hát của công ty. Ý tôi là một giám đốc điều hành cần phải thực sự yêu thích công việc của mình, bắt đầu từ các hoạt động của chính bộ phận mình, không ngừng tìm cách hiệu quả sản xuất, bán hàng và lợi nhuận công ty có thể tăng lên.
Lòng trung thành - một phẩm chất quan trọng khác cần có ở các giám đốc điều hành - chỉ có thể được công nhận và đánh giá sau khi nó đã được chứng tỏ. Lòng trung thành của giám đốc điều hành không nên dành cho bất kỳ cá nhân nào mà là dành cho các cổ đông, nhân viên, cộng sự, cấp trên và cho toàn bộ công ty.
Đây là những đặc điểm mà tôi tin là quan trọng nhất đối với các nhà quản trị doanh nghiệp. Chắc hẳn, một số độc giả sẽ ngạc nhiên bởi tôi đã bỏ qua những thứ khác như tính cách, giáo dục, kiến thức, kỹ thuật. Nhưng, khi phân tích kỹ hơn, bạn cần thấy rõ rằng, những điều này không thực sự cần thiết và quan trọng như những phẩm chất mà tôi đã đề cập phía trên.
Tôi đồng ý rằng một cá nhân có tính cách cực đoan sẽ khó có được thành công ở bất kỳ vị trí nào mà đòi hỏi anh ta phải làm việc với mọi người. Mặt khác, công việc của một giám đốc là điều hành bộ phận của mình, không phải chạy theo một cuộc thi về sự nổi tiếng.
Nếu xét về trình độ học vấn thì còn phải tùy vào cách người ta định nghĩa về học vấn là như thế nào. Tôi biết nhiều giám đốc điều hành có năng lực kinh doanh ở hàng đầu nhưng trình độ học vấn chỉ dừng lại ở bậc Trung học, thậm chí là Tiểu học. Họ đã tự học hỏi để có ngày hôm nay. Có nhiều điều mà một nhà điều hành giỏi cần sở hữu, nhưng anh ta không nhất thiết phải học điều đó ở môi trường đại học. Dù một nền giáo dục chính quy tốt, vững chắc sẽ giúp ích rất nhiều cho việc trở thành một nhà điều hành giỏi, nhưng tôi không tin rằng đó là yếu tố thiết yếu nhất.
Vậy còn kiến thức kỹ thuật chuyên môn thì sao? Tôi thừa nhận rằng trong thời đại công nghệ kinh doanh và công nghiệp phức tạp này, mọi nhà điều hành đều cần có kiến thức kỹ thuật ở trình độ cao. Nhưng kiến thức nào cần thiết và cần biết bao nhiêu lại phụ thuộc phần lớn vào công tác của người đó. Tôi có thể nói một cách ngắn gọn quan điểm của mình về vấn đề này như sau: Tôi muốn biến một giám đốc điều hành giỏi, không có kiến thức kỹ thuật thành một kỹ thuật viên giỏi hơn là cố gắng tạo ra một giám đốc điều hành giỏi từ một kỹ thuật viên giỏi mà không có khả năng điều hành.
Tôi nghĩ ra một vài đặc điểm mà mọi người thường nghĩ để tạo nên một nhà điều hành tốt, ví dụ như trung thực, cần cù, và có trí tưởng tượng. Tôi cố tình bỏ qua những đặc điểm này vì tôi không cho chúng là những yếu tố cơ bản nhất. Chắc hẳn, không có vị doanh nhân tỉnh táo nào muốn thuê một người không trung thực, lười biếng và không có trí tưởng tượng làm người điều hành cho công ty của mình.
Thực sự không có phép thuật hay bí mật nào giúp một người trở thành giám đốc điều hành giỏi. Tôi nghĩ rằng bất kỳ ai có những phẩm chất mà tôi đã liệt kê, thật sự muốn có một sự nghiệp kinh doanh và làm việc chăm chỉ đều có thể trở thành một giám đốc điều hành tốt. Một người như vậy sẽ phù hợp với hầu hết các yêu cầu mà doanh nhân thành công đòi hỏi ở nhân viên cấp quản lý của họ. Không những thế, họ cũng sẽ phù hợp với mọi ngành công nghiệp. Theo suy nghĩ của tôi, sự nghiệp của những người như vậy luôn được đảm bảo rất vững chắc và đạt được thành công trong thế giới kinh doanh.