T
ôi đã từng nghiện thuốc lá khá nặng, hay lao vào những kỳ nghỉ dài và lái xe dọc nước Pháp. Vào một hôm, sau khi lái xe hàng giờ trong cơn mưa lớn, tôi dừng lại nghỉ đêm tại một khách sạn trong thị trấn nhỏ ở Auvergne. Mệt mỏi bởi chuyến đi dài và khó khăn, tôi ăn tối và lên phòng ngủ thiếp đi.
Vì một lý do nào đó, tôi đã thức dậy vào khoảng hai giờ sáng, ý thức một cách sâu sắc rằng mình đang thèm một điếu thuốc. Bật đèn lên, tôi với lấy gói thuốc lá đặt trên đầu giường trước khi đi ngủ. Trong bao thuốc trống rỗng. Mặc dù bực bội nhưng tôi vẫn muốn hút một điếu, tôi đành ra khỏi giường và lục tìm thuốc trong túi quần áo tôi vừa mặc, nhưng không tìm thấy gì cả. Không bỏ cuộc, tôi tiếp tục dò dẫm qua đống hành lý với hy vọng có thể đã vô tình để lại một gói thuốc lá trong một cái va li nào đó. Tôi thất vọng lần nữa khi không tìm thấy gì. Tôi biết rằng giờ này quán bar và nhà hàng của khách sạn đã đóng cửa từ lâu, và chắc hẳn sẽ không thể gọi nhân viên phục vụ lên được nữa. Cách duy nhất giúp tôi có được thuốc lá là mặc quần áo và đi ra ga xe lửa cách chỗ này ít nhất sáu dãy nhà.
Viễn cảnh này quả không mấy dễ chịu. Lúc này mưa vẫn còn nặng hạt. Xe của tôi đang đỗ ở khá xa khách sạn và tôi đã được thông báo trước rằng nhà xe sẽ đóng cửa lúc nửa đêm và không mở lại cho đến sáu giờ sáng hôm sau. Thậm chí, tôi cũng không thể gọi được taxi ở thời điểm đó.
Rõ ràng nếu tôi muốn có điếu thuốc đến vậy, tôi sẽ phải đi bộ trong cơn mưa như trút nước đến ga xe lửa và quay trở lại. Khao khát hút thuốc đã gặm nhấm tôi và càng tệ hơn nữa khi mà càng nghĩ về những trở ngại để có được điếu thuốc thì tôi lại càng thèm muốn nó hơn. Và thế là tôi cởi bộ đồ ngủ ra, bắt đầu mặc quần áo vào. Tôi ăn mặc chỉn chu, sau đó với lấy áo mưa, nhưng đột ngột, tôi dừng lại và bắt đầu tự cười chính mình. Tôi bỗng nhận ra hành động này thật phi logic và thậm chí là lố bịch.
Tôi đứng đó, tự ngẫm lại về mình, tôi là một con người tinh ranh, một doanh nhân có trách nhiệm và thành công, người luôn cho rằng mình đủ lý trí để ra lệnh cho người khác. Vậy mà tôi đã sẵn sàng rời khỏi phòng khách sạn tiện nghi vào giữa đêm, đi bộ sáu dãy nhà trong cơn mưa không vì lý do nào khác ngoài việc chỉ muốn có một điếu thuốc vì cảm thấy “phải” hút một điếu.
Lần đầu tiên trong đời, tôi phải đối mặt với nhận thức sâu sắc rằng mình đã nuôi dưỡng một thói quen lớn đến mức sẵn sàng không suy nghĩ gì nhiều để đưa bản thân vào tình huống không mấy vui vẻ chỉ để thỏa mãn nó. Thay vì đơn giản thỉnh thoảng tận hưởng một chút niềm vui của khói thuốc, tôi đã cho phép mình phát triển thói quen này ra ngoài tầm tay và gây ảnh hưởng xấu tới cuộc sống của mình dù nó không hề mang lại kết quả có lợi tương xứng. Khi đột nhiên ý thức được điều đó, tôi đã có một cuộc cải cách về tinh thần. Tôi lập tức đi đến một quyết định tuyệt vời vào đúng thời điểm không mấy lý tưởng. Đó là từ bỏ thói quen hút thuốc đang khiến cuộc sống của tôi không được như mong muốn.
Ngay sau khi quyết định, tôi vớ lấy gói thuốc lá rỗng vẫn còn ở trên đầu giường mà vò nát rồi ném nó vào thùng rác. Sau đó, tôi cởi quần áo, mặc đồ ngủ và trở lại giường. Hành động này khiến tôi thấy vô cùng nhẹ nhõm, thậm chí tự hào như một người thắng cuộc. Tôi tắt đèn, nhắm mắt lại và lắng nghe tiếng mưa rơi xuống cửa sổ phòng. Một lần nữa, tôi nhanh chóng rơi vào giấc ngủ ngon và đầy thỏa mãn. Cũng kể từ đêm đó, tôi không hút một điếu thuốc nào và cũng không còn cảm thấy cần thuốc lá nữa.
Tôi không có ý định nói về tác hại của thuốc lá. Tôi kể lại câu chuyện này chỉ để cho mọi người thấy, trong trường hợp của tôi, thói quen đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát tới mức nó đã kiểm soát lại tôi.
Thực tiễn sẽ trở thành thói quen và sức mạnh của thói quen đó có thể rất lớn. Tuy nhiên, con người chúng ta có sức mạnh và tâm trí vĩ đại. Rốt cuộc, chính sức mạnh đó đã ban cho chúng ta khả năng hình thành thói quen của riêng mình, và chính nó cũng sẽ loại bỏ những thói quen chúng ta không mong muốn.
Không một nơi nào khác có thể nhấn mạnh tầm quan trọng và thể hiện sự ảnh hưởng của thói quen hơn trong thế giới kinh doanh. Thói quen của một doanh nhân là một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định người đó sẽ thành công hay thất bại.
Chẳng hạn, thái độ lạc quan và nhiệt tình là thói quen mà một doanh nhân muốn có. Thói quen đó làm cho công việc tốt hơn và dễ dàng hơn, đồng thời nó cũng truyền cảm hứng và sự nhiệt tình cho các cộng sự và cấp dưới. Tuy nhiên, sự lạc quan và nhiệt tình theo thói quen có thể đến mức cực đoan nguy hiểm, thậm chí trở thành sự bất cẩn và thái quá.
Tôi từng biết một doanh nhân xuất sắc và có năng lực, hãy tạm gọi anh ta là Bill Smith. Sự lạc quan đã giúp Bill thành lập và điều hành được các công ty sản xuất, mang lại doanh thu lớn cùng nhiều cơ hội đầy tiềm năng. Nhưng thật không may, tất cả kinh nghiệm kinh doanh của Bill Smith có được đều trong thời kỳ bùng nổ kinh tế, nên những kế hoạch lớn của anh luôn được hiện thực hóa bởi sự tiến bộ của một thị trường tăng trưởng đều đặn.
Sau đó, đột nhiên, một cuộc suy thoái kinh tế nhỏ diễn ra. Đó là thời kỳ các doanh nhân dày dạn kinh nghiệm trở nên cẩn trọng hơn, tiết chế những định hướng mở rộng lại và buôn bán thận trọng trong khi chờ đợi tình hình kinh doanh trở nên ổn định.
Bill Smith hoàn toàn không thể thích nghi với tình huống mới và lạ lẫm này. Thói quen lạc quan và nhiệt tình của anh đã ăn sâu vào gốc rễ. Thay vì hành động chậm lại, anh tiếp tục vận hành công ty với tốc độ tối đa, cực kỳ tự tin rằng mọi thứ sẽ trở nên tốt đẹp.
Trong một thời gian rất ngắn, Bill Smith đã mở rộng kinh doanh nhiều hơn mức mà tình hình kinh tế bấy giờ cho phép. Anh đã vắt kiệt sức lực của bản thân và các công ty của mình để cuối cùng dẫn tới phá sản.
Mọi người vẫn thường nói rằng thói quen tốt là do “học” được còn thói quen xấu là do “bị rơi vào”. Tất nhiên, hàm ý của câu nói đó là cái tốt thì khó đạt được, cá nhân phải nỗ lực và ý thức thì mới học được cái tốt, trong khi cái xấu lại rất dễ mắc phải. Đó là sự thật nhưng không phải tất cả, quan trọng nhất chỉ là do sự ngoan cố của bản chất con người mà thôi. Thực ra, một thói quen đơn giản chỉ là một thói quen. Không nên biện minh cho việc hình thành những cái xấu là dễ hơn những cái tốt.
Chẳng hạn, tôi cùng với rất nhiều người cho rằng việc đến đúng giờ hay không phần lớn là do vấn đề của thói quen. Tuy nhiên, đơn giản đó chỉ là việc hình thành thói quen đến đúng giờ hoặc hình thành thói quen không quan tâm đến giờ giấc mà thôi.
Việc đúng hẹn luôn là một thói quen có ích cho tất cả mọi người, bất kể việc đó là đến đúng hẹn, trả nợ đúng hạn, làm đúng trách nhiệm hay giữ lời hứa.
Một vị khách thường xuyên đến ăn tối muộn sẽ làm mất lòng chủ nhà và những người cùng được mời đến dự tiệc. Anh ta sẽ nhanh chóng không còn được yêu thích và sớm muộn gì cũng bị loại khỏi danh sách khách mời.
Việc giữ đúng hẹn theo thói quen là một tài sản đặc biệt có giá trị đối với bất kỳ doanh nhân nào. Có câu ngạn ngữ cổ xưa “Thời gian là tiền bạc” và ngày nay nó có giá trị hơn bao giờ hết. Tốc độ và sự phức tạp của kinh doanh đương đại khiến cho từng phút, từng giờ đều quý giá vô cùng. Các doanh nhân và giám đốc điều hành phải trải qua một ngày làm việc với lịch trình chặt chẽ. Họ không thể lãng phí thời gian của mình cũng giống như việc không thể để ngừng trệ trên dây chuyền sản xuất vậy.
Bạn có thể thấy số lượng các tập đoàn sử dụng máy bay riêng để các giám đốc điều hành của họ di chuyển đến bất cứ nơi nào nhanh và đúng giờ hơn đang ngày càng tăng. Tại Hoa Kỳ, có hơn 34.000 máy bay tư của các công ty. Chẳng hạn như, General Motors đang duy trì một phi đội gồm 22 máy bay để phục vụ mục đích đó.
Montgomery Ward công khai thừa nhận rằng chi phí bay của các giám đốc điều hành trên máy bay riêng cao hơn ba lần so với việc di chuyển thông thường qua các hãng hàng không. Tuy nhiên, việc sử dụng máy bay của công ty giúp tiết kiệm gần 60% thời gian đi lại của các giám đốc điều hành và Montgomery Ward, giống như nhiều công ty khác, hiểu rằng thời gian tiết kiệm được luôn rất đáng giá.
Tóm lại, người có mặt đúng giờ theo đúng như lời anh ta hứa sẽ không chỉ tạo ấn tượng tuyệt vời, mà còn tiết kiệm thời gian, từ đó kiếm thêm tiền cho chính mình và cho công ty.
Việc giữ đúng hẹn luôn là điều quan trọng trong mọi giai đoạn của kinh doanh. Các doanh nhân và công ty có khả năng thành công nhất là những người thực hiện đơn đặt hàng, giao hàng, cung cấp dịch vụ, thanh toán hóa đơn, đáp ứng các ghi chú và nghĩa vụ khác đúng hạn. Những khách hàng phải chờ nhận hàng quá lâu so với đơn đặt của họ sẽ dẫn đến nhiều khả năng đơn hàng tiếp theo của họ sẽ là ở nơi khác. Các cá nhân và công ty thanh toán hóa đơn đúng hẹn có thể xếp hạng tín dụng tốt trong khi những người chậm trả sẽ rất khó, hay thậm chí gần như là không thể vay được tín dụng ở bất kỳ đâu nữa.
Mặc dù có vô số lợi ích trong việc hình thành thói quen đúng hẹn, nhưng nhiều người vẫn hình thành thói quen trễ hẹn bất kể hậu quả thế nào. Chính sự ngoan cố, lười biếng và thiếu tầm nhìn xa đã khiến một số cá nhân hình thành thói quen chậm trễ gây hại cho họ và sự nghiệp kinh doanh của họ.
Tiết kiệm cũng là một thói quen khác có thể được hình thành và là một phần quyết định cho bất kỳ công thức kinh doanh thành công nào. Vì theo lẽ thường, ai cũng có thể nhận ra tiết kiệm bất cứ khi nào có thể là một chính sách vô cùng hợp lý.
Thói quen đó có thể áp dụng ngay từ những bước đầu tiên để tạo nên thành công. Giả sử một người muốn bắt đầu khởi nghiệp kinh doanh. Để làm được điều này, anh ta phải có ít nhất một số vốn, bất kể đó là lĩnh vực kinh doanh gì. Trong hầu hết các trường hợp, chỉ có ba con đường để có được số vốn đó. Anh ta có thể rút vốn ra từ tiền tiết kiệm của chính mình, tìm một hay nhiều đối tác cùng làm ăn, hoặc đi vay. Nếu tiền là của riêng anh ta ngay từ đầu thì doanh nghiệp cũng sẽ là của riêng anh ta. Nếu phải tìm đến các đối tác, anh ta sẽ chỉ sở hữu một phần của doanh nghiệp và phải chia sẻ lợi nhuận của mình. Còn nếu anh ta vay tiền, khoản vay sẽ phải được trả cộng thêm phần lãi suất và điều này đương nhiên sẽ làm giảm lợi nhuận của doanh nghiệp.
Khi đã bắt đầu kinh doanh, một cá nhân có ý thức tiết kiệm sẽ có cơ hội thành công lớn hơn nhiều so với một người có khả năng tương đương khác nhưng không có ý thức tiết kiệm. Người tiết kiệm theo thói quen sẽ có thể nhận ra ngay cơ hội để giảm chi phí sản xuất. Điều này rất quan trọng bởi trong thị trường cạnh tranh cao hiện nay, ngay cả một chi phí nhỏ cũng sẽ là yếu tố làm nên sự khác biệt giữa lợi nhuận ròng và lỗ ròng.
Ngoài ra, người đã hình thành thói quen tiết kiệm sẽ luôn có một lượng tiền dự trữ để giải quyết các tình huống phát sinh, giúp công ty thoát ra khỏi các giai đoạn chững lại hoặc có thể mở rộng, cải thiện kinh doanh mà không cần phải vay mượn bên ngoài.
Một người sắc sảo sẽ nhận ra rằng những thói quen như đúng giờ và tiết kiệm có thể giúp anh ta đạt được mục tiêu của mình. Vì thế người đó sẽ luôn giữ đúng giờ hẹn và tiết kiệm cho đến khi những thói quen đó trở thành một phần của con người anh ta. Và người đó sẽ gặt hái được phần thưởng từ lợi ích mà thói quen này tác động đến sự nghiệp của anh ta.
Tuy nhiên, đúng hẹn và tiết kiệm không phải là những thói quen tích cực duy nhất có thể góp phần đưa bạn lên đỉnh cao của thành công.
Một trong những thói quen quý giá nhất mà bất kỳ doanh nhân hay giám đốc điều hành nào cũng có thể hình thành được là tạm dừng lại một chút vào phút cuối để suy nghĩ trước khi quyết định. Việc kiểm tra lại lần cuối có thể chỉ cần vài phút hoặc thậm chí vài giây, nhưng sẽ mang lại lợi ích bất ngờ. Thói quen đó sẽ tạo cho bạn cơ hội cuối cùng để sắp xếp những suy nghĩ một cách hợp lý và nó cũng sẽ nhắc bạn về lý do và cách bạn đã đi đến quyết định của mình. Thói quen đơn giản này làm tăng đáng kể khả năng phản biện và thuyết phục bất kỳ sự phản đối nào có thể phát sinh sau đó. Theo một cách nào đó, thói quen đó khá giống với thói quen được hình thành bởi nhiều diễn viên giỏi nhất thế giới. Mặc dù họ hiểu rõ phần của mình trong một vở kịch thế nào đi nữa, họ cũng sẽ xem lại kịch bản hoặc ít nhất là các câu thoại của họ trước khi ra sân khấu.
Một trong những nhân viên bán hàng thành công nhất mà tôi từng biết hiện đang là giám đốc bán hàng hàng đầu cho một tập đoàn khổng lồ khẳng định rằng anh ấy có nhiều thành công do hình thành thói quen này từ rất sớm trong sự nghiệp.
“Tôi thậm chí đã tự nghĩ ra một mánh khóe để giúp mình hình thành thói quen”, anh ta nói với tôi, “Trước khi đi đến một cuộc đàm phán, tôi luôn dừng lại đâu đó để uống một tách cà phê, thuê đánh giày hoặc làm một việc gì đó tương tự. Thời gian có được cho tôi cơ hội cuối để xem lại bài thuyết trình của mình trước khi đặt chân vào văn phòng của khách hàng. Và việc đó thật kỳ diệu. Tôi đã bán được sản phẩm một cách hiệu quả hơn nhiều và luôn sẵn sàng trả lời bất kỳ câu hỏi hay ý kiến trái chiều nào phát sinh.”
Không có nghi ngờ gì về điều đó ít nhất là trong suy nghĩ của tôi: dù người ta có cần một mánh khóe để làm như vậy hay không, hình thành thói quen đánh giá lại mọi thứ vào phút cuối để sắp xếp lại suy nghĩ trước khi đưa ra quyết định là một điều rất có ích.
Một thói quen khác đơn giản hơn rất nhiều mà bất kỳ người nào muốn tiến lên nhanh chóng trong kinh doanh cũng cần có, đó là thói quen thư giãn. Doanh nhân thành đạt thường là người luôn thoải mái, ngay cả khi đối mặt với nghịch cảnh. Tôi không có ý ám chỉ rằng người đó phải thờ ơ, lãnh đạm và vô cảm. Điều tôi muốn nói là anh ta phải giữ cho mình đầu óc tỉnh táo để luôn phản ứng nhanh, sẵn sàng nắm bắt, khai thác các cơ hội và đối phó với các vấn đề phát sinh. Anh ta phải trong tư thế sẵn sàng, nhưng không bao giờ được cứng nhắc và bảo thủ, khi đối mặt với bất kỳ thay đổi nào.
Cách các doanh nhân dày dặn thư giãn thường giống như cách đá của một cầu thủ chuyên nghiệp. Cầu thủ bóng đá cần chặn đường chuyền, không bị hoảng loạn vì trái bóng bất ngờ rơi vào chỗ anh ta. Tình huống mới không thể khiến anh giật mình bất động. Phản ứng của anh ta phải đủ linh hoạt để nắm bắt, thích ứng và anh ấy sẽ giữ bóng rất chắc, điều khiển quả bóng, nhưng vẫn tỉnh táo và thoải mái để chuyển hướng nhằm tránh những kẻ muốn chặn bóng.
Rất ít doanh nhân còn non nớt có một khả năng bẩm sinh để có được thái độ thoải mái này trong những tình huống căng thẳng. Nhưng đại đa số các doanh nhân sẽ đều hình thành thói quen đó qua nhiều năm kinh nghiệm.
“Luôn luôn nghĩ bản thân mình như một người vừa mới rơi xuống giữa hồ”, một người bán dầu kỳ cựu khuyên tôi trong những năm đầu lập nghiệp, “Nếu anh giữ được đầu óc tỉnh táo, anh sẽ luôn có thể bơi vào bờ hoặc ít nhất là chèo thuyền hoặc giữ cho mình nổi đến khi có ai đó tới cứu. Nhưng nếu anh hoảng loạn thì cuộc đời anh sẽ kết thúc.”
Tôi cho rằng một người mới khởi nghiệp trong thế giới kinh doanh sẽ giống như một người nhận ra mình đang sinh tồn ở giữa hồ. Nếu anh ta giữ được bình tĩnh, cơ hội sống sót của anh ta rất cao. Nếu không, rất có thể anh ta sẽ chết đuối. Các doanh nhân và giám đốc điều hành trẻ nên ghi nhớ điều này trong tâm thức của mình. Nó sẽ giúp họ hình thành thói quen thư giãn và từ đó có thể tự xử lý mọi tình huống nguy cấp.
Rõ ràng, tôi không thể liệt kê mọi thói quen tốt và xấu trong kinh doanh. Có quá nhiều yếu tố phụ thuộc vào bản chất, tính cách của mỗi cá nhân, vào lĩnh vực hoặc loại hình kinh doanh mà họ tham gia, rồi bao gồm cả những yếu tố khác nữa.
Tuy nhiên, với mỗi cá nhân dù có tham gia kinh doanh hay không đều có thể xác định được thói quen nào có lợi và thói quen nào có hại. Những thói quen có ích giúp cá nhân sống, làm việc tốt hơn, đồng thời đạt được mục tiêu của mình thì nên được hình thành và duy trì. Còn những thói quen xấu sẽ gây hại, cản trở và không mang lại kết quả tích cực nào cho hoạt động cá nhân thì cần tránh đi, và nếu đã được hình thành thì nên từ bỏ càng sớm càng tốt.
Các giám đốc điều hành và doanh nhân sẽ thấy được nhiều lợi ích trong việc cẩn thận xem xét lại định kỳ những việc họ làm để đánh giá những thói quen của mình. Ghi chép lại điều đó trên một tờ giấy là một ý tưởng hay. Sau đó, tùy thuộc vào mỗi cá nhân, hãy đưa ra đánh giá của riêng mình về các thói quen đã được liệt kê. Nếu thành thật với chính mình, anh ta sẽ dễ dàng nhận ra một vài trong số đó là thói quen xấu. Nhưng điều đó sẽ giúp anh ta biết cần phải làm gì để loại bỏ những thói quen xấu gây tốn thời gian đó.
Tiếp theo, sẽ có một số thói quen có thể rơi vào loại “không rõ” hoặc “chưa quyết định được”. Với trường hợp này, chúng phải được xem xét dưới góc độ khách quan để xác định xem có thể sửa đổi thói quen đó thành một thói quen tích cực hay không.
Ví dụ, một giám đốc điều hành mà tôi biết đã hình thành thói quen tổ chức các cuộc họp hàng tuần cùng với toàn bộ nhân viên trong bộ phận của mình. Mặc dù ý tưởng này về cơ bản là hợp lý nhưng các cuộc họp được tổ chức trong vài tháng mà không tạo ra bất kỳ kết quả hữu ích nào.
Giám đốc điều hành gần như đã bị thuyết phục rằng anh nên ngừng tổ chức các cuộc họp đó. Anh đã xem xét lại thói quen, suy nghĩ nghiêm túc về vấn đề tại sao các cuộc họp lại thường đi tới thất bại. Sau một thời gian phân tích vấn đề, cuối cùng anh cũng phát hiện ra câu trả lời. Anh đã tổ chức các cuộc họp vào lúc 4 giờ15 chiều thứ Sáu mỗi tuần.
Theo đúng thói quen của con người, thời điểm chiều thứ Sáu, tâm trí của họ sẽ nghĩ đến chuyện về nhà nghỉ ngơi. Họ ít quan tâm hay dành sự nhiệt tình cho các cuộc thảo luận về vấn đề của văn phòng khi chỉ còn 45 phút nữa là hết giờ làm. Nhận ra điều đó, vị giám đốc điều hành đã thay đổi thời gian và tổ chức họp vào ngày trong tuần. Và gần như ngay lập tức, thói quen tổ chức các cuộc họp nhân viên văn phòng hàng tuần đã chuyển sang loại thói quen tốt. Các cuộc họp sau đã mang lại hiệu quả, đem lại nhiều ý tưởng giúp cải thiện sản lượng, đồng thời còn giúp tinh thần nhân viên nâng lên. Tuy nhiên, nếu một thói quen không rõ ràng không thể nâng lên thành loại “tốt” được thì nên bị loại bỏ, vì nếu tiếp tục, nó chỉ có thể rơi xuống phân loại “xấu” mà thôi.
Đối với những thói quen kinh doanh rõ ràng là tốt, các doanh nhân sắc sảo sẽ cố gắng làm cho chúng càng trở nên hữu ích, thuận lợi và hiệu quả hơn. Ví dụ, nếu anh ta có thể tiết kiệm theo thói quen, thường xuyên tìm ra các giải pháp để cắt giảm chi phí và tiết kiệm, anh ta nên quyết định tăng gấp đôi nỗ lực của mình để tìm thêm cách giảm chi phí và làm tăng lợi nhuận của công ty.
Các cá nhân muốn đạt đến đỉnh cao trong kinh doanh phải hiểu được tầm quan trọng của sức mạnh, của thói quen và phải hiểu rằng thực tiễn chính là thứ tạo ra thói quen. Anh ta phải nhanh chóng phá bỏ những thói quen có thể gây hại tới mình và nhanh chóng hình thành những thói quen giúp đạt được thành công.