M
ọi giám đốc điều hành kinh doanh đều sẽ phạm sai lầm trong sự nghiệp của mình. Điều quan trọng là biết rút ra bài học và tránh lặp lại những sai lầm đó. Có một vài tình huống thường gặp trong kinh doanh rất dễ dẫn đến những quyết định sai lầm. Dự đoán và đánh giá các “cạm bẫy” này là công việc của các nhà điều hành. Trong trường hợp những đánh giá và quyết định sai xảy ra, tâm lý “triệu phú” đảm bảo sẽ giúp bạn vượt qua khó khăn và thậm chí sinh lợi từ chính những sai lầm đó.
Cũng như hầu hết mọi người, tôi rất muốn những ký ức về sai lầm của mình trôi vào quên lãng, nhưng có nhiều sai lầm khiến tôi không thể nào quên được. Trong số đó có ba sai lầm lớn nhất mà tôi luôn nhớ.
Sai lầm đầu tiên xảy ra từ những ngày tôi vẫn còn làm việc ở các mỏ dầu Oklahoma. Khi tôi có được một mảnh đất ở khu vực sau này được gọi là “Hồ Yale”, tôi quyết định thuê một nhà địa chất để kiểm tra địa điểm và giúp tôi xem có nên khoan dầu ở đây hay không.
“Không có dầu trên đất này.” Anh ta báo cáo với tôi, “Mảnh đất này không có giá trị. Điều tốt nhất ông nên làm bây giờ là bỏ hợp đồng thuê đi!” Tôi đã làm theo lời khuyên của anh ta và bán nó đi. Một thời gian ngắn sau, Hồ Yale trở thành một khu vực sản xuất dầu giàu có. Tôi đã vứt đi cả một gia tài như vậy đấy.
Sai lầm lớn thứ hai của tôi xảy ra vào năm 1931, mặc dù về thiệt hại kinh tế thì có thể không chỉ ở vị trí thứ hai. Năm đó, các công ty mà tôi nắm giữ có số lợi tức đáng kể và cá nhân tôi đã mua vào lượng cổ phiếu trị giá hơn hai triệu đô la của Công ty Dầu mỏ Mexico trong thời kỳ khủng hoảng. Sau đó, thị trường chứng khoán rơi vào một cuộc suy thoái khác. Tôi chắc chắn rằng chúng tôi đã đầu tư an toàn và hợp lý vào Mexico Seaboard, nhưng các giám đốc đồng nghiệp của tôi sợ rằng thị trường sẽ khủng hoảng hơn nữa.
“Chúng tôi không thể chấp nhận bất kỳ rủi ro nào nữa”, họ lập luận như vậy, “Chúng ta cần bán ngay.” Do lượng phiếu ủng hộ của họ nhiều hơn nên tôi đã phải làm theo ý kiến của cổ đông. Các công ty và tôi đã bán hết số cổ phiếu Seaboard Mexico đi.
Nếu chúng tôi nắm giữ cổ phần mà chúng tôi đã sở hữu và mua thêm vào năm 1931, chúng tôi có thể có được quyền kiểm soát công ty Mexico Seaboard với giá hời. Tôi đã có thể kiếm được hàng triệu đô la nếu như không nghe theo lời họ.
Tuy nhiên, sai lầm tồi tệ nhất của tôi là vào năm 1932. Lúc đó tôi đang rất quan tâm đến việc khai thác dầu mỏ ở Iraq. Các cuộc điều tra địa chất và hoạt động thăm dò cho kết quả có các mỏ dầu khổng lồ bên dưới bãi cát sa mạc nóng như lửa. Đại diện của tôi đã tiến hành các cuộc đàm phán với quan chức chính phủ Iraq ở Baghdad và báo cáo rằng một hợp đồng hấp dẫn với mức giá chỉ khoảng hàng chục ngàn đô la, đã sẵn sàng chờ ký. Sau đó không lâu, dầu thô Mỹ rớt giá nghiêm trọng. Dầu thô ở Đông Texas giảm mạnh chỉ còn mười xu một thùng và ngành dầu khí đang trong tình trạng hoảng loạn. Lo ngại về tình hình tài chính, tôi đã lệnh cho đại diện ở Baghdad tạm dừng mọi cuộc đàm phán.
Về sau, khi có cơ hội kí kết một hợp đồng nhượng bộ dầu ở Trung Đông vào năm 1949, tôi đã không ngần ngại đồng ý nắm lấy cơ hội đó. Tuy nhiên, điều kiện hợp đồng lúc này đã khác xa so với 17 năm trước. Vào năm 1949, tôi phải trả 12.500.000 đô la tiền mặt sau khi ký thỏa thuận nhượng quyền!
Tất cả là những sai lầm vô cùng tồi tệ, tôi mong rằng đó sẽ là những sai lầm cuối cùng trong đời mình, nhưng đương nhiên mọi chuyện nào đơn giản vậy, tôi còn phạm thêm nhiều lỗi khác nữa. Như tôi đã nói, không có doanh nhân nào không bao giờ phạm sai lầm. Nhưng kinh nghiệm và quan sát cá nhân cho tôi biết rằng hầu hết sai lầm của các doanh nhân và giám đốc điều hành đều rơi vào một số kiểu nhất định có thể dễ dàng phân biệt được.
Tất nhiên, các doanh nhân trẻ, do thiếu kinh nghiệm và còn non nớt, thường là những người mắc nhiều lỗi nhất. Một số phạm phải sai lầm ngớ ngẩn nhất là vô tình, không quá nghiêm trọng và dễ hiểu, dễ bỏ qua. Các lỗi khác là kết quả của việc không được đào tạo đầy đủ, hiểu biết không đầy đủ. Tuy nhiên, cũng có những sai lầm khác đơn giản là xuất phát từ sự bất tài vô dụng và những sai lầm này sẽ dẫn đến sự kết thúc nhanh chóng sự nghiệp kinh doanh của mình.
Các ví dụ từ kinh nghiệm cá nhân ở trên minh họa ba trong số các loại lỗi chính mà tôi thấy phổ biến và thường xuyên được lặp lại bởi các doanh nhân, đặc biệt là đến từ những người tương đối thiếu kinh nghiệm.
Đầu tiên trong số đó là không có khả năng phân biệt giữa chứng cứ có thật và ý kiến cá nhân. Mặc dù ý kiến có thể được đánh giá cẩn thận dựa trên thực tế nhưng ý kiến vẫn mang quan điểm cá nhân và khó có thể đúng hoàn toàn được. Ý kiến không bao giờ quan trọng hơn thông tin thực tế, trình độ và khả năng diễn giải chính xác các thông tin của người nói. Nhiều doanh nhân đôi khi có xu hướng đọc hoặc nghe ý kiến và chấp nhận chúng là sự thật và từ đó lập kế hoạch hoặc đưa ra quyết định dựa vào đó mà không cần điều tra hoặc nghiên cứu thêm thực tế. Đó là lỗi tôi đã phạm phải khi bán hợp đồng thuê đất của mình trên khối tài sản khổng lồ ở Hồ Yale. Mặc dù tôi nhận thức rõ ràng vào thời đó, địa chất học không phải là môn khoa học tiến bộ lắm, nhưng tôi vẫn mù quáng chấp nhận “ý kiến” của nhà địa chất học được tôi thuê để thăm dò mảnh đất đó. Tôi đã không dành thời gian và không cố gắng tham khảo ý kiến của bất kỳ ai khác nhằm “kiểm tra chéo” lại với ý kiến của vị “chuyên gia” nọ. Tôi không thể đổ lỗi cho nhà địa chất đã đưa ra một khuyến nghị sai. Tôi chỉ có thể tự trách mình vì đã chấp nhận lời khuyến nghị đó mà không có một thắc mắc gì cả.
Chấp nhận ý kiến hay tin đồn như một sự thật là lỗi quen thuộc và phổ biến của con người. Bất cứ ai nghi ngờ điều đó chỉ cần nghĩ lại về tần suất các ý kiến cá nhân từ những tờ báo có góc nhìn chủ quan, từ tờ rơi tuyên truyền, hoặc lời đồn được nhắc đi nhắc lại trong các cuộc trò chuyện của mình.
Bạn có nhớ lời đồn về ngón tay cái của người đầu bếp Trung Quốc rơi trong một bát mì xào tại cửa hàng Suey (thường là một cửa hàng nhỏ ở địa phương) không? Lời đồn đó từng rất đáng sợ đối với tôi khi còn là một cậu bé. Vậy mà tới nay vẫn còn một số người cả tin bị lừa bởi câu chuyện ngày xửa ngày xưa đó. Tất nhiên, đây là một ví dụ cực đoan, nhưng các doanh nhân thường để phán đoán của họ bị ảnh hưởng bởi các ý kiến cá nhân và những tin đồn, ở một góc độ nào đó, chuyện này không khác gì so với câu chuyện trên tôi kể. Nhiều doanh nhân sắc sảo sẽ mua hoặc bán các khối cổ phiếu khá lớn chỉ vì họ “nghe đồn” rằng một số niêm yết nhất định “sẽ” tăng hoặc giảm trên sàn giao dịch chứng khoán. Chín trong số mười lần như vậy sẽ dẫn đến kết quả không mong muốn, vì họ nghe lời nói của người khác mà không tự xác thực lại thông tin.
Chỉ thời gian ngắn trước đây, một nhà sản xuất mà tôi biết đã chi gần 100.000 đô la để chế tạo và mua nguyên liệu thô nhằm sản xuất mặt hàng mới lạ, mà nguyên nhân là vì ông nghe theo lời các bài báo từ tạp chí thương mại rằng mặt hàng này đang có nhu cầu rất lớn. Mãi cho đến khi sắp đi vào sản xuất, ông mới phát hiện ra có đến hàng tá công ty khác đã đi trước và đang bắt đầu cho phân phối mặt hàng này. Thị trường đã bão hòa ngay cả trước khi nhân viên bán hàng của ông có thể bắt đầu bán sản phẩm. Ông rơi vào thế bí. Điều này đã không thể xảy ra nếu ông kiểm tra lại thông tin trước khi nhảy vào lĩnh vực kinh doanh ngớ ngẩn đó.
Có thể có một điều gì đó thay thế được cho sự thật và thông tin thực tế, nhưng nếu có tồn tại điều ấy thực thì tôi không biết nó có thể là gì nữa. Đó chắc chắn không thể là tin đồn hay ý kiến cá nhân gắn dưới cái mác sự thật. Để thành công trong bất kỳ “thỏa thuận” liên quan đến dự án hay công việc nào, doanh nhân cần phải biết cách tập hợp tất cả các thông tin khách quan có sẵn để tự nghiên cứu và phân tích chúng. Không có gì là sai trong việc hỏi và cân nhắc ý kiến của người khác. Sai lầm nằm ở việc chấp nhận và làm theo lời khuyên của người khác một cách mù quáng mà không xác định trước liệu những ý kiến đó có được xây dựng từ các thông tin khách quan hay không. Đây là một trong những bài học đầu tiên mà các doanh nhân và giám đốc điều hành trẻ cần học tập, nếu không họ sẽ phải học bài học đó qua những sai lầm dẫn đến thất bại thảm hại của mình!
Sau khi đã chắc chắn quyết định hợp lý của mình được dựa trên những đánh giá đúng đắn từ các thông tin có sẵn, doanh nhân có thể vạch ra đường hướng kinh doanh mà anh ta thực hiện quyết định những hoạt động của mình. Đồng thời, anh ta nên bám sát theo đường hướng đó và quyết tâm thực hiện nó đến cùng. Không làm được việc kể trên là một trong những sai lầm ngớ ngẩn các doanh nhân trẻ và cả một số người đã không còn quá trẻ thường phạm phải.
Đó cũng chính là sai lầm lớn tôi phạm phải vào năm 1931. Tôi đã không đủ niềm tin vào bản thân và không theo sát các quyết định cũng như kế hoạch của mình. Tôi biết rằng Mexico Seaboard sẽ là một khoản đầu tư tốt, tối ưu tới mức khác thường. Tôi đã thực hiện các nghiên cứu cẩn thận, tỉ mỉ về lịch sử, cơ cấu tổ chức, tài chính, nợ, tiềm năng của công ty và tất cả các yếu tố liên quan khác. Chỉ sau khi thực hiện tất cả những điều này, tôi mới mua vào một số lượng lớn cổ phiếu Seaboard Mexico từ tài khoản của mình và sử dụng ảnh hưởng cá nhân để khuyến khích các công ty tôi nắm giữ nhiều cổ phần cũng làm điều tương tự. Khi cổ phiếu của Seaboard Mexico giảm một vài điểm, các giám đốc của hội đồng đã lo lắng và bỏ phiếu để bán hết cổ phần của công ty. Họ đã không đủ kiên nhẫn để bị thuyết phục bởi lập luận của tôi, và vậy là các công ty đã bán cổ phiếu Seaboard Mexico đi. Còn tôi, thay vì bám theo kế hoạch ban đầu, tôi đã lung lay và làm theo họ. Tôi bán sạch cổ phiếu của chính mình ở Seaboard Mexico. Tôi đã phải chịu một khoản lỗ đáng kể cho khoản đầu tư ban đầu, vì cổ phiếu được bán ra với giá thấp hơn mua vào. Vấn đề quan trọng hơn là tôi đã mất đi khoản lợi nhuận mang lại tiềm năng rất lớn mà đáng ra tôi có thể tích lũy cho những năm sau đó, khi cổ phiếu Seaboard Mexico nhân lên nhiều lần về giá trị theo đúng những tính toán cẩn thận của tôi từ trước đó.
Trên đây chỉ là ví dụ về hoạt động giao dịch chứng khoán. Không khó để tìm thấy các tình huống tương tự trong hoạt động thương mại và công nghiệp. Các doanh nhân thường dễ cảm thấy lo ngại trước những dấu hiệu tăng trưởng chậm chạp hoặc thất bại ban đầu khi đưa ra một chương trình sản xuất, bán hàng, dù chương trình được lên kế hoạch và tổ chức rất tốt. Họ bắt đầu hoảng loạn và hủy toàn bộ chiến dịch để rồi phải chịu tổn thất tài chính nặng nề. Điều này đặc biệt đúng với những người ít kinh nghiệm, những người không có sự bình tĩnh, kiên nhẫn để chờ đợi đến khi bắt đầu có lợi nhuận. Họ cũng thiếu kinh nghiệm để hiểu rằng nỗ lực gấp đôi hoặc thậm chí chỉ cần một vài sửa đổi nhỏ trong kế hoạch cũng có thể khiến chiến dịch của họ có được thành công vang dội, hoặc ít nhất thì cũng có thể kết thúc chiến dịch mà không bị lỗ.
Tôi luôn nghĩ rằng nếu sổ sách của công ty được xử lý một cách hoàn hảo, thì hẳn các kế toán phải giữ một cuốn sổ lớn chuyên để ghi chép lại từng đồng chi phí gây ra do lỗi của những giám đốc điều hành và doanh nhân. Và chắc hẳn trong cuốn sổ đó sẽ có không ít tài khoản bị thâm hụt gây ra bởi các nhà điều hành hủy bỏ chiến dịch vừa được đưa vào thực hiện.
Việc tôi từ chối hợp đồng dầu mỏ ở Iraq hồi năm 1932 là minh chứng cho một sai lầm khác thường bị phạm phải bởi các doanh nhân, đó là lỗi không dám mạo hiểm. Các doanh nhân sẽ phải sẵn sàng chấp nhận rủi ro. Rủi ro có thể nằm trong kế hoạch và đã được tính toán. Doanh nhân sắc sảo sẽ cân nhắc tất cả những thông tin nắm trong tay và yếu tố có thể ảnh hưởng trong khả năng của mình. Anh ta sẽ tính đến tất cả các biến cố có thể xảy ra, nhưng anh ta cũng phải nhận thức rõ ràng rằng không thể tính trước hoặc bảo đảm được cho mọi tình huống. Anh ta phải chấp nhận rằng luôn có khả năng một vài biến số hoặc sự kiện sẽ không lường trước mà xuất hiện khiến kế hoạch của anh ta thay đổi hoặc thậm chí bị phá hỏng. Tuy nhiên, anh ta sẽ cảm thấy hài lòng vì biết rằng đã làm mọi thứ trong khả năng của mình để có được cơ hội thành công cao nhất có thể.
Rõ ràng, tôi đã không được sáng suốt lắm vào năm 1932. Nếu tôi dừng lại để phân tích mọi thứ, tôi đã có thể nhận ra rằng sự rớt giá của dầu thô chỉ là ngắn hạn, và rằng giá dầu sau đó sẽ tăng lên mạnh hơn nhiều so với trước đây. Tôi cũng nên nhận thức được rằng lượng nhu cầu của các sản phẩm dầu mỏ sẽ tiếp tục tăng theo thời gian. Và chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi thế giới sẽ lại chứng kiến một cuộc chiến tranh giữa các công ty dầu mỏ trong việc tìm kiếm nguồn sản xuất dầu thô mới. Với mức giá hời mà Iraq đưa ra cho mảnh đất đó, những rủi ro đi kèm thật sự không đáng là bao so với tiềm năng mà mảnh đất đó có thể mang lại.
Các doanh nhân có khả năng tính toán và sẵn sàng chấp nhận rủi ro sẽ giành được chín phần mười chiến thắng trong mọi cuộc chiến. Một phần mười còn lại là biến số chưa biết, và là những yếu tố không thể đoán trước được, nhưng chính chúng sẽ tạo nên sự thú vị của cuộc chơi. Không có yếu tố “x” đó, việc kinh doanh sẽ trở nên nhàm chán, tầm thường và không thú vị.
Bất kì doanh nhân trẻ và giám đốc điều hành nào cũng có thể mắc những sai lầm khác với những gì tôi đã nói ở trên. Thường thì lỗi không nằm ở họ. Giới trẻ ngày nay thường khởi nghiệp trong thế giới kinh doanh theo một kỷ luật nghiêm khắc và thụ động. Vào thời điểm họ rời trường đại học và cao đẳng, nơi họ được giáo dục chuyên môn một cách quá mức, họ dường như đã bị thánh hiến cho Moloch[1] của “Tổ chức” và bị trói buộc trong việc phục vụ các nghi thức phức tạp vể thủ tục chứng từ. Họ bị ghìm giữ trong khuôn khổ của những nhân viên hành chính nhàm chán. Sơ đồ tổ chức càng phức tạp càng tốt là cách làm việc tối ưu đối với họ. Những thủ tục và quy trình ngặt nghèo là thú vui của họ. Họ đã quen với việc phải tuân theo chuẩn mực của tổ chức và những con số lạnh lùng trong các bản báo cáo. Họ bị bỏ rơi khỏi thực tế khắc nghiệt, trần tục của nền thương mại và công nghiệp giống như những linh mục Ai Cập tranh luận về học thuyết thần học trừu tượng trong thánh đường của các ngôi đền khép kín.
[1] Moloch là tên trong Kinh Thánh của một vị thần Canaan liên quan đến sự hy sinh của trẻ em.
Tôi đã kiếm được một triệu đô la đầu tiên của mình ở trên ghế trước của một chiếc xe Ford đã qua sử dụng. Con xe cũ đó trở thành văn phòng điều hành và trụ sở hiện trường của tôi, đôi khi là cả phòng ngủ nữa. Tôi đã giao dịch với rất nhiều doanh nghiệp, ký nhiều hợp đồng và thỏa thuận quan trọng ở ghế trước của một chiếc xe cũ lấm lem bùn như vậy. Khi cần phải có người làm chứng, một hoặc hai thợ khoan hay thợ máy của tôi sẽ kê giấy tờ lên tấm chắn bùn của con xe cà tàng và ký nguệch ngoạc lên đó. Điều này không có gì lạ lùng cả. Hầu như mọi nhà kinh doanh độc lập, người tìm kiếm dầu mỏ hay đã từng khoan dầu trong những ngày đầu ở Oklahoma đều làm việc theo cách tương tự. Chúng tôi không có giờ làm việc cố định, không có việc một tuần làm năm ngày. Chúng tôi phải tự là nhân viên quảng cáo, nhà địa chất, cố vấn pháp lý, chuyên gia về chất nổ, chuyên gia giám sát giàn khoan của riêng mình. Hầu hết thời gian đều phải có mặt ở hiện trường, cùng làm việc với những người thợ của mình.
Tôi thường làm việc nhiều ngày mà không được ngủ chút nào, chỉ có một chút thời gian tranh thủ nghỉ ngay trên giàn khoan hoặc thiếp đi trong chiếc ô tô cà tàng của mình.
Những nhà thăm dò dầu mỏ thường phải hoạt động với ngân sách hạn hẹp ít nhất cho đến khi anh ta có thể kiếm được nhà đầu tư lớn cho mình. Anh ta sẽ phải liên tục đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ; công việc kinh doanh của anh ta cũng đầy rẫy rủi ro tài chính và những cạm bẫy. Một cách tự nhiên, anh ta sẽ phải phát triển tính cách và một vài kỹ xảo nhất định, hơn nữa phải học những bài học không mấy dễ chịu mà tôi e rằng các doanh nhân trẻ ngày nay ít có cơ hội để phát triển và học hỏi được.
Chúng tôi, “những nhà kinh doanh độc lập”, phải loại bỏ tất cả các chi phí hành chính không cần thiết trong hoạt động. Chúng tôi coi rẻ việc thuê văn phòng tại thị trấn mọc lên xung quanh các mỏ dầu, một phần vì chúng tôi không muốn chi thêm tiền cho những gì chúng tôi coi đó là rườm rà không cần thiết, nhưng chủ yếu là bởi bản thân biết rằng không thể điều hành hoạt động của mình khi ngồi phía sau một cái bàn. Chúng tôi làm quen với tất cả các khía cạnh doanh nghiệp của chính mình và giảm thiểu các chi phí bằng cách giám sát liên tục và thận trọng chi tiết trong mọi giai đoạn hoạt động. Chúng tôi thường phải vực dậy tinh thần của công nhân và vượt qua những thử thách một cách ngoạn mục bằng cách đồng hành với những người thợ của mình ngay cả trong công việc khó khăn và bẩn thỉu nhất.
Mãi cho đến khi tôi sở hữu được một vài giếng khoan dầu, tôi mới nghĩ tới chuyện sẽ đổi chiếc xe Model T của mình lấy một chiếc Dodge mới và thuê văn phòng. Lúc đó, giá trị tài sản của tôi là một triệu đô la trên giấy tờ. Tuy nhiên, tôi vẫn mặc quần áo công trường thường xuyên hơn là những bộ đồ công sở. Tôi chạy ba chuỗi công việc quay vòng, khoan ba giếng khoan cùng một lúc và đồng thời đóng vai trò là người quản lý tài chính, nhân viên thu mua, người vận hành và giám sát khoan của mình. Đôi khi tôi phải làm việc liên tục không ngủ để giữ mọi thứ được vận hành liên tục trên các giàn khoan.
Tôi có đang khoe khoang về bản thân mình không? Tôi nghĩ là không. Như tôi đã nói, hầu hết các nhà khai thác dầu mỏ độc lập đều làm việc theo cách tương tự. Bill và Charles Roeser, RM McFarlin, George Forman, Josh Cosden, Bill Skelly, đây chỉ là một vài trong số vô số những người vẫn giữ quan điểm và thái độ cốt lõi về chuyện kinh doanh ngay cả khi họ đã kiếm được hàng triệu đô.
Tôi đang cố gắng khi nói những điều này là để chỉ ra sự khác biệt giữa doanh nhân ngày đó và bây giờ. Và tôi cũng muốn đưa ra một vài quan điểm bản thân cho là nguyên nhân dẫn đến một vài sai lầm của doanh nhân trẻ ngày nay, cả những lỗi sai của các công ty Mỹ nói riêng và nền kinh tế Mỹ nói chung.
Trước hết, đó là thái độ đối với các chi phí hành chính. Nhiều năm trước, các doanh nhân sẽ mặc định cố gắng để chi phí hành chính được giữ ở mức tối thiểu. Xu hướng ngày nay đi ngược lại hoàn toàn. Phong cách kinh doanh hiện đại là xây dựng đế chế hành chính đồ sộ. Nhiều công ty sử dụng một đội ngũ các giám đốc điều hành chuyên biệt cùng với binh đoàn nhân viên hành chính, trao cho họ tất cả những tước hiệu vĩ đại và sau đó đưa họ xuống vũng lầy của các bản báo cáo, ghi nhớ và “nghiên cứu” không đáy.
Do đó, không có gì ngạc nhiên khi rất nhiều thanh niên bắt đầu sự nghiệp kinh doanh của họ với ý tưởng rằng “quản trị” không chỉ là cái đuôi của vấn đề mà là toàn bộ vấn đề. Những chàng trai trẻ này sẽ dành một nửa thời gian của họ để cố gắng tìm hiểu những gì họ đang làm thông qua các nghiên cứu và khảo sát, sau đó họ dành nửa còn lại để thông báo cho nhau về những gì mà họ đã học được nếu có thông qua các cuộc họp và các bản ghi nhớ.
Tôi cho rằng tôi vẫn là một người thăm dò dầu khí độc lập. Tôi không theo đuổi các lý thuyết siêu tổ chức và siêu quản trị. Tôi tin rằng thủ tục hành chính rườm rà nên có càng ít thì càng tốt. Tổ hợp các công ty trên toàn thế giới tạo nên Tập đoàn Getty vẫn có thể hoạt động một cách mượt mà với bộ máy hành chính và giấy tờ tinh gọn. Chẳng hạn, chỉ có khoảng 50 người làm công việc hành chính trong toàn bộ các hoạt động tại Trung Đông của chúng tôi. Công ty dầu mỏ Getty của Ý, ngoài các hoạt động khác, còn điều hành một nhà máy lọc dầu 40.000 thùng một ngày và kho chứa công suất 1.300.000 thùng nhưng chỉ có 15 nhân viên hành chính. Điều này chứng tỏ, ít nhất là với các cộng sự của tôi và tôi rằng, các doanh nghiệp vẫn có thể được vận hành thành công mà không cần quá nhiều thủ tục hành chính. Điều này có thể sẽ không làm hài lòng những người theo trường phái “Nhân bốn tất cả mọi thứ” ở các trường đại học, nhưng chắc chắn phương án này sẽ cải thiện hiệu quả làm việc và tăng sản lượng. Thực tế cho thấy đúng là chúng tôi đã tiết kiệm được nhiều và lợi nhuận đã tăng. Các cổ đông của chúng tôi thực sự rất hài lòng về điều này.
Tuy nhiên, một trong số những sai lầm ngớ ngẩn của các doanh nhân và giám đốc điều hành trẻ là chuyên môn hóa quá mức. Những người trẻ hiểu được toàn diện mọi khía cạnh và giai đoạn kinh doanh ngày nay là rất hiếm. Một nhà điều hành trẻ trung bình thường có kiến thức lý thuyết kỹ lưỡng về một khía cạnh kinh doanh nhất định nhưng biết rất ít hoặc không biết gì về những điều diễn ra trong bất kỳ văn phòng hoặc bộ phận nào khác ngoài bộ phận của anh ta. Anh ta giống như một bác sĩ bước ra trong truyện giả tưởng chỉ chuyên chữa bệnh ở một lỗ mũi bên phải.
Nếu xu hướng này vẫn tiếp tục, những doanh nhân thực sự, những người có thể điều phối một doanh nghiệp vì anh ta biết mọi vấn đề và cách thức vận hành của nó sẽ biến mất hoàn toàn. Vị trí của anh ta sẽ bị xâm chiếm bởi một loại siêu máy tính nào đó. Các máy tính sẽ thiết lập chính sách, đưa quyết định và ra mệnh lệnh cuối cùng sau khi xử lý một loạt thông tin được nhập vào bởi những nhà điều hành siêu chuyên môn hóa.
Để thành công đỉnh cao trong kinh doanh, một cá nhân phải biết tất cả những gì có thể biết được về ngành nghề kinh doanh đó. Anh ta phải làm quen với các nhiệm vụ và trách nhiệm của từng bộ phận, văn phòng và chi nhánh của công ty. Anh ta phải biết càng nhiều càng tốt về kế toán cũng như sản xuất, bán hàng, mua hàng. Giống như những nhà khoan thăm dò thời xưa, anh ta phải hiểu về một tá hay một trăm các công việc khác nhau để có thể giám sát trực tiếp, tăng hiệu quả và chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất mà vẫn kiếm được lợi nhuận và tiếp tục mở rộng kinh doanh.
Bất kỳ giám đốc điều hành nào cũng có thể làm việc tốt hơn nếu thi thoảng anh ta cởi bỏ bộ vest của mình mà mặc bộ đồ bảo hộ và nhúng tay vào bùn đất ở nhà máy. Một vị phó giám đốc phụ trách mua hàng có thể đưa luôn nguyên liệu thô mà anh ta mua được vào thùng chế biến hoặc lò đúc, điều này sẽ khiến anh ta hoàn thành công việc mua hàng của mình tốt hơn. Nhà điều hành có thể học hỏi được nhiều hơn chỉ sau một giờ đồng hồ lắng nghe những cuộc trò chuyện của công nhân sản xuất so với 10.000 bản miêu tả sản phẩm. Các nhà quản lý bộ phận quảng cáo và bán hàng đã từng vận hành máy tiện hoặc máy dập, hay đã từng thực sự tạo ra một thành phần của sản phẩm sẽ thành công hơn nhiều trong các chiến dịch bán hàng của họ. Chuyên gia về quản lý nhân lực sẽ hiểu rõ về các vấn đề và tâm lý của nhân viên nếu anh ta dành nhiều thời gian hơn cho các nhân viên thay vì ngồi trong văn phòng của mình để mơ về những mánh lới quảng cáo “vực dậy tinh thần” mới.
Tôi không nghĩ rằng có ví dụ nào chứng minh quan điểm của tôi tốt hơn là ví dụ về các công ty trong Hệ thống Điện tín Bell. Hầu như không có công ty nào trong Hệ thống Bell có giám đốc điều hành cấp cao không phải đi lên từ những vị trí thấp. Họ đều bắt đầu ở vị trí nhân viên đường dây, người nối cáp, người giữ sổ sách. Họ thường thăng tiến theo cả chiều ngang lẫn chiều dọc trong suốt sự nghiệp của mình. Họ điều hành hoạt động của công ty với mức hiệu quả tuyệt vời.
Walter Munford, cố chủ tịch của US Steel, bắt đầu sự nghiệp với tư cách là một thợ khoan, làm việc 78 giờ mỗi tuần và thăng tiến trong nghịch cảnh. Harry B. Cickyham, chủ tịch của SS Kresge, khởi nghiệp ở vị trí nhân viên chứng khoán và dần bước lên bậc thang sự nghiệp từ rất nhiều bộ phận và các cấp chức vụ khác nhau của chuỗi thương hiệu bán lẻ khổng lồ ấy. Danh sách các dẫn chứng như vậy có thể kéo dài vô tận, và tôi nghĩ rằng bản thân đã làm rõ được quan điểm của mình.
Một lỗi khác mà các doanh nhân ít kinh nghiệm hay mắc phải đó là họ bỏ qua trách nhiệm của mình bằng việc ủy quyền cho người khác. Tôi nghĩ các giám đốc điều hành hay bất cứ ai sở hữu một doanh nghiệp đều cảm thấy rằng anh ta nên điều hành mọi thứ một cách nhẹ nhàng nhất có thể. Đó là bản chất con người nhưng trong kinh doanh thì điều ấy không tốt. Một doanh nhân không bao giờ được coi nhẹ bất cứ thứ gì, anh ta cũng không thể bỏ qua bất cứ trách nhiệm nào của mình. Nếu anh ta cho phép người khác điều hành doanh nghiệp mà không có sự giám sát chặt chẽ và liên tục đối với các chính sách và hoạt động của công ty, rất có thể anh ta sẽ phải hối hận khi doanh nghiệp rơi vào rắc rối. Thường vào thời điểm anh ta phát hiện ra điều đó thì tất cả đã quá muộn để có thể cứu vãn.
“Nếu bạn đang sở hữu một doanh nghiệp, hãy chắc chắn rằng bạn là người điều hành nó.” Đó là một lời khuyên tôi nhận được từ nhiều năm trước. “Nếu bạn không chấp nhận được cơn đau đầu đi kèm với điều hành doanh nghiệp của mình, hãy đóng cửa doanh nghiệp hoặc bán nó đi cho người sẵn sàng chấp nhận trách nhiệm đó.” Tôi thấy lời khuyên này vô cùng hữu ích. Trên thực tế, một doanh nhân nên chia sẻ bớt quyền lực của mình vì không ai có thể phân thân ra khắp mọi nơi và làm mọi việc. Nhưng anh ta cũng phải ghi nhớ rằng trách nhiệm cuối cùng là nằm ở phía anh ta. Do đó, anh ta luôn phải là người ra quyết định cuối cùng.
Điều này đưa chúng ta đến lỗi sai cuối cùng mà tôi nhận thấy rằng các doanh nhân trẻ thường xuyên mắc phải: thói quen nuông chiều bản thân. Họ thường phàn nàn rằng họ phải làm việc quá sức dưới “áp lực đè nặng khủng khiếp”. Họ phô trương những vấn đề không biết là thật hay giả của mình như những tấm huy chương danh dự, đặc biệt khi nói về căn bệnh loét dạ dày. Họ dành nhiều thời gian và tiền bạc để kiểm tra y tế, chụp tim, x-quang và đủ mọi thể loại xét nghiệm. Thật là vô lý.
Cơ quan Thống kê Cơ yếu Quốc gia cho biết “nam giới ở cấp độ quản lý, kỹ thuật và hành chính nói chung có tỷ lệ tử vong trung bình thấp hơn so với những nghề nghiệp khác.” Các giám đốc điều hành kinh doanh được hưởng mức giá thấp hơn khi mua bảo hiểm nhân thọ. Nghiên cứu y khoa chỉ ra rằng nhóm người này ít bị ảnh hưởng bởi các bệnh về tim so với nhân viên văn phòng hoặc người lao động chân tay, đồng thời họ cũng ít bị mắc bệnh ung thư hoặc hầu hết các bệnh gây tử vong khác so với thợ nề hay tài xế.
“Hầu hết các giám đốc điều hành không mắc phải những vấn đề về sức khỏe”, giám đốc một phòng khám nổi tiếng từng nói với tôi, “Họ không phải làm việc quá sức. Họ chỉ lo lắng về việc nắm giữ vị trí của họ nên mới bị áp lực tinh thần vì những chiêu trò trong công ty mà họ vẫn thường hùa theo.” Các bác sĩ khác cũng đã nói với tôi họ tin rằng mối bận tâm ám ảnh của nhiều giám đốc điều hành với sức khỏe của họ chỉ là phản ứng phụ của chứng cuồng danh mà thôi.
“Những nhà điều hành âm thầm lo sợ rằng họ không đủ giỏi để được thăng chức đều bịa cớ về vấn đề sức khỏe trước.” Đây là cách một bác sĩ giải thích điều đó, “Trong trường hợp không hoàn thành tốt việc gì, họ sẽ thuyết phục vợ, bạn bè và bản thân họ rằng sức khỏe chứ không phải sự bất tài của họ là nguyên nhân dẫn đến thất bại.”
Một bác sĩ thậm chí còn nói rằng nhiều giám đốc điều hành nói mình bị loét dạ dày mặc dù họ hoàn toàn khỏe mạnh. “Loét dạ dày đã trở thành một biểu tượng của danh vị.” Ông ta cười rồi nói tiếp, “Có một số giám đốc điều hành thà chết còn hơn thừa nhận họ không bị bệnh dạ dày. Vì điều đó sẽ đồng nghĩa với việc thừa nhận rằng họ cũng tầm thường như bao người khác!”
Không phải là một chuyên gia về y tế, nên tôi không phán xét bất kỳ lời nhận định nào trong số này. Tuy nhiên, tôi có thể tự cười với mình mỗi khi nghe được một giám đốc điều hành khoảng 28, 30 tuổi làm việc 48 giờ một tuần, ít hơn cả ba tiếng đồng hồ cho “bữa trưa công chuyện” và chơi golf của anh ta mà lại kêu ca rằng anh ta đang phải “làm việc quá sức” hay “làm việc dưới áp lực căng thẳng”. Những nhân vật tầm cỡ và thiên tài thực sự của nền kinh tế Mỹ thường xuyên phải làm việc 16 đến 18 tiếng một ngày, thường là bảy ngày một tuần và hiếm khi có kỳ nghỉ. Kết quả là, hầu hết trong số họ vẫn đều sống được đến khi già.
Chẳng hạn, Andrew Mellon qua đời khi ông 82 tuổi, Andrew Carnegie và Henry Ford sống đến 84 tuổi; George L. Hartford và Samuel H. Kress qua đời ở tuổi 92; John D. Rockefeller, Sr sống đến 98 tuổi.
Có những doanh nhân trong quá khứ dù tuổi đã cao nhưng vẫn tiếp tục làm việc, Hugh Robertson đã 72 tuổi vào năm 1959 khi ông chuyển giao chức chủ tịch của Tập đoàn Phát thanh Zenith cho Joseph S. Wright, rồi chuyển lên làm chủ tịch hội đồng quản trị. Walter Johnson ở tuổi 80 nổi tiếng vì con người ông luôn tràn đầy năng lượng và tham vọng. Ông điều hành hai công ty khổng lồ Friden, Inc. và Công ty Lâm sản Mỹ. Và vẫn còn vô số những người khác như họ.
Các giám đốc điều hành với “sức khỏe nửa vời” hay phàn nàn về “công việc quá sức” và lo lắng về tình hình sức khỏe của anh ta sẽ thấy mình nên mua cuốn Ai là những doanh nhân Mỹ đích thực và nghiên cứu kỹ cuốn sách đó. Họ sẽ thấy những doanh nhân làm việc chăm chỉ và thành công nhất thường là những người sống lâu nhất.
Trên đây là những lỗi sai ngớ ngẩn các doanh nhân trẻ thường xuyên phạm phải mà tôi đã quan sát được trong suốt hơn 40 năm lăn lộn trong thế giới kinh doanh. Đối với người mới bắt đầu, sẽ có một số sai lầm gần như chắc chắn họ sẽ mắc phải cho đến khi đủ dày dạn và trưởng thành trong kinh doanh. Những lỗi khác có thể tránh được, đặc biệt nếu người đó lường trước được về chúng. Hầu hết các sai lầm được liệt kê là lỗi chính tôi cũng đã phạm phải vào lúc này hay lúc khác. Bất kể trong lĩnh vực kinh doanh hay ngoài kinh doanh, không có gì bất thường hay đáng xấu hổ về chuyện phạm sai lầm một lần. Nhưng, như Cicero đã nói, vấp ngã hai lần vì một hòn đá quả thực là một sự ô nhục.