M
ới đây, tôi có dịp tổ chức một bữa tiệc tối lớn ở London cho một nhóm bạn bè và người quen. Trong số khách mời có một nhà xã hội chủ nghĩa thẳng thắn tôi quen biết nhiều năm. Khi cuộc trò chuyện trên bàn tiệc đang lắng xuống, ông ấy đã nắm lấy cơ hội để độc thoại về lý tưởng chính trị của mình.
Nhận thấy sự hứng thú của tôi, một trong những vị khách khác, một doanh nhân người Mỹ đang nghỉ hè ở London không thể cưỡng lại việc hỏi tôi làm thế nào mà tôi, một “nhà tư bản hàng đầu” có thể chịu đựng được sự hiện diện của một kẻ “cực đoan” hoang dã như vậy trên bàn ăn tối.
“Anh không sợ có một người đàn ông như vậy xung quanh mình, nói ra tất cả những lý thuyết đó sẽ rất nguy hiểm hay sao?” - Anh ấy hỏi.
Điều này là hoàn toàn bình thường, tôi cố gắng giải thích với anh ta rằng chủ nghĩa xã hội là một hệ tư tưởng chính trị hoàn toàn được tôn trọng ở nước Anh. Tôi cố tình nhấn mạnh thêm rằng các nhà chủ nghĩa xã hội thậm chí còn được diện kiến Nữ hoàng tại Cung điện Buckingham.
Tôi trấn an người đồng hương đang lo lắng của tôi rằng các lý thuyết chúng ta đang được nghe không hề nguy hiểm. Tôi nói tôi hy vọng tư tưởng chính trị của mình không được xây dựng trên nền tảng yếu đuối đến mức chỉ một bài độc thoại mười phút của một nhà xã hội chủ nghĩa nhiệt tâm có thể làm suy yếu và thay đổi.
Lập luận của tôi dường như không tạo được nhiều tác động tới vị doanh nhân kia. Tôi nghi ngờ anh ta sẽ bồn chồn ra về với suy nghĩ rằng trong trường hợp tốt nhất thì tôi cũng đã bị ô nhiễm do tiếp xúc với một hệ tư tưởng kì quặc, và tệ nhất là tôi đã biến thành một trong những nhà tuyên truyền cho xã hội chủ nghĩa mà anh ta đã nghe thấy rất nhiều trên đường phố. Nói một cách dễ hiểu hơn, người đàn ông này là một trong số, không may là rất nhiều, những người Mỹ đã đánh mất quan điểm cá nhân, khiếu hài hước và sự công bằng trong những năm gần đây. Họ phát triển một xu hướng tự động đánh đồng những bất đồng với phản bội. Họ xem mọi sự chỉ trích về các hình thức xã hội, kinh tế và chính trị hiện tại của chúng ta là hành động phản loạn và âm mưu lật đổ.
Xin đính chính rằng tôi không phải là nhà truyền đạo. Tôi cảm thấy không cần thiết, đặc biệt khi tôi là nhân vật được nói đến ở đây, phải nói rằng cực kỳ phản đối quyền sở hữu của chính phủ đối với ngành công nghiệp, và rằng tôi hoàn toàn ủng hộ hệ thống doanh nghiệp tự do. Tôi không thể tưởng tượng mình có thể sống thoải mái dưới chế độ xã hội chủ nghĩa. Tôi cũng không nghĩ chế độ đó sẽ kiên nhẫn với những người như tôi.
Ý nghĩa mang tính chính trị của câu chuyện trên hoàn toàn ngẫu nhiên và không cố ý. Tôi sử dụng nó chỉ để minh họa cho biểu hiện của một hiện tượng cổ quái nguy hiểm đang xảy ra với người Mỹ đương đại mà tôi quan sát và thấy vô cùng quan ngại. Đó chính là thói quen về sự lảng tránh, ngại tranh luận đang ngày càng tăng, đồng thời là sự lên án những người, với số lượng ngày càng ít, có ý định thể hiện sự không hài lòng và chỉ trích.
Hãy để tôi nói rõ rằng tôi không có ý đồ chính trị về bất kỳ hệ tư tưởng, đảng, nhóm hoặc trường phái tư tưởng cụ thể nào hoặc tìm cách thay đổi đời sống, tập quán hay tổ chức của chúng ta. Tôi không phải là nhà cải cách, nhà thập tự chinh, nhà triết học xã hội, nhà lý luận chính trị và kinh tế. Tuy nhiên, tôi tự coi mình là một người thực tế, đủ để đánh giá hiện tại sẽ không phải là, chưa bao giờ là và sẽ không bao giờ là một thế giới hoàn hảo. Bất kỳ hệ tư tưởng nào cho rằng còn tồn tại một trạng thái cố định, hoàn hảo, vĩnh viễn, và trong đó không một ai cần phải đặt ra câu hỏi, sự nghi ngờ hoặc tìm kiếm cải thiện thì hệ tư tưởng đó chỉ có thể tạo ra sự tự mãn, sau đó là trì trệ và cuối cùng là sụp đổ. Sẽ chẳng tốt đẹp gì khi giả vờ rằng sẽ không bao giờ có điều gì sai lầm, vì sẽ luôn có điều gì đó sai xảy ra. Các cá nhân và các nền văn minh chỉ có thể phấn đấu để đạt tới sự hoàn hảo và khả năng cao là họ sẽ không bao giờ đạt được điều đó.
Cái sai thường được chỉ ra bởi chính những người cảm thấy không hài lòng. Họ là những người luôn hoài nghi, đặt ra câu hỏi và do đó nhiều khả năng họ sẽ nhận ra được sự thiếu sót, điểm yếu và vấn đề lớn hơn là những người hàng xóm tự mãn của họ. Những người không hài lòng cũng cảnh giác và nhạy cảm hơn với thay đổi sắp xảy ra. Do đó, họ thường là người tiên đoán được điều không thể tránh khỏi. Họ là những người kêu gọi, vì hành động và thay đổi khi còn thời gian để hành động và thay đổi một cách tự nguyện.
Những người không hài lòng nổi tiếng của Mỹ trong lịch sử phải kể đến Ida Tarbell, Lincoln Steffens, William Allen White và H. L. Mencken, họ đã từng bị nhiều người đương thời gọi là kẻ bới móc và những cái tên khác tệ hơn nhiều. Nhưng, họ đều đáng được đối xử một cách tử tế. Không ai thực sự có thể ngăn cản họ. Không ai thấy sợ khi bị phơi bày trước những quan điểm của họ. Những chỉ trích cay đắng và các vụ lật tẩy sự thật của họ đã giúp mang lại nhiều thay đổi và cải tiến cần thiết mà ngay cả những người bảo thủ nhất ngày hôm nay cũng phải thừa nhận điều đó.
Ngay cả khi người chống đối đó có là một nhà tiên tri giả về những hiểm họa và vấn đề không có thật, họ vẫn là những người đang đóng góp giá trị cho xã hội. Họ thêm gia vị tinh thần và tiếp thêm sinh lực cho cuộc sống này. Họ có thể tạo ra những câu chuyện gây tranh cãi, nhưng khi đã được phép lên tiếng, được nghe và được đáp lại, họ đã phần nào giúp khuấy động trí tưởng tượng của người khác.
Nhiều năm trước, có rất nhiều cá nhân có bất đồng chính kiến ở nước Mỹ. Họ không bao giờ ngần ngại tỏ rõ sự không đồng tình với những ý kiến thiểu số hay đa số. Họ nhắm mục tiêu vào câu hỏi quan trọng nhất của thời đại. Họ bày tỏ ý kiến của mình một cách dũng cảm, bất kể những ý kiến đó có kỳ lạ đến mức nào. Nhưng tiếng nói bất đồng đó đã dần biến mất, thay vào đó là lác đác tiếng thì thào. Các mẫu vật còn lại của giống người gần tuyệt chủng đó ngày nay chỉ còn là dị bản và sự nhai lại câu hỏi ẩn dụ thời cổ xưa rằng có bao nhiêu thiên thần có thể cùng khiêu vũ trên đầu một mũi kim.
Những người chống đối ngày nay chủ yếu tập trung sự chú ý và dành năng lượng của họ vào các câu chuyện vặt vãnh nhất. Khi Ida Tarbells và H. L. Menckens thực hiện các cuộc tấn công trực diện vào pháo đài, họ chọc ngoáy vào lâu đài xây bằng tú lơ khơ. Những người được cho là những trí thức chân chính lại đi cãi nhau trong những cuộc tranh luận tầm thường lố bịch như công đức nghệ thuật so với ý nghĩa chính trị của một bức tranh tường ở một bưu điện vùng ngoại ô. Trong khi đó, công chúng đang trong tình trạng bị ru ngủ ở mức nguy hiểm, bị tống cho nhiều thông tin bị chi phối và sai lệch, điều này được tạo nên bởi lợi ích nhóm cực đoan cùng các chiến dịch tẩy não.
Không có gì đáng ngạc nhiên khi tâm trí công chúng bị che mờ và bị ép đi theo một khuôn mẫu khiến họ không thể tự xác định đâu là vấn đề quan trọng. Một người chơi nhạc, bán mù chữ ở sàn nhảy bị sa thải, bất kể là lý do hợp lý hay không cũng có thể khiến sếp của anh ta bị khủng bố với hàng loạt những lá thư và lời kêu gọi biểu tình cho đó là sự “trừng phạt bất công”. Mặt khác, khi một nhân viên công chức đàng hoàng bị buộc phải từ chức bởi một nhóm người gây áp lực với mục đích mờ ám thì có rất ít sự phản đối đến từ người dân.
Nếu một tạp chí dành cho người hâm mộ điện ảnh công bố tin đồn về một ngôi sao danh tiếng, ngay lập tức, công chúng khắp nơi sẽ có phản ứng mạnh mẽ. Nhưng khi một bộ luật quan trọng đang chờ xử lý trước cơ quan lập pháp ở tiểu bang hoặc ở Quốc hội Mỹ, đa số công dân thường bỏ qua tin đó. Việc báo cáo lại phản ứng và ý kiến của người dân về bộ luật mới rơi vào tay của những nhóm lợi ích và các nhà vận động hành lang chuyên nghiệp. Cứ như vậy, sự u mê của người dân lại càng lấn sâu thêm.
Một số tờ báo và tạp chí quan tâm đến lợi ích của các nhà quảng cáo của họ hơn là việc phổ biến tin tức và thảo luận về các vấn đề có tầm quan trọng lâu dài. Tôi vẫn nhớ một ấn phẩm gần đây của một tờ báo nổi tiếng đã dành hai trang minh họa đầy đủ và xa hoa cho một bài viết nhằm mục đích chứng minh rằng Khuôn Gelatin tốt hơn, đem lại cuộc sống hạnh phúc hơn. Cùng số báo đó, tin về cuộc khủng hoảng của chính phủ tại một nước ở cộng hòa Mỹ Latinh chỉ dài ba đoạn văn, trong đó sự thay đổi sâu rộng trong chính sách phòng thủ dân sự được trình bày 11 dòng, và bản lý lịch về hành động lập pháp được thực hiện trong tuần đó ở thủ đô chỉ vỏn vẹn một nửa cột tin.
Chính sách biên tập ư? “Chúng tôi sẽ được phép có lập trường mạnh mẽ ủng hộ các bà mẹ, trẻ sơ sinh, những chú chó hoang, chống lại tội phạm nhổ nước bọt trên đường phố và đó là tất cả những gì chúng tôi có thể làm.” Một biên tập viên kỳ cựu phàn nàn với tôi. Điều này, tất nhiên đang là sự cường điệu quá mức của một người trong cơn giận dữ. Tuy nhiên, bất cứ ai thường xuyên đọc báo cũng có thể tìm thấy ít nhất một phần sự thật cay đắng trong những gì ông ta đã nói.
Tất nhiên báo và tạp chí không phải là những kẻ có tội duy nhất, cũng chẳng phải tội lớn nhất. Đài phát thanh, truyền hình, phim ảnh, sách, tất cả đều đóng góp đáng kể vào quá trình tẩy não dẫn đến sự bế tắc về tư tưởng và sự ngột ngạt của bất đồng chính kiến ở dân thường. Một số phương tiện truyền thông sẽ làm mọi cách để tránh gây tranh cãi và để bảo vệ lợi ích hạn hẹp của họ. Điều đó được minh họa rõ ràng qua câu chuyện tôi nghe được gần đây từ một giám đốc điều hành mạng vô tuyến. Có vẻ như một đài phát thanh lớn đã hủy một chương trình phát thanh 15 phút nói về Sự tôn nghiêm của hôn nhân của một giáo sĩ nổi tiếng.
Tại sao chương trình đó lại bị hủy? Chủ tịch của một công ty nọ đã mua một lượng lớn thời gian để quảng cáo trên đài phát thanh, và lúc đó ông ta vừa dính vào vụ bê bối ly hôn ầm ĩ. Ban quản lý của đài phát thanh đã rất sợ nhà tài trợ này nghĩ rằng những lời nhận xét của giáo sĩ nhắm vào ông ta!
Điều đó có lẽ quan trọng tới mức những đánh giá quan trọng và sắc sảo nhất về lối sống và các định chế của chúng ta lại được viết nên bởi những diễn viên hài ở hộp đêm. Dường như, để có thể được lắng nghe, các nhà phê bình ngày nay cần phải phủ đường lên viên thuốc đắng của mình, nhưng ngay cả khi anh ta có làm vậy, vẫn vấp phải sự phản đối từ bên ngoài. Nếu không, tại sao công chúng lại coi những bình luận mỉa mai và sắc sảo của họ là “bệnh truyền nhiễm”?
Tôi cho rằng không có gì là sai trái về sự bất đồng chính kiến và chỉ trích của họ. Xã hội ngày nay đang rất cần cả hai thứ đó. Tôi tin thời điểm này, như chưa từng có trong lịch sử, điều cần thiết nằm ở việc không chỉ ở giới trí thức, mà cả ở tầng lớp bình dân cũng cần phải đặt câu hỏi, nghi ngờ, thăm dò, chỉ trích và phản đối. Che giấu đi sự bất đồng chính kiến không chỉ là sự phủ nhận quyền trong hiến pháp của chúng ta về tự do ngôn luận, mà còn là sự từ bỏ những lý luận cơ bản và quý giá nhất về nền dân chủ. Chỉ khi có những cuộc thảo luận và tranh luận mở dựa trên sự phê bình không bị kiểm duyệt thì mới có thể chấm dứt xu hướng tự mãn ngày càng tăng trong dân chúng. Và khi sự tự mãn biến mất, Hợp chủng quốc Hoa Kỳ mới có thể phát huy và khai thác được toàn bộ động lực mạnh mẽ đến từ mọi cá nhân nhằm đạt được tiến bộ và cải thiện tốt hơn, để lãnh đạo thế giới.
Trong một xã hội tự do, bất cứ điều gì ảnh hưởng đến cuộc sống hay phúc lợi của công chúng nói chung có thể tránh được sự phán xét và phê bình. Bất kể đó là chính sách đối ngoại, hệ thống quan hệ quản lý lao động, hệ thống giáo dục, hoặc điều gì đi nữa, chúng ta phải liên tục sửa đổi và phê bình.
Nhân đây khi tôi đã đề cập đến ba lĩnh vực cụ thể của lợi ích công cộng, chúng ta hãy sử dụng chúng làm ví dụ để thực hiện một phân tích ngắn. Hãy bắt đầu bằng việc lấy một khía cạnh của chính sách đối ngoại để minh họa quan điểm của tôi. Rất nhiều thời gian, tiền bạc và năng lượng đang được sử dụng để nỗ lực truyền bá sự tốt đẹp của nước Mỹ nhằm khuếch trương lối sống Mỹ ra nước ngoài. Một khoản tiền lớn đã được dành ra để xây dựng những con đường ở các quốc gia có rất ít ô tô. Chính phủ chúng ta đã trả tiền cho việc xây dựng các tòa nhà văn phòng khổng lồ ở những vùng đất nơi nhiều người dân còn đang sống trong những túp lều. Các cuộc triển lãm tốn kém được tổ chức tại nhiều quốc gia kém phát triển cốt để trưng bày tủ lạnh, tivi, điện đóm và thảm trải treo tường. Chúng ta chấp nhận những điều này như thói quen hàng ngày của cuộc sống; nhưng công dân của các quốc gia nơi chúng ta khoe mẽ sự giàu có về vật chất thì nhìn vào những gì chúng ta đem tới như những vật phẩm khó hiểu, xa xỉ và không thể đạt được.
Có vẻ đây không phải cách hợp lý để tạo dựng mối quan hệ với những nước vẫn thiếu ăn, thiếu mặc, còn nhà cửa thì tồi tàn, trừ khi chúng tôi có thể cung cấp cho họ những chương trình khả thi khiến họ có thể ngay lập tức mua được những thứ xa xỉ kia. Thật khó có thể tin những nhà quản trị quan hệ ngoại giao không thể nhìn được ra sự thật này. Và hơn thế, tôi biết rằng nhiều người vẫn tiếp tục không thể nhìn nhận vấn đề này dưới góc nhìn tử tế.
Sự mù quáng đó đã làm hỏng các chương trình đầy tham vọng và hòa khí của Mỹ trong mong muốn tạo quan hệ và giúp đỡ những số phận kém may mắn hơn ở nước ngoài. Thay vì mang lại cho những người đó niềm hy vọng và sự tự tin, các đại diện của chúng ta thường không làm được gì khác ngoài việc nhấn mạnh sự chênh lệch giàu nghèo giữa nước chủ nhà và nước Mỹ. Do đó, kết quả cuối cùng là người dân ở các quốc gia đó sẽ càng thù hằn và xa cách với chúng ta hơn.
Những tình huống như vậy đã tồn tại trong nhiều năm nay. Vậy mà, mới gần đây thôi, việc đưa ra bất kỳ nghi vấn nào về khả năng của những người chỉ đạo các chương trình viện trợ nước ngoài sẽ bị coi là hành động ngớ ngẩn hay thậm chí là mang tính phá hoại.
Đối với mối quan hệ quản lý lao động Mỹ, vẫn còn một cơ số những doanh nhân sống theo tư tưởng mặc kệ người dân trong những ngày tháng lịch sử của chủ nghĩa tư bản. Họ chống lại bất kỳ bước tiến nào có thể giúp cải thiện cuộc sống của người lao động. Nhìn chung, họ coi lao động là kẻ thù tự nhiên của họ, chứ không phải là đồng minh để cùng cố gắng vì một mục tiêu chung. Mặt khác, khá nhiều nhà lãnh đạo lao động đã không còn là lãnh đạo lao động. Thay vào đó, họ trở thành giám đốc điều hành trong một ngành công nghiệp mới và là người lao động độc lập. Hình thức lao động này có âm mưu rõ ràng: Cạnh tranh với doanh nghiệp và các ngành công nghiệp để làm cho mọi thứ trở nên khó khăn và gây lỗ cho doanh nghiệp.
Rõ ràng, có lỗi và lạm dụng là ở cả hai phía của hàng rào quản lý lao động. Tuy nhiên, bất cứ ai chỉ trích phía quản lý sẽ nhanh chóng phải chịu sự phẫn nộ của nhóm các nhà sản xuất. Người chỉ trích lao động và các lãnh đạo lao động sẽ nhận về sự phẫn nộ của toàn bộ nhóm và tổ chức lao động. Ở trường hợp đầu tiên có thể xảy ra, người đó sẽ bị chửi rủa như một kẻ điên cuồng. Ở trường hợp sau, người đó sẽ bị buộc tội là một kẻ phản động. Do đó, có rất ít người sẵn sàng chỉ trích cả hai bên một cách tự do và khách quan. Vậy là chỉ còn sự phán xét thiếu khách quan của hai bên dành cho nhau mà thôi.
Còn về hệ thống giáo dục? Có một tỷ lệ lớn học sinh tốt nghiệp trung học và đại học của chúng ta thiếu văn hóa đọc, viết và thiếu kiến thức số học đơn giản. Kiến thức về địa lý của họ rất kém, còn về lịch sử thì hầu như là rất ít và thiếu chính xác. Rõ ràng hệ thống giáo dục Mỹ đang tồn tại nhiều bất cập. Thậm chí giáo viên của chúng ta cũng đang gặp vấn đề. Nhưng có trời mới dám giúp đỡ bất cứ ai bày tỏ những ý kiến như thế này.
Thông qua một số quá trình tẩy não kỳ lạ, công chúng đã tin rằng hệ thống trường học của chúng ta là bất khả xâm phạm, không thể chê trách và nghi ngờ gì. Còn giáo viên của chúng ta, họ đã được ban cho những phẩm chất tuyệt vời; họ được hình dung là những người dũng cảm, hy sinh, làm việc quá sức dù bị trả lương thấp vì một sự nghiệp giáo dục thiêng liêng. Vậy nên, bất kỳ sự chỉ trích nào về trường học hay giáo viên đều đem lại một cơn bão thịnh nộ. Các nhóm giáo viên đối lập với hội phụ huynh có thể nhanh chóng phản công bất cứ lúc nào. Các nhà phê bình sẽ bị miêu tả như một con yêu tinh ghét trẻ em và mong muốn tiêu diệt nền văn minh để đem thời kỳ bóng tối quay trở lại.
Theo số liệu của Văn phòng Giáo dục Mỹ, lương của giáo viên Mỹ đã tăng hơn 1.000 phần trăm trong 50 năm qua. Mức lương trung bình của giáo viên hiện nay là hơn 4.000 đô la mỗi năm. Liệu có ai có thể khẳng định rằng chất lượng tiêu chuẩn của giáo dục Mỹ đã tăng tương đương với mức độ tăng lương trong nửa thế kỷ qua không?
Tôi không chọn ba ví dụ này bởi vì tôi không có ý định phá rối bất kỳ ai. Tôi không muốn nói rằng chính sách đối ngoại của chúng ta là xấu, thậm chí cũng không muốn nhất thiết phải có cuộc đại tu lớn nào. Tôi không đổ lỗi cho nền tư bản hay người lao động vì những khủng hoảng mà chúng ta phải trải qua. Tôi cũng hoàn toàn không có ý định ám chỉ tất cả giáo viên của chúng ta là không đủ năng lực và không xứng đáng được hưởng lời khen ngợi và mức lương cao. Tôi chọn các ví dụ một cách ngẫu nhiên, chỉ để chỉ ra rằng luôn có điều gì đó, một phần sai trái đang diễn ra ở nơi nào đó, và rằng luôn có nhiều vấn đề cần chúng ta tìm ra, kiểm tra và đánh giá nghiêm túc. Sau đó chúng ta có thể thay đổi và cải thiện trên tất cả các lĩnh vực xã hội.
Khi cố gắng tạo ra những cải cách cần thiết, người dân nói chung không thể cho phép bản thân bị lung lay bởi những quan chức cổ hủ, các nhóm và tổ chức có lợi ích và mưu đồ riêng khi giữ cho mọi thứ ở trạng thái không thay đổi. Để xã hội và thể chế của chúng ta được củng cố, sự bất đồng quan điểm phải tồn tại. Phải có những người chống đối, những người sẽ tìm kiếm và chỉ ra các vấn nạn đang và có thể sẽ tồn tại.
“Nhưng hầu hết mọi người ngày nay cảm thấy họ không đủ khả năng để trở thành những người có ý kiến trái chiều.” Một doanh nhân thành đạt trong lĩnh vực sản xuất nói với tôi gần đây như vậy, “Họ sợ rằng họ sẽ mất việc, mất khách hàng và lợi nhuận nếu họ cố gắng đánh trả lại các nhóm lợi ích đặc biệt. Bạn phải là một triệu phú thì mới cảm thấy đủ an toàn để nói ra những điều đó.”
Và vô tình tôi lại là một triệu phú, nhưng tôi ghét phải nghĩ đó là lý do duy nhất khiến tôi có thể được chọn để trở thành người chống đối. Tôi không tin đó là thật. Tôi nghĩ lý do thực sự khiến cho có rất ít sự bất đồng quan điểm được dấy lên là vì người Mỹ đang hài lòng quá nhiều thứ liên quan đến các thành tựu họ đạt được. Chúng ta đã trở nên thờ ơ và tự mãn. Chúng ta cảm thấy quá thoải mái với mọi thứ nên không còn muốn nhìn, nói hay nghe bất cứ điều gì có thể làm xáo trộn sự yên tĩnh thư thái trong cuộc sống màu hồng của chúng ta.
Nhưng tôi cảm thấy có một cơn bão mới đang đến. Tôi cho rằng nước Mỹ và công dân Mỹ đang dần thức tỉnh khi nhận ra việc ngậm hoa sen quá lâu cần phải kết thúc. Cảm giác nôn nao sau khi tỉnh khỏi một cơn say đã gây chú ý một cách tích cực. Qua đôi mắt lờ đờ, chúng ta bắt đầu nhìn ra những lỗi lầm nghiêm trọng và nguy hiểm chết người trong cách nghĩ “tất cả đều tốt và không thể tốt hơn” từ lâu được nhiều nhà lãnh đạo và người thổi kèn hát vang trên đại lộ Madison. Tôi tin rằng người dân Mỹ đã bắt đầu sẵn sàng đòi lại tâm trí và quốc gia của họ mà lâu nay họ mặc định để mất vào tay các nhóm người gây áp lực và những cá nhân gây rối ích kỷ. Tôi dự đoán rằng những người chống đối Mỹ đã biến mất sẽ sớm xuất hiện trở lại trên đất nước và mong muốn được xét xử công bằng. Chúng ta sẽ hân hoan chào đón sự cứu giúp của họ trở lại. Tương lai của đất nước sẽ tươi sáng và ổn định hơn khi họ thực sự trở lại.