M
ột tạp chí lớn ở châu Âu gần đây đã đăng một câu chuyện minh họa ngắn mô tả khách du lịch Mỹ đang cầm máy ảnh và hướng dẫn viên du lịch đứng trước di tích đền thờ Hy Lạp. Biển chú thích ghi rằng “Chiến tranh Thế giới thứ Nhất hay thứ Hai?” khiến người Mỹ tò mò.
Mặc dù điều này có vẻ không hài hước lắm đối với bạn và tôi, nhưng mẩu chuyện ngắn đó được đăng tải rộng rãi trên khắp lục địa. Cả châu Âu có được một tràng cười sảng khoái trước hình ảnh của một vị khách du lịch Mỹ điển hình. Tuy người nước ngoài từ lâu đã thừa nhận và tuyên dương sự lãnh đạo của nước Mỹ, sự phát triển vượt bậc về khoa học và công nghệ, nhưng họ vẫn rất thích thú khi đùa cợt sự ngu ngơ về kiến thức văn hóa của người Mỹ và đặc biệt là đàn ông Mỹ.
Người phụ trách của một bảo tàng nghệ thuật nổi tiếng ở Pháp đã nói với tôi rằng anh ta có thể ngay lập tức phát hiện ra những người đàn ông Mỹ trong những đám đông lớn và đa dạng nhất. “Chỉ cần nhìn vào bước đi của họ”, ông tuyên bố, “Khoảnh khắc một người đàn ông Mỹ bước qua cánh cửa, anh ta sẽ toát ra khí chất tự cao, bước đi nghênh ngang nhưng có phần lưỡng lự như thể muốn nói: “Tôi không thực sự muốn ở đây. Tôi thích được ngồi trong một quán bar hoặc xem một trận bóng chày hơn.”
Theo ý kiến riêng của tôi, những thiếu sót về văn hóa của người Mỹ có thể được sánh ngang với những kẻ phá hoại ở Rome thời cổ đại. Đây là những người phá hoại biết nói và thường biết cả nói lẫn viết tiếng Latin. Họ học theo thói quen ăn mặc và đi đứng của người La Mã. Nhiều người trong số họ thành thạo các ngành nghề thương mại, kỹ thuật và quân sự La Mã, nhưng họ vẫn là kẻ phá hoại. Họ thất bại trong việc phát triển sự hiểu biết và nhiệt thành dành cho những tinh túy văn hóa nghệ thuật của nền văn minh vĩ đại xung quanh.
Người đàn ông Mỹ ngu ngơ về văn hóa đã trở thành chủ đề biếm họa phổ biến ở trong cũng như ngoài nước nhiều thập kỷ nay. Quan điểm truyền thống ở đa số người Mỹ coi văn hóa là dành cho phụ nữ, bọn tóc dài và đàn bà, không dành cho người đàn ông chân chính 100%. Do đó, hầu như không ngạc nhiên khi phụ nữ Mỹ nói chung đều có hiểu biết văn hóa hơn nhiều so với nam giới.
Vì dành thời gian ở nhiều nước, nên tôi có cơ hội để quan sát phản ứng của những người đồng hương đối với nền văn hóa tinh túy của các nền văn minh nước ngoài. Thành thật mà nói, tôi thường xuyên bị sốc và thất vọng vì sự thiếu quan tâm của họ đối với bất cứ điều gì chỉ cần có một chút liên quan tới văn hóa. Một ví dụ minh họa rõ ràng và tôi e cũng rất thực tế cho điều mà tôi muốn nói là về cuộc gặp gỡ của tôi với một người bạn cũ ở London cách đây không lâu. Bạn tôi, một nhà công nghiệp giàu có, đã dừng chân ở London trên đường đến châu Âu lục địa. Anh ta gọi điện cho tôi từ khách sạn và chúng tôi hẹn nhau ăn trưa. Sau khi ăn xong, tôi đề nghị chúng tôi cùng dành vài giờ để ghé thăm bộ sưu tập Wallace. Tôi biết người bạn đồng hành của mình chưa bao giờ được tận mắt chứng kiến bộ sưu tập nội thất và nghệ thuật cổ tuyệt vời này. Bản thân tôi thì rất mong muốn được xem lại nó một lần nữa để có thể thỏa thích ngắm nhìn những kho báu vô giá được trưng bày ở đó. Tuy nhiên, bạn tôi đã giật mình nghẹn nước bọt trước lời đề nghị.
“Chúa ơi, Paul!” Anh ta phẫn nộ, “Tôi chỉ có hai ngày ở London và tôi sẽ không lãng phí cả một buổi chiều để lang thang quanh một phòng trưng bày nghệ thuật đâu. Anh có thể đi xem đồ cổ và tranh sơn dầu. Tôi đi ngắm các cô gái ở Cối Xay Gió đây! ”
Sau đó, tôi nhớ lại hoạt cảnh ảm đạm trong sảnh khách sạn ở Paris của tôi cách đây không lâu khi tôi là chủ nhà đón hai cặp vợ chồng người Mỹ đến thăm Paris lần đầu tiên. Tôi lặng lẽ đứng sang một bên trong khi các ông chồng và bà vợ cãi nhau để quyết định xem tối hôm đó họ sẽ đi đâu.
Các quý bà thì muốn tham dự một buổi trưng bày đặc biệt của một bộ sưu tập điêu khắc đương đại đã nhận được đánh giá cao từ tất cả các nhà phê bình nghệ thuật. Các ông chồng thì phản đối cực lực.
“Chết tiệt, tôi đã từng ngắm tượng rồi!” Một trong hai người đàn ông nói kháy, “Hãy đến một câu lạc bộ đêm đi!”
Người đàn ông kia đồng ý nhiệt tình. Cuối cùng, người vợ buộc phải nghe theo, và tôi, với tư cách chủ nhà, không thể tránh khỏi việc phải chiều lòng theo người khách trong mọi hoàn cảnh. Kết quả là, đêm đó, chúng tôi đã dành một buổi tối trong quán rượu bí bách, đầy khói thuốc, và giống hệt như mọi quán rượu khác ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Chúng tôi lắng nghe một ban nhạc Jazz rẻ tiền ầm ĩ trên một sàn nhảy rẻ tiền.
Tôi không có ý phản đối các quán rượu, các ban nhạc jazz và chương trình biểu diễn. Tôi thích cả ba điều đó với điều kiện là chúng đều hay và tôi không bị phụ thuộc vào chúng để có được cảm giác mình đang sống. Nhưng tôi chắc chắn không thể hiểu tại sao có rất nhiều người Mỹ bỏ tiền đi du lịch ở những nơi xa hàng ngàn dặm, đến một trung tâm văn hóa thế giới như Paris chỉ để dành thời gian ở một sàn nhảy đêm.
Vô số trải nghiệm tương tự như những gì tôi đã kể khiến tôi tin rằng sự so sánh giữa những người đàn ông Mỹ hiện đại với người phá hoại có học thức của La Mã cổ đại không phải nói quá. Tôi phát hiện ra rằng đa số đàn ông Mỹ thực sự tin rằng có điều gì đó khiến đàn bà biểu lộ sự hứng thú với văn học, kịch, nghệ thuật, âm nhạc cổ điển, opera, múa ba lê hoặc bất kỳ loại hình nghệ thuật nào khác. Dường như họ cảm thấy mình quá “nam tính” và “hung bạo” cho những người đàn bà như vậy, và họ thích bóng rổ hơn là Bach và Brueghel, poker hơn là Plato và Pirandello.
Thật không may, sự bài trừ văn hóa này không phải chỉ giới hạn ở những người không được giáo dục trong xã hội. Chúng ta có thể tìm thấy sự bài trừ văn hóa mạnh mẽ ngay cả ở những cá nhân thông minh và có học thức cao. Tôi đã nghe một số người đàn ông với huy hiệu Phi Beta Kappa[1] lấp lánh trên dây đeo đồng hồ của anh ta tuyên bố rằng anh ta sẽ “không chết ngắc” trong một nhà hát opera, phòng hòa nhạc hay phòng trưng bày nghệ thuật. Tôi cũng đã quen với nhiều doanh nhân và giám đốc điều hành cấp cao với bằng đại học Ivy League không phân biệt được và cũng chẳng thèm phân biệt giữa Corot và Chromo.
[1] Tổ chức tôn vinh học thuật lớn nhất ở Mỹ.
Sự thiên vị kiểu “văn hóa kiến” dường như phát triển mạnh ở hầu hết các tầng lớp trong xã hội Mỹ. Nó được phản ánh trong một ngàn lẻ một những khía cạnh của cuộc sống Mỹ. Sự ngớ ngẩn đáng sợ đó xuất hiện trên đài phát thanh, truyền hình và điện ảnh cùng sự tán thưởng của khán giả, đó là một trong những minh chứng thực tế rõ ràng. Một ví dụ khác là các bảo tàng và triển lãm nghệ thuật thường xuyên vắng khách quanh năm. Chỉ có một tỷ lệ nhỏ dân số đọc những cuốn sách hay và nghe những bản nhạc có giá trị. Một trong số mười người Mỹ chưa chắc có thể phân biệt được giữa thức cột Doric và Ionic[2]. Ngoài các nhóm sân khấu nghiệp dư và các công ty biểu diễn di động ra thì các nhà hát hợp pháp rất hiếm có ở bên ngoài thành phố New York.
[2] Hai trong ba thức cột cơ bản và được sử dụng nhiều nhất trong hệ thống thức cột cổ điển của kiến trúc Hy Lạp cổ đại.
Người Mỹ tự hào khoe rằng Mỹ là quốc gia giàu nhất trên thế giới. Họ dường như không nhận thấy rằng nếu tính tỷ lệ của cải vật chất so với vốn văn hóa thì người Mỹ lại vô cùng nghèo nàn.
Theo tôi, ảnh hưởng sâu rộng và mạnh mẽ của sự hổ thẹn với văn hóa truyền thống của Mỹ đã được minh họa khá rõ ràng trong các chiến dịch tranh cử tổng thống năm 1960. Biên tập viên âm nhạc của tạp chí Saturday Review đã lần lượt hỏi cả hai ứng cử viên tổng thống hai câu hỏi:
1. Ông có ủng hộ việc thành lập một chức vụ phụ trách về văn hóa với cấp bậc nội các không?
2. Ý kiến của ông về việc Chính phủ liên bang sẽ hỗ trợ các viện bảo tàng, dàn nhạc giao hưởng, các công ty opera như thế nào?
Theo báo cáo được công bố, cả hai ứng cử viên đều từ chối ý tưởng thành lập một chức vụ phụ trách về văn hóa ở nội các. Và họ cũng không nghĩ rằng việc viện trợ liên bang nên dành thêm tiền cho các hoạt động, tổ chức và dự án văn hóa trong nước so với mức hiện tại đã được trao cho Thư viện Quốc hội và Phòng Trưng bày Quốc gia.
Tôi không có ý định chỉ trích chính sách của hai tổng thống quá cố của chúng ta John F. Kennedy và Richard M. Nixon. Tôi sẽ hình dung rằng những câu trả lời của họ được đưa ra dựa theo lời khuyên của các cố vấn chính trị, những người đã cảnh báo họ hãy cẩn thận và tránh để bị gọi dưới cái tên “kẻ tóc dài”, bởi điều này sẽ ảnh hưởng đến sự nghiệp chính trị của họ.
Theo như câu hỏi đầu tiên, tôi hầu như không cảm thấy bản thân đủ điều kiện để tranh luận về ưu và nhược điểm của vấn đề đó. Việc của tôi cũng không phải là đánh giá liệu có thêm một chức vụ phụ trách văn hóa sẽ là tốt hay xấu cho sự thịnh vượng của quốc gia. Tuy nhiên, tôi là một người dân phải đóng thuế, vì vậy, tôi cảm thấy rằng một vài triệu đô tiền chính phủ được chi cho các hoạt động văn hóa ít nhất cũng sẽ có giá trị ngang với hàng chục triệu đô chi phí mỗi năm dành cho các hoạt động hành chính giấy tờ. Chắc chắn công dân của chúng ta sẽ nhận được nhiều lợi ích hơn từ các khoản chi tiêu đó so với các dự án thùng thịt lợn đắt đỏ được nhét vào hầu hết mọi ngân sách của liên bang.
Hợp chủng quốc Hoa Kỳ là quốc gia lớn duy nhất trên thế giới không hỗ trợ các tổ chức văn hóa nội địa ở bất kỳ mức độ nào bằng các khoản quỹ công. Có một sự thật rằng, trong những năm gần đây, Chính phủ liên bang đã bỏ ra một số tiền lớn cho các nghệ sĩ, nhạc sĩ, dàn nhạc giao hưởng và các đoàn kịch vũ đạo lên chương trình biểu diễn toàn cầu để truyền bá văn hóa Mỹ ra nước ngoài. Tất nhiên, đây là những dự án có giá trị làm tăng uy tín của người Mỹ ở những vùng đất xa lạ. Nhưng có một nghịch lý là chính phủ sẽ không chịu chi ra một xu nào để truyền bá văn hóa ở Mỹ, giúp nâng cao trình độ văn hóa của chính người dân Mỹ!
Tôi nhận ra rằng lý do đằng sau tất cả những điều này cũng hoang đường như câu chuyện Alice ở xứ sở thần tiên vậy. Tôi không phải là chính trị gia hay nhà tư vấn kinh tế cho chính phủ. Nhưng theo tôi, nếu chính phủ liên bang có nghĩa vụ pháp lý đảm bảo công dân của quốc gia có đủ thực phẩm, đường cao tốc xuyên lục địa và dịch vụ chuyển phát thư hàng ngày, thì ít nhất họ cũng cần phải thực hiện nghĩa vụ về khía cạnh đạo đức để cải thiện kiến thức văn hóa của công dân.
Chỉ một phần mười của một phần trăm hay một phần nghìn ngân sách liên bang hàng năm là đã đủ để tài trợ cho chương trình hỗ trợ rộng lớn đến các tổ chức và hoạt động văn hóa trên khắp nước Mỹ. Không có gì là quá đáng khi nói giá trị của văn hóa đương đại và tương lai của chúng ta chắc chắn xứng đáng được công nhận với giá trị ít nhất một phần nghìn tiền thuế của người dân đã bỏ ra.
Lịch sử cho thấy các nền văn minh tồn tại lâu nhất là thông qua những thành tựu nghệ thuật và văn hóa của họ. Chúng ta đã quên các trận chiến và các cuộc chiến tranh của nền văn minh cổ đại, nhưng chúng ta vẫn phải trầm trồ, ngạc nhiên trước vẻ đẹp kiến trúc, nghệ thuật, hội họa, thơ ca và âm nhạc của họ. Sự vĩ đại của quốc gia và dân tộc nằm ở văn hóa của họ chứ không phải ở các cuộc chinh phạt. Themistocles chỉ được một hoặc hai dòng miêu tả trong hầu hết các cuốn sách lịch sử nhưng Aristophanes, Aeschylus, Phidias, Socrates sống cùng thế kỷ với Themistocles lại là những người bất tử. Các sắc lệnh và chỉ thị của Caesar đã bị lãng quên gần hết nhưng thơ của Horace và Virgil vẫn sống mãi mãi. Các cái tên Medicis, Sforzas và Viscontis có được sự chú ý lớn nhất từ sự bảo trợ mà các gia đình quý tộc đã trao cho Da Vinci, Michelangelo, Raphael và các nghệ sĩ khác. Gneisenau và Scharnhorst sẽ là gì nếu so sánh với các đồng hương và người đương thời của họ như Beethoven, Schubert, Goethe và Heine? Chắc chắn vấn đề đạo đức này đã quá rõ ràng, ngay cả với những kẻ bướng bỉnh nhất của văn hóa phá hoại có giáo dục cũng phải hiểu được.
Tuy nhiên, vẫn còn quá nhiều đàn ông Mỹ khẳng định họ không thấy có lý do nào để phát triển sở thích văn hóa hay một sự đánh giá cao nào về nghệ thuật. Một số người khác còn nói rằng họ “không có thời gian” theo đuổi mối quan tâm về văn hóa. Tuy nhiên, tuần này qua tuần khác, họ sẽ dành hàng chục giờ tại các câu lạc bộ đồng quê, đi lang thang nơi này, nơi nọ một cách vô nghĩa, rồi ngồi trên những chiếc ghế êm ái trong nhà để nhìn chằm chằm vào khoảng không hay xem những chương trình thô tục trên màn hình vô tuyến.
Tôi phát hiện ra một số lượng lớn các doanh nhân và giám đốc điều hành bất kể là trẻ hay già đã cố giữ khư khư suy nghĩ “kinh doanh và văn hóa không đi đôi với nhau”. Họ bám vào khái niệm rằng các doanh nhân không có khí chất và sự kiên nhẫn để hiểu cũng như đánh giá bất cứ điều gì thuộc về “nghệ thuật”. Họ sợ rằng việc tham gia vào các hoạt động văn hóa bằng cách nào đó có thể khiến họ “bị yếu đuối” và không thể đối phó với thực tế khắc nghiệt của thế giới kinh doanh. Đây thực sự là một lý luận sai lầm và ngớ ngẩn.
Các nhà lãnh đạo thương mại và công nghiệp thành công nhất thế giới luôn được biết đến là những người tài trợ, ủng hộ nghệ thuật cùng với tất cả hoạt động văn hóa. Ngoài ra, còn có vô số bằng chứng cho thấy sự phát triển thương mại và công nghiệp thực sự mang lại sự phát triển lớn cho văn hóa, trái với suy nghĩ cho rằng văn hóa không đi cùng với phát triển kinh tế. Nghệ thuật luôn phát triển mạnh mẽ ở các quốc gia thịnh vượng với nền thương mại và công nghiệp hóa cao.
Ví dụ tuyệt vời về điều này là ở nước Cộng hòa Venice, nơi đã từng thống trị nền thương mại của cả châu Âu và châu Á trong gần tám thế kỷ. Các thương nhân Venice sắc sảo và vật chất như bất kỳ doanh nhân nào khác trong lịch sử.
Người Venice là các nhà công nghiệp lão luyện, thành thạo các kỹ thuật dây chuyền sản xuất hơn 600 năm trước khi dây chuyền lắp ráp đầu tiên xuất hiện ở Hoa Kỳ. Nhà máy khổng lồ tại Vvenice được thiết kế để tạo ra ít nhất một tàu biển được trang bị đầy đủ trên một dây chuyền lắp ráp, bắt đầu bằng việc đặt Ky đóng tàu và kết thúc với việc trang bị và cung cấp nhu yếu phẩm cho đoàn tàu.
Người dân xứ Venice cũng là những người buôn bán và sản xuất cứng rắn có tư duy lợi nhuận. Tất cả mọi thứ đều cần phải được xem xét bởi họ sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro và vấn đề trong hoạt động hàng ngày hơn bất kỳ một doanh nhân hiện đại nào. Tuy nhiên, họ cũng chính là những người đã xây dựng nên cung điện Doges, cung điện vàng Basilica của Thánh Mark, tòa lâu đài Ý vĩ đại dọc theo Kênh đào Lớn, cùng hàng tá những công trình kiến trúc tráng lệ khác chứa đựng các tác phẩm với vẻ đẹp không thể miêu tả được.
Chính là ở thời đại “thương mại” Venice mà Tintoretto, Titian, Veronese và nhiều bậc thầy khác đã tạo tác ra những tác phẩm tuyệt vời nhất. Cũng từ đó, thành phố của những kênh đào, của các thương nhân và các nhà sản xuất rắn rỏi đã trở thành kỳ quan nghệ thuật của thế giới. Vẻ đẹp và sự vĩ đại của Venice sẽ mãi trường tồn với thời gian và trở thành tượng đài không chỉ cho các nghệ sĩ đã tạo ra tác phẩm nghệ thuật mà còn cho các doanh nhân nữa.
Trong thời hiện đại, tiến bộ văn hóa phát triển song song với sự mở rộng công nghiệp và thương mại ở một số quốc gia như Anh, Pháp, Ý và Thụy Điển. Cả doanh nhân lẫn dân chúng ở các quốc gia này đều dành sự quan tâm lớn đến các hoạt động văn hóa không khác gì so với nhiều thế hệ ở các thập kỷ trước. Thậm chí, mức độ quan tâm ngày càng nhiều hơn. Chúng ta có thể quan sát thấy, dù cuộc sống của họ dần trở nên phức tạp và nhịp sống tăng nhanh, đám đông vẫn đến kín các phòng trưng bày nghệ thuật, bảo tàng, phòng hòa nhạc, rạp chiếu và nhà hát opera.
Họ đã học được bài học mà người Mỹ cần học, rằng văn hóa đem lại nhiều phần thưởng và lợi ích. Một trong số đó là giúp cuộc sống này trở nên tốt hơn, toàn diện hơn về mặt tinh thần trí tuệ. Nét đẹp văn hóa đó cũng khiến con người tràn đầy cảm hứng hơn.
Người Mỹ đi du lịch nước ngoài thường giật mình khi nghe những người thu gom rác hoặc những người quét đường cất lên tiếng hát opera lao động, hoặc ngân nga các bản nhạc giao hưởng hay các bản hòa tấu khi họ thực hiện công việc của mình. Khách du lịch Mỹ thậm chí còn ngạc nhiên hơn khi họ nghe thấy những người phục vụ nhà hàng hoặc nhân viên khách sạn tranh cãi sôi nổi về thành tựu của các họa sĩ thuộc trường phái Ấn tượng và các nhà viết kịch cổ điển, nghe có vẻ không thể tin nhưng điều này lại thường xuyên xảy ra trong thực tế.
Nhiều người Mỹ đi công tác nước ngoài thường bị lúng túng khi đối tác nước ngoài đan xen các kiến thức văn hóa và trích dẫn danh ngôn của các tác giả, nhà thơ, nhà viết kịch, nhà triết học vĩ đại vào cuộc đối thoại kinh doanh mà người Mỹ chẳng có tí hiểu biết gì.
Đáng buồn nhất trong số đó là một vài doanh nhân người Mỹ tôi gặp ở châu Âu, những người ra nước ngoài để mua, đầu tư hoặc gặp gỡ các nhà sản xuất châu Âu. Họ luôn mong đợi đối tác sẽ làm hài lòng mình với truyền thống của đại lộ Madison cùng với những đêm hoang dã rong chơi trên thị trấn. Tôi đã cố gắng lắng nghe họ với sự bình tĩnh và hy vọng là có một biểu cảm đồng điệu vừa đủ khi họ kể khổ về những lần họ chờ đợi những đêm cực khoái, được ngâm rượu champagne nhưng rốt cuộc lại bị kéo đến nhà hát để xem một vở opera hay ba lê.
Ý tôi muốn nói ở đây là một người bình thường ở hầu hết các quốc gia văn minh nước ngoài, bất kể là người lao động bình thường hay chùm kinh doanh, thường rất quan tâm, đánh giá cao các hình thức thể hiện văn hóa và nghệ thuật.
Tôi cho rằng có một số lý do chính cho sự thờ ơ, nếu không phải nói là sự thù địch công khai của phần lớn đàn ông Mỹ đối với mọi thứ thuộc về phạm trù nghệ thuật và văn hóa. Một số vấn đề gốc rễ có thể được tìm thấy trong di sản Thanh giáo[3] của chúng ta. Rằng những người từng theo chủ nghĩa thuần túy thời kỳ đầu của Mỹ, học thuyết Stern, chủ nghĩa siêu phàm đã đánh đồng nghệ thuật với sự suy đồi, coi âm nhạc là thứ văn học xác thịt và phù phiếm. Bất kể thứ gì nằm ngoài tôn giáo hay diễn ngôn thần học đều bị lên án như một biểu hiện của sự tội lỗi và tầm thường. Theo quan điểm Thanh giáo, bất cứ thứ gì không thuần túy và không làm đúng chức năng của nó một cách cứng nhắc đều là đồi trụy và xấu xí.
[3] Thanh giáo là một tôn giáo phong trào cải cách bắt đầu ở Anh vào cuối những năm 1500. Thanh giáo có ảnh hưởng rộng rãi về luật tôn giáo của nước Anh cũng như việc thành lập và phát triển của các thuộc địa ở châu Mỹ. (Bạn đọc có thể tham khảo thêm trên internet - BT).
Mặc dù thực tế, người Thanh giáo chỉ là thiểu số và sau đó hoàn toàn bị nhấn chìm bởi những tư tưởng khác được du nhập vào nước Mỹ, nhưng ảnh hưởng của di sản Thanh giáo đối với tư tưởng và hành vi của người Mỹ vẫn có thể được nhận ra cho đến ngày nay.
Sau đó, truyền thống thực dân và cách mạng mà nhiều nhà cầm quyền định nghĩa khá thiếu chính xác đã phá vỡ hoàn toàn tất cả những dấu vết của châu Âu, bao gồm cả các thành tựu văn hóa “suy đồi” của Anh và lục địa Âu châu.
Những người sáng lập đất nước không mong muốn điều đó xảy ra. Họ tìm kiếm sự độc lập chính trị từ Anh và mong muốn xóa bỏ chế độ quân chủ cùng tầng lớp quý tộc khỏi nước Mỹ trong tương lai. Hầu hết các nhân vật hàng đầu của cuộc cách mạng Mỹ đều hy vọng sẽ bảo tồn được truyền thống văn hóa của Cựu thế giới, đồng thời lồng ghép nghệ thuật - văn hóa vào sự phát triển của nước Anh, châu Âu vào Tân thế giới.
Nếu được kể tên ba nhà lãnh đạo hàng đầu yêu thích tìm hiểu văn hóa, tôi sẽ nhắc đến Benjamin Franklin, George Washington, John Adams. Hoặc bất cứ ai đã từng đến thăm nhà của Thomas Jefferson ở Monticello chắc hẳn sẽ đều ấn tượng bởi vẻ đẹp hấp dẫn thể hiện trong kiến trúc và nội thất của ngôi nhà được xây dựng bởi một người đọc nhiều tác phẩm kinh điển bằng tiếng Hy Lạp và tiếng Latin.
Người ta chỉ cần nhìn vào kiến trúc thủ đô của quốc gia để tìm bằng chứng bác bỏ lý luận rằng những người sáng lập các quốc gia thống nhất có muốn loại bỏ ảnh hưởng văn hóa và nghệ thuật của nước ngoài hay không. Tòa nhà Thủ đô và Nhà trắng được thiết kế ngay sau khi chiến tranh kết thúc, là những ví dụ tuyệt vời nhất. Các tòa nhà Thủ đô ở Mỹ sẽ gợi nhớ mạnh mẽ đến Nhà thờ Thánh Peter ở Rome. Có một sự tương đồng đáng kinh ngạc giữa Mặt tiền chính của Nhà trắng và Biệt thự của Công tước Leinster ở Dublin, trong đó kiến trúc sư James Hoban đã dựa vào đó để thiết kế ra Dinh thự Nguyên thủ.
Bất chấp hàng loạt bằng chứng không thể chối bỏ, vẫn có những người yêu nước cực đoan và theo chủ nghĩa Chauvin chuyên nghiệp tin rằng truyền thống thuộc địa đòi hỏi phải là sự thoái thác nghệ thuật cổ điển, đặc biệt là văn hóa và nghệ thuật nước ngoài. Từ khái niệm ngụy biện này, chỉ cần một bước ngắn để lý luận tất cả các hoạt động văn hóa là phi Mỹ và không phù hợp cho người Mỹ cứng cỏi.
Như thể tinh thần của nhóm người Thanh giáo và những gì có thể tạm gọi là truyền thống thực dân giả là không đủ để tạo nên thái độ của đàn ông Mỹ đối với văn hóa, mà huyền thoại di sản biên cương Mỹ cũng là một trong những lý do. Người lính biên phòng rắn rỏi sẵn sàng chiến đấu và không bị trói buộc bởi các phép lịch sự, từ lâu đã trở thành tấm gương mà các thế hệ đàn ông Mỹ tự noi theo trong tiềm thức. Với niềm tin rằng họ đang bắt chước những phẩm chất đáng khen ngợi của những người tiên phong, nhiều đàn ông Mỹ mỉa mai bất kỳ nghệ thuật nào ở trên mức Buổi sáng Tháng chín và cười nhạo âm nhạc không thể được chơi trên một cây đàn piano honky tonk hoặc được chế lại bởi một người chơi banjo tự học, hay một tay đàn nghiệp dư.
Hình ảnh người lính tiền tuyến với hai tay nắm chặt, tiến quân rầm rộ và chẳng màng tới văn hóa được coi như bức tranh vẽ tuyệt vời không gì sánh bằng, nhưng suy nghĩ đó là một sai lầm.
Sẽ vẫn còn rất nhiều người đàn ông có văn hóa và khao khát theo đuổi văn hóa ngang với những kẻ gây lộn ở quán bar và các tay súng trên biên giới Mỹ.
Tôi xin lưu ý thêm một điều quan trọng là các ví dụ sau đây sẽ được lấy từ hai thành phố khắc nghiệt đóng vai trò quan trọng trong việc mở rộng lãnh thổ về phía Tây của Mỹ, đó là thành phố San Francisco và Denver.
Bờ biển Barbary của San Francisco và phố Holladay của Denver có lẽ là những vùng đất hoang dã nhất trong toàn bộ vùng miền Tây hoang dã. Mặc dù vậy, có rất ít khu vực phía Đông có thể đem đến sự hỗ trợ nhanh chóng và cần thiết cho các dự án văn hóa như ở San Francisco và Denver, ngay cả trong giai đoạn khó khăn của hai thành phố này.
Người dân San Francisco luôn thể hiện sự đánh giá cao đối với âm nhạc và nghệ thuật, ngay cả trong những ngày thành phố là một hành lang khai thác vàng. Ngày nay, có rất ít đô thị ở Hoa Kỳ có mức độ hiểu biết văn hóa cao hơn San Francisco. Bởi truyền thống văn hóa của thành phố đã kéo dài trong hơn một thế kỷ.
Denver có hội trường Occidental và nhà hát lớn Opera Tabor sau này được xây dựng bởi H. A. W. Tabor, một trong những danh nhân thô lỗ nhất trong lịch sử nước Mỹ. Nhà hát Opera Grand Tabor là nơi trưng bày của miền Tây. Các vở opera, các buổi hòa nhạc và các bài giảng thuyết giáo đã được diễn ra ở đó và người dân Denver thì luôn làm chật kín khán phòng, chăm chú lắng nghe và đánh giá cao các buổi trình diễn này.
Tôi tin rằng tôi đủ khả năng để đưa ra bình luận cá nhân về hình ảnh bài văn hóa của những người tiên phong Mỹ. Tổ tiên của tôi đã đến nước Mỹ vào khoảng thế kỷ XVIII. Họ là những nông dân tiên phong đến Mỹ để xây dựng tương lai trên mảnh đất hoang dã này. Chính nhờ James Getty, mà Gettysburg, Pennsylvania đã được đặt tên theo. Bằng những kỷ vật họ để lại, có thể nói, tổ tiên của tôi và một số lượng lớn người đương thời đều quan tâm tới văn hóa và kiến thức dưới mọi hình thức. Họ thường xuyên đọc và trao đổi sách với nhau, đặc biệt là những tác phẩm kinh điển. Họ mơ về một ngày họ có được những bức tranh sơn dầu đẹp treo trên tường của những ngôi nhà ấm cúng họ tự tay xây dựng nên. Chính vì vậy, họ cố gắng dạy con cái biết tôn trọng, yêu thích văn học, nghệ thuật và âm nhạc.
Cha tôi sinh năm 1855 tại một trang trại ở Ohio rất nghèo và ít tiềm năng. Người mẹ góa của ông cũng trải qua cuộc sống nghèo khó một cách không hề đơn giản và dễ dàng. Tuy nhiên, khao khát được cải thiện trí tuệ và văn hóa vẫn được nuôi dưỡng trong tâm hồn ông. Cha tôi đã học hết phổ thông rồi đại học, một trong những tự hào lớn nhất của cuộc đời ông chính là vị trí thành viên trong cộng đồng văn học của trường đại học.
Bản thân tôi cũng đã góp một phần vào công cuộc “khai hoang” ở Mỹ hồi những năm 1904 khi cha, mẹ và tôi đến lãnh thổ Oklahoma, nơi mà các khu định cư gỗ ván thông thô mọc lên như nấm qua đêm, xung quanh các mỏ dầu mới được phát hiện và các địa điểm khoan mới thành lập. Hầu hết những người đàn ông trưởng thành thường mang theo sáu khẩu súng gắn vào eo của họ. Ẩu đả súng đạn là chuyện thường ngày diễn ra ở đây.
Phần lớn những người làm công việc khai thác dầu mỏ, hay đi rừng đều vô cùng cứng rắn và hung dữ, nhưng tôi có thể nhớ được những nhân vật dù cứng rắn nhất trong số họ cũng sẽ diện bộ quần áo đẹp nhất vào Chủ nhật hàng tuần để lên thành phố Oklahoma hoặc Tulsa xem buổi lưu diễn opera hoặc buổi biểu diễn của một nghệ sĩ hòa nhạc.
Nhiều người đàn ông làm dầu mỏ đều mua hoặc xây những căn nhà rồi sắm các tác phẩm tranh, điêu khắc, đồ nội thất cổ và thảm để trang trí khi họ trở nên giàu có. Họ thậm chí còn đi về miền Đông, đến New York, để xem các vở kịch, nghe các vở opera và buổi hòa nhạc.
Đúng là thị hiếu của họ hiếm khi tinh tế, ít ra là không phải ngay từ đầu. Nhưng sự thật là những người đàn ông cứng rắn này đang khao khát hướng tới vẻ đẹp nghệ thuật. Họ quan tâm và thể hiện sự đánh giá cao đối với văn hóa. Họ không hề giống với hình ảnh nhiều người Mỹ hiện đại đua nhau học theo những người ở biên giới thuộc thời đại cũ vô cùng cứng nhắc, thô kệch và đầy nam tính làm chuẩn mực.
Còn các yếu tố khác khiến cho tỷ lệ những người phá hoại có giáo dục lại cao như vậy trong số đàn ông Mỹ, nhưng bất kể là vì nguyên nhân gì đi nữa thì kết quả nhận thức họ đang có cũng đều đáng trách.
Tuy nhiên, Hoa Kỳ lại là quốc gia có nhiều tổ chức và cơ quan văn hóa ấn tượng. Dàn nhạc giao hưởng và các dàn nhạc opera của Mỹ là những dàn nhạc hay nhất thế giới. Các viện bảo tàng và phòng trưng bày nghệ thuật của Mỹ, bao gồm cả các công trình của chính phủ và tư nhân đều tích lũy một số lượng lớn các bộ sưu tập tranh quý, điêu khắc, thảm thêu, đồ nội thất cổ xưa trong tất cả các hình thức nghệ thuật qua nhiều thời kỳ lịch sử.
Âm nhạc hay có sẵn trên các bản ghi âm và băng ghi âm. Nhiều tác phẩm tuyệt vời của các họa sĩ và nhà điêu khắc đương đại, các bản sao tác phẩm hoàn hảo của các bậc thầy cũng nằm trong tay các cuốn sách bỏ túi của người Mỹ. Các tác phẩm kinh điển vĩ đại có trong các đĩa đã soạn chỉ có giá vài xu cho mỗi tập. Các khóa học về nghệ thuật và bình phẩm âm nhạc, văn học, thơ ca, kịch được cung cấp, không chỉ trong các trường công và cao đẳng, mà còn trong chương trình giáo dục dành cho người lớn.
Đáng tiếc thay, chỉ có một phần nhỏ người dân và đặc biệt là đàn ông Mỹ biết tận dụng lợi ích cơ sở vật chất trên toàn quốc và cơ hội đáng quý mà họ dễ dàng có được này.
Dàn nhạc giao hưởng và các dàn hợp xướng opera Mỹ thường kết thúc mùa biểu diễn với việc bị thâm hụt ngân sách lớn. Trên thực tế, rất ít bảo tàng nghệ thuật và phòng trưng bày có thể giữ được một lượng khán giả đông thường xuyên. Vô số album có giọng hát “ngớ ngẩn” được bán ra, trong khi số lượng đĩa bán được của nhạc sĩ nghiêm túc thì quá ít. Số lượng bán của những cuốn tiểu thuyết vô nghĩa gấp nhiều lần số lượng bán của những tập văn học kinh điển. Ngoài một số khu vực nhất định trên đất nước, các lớp học và khóa học văn hóa rất ít khi có đủ lượng học sinh đăng ký. Các giáo viên và giáo sư tổ chức những lớp học như vậy đã nói với tôi rằng một khóa học dành cho 30 hoặc 40 học sinh thực tế chỉ có 6 hoặc 8 người ghi danh.
Người Mỹ, và đặc biệt là đàn ông Mỹ, phải nhận ra rằng sự hiểu biết và tôn trọng văn học, chính kịch, nghệ thuật, âm nhạc, văn hóa nói chung sẽ mang đến cho họ một nền tảng kiến thức rộng và tốt hơn. Từ đó cho phép họ có thể tận hưởng cuộc sống một cách đa chiều. Văn hóa sẽ cung cấp cho họ sự cân bằng và quan điểm đúng đắn qua sự thỏa mãn của các giác quan và hài lòng đến từ bên trong bản thể.
Khác xa với việc khiến một người đàn ông bị mất đi vẻ nam tính và trở nên yếu đuối, niềm đam mê với văn hóa sẽ giúp anh ta trở nên nam tính cũng như trở thành một con người hoàn thiện hơn. Sự đam mê văn hóa sẽ kích thích trí tuệ, làm tăng thị hiếu và sự nhạy cảm của anh ta đối với mọi thứ trong cuộc sống.
Người đàn ông có văn hóa sẽ luôn là một người đàn ông tự tin, hiện đại và nam tính. Người đó có thể xác định, tôn trọng, thưởng thức những sắc thái và góc nhìn tinh tế hơn trong các lĩnh vực trí tuệ, tình cảm, thậm chí là vật chất và cả trong các mối quan hệ giữa con người. Thậm chí dù là trong phòng hội đồng hay phòng ngủ, anh ta sẽ được trang bị vai trò nam tính tốt hơn nhiều so với người phá hoại có học thức nặng nề mà thô kệch.
Bạn không cần thiết phải ép mình tìm hiểu văn hóa cũng như từ bỏ các lợi ích khác để trải nghiệm lợi ích và thú vui của các hoạt động văn hóa. Sở thích, thị hiếu và kiến thức của một cá nhân cần được phát triển dần dần với sự thưởng thức của bản thân họ. Văn hóa giống như một loại rượu vang hảo hạng được uống cùng một người phụ nữ xinh đẹp. Ly rượu đó nên được nhấm từng ngụm nhỏ để thưởng thức từ từ chứ không bao giờ nên uống hết trong một hơi.