V
ào những khoảnh khắc kỳ lạ, khi đang chìm đắm tâm trí vào vũ trụ, tôi chợt lóe lên sự nghi ngờ mơ hồ rằng sâu bên trong tôi thực ra là một kẻ vô chính phủ. Không phải vì lý do trong tôi luôn có một động lực thôi thúc ném chất nổ vào các cung điện và tòa nhà chính phủ. Tôi chắc chắn mình không hề có ác ý gì với các vị lãnh chúa hay các Sa hoàng trẻ tuổi.
Xu hướng vô chính phủ của tôi được hiểu theo nghĩa hoàn toàn cổ điển. Tôi sử dụng từ vô chính phủ theo nghĩa mà nó được định nghĩa bởi người Hy Lạp cổ đại. Họ tất nhiên là đã chấp nhận người vô chính phủ như một đối thủ đáng kính và có phần đáng gờm, đối lập với sự xâm lấn của chính phủ vào quyền tự do suy nghĩ và hành động cá nhân. Tôi thấy bản thân mình trong định nghĩa đó khi cảm thấy không hài lòng với chính phủ vì xu hướng ngày càng tăng bởi sự điều khiển và tệ hơn cả là sự áp đặt khuôn mẫu lên các hoạt động cá nhân.
Tôi không bao giờ suy nghĩ lâu về những chuyện như vậy, tuy nhiên, tôi không thấy vui khi nhận ra mình là một kẻ vô chính phủ đeo bám vô vọng vào các khái niệm lỗi thời. Là một người thực tế, tôi buộc phải thừa nhận rằng trong cuộc đại chiến giữa quyền cá nhân và đặc quyền của chính phủ, chính phủ rõ ràng đã chiến thắng.
Đại chính phủ đã tồn tại trong một thời gian khá lâu và sẽ tiếp tục phát triển lớn hơn nữa. Các quan chức chính phủ, “nhân viên kế hoạch” cùng các bộ não điện tử đang tạo ra thế giới. Điều này sẽ khiến cuộc sống hàng ngày của người dân được lập trình giống như việc phải hoàn thành danh sách việc cần làm đã được định sẵn. Dưới sự lãnh đạo của các đại chính phủ, mà xét cho cùng nguyên do của toàn bộ xu hướng này là việc chúng ta không thể chống cự lại một tương lai, nơi mà xã hội được định hình lại với các cấu trúc có sẵn, đây sẽ là thế giới lý tưởng của hội những nhà cầm quyền coi tiếng nói của người dân như tiếng ồn ngoài xa.
Bản thân tôi cảm thấy tương lai đó thật ảm đạm, nhưng tôi biết rằng một vấn đề có thể rất nghiêm trọng với người này sẽ lại rất nhẹ nhàng với người khác. Ngay cả những từ như “tiến” và “lùi” cũng chỉ là tương đối. Ý nghĩa của chúng phụ thuộc vào vị trí xuất phát. Chắc hẳn đối với nhiều người thì một thế giới mới, nơi mà con đường trong cuộc sống được định sẵn và tính toán trước sẽ là một tương lai an toàn và ổn định nhất đối với họ.
Tuy nhiên, cần phải hiểu rằng một xã hội đã được định sẵn cấu trúc sẽ áp đặt rất nhiều hạn chế nghiêm trọng lên cuộc sống của mỗi cá thể và nó sẽ làm thay đổi mạnh mẽ hoặc gần như toàn bộ các mô hình kinh tế và xã hội hiện nay của chúng ta đang có. Nhưng rốt cuộc thì những thay đổi này vẫn sẽ không thực sự là mới, chúng chỉ là những thay đổi cuối cùng mà thôi. Thay đổi đó đã và đang diễn ra trong một thời gian dài; xu hướng cho một cấu trúc xã hội cố định đã hình thành một cách rõ ràng trong nhiều thế kỷ nay.
Ở các quốc gia Hy Lạp cổ đại, lệ phí được áp lên tính cá nhân trong hầu hết các mặt của cuộc sống. Nhưng, với sự xuất hiện của khái niệm đế chế, phong trào hướng tới sự đồng nhất là một điều không thể tránh khỏi.
Chẳng hạn, trong đế chế La Mã, có rất nhiều mảng khác nhau được áp đặt lên cuộc sống như luật pháp, thi hành công lý, thậm chí là thời trang quần áo và các hoạt động kinh doanh cũng được tiêu chuẩn hóa theo khuôn mẫu nhất định. Nền văn minh, phong tục, tập quán và nhiều thứ khác đã được Rome đem đến và du nhập vào các thuộc địa và đồng minh khác của họ, và đa số các tầng lớp đó đều háo hức, chấp nhận và thực hành theo. Các đền chùa, nhà hát, nơi ở và các công trình khác được xây dựng bởi các quân đoàn La Mã ở vùng sâu vùng xa thậm chí cũng có cùng một kiểu kiến trúc với các công trình ở Rome, có lẽ điểm khác nhau chỉ là về kích thước. Phong cách và kỹ thuật trong các bức tượng bán thân chân dung thế kỷ thứ hai được tìm thấy trong một tàn tích La Mã ở Syria gần như không có gì khác so với những tác phẩm bức tượng bán thân thế kỷ thứ hai được đào lên từ bờ sông Tiber.
Cũng không quá phi lý nếu ta cho rằng giả sử đế chế La Mã còn tồn tại, các nền văn minh châu Âu, Trung Đông và Bắc Phi có thể đã phát triển theo mô hình nguyên mẫu do Rome thành lập. Tuy nhiên, đế chế đó đã sụp đổ. Toàn bộ trật tự tan vỡ thành mây khói. Ngay cả tiếng Latin, ngôn ngữ của nền văn minh phương Tây, cũng bị chia thành vô số ngôn ngữ và phương ngữ khác nhau. Cùng với đó, xu hướng tiêu chuẩn hóa tạm thời bị dừng lại. Vô số xã hội bộ lạc mang tính cá nhân cao và các dòng tư tưởng khác đã thay thế chính phủ đế quốc để có tổ chức chặt chẽ. Sự chắp vá hỗn loạn vẫn còn tồn tại cho đến khi hệ thống phong kiến phát triển trong thời kỳ đen tối để rồi cuối cùng biến mất khỏi lịch sử. Sau đó, với sự tái xuất hiện của chính quyền trung ương mạnh mẽ, một xu hướng rõ rệt của nhà nước thống nhất và tiêu chuẩn hóa lại bắt đầu nhen nhóm.
Phong trào đó tiếp tục phát triển đều đặn trong suốt bốn hoặc năm trăm năm qua. Trong khoảng thời gian gần đây, sự bùng nổ dân số, cùng với đó là các vấn đề kinh tế - xã hội và các yếu tố khác như truyền thông được cải thiện đã củng cố và đẩy nhanh tốc độ phong trào đó hơn bao giờ hết. Ngày nay, xu hướng tiêu chuẩn hóa là điều hiển nhiên ở hầu hết mọi nơi trên toàn cầu. Trang phục bản địa đã bị loại bỏ ở phần lớn các quốc gia; quần áo kiểu phương Tây trở thành trang phục hàng ngày. Thời trang của một phụ nữ ở Paris được báo chí, đài phát thanh và truyền hình trên mọi lục địa sôi sục đưa tin trong hàng giờ; và chỉ một tuần sau, trang phục đó trở nên thịnh hành trên khắp thế giới. Chẳng có gì khác biệt giữa sự xuất hiện của những chiếc tủ lạnh được chế tạo ở Anh và những chiếc tủ lạnh được sản xuất ở Mỹ, Pháp, Ý hoặc Đức. Hãy thử để một phong cách kiến trúc trở nên nổi tiếng ở một quốc gia, và bạn có thể chắc chắn rằng nó sẽ trở thành cơn sốt ở hàng chục quốc gia khác ngay sau đó.
Ngày nay, bản chất tự nhiên của chính phủ trong một nền văn minh ngày càng phức tạp đã tạo ra áp lực mạnh mẽ để hệ thống hóa và tiêu chuẩn hóa, từ đó các phức hợp quan liêu sẽ có cơ hội phát triển mạnh hơn. Trong chính phủ (theo định nghĩa là các tập đoàn kinh doanh lớn hoạt động và quản lý theo quy tắc kiểu chính phủ), sự thiết lập các quy trình cứng nhắc cho từng hoạt động nhỏ nhất sẽ càng tạo ra sự ép buộc phải tuân theo những tiêu chuẩn nhất định. Tất nhiên, những điều này đặc biệt hấp dẫn đối với người tìm việc và người muốn giữ công việc không có lòng can đảm và trí tưởng tượng. Hay nói cách khác, kiểu người tự bọc mình lại một cách thoải mái như một phôi thai trong môi trường tử cung đã được điều tiết hoàn toàn.
Các mê cung rối rắm của sự quan liêu của chính phủ còn là sự tự thân, tự tuyên truyền và tự phát triển, điều này ngày càng trở nên phức tạp, khó chiều và lan rộng ra khắp nơi. Tôi không nghĩ rằng có một thế lực hắc ám đứng sau hiện tượng này. Chỉ đơn giản đó là cách mọi thứ vẫn đang tự phát triển.
Lịch sử của đất nước chúng ta là một ví dụ rõ ràng về cách các quốc gia tiến tới việc tạo ra một xã hội giới hạn như vậy. Vốn xuất phát từ 13 liên minh các bang khá lỏng lẻo và hoạt động theo cơ chế giữ quyền lực của chính phủ ở mức hạn chế và tính tự do cá nhân được đề cao, Hoa Kỳ đã thay đổi rất nhiều kể từ khi tuyên bố thành lập hợp chủng quốc. Nước Mỹ hiện đại là một đất nước với các chính phủ ở cấp quốc gia, tiểu bang và địa phương hùng mạnh hơn nhiều so với hình dung của những người cha sáng lập đất nước. Ngày nay, bàn tay của chính phủ có thể chạm tới hầu hết mọi lĩnh vực hoạt động của con người thông qua các quy định, đăng ký và tiêu chuẩn ngặt nghèo.
Công dân Mỹ quả thực có được tự do hơn bất kỳ cá nhân nào khác trên Trái Đất. Nhưng thật sự tự do đến mức nào? Chính phủ đã xâm phạm quyền tự do, quyền sống và quyền mưu cầu hạnh phúc của họ đến mức nào?
Tôi nghĩ rằng người Mỹ sẽ kinh ngạc khi nhận ra có rất nhiều hoạt động phổ biến mà anh ta không thể làm trừ khi anh ta duy trì các tiêu chuẩn do chính phủ đặt ra và xin được giấy phép thực hiện chúng ngay từ đầu. Tôi nghi ngờ rằng chẳng có mấy người đã từng dừng lại một chút để nghĩ về nó.
Chẳng hạn, một công dân Mỹ không thể bán một chai bia, kết hôn, đi săn, câu cá, lái ô tô hoặc thậm chí nuôi chó như thú cưng mà không có giấy phép từ chính phủ. Ở hầu hết mọi nơi trên khắp đất Mỹ, anh ta không thể tổ chức một cuộc diễu hành, xây dựng một ngôi nhà hoặc thậm chí thêm một phòng tắm vào nhà của mình trừ khi anh ta có thể xin được được giấy phép để làm những việc này. Anh ta sẽ không được mở cửa hàng thú cưng, nhà trọ hoặc đài phun nước soda mà không có giấy phép từ các cơ quan như cảnh sát, sở y tế, đồn cứu hỏa, v.v… và sự quan liêu tiếp tục như vậy đến vô hạn.
Từ lúc được sinh ra với tờ giấy khai sinh, một người Mỹ đã trở thành con người bị đánh dấu. Cuộc sống, thói quen và hoạt động của anh ta trở thành mối quan tâm của vô số văn phòng và các cơ quan quan liêu. Họ sẽ đăng ký, ghi danh, xem xét, giám sát và điều chỉnh bản thân anh ta trong bất cứ hoạt động nào anh ta tham gia cho đến ngày anh ta chết, thậm chí nó còn kéo dài tới cả sau đó.
Người Mỹ tự do của chúng ta phải được đi đến trường ở độ tuổi nhất định, phải được học ở đó trong thời gian quy định với ít nhất một số môn học bắt buộc. Các công dân nam phải đăng ký hệ thống tuyển chọn Quân dịch. Trong nhiều năm, nếu đủ điều kiện, họ sẽ phải sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ quân sự. Nếu được gọi, họ phải phục vụ lực lượng vũ trang trong một thời gian nhất định. Hầu hết người Mỹ bất kể giới tính đều phải đăng ký với các cơ quan xử lý an sinh xã hội, bồi thường công nhân, thuế thu nhập, điều tra dân số và các bang, quận, hoặc văn phòng chính quyền thành phố khác.
Xin phép giải thích rõ ràng, tôi coi những yêu cầu này là cần thiết và có lợi. Rõ ràng luật pháp và tiêu chuẩn là cần thiết trong nền văn minh phức tạp của chúng ta. Thú vui săn bắn nếu không được giới hạn sẽ nhanh chóng quét sạch tất cả các động vật trong tự nhiên. Lái xe không có giấy phép sẽ làm tăng tỷ lệ tai nạn kinh hoàng trên đường phố, còn đường cao tốc sẽ thường xuyên xảy ra tắc nghẽn. Một cá nhân không được phép dựng lên lán nhà cẩu thả nơi người khác đã xây dựng nhà cửa hoàn chỉnh. Anh ta cũng không được phép vận hành một khu nội trú tiềm tàng mối đe dọa về an toàn cháy nổ và với sức khỏe của người thuê nhà. An ninh của quốc gia trong một thế giới phức tạp luôn phụ thuộc vào lực lượng vũ trang của quốc gia, do đó nhu cầu về Hệ thống Tuyển chọn Quân dịch là rất cần thiết. Chắc chắn không có ai tỉnh táo mà lại muốn xóa bỏ điều tra dân số. Chính phủ, luật pháp, kiểm soát, quy định, và thậm chí cả bộ máy quan liêu đi kèm với đó là rất cần thiết nếu một quốc gia 190.000.000 người muốn tồn tại và hoạt động. Nếu không có những thứ này, tất cả sẽ rơi vào hỗn loạn và tuyệt chủng.
Tôi muốn nhắc lại rõ ràng tôi không phải là kẻ phản động chống chính phủ. Tôi không có tư tưởng rằng những giới hạn đã nói ở trên là điều xấu xa. Theo tôi, chúng hoàn toàn cần thiết vì mục đích của chúng là làm cho cuộc sống an toàn và dễ chịu hơn cho tất cả mọi người.
Vấn đề hoàn toàn không nằm ở việc những biểu hiện trên là tốt hay xấu. Vấn đề đơn giản là chúng tồn tại, đang được thực thi và ảnh hưởng đến mọi công dân. Chúng chỉ được liệt kê ra như là minh chứng cho mức độ tham gia của nhà nước trong xã hội mà chúng ta đang sống.
Nhiều bằng chứng khác có thể được tìm thấy trong những cách thức đa dạng mà chính quyền các cấp sử dụng để kiểm soát hoạt động kinh doanh và nền kinh tế quốc gia. Dù muốn hay không, cái được gọi là hệ thống doanh nghiệp tự do không hề tự do nhiều như một số người tưởng tượng. Chỉ riêng chính phủ liên bang đã có khoảng 30 cơ quan quản lý độc lập có sức mạnh và ảnh hưởng thực tế lớn trên mọi khía cạnh của nền kinh tế Mỹ.
Hãy xem xét ví dụ về nhiệm vụ và trách nhiệm của ba trong số các cơ quan này. Ủy Ban Thương mại Liên bang có trách nhiệm điều chỉnh giá và nhượng quyền thương mại về mảng đường sắt, đường xà lan, vận tải và đường ống. Ban điều hành Hàng không Dân dụng quyết định các tuyến đường bay, mức giá và các quy định an toàn tiêu chuẩn. Ủy ban Truyền thông Liên bang có quyền quyết định ai là người có thể (hoặc không thể) điều hành các đài phát thanh hoặc truyền hình. Ngoài các cơ quan quản lý độc lập như vậy, còn có nhiều cơ quan và văn phòng liên bang khác có ảnh hưởng và sẽ thực hiện các mức độ kiểm soát trực tiếp hoặc gián tiếp đối với nền kinh tế của đất nước. Sản xuất nông nghiệp được điều tiết thông qua việc hỗ trợ giá, kiểm soát diện tích và các phương pháp khác, các hoạt động kiểm soát không chỉ với người nông dân mà còn cả xe tải chở nông sản, nhà bán buôn thực phẩm, người bán tạp hóa và người tiêu dùng. Chính phủ tác động đến các hoạt động kinh doanh và mở rộng kinh doanh bằng cách tăng hoặc giảm tỷ lệ chiết khấu dự phòng, thuế nhập khẩu, thuế của Cục Dự trữ Liên Bang và nhiều cách khác nữa. Bất cứ điều gì chính phủ làm đều sẽ nhanh chóng được phản ánh thông qua các con số về sản xuất, bán hàng, tỷ lệ việc làm và chỉ số giá cả.
Nói tóm lại, đại chính phủ đang nắm giữ quyền điều khiển những yếu tố lớn gây ảnh hưởng tới doanh nghiệp và nền kinh tế Mỹ. Và khi tôi nói về chính phủ lớn, tôi không chỉ muốn nói về một mình chính phủ liên bang. Các tiểu bang khác nhau và thậm chí các quận, thành phố đều cấp phép, thu thuế, kiểm tra và điều chỉnh các doanh nghiệp trong phạm vi quyền hạn của họ. Không khó để đi đến kết luận rằng chúng ta chỉ cách một bước ngắn để đi từ quy luật kinh tế như hiện tại đến thành lập một nền kinh tế hoàn toàn được điều tiết. Và, dù là điều đó sẽ tốt hơn hay tệ hơn thì tất cả các dấu hiệu đều chỉ về xu hướng tăng cường điều tiết về kinh tế.
Với việc chính phủ nêu gương như vậy, không có gì lạ khi nhiều công dân của quốc gia dự đoán điều gần như không thể tránh khỏi và vội vã tuân thủ mô hình chuẩn hóa đó. Các công ty kinh doanh thành lập bộ máy quan liêu của chính họ để thả mình trôi theo cơn sóng đang đưa xã hội đến “cấu trúc hoàn hảo” cuối cùng. Có nhiều dấu hiệu cho thấy điều này đang diễn ra, rằng nền văn minh sản xuất đồng nhất sẽ sớm tạo ra những con người bị đồng hóa.
Cách đây không lâu, chính phủ liên bang, do lo ngại sâu sắc về sự thiếu hụt nhân sự khoa học - kỹ thuật Mỹ, đã đưa ra một chương trình được thiết kế để nhằm khuyến khích những người trẻ tuổi chọn con đường trở thành các nhà khoa học và kỹ sư. Đến nay, phương pháp đó vẫn được sử dụng như một trong những cách để thúc đẩy những người trẻ tuổi lựa chọn nghề nghiệp đó. Các bài phát biểu công khai của nhiều nhà lãnh đạo quốc gia, những người nổi tiếng khác và các chiến dịch quảng cáo rộng rãi nhằm mục đích khiến khoa học - kỹ thuật trở nên hấp dẫn, kích thích trí tưởng tượng của giới trẻ và gieo mầm ý tưởng theo đuổi sự nghiệp khoa học cho học sinh ở các trường trung học và cao đẳng. Các khoản tài trợ khổng lồ sẽ dành cho việc mở rộng các cơ sở đào tạo tại những trường đại học, cao đẳng và giúp các tổ chức có thể cung cấp học bổng ở quy mô chưa từng có.
Hiện tại, tất cả điều này là cần thiết và đều rất tốt. Nhưng xem xét trong xu hướng chung, không quá khó để bất kỳ ai có trí tuệ trung bình có thể hình dung ra một tương lai khi chính phủ không còn thúc đẩy, mà sẽ bắt buộc các cá nhân tham gia vào một số ngành nghề hoặc lĩnh vực nghề nghiệp nhất định.
Con người không cần phải nghiện truyện khoa học viễn tưởng để tưởng tượng ra làm thế nào điều này có thể được thực hiện trong một xã hội bị điều tiết hoàn toàn. Ở đâu đó trong tòa nhà chính phủ, một máy tính điện tử đang tính toán số lượng bác sĩ mới mà đất nước cần trong sáu năm nữa. Các dữ liệu thu được đưa vào một máy tính khác, và kết quả nhanh chóng được nhả ra dưới hình thức các thẻ đục lỗ ghi lại tên của học sinh trung học trên khắp đất nước, những người đã đạt điểm cao nhất trong phần y tế của Bài kiểm tra Năng khiếu Tiêu chuẩn Sự nghiệp. Chỉ trong vài ngày, các học sinh này sẽ nhận được thông báo phân công nghề nghiệp của họ thông qua hệ thống thư tín.
Một hệ thống dường như chỉ xuất hiện trong truyện viễn tưởng như vậy có thể thành hiện thực vào một lúc nào đó trong tương lai. Đó là một khả năng rất có thể xảy ra. Chúng ta đã vượt qua điểm không thể quay trở lại trong cuộc đua thiết lập nên xã hội điều tiết hoàn toàn.
“Nhưng điều đó có nghĩa là chúng ta đang hướng tới chế độ cực quyền!” Người đọc hoàn toàn có thể phản đối như vậy. Ý kiến này không sai, mà cũng có thể không hẳn như vậy. Tôi thừa nhận rằng thoạt nhìn, sự khác biệt giữa một xã hội được điều tiết chặt chẽ và một xã hội cực quyền không rõ ràng. Nhưng hai điều đó có khác nhau, thậm chí khác rất nhiều. Mặc dù tôi khó có thể nói tôi sẽ thấy thoải mái ở bất kỳ hoàn cảnh nào, nhưng nếu buộc phải đưa ra lựa chọn, tôi chắc chắn sẽ chọn một xã hội được điều tiết chặt chẽ.
Theo định nghĩa thông thường, xã hội cực quyền là một xã hội được tạo ra bởi chế độ toàn trị và độc tài. Nó được vận hành và kiểm soát bởi một nhóm thiểu số ích kỷ và yếm thế bằng cách sử dụng các phương pháp tàn nhẫn và hoàn toàn coi thường các quyền, phúc lợi và nhân phẩm của công dân. Trong đó, công dân tồn tại chỉ để phục vụ mục đích và tham vọng của thiểu số cầm quyền. Đối với tôi, ít nhất, xã hội cực quyền bao hàm tất cả những yếu tố kinh điển nhất của một chế độ độc tài, khủng bố, trại tập trung và là sự kết thúc của nhân phẩm loài người.
Mặt khác, xã hội được điều tiết chặt chẽ, theo cách tôi hiểu, là một xã hội phát triển bởi sự đồng thuận ngầm hoặc công khai của đa số các thành viên của nó. Mặc dù được tổ chức, quy định, tiêu chuẩn hóa và lập trình sẵn, các mục tiêu của chính phủ vẫn là vì lợi ích lớn nhất dành cho đa số mà không sử dụng các biện pháp áp bức chống lại bất kỳ ai. Và, ít nhất là trong phạm vi này, các thế lực cai trị trong một xã hội như vậy vẫn có lòng nhân từ và vị tha. Họ không dựa vào các chương trình thử nghiệm gian lận hoặc các biện pháp đen tối để cai trị.
Nói một cách đơn giản, xã hội cực quyền là cơn ác mộng của người theo trường phái Orwell. Trong khi xã hội được điều tiết chặt chẽ là giấc mơ buồn tẻ, đơn sắc về thế giới hoàn hảo của một nhà lý luận xã hội có ý tốt, thì nền văn minh hoàn toàn được định sẵn sẽ đem lại sự chắc chắn cho người dân. Nhu cầu của từng cá nhân sẽ được xác định, dự đoán và đáp ứng bởi các chuyên gia và quản trị viên chính phủ chứ không phải bằng chính cảm nhận và khả năng của mỗi cá nhân. Họ sẽ theo dõi người dân và lo cho cuộc sống của anh ta. Họ sẽ phân loại, đánh giá tiềm năng, giao nhiệm vụ, giám sát cuộc sống và nhấn anh ta vào khuôn mẫu mà họ xác định là phù hợp nhất. Tất nhiên, họ sẽ làm những điều này vì “lợi ích” của anh ta và vì “lợi ích chung của xã hội” .
Về mặt lý thuyết, sẽ hiếm có sự bất an và ham muốn có thể tồn tại trong xã hội “tổ kiến” này. Các cá nhân sẽ phải đối mặt với rất ít vấn đề mà họ sẽ phải gặp trong một xã hội cạnh tranh tự do. Sự tiến bộ của một người trong cuộc sống sẽ là một hành trình đo lường trên một cái thang có cấu trúc gọn gàng. Anh ta sẽ đi từ cấp độ này đến cấp độ khác, dưới sự giám sát liên tục của những người phụ trách. “Vị trí cho tất cả và tất cả trong vị trí của mình” sẽ là nguyên tắc chung.
Tất cả những điều này khá nhàm chán. Bất kể xã hội có đem lại lợi ích gì không, chúng ta có thể chắc chắn những cuộc phiêu lưu cá nhân, nguồn cảm hứng và những thử thách hiếm hoi sẽ không là một phần trong đó. Con người chỉ có việc cày cuốc từ từ trên mảnh đất đã được cung cấp cho anh ta khi đã biết đầy đủ chính xác những gì đang chờ đợi ở phía trước.
Có rất nhiều động lực đang chung tay đẩy mạnh thời đại của con người đồng hóa đến nhanh hơn. Mỗi một thứ trong số đó đều góp một phần vào việc chuẩn bị nền tảng và điều kiện, tâm trí của người dân khiến họ chấp nhận sự ra đời của thời đại đó mà không phản đối.
Tôi nói khá nhiều về vai trò của chính phủ nhằm mục đích nhấn mạnh cơ chế hoạt động mà họ ứng dụng cho quản lý kinh tế vi mô và sau đó sẽ là xã hội vĩ mô. Các doanh nghiệp cũng không khác gì, họ thúc đẩy sự xuất hiện của xã hội có cấu trúc chặt chẽ và đi kèm với đó là sự hủy diệt của chính họ qua xu hướng ngày càng gia tăng sự kiểm soát, quy tắc thủ tục hơn là khả năng sản xuất, và thể hiện sự quan tâm đến các cuộc họp ủy ban hơn là khách hàng.
Những doanh nhân phàn nàn về sự can thiệp quan liêu của chính phủ cũng chính là những người bị lạc trong mê cung quan liêu mà chính họ đã tạo ra. Cơ cấu tổ chức quá phức tạp, quá nhiều chỉ thị và giấy tờ hành chính, điều đó khiến họ quan tâm tới việc xử lý giấy tờ hơn là kinh doanh.
Các công đoàn lao động cũng đóng góp phần của họ bằng việc coi trọng thâm niên hơn là khả năng thực tế trong việc xem xét cơ hội thăng tiến của nhân viên. Vì vậy, người làm việc lâu dài sẽ được ưu tiên hưởng ưu ái hơn là những người làm việc hiệu quả.
Các trường học và cao đẳng cũng góp phần đáng kể bằng cách đào tạo ra những sinh viên tốt nghiệp quá chuyên môn hóa, trong khi kiến thức và trải nhiệm của họ lại bị hạn chế nghiêm trọng. Một tỷ lệ lớn sinh viên tốt nghiệp khỏi trường được chuẩn bị đầy đủ và sẵn sàng nhất trong việc đào hố sâu nhất cho chính mình.
Chính từng cá nhân cũng thúc đẩy xu hướng tạo nên hệ thống kinh tế và xã hội được cấu trúc chặt chẽ bằng việc chấp thuận gần như vô điều kiện. Trong nhiều trường hợp, họ vội vã tuân thủ theo luật lệ để trở thành người đầu tiên thưởng thức trái ngọt đáng ngờ mà họ hy vọng sẽ tìm thấy ở một xã hội điều tiết hoàn toàn. Một lượng người khổng lồ đã dự đoán bình minh của nền văn minh đồng hóa, nhưng vẫn có những người từ chối tham gia vào giáo phái của những kẻ tuân thủ, những người tìm kiếm địa vị và nhân viên của các tổ chức muốn đẩy mạnh tương lai đó tới bằng mọi giá.
Người ta cũng có thể hỏi mỗi cá nhân có thể làm gì để bảo vệ mình không trở thành một người đồng hóa trong một xã hội ngày càng được chuẩn hóa, bị chi phối bởi tiêu chuẩn hóa và chính quyền. Theo tôi, có nhiều việc mà người ta có thể làm.
Trước tiên: Biết người biết ta trăm trận trăm thắng. Người muốn giữ được tính cá nhân của mình, cuộc đời của mình thì việc tự do suy nghĩ và hành động, nên cảnh giác với những hoạt động và quá trình hành động có thể khiến anh ta vô tình rơi vào cái bẫy của sự tiêu chuẩn hóa. Chẳng hạn, từ những việc tương đối đơn giản như đọc báo và lắng nghe ý kiến của người khác với một tâm trí cởi mở và một chút hoài nghi lành mạnh. Sau đó, khi người đó phải đối mặt với một sự lựa chọn, bất kể là bầu cử, chọn nghề nghiệp, công việc, mua một thứ gì đó, câu hỏi liệu anh ta muốn thực hiện hay không nên là yếu tố duy nhất chi phối sự lựa chọn của anh ta. Cá nhân cũng phải tự hỏi liệu sự lựa chọn đó sẽ ám ảnh anh ta và khiến anh ta dễ bị các thế lực trong xã hội tiêu chuẩn hóa ảnh hưởng hay không?
Người theo chủ nghĩa cá nhân sẽ cẩn thận kiểm tra động cơ của mình khi anh ta mong muốn một cái gì đó, và sẽ biết tự hỏi, liệu anh ta có nên lựa chọn điều đó chỉ vì nó an toàn và dễ dàng hay không. Anh ta sẽ cố gắng chấp nhận hoặc từ chối để có thể duy trì sự cơ động và tự do cá nhân ở mức nhiều nhất có thể. Anh ta nên hiểu rằng bất kể cái giá của lòng dũng cảm và kiên định cao đến mức nào thì phần thưởng cuối cùng cũng sẽ lớn hơn nhiều về lợi ích của cá nhân hơn là thụ động cho phép cuộc đời mình bị tính toán từ sơ sinh đến lúc già yếu bởi chính phủ và các tổ chức. Họ có thể thực sự muốn những điều tốt đẹp cho anh ta, nhưng điều đó lại đồng nghĩa với việc dập tắt đi tính cá nhân của anh ta.
Tôi tin chắc rằng sẽ luôn có những người từ chối bất kỳ hệ thống nào định coi họ không khác gì những con số, như mã lỗ trên chiếc thẻ bấm. Phải thừa nhận rằng, xã hội có cấu trúc hoàn toàn sẽ là thiên đường trên trái đất cho những người nhu mì thích tuân thủ luật lệ và những người thiếu trí tưởng tượng, sáng kiến, tự tin và lòng tự tôn. Nhưng sẽ luôn có những người theo chủ nghĩa cá nhân và họ sẽ khiến cho sự hiện diện của họ được biết đến bằng cách khẳng định tính cá nhân của mình. Những người như vậy đã và sẽ luôn tồn tại, bởi họ không bao giờ bằng lòng để cuộc sống của mình bị hệ thống hóa. Dù lực lượng chống lại họ là gì đi nữa thì cuộc sống là của chính họ và họ sẽ tự mình đạt được mục tiêu.
Tôi không thể tự tin nói rằng viễn cảnh toàn diện là sáng sủa. Tôi tin rằng ngày càng có nhiều những quy định, tiêu chuẩn hóa và sự đồng hóa là điều không thể tránh khỏi, nếu không có lý do nào khác ngoài việc dân số và các vấn đề kinh tế - xã hội trở nên quá phức tạp để có thể đối phó bằng bất kỳ cách nào khác.
Tuy nhiên, vẫn còn hy vọng cho bất kỳ ai muốn giữ tính cá nhân của mình. Anh ta có thể khẳng định mình và từ chối sự tuân thủ. Anh ta sẽ cô đơn, chắc hẳn rồi, nhưng dù không có được sự an toàn như người tuân thủ, anh ta sẽ không có giới hạn cho những gì anh ta có thể đạt được.
Cưỡng lại sự cám dỗ của một xã hội hoàn toàn được tiêu chuẩn hóa không phải là một điều quá khó để một người có thể thực hiện. Bạn chỉ cần nhớ rằng một cái rãnh ban đầu trông có thể an toàn, nhưng sau nhiều năm, khi đá đã mòn đi, cái rãnh sẽ trở thành ngôi mộ của con người.