T
hứ Hai, ngày 28 tháng 5 năm 1962, giá của sàn giao dịch chứng khoán New York lao dốc nhanh chóng trước khi có một đợt bán tháo. Chỉ số công nghiệp trung bình của Dow-Jones đã giảm gần 35 điểm và đi vào lịch sử là mức giảm một ngày lớn nhất trong hơn 32 năm. Vượt qua mức 600 lần đầu tiên kể từ năm 1960, chỉ số đã chạm mức thấp nhất trong ngày là 576,93.
Đến cuối ngày, nhiều cổ phiếu lớn đã được bán với mức giá giảm từ 30 đến 80% so với giá trị cao nhất vào năm 1962. Cổ phiếu được giao dịch trên sàn giao dịch của Mỹ và trên các thị trường đối ứng theo sau cũng gặp những vấn đề tương tự. Các nhà báo đã nhanh chóng phản ứng với tin nóng về thị trường đang bị chững lại. Thứ Hai đen tối ở phố Wall; Các nhà đầu tư mất hàng tỷ đồng khi thị trường đi xuống; Cả nước lo ngại cuộc khủng hoảng năm 1929 sẽ tái diễn là những tít bài đáng sợ xuất hiện trên trang nhất của các tờ báo khắp cả nước sau khi sàn giao dịch chứng khoán New York đóng cửa ngày hôm đó. Tiếp theo, các ấn bản xuất hiện trên báo chí bắt đầu đưa tin của các chuyên gia, nhà phân tích, nhà kinh tế, các học giả, nhằm giải thích, chẩn đoán muộn màng và tiên lượng tình hình. Như thường thấy trong các tình huống như vậy, những người ba phải và các nhà tiên tri tự phong sẽ cố gắng bỏ qua những dấu hiệu của cuộc khủng hoảng có thể diễn ra, trong khi những người khác dường như có một niềm vui ác độc hơn khi tiên đoán những điều thậm chí còn tồi tệ hơn cả một cuộc khủng hoảng sẽ tới.
Hai ngày sau, một số tờ báo và phóng viên đã đến tìm tôi. Họ muốn biết ý kiến, phản ứng của tôi và hỏi tôi đang làm gì khi giá cổ phiếu đang rớt thảm hại. Tôi đã nói với họ khá thẳng thắn rằng, mặc dù tôi thông cảm với những ai đã mất tiền vì sự biến động này của thị trường, nhưng tôi không thấy có lý do gì để hoảng sợ cả.
Bức tranh toàn cảnh của kinh doanh hiện tại là thuận lợi và quan trọng hơn cả, thậm chí còn sẽ trở nên tốt hơn trong tương lai. Về cơ bản, không có vấn đề gì với nền kinh tế Mỹ cũng như đại đa số các công ty có cổ phiếu được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán New York. Theo quan điểm của tôi, một số cổ phiếu đã được định giá quá cao. Sự mua vào vô lý đã đẩy giá của họ đến mức không thực tế. Sự kiện rớt giá vào 28 tháng 5 là một hậu quả không thể tránh khỏi.
Tôi nói rằng tôi cảm thấy thị trường chứng khoán đang trong tình trạng lành mạnh và chắc chắn là thực tế hơn nhiều nhờ có sự điều chỉnh giá rất cần thiết đó. Đối với câu hỏi về phản ứng của tôi, câu trả lời rất đơn giản. Tôi đã mua thêm cổ phiếu.
“Sẽ thật ngu ngốc nếu tôi không mua.” Tôi giải thích điều này với một phóng viên trẻ, người trông như thể anh ta đang nghĩ rằng tôi mất trí khi mua vào trong khi những người khác đều đang bán ra. “Hầu hết các nhà đầu tư dày dạn đều sẽ không nghi ngờ gì mà làm điều tương tự”, tôi tiếp tục, cảm thấy mình hơi giống một giáo viên đang giảng cho họ một khóa học ngắn về các nguyên tắc đầu tư cơ bản. “Họ đang nắm bắt được những món hời cổ phiếu được tạo ra bởi kết quả của làn sóng bán ra theo xu hướng.”
Vì ngành dầu khí là ngành tôi biết rõ nhất, nên tôi đã mua cổ phiếu dầu mỏ. Vào cuối ngày giao dịch chứng khoán New York 29 tháng 5, các nhà môi giới đã mua vài chục ngàn cổ phiếu cho tài khoản của tôi. Xin nhấn mạnh, tôi đã mua cổ phiếu để đầu tư chứ không phải để đầu cơ. Tôi có ý định dự trữ số cổ phiếu đó, vì tôi tin rằng chúng sẽ tiếp tục tăng giá trị trong những năm tới.
Từ lâu, các nhà báo tài chính thường phỏng vấn các doanh nhân và nhà đầu tư thành công mỗi khi có sự kiện “bất thường” trong thị trường chứng khoán xảy ra. Các ý kiến, thông tin và lời khuyên thu thập từ các nguồn này sau đó được công bố làm căn cứ hướng dẫn cho các nhà đầu tư kém tinh vi hơn. Các doanh nhân và nhà đầu tư kỳ cựu, trong số đó có cả tôi, vẫn luôn cảnh báo về sự nguy hiểm của đầu cơ chứng khoán phi lý và nhấn mạnh một sự thật rằng chứng chỉ sở hữu cổ phiếu là chứng minh sự sở hữu một phần của các doanh nghiệp chứ không phải giấy tờ đặt cược.
Kế hoạch làm giàu nhanh chóng đơn giản là không tồn tại. Nếu không thì tất cả mọi người trên Trái Đất đều là triệu phú. Điều này đúng cho các giao dịch trên thị trường chứng khoán cũng như đối với bất kỳ hình thức hoạt động kinh doanh nào khác.
Bạn có thể kiếm được rất nhiều tiền trên thị trường chứng khoán. Nhưng điều đó không thể trở thành hiện thực chỉ qua một đêm hay bằng cách mua và bán hỗn loạn. Lợi nhuận lớn dành cho người thông minh, cẩn thận và kiên nhẫn đầu tư, không dành cho những kẻ đầu cơ liều lĩnh và ham hố. Ngược lại, chính nhà đầu cơ là người sẽ phải chịu thua lỗ khi thị trường xuống dốc đột ngột. Nhà đầu tư dày dạn mua cổ phiếu khi chúng được định giá thấp, dự trữ cho mức tăng kéo dài và chấp nhận các lần giảm nhỏ trong toàn bộ quá trình.
“Mua khi giá cổ phiếu thấp, càng thấp thì càng tốt, và dự trữ số chứng khoán của bạn.” Một nhà tài chính rất thành công đã khuyên tôi nhiều năm trước, khi tôi mới bắt đầu mua cổ phiếu, “Hãy bỏ qua các xu hướng tạm thời và đừng lo lắng về sự lên xuống thất thường. Hãy tập trung vào các chu kỳ dài hạn và bỏ qua những thăng trầm lẻ tẻ.”
Rất nhiều người mua cổ phiếu dường như không thể nắm bắt được các nguyên tắc đơn giản này. Họ không mua khi giá thấp. Họ sợ những món hời. Họ chờ đợi cho đến khi một cổ phiếu đang tăng giá xuất hiện trước mặt họ để mua bởi vì họ cảm thấy họ đang đặt cược vào một điều chắc chắn hơn. Tới lúc đó, thường là họ đã mua quá muộn, ngay trước khi cổ phiếu đạt đến đỉnh giá của nó. Sau đó, họ sẽ phải chịu lỗ khi cổ phiếu rớt giá thậm chí với một vài điểm.
Điển hình của nhóm người này là một người quen của tôi, người mà tôi đã mời đi ăn trưa vào một ngày nọ hồi năm 1955. Chúng tôi đã nói với nhau về nhiều thứ, kể cả thị trường chứng khoán. Trong suốt cuộc trò chuyện, tôi tình cờ đề cập rằng cổ phiếu của tập đoàn X đang bán ở mức 4 1/2 và tôi nghĩ rằng cổ phiếu sẽ tăng giá.
Đến cuối năm 1957, cổ phiếu tập đoàn X đứng ở vị trí 11, sau đó tôi biết rằng người quen của tôi đã để mắt đến cổ phiếu của công ty này trong hai năm và khi đạt đến 11 1/4, cuối cùng anh ta đã quyết định mua vào hàng trăm cổ phiếu. Anh ta vui vẻ theo dõi trong khi cổ phiếu tăng lên 13 trong sáu tháng tiếp theo. Ngay sau đó giá cổ phiếu của tập đoàn X giảm xuống còn ở mức 10 và giữ nguyên. Thấy vậy, người quen của tôi lập tức bán hết ra và chấp nhận mất tiền. Còn đối với những người mua sớm, chứng khoán đó đã có giá trị gấp hơn hai lần số tiền mà người quen của tôi đã phải bỏ ra.
Cuối cùng, cổ phiếu công ty tăng trở lại, thêm vài điểm và đạt mức giá khá ổn định. Hiện tại, giá chứng khoán của công ty đang ở mức 15 và những người mua sớm vẫn đang giữ chặt số cổ phiếu đó. Tôi có thể nói thêm rằng chúng tôi cũng đã thu được mức cổ tức thỏa đáng nhờ lượng cổ phiếu đó qua các năm.
Tôi bắt đầu mua cổ phiếu phổ thông ở độ sâu của cơn khủng hoảng kinh tế. Giá ở mức thấp nhất và không có bất kỳ người nào khác trên thị trường đang mua cổ phiếu vào. Hầu hết những người có tiền để đầu tư đã không nhìn thấy lợi nhuận tiềm năng trong cuộc khủng hoảng chỉ vì nỗi sợ hãi vô căn cứ của họ. Tôi đã tin tưởng vào tương lai của nền kinh tế Mỹ và nhận ra rằng cổ phiếu của nhiều công ty hoàn toàn có tiềm năng tốt đang được bán với giá chỉ bằng một phần nhỏ giá trị thực của họ.
Khi lần đầu tiên mua cổ phiếu của Tide Water Associated Oil vào năm 1932, giá cổ phiếu công ty bấy giờ đang ở mức thấp nhất là 2,12 đô la một cổ phiếu. Trung bình mỗi cổ phiếu giá thị trường mở của các cổ phiếu đã tăng đều đặn theo từng năm, được thể hiện ở số liệu dưới đây:
Năm $
1933 8.23
1934 9.39
1935 11.61
1936 15.54
1937 20.83
Giá cổ phiếu đã giảm trong cuộc suy thoái năm 1938, nhưng đó chỉ là cơn chấn động lẻ tẻ. Tôi không chỉ dự trữ toàn bộ số cổ phần mà tôi sở hữu, thậm chí còn mua vào nhiều hơn.
Sự tự tin của tôi đã được chứng minh là đúng trong những năm sau đó khi giá trị của cổ phiếu tăng lên rất nhiều lần và tôi cùng với tất cả các cổ đông khác đã nhận được lượng cổ tức đáng kể.
Tháng 5 năm 1932, tôi bắt đầu mua cổ phiếu của Tập đoàn Dầu khí. Trong tháng đó, tôi đã mua 10.000 cổ phiếu với giá 3,45 đô la cho mỗi cổ phiếu. Tôi tiếp tục mua cổ phiếu đều đặn, và tính đến ngày 14 tháng 9 năm 1933, tôi nắm giữ tổng cộng 190.000 cổ phiếu. Cũng trong tháng đó, số cổ phiếu đã tăng trị giá lên gần 15 đô la; chi phí trung bình trên 190.000 cổ phiếu của tôi chỉ là 6,537 đô la.
Tôi nhắc lại thời kỳ đại suy thoái để nói về hai ví dụ dựa trên kinh nghiệm của bản thân. Nhờ việc đầu tư đúng đắn, một số cổ phiếu ngày nay tôi sở hữu có giá trị gấp hơn 100 lần so với số tiền tôi trả ban đầu cho chúng. Nhưng nhiều nhà đầu tư khác thậm chí còn có những thành công lớn hơn. Vẫn còn vô số những dẫn chứng khác có thể nhấn mạnh một sự thật cơ bản, mà mọi nhà đầu tư tương lai nên ghi nhớ:
Các cổ phiếu tốt được mua để đầu tư khi giá của chúng thấp, được giữ trong thời gian dài, rất có khả năng sẽ tạo ra lợi nhuận cao khi cổ tức và giá trị tăng.
Đây là một “bí mật” của các nhà đầu tư thành công mà rất nhiều người vô tình coi thường. Còn có rất nhiều những kinh nghiệm khác mà các nhà đầu tư nên tìm hiểu và coi là những quy tắc bất di bất dịch trong hoạt động giao dịch trên thị trường chứng khoán.
Một trong những tiền đề rất quan trọng trong số đó là: Không nên mua cổ phiếu khi mình không biết nhiều về công ty phát hành cổ phiếu đó. Có quá nhiều trường hợp, các nhà đầu tư tự xưng khăng khăng mua số lượng lớn cổ phiếu của các công ty mà họ không hề biết một chút thông tin gì về hoạt động và sản xuất của công ty đó.
Theo cá nhân tôi, một người bình thường nên coi việc mua cổ phiếu phổ thông là đầu tư vốn thặng dư với mục đích kiếm lợi nhuận hàng năm cho số vốn đó và cuối cùng là tăng vốn càng nhiều càng tốt.
Một cá nhân nên bắt đầu “đầu tư” bằng cách mở tài khoản tiết kiệm, mua bảo hiểm hoặc niên kim. Sau đó họ cần cân nhắc mua trái phiếu chính phủ. Khi đã có nhiều kinh nghiệm và chắc chắn hơn về bản thân, họ có thể quyết định đầu tư vào cổ phiếu phổ thông. Và khi ấy, họ phải tuân theo các quy tắc nhất định để bảo vệ lợi ích của chính mình.
Nguyên tắc chính là các nhà đầu tư nên xem xét chỉ mua các cổ phiếu phổ biến được liệt kê trên các sàn giao dịch lớn. Có nhiều lý do cho việc đó. Bởi, cổ phiếu chưa niêm yết thường là vô giá trị, cổ phiếu không có thật được bán bởi các công ty ma. Hơn nữa, ngay cả khi các cổ phiếu chưa niêm yết là hợp pháp, thì người mua thường thấy rằng mình sẽ bị “khóa” trong khoản đầu tư của bản thân và rất khó để bán được những cổ phiếu chưa được niêm yết.
Người mua hoặc bán cổ phiếu niêm yết luôn có thể chắc chắn rằng họ đang mua vào hoặc bán ra với một mức giá hợp lý, trung thực mà người mua và người bán đã đặt ra theo luật cung cầu tự do. Điều tương tự không thể được khẳng định chắc chắn với trường hợp các cổ phiếu chưa được niêm yết vì chúng rất có thể được chốt ở mức giá cao giả tạo hoặc trong một số trường hợp còn không có giá trị.
Các cổ phiếu phổ thông nên được mua khi giá của chúng ở mức thấp, chứ không phải sau khi chúng đã tăng lên mức cao trong vòng xoáy thị trường. Mua khi người khác đang bán và giữ cho đến khi mọi người khác mua, đây không chỉ là một khẩu hiệu hấp dẫn mà còn là bản chất của đầu tư thành công.
Lịch sử cho thấy xu hướng chung của giá cổ phiếu giống như xu hướng chung của chi phí sinh hoạt, tiền lương và hầu hết sẽ là theo hướng đi lên. Đương nhiên, sẽ luôn có những đợt cổ phiếu giảm giá, rớt giá và thậm chí là suy thoái, nhưng điều này luôn theo sau sự phục hồi của nền kinh tế, khiến hầu hết giá cổ phiếu đều được đưa lên ở mức cao mới. Giả sử một cổ phiếu của công ty rất tiềm năng đứng sau, thì nhà đầu tư hầu như sẽ không thua lỗ nếu anh ta mua cổ phiếu ở giá thấp nhất và giữ chúng cho đến thời điểm tăng.
Ngoài ra, nhà đầu tư khôn ngoan sẽ nhận ra không thể coi thị trường chứng khoán như một thực thể duy nhất. Thị trường chứng khoán ngày nay quá rộng lớn và phức tạp để có thể dự đoán được một cách tổng quát về tương lai chung của toàn bộ thị trường.
Cần xem thị trường chứng khoán ngày nay theo các nhóm cổ phiếu, nhưng nó không chỉ đơn giản là phân loại theo nhóm, chẳng hạn, nhóm công nghiệp hoặc nhóm máy bay, v.v Đây là kỷ nguyên của những thay đổi và tiến bộ khoa học công nghệ mang tính cách mạng. Không chỉ các công ty riêng lẻ, mà toàn bộ các ngành công nghiệp phải được đánh giá về khả năng để theo kịp với nhu cầu của tương lai. Nhà đầu tư phải chắc chắn rằng cả sản phẩm của công ty mà mình đầu tư và cả ngành công nghiệp liên quan sẽ không trở nên lỗi thời chỉ trong một vài năm.
Vào nửa đầu thế kỷ, các cá nhân có tầm nhìn xa nhận ra rằng ô tô có tương lai nhiều hơn so với xe đẩy bằng gỗ, do vậy, cổ phiếu của các nhà sản xuất lốp ô tô sẽ là món đầu tư có lợi hơn so với cổ phiếu của các công ty sản xuất bánh xe gỗ.
Ngành công nghiệp xe đẩy là một mục tiêu cá cược tốt cho đến khi những chiếc xe đẩy dần bị thay thế bằng xe buýt. Các nhà sản xuất máy bay khăng khăng không sản xuất gì ngoài những chiếc máy bay bằng vải trong khi máy bay hoàn toàn bằng kim loại mới chớm phát triển. Ngày nay, nhà sản xuất máy bay vận tải phản lực hoặc động cơ phản lực có nhiều khả năng kinh doanh và kiếm tiền hơn các doanh nghiệp cứ khăng khăng cho ra những máy bay vận tải có động cơ pít-tông.
Điều thực sự đáng ngạc nhiên là rất nhiều nhà đầu tư không nhận ra các tình huống kinh doanh tương tự như các trường hợp kinh doanh bị lỗi thời đó. Họ sẽ mua cổ phiếu của các công ty và ngành công nghiệp đang tụt lùi mà bỏ qua các cơ hội hấp dẫn để mua vào cổ phiếu của các công ty và ngành công nghiệp đang chắc chắn sẽ theo đà phát triển đi lên.
Vì vậy, các nhà đầu tư cần phải biết càng nhiều càng tốt về doanh nghiệp mà anh ta định mua cổ phiếu. Sau đây là một số câu hỏi mà họ cần có câu trả lời tích cực trước khi quết định đầu tư tiền của mình:
1. Lịch sử của công ty? Công ty có vững chắc và uy tín không? Đội ngũ quản lý có hiệu quả và dày dạn kinh nghiệm không?
2. Công ty đó có đang sản xuất, kinh doanh hàng hóa và dịch vụ đáp ứng được nhu cầu trong tương lai gần không?
3. Công ty có đang hoạt động trong lĩnh vực có đông sự cạnh tranh tới mức nguy hiểm không? Và khả năng cạnh tranh ở mức độ nào?
4. Các chính sách và hoạt động của công ty có tầm nhìn đủ xa, đủ tham vọng mà không gây ra những cuộc mở rộng quá mức nguy hiểm không?
5. Bảng cân đối kế toán của công ty có đạt tiêu chuẩn dưới sự giám sát chặt chẽ của một kiểm toán viên công tư phân minh không?
6. Doanh nghiệp có lịch sử doanh thu tốt hay không?
7. Mức cổ tức hợp lý có được trả định kỳ cho các cổ đông không? Nếu việc thanh toán cổ tức đã từng bị chậm, công ty có đưa ra được lời giải thích chính đáng không?
8. Công ty có hoạt động tốt trong giới hạn an toàn không, xét về cả hai khoản vay dài hạn và ngắn hạn liên quan?
9. Giá cổ phiếu có tăng và giảm trong vài năm qua mà không có sự biến động mạnh mẽ và rõ ràng không thể giải thích được không?
10. Giá trị trên mỗi cổ phần của tài sản thuần có thể thực hiện được của công ty có vượt quá giá trị cổ phần của cổ phiếu phổ thông tại thời điểm nhà đầu tư dự tính mua không?
Nhiều người mua cổ phiếu đã không đặt ra các câu hỏi này. Trong một số trường hợp, họ mua cổ phiếu của các công ty mà không có lãi trong một thời gian. Nhưng các cổ phiểu đó có thể sẽ dần “nóng lên” theo lời dự đoán của các nhà đầu cơ, và nhân lên gấp nhiều lần so với giá phát hành trong vòng vài tuần hoặc thậm chí vài ngày. Sau đó, họ sẽ đau đớn nhận ra đó chỉ là sức nóng được tạo ra do sự mua vào phi lý và giá về sau sẽ giảm mạnh.
Tôi nhắc lại, cá nhân tôi tin rằng cổ phiếu phổ thông được tuyển chọn, xin nhấn mạnh một lần nữa là được tuyển chọn là những khoản đầu tư tuyệt vời. Có vô số cơ hội tốt trên thị trường hiện nay. Trong số đó có nhiều cổ phiếu được phát hành bởi các công ty có tài sản thuần có thể thực hiện được với giá trị gấp hai, ba, bốn và thậm chí nhiều hơn thế so với giá trị trao đổi của cổ phiếu đã phát hành của họ.
Điều này có ý nghĩa gì với nhà đầu tư? Giả sử rằng tập đoàn XYZ huyền thoại có tài sản thuần có thể thực hiện được với giá trị ròng là 20.000.000 đô la. Đồng thời, công ty có 1.000.000 cổ phiếu đang lưu hành và bán ở mức 10 đô la một cổ phiếu. Thì đây là bài toán rất đơn giản. Giá trị ròng 20.000.000 đô la của tài sản có thể thực hiện được của công ty gấp đôi tổng số 10.000.000 đô la của cổ phiếu phổ thông đang lưu hành. Do đó, bất cứ ai mua một cổ phần của cổ phiếu phổ thông do tập đoàn XYZ phát hành ở mức 10 đô la đều đã sở hữu tài sản cứng thực tế trị giá 20 đô la.
Các tình huống như vậy không thường xuyên xuất hiện và một nhà đầu tư dày dạn kinh nghiệm sẽ bỏ ra nhiều thời gian để tìm kiếm và phát hiện ra được rằng các công ty có thặng dư chưa phân phối bằng một tỷ lệ khá lớn của giá trị thị trường cổ phiếu phổ thông đang lưu hành. Bất cứ ai mua cổ phiếu trong một công ty như vậy thực ra là đang mua một số tiền bằng một phần khá tốt so với đầu tư của mình, cũng như cổ phần trong các tài sản khác của tập đoàn.
Tuy nhiên, điều hoàn toàn ngược lại cũng có thể đúng và nhà đầu tư vẫn có thể sẽ an toàn. Một cá nhân không nhất thiết phải mua cổ phiếu trong một công ty có kho tiền mặt khổng lồ để có được lợi chuận tốt từ nhà đầu tư. Một công ty hoàn toàn khỏe mạnh cũng có thể có những lúc rất thiếu tiền mặt.
Một bí mật đầu tư có giá trị khác là các chủ sở hữu của các tài sản chứng khoán tốt không bao giờ nên hoảng loạn và từ bỏ tài sản ấy khi giá trị cổ phiếu đang trượt dốc. Vô số cá nhân đã hoảng loạn trong thời gian khủng hoảng, và bán hết khi cổ phiếu của họ giảm một vài điểm, chỉ để thấy rằng sau đó, họ đau đớn nhận ra giá cổ phiếu đã bán hồi phục và tăng thêm một lần nữa.
Các nhà đầu tư bán chuyên nghiệp hoặc có kinh nghiệm ít có điểm chung với các nhà đầu cơ, những người hy vọng chơi được thị trường khi giá đang tăng lên. Các nhà đầu tư có kinh nghiệm sẽ tìm kiếm một cách khách quan những món hời trong cổ phiếu đang tăng trưởng mà anh ta mua và nắm giữ, và từ đó anh ta thường sẽ gặt hái được những khoản lợi nhuận lớn trong thời gian kéo dài nhiều năm. Anh ta sẽ dự trữ dựa trên đúng tình hình kinh tế, chi ra tất cả các khoản phụ cấp cần thiết và thực hiện mọi biện pháp phòng ngừa để có thể vượt qua mọi cơn bão trên thị trường chứng khoán.
Vẫn còn có một quan niệm sai lầm tồn tại, nói rằng số phận của các nhà đầu tư nhỏ và nghiệp dư hoàn toàn nằm trong tay của các nhà đầu tư lớn và các nhà tài chính trên phố Wall. Điều đó có thể từng đúng trong thời kỳ mờ mịt và xa xôi như Jay Gould, nhưng hoàn toàn sai đối với thị trường hiện tại. Ngày nay, không còn tồn tại những ông trùm phố Wall tàn nhẫn, hung hăng có thể gian lận thị trường hoặc ép giá cổ phiếu của toàn bộ một ngành công nghiệp. Các giao dịch trên thị trường chứng khoán được quy định chặt chẽ bởi các tổ chức giám sát mạnh mẽ và hiệu quả cao như Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Hoa Kỳ - SEC. Mặt khác, cổ phiếu phổ thông của hầu hết các tập đoàn lớn được sở hữu bởi hàng ngàn và hàng chục ngàn cá nhân, tổ chức, nhóm quỹ tương hỗ, v.v... Các nhà đầu tư “lớn” hiếm khi sở hữu nhiều hơn một tỷ lệ tương đối nhỏ so với lượng cổ phiếu phổ thông của một tập đoàn lớn.
Thực tế thì chính nhà đầu tư chuyên nghiệp mới có khả năng cao là nạn nhân của người đầu cơ và người nghiệp dư, bởi do chính những người mua và bán chứng khoán đó đã tạo nên các cơn sóng của thị trường.
Các nhà đầu tư chuyên nghiệp mua cổ phiếu trên những cơ sở có thể gọi là khoa học, trí tuệ. Họ thường phân tích các sự kiện, số liệu một cách khách quan và hết sức cẩn thận rồi tiến hành mua vào cho mục đích đầu tư dài hạn. Việc họ làm là đầu tư vào các cổ phiếu mà họ nghĩ rằng nó sẽ tăng giá trị đáng kể trong một hoặc vài năm tới.
Do có nhiều nhà đầu tư không chuyên nghiệp và dễ dao động, nên giá của một cổ phiếu có thể lên hoặc xuống trong các đợt thay đổi đột biến hoặc lẻ tẻ. Chỉ bài phát biểu của một chính trị gia, một lời tiên tri không đáng tin, một mục báo hay thậm chí một tin đồn trên đường phố cũng đủ để kích thích sự mua vào và bán ra điên cuồng của hàng ngàn nhà đầu tư tự phong. Các nhà đầu tư chuyên nghiệp không có lựa chọn nào khác ngoài việc ngồi im lặng trong khi đám đông rơi vào hỗn loạn, cho đến khi sự nhiệt tình và cả sự hoảng loạn của các nhà đầu cơ cùng những kẻ thiếu chuyên nghiệp đã cạn kiệt.
Nhà đầu tư dày dạn không cho phép những biến động tạm thời về giá trên thị trường chứng khoán ảnh hưởng đến quyết định của họ ở bất kỳ mức độ nào. Thông thường, họ sẽ đợi cho đến khi giá cổ phiếu trở về xấp xỉ mức mà họ muốn mua vào hoặc bán ra. Trong thời gian đó, họ sẽ không nôn nóng, cũng không vội vàng, vì họ là một nhà đầu tư chứ không phải là một con bạc hay một kẻ đầu cơ.
Mọi người thường hỏi tôi về lời khuyên cho một lượng vốn cụ thể mà họ sẵn có, 1.000 đô la, 10.000 đô la, 100.000 đô la hoặc thậm chí nhiều hơn thế, để đầu tư vào cổ phiếu phổ thông. Câu trả lời của tôi cho mỗi lần luôn giống nhau. Đó là cho dù tôi có 100 đô la hay 1.000.000 đô la để đầu tư, tôi sẽ chỉ xem xét mua những cổ phiếu phổ biến được liệt kê trên các sàn giao dịch chứng khoán lớn. Tôi sẽ áp dụng các quy tắc và các câu hỏi mà tôi đã liệt kê để chọn cổ phiếu có sức tăng trưởng hợp lý, hứa hẹn nhất. Và, tôi có thể nói thêm, tôi chắc chắn sẽ bỏ qua lời khuyên của các nhà quảng bá và các nhà lý thuyết suông, bởi họ là những người chuyên đi rao bán các công thức và phương pháp “bí mật” để kiếm lợi nhuận khổng lồ và nhanh chóng trên thị trường chứng khoán. Đã có một loạt các sách nói về cách làm giàu qua đêm được xuất bản trong những năm gần đây. Nhiều nhà tài chính dày dạn và các nhà đầu tư đều cười chúng, hay nói đúng hơn, họ cảm thấy thương hại cho những cá nhân cả tin vào những “lời khuyên” có trong những cuốn sách. Vụ khủng hoảng phố Wall năm 1962 đã đổ sập xuống rất nhiều những người đầu cơ “chớp nhoáng” như vậy. Do đó lịch sử rất đáng để xem xét.
Để hiểu hơn về cuộc khủng hoảng đó, điều đầu tiên cần làm là xem xét qua tiến trình của thị trường trong 12 năm trước đó. Cách dễ nhất để làm điều này là đánh giá lại chỉ số trung bình công nghiệp Dow-Jones.
Ở mức thấp năm 1950, chỉ số trung bình của công nghiệp Dow-Jones xuống cấp đứng ở mức 161,60. Chỉ số leo lên 293,79 vào cuối năm 1952, giảm xuống còn 255,49 vào giữa năm 1953, sau đó tăng dần lên 521,04 vào năm 1956, từ đó nó trôi xuống khoảng 420 vào cuối năm 1957.
Từ 420 vào năm 1957, chỉ số trung bình Dow-Jones đã tăng lên hơn 650 vào năm 1959, dao động lên xuống liên tục và chạm mức thấp vào cuối năm 1960 là 566,05. Từ đó, chỉ số đã vượt lên tới đỉnh cao nhất mọi thời đại là 734,91 vào ngày 13 tháng 12 năm 1961.
Khi thị trường đi lên vào năm 1961, một số nhà đầu tư gạo cội phố Wall đã bỏ qua vụ sụp đổ trước năm 1929 và nói rằng thị trường chứng khoán sẽ không giảm giá trong tương lai.
Nhiều năm trước, tỷ lệ giá trên mỗi cổ phiếu so với tỷ lệ phát sinh trên mỗi cổ phiếu được phổ biến rộng rãi mặc dù không chính thức và được sử dụng như một chỉ số quy tắc đáng tin cậy của các giá trị cổ phiếu. “Thu nhập gấp mười lần” từ lâu đã được coi là mức giá tối đa cho phép mà người ta có thể trả cho một cổ phiếu mà vẫn kỳ vọng có thể kiếm được lợi nhuận hợp lý.
Sau đó, vào cuối những năm 1920, GM-Du Pont’s John J. Raskob, người đánh giá thị trường bấy giờ có nhiều triển vọng tăng, đã mạo hiểm cho rằng một số cổ phiếu nhất định có thể đạt giá trị gấp 15 lần thu nhập trên mỗi cổ phiếu của chúng. Tuy nhiên sau vụ sụp đổ năm 1929, tỷ lệ này đã xuống thấp hơn rất nhiều và thậm chí đến cuối năm 1950, tỷ lệ thu nhập giá của các cổ phiếu đó trong chỉ số công nghiệp Dow-Jones xuống trung bình là khoảng 6:1.
Quan điểm về tỷ lệ thu nhập giá đã trải qua nhiều sửa đổi đáng kể trong những năm gần đây. Một số nhà đầu tư am hiểu cho phép cổ phiếu của các công ty có thể bán hợp lý ở mức gấp 20 lần thu nhập trên mỗi cổ phần của họ trong một nền kinh tế đang phát triển nhanh. Các nhà đầu tư chuyên nghiệp khác cũng lập luận thuyết phục rằng khi các công ty phát triển tốt có tài sản hữu hình với giá trị ròng, thay thế trên mỗi cổ phiếu vượt quá giá mỗi cổ phiếu, tỷ lệ thu nhập giá đơn giản là sẽ không còn quá quan trọng.
Tuy vậy, ít có nhà đầu tư dày dạn nào chấp thuận các tình huống như vậy trong những năm 1960-1962, khi việc mua vào điên cuồng đã khiến giá tăng cao đến mức một số cổ phiếu được bán với giá cao hơn 100 lần so với thu nhập trên mỗi cổ phần của công ty. Nhiều trường hợp trong giai đoạn 1960-1962, các mức giá đáng kinh ngạc đã được trả cho các cổ phiếu của các công ty có tài sản không đáng kể, triển vọng đáng nghi ngờ với lợi nhuận rõ ràng đã không được duy trì một thời gian dài.
Có ý kiến cho rằng sự bùng nổ này bắt nguồn từ năm 1960 là do mọi người mua cổ phiếu như một hàng rào chống lạm phát. Nếu điều này là đúng thì việc đẩy lạm phát của giá cổ phiếu phổ thông lên cao nhất định là một cách kỳ quặc để đối phó với vấn đề. Lý thuyết mạo hiểm đó thậm chí còn ít thuyết phục hơn khi xét đến chuyện người mua luôn bỏ qua những cổ phiếu tốt, theo bất kỳ tiêu chuẩn đo lường nào nhưng được định giá thấp và tập trung vào một số cổ phiểu nhất định, sau đó tiếp tục mua vào khi giá của chúng tăng vọt. Tất cả các bằng chứng khiến người quan sát tin rằng một lượng lớn người mua không chuyên nghiệp đang theo bản năng bầy đàn, đám đông để sở hữu những chứng khoán phổ thông mà không quan tâm nhiều đến sự thật. Nhiều người rõ ràng đang đầu tư bằng logic của cá nhân họ, nếu có thể gọi đó là tư duy và dựa trên cảm xúc hơn là bằng cái đầu. Họ tìm kiếm sự tăng trưởng nhanh như chớp trong các cổ phiếu được định giá cao hơn giới hạn của bất kỳ mức giá trị thực nào họ có thể hình dung trong tương lai gần.
Chỉ phố Wall vào thời xưa cũ mới luôn tìm lý do viện cớ giải thích cho sự lên xuống của thị trường chứng khoán. Vô số lý thuyết đã được đưa ra để giải thích tại sao thị trường lại tuột dốc vào ngày 28 tháng 5 năm 1962. Mọi người đổ lỗi lên tất cả mọi thứ từ “làn sóng bán ra bởi các nhà đầu cơ nước ngoài” cho đến phản ứng của chính quyền Kennedy đối với việc tăng giá ngành thép bị hủy bỏ, và bất cứ lý do gì khác ngoài lý do rõ ràng nhất.
Các yếu tố tạo nên khủng hoảng tài chính rất nhiều và đa dạng. Chẳng hạn, vào năm 1869, nguyên nhân là do sự đầu cơ vào vàng. Năm 1873 và 1907, thất bại của các ngân hàng là khởi điểm cho mọi rắc rối. Vào năm 1929, thị trường chứng khoán bị định giá cao quá mức, tình trạng chung của kinh doanh và tốc độ mở rộng kinh tế Mỹ là lý do để biện minh làn sóng mua vào cổ phiếu đã đẩy giá lên đỉnh để rồi sau đó tụt dốc thảm hại.
Bất chấp tất cả những nỗ lực để tìm ra những điểm chung giữa vụ khủng hoảng năm 1929 và 1962, thì thực tế hai sự kiện này hoàn toàn khác nhau.
Đúng là có một số phân khúc của thị trường chứng khoán bị định giá quá cao vào những năm 1960-1962. Nhưng triển vọng kinh doanh của quốc gia nói chung là tốt vào năm 1962 và nền kinh tế đang mở rộng một cách lành mạnh. Không hề có lỗ hổng ẩn sâu nào trong cấu trúc chung trong nền kinh tế như những năm 1929-1933.
Còn rất nhiều sự khác biệt lớn khác như năm 1929, đầu cơ chứng khoán thực hiện chủ yếu bằng tiền vay; cổ phiếu được mua bằng nền tảng vốn lỏng lẻo nhất. Do đó, khi giá sụp đổ, thị trường tín dụng cũng sụp đổ.
Tất nhiên, còn có một sự khác biệt quan trọng nhất mà những kẻ hay than vãn thường quên mất. Đó là sự kiện ngày 28 tháng 5 năm 1962 không phải là một vụ tai nạn mà là một sự điều chỉnh, mặc dù có chút gượng ép.
Như tôi đã nói, một số cổ phiếu đã bán ở mức giá cao hơn 100 lần thu nhập của công ty trong thời kỳ bùng nổ 1960-1962. Sẽ rất khó cho một công ty mở rộng đủ nhanh để biện minh về việc giá cổ phiếu cao gấp 100 lần thu nhập trên mỗi cổ phiếu của công ty. Ngay cả khi giả định rằng mỗi xu thu nhập của công ty đã được trả cổ tức cho các cổ đông phổ thông, các cổ đông vẫn sẽ chỉ nhận được một phần trăm lợi nhuận từ khoản đầu tư của họ. Tuy nhiên, nếu tất cả các khoản thu nhập đều được chia thành các cổ tức, công ty sẽ không còn tiền để mở rộng. Điều đó, đương nhiên sẽ loại bỏ hoàn toàn khả năng tăng trưởng vốn nào. Nhưng, ngay khi những sự thật hiển nhiên đang đứng lừng lững trước mặt họ, thì mọi người vẫn cố mua vào cổ phiếu bị định giá quá cao.
Đó là những tình huống tai họa khiến thị trường chứng khoán sụp đổ. Các nhà đầu tư có kinh nghiệm có thể đã đọc được các tín hiệu cảnh báo rõ ràng từ lâu trước sự kiện 28 tháng 5 đó.
Như tôi đã nói trước đây, chỉ số trung bình công nghiệp Dow-Jones đã tăng lên mức cao nhất mọi thời đại là 734,91 vào ngày 13 tháng 12 năm 1961. Ngay lập tức sau đó chỉ số đã tụt dốc đến tháng 12 năm 1961 và tháng 1 năm 1962. Có một sự phục hồi ngắn vào trước tháng ba, chỉ số Dow-Jones ở mức 720, nhưng đường biểu đồ cho thấy sự phục hồi là không chắc chắn và lâu dài. Xu hướng giảm đã tiếp tục vào tháng 3 và đồ thị đi xuống từ đó trở đi với một vài đợt đi lên lẻ tẻ và nhỏ nhặt.
Sự kiện ngày 28 tháng 5 năm 1962 đã được bắt đầu từ tháng 12 năm 1961. Điều chỉnh giảm rõ ràng là cần thiết và không thể tránh khỏi. Việc nó lên đến đỉnh điểm trong đợt giảm giá mạnh vào ngày 28 tháng 5 là do phản ứng cảm xúc đang trên đà khủng hoảng được tạo ra bởi các nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm, những người không thể nhìn thấy được những gì đang xảy ra, sẽ xảy ra, và tồi tệ hơn là gần như không biết gì đang diễn ra xung quanh mình. Xin trích lại lời Abraham Lincoln, “Tất cả các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán không thể lúc nào cũng tự đánh lừa mình. Sự thức tỉnh chắc chắn phải đến và sự thật là nó đã đến.”
Giải phẫu về sự thổi phồng và nổ của bong bóng thị trường chứng khoán, những gì Mỹ đã trải qua vào năm 1962 không quá khó để phân tích. Hạt giống của bất kỳ biến cố nào cũng đều cố hữu trong chính sự thổi phồng đó so với các yếu tố nền tảng mà chính nó được xây dựng nên.
Một câu đùa cũ và khá ngô nghê đã nói rằng bộ phận duy nhất của ô tô không thể được củng cố bởi một thiết bị an toàn chính là đai ốc giữ bánh xe. Cũng tương tự như vậy, không có biện pháp bảo vệ nào có thể bảo vệ các nhà đầu tư khỏi cảm xúc của chính họ.
Do đánh cược vào thị trường một cách phi lý, những nhà đầu tư đầy cảm xúc này sẽ bị khủng hoảng và nhanh chóng tống khứ cổ phần của họ đi một cách phi lý. Thật không may, một cục đá tuyết của làn sóng bán ra theo cảm xúc đã mang theo nó giá của tất cả các chứng khoán xuống dốc, ngay cả những chứng khoán đáng ra phải đi lên chứ không phải xuống.
Ngoài ra, tôi tin rằng công chúng Mỹ cũng cần nhớ rằng:
1. Nền kinh tế của quốc gia vẫn tương đối tốt vào chiều thứ Sáu, ngày 25 tháng 5 năm 1962, khi sàn giao dịch chứng khoán New York đóng cửa vào cuối tuần.
2. Nền kinh tế Mỹ cũng vấn rất ổn định vào sáng thứ Hai hôm sau, khi sàn giao dịch chứng khoán được mở cửa trở lại.
3. Nền kinh tế về cơ bản không kém phần sôi động khi giao dịch kết thúc vào thứ Hai bận rộn đó. Rất ít hoặc gần như không có bất kỳ đơn đặt hàng công nghiệp nào bị hủy bỏ, công việc nào của người dân bị mất đi, cơ sở kinh doanh nào bị buộc phải đóng cửa và gần như không có bất kỳ nhà đầu tư nào, dù lớn hay nhỏ bị xóa sổ hoàn toàn như hồi năm 1929.
Tôi nhận ra rằng tất cả điều này cũng chỉ giúp xoa dịu một phần rất nhỏ những người đã mất tiền khi giá cổ phiếu rớt vào ngày 28 tháng 5. Chỉ hy vọng rằng họ vẫn thu được lợi nhuận từ bài học đau đớn đó.
Một nhà đầu tư khôn ngoan sẽ nhận ra nhiều cổ phiếu được chào bán trên thị trường vẫn đang được định giá thấp hơn đáng kể so với tiềm năng của chúng. Chẳng hạn: Có nhiều cổ phiếu được bán với giá chỉ bằng một phần ba hoặc thậm chí một phần tư giá trị thanh lý trên mỗi cổ phần của tài sản của công ty phát hành. Để hiểu điều này có ý nghĩa gì với các cổ đông, hãy xem xét trường hợp của Công ty Dầu mỏ Honolulu.
Một vài năm trước, các giám đốc và cổ đông của Công ty Dầu mỏ Honolulu đã quyết định giải thể công ty vì lý do của riêng họ. Một công ty mà tôi có sở hữu cổ phần đáng kể cùng một công ty dầu khí khác đã biết về quyết định này đều thể hiện mong muốn mua lại tài sản của Công ty Dầu mỏ Honolulu.
Các cổ đông của Công ty Dầu mỏ Honolulu đã lựa chọn hai cách để họ có thể bán tài sản của công ty. Đầu tiên, họ có thể bán cổ phiếu của mình cho hai công ty muốn mua. Hoặc, thay vào đó, họ có thể nắm giữ cổ phiếu của mình, bán đi tài sản thực tế và phân phối số tiền thu được trước khi chính thức giải thể công ty.
Các cổ đông của Công ty Dầu mỏ Honolulu đã chọn phương pháp thứ hai. Cổ phiếu của công ty được bán với giá khoảng 30 đô la một cổ phiếu, nhưng, do tài sản hữu hình của họ quá có giá trị, nên các công ty mua lại đã trả cho họ khoảng 100 đô la cho một cổ phiếu. Tất nhiên, đây là số tiền mà mỗi cổ đông Honolulu đã nhận được cho mỗi cổ phiếu mà họ nắm giữ khi công ty bị giải thể. Nói cách khác, giá trị tiền mặt tài sản của Công ty Dầu mỏ Honolulu cao gấp hơn ba lần tổng giá trị cổ phiếu đã phát hành.
Đương nhiên, các cổ đông có thể gặt hái loại lợi nhuận đặc biệt này chỉ khi có một công ty bị giải thể. Nhưng thật đơn giản để nhận ra rằng mức độ an toàn sẽ lớn hơn rất nhiều khi đầu tư vào một công ty có tài sản hữu hình với giá trị thanh lý ròng lớn hơn giá trị cổ phiếu của nó. Chẳng hạn, giá trị thanh lý ròng gấp ba lần so với cổ phiếu, thì thực tế, mỗi đô la đầu tư của cổ đông được bảo đảm bằng tài sản có thể thực hiện được trị giá ba đô la.
Có nhiều công ty như vậy tồn tại hơn người ta thường nghĩ. Các công ty đó có thể tìm thấy trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau, nhưng bản thân tôi thì quen thuộc với các công ty trong ngành dầu khí và đặc biệt hơn là với những công ty có tham gia kinh doanh sản xuất dầu.
Có rất nhiều cổ phiếu dầu được phát hành bởi các công ty phát triển tốt đang bán với giá hời trong bất kì giới hạn tỷ lệ giá tốt nào. Các công ty dầu khí này cũng thường có tài sản hữu hình trị giá gấp ba, bốn và thậm chí nhiều lần hơn tổng giá trị cổ phiếu đã phát hành của họ. Chúng ta nên phân tích sâu thêm lý do tại sao lại như vậy. Các công ty sản xuất dầu thường coi hợp đồng thuê dầu khí là chi phí trên bảng cân đối kế toán. Một hợp đồng mà một công ty đã trả, giả sử 25.000 đô la được biểu hiện theo con số đó mặc dù giá trị của nó sẽ bao gồm tài sản với trữ lượng dầu thô được chứng minh hoàn toàn có thể lên tới 50.000.000 thùng. Trên sổ sách, hợp đồng thuê đất được thể hiện là một tài sản trị giá 25.000 đô la, nhưng bất kỳ công ty sản xuất dầu nào khác cũng sẵn sàng trả vài triệu đô la để có thể được tiếp quản tài sản đó. Ý nghĩa của việc kế toán thông minh này sẽ không lọt qua được mắt của những nhà đầu tư tinh nhạy. Tình huống tương tự tồn tại trong nhiều ngành công nghiệp khác, và nhà đầu tư sắc sảo sẽ tìm thấy cũng như thu được lợi nhuận từ chúng.
Niềm tin của tôi vào thị trường chứng khoán không bị lung lay bởi cuộc khủng hoảng giá 28 tháng 5 và những cơn giảm tiếp sau đó. Tôi vẫn là một nhà đầu tư nặng vào cổ phiếu phổ thông và vẫn đang giao dịch với ngân hàng hàng triệu đô la trên môi trường lành mạnh của nền kinh tế Mỹ và tương lai tươi sáng của các ngành kinh doanh Mỹ.
Về bản chất, đây là lời khuyên và tư vấn duy nhất mà một nhà đầu tư thành công, có kinh nghiệm có thể đưa ra cho bất kỳ ai muốn gặt hái những lợi ích của sự bùng nổ và để tránh những tổn thất của những cơn khủng hoảng.