C
ác biên tập viên báo chí hiếm khi bố trí không gian trên trang nhất cho nghệ thuật, đây thật là một điều đáng tiếc. Tuy nhiên, nghệ thuật đã từng là tiêu đề trang nhất trên khắp thế giới cách đây không lâu, khi bộ sưu tập vĩ đại của các bậc thầy cổ đại được bán đấu giá ở thành phố New York - 24 bức tranh được thu thập bởi nhà tài phiệt ngành quảng cáo, Alfred Erickson được lệnh bán bởi những người điều hành khu đất của người vợ góa của anh ta. Trong số đó, có một bức lớn và hai bức nhỏ hơn của Rembrandt, một bức của Fragonard, một bức của Crivelli và các bức của Holbein, Vandyke, Cranach và Terborch.
Bức tranh lớn của Rembrandt, Aristotle với bức tượng bán thân của Homer, và bức La Liseuse của Fragonard là những vật phẩm quý giá khiến mọi nhà sưu tầm tranh và các bảo tàng phải thèm muốn. Công chúng công nhận rằng các bức tranh sẽ được bán ở mức giá kỷ lục và trong nhiều tuần trước khi bán, toàn bộ thế giới nghệ thuật xôn xao với những suy đoán về mức giá và nhân vật sẽ trả giá cao nhất. Ước tính giá trị bức tranh của Rembrandt là 1.800.000 đô la và của Fragonard là 350.000 đô la.
Trên thực tế, số tiền đã được trả tại cuộc đấu giá lớn hơn nhiều so với dự đoán của ngay cả những người ước tính giỏi nhất. Aristotle với bức tượng bán thân của Homer, bức tranh quan trọng duy nhất còn lại của Rembrandt mà Viện bảo tàng Mỹ thuật Metropolitan ở New York chưa có, được trả giá 2.300.000 đô la. Đây là mức giá cao nhất từng được trả cho một bức tranh, gấp đôi kỷ lục trước đó là 1.166.400 đô la mà Andrew Mellon đã trả cho chính phủ Liên Xô vào năm 1931 để đưa bức Alba Madonna của Raphael ra khỏi USSR về Bảo tàng Nghệ thuật Quốc gia ở Washington.
La Liseuse của Fragonard được trả giá 875.000 đô la và được đưa về Bảo tàng Nghệ thuật Quốc gia. Đó là mức giá cao thứ hai được trả cho một bức tranh tại các cuộc đấu giá nghệ thuật kể từ năm 1959, khi kỷ lục của bức tranh Sự tôn sùng của pháp sư được bán với giá 770.000 đô la. Tình cờ, tôi cũng tham dự buổi đấu giá đó và đã định trả tới 560.000 đô la.
Điều tôi muốn nói ở đây là thị trường nghệ thuật đang bùng nổ và mỹ thuật là khoản đầu tư tốt và có lẽ là tốt nhất trên nhiều phương diện. Thực tế thì, nghệ thuật từ lâu đã là một khoản đầu tư tốt.
Alfred Erickson đã mua lại Aristotle với bức tượng bán thân của Homer từ tay anh em nhà Duveen vào năm 1928 với mức giá 750.000 đô la. Trong thời kỳ Đại suy thoái, ông đã bán nó lại cho nhà Duveen với giá 500.000 đô la và sau đó, vào năm 1936, đã mua lại nó với giá 590.000 đô la. Với phép tính đơn giản, ta có thể thấy ông đã trả tổng cộng 840.000 đô la cho bức họa và chênh lệch giữa mức giá mua và giá bán gần đây nhất là 1.460.000 đô la.
Trên thực tế, Erickson đúng thật là đã chấp nhận lỗ một phần ba kể từ lần đầu tiên ông mua bức tranh và bán lại cho nhà Duveen. Nhưng điều này cần được xem xét lại trong bối cảnh điều kiện kinh tế chung tại thời điểm lúc bấy giờ. Alfred Erickson mua lần đầu tiên vào năm 1928, thời cao điểm của sự thịnh vượng. Ông đã bán đi vào giữa lúc tệ nhất của cuộc Đại suy thoái.
Để có được cái nhìn đúng đắn hơn, chúng ta cần xét lại những gì đã xảy ra với doanh nghiệp và tất cả các hình thức đầu tư trong các giai đoạn đó. Giá cổ phiếu giảm mạnh, ngay cả những chip xanh như Thép Mỹ, đã giảm từ đỉnh 261 3/4 xuống 21 1/4 vào năm 1932, và các ngành công nghiệp Mỹ hoạt động ở mức dưới 50% mức tối đa mà chúng đạt được trước vụ sụp đổ năm 1929. Lương trung bình vào năm 1932 thấp hơn 60% so với năm 1929; cổ tức được trả bởi các công ty vẫn còn khả năng trả thấp hơn 57%. Xem xét dựa trên những thông tin đó, mức lỗ tạm thời 33% 1/3 từ bức tranh Erickson đã mua là minh chứng xác thực cho nhận định của tôi rằng nghệ thuật là một khoản đầu tư tốt.
Xin đừng hiểu lầm ý của tôi. Bản thân là một nhà sưu tập, tôi sẽ là người cuối cùng trên thế giới gợi ý rằng Alfred W. Erickson hay bất kỳ nhà sưu tập nghiêm túc nào khác đã mua các tác phẩm nghệ thuật với mục đích hiện thực hóa lợi nhuận tài chính cho lần bán tiếp theo của họ. Tôi biết quá rõ rằng những người sưu tầm nghệ thuật là thuần túy sưu tầm nghệ thuật chứ không phải kinh doanh nghệ thuật.
Aline B. Saarinen, khi phân tích động cơ của các nhà sưu tập nghệ thuật vĩ đại của Mỹ, đã viết: “Mẫu số chung cho tất cả các nhà sưu tầm là: Đối với mỗi người trong số họ, sưu tập nghệ thuật là phương tiện chính để biểu đạt tính cá nhân.”
Jacques Lipchitz, nhà điêu khắc sở hữu một trong những bộ sưu tập nghệ thuật nguyên thủy lớn nhất thế giới, đã nói: “Sưu tập là để tìm hiểu về loài người, cách họ cảm nhận, thể hiện bản thân, và sử dụng các chất liệu để thể hiện bản thân.”
Những nhận định trên là hoàn toàn đúng, tuy nhiên quan điểm riêng của tôi đi xa thêm một hai bước nữa. Cũng như hầu hết các nhà sưu tập nghiêm túc khác, tôi không bao giờ coi tác phẩm nghệ thuật mà tôi sở hữu là tài sản trang trí vô tri. Đối với tôi, chúng là hiện thân cho những bậc tiền bối đã sáng tạo ra chúng. Những bức họa đó phản ánh hy vọng và cả trăn trở của tác giả về thời đại và địa điểm mà chúng được tạo ra. Mặc dù các nghệ sĩ có thể đã mất từ lâu, thậm chí nền văn minh của họ tan rã, nhưng nghệ thuật của họ vẫn tồn tại.
Sự quan tâm và niềm vui mà một cá nhân có được trong bộ sưu tập không xuất phát từ giá trị vật chất của các tác phẩm nghệ thuật mà nhà sưu tập sở hữu. Chúng bắt nguồn từ vẻ đẹp bền bỉ của nghệ thuật và từ nhận thức về sự trường tồn của các giá trị nền tảng mà nghệ thuật đại diện. Nhà sưu tập thường tận hưởng niềm vui từ vẻ đẹp của nghệ thuật, và không bao giờ ngừng thấy thích thú về nghệ thuật.
Nhà thơ người Ý thế kỷ XVI Federico Da Porto thừa nhận rằng ông đã “sững sờ và choáng ngợp” bởi những gì ông thấy khi đến thăm bộ sưu tập tuyệt vời của nhà văn lịch sử người Vien Marino Sanudo. Bài thơ của Da Porto về chuyến thăm chỉ ra rằng những người sưu tầm những năm 1500 không khác gì những người sưu tập ngày nay và chính ông cũng chìm đắm trong niềm hồ hởi và hạnh phúc như Sanudo không kém gì so với những người sưu tầm thời hiện đại. Da Porto đã viết:
Sau đó lên cầu thang bạn dẫn chúng tôi,
Trước mắt một hành lang
Trải rộng, như thể
Một đại dương khác chứa đầy những điều hiếm nhất;
Bức tường vô hình
Với những bức tranh huy hoàng ẩn hiện
Không có khoảng trống,
Thật nhiều nhân vật khác nhau, mỗi người một vẻ;
Một ngàn cảnh lạ kỳ bày ra.
Ở đây, Tây Ban Nha, ở kia, Hy Lạp, và đó là hội chợ phù hoa
Đất nước Pháp.
Những bộ sưu tập và những nhà sưu tập là như vậy. Nhà sưu tập thường thích thú chiêm ngưỡng những điều kỳ diệu của nghệ thuật mà họ sở hữu, họ khoe tài sản của mình một cách đầy tự hào, rồi chia sẻ vẻ đẹp của chúng với người khác. Chắc chắn, mối quan tâm chính của họ không phải là giá trị tiền bạc của các tác phẩm nghệ thuật mặc dù các nhà sưu tập thường vay mượn và mạo hiểm ngân sách của họ để có được một tác phẩm mà họ mong muốn.
Tuy nhiên, vẫn có một thực tế không thể phủ nhận rằng nghệ thuật là một khoản đầu tư tốt. Giá trị tiền mặt của tranh vẽ, điêu khắc, thảm trang trí, đồ cổ và hầu như tất cả các hình thức nghệ thuật khác đều cho thấy một xu hướng đi lên và thậm chí bùng nổ rõ rệt trong những năm qua. Tất nhiên, phần lớn trong số này là do nhận thức của công chúng về nghệ thuật đang tốt lên, và họ coi nghệ thuật là đại diện cho các giá trị cơ bản không chỉ tồn tại lâu dài mà còn có giá trị hơn theo thời gian. Do đó, sự cạnh tranh để có được quyền sở hữu các tác phẩm nghệ thuật rất khốc liệt và giá trị mà mọi người sẵn sàng trả cho chúng cũng sẽ tăng lên.
Xu hướng đó không giới hạn trong nghệ thuật của bất kỳ trường phái, phong cách, thời đại hay phương thức cụ thể nào. Một vài ví dụ ngẫu nhiên sau đây sẽ minh họa cách thức mà giá trị tài chính của nghệ thuật đã tăng qua các năm.
Năm 1885, bảo tàng Victoria và Albert của London đã mua hơn 1.000 bức vẽ của bậc thầy người Ý thế kỷ XVIII Giovanni Battista Tiepolo. Mặc dù những bức bích họa ngoạn mục của Tiepolo đã tô điểm cho cung điện Labia ở Venice; Kaisersaal của nhà hoàng tử ở Wurzburg, Đức; phòng ngai vàng của vua Tây Ban Nha Charles III, hàng chục dinh thự lớn cùng nhà thờ và công trình công cộng khác thì ở thời đó các bức tranh của ông không thực sự thịnh hành. Bảo tàng Victoria và Albert đã trả mười cent cho mỗi bức tranh. Nhưng ngày nay, mỗi bức tranh này sẽ mang lại ít nhất 1.500 đô la nếu bảo tàng muốn bán chúng, và tất nhiên họ sẽ không bao giờ có ý định thực hiện điều đó.
Bậc thầy người Anh thế kỷ XIX Joseph M. W. Turner đã vẽ rất nhiều bức tranh màu nước lộng lẫy trong sự nghiệp lâu dài và thành công của mình. Vào những năm 1940, những bức tranh đó được bán với giá từ 500 đến 1.000 đô la mỗi bức. Và đến thời điểm hiện tại, một bức Turner lớn có giá trị lên tới 25.000 đô la.
Bức Te Tiai Nei Au I Te Rata của Paul Gauguin từng được đồn bán với giá dưới 50 đô la. Tuy nhiên, tại một cuộc đấu giá vào năm 1959, bức tranh được trả giá hơn 300.000 đô la. Cũng trong năm đó, một trong những tác phẩm đầu tay của Braque từng được bán đấu giá với giá 15 đô la, được phòng trưng bày nghệ thuật Queensland ẵm về với mức giá 155.000 đô la. Cùng năm 1959, một bản thảo được viết dưới sự chỉ đạo của Matthew Paris ở St. Albans Abbey năm 1250 được bán với giá 190.000 đô la, và chỉ không lâu trước đó 115.000 đô la đã được trả cho một bản thảo tương đương.
Danh sách những vật phẩm như trên có thể kéo dài gần như vô hạn về mọi chất liệu, thời gian và phái trường nghệ thuật, từ bức tượng nhỏ thời tiền sử đến các tác phẩm trừu tượng thể hiện thời hiện đại, từ các đạo diễn đến đại diện của trường phái điêu khắc bằng đuốc hàn và đương nhiên bao gồm cả các tấm thảm, treo tường và đồ nội thất cổ nữa.
Tôi đã chứng kiến giá trị của các tác phẩm nghệ thuật tôi mua tăng và thậm chí tăng theo cấp số nhân kể từ khi tôi sở hữu được chúng.
Vào năm 1938, tôi đã mua một chiếc thảm Ba Tư Ardabil có giá trị lịch sử vô cùng lớn, được dệt từ những khung cửi của hoàng gia Tabriz vào năm 1535. Hồi giáo Ba Tư đã nhận thấy vẻ đẹp tuyệt vời của tấm thảm cỡ 11x24 feet này, tới mức họ nói rằng “quá đẹp để những con mắt Công giáo được nhìn vào”. Nhưng “những con mắt Công giáo” vẫn thường “nhìn” vào tấm thảm Ardabil và chiêm ngưỡng vẻ đẹp bày ra trước mắt họ.
“Trị giá bằng tất cả các bức họa trong lịch sử cộng lại” - nghệ sĩ người Mỹ James Whitsler tuyên bố điều này sau khi nhìn thấy tấm thảm Ardabil. Tấm thảm được coi là một bản giao hưởng rực rỡ màu sắc được tạo tác từ những đôi tay lành nghề và tỉ mỉ nhất của nghệ thuật thế giới. Tấm thảm được công nhận là một trong hai tấm thảm đẹp nhất trong thế giới phương Tây.
Tấm Ardabil được bán với giá 27.000 đô la vào năm 1910. Chín năm sau, nó được mua lại bởi một nhà buôn nghệ thuật nổi tiếng, ông trùm nghệ thuật Duveen đã trả giá 57.000 đô la cho tấm thảm. Tôi mua lại tấm thảm từ ông trùm Duveen vào năm 1938, trả cho ông ta mức giá 68.000 đô la. Sau đó, tôi nhận được rất nhiều lời đề nghị mua lại tấm thảm, trong đó có lời đề nghị trị giá 250.000 đô la từ vua Ai Cập Farouk. Tôi từ chối lời đề nghị của ông và tất cả những người khác. Vào năm 1958, Bảo tàng bang Los Angeles, nơi tôi đã quyên tặng tấm thảm, đã định giá tấm thảm ở mức 1.000.000 đô la, gần gấp 40 lần giá mà nó đã được bán vào năm 1910 và gần gấp 15 lần số tiền tôi đã trả cho nó.
Trong cùng năm, tôi mua tấm thảm Ardabil, tôi cũng đã mua bức chân dung Marten Looten mà bậc thầy vĩ đại người Hà Lan Rembrandt đã vẽ năm 1632. Tôi trả giá 65.000 đô la cho bức tranh và coi đó là một món hời, bởi tôi đã chuẩn bị tinh thần để trả tới 100.000 đô la chỉ để có được nó. Sau này giá trị thị trường của bức tranh tăng lên một cách đáng ngạc nhiên qua các năm. Ngày nay, bức tranh có giá trị bao nhiêu là một câu hỏi hoàn toàn mang tính học thuật, vì bức tranh cũng đã được tặng cho Bảo tàng Bang Los Angeles. Tuy nhiên, kỷ lục 2.300.000 đô la được trả cho bức Aristotle với bức tượng bán thân của Homer của Rembrandt dường như cũng đã ám chỉ rằng bức họa Marten Looten có thể sẽ mang lại một mức hời cao hơn nhiều lần so với số tiền tôi đã bỏ ra ban đầu[1].
[1] Ngoài tấm thảm Ardabil triệu đô và bức Marten Looten, J. Paul Getty đã tặng nhiều tác phẩm mỹ thuật vô cùng quý giá khác cho Bảo tàng Bang Los Angeles. Ông cũng vô tình không nhận được khoản miễn thuế nào từ việc quyên góp tranh cho bảo tàng. Ông vẫn có một bộ sưu tập hàng triệu đô la, nhưng thậm chí một phần lớn trong số này cũng đã được tặng cho Bảo tàng J. Paul Getty. Bộ sưu tập bao gồm thảm Boucher, các tấm thảm hiếm và một bộ sưu tập nội thất cổ của Pháp thế kỷ XVIII mà James Mann, giám đốc của Wallace Collection và nhà chuyên môn xuất sắc về vấn đề này, đã đánh giá là còn giá trị hơn cả bộ sưu tập ở bảo tàng Louvre. Ngoài ra còn có cả các bức tượng cẩm thạch vào thế kỷ IV và V trước Công nguyên - trong đó có tượng Elgin nổi tiếng, đồ gốm, đồ đồng, chân dung, tượng thời Roman và tác phẩm nổi tiếng của Lansdowne Hercules. Bộ sưu tập tranh bao gồm cả các tác phẩm của Titian, Lotto, Tintoretto, Rubens, Gainborough và các bậc thầy khác. Tất cả các vật phẩm đều được trưng bày và cất giữ một cách xa hoa ở Bảo tàng Ranch của Getty trên Đường cao tốc bờ biển Thái Bình Dương ở Malibu, California. Bảo tàng mở cửa miễn phí cho công chúng. (Theo BTV).
Nhưng người ta mua tác phẩm của các bậc thầy thời đại trước để sở hữu được những tác phẩm nghệ thuật tinh xảo đó và cũng không phải là để làm món đầu tư có lời.
Một ví dụ điển hình là về người nghệ sĩ Tây Ban Nha Joaquin Sorolla Y Bastida sống trong những năm 1893 đến 1923. Vào năm 1933, tôi tham dự một buổi bán hàng nghệ thuật ở thành phố New York và có cơ hội được chiêm ngưỡng một số tác phẩm tuyệt vời của ông. Tôi đã mua mười bức tranh của Sorolla Y Bastida với tổng số tiền dưới 10.000 đô la. Đến năm 1938, thế giới mới bắt đầu thực sự đánh giá cao tài năng của vị họa sĩ đó và mười bức tranh tôi mua đã tăng giá trị lên tới 40.000 đô la. Ngày nay, Joaquin Sorolla Y Bastida được xếp trong số 20 họa sĩ Tây Ban Nha hàng đầu mọi thời đại và tôi tò mò không biết mười bức tranh tôi mua năm 1933 sẽ có giá bao nhiêu tiền nếu tôi quyết định bán chúng.
Thậm chí, bạn không cần thiết phải tiêu tốn hàng nghìn hoặc thậm chí hàng trăm đô la để bắt đầu xây dựng bộ sưu tập nghệ thuật gần như chắc chắn sẽ tăng giá trị. Vẫn luôn có rất nhiều cơ hội để có được những món hời lớn khi đầu tư vào nghệ thuật.
Tôi có thể nói thêm rằng, ở một góc xa xôi nào đó trong trái tim của mỗi nhà sưu tập nghệ thuật luôn ẩn giấu một hy vọng bí mật về việc khám phá ra một bức tranh và mua về với giá hời để sau đó phát hiện ra rằng đó là tác phẩm thất lạc của một bậc thầy vĩ đại. Điều này thực sự có thể xảy ra. Tôi biết vì điều đó đã xảy ra với tôi.
Khoảng 25 năm trước, tôi tham dự một buổi đấu giá tác phẩm nghệ thuật tại Sothebi ở London. Trong số các đồ vật được bày bán có một bức tranh phụ nữ Ý khá tồi tàn, một tác phẩm mà các chuyên gia Sothebi đã tuyên bố là được tạo tác bởi nghệ sĩ vô danh. Mặc dù bức tranh người phụ nữ đã bị bẩn và trong tình trạng bảo quản kém, nhưng tôi vẫn thích bức tranh đó vì nó khiến tôi nhớ đến Raphael. Tôi đã mua với giá 200 đô la.
Năm 1963, tôi quyết định trùng tu bức tranh. Công việc này được giao cho công ty phục chế nổi tiếng, Thomas Agnew & Sons. Đại diện của công ty đã gọi cho tôi với giọng điệu vô cùng phấn khích. Bức tranh thực sự là tác phẩm của Raphael, họ nói, và điều này nhanh chóng được xác thực bởi những chuyên gia nghệ thuật hàng đầu như Alfred Scharf. Bức tranh tôi mua với giá 200 đô la đã được xác thực là Madonna di Loreto của Raphael, được vẽ vào năm 1508-1509. Giá trị thực của nó lên tới một triệu đô la.
Không có nhiều khả năng một người chơi nghệ thuật bình thường sẽ mua được một bức Gauguin trị giá 300.000 đô la, hay Braque trị giá 155.000 đô la, hoặc thậm chí là một bức Tiepolo trị giá 1.500 đô la chỉ bằng một xu trong một cửa hàng tạp hóa ở góc phố. Mặt khác, những phát hiện đáng chú ý như phát hiện gần đây của một nhà phê bình nghệ thuật London khi ông tìm thấy 5 bức vẽ đã ngả tối màu hoàn toàn trong một căn nhà cũ ở Dublin và nhận ra chúng là những tác phẩm quan trọng của Guardi. Các trường hợp như vậy vẫn giữ lửa hy vọng cho tất cả những người chơi nghệ thuật.
Đương nhiên bạn có thể dễ dàng mua được các tác phẩm của các nghệ sĩ ít tên tuổi hơn với giá hợp lý từ các cửa hàng bán tranh nhỏ, cửa hàng đồ cổ và thậm chí là nhà sách cũ, những nơi mà người ta thường tìm đến để mua các bản khắc và bản in. Và, tất nhiên, bạn cũng có thể mua được cả các tác phẩm của các nghệ sĩ trẻ tài năng hứa hẹn nhưng chưa đến thời. Chắc chắn không cần thiết chỉ ra rằng một nghệ sĩ phải được công nhận rộng rãi để có thể cho ra những tác phẩm tốt và có giá trị lâu dài.
Ngay cả những người có ngân sách hạn hẹp cũng có cơ hội sở hữu các tác phẩm nghệ thuật có giá trị đầu tư về mặt thẩm mỹ, sở thích, cũng như tài chính. Tôi quen rất nhiều người chỉ đầu tư một số tiền nhỏ vào những tác phẩm nhưng sau đó giá trị của nó tăng lên gấp nhiều lần.
Câu chuyện về trải nghiệm của một nhà báo tôi quen có lẽ sẽ giúp bạn hình dung về một người bình thường với gu thẩm mỹ trung bình có thể làm. Nhà báo này đi du lịch tới rất nhiều nước, thành phố như New York, London, Paris và Venice. Anh ta hoàn toàn không phải là một chuyên gia nghệ thuật và cũng không hề giàu có, nhưng anh ta thích ngắm nhìn, đôi khi là mua những tác phẩm nghệ thuật và đồ cổ ở tiệm sách đã qua sử dụng. Thị hiếu của anh ta khá đa dạng. Anh ta thường mua những thứ làm anh ta hài lòng và thỏa mãn về mặt thẩm mỹ, bất kể chúng là cổ xưa hay hiện đại. Tuy nhiên, anh ta cũng mua rất cẩn thận và bộ sưu tập có tổng trị giá khoảng 2.000 đô la trong sáu năm tích góp của anh ta ngày nay có giá trị thị trường ít nhất khoảng 8.000 đô la.
Anh ta có bốn phi vụ đầu tư thành công nhất trong số đó, từng phi vụ được thực hiện ở bốn thành phố anh ta thường xuyên tới thăm. Sáu năm trước, anh ta đã mua ba bức tranh màu nước của một nghệ sĩ trẻ làng Greenwich, và chỉ phải trả tổng cộng 140 đô la cho cả ba bức. Bây giờ giá trị bán của chúng là 125 đô la mỗi bức. Năm 1957, anh ở London và tìm thấy một bộ sáu bức tranh màu gouache nhỏ được đóng khung gọn gàng từ thế kỷ XIX mà anh ta đã mua với giá 17 guineas, tức 51 đô la, và gần đây anh ta được đề nghị bán 250 đô la cho chúng. Năm 1958, khi đến thăm Paris, anh ta đã mua tám bản in từ đầu thế kỷ XIX với giá khoảng 24 đô la. Hai năm sau, một nhà buôn tranh người Mỹ đã trả giá 150 đô la cho bộ tranh đó. Chỉ mới năm ngoái ở Venice, người bạn nhà báo của tôi đã để mắt tới hai bức tranh của họa sĩ người Ý Fioravante Seibezzi và mua chúng với giá 30.000 lire (khoảng 50 đô la) cho một bức. Ngay sau đó, Seibezzi tổ chức chương trình độc diễn và thu hút về rất nhiều lời khen từ các nhà phê bình, khiến giá trị thị trường của các bức tranh đã tăng 300% và vẫn tiếp tục tăng nữa.
Bạn tôi đã từ chối tất cả các đề nghị mua lại. Mặc dù anh ta biết rằng giá trị thị trường của bộ sưu tập sẽ tiếp tục tăng, nhưng đây không phải là lý do khiến anh từ chối bán. Anh ta có bản năng của một nhà sưu tập yêu nghệ thuật thực thụ. “Tôi mua chúng bởi vì tôi muốn sở hữu chúng”, anh nói, “Tôi quá yêu thích chúng để bán đi cho bất kỳ ai với bất kỳ mức giá nào.”
Kinh nghiệm của nhà đầu tư nghệ thuật sắc sảo này nhấn mạnh một thực tế rằng những khách du lịch và người đi công tác thường bỏ qua cơ hội đầu tư khôn ngoan vào nghệ thuật trong các chuyến đi của họ. Họ có thói quen mua sắm những món quà lưu niệm trang trọng và khá tốn kém mặc dù chúng thực tế ít hoặc không có giá trị. Họ không nhận ra rằng họ có thể sở hữu được những hiện vật có giá trị sâu sắc và vĩnh viễn, mà không tốn nhiều công sức hay tiền bạc hơn nhiều số tiền họ đã bỏ đã để mua những thứ tầm thường.
Tôi có một người bạn từng phục vụ quân ngũ ở Nhật Bản, Hàn Quốc. Với sự quan tâm đến nghệ thuật phương Đông, ông đã dành ra một lượng thời gian nghỉ phép để tìm kiếm các tác phẩm nghệ thuật mang về quê nhà. Bỏ qua các cửa tiệm trên đường phố chính và chợ du lịch, ông ghé qua các cửa hàng ngoài lề đường và các khu chợ dân sinh. Chi ra tổng cộng chưa đến 300 đô la, ông đã mua được nhiều bức tranh mà một đại lý ở San Francisco sau đó đã ngỏ giá lên tới tổng cộng 1.500 đô la.
Một người đàn ông khác mà tôi biết đã đưa vợ đến Thổ Nhĩ Kỳ để nghỉ mát vào năm 1956. Thay vì mua những món đồ truyền thống được truyền bá cho khách du lịch ở nhiều quốc gia Địa Trung Hải, họ đã mua sắm có ý thức hơn để tránh khỏi rơi vào đường mòn lối cũ. Họ đã mua một số vật đúc kim loại cổ, tượng nhỏ và chạm khắc, khoảng 650 đô la cho tất cả. Các chuyên gia thẩm định các món hàng khi cặp vợ chồng mang trở về Mỹ và xác định giá trị bán lúc đó của chúng ở mức 1.400 đô la. Trong năm năm tiếp theo, nhiều yếu tố khác đã càng làm tăng thêm giá trị của các món hàng. Đến năm 1961, những vật phẩm nghệ thuật cặp đôi này phải trả giá 650 đô la đã tăng trị giá lên đến 2.000 đô la.
Không ai trong số những người này là chuyên gia nghệ thuật. Kiến thức về nghệ thuật của họ có được là bằng cách đọc, tham quan các phòng trưng bày triển lãm, những lần ghé thăm các cửa hàng nghệ thuật và đồ cổ. Đối với họ, sưu tập nghệ thuật đơn giản là một sở thích ngoại khóa để xoa dịu tinh thần. Họ cảm thấy hạnh phúc mỗi khi được sở hữu những đồ vật giúp họ thỏa mãn về mặt thẩm mỹ. Họ thấy chúng làm cho cuộc sống của mình dễ chịu hơn.
Các nguyên tắc cơ bản của sưu tập nghệ thuật không khó để học. Rõ ràng, một người bình thường không đủ khả năng tài chính để có thể mua được các bức tranh của các danh họa lớn như Rembrandt, Fragonards, Gauguins hoặc các bức tranh khác nếu chúng đang được bán, có giá trị lên đến hàng trăm, hàng ngàn hoặc thậm chí hàng triệu đô la.
Nhưng những cá nhân chỉ có vài trăm đô la để chi tiêu cũng có thể mua những tác phẩm nghệ thuật tốt, có chất lượng cao, bền bỉ và tăng giá trị qua năm tháng.
Cách an toàn nhất để đầu tư vào nghệ thuật là nhờ một chuyên gia mua hộ, hoặc tự mua trong các phòng trưng bày có uy tín nhất. Nhưng, cách đó sẽ khiến bạn phải trả giá cao nhất theo thị trường hiện tại. Hầu hết mọi người sẽ không có ngân sách để mua theo quy mô lớn như vậy. Ngoài ra, đa số mọi người thích tự thưởng thức cuộc phiêu lưu mua sắm các tác phẩm nghệ thuật của chính mình hơn.
Bất kể bạn muốn mua tác phẩm nghệ thuật kiểu gì, để mua một cách chín chắn, bạn cần phải xác định được chất liệu và thời kỳ nghệ thuật mà bạn yêu thích nhất. Sau đó, bạn nên tìm hiểu về chúng, càng nhiều càng tốt. Hàng giả, hàng nhái tràn ngập thị trường và cách duy nhất để phân biệt giữa hàng giả và hàng chính hãng là phải biết cái nào là thật. (Tất nhiên, các đại lý có uy tín thường sẽ cho phép người mua có quyền được chứng thực, hoặc sẽ cung cấp sự xác thực có chuyên môn đến từ chính họ.)
Mua gì? Điều này phụ thuộc vào hai yếu tố. Đầu tiên là gu thẩm mỹ của cá nhân, và nếu người mua có thể mua một cách khôn ngoan thì chắc hẳn anh ta phải có gu tốt. Yếu tố thứ hai là ví tiền của cá nhân. Bất kể phạm vi giá nào anh ta có thể đủ khả năng, nhà sưu tầm nghệ thuật phải luôn cố gắng để mua được món hàng tốt nhất có thể trong phạm vi đó. Một món đồ tốt có giá trị gấp một chục lần, hay thậm chí là một trăm lần một món đồ xấu.
Mặt khác, người sưu tập phải luôn nhớ rằng giá trị nghệ thuật không nhất thiết phải tuân theo giá trị thị trường đặt ra, và ngược lại. Một nhà sưu tập có thể đánh giá cao nghệ thuật và say mê vẻ đẹp của nó, nhưng anh ta hoàn toàn có quyền đầu tư tiền của mình một cách khôn ngoan. Thật ngu ngốc khi ném tiền tốt vào nghệ thuật xấu, cũng như ném tiền tốt vào bất cứ thứ gì xấu, hay chỉ một kẻ ngu ngốc mới trả quá nhiều tiền cho bất cứ thứ gì anh ta mua.
Sau đó, để xác định xem một người có thực sự thích một tác phẩm nghệ thuật đến mức quyết định mua hay không, không có bài kiểm tra quy tắc nào tốt hơn so với câu hỏi kinh điển: “Tôi có thể sống với nó không?”. Người sở hữu một tác phẩm, có thể là một bức tranh, bức tượng bán thân bằng đá cẩm thạch, nội thất thời phục hưng của Pháp hoặc bất cứ thứ gì sẽ phải nhìn nó thường xuyên trong một thời gian dài. Nếu anh ta tin rằng tác phẩm anh ta dự tính mua sẽ tiếp tục làm hài lòng anh ta trong một khoảng thời gian dài, thì anh ta nên mua nó. Nếu không, anh ta cần tìm đến thứ khác. “Tôi mua những thứ tôi thích và thích những thứ tôi mua” là triết lý chủ đạo của một nhà sưu tập thực thụ.
Một khi đã mua, điều còn lại tùy thuộc vào mỗi cá nhân để quyết định những gì anh ta muốn làm với nó. Anh ta có hai lựa chọn: Giữ cho đến khi giá trị thị trường tăng lên, bán đi và bỏ vào túi lợi nhuận có được. Hoặc giữ tác phẩm đã mua và thưởng thức nó, bất kể giá trị thị trường có cao đến đâu. Nếu đã quyết định làm vậy, anh ta có thể tự hài lòng rằng khoản đầu tư đó rất khôn ngoan, vì anh ta đã được sở hữu tác phẩm nghệ thuật có giá trị lâu dài và trả cho anh ta cổ tức thường xuyên bằng niềm vui ngay cả khi giá trị tiền của tác phẩm vẫn tiếp tục tăng. Dù là lựa chọn nào đi nữa, mua bán nghệ thuật vẫn là đầu tư sáng suốt và thích thú nhất trong các loại đầu tư.