M
ặc dù đây không phải là một cuốn tự truyện nhưng những quan điểm này là của riêng tôi và xuất phát từ kinh nghiệm sống của tôi. Do đó, tôi nghĩ rằng một vài mô tả ngắn gọn về sự nghiệp của tôi cũng sẽ được độc giả quan tâm. Và thực tế là, các “triết lý” kinh doanh của tôi đều được hình thành trong các mỏ dầu hoặc đâu đó trên thị trường dầu khí.
Sau nhiều tháng tìm kiếm không thấy dầu ở Oklahoma, đầu tháng 1 năm 1916, tôi đã thử tìm kiếm ở một làng nhỏ thuộc hạt Muskogee cách Stone Bluff không xa.
Ngày 2 tháng 2, sau khi dọn sạch đá bên trong lỗ khoan, chúng tôi đã tìm thấy cát dầu. Và đây là cánh cửa cuối cùng dẫn tới sự thật mang tính quyết định. Trong 24 giờ tới, chúng tôi sẽ tìm được một mỏ dầu hoặc một cái lỗ rỗng không.
Lúc đó, tôi còn là một chàng trai trẻ, mới vào nghề nên phát hiện này khiến tôi vừa lo lắng vừa phấn khích. Tôi giống một kẻ cản đường hơn là người có thể giúp đỡ những thành viên còn lại trong đội khoan. Để rộng chỗ cho họ và giảm bớt căng thẳng của chính mình, tôi đã rút về Tulsa, thành phố gần nhất và đợi ở đó cho đến khi kết quả được tiết lộ. Ở Tulsa, J. Carl Smith - một người bạn thân thiết, lớn tuổi và bình tĩnh hơn tôi đã tình nguyện thay tôi đến địa điểm khoan và giám sát công việc ở đó.
Giếng khoan tọa lạc ở một vùng hẻo lánh không có điện thoại. Đường dây duy nhất giữa Stone Bluff và Tulsa lại hiếm khi hoạt động. Do đó, J. Carl Smith hứa sẽ quay trở lại Tulsa trên chuyến tàu cuối cùng từ Stone Bluff vào ngày hôm sau và thông báo cho tôi về những phát hiện mới nhất.
Hôm sau, tôi có mặt ở ga tàu Tulsa, lo lắng bước lên bục chờ lộng gió sớm hơn một tiếng trước khi tàu đến. Cuối cùng, tàu cũng vào ga. Một hồi lâu sau, tôi nhìn thấy hình bóng quen thuộc của J. Carl Smith sau những hàng ghế. Khuôn mặt anh rạng rỡ, vì thế hy vọng của tôi cũng tăng vọt.
“Chúc mừng, Paul!” Anh ấy bùng nổ phấn khích khi nhìn thấy tôi, rồi nói: “Chúng tôi đã thử thắp sáng cái giếng ấy chiều nay. Nó đã sản sinh ra khoảng 30 thùng dầu đấy!”
Không hiểu sao khi nghe J. Carl Smith nói vậy, tôi lại mặc định rằng ý của anh ấy là chỉ có ba mươi thùng dầu được khai thác một ngày và sự phấn khích của tôi vì thế mà biến mất ngay lập tức. Ba mươi thùng một ngày? Tại sao? Nếu vậy, nó chẳng nhằm nhò gì so với những gì các nhà khai thác dầu khác đạt được.
“Thưa ngài”, J. Carl Smith nghiến răng, nhấn mạnh: “Chúng ta có 30 thùng… mỗi giờ.”
Ba mươi thùng mỗi giờ ư! Đó lại là một câu chuyện khác, khác một trời một vực. Điều đó đồng nghĩa với việc, giếng có thể sản xuất 720 thùng dầu thô mỗi ngày, và tôi đã có một chân trong ngành công nghiệp dầu lửa.
Là con trai của một nhà khai thác dầu, tôi đã sớm làm quen với cơn sốt dầu từ nhỏ. Cha mẹ tôi, George F, Sarah Getty và tôi lần đầu tiên tới lãnh thổ Oklahoma vào năm 1903, khi ấy tôi lên mười tuổi. Thời điểm đó, cha tôi còn là một luật sư tại thành phố Minneapolis thịnh vượng. Mảnh đất này đã khiến ông không thể cưỡng lại được sự hấp dẫn của mỏ dầu Oklahoma, đang ở giai đoạn hoàn chỉnh. Đó là lý do vì sao ông thành lập Công ty Dầu mỏ Minnehoma và bắt đầu cuộc săn tìm dầu.
Cha tôi bắt đầu sự nghiệp từ hai bàn tay trắng. Đã từng nếm trải sự nghèo khổ cùng cực khi còn trẻ, nên ông làm việc vô cùng chăm chỉ và như một phép màu, ông có tài năng kỳ lạ trong việc săn tìm dầu. Sau khi thành lập Minnehoma Oil, ông đã trực tiếp giám sát việc khoan tìm kiếm 43 giếng dầu, trong đó 42 giếng có dầu!
Tôi đã có một quãng thời gian học việc khó khăn nhưng rất giá trị khi làm một chân chạy vặt trong lĩnh vực dầu mỏ những năm 1910 và 1911. Tuy nhiên, phải tới tận tháng 9 năm 1914, tôi mới bắt đầu tự kinh doanh dầu mỏ. Và rồi, tôi trở về Hoa Kỳ sau khi theo học ở Đại học Oxford (Anh) trong hai năm. Mục đích ban đầu của tôi là tham gia vào Cục Ngoại giao Hoa Kỳ, nhưng tôi đã hoãn kế hoạch đó để thử vận may với tư cách là một nhà điều hành độc lập, một nhà sản xuất dầu ở Oklahoma.
Thời điểm đó khá thuận lợi. Bấy giờ là kỷ nguyên hưng thịnh khi ngành công nghiệp dầu khí Mỹ đang phát triển, tinh thần tiên phong vẫn còn chiếm ưu thế trong các mỏ dầu. Các cuộc săn tìm dầu liên tục diễn ra, thậm chí nó còn được tiếp thêm động lực bởi cuộc chiến nổ ra ở châu Âu. Các thị trấn giàu có mới toanh mọc lên rải rác khắp vùng quê Oklahoma, trong đó phải kể tới 4 thị có những tranh chấp nảy lửa bậc nhất nằm sát biên giới: Drumright, Dropright, Allright và Damnright.
Đường phố ở đây ngập đất sét và bùn nhão vào mùa xuân và mùa đông. Tới mùa hè, những con đường mòn bị che khuất bởi những đám mây bụi dày đặc có màu đỏ hoặc vàng. Vì thế, đến vỉa hè bên ngoài các công ty lớn và sòng bạc ở đây cũng được coi là thành tựu của văn minh.
Bầu không khí nơi đây giống hệt với tinh thần được các nhà sử học mô tả tại các mỏ vàng ở California trong cuộc săn tìm vàng năm 1849. Ở Oklahoma, cơn sốt dầu được lan truyền như một loại dịch bệnh. Mỗi ngày trôi qua, lại có vài người tìm được vận may của mình, nhưng không phải ai cũng may mắn như vậy. Thật không khó để tìm thấy nhiều nhà tìm kiếm dầu dù đã trút đến xu cuối cùng khỏi túi nhưng vẫn không đủ để khoan thêm một trăm feet, khi mà điều ấy có thể khiến anh ta trở thành một người đàn ông giàu có. Một hợp đồng thuê đất ở Oklahoma có giá vài trăm đô la vào buổi chiều hôm trước sẽ tăng gấp trăm hoặc thậm chí một nghìn lần vào sáng hôm sau.
Có nhiều người còn dốc hết gia sản của mình để thuê đất và khoan giếng nhưng chẳng nhận được gì ngoài một cái lỗ khô khốc. Mảnh đất từng được thuê với giá trị cao ngày hôm trước cũng có thể trở nên vô giá trị vào hôm sau. Đó là một canh bạc mạo hiểm cho những kẻ dám đánh cược và tôi là một trong những người lao vào vòng xoáy ấy. Tôi không có vốn, thu nhập chỉ 100 đô la mỗi tháng. Trong suốt năm đầu tiên, tôi luôn rỗng túi. Những cuộc đình công lớn ở các mỏ dầu thì xảy ra thường xuyên. Trong khi đó, những nhà sản xuất dầu khác vẫn không ngừng công bố về khối sản lượng khổng lồ mà họ tìm kiếm được. Vận may dường như đang lảng tránh tôi.
Cuối mùa thu năm 1915, hợp đồng thuê đất ở Stone Bluff, quận Muskogee được bán đấu giá công khai. Tôi đã khảo sát và nghĩ rằng nó rất đáng hy vọng. Nhưng tôi biết rằng các nhà khai thác độc lập khác cũng muốn cản đường tôi trong thương vụ này. Tôi không có nhiều tiền, và đương nhiên là không đủ để đấu với các nhà sản xuất dầu lâu năm. Vì vậy, tôi đã yêu cầu ngân hàng lấy danh nghĩa một người đại diện thay tôi tham gia vào phiên đấu giá.
Điều bất ngờ là chiến lược minh bạch này đã hoàn thành mục đích mà tôi dự định ban đầu. Phiên đấu giá được tổ chức tại thị trấn của Muskogee với sự tham gia của một số nhà khai thác dầu độc lập mong muốn có mảnh đất này. Sự xuất hiện bất ngờ của giám đốc điều hành ngân hàng nổi tiếng, người sẽ trả giá cho tôi, khiến những người khác lo lắng. Họ cho rằng nếu một nhân viên ngân hàng có mặt tại buổi đấu giá, điều đó có nghĩa là một số công ty dầu lớn cũng quan tâm đến mảnh đất và sẵn sàng trả bất cứ giá nào để có được nó. Chính vì vậy, họ quyết định bỏ cuộc còn tôi thì giành được hợp đồng thuê với giá 500 đô la - một mức giá quá hời!
Ngay sau đó, một công ty được thành lập để tài trợ cho lần khoan giếng thử nghiệm đầu tiên trên mảnh đất. Tôi, với tư cách là một nhà sản xuất dầu độc lập, không có một xu vốn, đã nhận được khoản lãi khiêm tốn khoảng 15%. Tôi tập hợp một đội khoan, dựng một chiếc cần trục bằng gỗ và gấp rút khoan giếng. Tôi ăn dầm ở dề ở công trường cho đến bước cuối cùng. Sau đó, như đã kể, tôi không thể chịu đựng được sự căng thẳng và phải chạy trốn đến Tulsa, nơi ông bạn J. Carl Smith đã mang đến cho tôi tin vui về cái giếng khoan.
Hợp đồng thuê mảnh đất được bán cho một công ty sản xuất dầu hai tuần sau đó và tôi thì nhận được 12.000 đô la. Số tiền không mấy ấn tượng khi so sánh với con số khổng lồ của những người khác nhưng thế là đủ để thuyết phục tôi ở lại trong ngành kinh doanh dầu mỏ với tư cách là một nhà sản xuất độc lập.
Tôi đã từng bắt tay với cha trong một phi vụ làm ăn. Ông trả chi phí cho mọi hoạt động thăm dò và khoan còn tôi thì triển khai và giám sát các hoạt động. Đổi lại, ông sẽ nhận được 70% lợi nhuận, 30% còn lại thuộc về tôi. Sau khi phi vụ đầu tiên thành công, chúng tôi thành lập Công ty Dầu mỏ Getty vào tháng 5 năm 1916 và tôi có 30% cổ phần.
Một khoảng thời gian sau, nhiều khoản tiền bất thường trong mối quan hệ kinh doanh giữa tôi và cha xuất hiện trên giấy tờ, sổ sách. Trái với những báo cáo được công bố, cha không hề giúp tôi xây dựng sự nghiệp bằng cách cho không tôi những khoản tiền. Cha tôi, George F. Getty, luôn phản đối hành động nuông chiều con cái bằng cách cho tiền khi nó đã đủ tuổi để có thể tự kiếm sống. Đúng là cha có tài trợ cho một số hoạt động kinh doanh ban đầu trên cơ sở phân chia 70/30. Tuy nhiên, ngoài các hoạt động chung, tôi đã tự bỏ tiền túi để lo liệu các hợp đồng thuê đất, triển khai khoan và một số bước thi công khác. Cha không cung cấp tiền cho các dự án kinh doanh của riêng tôi và ông cũng không nhận lợi nhuận từ những phi vụ đó.
Đã từng có nhiều lời đồn đại về tôi và tôi muốn làm sáng tỏ chuyện này. Người ta nói rằng cha tôi đã để lại cho tôi một gia tài khổng lồ khi ông qua đời vào năm 1930. Sự thật là theo di chúc, ông chỉ để lại cho tôi 500.000 đô la. Tôi thừa nhận mình có nhận được tiền của cha, nhưng dù sao cũng chỉ là một phần rất nhỏ trong tài sản của ông. Tất cả chỉ có vậy. Cha biết tôi đã tự mình kiếm được vài triệu đô la nên ông để lại phần lớn tài sản cho mẹ tôi.
Sau khi cha và tôi bắt tay hợp tác vào năm 1916, tôi lao vào cuộc săn tìm và khai thác dầu. Trong thời gian đó, tôi luôn giữ vững sự nhiệt huyết của mình cho dù giếng khoan thứ hai tôi tìm thấy không có dầu. Lúc đó, việc săn dầu dường như chảy trong máu, tôi tiếp tục thuê đất và khoan giếng. Tôi tự mình đóng vai trò là nhà địa chất học, cố vấn pháp lý, giám sát khoan, chuyên gia về chất nổ và thậm chí, đôi khi, tôi phải đóng vai một người thô lỗ và bạo lực. Những ngày tháng sau đó là quãng thời gian cực kỳ may mắn với tôi. Các hợp đồng thuê đất mà tôi mua đều là những món hời, các giếng khoan thì phần lớn đều có dầu.
Không có bất cứ bí kíp hay công thức thần bí nào đằng sau những thành công của tôi. Tôi làm tất cả mọi thứ nhà sản xuất dầu độc lập vẫn làm ngoại trừ một việc quan trọng. Khi mà vào thời điểm đó, khoa học địa chất vẫn chưa được phổ cập rộng rãi trong các mỏ dầu, nhiều người đã cười nhạo công khai những “con mọt sách chết dẫm” có thể giúp họ tìm thấy dầu. Đại đa số họ đều không hiểu được bản chất của địa chất học. Tôi là một trong số ít người tin vào địa chất học. Tôi đã nghiên cứu đề tài này một cách say sưa bất cứ khi nào có cơ hội và áp dụng những gì tôi học được vào công việc của mình.
Muốn đưa khoa học địa chất vào thực tế, nhà khai thác dầu phải có một lượng kiến thức và kỹ năng cơ bản. Và đương nhiên, cũng cần những người đáng tin cậy, trung thành, có kinh nghiệm trong đội thám hiểm và khoan của mình. Ngoài những điều này, tôi tin rằng yếu tố may mắn sẽ tạo nên người khai thác dầu thành công hay thất bại khi anh ta có thể tìm được mỏ dầu hay kết thúc với một cái lỗ rỗng tuếch.
Vài người không coi may mắn là yếu tố quan trọng, trong số đó có T. N. Barnsdall, một trong những người tiên phong vĩ đại của ngành công nghiệp dầu mỏ tại Oklahoma. Triệu phú Barnsdall thường đưa ra lý thuyết của mình về những gì ông cho là tạo ra sự thành công trong ngành này.
“Đó không phải may mắn”, ông kiên quyết, “Tìm ra dầu hay không là tùy thuộc vào khả năng thăm dò của anh. Nếu anh thực sự có khả năng, anh có thể đánh hơi thấy mùi dầu ngay cả khi nó nằm ở độ sâu 3.000 feet dưới lòng đất!”
Có lẽ ông ấy nói đúng. Nhưng tôi nghi ngờ điều đó nhiều hơn là tin tưởng. Cá nhân tôi cho rằng không ai có thể phát hiện ra sự hiện diện của một bể dầu ngầm. Tôi chưa từng có bất cứ linh cảm nào về một nhà máy dầu khi đi qua một điểm khoan tiềm năng. Tôi luôn nghĩ rằng những thành công ban đầu của mình thuần túy là do may mắn.
Tuy nhiên, có những người cho rằng chúng tôi, những nhà khai thác dầu, không làm bất cứ việc gì ngoài chờ đợi thời cơ đến và sau đó gặt hái lợi nhuận. Hãy để tôi làm rõ điều này: Kinh doanh dầu mỏ chưa bao giờ là một công việc dễ dàng. Nó đòi hỏi sự chăm chỉ và luôn đầy rẫy những cạm bẫy tài chính, đặc biệt là trong những ngày đầu bước vào ngành này. Giếng khoan đôi khi sẽ nổ tung và lợi nhuận từ các phi vụ thường được xoay vòng lại thành vốn của những lần sau cũng bị nuốt chửng với tốc độ kinh hoàng bởi nỗ lực tốn kém để dập tắt đám cháy.
Các lỗ khoan khô khốc, thiết bị hỏng hóc trong giai đoạn quan trọng, rồi cãi vã, kiện tụng về hợp đồng và quyền lợi thuê đất là một vài trong vô số những vấn đề dẫn đến cạn kiệt nguồn tài chính của nhiều nhà khai thác dầu độc lập.
Thêm vào đó, tất cả những nhà khai thác dầu độc lập thường phải đối mặt với sự cạnh tranh và phản đối mạnh mẽ đến từ các công ty dầu khí lớn. Một trong số những công ty khổng lồ này không phải lúc nào cũng tuân thủ các quy tắc khi họ tham gia đấu tranh tài chính hoặc pháp lý để đánh bại một nhà khai thác độc lập đang phát triển với tốc độ quá nhanh.
Các nhà sản xuất dầu độc lập thường phát triển những thế mạnh, kỹ thuật cho phép họ duy trì hoạt động kinh doanh và làm được việc hơn là để đơn thuần chống lại những ông lớn của ngành dầu khí. Chúng tôi dễ thích nghi và linh hoạt, lão luyện trong việc ứng biến và đổi mới, bởi lý do lớn nhất là chúng tôi muốn sống sót trong ngành công nghiệp này. Ví dụ như, các công ty lớn thường có một đội ngũ và chuyên gia tư vấn, nhân viên hành chính và nhân viên văn phòng làm việc tại các trụ sở lớn và đắt tiền. Còn chúng tôi, những người khai thác độc lập, phải tự tìm các chuyên gia của mình trong số những công nhân khai thác dầu mỏ kỳ cựu - những người mà đã từng thành lập đội thám hiểm và đội khoan hoặc đó là người có thể dựa vào phán đoán và kinh nghiệm của mình để giải quyết vấn đề khi có điều phát sinh. Chúng tôi phải tự làm công việc hành chính, giấy tờ và cố gắng tối giản chúng. Văn phòng của chúng tôi là những chiếc ô tô bị vùi lấp bởi bùn đất từ nơi này đến nơi khác.
Như tôi đã nói, tôi rất may mắn. Tôi từng thực hiện vô số giao dịch đem lại lợi nhuận và tìm được nhiều giếng dầu trong những tháng đầu sau khi bắt đầu công việc này. Công ty Dầu mỏ Getty phát triển thịnh vượng. Tôi trở thành một trong những giám đốc của công ty và được bầu làm thư ký nhưng điều đó không có nghĩa là tôi hoàn toàn lui về sau bàn giấy. Mặc dù có những chức danh mới, công việc của tôi chủ yếu vẫn diễn ra tại các mỏ dầu và trên các giàn khoan. Vai trò của tôi trong công ty vẫn giống như trước đây. Tôi mua bán các hợp đồng thuê đất, thăm dò và khoan dầu.
Khi Getty Oil phát triển, giá trị sở hữu của tôi cũng tăng theo tỷ lệ tương ứng với cổ phần 30% của tôi trong công ty. Tôi bắt đầu thực hiện các dự án mới của riêng mình từ phần lãi thu được. Tất cả những dự án này khiến tôi quá bận rộn trong việc đầu tư tiền của mình đi khắp nơi. Nó khiến tôi quên mất mình thực sự kiếm được bao nhiêu tiền. Sau đó, vào một ngày, tôi dừng lại và thống kê chi tiết tình hình tài chính của bản thân. Tôi đột nhiên nhận ra rằng, tôi đã đi một chặng đường rất dài để hoàn thành những gì tôi muốn bắt đầu từ tháng 9 năm 1914. Tôi đã xây dựng nền tảng doanh nghiệp của riêng mình trong ngành công nghiệp dầu mỏ Mỹ. Chưa đầy 24 tuổi, tôi trở thành một nhà khai thác dầu độc lập thành công. Tôi kiếm được một triệu đô la đầu tiên của mình. Tôi là một triệu phú!
Đạt được điều đó, đồng nghĩa với việc tôi phải dành cả quãng thời gian tuổi trẻ để học tập, làm việc và thành lập doanh nghiệp. Bây giờ, khi đã kiếm đủ tiền để có thể đáp ứng bất kỳ yêu cầu cá nhân nào mà tôi muốn thực hiện trong tương lai gần, tôi quyết định quên hết công việc và tập trung vào tận hưởng cuộc sống.
Quyết định của tôi bị ảnh hưởng một phần bởi cuộc chiến tranh ở châu Âu lúc đó. Mặc dù Mỹ chưa nhúng tay vào Thế chiến thứ Nhất, nhưng tôi cảm thấy sự tham gia của Mỹ vào cuộc xung đột là điều không thể tránh khỏi. Tôi nộp đơn đăng ký chính thức để phục vụ trong hàng ngũ không quân hoặc pháo binh dã chiến nếu Mỹ tuyên chiến. Tôi chắc chắn đây chỉ còn là vấn đề về mặtthời gian trước khi tôi nhận được lệnh nhập ngũ, vì thế tôi muốn thư giãn trước.
Mẹ, cha và tôi đã sống ở Los Angeles, California kể từ năm 1906. Tôi học ở California trước khi đến Oxford và sau đó, bắt đầu sự nghiệp kinh doanh của mình tại các mỏ dầu ở Oklahoma. Tôi yêu cuộc sống dễ dàng, thân thiện và cực kỳ dễ chịu ở California những ngày đó. Vì vậy, thật tự nhên khi tôi chọn Los Angeles là nơi để tận hưởng số tiền tôi kiếm được từ các mỏ dầu.
“Con đã tự tạo ra đủ vận may cho mình và giờ con sẽ nghỉ hưu.” Tôi nhẹ nhàng tuyên bố với cha mẹ và đương nhiên, điều này khiến họ không khỏi giật mình.
Cha mẹ không hài lòng với quyết định của tôi. Cả hai người đã làm việc rất chăm chỉ trong những năm tháng tuổi trẻ. Khi mới kết hôn, mẹ tôi làm giáo viên, cha tôi học luật. Cả hai đều tin rằng, con người được sinh ra để làm việc và một người giàu có luôn xoay vòng vốn vì đó là lý do nó tồn tại. Cha tôi luôn cố giải thích với tôi rằng tiền của một doanh nhân là vốn để đầu tư và tái đầu tư.
“Con phải sử dụng tiền để thành lập, vận hành và xây dựng doanh nghiệp”, ông lập luận, “Tiền bạc của con tạo ra công việc, sự giàu có và một cuộc sống tốt đẹp hơn cho vô số người cũng như cho chính con.”
Ban đầu, tôi không để ý lắm đến những gì cha nói. Sau đó, tôi hiểu ý tứ trong lời nói của ông, nhưng trước tiên tôi phải thử làm mọi thứ theo cách riêng của mình đã. Tôi tậu một chiếc Cadillac Roadster mới, quần áo đẹp và không ngại tiêu tiền cho tất cả những gì tôi muốn. Tôi quyết định cho bản thân rong chơi và như một lẽ tự nhiên, tôi lao thẳng vào tam giác của những trò tiêu khiển Nam California - Los Angeles - Hollywood. Mặc dù thời điểm đó Hoa Kỳ đã tham chiến, nhưng việc nhập ngũ của tôi vẫn bị trì hoãn bởi sự quan liêu của bộ máy lãnh đạo. Cuối cùng, tôi nhận được thông báo, “không cần thực hiện nghĩa vụ quân sự”. Vì thế, tôi dành trọn vẹn những năm tháng chiến tranh ấy để rong chơi và tận hưởng cuộc sống.
Phải mất một thời gian tôi mới nhận ra mình đang lãng phí thời gian và bắt đầu chán ngấy những thứ tiêu khiển này. Cuối năm 1918, tôi cảm thấy không thể chịu đựng cuộc sống như vậy nữa. Đầu năm 1919, tôi quyết định quay lại kinh doanh dầu, mặc kệ nụ cười loáng thoáng của cha, kiểu “Cha đã bảo rồi mà”, trước việc tôi thông báo nghỉ hưu ở tuổi 24 và rồi lại kết thúc điều ấy ở tuổi 26!
Năm 1919, những người khai thác dầu đã chuyển sự chú ý từ Oklahoma sang Nam California, nơi các khu vực sản xuất mới được phát hiện. Vậy là một cơn sốt dầu nổi lên và tôi là một trong số những người tham gia ngay từ đầu. Tuy nhiên, liên doanh tìm kiếm dầu ban đầu của tôi ở Nam California là một thất bại: Tôi khoan giếng đầu tiên của mình trên trang trại Didier gần Puente nhưng nó chỉ là một cái hố rỗng tuếch.
May mắn ở Oklahoma đã “nghỉ hưu” cùng với tôi nhưng cũng không bỏ rơi tôi hoàn toàn. Những lần khoan sau đó đều thành công. Tôi đã khoan vài cái giếng ở Santa Fe Springs, Torrance, Long Beach cùng một vài khu vực khác ở Nam California, và hầu hết đều có dầu. Một số còn mang lại sản lượng đáng tự hào.
Phần lớn thời gian, tôi ở trên các giàn khoan với đội ngũ của mình và điều đó đem lại khoản lợi tức khá bất ngờ. Tôi không được trả tiền để hiện diện như một ông chủ giám sát nhân công. Kết quả mà chúng tôi có được là nỗ lực chung của cả tôi và toàn đội; điều này khác với những nhân viên của các công ty được điều hành bởi các giám đốc mà họ chưa từng gặp và có lẽ cũng chưa bao giờ đặt chân lên giàn khoan. Đó là cách mà tôi lý giải cho tinh thần làm việc tăng vọt của đội chúng tôi.
Tinh thần này rất quan trọng khi mà tại các giếng mới được hàng trăm người khoan ở khắp miền Nam California, đang thiếu hụt trầm trọng công nhân khai thác dầu có kinh nghiệm. Các quản lý nhân sự tại hầu hết các công ty lớn đều lao vào cuộc chiến nhân lực. Họ đấu thầu điên cuồng trên thị trường lao động, và đề xuất phúc lợi đặc biệt cho bất kỳ ai từng có kinh nghiệm làm việc trên giàn khoan. Tuy nhiên, hầu hết những công nhân cũ đều phẫn nộ với việc công ty đang cố gắng mua chuộc họ bằng những thứ hào nhoáng để làm một công việc thực tế. Họ thích đi rừng với các nhà khai thác tự do, những người không hứa hẹn phúc lợi đặc biệt nhưng nói ngôn ngữ của họ và sát cánh với họ trên các giàn khoan.
Tôi sẽ không bao giờ quên cái lần tôi khoan một cáigiếng ngay gần nơi mà một công ty dầu mỏ lớn cũng đang khai thác. Họ đưa ra những điều kiện hấp dẫn đến mức lố bịch để thu hút nhân công. Toàn bộ giàn khoan, từ chân cho đến tận đài điều khiển, đều được sưởi ấm bằng hơi nước. Họ làm một con dốc thoải rải toàn sỏi trên đường tới địa điểm khoan. Họ có nước nóng cho thợ tắm và thậm chí có cả máy giặt để giặt quần áo bảo hộ trong lúc chờ đợi!
Đầu giờ chiều một ngày nọ, không lâu sau khi tôi xới tung cái giếng của mình, một người đàn ông có dáng đi hơi gù xuất hiện tại giàn khoan của tôi và nói rằng anh ta muốn gặp quản lý ở đây. Tôi vừa bước ra, anh ta không để lỡ một phút nào và xin được làm việc trong đội của tôi.
“Anh vẫn đang làm công việc này chứ?” Tôi hỏi.
“Có chứ”, anh ta trả lời, giọng có phần chua chát.
“Ở đâu?”
“Ở đằng kia”, anh ta thô lỗ trả lời, lắc đầu nhìn về phía giàn khoan sang trọng. Tôi nói với anh ta là đội của tôi không có những tiện nghi như ở đó và tôi hỏi lý do anh ta muốn rời bỏ một công việc với phúc lợi xa xỉ như vậy để làm việc ở một nơi đơn sơ như chỗ của tôi.
“Tôi đã ở trên giàn khoan đó được bốn tháng”, anh ta gằn giọng ra vẻ không vui, “và mới khoan được bốn ngàn feet!” Nghe anh ta nói vậy, tôi bật cười. Bốn ngàn feet trong bốn tháng là tốc độ chậm chạp một cách lố bịch.
“Vậy anh nghĩ đội của tôi sẽ mất bao lâu để khoan được từng đó?” Tôi hỏi.
“Chỉ nhìn anh thôi, tôi đoán mất khoảng mười ngày!” Anh ta lẩm nhẩm bấm giờ và trả lời với một nụ cười rộng. “Đó là lý do tại sao tôi muốn làm việc cho anh hơn là cho mấy kẻ bọc mình trong trang phục phồng kem ở đằng kia...!”
Anh ta được nhận và ở lại đội của tôi trong nhiều năm. Giải thích một chút, giếng dầu của tôi được khoan trong thời gian kỷ lục và điều đó chứng tỏ tôi là một nhà sản xuất giỏi. Trong khi đó, giàn khoan khổng lồ kế bên sau cùng lại là một cái hố rỗng, cuối cùng đã bị bỏ hoang.
Một ví dụ khác về tinh thần đồng đội và sự tin tưởng lẫn nhau của chúng tôi là tình huống nan giải chúng tôi phải xử lý liên quan đến một khoảng đất nhỏ.
Tôi đã thuê một mảnh đất nhỏ giữa “rừng” giếng dầu ở bãi biển giàu có California. Rất tình cờ, mảnh đất này bị các công ty đang hoạt động ở gần đó bỏ qua. Một công ty mà tôi nắm giữ một khoản cổ phần đáng kể đã giành được hợp đồng thuê nhưng sắp sửa bán nó đi để bù lỗ. Tất cả đều cho rằng mảnh đất đó chẳng thể đem lại chúng tôi bất cứ thứ gì, bởi nó chỉ lớn hơn diện tích sàn của một ngôi nhà nhỏ. Lối vào duy nhất là một con đường dài vài trăm feet nhưng rộng chưa đến bốn feet. Chúng tôi không thể chở bất cứ thứ gì ra vào đây bằng xe tải. Ngay cả nếu điều đó là có thể, lô đất có kích cỡ siêu nhỏ này cũng sẽ không chứa được một giàn khoan và máy khoan cỡ thông thường. Các công ty nắm giữ những mảnh đất liền kề chắc chắn cũng sẽ không cho ai đi nhờ vào đất của họ vì thêm một giếng dầu có nghĩa là sản lượng của họ có thể sẽ giảm.
Các cộng sự khuyên tôi nên quên luôn mảnh đất đó đi: “Cậu sẽ không bao giờ dựng được một giàn khoan tốt ở đó, kể cả là một triệu năm nữa.”
Tôi tỏ ra khá bướng bỉnh và lập luận rằng phải có cách. Tôi trao đổi điều này với những người mà tôi có niềm tin lớn nhất - những thành viên trong đội khoan của tôi. Họ lắng nghe tôi và phản ứng của họ cũng giống tôi. Họ coi đó là một thách thức nhưng không thể cưỡng lại.
“Hãy tới đó xem sao”, một anh chàng say rượu khó tính lầm bầm, “Chúng tôi sẽ tìm cách. Đừng lo lắng!” Một vài người và tôi đã trực tiếp đi khảo sát tình hình và chúng tôi công nhận rằng thực tế nó trông khá vô vọng.
“Tôi nghĩ rằng chúng ta có thể khoan giếng với một giàn khoan siêu nhỏ”, thợ khoan trầm ngâm sau khi suy nghĩ rồi nói tiếp, “Nếu cậu có thể nhờ ai đó thiết kế và dựng nó, chúng tôi có thể tiến hành nhưng tôi không thể hình dung được chúng ta sẽ mang mọi thứ chúng ta cần tới đây như thế nào...”
Những rào cản có vẻ như khó có cách giải quyết cho đến khi tôi nghe được lời gợi ý của người thợ khoan về một giàn khoan siêu nhỏ. Nếu chúng tôi có thể khoan với một giàn khoan siêu nhỏ thì tại sao lại không thể vận chuyển vật liệu bằng một đường ray siêu nhỏ? Đây quả là một giải pháp hoàn hảo: Một đường ray hẹp với một, hai chiếc xe có thể mang vật liệu để dựng một giàn khoan siêu nhỏ và cung cấp vật liệu vào tới địa điểm khoan từ đường lớn.
Bướng bỉnh, cố chấp? Khao khát chứng minh rằng chúng tôi có thể làm được việc mà không ai khác có thể? Có lẽ vậy. Dù sao thì cả giàn khoan và đường ray thu nhỏ cũng đã được chúng tôi dựng lên. Từng bộ phận của giàn khoan được vận chuyển trên các đường ray và được lắp ráp bằng tay trên lô đất nhỏ xíu. Giếng được khoan và lợi nhuận thật sự đã phát sinh từ phi vụ táo bạo này.
Sự việc này lại gợi nhắc tôi về những phi vụ làm ăn đáng nhớ vào thập niên 1920. Trong số đó, có một mảnh đất do tôi tiếp quản mà sau này người ta đặt cho nó cái tên là Cánh đồng Athen, ở vùng ngoại ô phía Nam Los Angeles. Tôi có được mảnh đất đó với số tiền khoảng hơn 12.000 đô la. Vì “tự thân vận động” trên những gì mình có nên tôi hiểu rằng phải chấp nhận rỗng túi trước khi giếng đầu tiên được khai thác. Tôi đã đích thân làm giám sát công trình này. Trong số những người tôi thuê, có ba tay khoan giỏi nhất trong ngành: Walter Phillips, Oscar Prowell và McMurdo. Chúng tôi khoan xong giếng đầu tiên vào ngày 16 tháng 2 năm 1925, ở độ sâu 4.350 feet, sản lượng ngày đầu là 1.500 thùng. Một thời gian ngắn sau đó, tôi đã khai thác xong giếng thứ hai với sản lượng 2.000 thùng mỗi ngày. Trong chín năm tiếp theo, hai giếng trên ở Athens đã đem lại 400.000 đô la doanh thu, một mức lợi nhuận rõ ràng vượt quá xa so với những chi phí bỏ ra.
Phi vụ ở Cleaver Hire, Alamitos Heights còn ngoạn mục hơn nữa. Tôi đã chi 8.000 đô la bằng séc cá nhân vào tháng 10 năm 1926 để mua mảnh đất đó từ một gã muốn đánh nhanh thắng nhanh khi mới chỉ sở hữu nó với giá 4.000 đô la vài ngày trước.
Tôi tìm thấy giếng dầu đầu tiên vào ngày 21 tháng 2 năm 1927 và sau đó khoan thêm được ba giếng dầu trên mảnh đất đó. Tất cả các giếng đều vận hành tốt và cho ra tổng cộng hơn 17.000 thùng dầu mỗi ngày. Từ năm 1927 đến 1939, doanh thu từ các giếng ở Cleaver Hire đạt gần 800.000 đô la, bằng 10.000% khoản đầu tư ban đầu của tôi. Tuy vậy, sau vài tuần khoan xong giếng đầu tiên, tôi không chỉ suýt mất toàn bộ gia tài mà còn suýt mất chính miếng đất đó. Lần đó, tôi rút ra được hai bài học. Đầu tiên, tôi đã biết một nhà kinh doanh cỡ vừa phải đối mặt với những gì khi làm ăn cùng với các công ty dầu mỏ lớn. Thứ hai, trong khi một số công ty lớn không do dự bóp nghẹt những doanh nhân độc lập nhỏ lẻ thì bên cạnh đó, cũng có những công ty sẵn sàng giúp đỡ.
Ngay khi khai thác thành công giếng Cleaver Well số 1 với sản lượng đáng ngạc nhiên lên đến 5.100 thùng mỗi ngày, tôi phải đi tìm công ty thu mua sản phẩm thô của mình. Thất vọng thay, tất cả những công ty mà tôi tiếp cận đều từ chối giao dịch. Động cơ đằng sau sự tẩy chay lộ liễu này ngày càng rõ, khi mà tôi nhận được các cuộc gọi từ nhà môi giới đòi thuê lại mảnh đất ở Cleaver với giá rất thấp. Điều lạ là các nhà môi giới từ chối nêu tên công ty mà họ đại diện.
Thời điểm đó, tôi đã là một kẻ lõi đời trong ngành dầu khí. Tôi nhận ra tất cả những dấu hiệu của một cuộc chiến được tổ chức một cách tinh vi. Họ muốn có mảnh đất của tôi. Hoặc là bán hết tất cả những gì tôi có với một cái giá thấp đến nực cười, hoặc là sẽ không ai mua một thùng dầu nào được khai thác từ đó.
Không bán được dầu, tôi đành tìm cách lưu trữ. Cơ sở lưu trữ duy nhất lúc đó nằm ở khu vực Los Angeles - là trong một nhà máy lọc dầu đã ngừng hoạt động. Tôi thuê ngay lập tức hai bể chứa với tổng sức chứa lên đến 155.000 thùng. Trong khi tôi chật vật đi tìm công ty thu mua 5.100 thùng dầu thô mỗi ngày của giếng thứ nhất thì giếng thứ hai bắt đầu sản xuất ra 5.000 thùng mỗi ngày. Tiếp đó là giếng thứ ba cho ra 5.100 thùng mỗi ngày và giếng thứ tư với sản lượng kém nhất 2.100 thùng mỗi ngày. Tốc độ sản xuất này đã nhanh chóng lấp đầy hai bể chứa nhưng tôi vẫn không thể tìm được đầu ra. Tôi biết rằng khi bể chứa đầy, tôi sẽ không còn cách nào khác ngoài việc cho ngừng toàn bộ các hoạt động lại.
Đương nhiên, tôi không có được một đồng nào từ bốn giếng dầu đó. Nguồn tiền mặt của tôi vốn đã không mấy dư giả sau khi đầu tư hết vào khai thác, giờ lại càng tiêu biến nhanh chóng hơn do chi phí thuê bể chứa và vận chuyển dầu thô về nơi lưu trữ. Tình hình lúc đó rất dễ biến thành một thảm họa tài chính. Vào lúc đó, tôi quyết định tấn công trực diện vào công ty lớn nhất trong số các tập đoàn dầu mỏ - Shell Oil. Một sự trùng hợp may mắn, George Legh-Jones, khi đó là Chủ tịch của Shell Oil, đã đến thăm Los Angeles. Trong lúc tuyệt vọng, tôi phải nhắm tới mục tiêu lớn. Tôi đã đề nghị một cuộc hẹn cá nhân với ông ấy và được hồi đáp rằng ông ta rất vui lòng gặp tôi trong chuyến đi lần này.
George là một người đàn ông ấm áp, thân thiện. Ông ta chăm chú lắng nghe những gì tôi nói. Sự khó chịu khắc sâu trên khuôn mặt khi ông nghe về chuyện tôi bị tẩy chay. Điều đó là minh chứng rõ ràng cho việc ông ta không phải là người sẽ làm điều đó với tôi và thậm chí còn rất bất bình trước mấy trò tiểu nhân ấy. Khi tôi đã trình bày xong, ông ta mỉm cười trấn an.
“Thư giãn đi”, ông cười và nói, “Chúng tôi sẽ giúp anh.”
George nói với tôi rằng công ty của ông ta sẽ mua trước 1.750.000 thùng dầu thô được khai thác bởi các giếng dầu ở Cleaver Hire của tôi. Ngoài ra, ông ta cũng sẽ lắp đặt đường ống để liên kết giếng dầu của tôi với hệ thống đường ống của Shell Oil vào ngay ngày hôm sau.
George và Shell Oil quả nhiên đã giữ lời. Đội ngũ của Shell đã đến chỗ tôi vào sáng sớm hôm sau và bắt đầu đặt đường ống. Cuộc tẩy chay không thành và hoạt động ở Cleaver của tôi tiếp tục tiến triển một cách an toàn và sinh lợi nhuận!
Gần cuối những năm 1920, ngành công nghiệp dầu khí ở Mỹ bắt đầu trải qua một bước ngoặt lớn. Mọi việc nhanh chóng trở nên phức tạp khi chi phí khai thác và sản xuất dầu tăng cao hơn bao giờ hết. Để thuê được đất, máy móc thiết bị, thăm dò, khoan giếng, đòi hỏi mức đầu tư và vốn lớn hơn rất nhiều. Hầu hết các bể dầu nằm gần bề mặt trong vành đai dầu đã được định vị và đang khai thác. Việc tìm đến những nguồn dầu ở nơi xa và sâu hơn trở nên rất cấp thiết.
Có rất nhiều vụ sáp nhập và hợp nhất các công ty dầu khí. Một số nhà khai thác dầu độc lập đã thất bại. Những người khác thì bán hết tài sản cho các công ty dầu lớn. Ngoài ra còn có một dòng chảy ngầm kỳ lạ, đáng quan ngại “chạy qua” toàn bộ nền kinh tế Hoa Kỳ. Đó là thị trường chứng khoán niêm yết cổ phiếu ở mức cao tuyệt vời, nhưng cùng với đó là những cảnh báo về vấn đề kinh tế phía trước.
Đây được coi là giai đoạn quan trọng đối với tất cả những nhà đầu tư mạo hiểm và cũng là thời điểm đặc biệt khó khăn với tôi. Tôi phải xử lý các thương vụ kinh doanh mọc lên như nấm của riêng mình từ các hợp đồng thuê đất, các giếng sản xuất và các công ty. Sau đó là vấn đề về khối cổ phiếu khá lớn từ các công ty của cha mà tôi mua được. Bấy giờ, sức khỏe của cha đã bắt đầu xấu đi và tôi nhận thấy việc phải tích cực tham gia quản lý hoạt động của các công ty đó ngày càng cần thiết.
Năm 1929, thị trường chứng khoán sụp đổ. Một năm sau, bố tôi bị đột quỵ. Mặc dù đã ngoài 75 tuổi, ông vẫn kiên cường chiến đấu với sự đau đớn trong vài tuần. Ông mất vào ngày 31 tháng 5 năm 1930. Tôi và mẹ không có nhiều thời gian để tưởng nhớ cha. Chúng tôi phải tiếp tục kinh doanh và tiếp quản các công ty của ông. Chính phủ Liên bang thì thúc ép chúng tôi giải quyết nhanh chóng thuế thừa kế. Chuyện này và nhiều vấn đề khác đều đòi hỏi phải giải quyết ngay lập tức nhưng tất cả đều phức tạp hơn bởi suy thoái kinh tế ngày càng tồi tệ. Nhiều người khuyên tôi nên thanh lý tất cả mọi thứ, không chỉ các tài sản của người cha quá cố mà còn cả công ty và tài sản của riêng tôi.
“Tình hình kinh doanh chỉ có thể tồi tệ hơn. Và, nền kinh tế sẽ sụp đổ hoàn toàn!” - họ dự đoán.
Tôi không bao giờ nhìn mọi thứ theo cách đó. Tôi tin rằng nền kinh tế của quốc gia về cơ bản rất vững chắc, mặc dù nó có thể tệ hơn trong tương lai gần, nhưng cuối cùng sẽ phục hồi trở lại và mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Vì vậy, với tôi, thời điểm này chính là lúc để mua - không phải bán.
Cổ phiếu của nhiều công ty dầu đã được bán ở mức thấp nhất trong lịch sử; chúng chính là những món hời ngoạn mục. Tôi đã có thể bắt đầu hình dung ra mô hình tổ chức của một doanh nghiệp dầu mỏ được tích hợp và khép kín, không chỉ bao gồm khoan và sản xuất - những việc mà tôi vẫn tự mình làm mà còn cả vận chuyển, tinh chế và thậm chí là tiếp thị bán lẻ.
Trong kinh doanh, cũng giống như trong chính trị, đi ngược dòng dư luận không bao giờ là dễ dàng. Các doanh nhân muốn đi ngược dòng đều phải xác định tinh thần sẽ bị cản trở, chế giễu và gặp vô vàn khó khăn. Tôi cũng ở trong tình thế tương tự vào đợt suy thoái kinh tế Mỹ những năm 1930. Tôi quyết tâm mua cổ phiếu quy mô lớn và xây dựng một doanh nghiệp dầu mỏ khép kín. Bạn bè, người thân của tôi, thậm chí cả các đối thủ, cảm thấy đó sẽ là sai lầm chết người. Vào thời điểm tôi tuyên bố ý định mua lại một trong bảy công ty dầu khí lớn nhất đang hoạt động ở California, ngay cả những người từng ủng hộ tôi trong quá khứ cũng bắt đầu nghĩ rằng tôi là kẻ mất trí.
Các công ty dầu lớn có thể mua lại các công ty khai thác độc lập nhỏ hơn và đúng là họ thường làm vậy. Nhưng một nhà điều hành độc lập mua một công ty dầu lớn? Đó là chuyện không tưởng, nó sẽ đảo lộn hết mọi trật tự được thiết lập từ trước!
Tuy nhiên, tôi vẫn tiếp tục với kế hoạch của mình, vì tôi đang hướng đến một tương lai xa hơn. Các công ty dầu khí mà tôi đã kiểm soát hoặc có liên đới lúc bấy giờ chỉ tham gia vào việc tìm kiếm và khai thác dầu. Để đảm bảo thị trường cho lượng dầu sẽ được khai thác trong tương lai, đầu tư vào một công ty có nhu cầu dầu thô, có hạ tầng tiếp thị và tinh chế dầu đầy đủ sẽ là một bước đi khôn ngoan. Chỉ có bảy công ty như vậy ở California, đó chính là bảy công ty đầu ngành.
Công ty Standard Oil (California) đứng đầu danh sách - rõ ràng là quá khó để một doanh nghiệp độc lập như chúng tôi thao túng; điều đó tương tự với Công ty Shell Oil. Sự lựa chọn tiếp theo của tôi là Công ty Dầu Union, nhưng công ty này đã có nguồn dầu thô của riêng mình. Còn công ty Dầu khí General gần như là một doanh nghiệp kín và cổ phiếu của nó không phát hành đại chúng. Điều đó đồng nghĩa, chỉ còn lại ba công ty: Richfield Oil, bấy giờ đã phá sản nên không hấp dẫn lắm; Công ty Dầu mỏ Texas thì đã có nguồn cung dầu thô của riêng mình; và Công ty Dầu Tide Water Associated.
Tide Water Associated có vẻ là sự lựa chọn hợp lý nhất với tôi vào thời điểm đó. Công ty này chỉ sử dụng một nửa công suất hạ tầng tinh chế cho số lượng dầu mỏ mà nó khai thác được, số dầu còn lại đều được mua lại từ các nhà sản xuất khác. Tide Water cũng có hệ thống tiếp thị tốt và các sản phẩm của họ đều lấy được lòng người tiêu dùng.
Tôi nhìn thấy những lợi ích rất lớn nếu liên kết được với Tide Water và lợi ích đó sẽ được chia sẻ cho tất cả các bên, đặc biệt là 34.668 cổ đông của Water và toàn bộ khách hàng đã mua sản phẩm của công ty.
Tôi bắt đầu chiến dịch Tide Water vào tháng 3 năm 1932 bằng cách mua 1.200 cổ phiếu phổ thông với giá 2,50 đô la cho mỗi cổ phiếu. Trong vòng sáu tuần tiếp theo, tôi đã tăng sở hữu của mình lên 41.000 cổ phiếu. Và phải mất tới 20 năm sau, tôi mới nắm được quyền kiểm soát công ty. Vào thời điểm đó, các công ty sản xuất của tôi và chính bản thân tôi đã mua hàng triệu cổ phiếu của Tide Water. Phán đoán vào năm 1932 của tôi đã không sai. Trong 5 năm tiếp theo, giá trị cổ phiếu phổ thông của Tide Water đã tăng lên hơn 16 đô la và sau cùng, giá trị của mỗi cổ phiếu còn tăng lên gấp nhiều lần.
Không dễ để giành được quyền kiểm soát Công ty Dầu Tide Water. Tôi đã chịu đựng nhiều rủi ro, sự phản đối và phải giải quyết vô số những cuộc chiến ủy nhiệm và cấm pháp vô căn cứ. Không biết bao nhiêu tình thế tiến thoái lưỡng nan đã xảy ra và kết quả cuối cùng luôn là điều không thể nói trước được.
Nỗ lực đầu tiên của tôi để có được tiếng nói trong ban quản lý của Tide Water là vào tháng 5 năm 1932, khi tôi đến cuộc họp cổ đông thường niên với 41.000 cổ phiếu của mình, cùng với 126.000 cổ phiếu phát hành thêm đã được ủy quyền. Tuy nhiên, vì một lý do mà vào phút cuối cùng, quyết định ủy quyền đã bị thu hồi, những nỗ lực của tôi đã kết thúc trong thất bại. Sau này tôi đã mua thêm cổ phiếu và cố gắng bán ý tưởng của mình cho các giám đốc của Tide Water. Tuy nhiên, họ không cùng quan điểm với tôi nên đã dẫn tới tranh cãi. Vì sao ư? Trước hết, vì tôi là người ngoài cuộc. Tôi gần như không có chút kinh nghiệm nào trong ban quản lý.
“Paul Getty nên quay lại chỗ của anh ta ở giàn khoan”, một vị giám đốc ở Tide Water cười khẩy khi thấy tôi đang mua một số lượng lớn cổ phiếu của công ty. Và tôi e rằng những người khác trong hội đồng thậm chí còn thiếu thiện chí hơn đối với tôi và tham vọng của tôi.
Dù tôi đã nghiên cứu kỹ về tổ chức và cách vận hành của Tide Water, đồng thời đề nghị công ty thực hiện một số cắt giảm và thay đổi nhất định, nhưng góp ý này dường như quá táo bạo so với các giám đốc bảo thủ nên đã gây ra sự bất bình từ họ.
Tôi cũng kết luận được rằng phần lớn các nhà máy tinh chế của Tide Water đã lỗi thời, không thì cũng sẽ sớm trở nên lỗi thời. Tôi tin rằng công ty nên thực hiện các phương pháp thay thế và hiện đại hóa nhưng ban lãnh đạo lại lưỡng lự khi thực hiện các khoản đầu tư trong khi kinh doanh thì đang sụt giảm. Ban giám đốc gọi đó là “sự thận trọng cần thiết”. Tôi thì xem đó là sự bủn xỉn thiển cận và nguy hiểm.
Đến năm 1933, tôi sở hữu gần 260.000 cổ phiếu Tide Water - một lượng quá lớn để họ khó có thể dễ dàng nhắm mắt cho qua. Tôi được bầu vào hội đồng quản trị của công ty nhưng đó chỉ là một chiến thắng ở vỏ ngoài. Tôi chỉ có một mình trong khi họ rất đông và các cổ đông khác thì vẫn kiên quyết chống lại tôi cùng những đề xuất của tôi. Tôi tiếp tục mua cổ phiếu Tide Water. Các vụ tranh chấp ủy quyền, kiện cáo và kháng cáo liên tục nổ ra. Lệnh cấm, lệnh bắt và trát tòa án liên tục được ban hành.
Đến cuối năm 1937, công ty Getty đã sở hữu đủ số cổ phiếu để có được tiếng nói trong ban quản lý. Ba năm sau, chúng tôi đã nắm giữ 1.734.577 cổ phiếu, tức một phần tư số cổ phiếu có quyền biểu quyết, và cũng từ đây, nhiều thay đổi tôi đề xuất đã được thực hiện. Đến năm 1951, tôi đã nắm giữ đủ lượng cổ phiếu Tide Water để có được quyền kiểm soát áp đỏa. Khi đó, “Associated” đã bị bỏ khỏi tên công ty và “Tide Water” ghép thành một từ duy nhất. Hai năm sau, với phiếu bầu từ tất cả giám đốc trừ tôi, chiến dịch thâu tóm cuối cùng cũng kết thúc. Ngày nay, tài sản của Tide Water đã vượt hơn 800.000.000 đô la.
Vào năm 1938, tôi tạm thời gác lại chuyện kinh doanh dầu mỏ và chuyển qua mua lại khách sạn Pierre ở thành phố New York với giá 2.350.000 đô la, chưa bằng một phần tư chi phí ban đầu giá trị của nó (1929-1930). Sau đó, tôi đã mua vài trăm mẫu đất ở Acapulco, Mexico, nơi mà sau này khách sạn Pierre Marques được xây dựng trên bãi biển Revolcadero. Trái với những tin đồn cho rằng tôi sở hữu một chuỗi khách sạn, tôi chỉ sở hữu duy nhất hai khách sạn này.
Vào năm 1937, trong khi chiến dịch Tide Water vẫn kéo dài, tôi đã giành được quyền kiểm soát một công ty có tên là Mission Corporation. Trong số các tài sản mà Mission nắm giữ có một khoản cổ phiếu 57% của Công ty Dầu mỏ Skelly, một công ty dầu lớn có trụ sở tại Tulsa, Oklahoma. Do đó, thật bất ngờ, tôi đã có được quyền kiểm soát một công ty có thu nhập ròng vào năm 1937 lên đến 6.400.000 đô la, và ngày nay có tài sản trị giá hơn 330.000.000 đô la.
Nhưng đây không phải là toàn bộ, trong số các công ty con của Skelly Oil có Tập đoàn Máy bay Spartan, một công ty tồn tại ở Tulsa từ năm 1928 chuyên chế tạo máy bay, đào tạo phi công và hoa tiêu. Tôi đến thăm nhà máy Spartan lần đầu tiên vào ngày 7 tháng 12 năm 1939. Hoạt động sản xuất máy bay của công ty này lúc đó khá hạn chế; chỉ có khoảng 60 công nhân làm việc trong nhà máy. Nhưng trường đào tạo phi công thì hoạt động sôi nổi hơn nhiều. Thực ra, đây là trường đào tạo bay tư nhân lớn nhất ở Mỹ.
Sau khi vừa trở về từ một chuyến đi tới châu Âu, nơi đang xảy ra chiến tranh, tôi đã bị thuyết phục rằng Hoa Kỳ cuối cùng rồi cũng sẽ phải dồn sức vào cuộc chiến chống lại Phe Trục. Do đó, tôi cảm thấy máy bay Spartan sẽ có vai trò ngày càng quan trọng trong chương trình phòng thủ quốc gia, nhưng tôi đã không thể đoán hết được tầm quan trọng của nó.
Hai năm sau ngày đầu tiên tôi đến Spartan, người Nhật tấn công Trân Châu cảng và Hoa Kỳ cũng đang tham chiến. Thời điểm ấy, người mẹ yêu dấu của tôi qua đời. Đó là một cú sốc nặng nề với tôi. Mặc dù lúc đó tôi đã gần 50 tuổi, nhưng tôi cảm thấy nỗi mất mát sâu sắc như thể tôi vẫn còn là một đứa trẻ.
Tin tức chiến tranh tràn ngập các tờ báo. Tôi không được phục vụ trong Thế chiến thứ Nhất, và bây giờ tôi hy vọng có cơ hội phục vụ trong Thế chiến thứ Hai. Tôi nghiên cứu về điều hướng thiên thể và suốt cuộc đời tôi sở hữu tổng cộng ba chiếc du thuyền, chiếc lớn nhất nặng 260 feet với phi hành đoàn 45 người. Trên cơ sở đó, tôi mong muốn đầu quân phục vụ trong Hải quân Hoa Kỳ. Tuy vậy, Hải quân đã thông báo rằng họ khó có thể sắp xếp vị trí cho một doanh nhân trung niên trừ khi anh ta sẵn sàng làm một công việc hành chính bình thường ở trên bờ. Sau khi cố gắng thử hết mọi cách, tôi có được một cuộc hẹn với Bộ trưởng Hải quân Frank Knox để nói về mong muốn của mình. Tôi nói với ông ấy rằng tôi muốn được đầu quân tham gia nhiệm vụ trên biển.
“Ông đủ điều kiện để đầu quân vào vị trí nhân viên hành chính hoặc cung ứng”, Bộ trưởng Knox tuyên bố, “Nhưng nhiệm vụ trên biển là không thể.” Ông ta dừng lại và cân nhắc kỹ hơn, “Tôi hiểu rằng ông rất quan tâm đến Tập đoàn Máy bay Spartan”, ông lên tiếng sau một hồi lâu. Tôi khẳng định đó đúng là phản ứng của ông ấy.
“Lực lượng vũ trang đang cần một nhà máy chế tạo máy bay sản xuất quy mô lớn càng sớm càng tốt”, ông nói với tôi, “Sự phục vụ lớn nhất mà ông có thể đóng góp là bỏ tất cả các lợi ích kinh doanh khác và tiếp quản trực tiếp công ty Spartan.”
Và, tôi đã đến Tulsa với tư cách là chủ tịch của Spartan vào tháng 2 năm 1942. Có rất nhiều việc phải làm nhưng thời gian lại khá eo hẹp. Các cơ sở sản xuất, bao gồm cả không gian nhà máy, cần phải được mở rộng; máy móc và công cụ cần được sắm mới; các kỹ sư và kỹ thuật viên cần được tuyển dụng và hàng ngàn công nhân cần được thuê và đào tạo. Mặc dù cả quá trình đó có xảy ra một số chậm trễ, thiếu thốn và thậm chí cả thất bại, nhưng nhà máy đã đạt được sản lượng cao nhất trong vòng chưa đầy 18 tháng.
Tôi điều hành các hoạt động của Spartan rất tích cực và trực tiếp trong suốt Thế chiến thứ Hai. Trước khi chiến tranh kết thúc, trường bay Spartan đã đào tạo ra 1.700 phi công mới trong cùng một lúc. Đến thời điểm chiến thắng Nhật Bản, nhà máy Spartan sở hữu tới hơn 5.500 công nhân, chế tạo ra một loạt bộ phận và linh kiện máy bay theo hợp đồng từ các hãng máy bay lớn. Trong đó gồm có: 5.800 bộ thang máy, máy bay và bánh lái cho máy bay ném bom B-24; 2.500 bộ gắn động cơ cho máy bay chiến đấu P-47; hàng trăm máy bay ném bom Curtiss; hàng ngàn máy bay ném bom Douglas; cánh cho máy bay chiến đấu Grumman Wildcat; đuôi cánh cho P-38 của Lockheed. Spartan cũng đã từng sản xuất máy bay N-1.
Thành tích sản xuất của Spartan đã nhận được lời khen ngợi từ lực lượng vũ trang; tất cả là nhờ sự làm việc hiệu quả và lòng trung thành của công nhân và những người đã góp phần vào chiến thắng chung. Tôi ở lại Spartan cho đến năm 1948 để điều hành công ty nỗ lực cải tổ sản xuất xe kéo trong nhà vào thời bình. Sau đó, một lần nữa, tôi quay lại với tình yêu kinh doanh đầu tiên và lớn nhất của mình, dầu mỏ.
Các công ty dầu mỏ của tôi giờ đây đã phát triển thịnh vượng và năng động hơn bao giờ hết, nhưng đã đến lúc chúng tôi mở rộng thị trường. Bởi nhu cầu lớn từ trữ lượng dầu của Mỹ trong chiến tranh khiến lượng tiêu thụ xăng dầu sau chiến tranh đang ngày càng tăng mạnh trên toàn thế giới. Những kẻ săn dầu đã đi khắp nơi để tìm kiếm nguồn dầu mới ở Canada và các quốc gia vùng Trung Mỹ, châu Phi và Trung Đông. Bản năng, linh cảm và sự may mắn đã mách bảo tôi rằng Trung Đông sẽ là miến đất hứa để thăm dò dầu khí. Bởi tôi gần như đã có một khu dầu mỏ ở Trung Đông vào những năm 1930, nhưng lại không có cơ hội theo đuổi đến cùng. Bây giờ, tôi quyết định tìm kiếm một khu dầu mỏ khác để bù đắp cho cơ hội mà tôi đã để tuột mất. Vào tháng 2 năm 1949, Getty đã sở hữu được quyền khai thác trong 60 năm với một nửa lợi tức của khu vực thường được gọi là Khu vực trung lập, nằm ở sa mạc khô cằn hầu như không có người sinh sống, giữa Vịnh Ả Rập và Kuwait trên Vịnh Ba Tư.
Quyền khai thác của chúng tôi được cấp bởi nhà vua Ibn Saud của Saudi Arabia. Ngay sau khi cân nhắc cấp quyền tìm kiếm và khoan dầu ở Khu vực trung lập, Chính phủ Saudi Arabia đã nhận được khoảng 12.500.000 đô la. Đây là quyết định mang tính rủi ro lớn và nhiều người trong ngành dầu khí một lần nữa công khai dự đoán rằng tôi sẽ phá sản.
Cần 4 năm và 18.000.000 đô la trước khi chúng tôi vận chuyển được hạ tầng đầu tiên vào Khu vực trung lập. Đến năm 1954, tôi đã có thể thư giãn và tận hưởng sự bẽ mặt của những kẻ tiên đoán rằng tôi sẽ thất bại. Khu vực trung lập đã chứng tỏ là một trong những mỏ dầu giá trị nhất trên thế giới. Hết giếng dầu này tới giếng dầu khác được tìm thấy và các nhà địa chất ước tính một cách thận trọng rằng trữ lượng tại khu vực mà tôi có quyền khai thác vượt quá 13 tỷ thùng!
Với trữ lượng khổng lồ này cùng việc tìm kiếm các giếng khác ở Trung Đông và hàng triệu thùng dầu thô hàng năm ở những khu vực tôi đang có, việc mở rộng kinh doanh theo mô hình khác là rất cần thiết. Các công ty phải xây dựng và mua thêm các nhà máy lọc dầu để xử lý việc sản xuất dầu thô khổng lồ. Đường ống, cơ sở lưu trữ, dự án nhà ở cho công nhân và vô số công trình cơ sở khác đã và đang được xây dựng khẩn trương.
Một nhà máy lọc dầu của Công ty Tide Water Oil trị giá 200.000.000 đô la đã được hoàn thành tại Wilmington, Delkn, vào năm 1957. Ngay sau đó, một nhà máy lọc dầu Tide Water khác gần San Francisco đã được hiện đại hóa với chi phí 60.000.000 đô la. Rồi đến nhà máy lọc dầu mới với hiệu suất 40.000 thùng một ngày ở Gaeta, Ý cùng một số nhà máy khác có công suất khoảng 20.000 thùng một ngày ở Đan Mạch cũng được đưa vào hoạt động.
Vào năm 1954 và 1955, những chiếc tàu đầu tiên trong một đội tàu chở dầu bắt đầu được lắp ráp. Một vài chiếc đã được hoàn thành và đưa vào hoạt động. Dự án xây dựng tàu chở dầu cũng được tiến hành. Trọng tải hiện tại và đang trong xây dựng vượt quá 1.000.000 tấn. Trong số đó, có những chiếc tàu khổng lồ có khả năng vận chuyển lên tới 70.000 tấn dầu.
Công ty Đầu tư Getty gần đây đã xây dựng các tòa nhà văn phòng mới ở Los Angeles (California), Tulsa (Oklahoma) và thành phố New York, với tổng chi phí lên tới 40.000.000 đô la. Bất kể thuộc ngành nghề gì, các nhà máy và doanh nghiệp thuộc sở hữu của Getty đều được định hướng và mở rộng ổn định. Ban quản lý không ngừng tìm cách và phương tiện để tăng sản lượng. Các dự án quy mô lớn được tiến hành để phát triển các sản phẩm mới và tìm các ứng dụng mới cho sản phẩm cũ. Trong số những hoạt động mà các công ty đang tham gia, dầu mỏ và khoáng sản không phải ngành nghề kém năng động nhất vì hoạt động được tiến hành trải dài trên khắp bốn lục địa.
Đó là toàn bộ câu chuyện về cách tôi chọn con đường thành công, cách tôi đi từ những ngày tìm dầu đầu tiên ở các mỏ tại Oklahoma, cách tôi xây dựng doanh nghiệp và tạo ra vận may cho chính mình. Tôi còn muốn thêm một đoạn chú thích ngắn, mang tính cá nhân sau đây.
Trong nhiều năm, tôi đã cố gắng, ít nhất trong một thời gian dài để tránh khỏi sự nổi tiếng cá nhân. Hay đúng hơn, vì tôi không làm gì để tìm kiếm hay trốn tránh nó, nên nói sự nổi tiếng cá nhân né tránh tôi sẽ chính xác hơn. Tình trạng vô danh êm ái này kết thúc đột ngột và mãi mãi vào tháng 10 năm 1957, khi tạp chí Fortune xuất bản một bài viết liệt kê những người giàu nhất nước Mỹ. Tên tôi đứng đầu danh sách, và bài báo đã gán cho tôi danh nghĩa của một tỷ phú hay “Người giàu nhất nước Mỹ”. Sau đó, các ấn phẩm khác ban tặng cho tôi danh hiệu thậm chí còn hoành tráng hơn, “Người đàn ông giàu nhất thế giới”.
Kể từ đó, tôi bị bao vây bởi các yêu cầu tiết lộ chính xác số tiền tôi có. Hiếm có ai tin khi tôi trả lời một cách trung thực là tôi không biết, và rằng không có cách nào để biết con số chính xác. Hầu hết tài sản của tôi được đầu tư vào các doanh nghiệp mà tôi sở hữu hoặc kiểm soát. Tôi chưa từng tuyên bố về mức độ giàu có của mình và tôi thực sự không quan tâm mình giàu đến mức nào.
Ngày nay, các công ty của tôi vẫn đang phát triển mạnh mẽ và có nhiều dự án đầy tham vọng để mở rộng hơn nữa. Mối quan tâm hàng đầu của tôi vẫn nằm ở việc đảm bảo rằng các công ty này tiếp tục phát triển để có thể cung cấp nhiều việc làm và sản xuất nhiều hàng hóa, dịch vụ vì lợi ích của cộng đồng. Các cộng sự của tôi và tôi tin chắc rằng xu hướng kinh tế toàn thế giới đang đi lên dù có những bất ổn và sợ hãi đang len lỏi trong thời đại của chúng ta. Thế giới đang đứng trước ngưỡng cửa của sự thịnh vượng lớn hơn bất kỳ thời điểm nào khác trong lịch sử.