C
ánh cửa đến với Câu lạc bộ Triệu phú Mỹ luôn mở rộng. Khác với niềm tin phổ biến của đại đa số mọi người ngày nay, chuyện một cá nhân thành công và sở hữu hàng triệu đô la hay hơn thế nữa là điều hoàn toàn có thể. Bởi sẽ luôn có chỗ cho những người có động lực và trí tưởng tượng, những người mà có thể biến ý tưởng mới thành sản phẩm và dịch vụ hữu hình.
Bất cứ ai thành công đều được hỏi cùng một câu: “Làm thế nào tôi - hoặc bất kỳ ai khác - cũng có thể thành công được như anh?”
Khi tôi nói với họ cách tôi bắt đầu xây dựng nền tảng doanh nghiệp của mình với tư cách là một nhà sản xuất dầu tự do hơn bốn mươi năm trước, họ thường nói rằng:
“Anh thật may mắn khi bắt đầu kinh doanh vào thời điểm mà có thể kiếm được hàng triệu đô la. Anh không thể làm điều đó bây giờ. Không ai có thể làm được.”
Tôi chưa bao giờ hết ngạc nhiên trước những nhận định tiêu cực nhưng dường như rất phổ biến này. Theo tôi, đây là thái độ hoàn toàn sai lầm trong số những người được cho là rất thông minh. Chắc chắn, sẽ có rất nhiều minh chứng cho thấy, những chàng trai trẻ giàu trí tưởng tượng, tháo vát và năng động sẽ có nhiều cơ hội để đạt được sự giàu có và thành công trong kinh doanh ở thời điểm hiện tại, nhiều hơn bất cứ thời điểm nào trong lịch sử loài người. Vô số doanh nhân nhạy bén và năng nổ đã chứng minh điều này bằng cách tạo ra vận may của họ ở mọi ngành nghề kinh doanh trong những năm gần đây.
Vào năm 1953, giám đốc điều hành của một tập đoàn nhỏ mà tôi quen đã nghe được về sự phát triển của một loại nhựa mới đặc biệt dẻo dai và linh hoạt. Ông ta nhận thấy nó sẽ trở thành chất liệu thay thế tuyệt vời và tiết kiệm hơn nhiều so với các vật liệu xây dựng tốn kém khác. Bằng việc sử dụng tiền tiết kiệm của mình và vay thêm một khoản để xin giấy phép sản xuất và cung cấp vốn lưu động ban đầu, ông ta đã tự mình kinh doanh và sản xuất nhựa. Đến năm 1960, cá nhân ông đã sở hữu hơn một triệu đô la.
John S. Larkins là một kỹ sư trẻ, nắm quyền điều hành Elox Corporation, một công ty sản xuất thiết bị điện tử nhỏ tại Royal Oak, Michigan trong những năm 1951. Nhận thấy nhu cầu từ các ngành công nghiệp cho thiết bị điều khiển bằng điện đang rất lớn và không ngừng phát triển, Larkins tập trung phát triển và sản xuất các mặt hàng thiết yếu này. Chỉ trong vòng sáu năm, anh đã tăng tổng doanh thu của công ty mình từ 194.000 đô la lên hơn 2.200.000 đô la mỗi năm.
Năm 1942, Charles Bluhdorn, khi đó mới 16 tuổi, bắt đầu sự nghiệp cùng tư cách là một nhân viên môi giới sợi bông với mức lương 15 đô la một tuần. Đến năm 1950, anh ta đã kiếm được một triệu đô la đầu tiên của mình bằng cách nhập khẩu cà phê từ Brazil. Ngày nay, anh là ông trùm của nhiều ngành công nghiệp ở Vùng Vịnh và phương Tây với doanh thu hàng năm vượt một tỷ đô la.
Có vô số những câu chuyện thành công thời hiện đại. Trong số những cá nhân tôi quen biết, không có câu chuyện nào đáng để kể hơn câu chuyện của Forrester Melville (Jack) quá cố.
Jack Forrester từng là một đặc vụ OSS ở châu Âu trong Thế chiến thứ Hai. Sau khi Mỹ chiến thắng Nhật Bản, anh ta nhận ra mình mắc kẹt ở Paris trong tình trạng thất nghiệp và túng thiếu. Cuối cùng, anh cũng có một công việc là đầu mối môi giới làm ăn cho một công ty đầu tư lớn, Tập đoàn Thương mại Thế giới. Forrester đã đi châu Âu, Trung Đông và châu Á, tìm kiếm các dự án và doanh nghiệp triển vọng mà Tập đoàn Thương mại Thế giới có thể đầu tư vào. Là một doanh nhân sắc sảo và nhanh nhẹn, anh đã làm tốt đến mức chỉ trong vài năm, anh trở thành chủ tịch của một công ty con ở Pháp thuộc tập đoàn. Tôi quen biết Jack trước chiến tranh và gặp lại anh ấy ở Paris vào năm 1949. Jack đã kể cho tôi nghe những việc anh ấy làm sau khi chiến tranh kết thúc.
“Anh có muốn làm việc với tôi không?” Tôi hỏi anh ta.
“Tôi không biết nhiều về kinh doanh dầu mỏ”, anh trả lời với một nụ cười và nói thêm, “Nhưng tôi nghĩ rằng tôi có thể học được thôi.”
Jack học rất nhanh và rất xuất sắc. Sau năm 1949, anh ta đàm phán được nhiều phi vụ nhạy cảm và quan trọng cho các công ty của tôi. Jack thực sự là công cụ đắt giá trong việc giành được ủy quyền dầu mỏ có giá trị lớn và cũng giúp cho nhiều hoạt động, giao dịch khác diễn ra thuận lợi, bao gồm các giao dịch cho nhà máy lọc dầu và xây dựng đường ống.
Năm 1945, Jack Forrester là một cựu nhân viên Cơ quan Tình báo chiến lược, thất nghiệp và rỗng túi. Anh ta chỉ là một trong số hàng triệu người đang cố gắng “tái cấu trúc” để tồn tại trong thời bình. Trước khi qua đời vào năm 1964, anh ta đã trở thành doanh nhân thành đạt và là một triệu phú.
Có nhiều ví dụ chứng minh rằng, thành công trong kinh doanh và thậm chí việc “kiếm được triệu đô” là những mục tiêu hoàn toàn có thể thực hiện được với những thanh niên trong thời đại ngày nay. Dù không phải là nhà tiên tri hay nhà bác học, nhà kinh tế hay nhà khoa học chính trị, nhưng tôi khẳng định điều này với tư cách một doanh nhân có kinh nghiệm thực tế. Nghiên cứu, đánh giá cẩn thận các điều kiện, xu hướng kinh doanh của Mỹ và trên thế giới luôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của tôi. Dựa trên những ý kiến tôi thu thập trong suốt những năm qua, tôi tin rằng, bỏ qua những hiểm họa không thể đoán trước được, triển vọng kinh tế là khả quan và sẽ càng phát triển hơn nữa. Tôi cảm thấy những doanh nhân người Mỹ có tầm nhìn xa, tiến bộ, và trên hết là cởi mở, dù là người mới bắt đầu hay người có thâm niên, đều có nhiều lý do để lạc quan về triển vọng và lợi nhuận của họ trong nhiều năm, thậm chí nhiều thập kỷ sắp tới. Tôi nói ra điều này khi nhận thức được đầy đủ rằng, trong giới kinh doanh Mỹ, từ lâu, chuyện oán thán về khả năng thiếu cơ hội làm giàu và ngột ngạt của chủ nghĩa tư bản doanh nghiệp tự do vẫn là chuyện phổ biến.
“Thuế cao”, “chi phí lao động cao”, “cạnh tranh không lành mạnh” và “chủ nghĩa xã hội leo thang” là những “nguyên nhân” thường được viện dẫn để chứng minh cho sự tan rã sắp xảy ra của Hệ thống Doanh nghiệp Tự do ở Mỹ. Theo suy nghĩ của tôi, tất cả điều này là vô nghĩa. Những bất bình trên chỉ đơn thuần là cái cớ của những người thiếu trí tưởng tượng, không đủ năng lực, tầm nhìn hạn hẹp và lười biếng. Phải công nhận thuế cao và quá nhiều. Và dù không sớm thì muộn, toàn bộ hệ thống thuế của chúng ta sẽ phải được đại tu từ trên xuống dưới. Hệ thống thuế hợp lý, công bằng phải được đưa ra để thay thế cho các loại thuế liên bang, tiểu bang, hạt và thành phố chồng chéo khiến cuộc sống này trở thành cơn ác mộng tài chính cho tất cả mọi người. Tuy nhiên, trong thời gian đợi sự thay đổi đó, các doanh nhân sẽ phải thích nghi với hoàn cảnh này. Và thật sự thì: Họ vẫn có thể sống với điều đó, đây là minh chứng rõ ràng nhất. Bởi rốt cuộc, thuế thu nhập, thứ thuế hay được lạm dụng nhất cũng chỉ đánh thuế vào lợi nhuận. Số lượng doanh nhân làm ăn tương đối tốt ở Hoa Kỳ đang nhiều hơn bao giờ hết. Tôi chưa bao giờ nghe nói về doanh nghiệp nào ở Mỹ phải đóng cửa chỉ vì không đáp ứng được nghĩa vụ thuế cả.
Chi phí lao động cao nhưng sau khi quan sát tôi nhận thấy, người nào phàn nàn nhiều nhất về chi phí lương chính là người chi tiền vô tội vạ cho các chiến dịch quảng cáo và bán hàng để đưa sản phẩm của mình đến được với hàng triệu người. Không ai có thể hy vọng các công nhân của mình, những người đóng góp vào hàng triệu người mua hàng, sẽ bỏ tiền mua đồ sành sứ, đồ nội thất sân vườn hoặc dụng cụ làm sạch đường ống của công ty mình, trừ khi họ được trả lương thật sự cao. Lao động cần được hưởng lương cao và được chia sẻ giá trị mà họ đã tạo nên. Nếu không nuôi dưỡng được một “tầng lớp lao động” thịnh vượng, các thương nhân hay nhà sản xuất sẽ không thể có được thị trường đại chúng và doanh số bán hàng khổng lồ, và đương nhiên cũng sẽ chẳng có ai giàu lên được cả. Về phần mình, tầng lớp lao động phải hiểu rằng lương cao cũng cần phải hợp lý và nó chỉ có thể được duy trì ở mức cao nếu họ đáp ứng được tiêu chuẩn sản xuất cao. Và, tiện đây khi chúng ta đang nói về những chi phí cao, tôi nghĩ rằng đã đến lúc cả doanh nghiệp và người lao động cần nhận ra sự thật cơ bản này để chấm dứt cuộc tranh cãi không hồi kết của họ. Cho dù có thích hay không thì cả hai phía đều không thể tồn tại ở trạng thái cân bằng nếu không có sự hợp tác của đối phương. Tôi thật sự không tin rằng tình huống cực đoan khác thay vì tình trạng hiện tại sẽ khiến bất kỳ bên nào vui vẻ.
Đối với vấn đề cạnh tranh đến từ nước ngoài, theo kinh nghiệm của tôi thì bất kỳ loại cạnh tranh nào cũng sẽ dần bị coi là không công bằng khi nó bắt đầu làm tổn thương những doanh nhân không có trí tưởng tượng và năng lực đáp ứng cho cuộc cạnh tranh đó. Cạnh tranh, bất kể là giữa trong hay ngoài nước, đều là để các bên hoàn thiện và trở nên tốt hơn. Cạnh tranh càng khắc nghiệt thì càng kích thích sự phát triển, đó là cơ sở của nền kinh tế tự do. Không có cạnh tranh, kinh tế sẽ đình trệ.
Sự thật này bị từ chối bởi những cá nhân và các nhóm cực đoan - những người lớn tiếng yêu cầu Chính phủ Liên bang hãy hành động trước vấn đề cạnh tranh với nước ngoài. Cái “gì đó” mà họ muốn Chính phủ “làm” tất nhiên là nâng cao các bức tường thuế quan, và điều đó sẽ ngăn các nước giao dịch với chúng ta. Đây quả thật là một chính sách không thể hạn hẹp hơn được nữa.
Chủ nghĩa xã hội đang đe dọa chúng ta ư? Chuyện đó được chứng minh là sai lầm và không có cơ sở bởi thực tế đang có rất nhiều doanh nhân Mỹ quyền lực có hệ thống doanh nghiệp tự do hơn so với mười hay hai mươi năm trước.
Nói tóm lại, tôi không thể thấy bất kỳ tính xác thực nào trong các cuộc tranh luận được đưa ra bởi những kẻ bi quan và thất bại. Nhưng rốt cuộc thì những kẻ gây ra tai họa vẫn luôn ở khắp nơi, reo rắc điệp khúc ảm đạm và nản lòng đến người khác.
Tôi đã mua khách sạn Pierre, nằm trên Đại lộ số 5 của Manhattan tại Phố 61, khách sạn được coi là hiện đại bậc nhất của New York thời bấy giờ với giá 2.350.000 đô la. Không cần quả cầu tiên tri nào nói cho tôi biết rằng đó sẽ là một món đầu tư tuyệt vời. Đất nước nhanh chóng phục hồi sau suy thoái; điều kiện kinh doanh được cải thiện đáng kể. Lượng khách du lịch công và tư chắc chắn sẽ tăng lên rất nhiều. Có không ít khách sạn ở New York được xây mới trong vài năm nhưng không có kế hoạch nào được đặt ra cho tương lai trước mắt. The Pierre sẽ là một món hời và trở thành khách sạn có tiềm năng lớn. Nhưng những kẻ rầu rĩ cực đoan đang quá bận rộn chuẩn bị tiên đoán bi quan cho tương lai thay vì nhận ra cơ hội ngay trước mắt.
Tôi bắt đầu đàm phán mua khách sạn Pierre vào tháng 10 năm 1938 và có được quyền sở hữu vào tháng 5 năm sau. Tính theo chi phí đất và xây dựng ở thời điểm hiện tại, để có được một khách sạn Pierre thứ hai ở New York, bạn cần phải bỏ ra từ 25 đến 35 triệu đô la.
Tôi không có ý định khoe khoang. Tôi chỉ muốn mọi người nhận ra rằng, luôn luôn tồn tại những cơ hội mà qua đó các doanh nhân có thể kiếm được lợi nhuận khổng lồ nếu họ nhận ra và biết nắm bắt chúng thay vì nghe theo những lời tiên đoán bi quan của những nhà tiên tri tự phong.
Điều kiện bây giờ khác nhiều so với năm 1938, 1932 hay những năm 1915. Và các doanh nhân Mỹ không cần tới lời than vãn, sự viện cớ và bi quan.
Điều doanh nghiệp Mỹ cần có bây giờ là những doanh nhân trẻ, những người sẵn sàng và có khả năng đảm nhận trách nhiệm lãnh đạo một nền công nghiệp, thương mại tiến bộ và mạnh mẽ. Phần thưởng vô hạn đang chờ đợi để trao cho những người như vậy. Vị trí ở trên cao vẫn còn nhiều chỗ trống. Danh sách thành viên của Câu lạc bộ Triệu phú vẫn còn số lượng ghế không giới hạn. Tôi chỉ e rằng những chiếc ghế đó không được lấp đầy nhanh, phần lớn là do thực tế có quá nhiều ứng viên trẻ có trình độ và khả năng đã bỏ cuộc trước cả khi họ bắt đầu. Họ đã nghe theo những lời tiên đoán bi quan thay vì mở rộng quan sát những cơ hội xung quanh mình. Họ dường như không thể nhìn thấy những tấm gương làm giàu đã và đang đi trước họ.
Như tôi đã từng chia sẻ, tôi bắt đầu sự nghiệp kinh doanh của riêng mình trong ngành dầu khí với tư cách là nhân viên khoan giếng và dầu mỏ luôn là mối quan tâm kinh doanh hàng đầu của tôi. Tôi thấy thật thất vọng khi có rất nhiều chàng trai trẻ ngày nay có ý nghĩ rằng thời đại của những nhà khai thác dầu mỏ quy mô nhỏ đã kết thúc. Trên thực tế, điều này hoàn toàn sai lầm.
Dầu mỏ là một lĩnh vực thú vị và dầu cũng có thể xuất hiện ở những nơi mà bạn không ngờ tới nhất. Trên đất Mỹ có rất nhiều nơi dành cho một người táo bạo trong lĩnh vực dầu mỏ có thể tìm thấy dầu và làm giàu từ đó. Phải thừa nhận rằng, hầu hết các vành đai dầu đều đã được định vị và đang được khai thác. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều khu vực nhận được ít sự quan tâm nghiêm túc từ các nhà khảo sát dầu mỏ.
Vào thời điểm tôi bắt đầu sự nghiệp dầu mỏ của mình, “mọi người” đều nói rằng không có dầu ở khu vực Thềm đất Đỏ Oklahoma. Cùng kiểu suy nghĩ đó, khoảng 30 hay 40 năm trước, các nhà khai thác dầu cũng đã tự nói với mình rằng không có dầu ở những bang như Oregon, Washington, Idaho, Iowa hay Utah để rồi bỏ qua cơ hội làm ăn ở đó. Chính suy nghĩ sai lệch này đã làm ảnh hưởng đến nghề tìm kiếm và khoan dầu. Đây rõ ràng là những tiên đoán không có bằng chứng thực tế và chỉ vài năm trở lại đây, các nhà thăm dò đã bắt đầu khoan giếng thử nghiệm ở Utah và phát hiện ra dầu.
Ngày nay, có rất nhiều cơ hội cho các nhà thăm dò dầu quy mô nhỏ có năng lực. Khi những công cụ tìm kiếm dầu được triển khai bên ngoài vùng vành đai được công nhận thì tiến bộ về khoa học và công nghệ mới sẽ giúp việc tìm kiếm và khoan dầu trở nên dễ dàng hơn so với trước. Ngành địa chất dầu mỏ, còn non trẻ với sự bế tắc trong nghiên cứu khoa học vào năm 1914, ngày nay đã có những bước tiến tuyệt vời. Các nhà địa chất hiện đại đã có vô vàn kiến thức, kinh nghiệm và thiết bị để giúp họ phát hiện ra tín hiệu của dầu với mức độ chính xác cao. Có một thực tế là hầu hết dầu nằm gần bề mặt đã được định vị nên các giếng mới cần phải được khoan xuống độ sâu lớn hơn nhiều so với việc khoan dầu ở đầu thế kỷ XX. Nhưng với việc sử dụng các thiết bị và giàn khoan hiện đại, một nhà khai thác dầu lại có thể khoan nhanh hơn 6.000 feet và rẻ hơn so với khoan 2.500 feet vào năm 1916. Hơn thế nữa, vào thời đó, một đô la có giá trị hơn nhiều so với bây giờ.
Ngày nay, ngành công nghiệp dầu mỏ không phải là ngành duy nhất đem lại cơ hội vàng cho người mới bắt đầu. Đây là kỷ nguyên thịnh vượng chưa từng có của những hoạt động kinh doanh mới lạ, chỉ những người có tư tưởng cởi mở và giàu trí tưởng tượng mới có thể nắm bắt được cơ hội. Sự bùng nổ dân số trong và ngoài nước Mỹ cùng nhu cầu cải thiện điều kiện sống trên khắp thế giới cũng sẽ đảm bảo cho thị trường hàng hóa và dịch vụ ngày càng mở rộng trong nhiều năm sắp tới. Các bước nhảy vọt về khoa học và công nghệ thì được ghi nhận hàng ngày, việc này sẽ cung cấp các phương tiện tốt nhất để hàng hóa, dịch vụ được sản xuất và phân phối với giá rẻ hơn, chất lượng tốt hơn và số lượng lớn hơn.
Vẫn còn rất nhiều nhu cầu của người tiêu dùng đang chờ đợi để được đáp ứng ngay bây giờ. Không ai có thể khẳng định rằng các doanh nghiệp Mỹ đã hoàn thành xong trách nhiệm và nghĩa vụ của mình khi mà mọi công dân Mỹ vẫn chưa có việc làm toàn thời gian cố định, và mọi gia đình Mỹ chưa có đủ quần áo mặc, khỏe mạnh cũng như sống thoải mái mà không phải lo sợ bất cứ điều gì. Tôi không ngần ngại dự đoán rằng nhiều thanh niên đọc được điều này sẽ nghĩ đến việc làm giàu và tập trung toàn bộ sự nghiệp kinh doanh của họ vào thị trường trong nước, mà không nghĩ rằng những chân trời hứa hẹn nhất của doanh nghiệp Mỹ sẽ được tìm thấy trên thương trường quốc tế.
Báo chí thế giới đã đưa rất nhiều tin về tình trạng thất nghiệp và suy thoái kinh tế ngày càng gia tăng ở Mỹ cùng cuộc khủng hoảng “hút máu đồng đô la” gây ra bởi cán cân thương mại nước ngoài lệch lạc. Nhiều biện pháp đã và đang được đề xuất để khắc phục tình huống này. Trong số đó có cả ý kiến về các biện pháp “khẩn cấp” được đưa ra để cắt giảm hoặc thậm chí ngừng nhập khẩu nhiều nguyên liệu và sản phẩm đến từ nước ngoài.
“Hoa Kỳ phải cắt giảm tất cả hàng nhập khẩu từ nước ngoài đến mức tối thiểu”, một doanh nhân ngườiMỹ đã nói điều đó với tôi cách đây không lâu. Và theo như anh ta thì, “Đó là cách duy nhất để doanh nghiệp Mỹ có thể tồn tại.”
Tôi nghĩ anh ấy rất ngạc nhiên khi tôi nói rằng, chính sách mà anh ấy đang ủng hộ đồng nghĩa với việc nước Mỹ đang dần tự sát về mặt kinh tế. Theo tôi, giải pháp lâu dài cho các vấn đề kinh tế của nước Mỹ nằm ở việc giao lưu với thế giới nhiều hơn, chứ không phải là ít đi. Trong tương lai xa hơn, doanh nghiệp Mỹ sẽ buộc phải bắt tay vào thực hiện những chiến dịch thương mại quốc tế khổng lồ, có tầm nhìn để tìm kiếm và mở rộng thị trường quốc tế. Những triết lý kinh doanh bế quan tỏa cảng không có chỗ trong thời đại hiện nay. Thế giới đang ngày càng gần nhau hơn. Nền kinh tế Mỹ không thể mãi khai thác trong lãnh thổ của mình nữa. Doanh nghiệp Mỹ phải có hướng phát triển thương mại mới và hoạt động nhiều hơn trên trường quốc tế. Để bán được cho các nước khác, chúng ta cũng phải mua từ họ. Đơn giản vậy thôi. Tôi tin chắc rằng một doanh nhân trẻ cần thoát khỏi lối định kiến lỗi thời để hướng suy nghĩ của mình vào nhu cầu của thời đại, điều đó sẽ giúp họ gặt hái được phần thưởng to lớn, thậm chí có thể họ sẽ kiếm được hàng triệu đô. Đó là bởi hầu hết các nước đều muốn người Mỹ bán hàng cho họ, mặc cho những tin đồn và báo cáo vẫn nói những điều ngược lại là: Họmuốn mua từ chúng ta.
Tôi đã đi du lịch nhiều nơi ở nước ngoài và có phần lợi tức ở các doanh nghiệp trên mọi châu lục. Tuy nhiên, tôi gần như không thể tìm được bằng chứng cho thấy nhu cầu đối với các sản phẩm có dán nhãn “Made in USA” giảm. Lối sống của người Mỹ vẫn đang là biểu tượng cho một cuộc sống tốt đẹp ở mọi nơi trên Trái Đất này. Nhái hay bắt chước được cuộc sống của người Mỹ vẫn là mục tiêu của hầu hết các nước và việc làm được điều đó là lời hứa hẹn hấp dẫn nhất mà các nhà lãnh đạo hay chính trị gia nước ngoài nói với người dân của họ. Ngay cả người Nga cũng thừa nhận điều này khi họ đưa ra dự đoán rằng mức sản xuất và mức sống của Liên Xô sẽ bằng hoặc vượt qua mức hiện tại của Mỹ. Cho dù quả thực có nhiều điều bất ổn xảy ra với chính trị Mỹ trong những năm qua, nhưng cái mà tôi luôn thích là “uy tín hàng hóa Mỹ” không hề mất đi một chút giá trị nào.
Bằng chứng của tất cả những điều này là khi người Mỹ đi du lịch nước ngoài với một tâm trí cởi mở, họ sẽ thấy hầu hết thế giới bên ngoài kia vẫn đang vui vẻ nhấm nháp cola Mỹ và hy vọng một ngày nào đó sẽ sở hữu một cây bút Sheaffer. Ô tô Mỹ vẫn là biểu tượng thể hiện đẳng cấp của những người nước ngoài đang sở hữu chúng. Tủ lạnh, máy giặt, ti vi, cùng một loạt các mặt hàng khác của Mỹ cũng như vậy. Áo sơ mi Arrow, kem đánh răng Colgate, dao cạo râu và lưỡi dao Gillette, những thứ này và hàng ngàn sản phẩm mang nhãn hiệu Mỹ khác đều nằm trong danh sách ưa thích của hàng triệu người tiêu dùng trên thế giới. Ở các nước xã hội chủ nghĩa, ngay cả những mặt hàng phổ biến do người Mỹ sản xuất như bút bi, son môi và vớ nylon cũng có giá trị ở chợ đen gấp mười lần hoặc cao hơn ở thị trường chính thống của họ. Bất kỳ người Mỹ nào đã từng cư trú ở nước ngoài trong một thời gian dài đều biết họ sẽ liên tục bị người ở bản địa nhờ đặt hàng Mỹ mang về.
Nhu cầu hàng Mỹ có tồn tại, không có gì phải nghi ngờ về điều đó. Thị trường nước ngoài đang mở rộng cho các doanh nhân Mỹ và càng mở rộng hơn bao giờ hết bởi tài sản và sức mua của người dân ở nhiều nước trên thế giới đã tăng lên gấp nhiều lần trong thập kỷ qua.
“Nhưng chúng ta không thể cạnh tranh với các nhà sản xuất nước ngoài.” Một doanh nhân trong ngành công nghiệp Mỹ phàn nàn với tôi, và rằng, “Họ luôn có thể bán với giá thấp hơn chúng ta.”
Trước hết, việc các nhà sản xuất nước ngoài “luôn luôn” có thể bán giá thấp hơn hàng của Mỹ là sai. Chẳng hạn, than Mỹ, khai thác bởi nhân viên Mỹ được trả lương cao, bán nhiều trên khắp châu Âu với giá thấp hơn than Anh - một sản phẩm được sản xuất bởi các công ty khai thác của Anh có thu nhập thấp hơn. Hay một chiếc áo sản xuất tại Ý, được bán với giá hơn tám đô la ở Ý, có chất lượng tương đương với một chiếc áo năm đô la được sản xuất ở Mỹ.
Bí quyết cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài nằm ở chỗ doanh nghiệp cần nhận ra rằng, chưa thực sự có nước nào nắm được các kỹ thuật sản xuất hàng loạt chất lượng cao như nước Mỹ. Cũng không có quá nhiều doanh nhân nước ngoài hiểu được lý thuyết đằng sau việc doanh nghiệp thu lợi lớn từ biên lợi nhuận trên mỗi sản phẩm tương đối nhỏ. Vấn đề chính là do họ vẫn bám vào nguyên tắc đã lỗi thời từ lâu, đó là kiếm được lợi nhuận lớn trên một lần bán và tự thỏa mãn với doanh thu tổng tương đối nhỏ.
Đương nhiên, thuế nhập khẩu của nhiều nước trên thế giới sẽ làm tăng giá hàng hóa của Mỹ khiến giá thành sản phẩm cao hơn nhiều so với các mặt hàng tương tự được sản xuất nội địa.
Theo tôi nhận thấy, các doanh nhân Mỹ dám nghĩ dám làm có thể phục vụ tốt nhất cho chính họ và lợi ích của công chúng bằng cách yêu cầu Chính phủ Hoa Kỳ sử dụng tất cả các nguồn lực để đàm phán khiến các quốc gia khác hạ thấp hoặc bãi bỏ thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm của Mỹ. Việc này không làm tăng các bức tường thuế quan của chúng ta mà sẽ xây dựng nên một bức tường khác nhằm chống lại suy thoái kinh tế và tình trạng thất nghiệp.
Đồng thời, việc của doanh nhân Mỹ là nghĩ ra các phương tiện và kỹ thuật mới để tăng khả năng sản xuất ra nhiều sản phẩm hơn với chi phí thấp hơn trong khi vẫn duy trì nghiêm ngặt các tiêu chuẩn chất lượng vốn có. Sau đó, họ phải bán sản phẩm của mình ở nước ngoài theo chiều hướng sáng tạo và năng động không kém so với những gì mà họ đã làm được ở “sân nhà”.
“Nhưng làm thế nào để có thể giảm chi phí sản xuất khi tiền lương và giá cả của mọi thứ từ nguyên liệu thô đến máy móc không ngừng tăng lên?” Đây là câu hỏi tôi được nghe nhiều lần hơn tôi muốn. Tôi vẫn giữ vững lập trường rằng quy mô sản xuất có thể tăng lên và chi phí có thể được cắt giảm nếu một doanh nghiệp hiểu về cơ chế hoạt động của mình đủ để tìm ra được nơi đang hoạt động phí phạm và không hiệu quả. Nhờ đó, doanh nghiệp có thể tiết kiệm mà không phải giảm tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm.
Có một quy luật trong ngành sản xuất là khi sản xuất tăng gấp đôi thì chi phí sản xuất sẽ tự động giảm 20%. Tôi nghĩ không cần phải nói thêm gì về điều này nữa. Tiếp đến, có thể kể tới việc xử lý khoản chi phí hành chính trên một vật phẩm, loại phí có thể được cắt giảm không giới hạn nếu doanh nghiệp đủ khôn ngoan. Ví dụ, một phó giám đốc hiếm khi cần có thư ký riêng. Tôi đã điều hành doanh nghiệp của mình trong nhiều thập kỷ và tôi chưa bao giờ cảm thấy cần có nhiều hơn một thư ký. Thật sự, các văn bản và thông tin có thể chuyển đến người nhận nhanh, hiệu quả và rẻ hơn bằng cách gọi điện thoại. Và tôi cá rằng hầu hết các công ty có thể cắt giảm ít nhất 50% ngân sách “giải trí” mà không mất đi một thương vụ nào. Tôi có thể uống một hoặc hai ly rượu, nhưng tôi quan sát thấy một nhân viên sẽ làm được nhiều việc hơn trong 15 phút cùng với một tách cà phê so với ba giờ trong bữa trưa cùng sáu ly martini.
Không có một đạo luật liên bang nào yêu cầu tất cả nhân viên bán hàng và giám đốc điều hành của một công ty phải bay “hạng thương gia” khi đi công tác trong khi họ hoàn toàn có thể đến nơi một cách nhanh chóng và thoải mái khi bay ở hạng thường cùng chi phí rẻ hơn gấp nhiều lần. Còn có rất nhiều khoản phí khác mà các doanh nhân trẻ thông minh có thể cắt giảm để tiết kiệm được cho doanh nghiệp của mình. Cải tiến và tiết kiệm sẽ không bao giờ ngừng lại, bất kể là ở văn phòng, nhà máy hay bất cứ nơi nào.
Tôi không ủng hộ việc bủn xỉn vô nghĩa. Tuy nhiên, tôi cho rằng không có lý do gì để các doanh nghiệp phải chi tiêu lãng phí nếu bản thân họ đang phải đối mặt với những sự cạnh tranh mạnh mẽ. Trong mọi cuộc thương chiến, để chiếm lĩnh thị trường, các công ty đều cần phải cắt giảm chi phí nhiều nhất có thể. Đây là vấn đề các công ty và cá nhân thường bỏ quên khi doanh nghiệp trong giai đoạn phát triển bùng nổ.
Những người muốn bắt đầu kiếm tiền ngay ngày hôm nay có nhiều lĩnh vực kinh doanh để lựa chọn. Tất nhiên, ngành nghề nào được chọn sẽ còn phụ thuộc vào tài năng, sở thích, nền tảng, đào tạo và kinh nghiệm cụ thể của từng doanh nhân. Các nhà sản xuất nhạy bén đều biết rằng sẽ luôn có một nhu cầu lớn cho các sản phẩm mới được cải tiến. Những người đủ tinh tế trong nghề bán hàng sẽ nhìn thấy những tiềm năng lớn trong việc bán buôn hoặc bán lẻ. Những người khác sẽ nhận ra họ có thể kiếm tiền bằng cách cung cấp các dịch vụ mới và chất lượng cao cho các ngành công nghiệp hoặc đại chúng. Nói một cách đơn giản, tất cả đều có thể quy về lý thuyết: Người nào nghĩ ra phương tiện để sản xuất mọi thứ tốt hơn, nhanh hơn hay hiệu quả hơn đều sẽ nắm tương lai trong lòng bàn tay. Tất nhiên, xin đừng hiểu lầm, để xây dựng một doanh nghiệp và kiếm được một triệu đô Mỹ không phải là chuyện đơn giản. Nó đòi hỏi sự chăm chỉ, cần cù hết mực, không bao giờ có chuyện thời gian làm việc của ông chủ chỉ kéo dài từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều một ngày và năm ngày một tuần.
“Tôi đã nghiên cứu cuộc sống của những người đàn ông vĩ đại và những người phụ nữ nổi tiếng”, cựu Tổng thống Harry S. Truman đã nói, “và tôi thấy rằng những người đạt tới đỉnh cao danh vọng là những người xử lý tốt trách nhiệm mà họ đang nắm giữ với nguồn năng lượng cực lớn. Họ nhiệt huyết và chăm chỉ hết mực.”
Không có công thức tuyệt đối nào để đạt được thành công trong kinh doanh. Tuy nhiên, tôi tin rằng có một số quy tắc cơ bản và nếu tuân thủ thì bạn cũng có thể thành công. Đây là những quy tắc tôi áp dụng trong suốt sự nghiệp của mình và mọi doanh nhân triệu phú mà tôi quen biết cũng đều làm theo. Quy tắc này đã áp dụng được cho họ và cho tôi, vậy nên chúng cũng sẽ có thể áp dụng được cho bạn.
1. Chỉ có một cách để kiếm được nhiều tiền, đó là kinh doanh những thứ mình nắm trong tầm tay. Bất cứ ai muốn kinh doanh cũng nên chọn một lĩnh vực mà mình biết và hiểu rõ. Chắc chắn, bạn không thể biết mọi thứ ngay từ đầu, nhưng cũng không nên bắt đầu mọi thứ khi bạn chưa có một nền tảng kiến thức tốt và vững chắc về ngành nghề đó.
2. Doanh nhân không bao giờ được quên mục tiêu chính của tất cả các doanh nghiệp là: Sản xuất hàng hóa tốt hơn, cung cấp dịch vụ chất lượng tới nhiều người với chi phí thấp hơn.
3. Ý thức tiết kiệm là điều cần thiết để thành công trong kinh doanh. Doanh nhân phải có kỷ luật cá nhân để thực hành tiết kiệm bất cứ khi nào có thể trong cuộc sống cá nhân cũng như công việc kinh doanh. “Kiếm tiền trước rồi hãy nghĩ cách tiêu tiền” là lời khuyên hay nhất dành cho những người muốn đạt tới thành công.
4. Không bao giờ bỏ qua cơ hội để mở rộng kinh doanh. Bên cạnh đó, doanh nhân phải luôn cảnh giác trước sự cám dỗ khiến bản thân có ý định mở rộng quá lớn hay thực hiện các chiến dịch mở rộng một cách mù quáng mà không có lý do chính đáng và kế hoạch đầy đủ. Tăng trưởng gượng ép có thể dẫn đến phá sản cho bất kỳ doanh nghiệp nào, dù mới hay cũ.
5. Doanh nhân phải đích thân điều hành doanh nghiệp của riêng mình. Anh không thể mong đợi nhân viên của mình tư duy hoặc làm tốt được như anh. Bởi nếu họ có thể làm được điều đó thì họ đã không phải là nhân viên của anh rồi. Khi “ông chủ” ủy quyền hay giao trách nhiệm cho ai đó, anh phải duy trì sự giám sát chặt chẽ và liên tục đối với cấp dưới đã được giao phó trách nhiệm.
6. Doanh nhân phải giữ được sự nhanh nhạy về xu hướng mới để cải thiện sản phẩm và dịch vụ của mình, từ đó giúp doanh nghiệp tăng sản lượng và doanh số. Anh ta cũng nên chú ý tìm ra cách cải tiến kỹ thuật và cắt giảm chi phí trong những thời kỳ mà doanh nghiệp đang phát triển mạnh. Mọi người thường rất ít khi nghĩ đến các biện pháp tiết kiệm khi kinh doanh đang thuận lợi. Tuy nhiên, đó chính là thời điểm duy nhất mà doanh nhân có đủ trí lực để kiểm tra toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp một cách bình tĩnh và khách quan, nhờ đó doanh nghiệp có thể dễ dàng tiết kiệm được nhiều hơn mà không cần giảm chất lượng của sản phẩm. Nhiều doanh nhân đợi đến khi doanh nghiệp suy yếu mới làm những việc này sẽ thường rơi vào hoảng loạn và cắt giảm nhầm những chi phí không nên cắt.
7. Một doanh nhân phải sẵn sàng chấp nhận rủi ro - rủi ro về vốn, về điểm tín dụng và về các khoản vay, mà theo quan điểm của cá nhân, họ cho là hợp lý. Tuy nhiên, các khoản nợ phải được hoàn trả kịp thời. Không gì có thể chấm dứt sự nghiệp nhanh hơn là bị xếp hạng tín dụng xấu.
8. Một doanh nhân phải liên tục tìm kiếm những chân trời mới và thị trường chưa được khai thác. Như tôi đã nói trước đó, hầu hết các nước trên thế giới đều muốn mua sản phẩm và công nghệ của Mỹ. Các doanh nhân sắc sảo ngày nay đều phải nhìn ra thị trường nước ngoài.
9. Không có gì xây dựng sự tự tin và quy mô kinh doanh nhanh hơn và tốt hơn việc đứng ra nhận trách nhiệm cho mọi hoạt động của công ty. Phải luôn giữ được chữ tín và khi có vấn đề phát sinh, hãy luôn đưa ra những quyết định có lợi cho khách hàng. Các chính sách dịch vụ linh động, thoải mái cũng nên được duy trì. Một công ty có tiếng là nằm ở uy tín và việc luôn đảm bảo, đáp ứng các đơn hàng.
10. Cho dù có kiếm về được bao nhiêu tiền, nhà kinh doanh luôn phải coi sự giàu có của mình như một phương tiện để cải thiện điều kiện sống ở mọi nơi. Anh ta phải nhớ rằng, anh ta có trách nhiệm với cộng sự, nhân viên, cổ đông của mình và cả người tiêu dùng nữa.
Bạn có muốn kiếm một triệu đô la không? Hãy tin tôi, bạn có thể thành công nếu nhận ra những cơ hội và tiềm năng vô hạn xung quanh mình, đồng thời áp dụng những quy tắc này và làm việc thật chăm chỉ. Đối với những chàng trai trẻ nhạy bén, đầy tham vọng và trí tuệ, tất cả những thứ lấp lánh thực sự đều có thể là vàng.