C
ó ba nhánh quyền lực riêng biệt trong Chính phủ Hoa Kỳ: nhánh Lập pháp, nhánh Tư pháp, và nhánh Hành pháp.
Chức năng của nhánh Lập pháp là chuẩn bị các dự luật. Sau khi tranh luận và xem xét, các dự luật được đề xuất, được thông qua hoặc tạm gác lại. Những dự luật được thông qua sẽ được ban hành.
Chức năng của nhánh Tư pháp là đưa ra phán quyết và xác định tính hợp lệ của bất kỳ luật nào được thông qua bởi nhánh Lập pháp, xem xét luật đó có tuân theo Hiến pháp không. Liệu nó có phù hợp? Nó có đáp ứng nhu cầu nào không? Đây là những câu hỏi mà nhánh Tư pháp sẽ đưa ra cho mọi luật. Nhánh Tư pháp có thể vô hiệu bất kỳ luật nào đã được thông qua bởi nhánh Lập pháp.
Chức năng của nhánh Hành pháp là thực thi tất cả các luật đã được thông qua bởi nhánh Lập pháp và không bị nhánh Tư pháp xóa bỏ. Nhánh Lập pháp làm cho pháp luật đi vào hiện thực.
Các nhánh quyền lực của Trí não
Trí óc cũng có những nhánh quyền lực riêng biệt giúp xử lý các ý tưởng. Chức năng của các nhánh này có sự tương đồng đáng kinh ngạc với ba nhánh của Chính phủ.
Thứ nhất, Cảm xúc là nhánh Lập pháp của Trí óc. Từ cảm xúc trong tiếng Anh xuất phát từ tiếng Latin “emovere”, có nghĩa là “di chuyển ra ngoài”. Nói dễ hiểu hơn là, một suy nghĩ rung động di chuyển ra khỏi tâm trí, bị hút bởi một thế lực ảnh hưởng từ bên ngoài hoặc được thể hiện ra thành một ý tưởng, đề nghị, biểu tượng hoặc sự vật khác. Cảm xúc là nhận thức được một cái gì đó theo bản năng hay bằng tư duy. Cảm xúc là ăng ten của trí óc, giúp trí óc phát sóng những ý nghĩ vào không gian, và nhận lại những tín hiệu khác từ không gian. Tất cả các ý tưởng, suy nghĩ, đề xuất hoặc xung động đến với Tâm trí đều được tiếp nhận qua Cảm xúc. Một ý tưởng có chất lượng sẽ được phân tích và thông qua bởi Cảm xúc, đó là bộ phận Lập pháp của Tâm trí.
Thứ hai, Phán quyết là nhánh Tư pháp của Trí óc. Phán quyết là hành động đánh giá các hoạt động của trí óc, so sánh và phân biệt kiến thức với nhau, từ đó hình thành các giá trị và các mối quan hệ xã hội. Phán quyết có sức mạnh để phân tích, lý luận, giải thích và phân biệt.
Sau khi ý tưởng đã được thông qua bởi nhánh Lập pháp - Cảm xúc - nó sẽ được chuyển sang nhánh Tư pháp, tức Phán quyết. Phán quyết cân nhắc từng chi tiết của ý tưởng để xác định chất lượng và tính hữu dụng của nó, từ đó xác định xem nó có đáp ứng nhu cầu không và quyết định xem nó có hợp lý hay không. Phán quyết cũng đóng vai trò là trọng tài tối cao, có thể hiện thực hóa hoặc vô hiệu hóa bất kỳ ý tưởng nào, bất kể việc chúng đã được duyệt bởi Cảm xúc.
Sau khi Phán quyết xác định ý tưởng là hợp lệ, trí óc sẽ sẵn sàng để thực thi và hành động.
Thứ ba, Khát vọng là nhánh Hành pháp của Tâm trí.
Khát vọng là niềm đam mê của Cảm xúc, là mong muốn thấy ý tưởng được thực hiện. Khát vọng sẽ biến ý tưởng trở thành Hiện thực.
Bạn phải sử dụng cả ba nhánh quyền lực của Chính phủ để biến Luật thành Hiện thực, và tương tự, phải mất cả ba nhánh quyền lực của Tâm trí để biến một ý tưởng thành Hiện thực. Cảm xúc sinh ra và gửi đi các ý tưởng, Phán quyết xác định tính hợp lệ của ý tưởng và Khát vọng thực hiện ý tưởng thành Hiện thực.
Làm thế nào để sử dụng trí óc của bạn?
Sự hiểu biết về ba nhánh của trí óc sẽ giúp bạn biến ước mơ thành hiện thực, khiến bạn có được nhiều thứ hơn trong cuộc sống và cho phép bạn biến ý tưởng của mình thành tiền. Kiến thức hoàn thiện về cả ba nhánh của trí óc là rất cần thiết nhưng việc một ý tưởng có thể hoàn thiện và được hiện thực hóa hay không là phụ thuộc vào Khát vọng. Khát vọng là sự kết hợp giữa cảm giác và hành động. Khát vọng sẽ giúp phát huy tất cả các phẩm chất, mọi sự nỗ lực và toàn bộ sức mạnh của trí óc bạn.
Ý tưởng là gì? Một ý tưởng là một hình ảnh được hình thành trong tâm trí. Đó là một bức tranh tinh thần của một cái gì đó bạn đã nhìn thấy, nghe thấy hoặc đã từng suy nghĩ tới. Nó là sự hình thành bản thiết kế mà theo đó, một cái gì đó được phát triển hoặc tạo ra.
Ý tưởng ngay lập tức được xử lý bởi Cảm xúc. Một số ý tưởng bị vô hiệu hóa bởi Phán quyết. Những ý tưởng khác thì bị hút vào trong những mơ mộng hão huyền rồi biến mất như những suy nghĩ thoáng qua. Những ý tưởng khác thì lại chắp cánh và bay đi. Ý tưởng đến và đi, và thường đến cùng với những mong ước. Do đó, người xưa có câu: “Nếu mong ước là một con ngựa, thì người ăn xin hẳn sẽ cưỡi con ngựa đó”.
Có mong ước không phải là chuyện xấu, nhưng hiếm khi chúng có thể biến được thành tiền. Mặt khác, một số ý tưởng của bạn có thể rất tốt và có thể biến thành tiền. Hãy tập trung vào những ý tưởng đó và biến chúng thành tiền.
Kế hoạch có thể biến ý tưởng của bạn thành tiền như thế nào?
Làm thế nào bạn có thể biến ý tưởng của mình thành tiền? Đây là một quá trình đơn giản và rất thú vị, hãy thưởng thức trải nghiệm đó.
Vấn đề không phải là bạn phải làm việc với mọi người, viết ra hay tạo nên cái gì. Quan trọng là bạn phải có một phương tiện để truyền đạt ý tưởng của bạn cho người khác. Phương tiện tốt nhất để truyền đạt một ý tưởng là kế hoạch. Kế hoạch tạo ra cho ý tưởng một cơ thể hữu hình. Kế hoạch biến ý tưởng thành một lý tưởng. Một lý tưởng là một hình ảnh hoàn hảo và thiết lập một khái niệm đầy đủ về thứ bạn muốn tạo ra, hoặc sự kiện bạn muốn tổ chức.
Tất cả mọi thứ bạn quan sát được trong tự nhiên đều là những ý tưởng của Chúa. Chúng được thể hiện trong Kế hoạch của Ngài. Kế hoạch này tạo nên cơ thể có hình thức, kích thước và màu sắc cho Ý tưởng. Nếu không, chúng ta đã không thể xác định và phân loại các giống, loài khác nhau khi chúng xuất hiện trong tự nhiên. Đây là một manh mối rõ ràng về lý do tại sao để tạo được ảnh hưởng hay để tạo ra mọi thứ, tất cả các ý tưởng phải có Kế hoạch.
Nguyên tắc tuyệt vời này được thể hiện trong tất cả chúng ta. Mọi thứ được tạo ra bởi con người đều có nguồn gốc từ Tâm trí. Ý tưởng là vô hình trước khi nó có thể trở thành hữu hình. Ý tưởng là một suy nghĩ, sau đó trở thành một sản phẩm. Tất cả các ý tưởng để thành công phải có một kế hoạch. Kế hoạch không chỉ xác định ý tưởng của bạn, mà nó còn tạo cho bạn động lực để hành động.
Ba Quy luật cố định để tạo Kế hoạch cho ý tưởng của bạn được liệt kê như sau.
Đầu tiên: Tạo một Kế hoạch cho điều bạn mong muốn thực hiện.
Thứ hai: Xây dựng một Quy trình để đưa Kế hoạch thành Hành động.
Thứ ba: Thực hiện chuỗi Hành động để biến Kế hoạch thành Hiện thực.
Kế hoạch vạch nên từ ý tưởng của bạn rất rõ ràng và cụ thể về sự việc, vị trí hoặc tình huống bạn muốn tạo nên. Một khi bạn đã có quyết định thực hiện, hãy tiến hành tạo nên kế hoạch dựa trên ý tưởng đó.
Xây dựng một Kế hoạch và thực hiện nó một cách khoa học là một quy trình rất đơn giản. Một khối vật liệu không liên quan được ném vào với nhau sẽ không xây được thành một ngôi nhà. Mỗi viên gạch, mỗi tấm ván và mỗi chiếc đinh đều phải được đặt vào vị trí của nó. Điều tương tự cũng đúng trong việc xây dựng một Kế hoạch. Mỗi từ, mọi suy nghĩ và mỗi câu đều phải có vị trí của nó. Kế hoạch là một tổ chức các kiến thức đã được sắp xếp để mô tả lý do điều mong muốn làm có thể trở thành Hiện thực. Tạo ra trong tâm trí của người khác niềm tin vào Ý tưởng của bạn là một nghệ thuật.
Cách khoa học nhất để xây dựng một Kế hoạch là tập hợp tất cả các tài liệu lại với nhau, thu thập tất cả các thông tin và tìm hiểu mọi thứ, bạn có thể tìm được điều bạn mong muốn làm. Hãy tìm lịch sử, bối cảnh, mối quan hệ kinh tế và vai trò của nó trong cuộc sống. Hãy phân tích những dữ liệu này, lập nên danh mục, phân loại, sắp xếp, xác định, hiệu chỉnh và lấy những phần tốt nhất của chúng, đưa vào Kế hoạch của bạn. Bao gồm trong Kế hoạch này là bất cứ điều gì sẽ giúp cải thiện kinh doanh, hoặc bất cứ điều gì sẽ giúp cho người khác, bất cứ điều gì sẽ khiến mọi người an tâm, bất cứ điều gì sẽ làm phong phú thêm cuộc sống của người khác hoặc bất cứ điều gì bạn tìm thấy có thể giúp bạn biến Ý tưởng thành tiền.
Hãy trình bày Kế hoạch này theo trình tự, liệt kê từng bước và cố gắng sử dụng các từ ngữ có tính biểu đạt, mang nhiều hình ảnh. Hãy nói hoặc viết Kế hoạch của bạn bằng các thuật ngữ cụ thể, không phải bằng cách trừu tượng. Hãy trình bày một cách ngắn gọn, súc tích, trực tiếp và dễ hiểu. Hãy điểm xuyết thêm vào Kế hoạch của bạn một chút sở thích cá nhân, một chút gia vị của sự nhiệt tình và làm ngọt nó với đường của lòng tốt.
Quy luật thứ hai: Xây dựng một Quy trình để đưa Kế hoạch vào hoạt động.
Qua việc xây dựng nên Kế hoạch cho việc muốn làm, bạn đã xác định được chắc chắn những gì mình muốn. Kế hoạch để thực hiện điều này hiện đã được tạo nên. Vậy bước tiếp theo là gì? Là phát triển một Quy trình để đưa Kế hoạch cho điều bạn muốn làm trở thành hành động. Quy trình là chuỗi hành động để đưa Kế hoạch vào thực tiễn. Để lên được quy trình đó, bạn cần phải áp dụng Bốn nguyên tắc sau đây. Mỗi nguyên tắc đều vô cùng cần thiết để hoàn thành được Kế hoạch. Những nguyên tắc này là:
1. Nguyên tắc của Niềm tin
Paul đã đưa ra cho thế giới định nghĩa chính xác nhất về niềm tin: “Bây giờ, niềm tin trở thành bản chất của những ước vọng, là bằng chứng của những điều chưa thể nhìn thấy”. Niềm tin là tin tưởng hết lòng vào sức mạnh vô hình của Chúa, tức bản chất của những ước vọng. Và bằng cách tuân thủ nghiêm ngặt theo Niềm tin, bản chất của những điều này sẽ trở thành bằng chứng chứng minh cho sức mạnh đó và biến chúng thành sự thật.
Có người hỏi Andrew Carnegie rằng ông coi điều gì là vĩ đại nhất trong những thành công phi thường của mình. Ông trả lời: “Niềm tin vào bản thân, Niềm tin vào người khác và Niềm tin vào công việc của tôi”. Thế giới luôn mở đường cho những người biết mình đang làm gì và đang đi đâu.
Vào tối ngày 12 tháng 12 năm 1900, một chàng trai trẻ, ba mươi tám tuổi, được mời phát biểu tại một bữa tiệc tổ chức tại Câu lạc bộ Đại học ở New York. Những vị khách trong bữa tiệc này là những người nổi tiếng nhất trong các ngành nghề công nghiệp và tài chính, dẫn đầu bởi J. P. Morgan. Chủ đề bài phát biểu của chàng trai trẻ là: “Tương lai của ngành Thép”. Anh ta nói trong một tiếng ba mươi phút. Nhờ vào niềm tin không thể suy chuyển của anh về Tương lai của ngành công nghiệp thép và Kế hoạch rất khoa học mà anh đã lập ra, tất cả những người có mặt đều được truyền cảm hứng để đứng lên hành động. J. P. Morgan, vốn dự định sẽ dời đi sau vài phút đầu tiên của bài phát biểu, đã bị thu hút và ấn tượng đến mức ông quyết định thành lập Tập đoàn Thép Hoa Kỳ.
Diễn giả của buổi tối hôm đó là Charles M. Schwab. Như một phần thưởng cho bài phát biểu thể hiện Nguyên tắc niềm tin của ý tưởng, Charles M. Schwab đã trở thành chủ tịch đầu tiên của Tập đoàn Thép Hoa Kỳ, với mức lương một trăm ngàn đô la một năm. Niềm tin rất đáng để nuôi dưỡng.
Niềm tin là sự tin tưởng mãnh liệt vào kết quả thuận lợi của điều gì đó vẫn chưa được xác nhận. Niềm tin mang lại sự sống, sức mạnh và động lực cho Kế hoạch của bạn. Niềm tin truyền cảm hứng cho bạn với sự tự tin tuyệt đối để thể hiện Kế hoạch và khiến bạn có thể biến ý tưởng thành tiền. Bằng mọi cách, hãy xây dựng Niềm tin.
2. Nguyên tắc lặp lại
Trong tự nhiên, Nguyên tắc lặp lại là liên tục và thường xuyên làm lại những điều tương tự. Mỗi ngày, mặt trời luôn mọc ở hướng đông và lặn ở hướng tây, không bao giờ thay đổi. Đêm và ngày lặp lại là một nguyên tắc chắc chắn bất di bất dịch. Bốn mùa liên tục lặp đi lặp lại ngày này qua tháng khác. Các nhà thiên văn học đã đặt đồng hồ của mình theo quy luật này.
Nguyên tắc lặp lại là một trong những yếu tố đóng góp vào việc dạy cho bạn hầu hết những điều bạn học được trong cuộc sống. Ví dụ: Khi còn là một đứa bé, bạn phải mất khá nhiều thời gian để học cách đi bộ. Cuối cùng thì bạn cũng đã biết đi nhờ có Nguyên tắc lặp lại. Bạn cứ lặp đi lặp lại cùng một động tác đi mỗi ngày. Cuối cùng, nhờ sự kiên trì của chính mình, bạn đã có đủ kiến thức, vóc dáng và sự hiểu biết để chinh phục được Nghệ thuật đi đứng. Ban đầu đây có thể là một nhiệm vụ rất khó khăn, nhưng một khi bạn có được kiến thức và kinh nghiệm, việc đi đứng trở nên rất dễ dàng.
Bạn đã học cách nói theo cùng một Nguyên tắc. Thời gian trôi qua, bạn đi đến trường và một lần nữa Nguyên tắc lặp lại là người thầy của bạn. Hết lần này đến lần khác, nguyên tắc đó đã giúp bạn ghi nhớ bảng chữ cái A, B, C, bảng cửu chương và bài thơ đầu tiên mà bạn đọc trước lớp. Những điều mà Nguyên tắc lặp lại đã dạy bạn giúp đưa kiến thức vào ý thức của bạn. Chúng trở thành một phần của bạn và việc áp dụng chúng rất tự nhiên, dễ dàng.
Thủ thuật của các nhà ảo thuật có vẻ rất dễ làm, đương nhiên chỉ đối với anh ta. Anh ta đã làm cho nó dễ dàng được như vậy là nhờ Nguyên tắc lặp lại.
Khi áp dụng Quy trình để đưa Kế hoạch của bạn vào hoạt động, Nguyên tắc lặp lại là hành động hoàn thiện Kế hoạch bằng cách thực hành. Bạn học cách hiểu nó; học cách căn chỉnh thời gian. Bạn biết khi nào nên nói và khi nào nên im lặng. Bạn cảm nhận được cao độ và tông giọng thích hợp để đưa ra từng từ. Bạn có niềm tin vào Kế hoạch của mình. Bạn học cách cảm nhận lời nói của mình và mọi suy nghĩ trong đó có khả năng truyền cảm hứng và tiếp thêm sinh lực cho người khác. Nó là một phần của bạn. Bạn có thể thực hiện Kế hoạch theo trình tự hoàn hảo và sự phối hợp ăn ý. Bạn thấy như thể có phép thuật trong đó, không chỉ cho bạn, mà cho cả những người bạn trình bày Kế hoạch với họ. Bằng cách thực hành và trình bày Kế hoạch của bạn, bản thân Kế hoạch sẽ tự hoàn thiện chính nó và có khí chất riêng của nó. Suy nghĩ của bạn trở thành nam châm và bạn có thể khiến người khác cảm thấy cảm hứng toát ra từ Kế hoạch của bạn.
Mỗi lần đánh giá lại Kế hoạch của mình là bạn sẽ học được điều gì đó mới. Bạn học cách tạo nên nguồn cảm hứng mới, niềm say mê và sự nhiệt tình mới. Bằng mọi cách, hãy thử nghiệm và cố gắng hoàn thiện Kế hoạch của bạn bằng cách áp dụng Nguyên tắc lặp lại.
3. Nguyên tắc của trí tưởng tượng
Trí tưởng tượng là sức mạnh để suy nghĩ về hình ảnh, từ ngữ hoặc sự vật. Nó là phòng sáng tác của trí não. Ở đây, Kế hoạch được phác thành hình dạng, hình thức và sẵn sàng để đưa vào thực tế. Bộ phận này của trí óc có thể hình dung và tưởng tượng ra ý tưởng khi được đưa vào thực tế.
Để minh họa sức mạnh của trí tưởng tượng trong việc phát triển một ý tưởng, tôi sẽ kể cho bạn một câu chuyện thú vị. Hơn năm mươi năm trước, một bác sĩ già ở vùng nông thôn đã tạo ra một công thức rất tuyệt vời. Ông không biết phải làm gì với nó, nhưng ông nhận ra giá trị to lớn của nó. Ông ta đưa công thức này cho một dược sĩ trẻ tuổi và giải thích về thành phần của công thức đó. Công thức này chỉ là một ý tưởng đối với vị bác sĩ già nhưng anh dược sĩ trẻ đã trả ông năm trăm đô la cho ý tưởng đó.
Vị dược sĩ trẻ này đã làm gì? Anh đưa ý tưởng chứa trong công thức đó vào trí tưởng tượng của mình. Anh hình dung ra giá trị của nó. Anh phát hiện ra rằng nội dung của công thức đó chứa đựng tất cả các yếu tố cần thiết để tạo cho mọi người một thức uống mát lạnh và sảng khoái, giúp họ xả stress và lấy lại tinh thần. Ý tưởng đó khiến anh chàng rất phấn khích và anh đã bắt tay vào viết nên một Kế hoạch để biến ý tưởng thành hiện thực. Anh không ngừng cố gắng tạo ra Kế hoạch để sản xuất nên thứ đồ uống mà sau này sẽ nổi tiếng thế giới. Nhân viên bán thuốc đó là Asa Candler. Đồ uống đó là Coca Cola. Ngày nay, cái tên Coca Cola có mặt trên hầu hết các biển quảng cáo ở khắp nơi và hương vị của nó in đậm trong bữa ăn của tất cả mọi người. Mảnh giấy nhỏ ghi chép công thức đó, cộng với một ý tưởng có pha trộn với trí tưởng tượng của Asa Candler, đã biến thành hàng trăm triệu đô la.
Phần tiếp theo của câu chuyện này là vài năm sau khi Công ty Coca Cola đang trên đường phát triển thịnh vượng, một chàng trai trẻ bước vào văn phòng của ông Candler và đề xuất với ông một Kế hoạch giúp tăng gấp đôi công việc kinh doanh của Công ty. Đổi lại, anh muốn 25.000 đô la. Hội đồng quản trị đã họp và đồng ý với lời đề nghị. Kế hoạch đó ngắn, súc tích và chứa ít từ hơn bất kỳ Kế hoạch nào khác từng được viết nên mà có thể giúp để nhân đôi doanh thu của bất cứ công ty nào. Kế hoạch đó là: “Đóng chai”. Trí tưởng tượng là một trong những bộ phận có giá trị nhất của não bộ. Vì vậy, bằng mọi cách, hãy nuôi dưỡng nó.
4. Nguyên tắc kiên trì
Bạn có thể có niềm tin vào một ý tưởng. Bạn có thể hoàn thiện một ý tưởng nhờ có Nguyên tắc lặp lại. Bạn có thể sử dụng sức mạnh của Trí tưởng tượng để hình dung ý tưởng. Nhưng bạn phải bền bỉ theo đuổi tất cả những điều này. Bạn phải chứng minh được sự kiên trì của bản thân.
Sự kiên trì trong tiếng Anh được tạo nên từ hai từ Latin, “per” có nghĩa là “đến” và “sister” có nghĩa là “đứng yên”, nghĩa là để đứng hoặc để cố định, đối mặt với tất cả những khó khăn với lòng can đảm, không bị khuất phục. Kiên trì nghĩa là tiếp tục kiên cường với Kế hoạch của bạn, bất chấp mọi sự phản đối hay nghịch cảnh. Kiên trì nghĩa là quyết tâm, kiên định cho đến khi Kế hoạch của bạn được hoàn thành và những nỗ lực của bạn đã đạt đến thành công. Kiên trì là một thuộc tính nhất định phải có để đảm bảo sự hoàn thành của Kế hoạch.
Theo ước tính, hơn hai mươi triệu người đã đọc cuốn sách hay xem phim Cuốn theo chiều gió. Chắc hẳn phải có thứ gì đó làm nên sự nổi tiếng phi thường này. Thứ đó là gì? Scarlett, nhân vật chính của câu chuyện, luôn kiên cường trước mọi nghịch cảnh, cô không bao giờ chấp nhận là nạn nhân của bi kịch. Không có trở ngại, không có bi kịch, không có thảm họa, không có nghịch cảnh hay điều kiện nào làm nản chí tinh thần bất khuất của cô. Cô đã trải qua và chinh phục tất cả mọi khó khăn bằng sự kiên định của mình. Nhờ làm theo Nguyên tắc Kiên trì, cô đã làm chủ được số phận của mình và đứng lên đỉnh vinh quang của chính bản thân. Sự kiên trì của cô đã khiến mọi người vô cùng tò mò. Họ háo hức tìm hiểu làm thế nào cô ấy làm được điều đó.
Tại Wake Forest, nơi tôi học đại học, Tiến sĩ Tom - một người có kinh nghiệm lâu năm – năm nào cũng được mời đến để nói chuyện với Hội Sinh viên và chia sẻ những lời khuyên.
Lời khuyên vĩ đại nhất của vị tiến sĩ này đã được lặp đi lặp lại từ năm này qua năm khác. “Hãy chắc chắn rằng bạn đúng, và sau đó hãy chắc chắn rằng bạn sẽ theo đuổi đến cùng”. Đây là một minh họa sống động về sự kiên trì.
Có Kế hoạch tốt và định hướng đúng đắn thì lòng Kiên trì sẽ làm cho Kế hoạch của bạn được thực hiện suôn sẻ và biến ý tưởng của bạn thành tiền.
Thành công của bất kỳ Kế hoạch nào cũng giống như việc nhấn nút rượu táo bằng máy ép rượu táo vậy. Bạn ấn và tiếp tục ấn nhưng rượu táo không chảy ra, cho đến khi bạn thực hiện một lần ấn cuối cùng và rượu sẽ chảy ra. Kiên trì là lần ấn cuối cùng làm cho Kế hoạch thành công. Không có gì thay thế được lòng kiên trì và bạn cũng nên nhớ rằng: “Người bỏ cuộc sẽ không bao giờ thắng, và người chiến thắng không bao giờ bỏ cuộc”.
Thứ ba: Thực hiện chuỗi Hành động để biến Kế hoạch thành hiện thực.
“Tất cả thế giới là sân khấu và tất cả đàn ông và phụ nữ chỉ là diễn viên trong vở kịch”.
Trong Quy luật đầu tiên, chúng ta có được kiến thức cần thiết cho việc lập Kế hoạch. Trong Quy luật thứ hai, chúng ta đã học được các nguyên tắc cần thiết để hoàn thành Kế hoạch đó. Bây giờ đến Quy luật thứ ba - các nguyên tắc để biến Kế hoạch thành hiện thực. Trong quy luật cuối cùng, chúng ta sẽ trở thành diễn viên kịch Shakespeare. Tất cả năng lượng và tính cách của nhân vật phải được tạo ra để đưa Kế hoạch vào hiện thực.
Mỗi ý tưởng là một bức tranh. Một ý tưởng có Kế hoạch sẽ là một bức tranh hoàn hảo. Nó trở thành một lý tưởng. Một lý tưởng là một cái gì đó có thật, bất kể nó có thể nhìn thấy được hay không. Nó là một ý tưởng được tạo thành từ nhiều ý tưởng gộp lại. Điều gì xảy ra khi một Kế hoạch trở thành một Lý tưởng? Ý tưởng trong Kế hoạch trở thành hiện thực của bạn. Nó là một phần của bạn. Kế hoạch được nghênh đón trong Phòng tiệc Vĩ đại của Ý thức. Ở đây, Kế hoạch được bắt tay với sức mạnh, tinh thần, động lực, sự tự tin, lòng can đảm và thôi thúc ý muốn hành động. Tại buổi tiệc chào đón này, Lòng tin ôm lấy Kế hoạch. Trí tưởng tượng ca ngợi Kế hoạch. Sự lặp lại nhắc lại Kế hoạch và Lòng kiên trì cam kết sẽ hoàn thành Kế hoạch. Hình dung ra Kế hoạch nghĩa là ngắm nhìn nó một cách tổng thể. Lý tưởng hóa một Kế hoạch là cảm nhận nó qua những hành động thực tiễn. Việc lý tưởng hóa nó sẽ đưa bạn hòa mình vào bữa tiệc. Bạn có thể cảm thấy bản thân đang tiến hành đúng theo Kế hoạch một cách chính xác, trơn tru và kỹ lưỡng. Bạn cảm nhận được tầm ảnh hưởng của nó, không chỉ với bản thân mà còn với tất cả những người bạn tiếp xúc xung quanh. Với sức mạnh này chống lưng đằng sau ý tưởng, Kế hoạch sẽ trở nên mạnh mẽ đến mức chẳng mấy chốc, chính nó sẽ trở thành động lực thúc đẩy bạn.
Kế hoạch của tôi đã biến ý tưởng thành tiền như thế nào?
Để minh họa cho lý thuyết về “Cách biến ý tưởng của bạn thành tiền”, tôi muốn nói với bạn cách tôi đã thực sự thực hiện được điều đó. Vài năm trước, tôi đã nói với một tổng đại lý của một công ty bảo hiểm nhân thọ rằng tôi muốn bán bảo hiểm nhân thọ qua điện thoại. Ông ta nói chuyện đó thật nực cười. Vài năm sau, người đàn ông này rất ngạc nhiên khi biết rằng tôi đã bán được rất nhiều gói bảo hiểm nhân thọ với tổng trị giá mười triệu đô la cho những người hoàn toàn xa lạ chỉ qua điện thoại. Để hoàn thành được kỷ lục tuyệt vời này, tôi cần phải biết một vài điều về ý tưởng và làm thế nào để đưa những ý tưởng này đến với mọi người. Tôi thích ý tưởng về bảo hiểm nhân thọ. Đây là ý tưởng duy nhất khơi gợi nên Cảm xúc của tôi. Phán quyết cho thông qua ý tưởng đó và tuyên bố rằng đó là ý tưởng rất hay. Đam mê được khơi dậy và thuyết phục tôi rằng ý tưởng này có thể biến thành tiền. Câu hỏi là làm thế nào để làm được điều đó?
Bán hàng thực chất rất giống với làm nông. Người nông dân phải gieo hạt giống. Khi gieo hạt, anh ta không có gì đảm bảo rằng chúng sẽ cho một vụ mùa tốt. Anh ta chỉ biết mình phải gieo trước khi có thể gặt. Kinh Thánh đã dạy anh ta: “Gieo gì gặt nấy”. Quy luật Mosaic nói với anh ta rằng mọi thứ trong tự nhiên đều sẽ tăng lên theo cách riêng của nó.
Người nông dân giống như người bán hàng vậy. Người nông dân gieo hạt giống. Nhân viên bán hàng trồng ý tưởng. Các ý tưởng về sản phẩm, cũng như hạt giống, sẽ không bao giờ phát triển thành một vụ mùa bán hàng trừ khi chúng được trồng xuống đất. Người bán hàng sẽ gặt hái khi anh ta đã gieo hạt. Càng gieo nhiều ý tưởng, anh ta sẽ càng gặt hái được nhiều doanh số.
Để bán hàng qua điện thoại, bạn cần phải xây dựng ý tưởng xung quanh sản phẩm của bạn. Những ý tưởng này phải truyền tải giá trị của sản phẩm đến được những khách hàng tiềm năng. Mọi người sẽ chỉ có phản ứng với những ý tưởng. Khách hàng là âm; bạn là dương. Đề xuất phải đến từ bạn. Phản ứng sẽ phát triển dần tùy theo khách hàng. Ý tưởng về sản phẩm chính là hạt giống bạn trồng. Điện thoại có thể giúp bạn trồng thêm hạt giống một cách khoa học và có hệ thống hơn.
Do đó, tôi nhận ra, để có một vụ mùa bán bảo hiểm nhân thọ tốt, tôi phải gieo một vụ ý tưởng bảo hiểm nhân thọ. Tôi không phí mất một giây nào không xây dựng Kế hoạch bán hàng xung quanh những ý tưởng bảo hiểm nhân thọ này. Khi xây dựng Kế hoạch này, tôi đã nghiên cứu bảo hiểm nhân thọ từ mọi góc độ, không một vấn đề nào của đối tượng bị bỏ qua cả. Tôi đã tìm kiếm mọi nguồn có sẵn để trau dồi kiến thức và thu thập thêm thông tin. Tôi đọc mọi cuốn sách tôi có thể tìm thấy về chủ đề này. Tôi đã so sánh tất cả các công ty lớn với nhau. Tôi đã phân tích tất cả các loại chính sách quan trọng, bao gồm Bảo hiểm có kỳ hạn, Nhân thọ thông thường, Nhân thọ thanh toán có giới hạn, Khoản hỗ trợ, tất cả các hình thức của Trả lãi hằng năm và Kế hoạch thu nhập hưu trí. Tôi tính toán với các bảng tỷ lệ tử vong, các bảng lãi suất gộp, các bảng tuổi thọ, dự trữ tiền mặt, các điều khoản khuyết tật, từ bỏ các điều khoản cao cấp và các bảng thống kê nhà ở dư thừa. Tôi đã học về Bảo hiểm Nhân thọ cho các mối quan hệ đối tác, các công ty và các vấn đề thuế. Tôi đã tìm kiếm các luật thuế liên quan đến bất động sản, di chúc và tín nhiệm. Tôi đã làm quen với luật thuế thừa kế, cả luật Bang và luật Liên bang. Các khía cạnh xã hội, kinh tế và tài chính của bảo hiểm nhân thọ được coi như một định chế, được cân nhắc và phân tích kỹ lưỡng. Tôi thấy tổ chức bảo hiểm nhân thọ là dầm thép nâng đỡ cấu trúc kinh tế của cả quốc gia.
Sau khi bão hòa bản thân với kiến thức về bảo hiểm nhân thọ, tôi tìm hiểu về khách hàng tiềm năng của mình. Họ là dạng người thế nào? Vị trí của họ ở đâu trong mạng lưới quan hệ kinh tế, xã hội và tài chính tuyệt vời này? Tôi quyết định rằng toàn bộ hệ thống được thiết lập cho một mục đích và chỉ một mục đích duy nhất, và đó là để phục vụ nhu cầu của các khách hàng tiềm năng. Chính sách bảo hiểm nhân thọ là tuyên bố độc lập tài chính, thể hiện sự đảm bảo sẽ giải quyết các vấn đề xã hội, kinh tế và tài chính của khách hàng và là đảm bảo cho tham vọng và nhu cầu của người đó. Vị khách hàng tiềm năng không biết đến điều này. Việc của tôi là phải nói cho họ biết điều ấy. Do đó, tôi đã làm cho tiềm năng ấy trở thành trung tâm của toàn bộ Kế hoạch. Tôi làm cho khách hàng trở thành tâm của bánh xe. Tôi làm cho khách hàng trở thành con nhện trong cái lưới của chính anh ta. Tôi quàng chính sách bảo hiểm nhân thọ lên vai anh ta. Tôi lý tưởng hóa Kế hoạch cho anh ta. Tôi khiến Kế hoạch trở nên gần gũi với anh ta. Tôi tạo nên một bức tranh toàn cảnh về lợi ích và ý nghĩa của các chính sách bảo hiểm cho khách hàng và gia đình của anh ta.
Ý tưởng về bảo hiểm nhân thọ được đưa vào Kế hoạch bán hàng dài hai trăm từ, được Lòng tin hiện thực hóa và trở thành một động lực. Nó kích thích sự quan tâm và thuyết phục khách hàng tiềm năng để có hành động. Nó tạo ra doanh số, nó tạo ra kết quả và nó biến ý tưởng bảo hiểm nhân thọ thành tiền. (Kế hoạch bán hàng tôi đã sử dụng được trích dẫn nguyên văn trong Chương 5 theo “Quy luật của mục đích”.)
Ý tưởng là vô tận. Nắm bắt một ý tưởng và nuôi dưỡng nó, tạo ra một cơ thể cho nó và chăm sóc cho đứa trẻ đó lớn lên. Đứa trẻ đó rất có thể sẽ lớn lên thành một người khổng lồ.
John D. Rockefeller đã nắm bắt ý tưởng cung cấp ánh sáng cho hàng triệu người bằng cách sử dụng dầu. Ông đã cho ý tưởng một cơ thể. Lúc đầu, nó là một đứa bé nhỏ xíu, nhưng hai mươi lăm năm sau, nó là một người khổng lồ trị giá hàng tỷ đô la.
Adolph Ochs, nhà báo quá cố của Thời báo New York, đã nắm bắt ý tưởng trình bày tin tức một cách trung thực và vô tư. Xung quanh ý tưởng này, ông đã xây dựng một trong những ấn phẩm hay nhất thế giới.
Henry Ford nắm bắt ý tưởng về giao thông vận tải. Ông đã đưa ra ý tưởng một thân xe ô tô, sơn màu đen, gọi nó là Model T và biến nó thành khối tài sản trị giá hơn một tỷ đô la.
Cyrus McCormick đã có một ý tưởng. Xung quanh ý tưởng này, ông đã phát triển một máy gặt để cắt và bó tất cả lúa mì cùng một lúc. Công ty Thu hoạch Quốc tế là kết quả của ý tưởng đó.
Edison đã đưa ý tưởng của mình vào một cơ thể “Máy ghi âm. Ông là chủ nhân của giọng nói”. Ông chắc hẳn không phải lo lắng về việc bữa ăn tiếp theo của mình.
Tất cả những người đã đóng góp dưới hình thức các dịch vụ, phát minh, khám phá và khoa học, đã đưa ý tưởng của họ vào một Cơ thể hoặc một Kế hoạch. Một ý tưởng có thể không có ý nghĩa gì cho đến khi nó được đưa vào Kế hoạch hoặc được xây dựng trong Cơ thể.
Một ngôi nhà, một tòa nhà văn phòng, một cái giường, một cái ghế, một cái bàn, một đầu máy, một chiếc ô tô, một chiếc thuyền hơi nước, một Tuyên ngôn “Độc lập, Dân chủ, Cộng hòa”, và thậm chí là một Hiệp ước Hòa bình, đều là những ý tưởng mà ai đó đã đưa vào một Cơ thể hoặc một Kế hoạch. Một ý tưởng để có thể phục vụ cho công chúng phải được đưa vào một phương tiện phù hợp nào đó.
Ý tưởng về Dân chủ (Nhân dân làm chủ) đã phát triển trong suốt ba nghìn năm trước khi Thomas Jefferson kết hợp ý tưởng đó vào Tuyên ngôn Độc lập. Trong tài liệu bất hủ này, Jefferson đã định nghĩa Ý tưởng Dân chủ bằng những từ này: “Chúng tôi khẳng định một chân lý hiển nhiên rằng mọi người sinh ra đều bình đẳng, rằng tạo hóa đã ban cho họ những quyền tất yếu và bất khả xâm phạm, trong đó có quyền được sống, quyền được tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Rằng để đảm bảo cho những quyền lợi này, các chính phủ được lập ra trong nhân dân và có được quyền lực chính đáng trên cơ sở sự đồng ý của nhân dân”.
Ý tưởng được thể hiện dưới dạng từ ngữ, suy nghĩ, một vật hay một hành động gì đó, tùy vào cách mà bạn tin vào nó. Hãy tin vào ý tưởng của bạn, tập trung sức lực vào đó, đưa nó vào một Kế hoạch hay một Cơ thể. Một khi bạn đã tập trung vào ý tưởng đó, những ý tưởng mới, suy nghĩ mới, thước đo, phương thức thực hiện mới sẽ gõ cửa tâm trí của bạn để giúp biến Ý tưởng đó thành hiện thực. Thả một viên sỏi vào một hồ nước. Viên sỏi tạo nên một loạt các gợn sóng mở rộng dần lan ra khắp mặt hồ. Đây là những gì xảy ra khi bạn tạo ra cho ý tưởng của mình một Kế hoạch. Việc đó giúp bạn khai thác các năng lượng sáng tạo tuyệt vời ở trong. Nó biến năng lượng ẩn giấu ở bên trong thành sức mạnh khiến hàng ngàn người xoay chuyển và sẵn sàng giúp đỡ bạn. Nó giúp cho người khác cảm nhận về ý tưởng của bạn theo cách bạn đã cảm nhận. Nó cung cấp cho bạn tất cả sức mạnh cần thiết để đưa ý tưởng thành thực tế. Bạn có thể thuyết phục được người khác. Nó làm cho ý tưởng trở thành thứ năng lượng sống động, một lực lượng tinh tế và không thể chống lại. Ý tưởng củng cố tính cách của bạn và đưa ra hình thức, màu sắc, bản chất cho những gì bạn mong muốn thực hiện. Bạn có thể vượt qua mọi tình huống bất lợi, giải quyết mọi vấn đề và làm chủ mọi vấn đề đang cản trở bạn. Bạn có thể có bất cứ điều gì trái tim bạn mong muốn. Bạn có thể biến Ý tưởng của mình thành Tiền, miễn là bạn không đặt tiền lên trước tất cả!
Đừng đặt tiền lên trước ý tưởng
Sai lầm phổ biến nhất của những người muốn kiếm được hàng triệu đô là họ mong chờ một số tiền vượt quá mức mà họ có thể có được.
Thực tế, ngoài trường hợp thừa kế được một gia tài kếch sù, cách chắc chắn duy nhất để kiếm tiền là bằng mồ hôi, xương máu và bằng nỗ lực của chính trí tưởng tượng của bạn. Rõ ràng, trí tưởng tượng sẽ mang lại lợi nhuận lớn nhất vì trí tưởng tượng là nguồn tạo ra ý tưởng. Lao động và sống tiết kiệm sẽ tạo ra tài năng, nhưng sự giàu có về mặt tiền bạc thì lại là phần thưởng của người có thể nghĩ ra những điều chưa từng được nghĩ đến trước đây.
Câu chuyện thành công là một câu chuyện về những giấc mơ. Sự phồn thịnh của nước Mỹ đã được xây dựng bởi những người nắm giữ ý tưởng và theo đuổi nó bằng hết khả năng của mình. Tất nhiên, họ đã nghĩ đến một triệu hoặc một trăm triệu đô la, nhưng một khi họ đã tự thuyết phục và đảm bảo được bản thân đang đi đúng hướng, họ sẽ tiếp tục kiên định trên con đường của mình và để hàng triệu đô la đó tự đến với họ. Họ biết rằng nếu ý tưởng đó hay thì kết quả sẽ khả quan. Họ không lo nghĩ về phần thưởng mà chỉ lo làm thế nào để vận hành cỗ máy sẽ giúp họ đạt được phần thưởng đó.
Trên khắp nước Mỹ, mọi người lo lắng về việc họ sẽ chẳng bao giờ kiếm được một triệu đô la. Họ không nghĩ về khả năng để tạo ra một ý tưởng có thể tạo ra một triệu đô la; họ đang nghĩ về việc họ sẽ không thể kiếm được một triệu đô la mà không phải bỏ công sức ra. Họ đang tìm kiếm một phép màu và chỉ thấy rằng sẽ chẳng có phép màu nào có thể xảy ra. Mặc dù họ thèm muốn phần thưởng, họ không có gì ngoài mong muốn có nhiều tiền. Họ nghĩ về tiền chỉ bằng đô la và không thấy rằng những gì họ đóng góp sẽ là thước đo cho những gì họ nhận được. Hãy nuôi dưỡng ý tưởng và phần còn lại sẽ tự đến với bạn.