N
gười Hy Lạp có một câu châm ngôn giải đáp câu hỏi này và đó vẫn là câu trả lời hay nhất dù hàng ngàn năm đã trôi qua.
Kiến thức là sức mạnh
Câu nói đó đã được lặp đi lặp lại rất nhiều lần xuyên suốt nhiều thế kỷ tới mức ngày nay, nó đã trở thành một thứ sáo rỗng bởi đó là một câu nói rập khuôn về một sự thật hiển nhiên ai cũng biết. Nhưng điều đó không làm mất đi giá trị của nó như một triết lý sống. Chúng ta không thể phá hủy một ngôi đền bằng cách ném gạch đá qua cửa sổ. Cho dù có chuyện gì xảy ra, ngôi đền vẫn đứng vững.
Người Hy Lạp đã đúng và những kẻ biết lắng nghe lời khuyên của họ cũng vậy.
Tôi đã nói rất nhiều trong Chương 3 về giá trị to lớn của sự nhiệt tình trong bất kỳ hoạt động nào và tôi thực sự muốn bạn tin vào điều ấy. Tuy vậy, cẩn tắc vô áy náy, dù câu châm ngôn “Hãy bắt tay vào làm điều bạn muốn và bạn sẽ có sức mạnh” là điều không cần chứng minh. Điều ngược lại cũng không cần phải bàn cãi: Khi có sức mạnh và quyền lực, bạn sẽ tự khắc nhiệt huyết với những thứ bạn đang làm. Tuy nhiên, nếu bạn chỉ có sự nhiệt tình thì thành công vẫn còn rất xa vời.
Nói cách khác, chúng ta nghĩ rằng một người bán hàng giỏi là một người biết cách giao tiếp. Nhưng người bán hàng giỏi nhất phải là một người biết mình đang nói về cái gì. Đó mới là sức mạnh. Kiến thức tổng quan là một lợi thế lớn nhưng kiến thức về một chủ đề chuyên môn lại có tầm quan trọng lớn hơn. Cả hai đều hỗ trợ lẫn nhau nhưng kiến thức chuyên môn sẽ gây ấn tượng với những khán giả của bạn trước tiên. Hãy nắm rõ chủ đề bạn đang nói và những thứ khác sẽ tự đến. Sự nhiệt tình có thể dễ dàng lây lan. Sức mạnh luôn đem tới một niềm tin mạnh mẽ - một điều luôn đúng và không cần bàn cãi.
Nhờ đó, chúng ta đã tìm ra bí mật của sức mạnh và người Hy Lạp cổ đại với tất cả kinh nghiệm của nhân loại đều có cùng một câu trả lời: Bí mật của sức mạnh là Kiến thức.
Kiến thức có thể chuyển hóa thành sức mạnh
Trong những năm qua, tôi đã gặp rất nhiều người thành đạt trong mọi ngành nghề và điều luôn khiến tôi ấn tượng: Họ nói về chuyên môn của mình như đã hòa với nó làm một bất kể chủ đề. Cảm giác như chính kiến thức đang lên tiếng chứ không phải họ vậy. Tiếng nói chỉ là phương tiện để biểu đạt nhưng bạn không thể chỉ nghe tiếng nói ấy để hiểu được câu chuyện mà phải nghe được niềm tin mãnh liệt đằng sau nó.
Trong một lần thuyết minh về nghệ thuật, tại London, James McNeill Whistler - một nghệ sĩ người Mỹ nổi tiếng - đã hết sức kinh ngạc bởi một trong những khán giả của mình:
“Nhưng một phút trước, ông Whistler vừa tranh luận rằng...”
“Tôi xin lỗi”, Whistler cắt lời, “Tôi không tranh luận với ông, tôi đang nói cho ông biết!”
Một câu chuyện thật khác về Whistler: Trong cuộc tranh cãi đình đám giữa Whistler và Ruskin về bức tranh nổi tiếng của Whistler trị giá hai trăm đồng Guineas, Nocturne in Black and Gold - Cảnh đêm đen và vàng óng, Ngài Thẩm phán John Holker đã hỏi:
“Mất bao lâu để ông vẩy sơn lên bức tranh đó?”
“Tôi xin lỗi nhưng ông vừa nói gì cơ?” Whistler không tin vào tai của mình.
Ngài John đã phải lên tiếng xin lỗi vì sự bất lịch sự của bản thân.
“Khoảng một ngày”, Whistler trả lời. “Hình như tôi đã chỉnh sửa đôi chút vào ngày hôm sau.”
“Vậy là trong hai ngày”, Thẩm phán John nói, “Và ông bán bức tranh với giá hai trăm đồng Guineas?”
“Không”, Whistler trả lời, “Tôi bán bức tranh với giá đó vì nó là kiến thức tích góp cả cuộc đời tôi.”
Kiến thức của một đời! Câu trả lời tuyệt vời cho một câu hỏi không thể ngớ ngẩn hơn.
Bí mật của việc đạt được kiến thức
Nhưng đừng để câu chuyện về kiến thức của cả cuộc đời làm giảm bớt sự hăng hái của bạn đối với kiến thức bởi cả một cuộc đời nghĩa là tính cho đến thời điểm hiện tại, bất kể bạn đang ba mươi, sáu mươi hay chín mươi tuổi. Thời gian sống trên đời là thứ duy nhất tạo nên cái mà chúng ta gọi là kinh nghiệm. Trong khi đó, niềm tin và sự đấu tranh mới là thứ chúng ta cần. Thậm chí kinh nghiệm, nếu nói về độ dài thời gian, cũng không phải là kiến thức hay con đường dẫn đến kiến thức.
Kiến thức là phần thưởng cho những người dành nhiều tâm sức hơn bình thường vào một công việc thường ngày. Không chỉ đơn thuần là tiếp tục công việc người khác đã bỏ dở, mà còn là tìm kiếm mọi cách và phương tiện để công việc có thể tiếp tục hiệu quả hơn. Và chúng ta không cần phải gọi tên những ví dụ điển hình nhất như Edison hay Ford để chứng minh rằng niềm đam mê cải tiến và tiến bộ sẽ giúp bạn thành công trong mọi ngành nghề và mọi độ tuổi. Dưới đây là một vài trường hợp tôi được biết đến.
Một thư ký riêng cho một người đàn ông tài giỏi nhưng không qua đào tạo chính quy luôn tự quyết định và sửa lỗi tiếng Anh cho ông chủ của mình trong những bản thảo cuối cùng mà vẫn có thể kiếm được 150.000 đô la một năm với tư cách là một nhà văn độc lập. Anh ta chưa bao giờ viết một dòng văn nào trước đây nhưng anh ta có cảm giác rằng mình có thể làm được nên đã hành động để chứng minh điều đó. Một nhân viên kế toán sổ cái tại một nhà máy nhỏ đã tự học kế toán mỗi đêm, anh ta không chỉ học cách cân bằng sổ sách mà còn biết làm thế nào để phát hiện ra những tín hiệu nguy hiểm trong một tập hợp các số liệu. Hôm nay anh ấy đã trở thành một nhà phân tích tài chính. Một nhân viên bán hàng thiết bị gia dụng đã quá chán nản với tình trạng các bà nội trợ gọi điện tới hủy bỏ dịch vụ, nên anh ta đã gửi một số đề xuất cho bộ phận quảng cáo để cải thiện cách chào đón khách của mình và tăng thêm doanh số. Ngày nay anh ta đã là phó chủ tịch phụ trách bán hàng. Và còn vô số nhân viên bán lẻ và nhân viên phòng chứng khoán đã trở thành giám đốc điều hành, thậm chí là chủ cửa hàng. Hơn bốn mươi năm trước, một thanh niên làm việc trong một cửa hàng bách hóa nổi tiếng ở New York đã bỏ việc, mặc kệ sự phản đối của ông chủ và thành lập một hiệp hội cửa hàng đặc sản trên Đại lộ số 5 - mô hình sau này trở thành hoạt động quy mô và thành công nhất tại Mỹ. Tên anh ấy là Franklin Simon, và thành tích của anh ấy vẫn là một trong những huyền thoại tuyệt vời của buôn bán nhượng quyền thời hiện đại. Anh ta đặt ra một tiêu chuẩn mới mà không ai có thể theo được trong thời gian của anh ta và đó vẫn là điều mà ít ai có thể làm được kể từ khi ấy.
Bí mật của sự tiến bộ
Làm thế nào họ làm được điều đó? Làm thế nào để mọi người, trong mọi ngành công nghiệp, tự nâng mình từ các vị trí cấp dưới lên các vị trí cao hơn và tiếp tục thăng tiến, không có sự trợ giúp, không có ảnh hưởng từ bên ngoài nào ngoài nỗ lực của chính họ? Câu trả lời cho gần như mọi trường hợp đều rất đơn giản. Họ đã nghiên cứu chuyên sâu về những gì họ đang làm và áp dụng nó như một bước đệm để cải thiện sản phẩm, hoặc dịch vụ, và chính bản thân họ cùng một lúc. Một người mải mê làm việc của mình không để ý tới mọi thứ xung quanh, thực ra đang bận tâm để cải tiến chính mình. Công việc của anh ta chỉ là phương tiện để theo đuổi một vận mệnh lớn hơn đang đợi anh ta ở phía trước.
Dù bạn đang ở trong bất kể quỹ đạo cuộc sống và trong bất kỳ nghề nghiệp nào, đừng hài lòng với một khuôn mẫu, hãy cố gắng đổi mới và cải thiện công việc của những người đi trước. Tìm kiếm kiến thức và sức mạnh sẽ đến với bạn.