J
osh Billings, một diễn viên hài người Mỹ rất nổi tiếng trong thế kỷ trước, đã từng nói:
“Chúng ta cũng như những chiếc tem thư vậy. Nó chỉ hữu dụng khi được dán trên duy nhất một lá thư cho tới khi đến tay người nhận”.
Tại sao đáng bỏ công sức để chuyên môn hóa?
Sự chuyên môn hóa không được ủng hộ bởi một số người nhưng lại được hoan nghênh bởi số đông với những luận chứng thuyết phục hơn. Rõ ràng là làm tốt một việc sẽ có ích hơn là làm được nhiều việc nhưng không đem lại hiệu quả tối ưu. Điều đó đồng nghĩa với việc sự chuyên môn hóa cần được ủng hộ hơn là phản đối.
Việc ra sức trau dồi một khả năng duy nhất và bài trừ hoàn toàn những thứ khác đương nhiên không thể đem lại hiệu quả bằng một cá nhân phát triển đều mọi năng lực. Mọi thứ cần có sự cân bằng và mọi cá nhân cần được phát triển toàn diện trong lĩnh vực của mình. Tất nhiên, bản chất của chuyên môn hóa là sự cuồng tín: chống lại sự xâm nhập của những yếu tố bên ngoài. Một kẻ cuồng tín làm việc trên một phương diện duy nhất - Đó là điều khiến một con người trở nên cuồng tín nhưng cũng là điều khiến cho anh ta làm việc hiệu quả và thành công. Một người không thể xuất sắc trên mọi lĩnh vực.
Không ai chế nhạo sự chuyên môn trong nghệ thuật, những lời chỉ trích này chỉ hướng tới các doanh nhân mà thôi. Tuy nhiên, một người đàn ông hoàn toàn tập trung và say mê với công việc của mình cũng giống như một nghệ sĩ đổ hết tâm huyết vào một bức tranh hay một bài thơ. Công việc và danh tiếng của anh ấy là kết quả của sự tận tâm không hề bị phân tán tư tưởng cho một đối tượng hay bất cứ mục tiêu nào. Và kinh doanh là như vậy. Mỗi doanh nhân thành công đều là một nghệ sĩ với sự quyết tâm và trung thành với mục đích anh ta đặt ra. Anh ta đôi khi có thể sẽ cố gắng quá mức nhưng điều đó vẫn tốt hơn là cố gắng nửa vời. Không ai có thể vừa am hiểu chuyên sâu về một lĩnh vực, vừa đồng thời biết tuốt về mọi thứ trên đời này.
Làm thế nào để trở thành một chuyên gia?
Hãy chọn một mục tiêu và không để bất cứ điều gì cản trở con đường của bạn. Đừng phân tán năng lực và năng lượng của bạn vào các vấn đề không giúp ích cho đích đến của bạn. Hãy trung thành với lựa chọn của mình. Hãy nghĩ rằng đây là thời đại của sự chuyên môn hóa và nhớ rằng một người xuất sắc trong một lĩnh vực đã thực hiện được bước đầu tiên và quan trọng nhất để đi đến thành công. Đừng để lợi ích trước mắt ngăn cản mục đích của bạn. Cạnh tranh với những người khác là quá đủ rồi, bạn không cần phải mâu thuẫn với chính bản thân mình nữa. Hãy bám sát kịch bản chính của mình.
Trong một cuộc họp, S. Clay Williams, Chủ tịch của Công ty R. J. Reynold, đã được một công ty quảng cáo mời chào mở tài khoản Camel. Khi bàn luận về vấn đề sản xuất nội dung quảng cáo, người phát ngôn của cơ quan này tự hào tuyên bố những gì ông nghĩ là một câu trả lời hoàn hảo:
“Chúng tôi có tới bốn mươi chuyên viên nội dung!”
“Tôi nghĩ ông chỉ cần hai người thực sự xuất sắc thôi”, ông Williams đáp.
Rõ ràng là nó sẽ hiệu quả hơn rất nhiều!
Những con người rập khuôn thường tập trung với nhau; những cá nhân xuất sắc thì khác, họ luôn ở vị trí chỉ huy ở trên đỉnh hoặc trong hàng ngũ quản lý điều hành cấp cao. Họ cũng luôn cần những tân binh mới khi họ được thăng tiến hoặc bị cám dỗ ở nơi khác bởi những lời đề nghị tốt hơn. Không có khoảng không để phát triển trên đỉnh cao chỉ là một lời ngụy biện của những vị lãnh đạo với cấp dưới của mình. Và, tất nhiên, khi bạn ở cấp bậc thấp hơn thì những tài năng đặc biệt trước tiên phải tìm cách khẳng định bản thân.
Tìm hiểu quy luật của chuyên môn hóa
Không có ngoại lệ trên con đường xây dựng thành công và những chuyên gia cũng vậy. Bất cứ ai cũng phải bỏ thời gian của mình ở những nhiệm vụ khiêm tốn trước khi có thể nắm giữ những trách nhiệm cao cả hơn. Nhưng ngay cả khi thực hiện các nhiệm vụ nhỏ, anh ta cũng phải bắt đầu phát triển và thể hiện những phẩm chất cho phép anh ta thăng tiến.
Giờ hãy tự hỏi chính mình một câu.
Một chuyên gia là gì?
Chúng ta đang sống trong thời đại của các thuật ngữ và cụm từ đao to búa lớn và đôi khi các định nghĩa còn khiến một quy trình trở nên tối nghĩa hơn là làm rõ và giải thích nó. Đương nhiên, một chuyên gia là người có kiến thức chuyên sâu về một chu trình trong cả một chuỗi các hoạt động. Đó là một bác sĩ tận tâm với một chi tiết của giải phẫu; một kiến trúc sư tập trung hết mình vào một mô hình kiến trúc xây dựng; một luật sư cam kết với một nhánh luật duy nhất. Nhưng chuyên môn hóa không chỉ là thu mình vào một lĩnh vực mà là làm chủ và hiểu biết chuyên sâu về nó.
Vậy còn những thủ thư cần mẫn, những nhân viên kinh doanh từng thất bại nhưng tham vọng hay tất cả những nhân vật nhỏ bé bị lãng quên trong nền kinh tế thì sao? Chuyên môn hóa thì có ích gì cho những người bị mắc kẹt trong một lĩnh vực hạn chế và chán chường? Nếu anh ta thích bản chất công việc của mình, chuyên môn hóa sẽ cho phép anh ta mở rộng phạm vi và tầm quan trọng của nó. Ngược lại, nếu anh ta không yêu thích nó, chuyên môn hóa sẽ mở ra cánh cửa cho một lĩnh vực khác phù hợp hơn.
Sau tất cả, chuyên môn hóa là khi một người dám tiếp cận và nắm bắt những cơ hội tiềm ẩn trong công việc của anh ta. Đó là khả năng mang lại tầm nhìn mới cho một công việc lặp lại hằng ngày. Đó là một thách thức đối với khả năng phát triển của anh ta. Người ta có câu:
“Một người đàn ông siêng năng trong công việc xứng đáng một vị trí cao hơn ngai vàng.”
Hãy ghi nhớ lời dặn của một nhà thơ:
“Sở trường là duy nhất.”
Giờ bạn đã hiểu chính mình, đã tới lúc tìm hiểu những người xung quanh bạn.