D
ung hòa mối quan hệ với những người xung quanh được gọi là quan hệ công chúng.
Nhưng làm thế nào để đối đầu với kẻ thù của bạn thậm chí còn quan trọng hơn.
Quy luật của sự tiến hóa là đối nghịch, cạnh tranh nhưng có lợi cho sự phát triển và tăng trưởng.
Làm thế nào để biến những mâu thuẫn thành lợi thế của mình là khả năng đặc biệt của một nhà ngoại giao.
Thả con săn sắt, bắt con cá rô!
Không có gì tuyệt vời hơn một chính sách hòa giải để xoa dịu sự đố kỵ và ác ý.
Rất ít ai có thể chịu đựng sự sỉ nhục khi bị lu mờ bởi một người khác trong cùng một tổ chức, đặc biệt nếu đó là người mà họ cảm thấy không phục.
Có thể khiến người khác tâm phục khẩu phục với thành công của mình là điều không phải ai cũng làm được, dù là những người thành công nhất.
Trên thực tế, con người không cảm thấy khó chịu với thành công của người khác mà phần nhiều là do sự kiêu ngạo thường đi cùng với thành công. Họ cảm thấy bị áp lực bởi sự kiêu ngạo của người kia.
Câu chuyện về lòng tốt
Nhiều năm trước, Charles M. Schwab, Chủ tịch của Steel Trust, đã kể cho tôi nghe câu chuyện về hai giám đốc điều hành nhà máy. Tình bạn lâu năm giữa họ đã bị phá vỡ bởi sự thành công của một người. Sự tin tưởng và tình cảm thân thiết trong nhiều năm đã bị khuất phục bởi sự khinh miệt lẫn nhau. Họ không còn nói chuyện với nhau, thậm chí không còn gặp nhau nữa. Schwab nghe được chuyện này. Ông cũng biết rằng không ai muốn chuyện đó xảy ra, vì vậy một ngày nọ, ông đã khuyên vị giám đốc thành công đến gặp người bạn cũ của mình và tìm ra sự khác biệt của họ. Người này đáp:
“Tại sao tôi phải làm vậy? Tại sao anh ta không tìm đến tôi trước?”
“Bởi vì”, Schwab nói, “Sự thành công có thể đã thay đổi anh một chút rồi đấy. Nó thay đổi tất cả mọi người và hành động đó sẽ có ý nghĩa hơn nếu nó đến từ anh.”
Lời khuyên của ông đã giúp một tình bạn cũ được nối lại.
Hãy cùng tìm hiểu thêm một trong những ví dụ điển hình nhất về việc xử lý những mâu thuẫn của mình một cách thận trọng và hào phóng.
Câu chuyện này xảy ra mười lăm năm trước, những nhân vật chính vẫn còn sống và hoạt động trong cùng một ngành, dù không còn ở cùng một công ty. Tổ chức trong câu chuyện này là một công ty con quan trọng của một tập đoàn hóa học lớn và tại thời điểm tôi viết cuốn sách này, nó cũng là nền tảng cho mối thù cá nhân mãnh liệt giữa hai người đàn ông. Chúng ta hãy gọi họ là “A” và “B”. “A” là phó chủ tịch điều hành và “B” chỉ thấp hơn “A” một bậc trong bộ máy. Từ tất cả những gì tôi có thể tìm hiểu được vào thời điểm đó, “A” đã liên tục đưa ra những hành động để giảng hòa mối quan hệ nhưng không thành công. Tâm trí “B” đã bị che lấp bởi sự ghen tị và đố kỵ.
Khi đó “A” nắm giữ ghế chủ tịch và “B” là phó chủ tịch điều hành. Vấn đề đã xảy ra vài tháng sau, khi một tình huống phát sinh cho thấy sự tương phản rõ ràng về tính cách của hai người. Bạn có thể tự đánh giá xem ai là người đúng trong câu chuyện này.
Công ty mẹ cần một người để xây dựng một công ty con khác và quyết định ở thời điểm đó tạm thời là một người ngoài tổ chức. “B” rất muốn có công việc đó, nhưng rõ ràng là anh ta đang ở thế bí.
Nếu hành động tranh cử của anh ta được biết đến, anh ta có thể bị cấp trên để mắt và đề phòng, và tất nhiên đó lại còn là người khó có thể dành sự thông cảm hay hỗ trợ cho anh ta. Nhưng thời gian đã quá gấp rút nên cuối cùng anh cũng quyết định nói chuyện với cấp trên.
Nếu anh ta ứng cử cho vị trí đó nhưng rồi không có được nó thì điều đó sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ hiện tại của anh ta như thế nào?
“Sẽ không có gì thay đổi cả”, vị chủ tịch nói, “mặc dù tôi hy vọng anh sẽ không tiếp quản công việc đó. Anh thực sự là một nhân viên rất có giá trị cho chi nhánh này và tôi sẽ không muốn để mất anh.”
“B” đã ngạc nhiên tới mức không thể nói bất cứ điều gì ngoại trừ “Cảm ơn”. Anh ta thậm chí còn thấy xấu hổ hơn nữa khi kẻ thù của anh gọi với theo và nói:
“Eddie, nếu tôi có thể giúp bất cứ điều gì, hãy cho tôi biết.”
Eddie không thể tin vào tai mình. Anh ngạc nhiên khi gặp được một lòng tốt ở nơi anh chưa bao giờ mong đợi. Nhưng anh thấy cảm kích với lời đề nghị, vì cấp trên của anh ấy thực sự có tiếng nói trong hội đồng của công ty mẹ.
“Tôi rất cảm kích”, anh nói, “nếu chưa quá muộn.”
“Tôi sẽ hành động ngay”, vị chủ tịch nói.
Một tuần sau, Eddie hoàn thành cuộc phỏng vấn và hôm nay hai người đàn ông đó đã trở thành bạn bè thân thiết, mặc dù người nhỏ nhen sẽ không bao giờ sánh bằng người đáp trả lại sự đố kỵ bằng lòng tốt.
Làm thế nào để vượt qua ác cảm?
Sự ghen tị và ác ý luôn tồn tại trong mọi tổ chức doanh nghiệp ở Mỹ. Ở bất cứ đâu, bạn cũng sẽ tìm thấy một người mâu thuẫn với một người khác và người kia có lẽ cũng có trạng thái tương tự. Rất hiếm khi sự thù địch là một chiều. Nhưng, như một quy luật chung, kẻ hiếu chiến sẽ có ít quyền lực hơn đối thủ của mình. Nguyên nhân thường xuyên nhất tạo nên xung đột giữa hai người là sự đố kỵ xuất phát từ sự chênh lệch về tài năng. Con người thường không ghen tị với sự bình đẳng, cũng không phải là những phẩm chất không thể thoát khỏi khi bạn nằm ở mức dưới của xã hội. Đó là lời nguyền của cả thường dân lẫn những vị vua. Rất nhiều người nhỏ nhen giành được vị trí cao và lịch sử ghi lại vô số những kẻ thù hằn bí mật của họ.
Các nghị sĩ ở Rome đã ghen tị với Caesar và giết ông. Những người chức sắc cao trong chính phủ đã ghen tỵ với Lincoln và họ đã mắng chửi ông. Những sĩ quan trong quân đội đã ghen tỵ với Washington, và một trong số họ, tướng Charles Lee, đã phản bội ông tại trận Monmouth. Ngay cả Napoleon, người chắc chắn không có lý do gì để ghen tỵ với bất kỳ ai, đã hận thù người đàn ông từng hạ bệ ông ở Waterloo tới mức ông đã để lại trong di chúc của mình một khoản tiền lớn cho người dám ám sát Công tước xứ Wellington.
Ngay từ giây phút bắt đầu đi về phía trước, bạn đã phải gánh chịu sự bất mãn của người ở phía sau. Anh ta không thể kiểm soát được chuyện đó. Anh ta coi sự tiến bộ của bạn như một lời khiêu khích. Anh ta không thấy vui sướng khi mọi thứ đều đang thuận lợi cho bạn; anh ta bực bội về khoảng cách ngày càng lớn giữa mức sống của anh ta và bạn. Chỉ có một cách hiệu quả để xử lý sự oán giận của anh ta: Đừng để ý đến nó. Hành động như thể bạn không biết về nó; và trên hết, đừng làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn bằng cách phô trương những lợi thế của bạn. Đó là một trong những nguyên nhân chính khiến một người ghen tỵ với người khác; không phải là sự tiến bộ của bạn mà là sự tự kiêu của bạn. Hãy tỏ ra khiêm tốn. Nếu thành công của bạn khiến anh ta thay đổi, hãy chắc chắn rằng điều đó không tạo ra sự khác biệt ở bạn. Đó là câu trả lời tốt nhất bạn có thể đưa ra cho người đang đố kỵ với sự thành công của bất kỳ ai khác.