N
iềm say mê đối với hoạt động chính trị và ý thức công dân từ lâu đã dẫn dắt đất nước chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta có thể nhận thấy sự mệt mỏi của nền dân chủ, người dân không còn chịu nổi cái được gọi là “hệ thống”, sự không hiệu quả của hoạt động công hay việc một vài cá nhân đang kiểm soát số phận của chúng ta. Đây không phải là đặc tính của Pháp. Nhiều nền dân chủ khác, đặc biệt là ở phương Tây, đang trải qua tình trạng này. Nỗi sợ hãi về một sự tan rã, nỗi lo lắng khi phải đối mặt với một thế giới đang dần sụp đổ, sức hút của các đảng cực hữu hoặc những kẻ mị dân, tất cả đều được nuôi dưỡng bằng sự oán trách.
Trong bối cảnh này, hai luận điểm sẽ được đưa ra để chống lại tôi: anh là người của hệ thống chính trị, vậy anh sẽ cho chúng tôi bài học gì? Anh làm cách nào để thành công và thay đổi được đất nước trong khi rất nhiều người khác đã thất bại?
Tôi sẽ có hai câu trả lời ngay lập tức: Tôi là sản phẩm của hệ thống trọng nhân tài của Pháp, nhưng tôi chưa bao giờ gia nhập hệ thống chính trị truyền thống. Nếu tôi nghĩ rằng mình có thể thành công, thì đó là vì tôi sẽ không cố gắng làm mọi thứ, tôi muốn trình bày kế hoạch của mình một cách rõ ràng và thuyết phục các bạn về kế hoạch đó. Tất cả những gì tôi dự định, tôi sẽ thực hiện cùng các bạn.
Điều dẫn đến cơn giận dữ và sự tẩy chay của người dân Pháp cho thấy quyền lực nằm trong tay những người lãnh đạo không còn giống họ, không còn hiểu họ, cũng không còn quan tâm đến họ nữa. Và đây chính là nguyên nhân dẫn đến mọi sự bất ổn của chúng ta.
Kết quả là, nhiều chính trị gia tin rằng chúng ta cần những nguyên tắc mới, luật lệ mới. Thậm chí một số chính trị gia còn cho rằng cần phải có một Hiến pháp mới. Tuy nhiên, từ lâu, nước chúng ta vẫn có thể phát triển với Hiến pháp hiện hành mà không hề phải hổ thẹn.
Điều cốt lõi chính là bản thể của con người. Khi các chính trị gia và quan chức cấp cao trong nước tham gia chiến đấu trong Thế chiến thứ hai, hoặc lãnh đạo các đơn vị thiết giáp hàng tháng trời, họ không hành động giống nhau. Nhưng rõ ràng là đạo đức của người làm chính trị, ý thức lịch sử, phẩm chất nhân văn của các nhà lãnh đạo ngày nay không còn giống như trước và nhân dân cảm nhận được điều đó.
Trong cuộc họp báo ngày 31-1-1964, tướng de Gaulle đã nói những lời mà đến bây giờ vẫn còn nổi tiếng, rằng Hiến pháp “là trí tuệ, là thể chế, là thực tiễn”. Ông nói thêm, trí tuệ của thể chế nền Cộng hòa thứ V dựa trên nhu cầu “đảm bảo tính hiệu quả, tính ổn định và trách nhiệm của các cơ quan công quyền”. Đây là những giá trị được coi như thế mạnh lịch sử của đất nước ta. Đó cũng chính là các mục tiêu mà tôi muốn theo đuổi.
Tôi cho rằng người dân Pháp đang mệt mỏi vì những lời hứa hẹn xem xét lại các thể chế, hoặc để “điều chỉnh” hoặc “thích ứng với những nhu cầu của thời đại”, hoặc để xây dựng “nền Cộng hòa thứ VI”. Tôi không nghĩ rằng họ coi những thay đổi này là ưu tiên. Đó không phải là những biện pháp cụ thể để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống của họ. Tôi không phủ nhận rằng đối với một số vấn đề – như nhiệm kỳ của tổng thống, giảm số lượng nghị sĩ hay cải cách một đại hội nào đó – việc điều chỉnh lại các thể chế có thể hữu ích, nhưng nhìn chung không nên thay đổi những yếu tố cốt lõi của thể chế, hoặc xem xét lại Hiến pháp khi không chắc chắn. Chúng ta sẽ thực hiện điều này vào một thời điểm thích hợp.
Theo tôi, trọng tâm của cải cách chính là thay đổi thực tiễn. Cụ thể là thay đổi điều kiện về tính đại diện, đổi mới thủ tục bỏ phiếu khi cần thiết, dành thời gian để đấu tranh chống lại những thảo luận dông dài của cơ quan tư pháp và sự bất ổn của các quy định pháp quy sao cho có hiệu quả. Các biện pháp này sẽ cho phép nền chính trị được tản quyền và phục vụ nhiều hơn, phục vụ tốt hơn nước Pháp và nhân dân Pháp.
Khó khăn đặt ra là làm thế nào để đất nước ta có được những nhà lãnh đạo xứng đáng đại diện cho đất nước và xứng tầm thời đại. Trên thực tế, người dân Pháp cho rằng những người đại diện của họ không tương đồng với họ. Mặc dù luật có bình đẳng giới, nhưng chỉ 1/4 số nghị sĩ là phụ nữ, 33 thành viên nghị viện là luật sư và 54 người là công chức. Tỷ lệ các thành phần xã hội trong Quốc hội không cân xứng với số lượng đội ngũ của họ trong xã hội. Chỉ có một nghị sĩ là thợ thủ công, trong khi số thợ thủ công chiếm hơn 3 triệu người trên cả nước, và chỉ khoảng 12 nghị sĩ là có nguồn gốc nhập cư.
Tôi không nói rằng cần phải tính toán số lượng nghị sĩ theo màu da hoặc nguồn gốc của họ. Nhưng chúng ta không khỏi ngạc nhiên trước sự chênh lệch giữa hình ảnh nước Pháp với các nhân vật đại diện của mình? Việc đưa ra một tỷ lệ cân đối hơn mà không làm ảnh hưởng đến tính hiệu quả của hệ thống dân chủ rõ ràng là một giải pháp. Tất nhiên, tôi lường được những hậu quả của sự thay đổi như vậy: các đại diện của Đảng Mặt trận Dân tộc có lẽ sẽ được bầu nhiều hơn vào Quốc hội. Nhưng làm thế nào có thể chứng minh rằng gần 30% số cử tri tuyên bố bỏ phiếu cho Mặt trận Dân tộc trong khi đảng này có rất ít đại diện? Điều cơ bản là phải đấu tranh với các tư tưởng của họ thay vì ngăn không cho nhân dân bầu cử họ.
Tuy nhiên, chúng ta sẽ cẩn trọng để không đi từ sai lầm này sang sai lầm khác. Trước hết, tôi tin tưởng sâu sắc rằng người dân Pháp không lo ngại về bầu cử bằng hành động thực tế. Họ chỉ có một yêu cầu là các chính trị gia phải làm việc hiệu quả. Chính chúng ta phải có trách nhiệm thuyết phục nhân dân rằng việc đổi mới nền chính trị sẽ giúp đáp ứng được mong mỏi của họ. Và đó cũng là lý do tại sao chúng ta phải đảm bảo rằng tất cả các cải cách liên quan đến bầu cử sẽ không làm suy yếu hiệu quả hành động của chúng ta, mà sẽ tạo điều kiện thuận lợi để tiến hành một cuộc canh tân đích thực, chứ không phải để bầu ra các nhân tố trung thành với các đảng phái hay tổ chức nào đó.
Để đổi mới tầng lớp chính trị, việc không tích lũy nhiệm kỳ cũng là một phương án. Như chúng ta biết, vào năm 2017, luật pháp sẽ cấm đại biểu quốc hội hay thượng nghị sĩ kiêm nhiệm thêm chức vụ trong cơ quan hành pháp tại địa phương. Đó là một điều tốt, mặc dù đối với tôi, chỉ cần cấm cộng dồn các khoản phụ cấp chức vụ và xem xét việc cho phép đại diện của các vùng được tham gia vào Thượng viện là đủ. Nhưng điều này cũng không đủ để khuyến khích đổi mới. Do đó, tôi ủng hộ việc không tích lũy nhiệm kỳ về mặt thời gian của các nghị sĩ. Mục đích của việc này không phải là để loại bỏ các đại biểu có kinh nghiệm: Vì chính trị, giống như tất cả các ngành khác, đòi hỏi phải có năng lực và kỹ năng. Tuy nhiên, khi chính trị không còn là một sứ mệnh mà là một nghề nghiệp, các chính trị gia sẽ không còn tham gia với tinh thần tự nguyện và quyết tâm nữa mà sẽ chỉ là người quan tâm đến nó.
Để chính trị tiếp tục sứ mệnh phục vụ người dân Pháp, tôi tin tưởng nhiều vào những hành động tự nguyện hơn là các hình thức cấm đoán.
Điều khó khăn không phải là ngăn chặn những người đắc cử tiếp tục tái nhiệm mà cần khuyến khích những gương mặt mới tham gia ứng cử, đặc biệt là những người không phải là công chức hay cộng tác với các đại biểu dân cử, thành viên của một đảng phái hay những người làm nghề tự do. Và do đó, chúng ta cần phải quan tâm đến những gì xảy ra trước khi bầu cử, cần làm việc trực tiếp với các đại diện của người lao động và nhà tuyển dụng để hỗ trợ họ - những người chấp nhận rủi ro, những người phát động phong trào, những người muốn dấn thân vì đất nước chúng ta!
Nhiều công ty đã tổ chức cho nhân viên của họ tham gia ứng cử trong các cuộc bầu cử, như tập đoàn Michelin, nếu được bầu, họ có thể trở lại làm việc tại đúng vị trí của mình sau khi kết thúc nhiệm kỳ và được hưởng mức thăng tiến giống như họ vẫn làm việc tại công ty.
Chúng ta cũng cần đồng hành với những người đắc cử khi họ rời vị trí công tác của mình: Trên thực tế nhiều người muốn giữ lại vị trí làm việc, đó là vì đa số họ không biết phải làm gì tiếp theo. Cần phải có các phương tiện giúp họ chuyển đổi lĩnh vực hoạt động. Xã hội chúng ta nợ họ, vì họ đã dành thời gian chiến đấu cho cộng đồng.
Đồng thời, chúng ta cần tái tạo các cơ quan đang trì trệ. Đây là một điểm mù trong cuộc đấu tranh bảo vệ dân chủ. Ngày nay, các đảng đã từ bỏ các nhiệm vụ bảo vệ lợi ích chung của toàn xã hội. Thay vào đó, họ tập trung vào các lợi ích cá nhân để tồn tại bằng mọi giá. Sự lệch lạc này không chỉ thuộc về cánh tả hay cánh hữu, bởi vì nó tồn tại trong cả hai nhóm; nó không phải tội lỗi của kẻ theo chủ nghĩa dân túy hay của nền cộng hòa, vì nó nằm trong các đảng cực hữu cũng như các đảng cộng hòa. Nó nuôi dưỡng sự đồng lõa, sự dàn xếp, nó biến đổi những người hoạt động trong các đảng phái hay nghiệp đoàn.
Nếu các đảng không thay đổi, đại diện của họ trong Nghị viện sẽ không còn giá trị, chúng ta sẽ chỉ thay thế những người này bằng những người khác. Tuy nhiên, chìa khóa dẫn đến thành công là tạo điều kiện cho xã hội nắm lấy chính trị! Để khôi phục lại các đảng, họ phải tìm lại được lý tưởng: đào tạo, suy nghĩ và đề xuất. Đào tạo là để tạo ra các tài năng mới, ví dụ bằng cách tạo ra các học viện đồng hành với thanh niên, giúp họ học cách diễn đạt trước công chúng và làm chính trị. Phong trào mà chúng tôi thành lập, phong trào Tiến bước!, phải trở thành tấm gương tiêu biểu. Đó là lý do tại sao tôi mong muốn rằng mọi công dân đều có thể đảm nhận những trách nhiệm quan trọng. Họ chiếm đa số trong hàng ngũ của chúng ta; trên cả nước có đến hơn 60% đại biểu quốc gia và cố vấn cấp vùng không được bầu và chưa bao giờ được bầu. Trong kế hoạch đổi mới sắp tới, chúng ta sẽ quan tâm đến việc hạn chế thời gian giữ công tác quản lý.
Trong công đoàn cũng rất cần có những đại diện tốt hơn. Hoạt động công đoàn mạnh là điều không thể thiếu được, nhưng nó sẽ chỉ mạnh chừng nào có được một nguồn nhân lực theo đúng lựa chọn của người lao động; chừng nào chúng ta giao nhiều quyền và trách nhiệm hơn cho công đoàn ngành và công đoàn doanh nghiệp, chừng nào tổ chức công đoàn biết cách tự làm mới mình. Để đạt được những mục tiêu này, cần tạo một cơ chế để các đại biểu quốc gia không được giữ chức hết nhiệm kỳ này đến nhiệm kỳ khác, tránh để họ xa rời cuộc sống của người lao động. Trái lại cần ghi nhận sự tham gia của họ và giới hạn nó trong một khoảng thời gian nhất định.
Chúng ta không thể bị cuốn theo những tư tưởng phân biệt đại biểu dân cử trên chính trường và những người được bầu trong công đoàn. Chúng ta không thể chấp nhận được việc một giai cấp, sau khi thành lập, lại chỉ tập trung vào bản thân họ và áp đặt các quy tắc của họ. Điều này thường xảy ra trong các đảng phái và tổ chức. Hãy nhớ rằng khi nói về các đại biểu dân cử, chúng ta cũng hướng tới 375.000 người Pháp là tình nguyện viên trong 36.500 hội đồng xã. Và chúng ta không quên các đại diện công đoàn đã làm việc mà không hề tính toán gì về thời gian hay sự cống hiến họ đã bỏ ra.
Bộ máy nhà nước cấp cao cũng cần đáp ứng những đòi hỏi cao hơn. Các công chức cấp cao đã hình thành một giai cấp và tạo nên cảm giác họ đang mò mẫm trong bóng tối để lãnh đạo đất nước. Tuy nhiên, họ đã được lựa chọn qua các kỳ thi tuyển và không phải là đối tượng được tuyển bổ sung để làm hài lòng như nhiều cán bộ trong các đảng. Vào thứ Tư hàng tuần, tại Hội đồng Bộ trưởng, có khoảng 300 cán bộ được bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo. Về vấn đề này, tôi ủng hộ việc duy trì các cuộc thi tuyển, như thi vào Trường Hành chính Quốc gia và các kỳ thi khác, bởi đó là cách lựa chọn xứng đáng. Tất nhiên cần phải cải tiến việc học tập và bản chất của các kỳ thi, nhưng đó không phải là chủ đề của một cuộc bầu cử tổng thống.
Ngược lại, chúng ta cần hiện đại hóa Nhà nước Trung ương theo hai cách. Thứ nhất, bằng cách dành nhiều vị trí lãnh đạo hơn cho những người không phải là công chức. Nhưng điều đó đòi hỏi Nhà nước phải biết thu hút nhân tài. Mà thực tế ngày nay lại không như thế: Nhà nước trả lương cho họ rẻ mạt và thường quên ơn họ, vi thế các nhà lãnh đạo thường sử dụng các cuộc tuyển chọn vì những động cơ vụ lợi hơn là muốn chọn lựa các nhân tố xuất sắc. Ngoài ra, việc các quan chức tiếp tục được hưởng sự hỗ trợ vượt quá thời gian công tác là không thể chấp nhận được. Tham gia vào một bộ máy để được hưởng các quyền lợi là sự bảo trợ không phù hợp với thời đại ngày nay nữa và cũng không phù hợp với nhân dân. Khi làm đến công tác quản lý cấp cao của Nhà nước, việc được hưởng chính sách bảo trợ là bình thường, điều này bảo đảm cho người lãnh đạo hoạt động trung lập và độc lập. Nhưng đồng thời họ cũng phải chịu một chế độ kiểm tra chặt chẽ hơn, và trên hết, đó không phải là cơ chế bảo trợ kéo dài mãi mãi. Cơ chế này chỉ dành cho một chức vụ chứ không dành cho một bộ máy hành chính có thể bảo trợ suốt đời.
Đây cũng là lý do tại sao tôi quyết định rút khỏi lĩnh vực hành chính công và tham gia ứng cử trong cuộc bầu cử tổng thống. Tôi không muốn nói rằng tất cả các viên chức đều phải từ chức khi muốn trở thành ứng cử viên. Nhưng tôi mong muốn thực sự tham gia thử thách và làm tròn trách nhiệm đối với toàn xã hội.
Đối với tôi, trách nhiệm chính là thứ có thể khôi phục lại tinh thần tập thể. Đây là một phẩm chất vô cùng cần thiết đối với tất cả chúng ta.
Nói đến trách nhiệm, trước hết là trách nhiệm của Chính phủ trước nhân dân, nói cách khác là trước Nghị viện. Hiện tại, hệ thống của chúng ta đang dung túng cho những hành vi thiếu trách nhiệm. Ví dụ, về sự can thiệp quân sự ở Libya, người Anh đã thành lập ủy ban điều tra để xác định xem liệu các nhà lãnh đạo của họ có lý do chính đáng khi quyết định tham gia cùng chính phủ Pháp, mặc dù có những hậu quả địa chính trị kéo theo, để triển khai quân ở Libya hay không. Chúng ta có làm như vậy không và có đạt yêu cầu không? Bất kỳ sự kiện nào có tác động đáng kể đến an ninh quốc gia của chúng ta, đương nhiên đều cần phải được xem xét trong các ủy ban điều tra của Quốc hội.
Các bộ trưởng cũng cần được tăng cường quyền hạn. Điều quan trọng là phải kiểm tra một cách minh bạch sự trung thực và công tâm của người được chỉ định làm bộ trưởng. Vì lý do này, điều kiện để có thể đảm nhiệm chức vụ này là phải có Phiếu hồ sơ tư pháp số 2 trong sạch, cũng tương tự như trong dịch vụ công. Và đó cũng là những gì chúng tôi đã làm đối với các vị trí giữ trọng trách trong phong trào Tiến bước!. Đồng thời cũng nên kiểm tra năng lực hay tiềm năng của người được bổ nhiệm trong khuôn khổ một buổi điều trần với Ủy ban chức năng của Nghị viện. Một bộ trưởng, ngay sau khi được bổ nhiệm, cần phải chịu trách nhiệm trước chính quyền, trước hội đồng bộ trưởng và trước ngành của mình.
Trách nhiệm cuối cùng là trách nhiệm chính trị. Nó đòi hỏi phải có một cuộc cách mạng bởi thực tế hiện nay không còn chấp nhận được nữa. Ví dụ hiện nay, không một quan chức nào bị buộc phải rời khỏi chính trường, ngay cả khi họ thất bại hoặc bị nhận một hình phạt dân chủ. Chúng ta phải hiểu trách nhiệm chính trị là gì, đó là sẵn sàng chấp nhận các nguyên tắc và đủ dũng khí chấp nhận hậu quả khi phạm lỗi. Liệu chúng ta có thể tưởng tượng được việc một cá nhân có thể quyết định vận mệnh của đất nước, hay đơn giản là tham gia ứng cử trong các cuộc bầu cử, trong khi sự trong sạch của anh ta đang bị nghi ngờ không? Tôi không nghĩ vậy. Nhưng về vấn đề này cần phải rất cụ thể. Tất nhiên, ai trong chúng ta cũng đều có thể mắc sai lầm trong cuộc sống. Điều này hoàn toàn tự nhiên và chúng ta đều có quyền sửa chữa những sai lầm đã mắc phải trong quá khứ. Đó cũng là công lý. Nhưng khi một người đảm nhận một trọng trách chính trị, hay được nhắm vào những vị trí quan trọng nhất trong các cuộc bầu cử hoặc muốn đại diện cho đất nước, thì tôi tin rằng mỗi sai lầm của họ đều phải được xem xét cụ thể. Một số sai lầm có thể sẽ triệt tiêu bạn, ví dụ, “tội làm ảnh hưởng đến chính quyền”, “ảnh hưởng đến bộ máy quản lý Nhà nước” hoặc liên quan đến tài chính trong chính trị. Trong những trường hợp này, cần phải dũng cảm rút lui. Đó là quan niệm của tôi về việc dấn thân vào con đường chính trị và trách nhiệm của người làm chính trị. Bởi vì trước khi được giao phó những trọng trách, bạn phải biết chịu trách nhiệm trước.
Vậy tại sao chúng ta lại phải làm việc hiệu quả hơn? Tại sao chúng ta cố gắng đạt đến một cái đích mà rất nhiều người khác đã thất bại?
Trước hết, tôi không tin rằng thất bại là định mệnh. Nếu chúng ta muốn chính trị có thể phục vụ cho người dân Pháp như nó đã từng như thế, chúng ta phải cố gắng làm cho chính trị hoạt động có hiệu quả.
Ngày nay, nhân dân Pháp có cảm tưởng rằng Chính phủ của họ không còn thực hiện vai trò đứng đầu đất nước nữa: Liên minh châu Âu, các đảng phái, thị trường, các cuộc thăm dò, các thế lực đường phố,... thật khó xác định đâu là người nắm giữ quyền lực. Vì vậy, Chính phủ cần phải làm chủ hành động và giải thích về hành động của họ. Cần phải giải thích về hành động để thuyết phục xã hội chấp nhận. Khi không có sự rõ ràng trong chính phủ, người dân sẽ chống lại chính phủ. Tại sao cuộc cải cách năm 1995 lại bị xã hội cản trở? Bởi vì, cả Tổng thống nền Cộng hòa, từ trong chương trình, cũng như Thủ tướng Chính phủ, khi thực hiện quyền lực của mình, đã chẳng giải thích gì mấy cho người dân. Tại sao Luật Lao động lại gây ra nhiều phẫn nộ như vậy? Cũng vì một lý do: Bởi vì, cả Tổng thống và Thủ tướng đều không dành thời gian để làm sáng tỏ mọi việc. Cần phải biết cách truyền thông, giải thích, thay vì chỉ đưa ra thông cáo. Ngày nay, cổng thông tin chính phủ thông qua mạng Twitter hoặc các tin vắn đã thay thế cho những giải thích cụ thể và dài dòng. Do đó, cần tạo điều kiện để Chính phủ thông tin một cách rõ ràng. Và để quản lý đất nước một cách minh bạch cũng cần phải nói về những điều mà chúng ta đã không làm, về những gì chúng ta không có phương tiện để làm. Đó chính là yêu cầu về sự minh bạch.
Hoạt động hiệu quả đồng nghĩa với việc phải chấm dứt những tranh luận dông dài của cơ quan lập pháp, chấm dứt những văn bản sửa đổi và bổ sung chồng chéo nhau, chấm dứt các văn bản luật tạm thời. Nhân dân giờ đây không thể chịu đựng được một thói quen xưa cũ của nước Pháp, đó là quy tất cả mọi việc thành luật pháp hay quy định. Chỉ trong 15 năm mà chúng ta đã có hơn 50 cải cách về thị trường lao động! Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp không ngừng gia tăng. Đây là bằng chứng cho thấy luật pháp không phải là thuốc chữa bách bệnh!
Trước khi chuẩn bị một luật mới, cần phải bắt đầu bằng cách đánh giá chính xác các tình huống liên quan. Cần cải tiến khâu tổ chức, tuyển dụng và phương pháp quản lý hành chính, cuối cùng kết thúc bằng một quan niệm được kế thừa từ thế kỷ 19, đó là soạn thảo văn bản về mục đích của “hoạt động hành chính công”. Mục tiêu của hoạt động hành chính phải là thực hiện dự án chứ không phải ban hành tiêu chuẩn. Và điều này dẫn đến một “sự chuyển đổi” thực sự của các chủ thể trong xã hội. Các chính sách công sẽ có hiệu quả hơn khi được xây dựng cùng với những người có liên quan. Đó là các chính sách đấu tranh chống nghèo đói, chính sách về giáo dục và rất nhiều chương trình hoạt động khác.
Các cuộc thảo luận về văn bản pháp quy sẽ phải tiến hành một cách nhanh chóng hơn. Bởi lẽ cần phải khẩn trương gắn kết thời gian bàn bạc dân chủ và thời gian quyết định luật với đời sống thực và tình hình kinh tế. Tôi đã có kinh nghiệm trong quá trình kiểm tra luật về tăng trưởng và hoạt động kinh tế, tôi đã làm việc hàng trăm giờ, trước tiên là trong ủy ban, sau đó trong phiên toàn thể, để thảo luận về những văn bản luật như nhau với cùng một nhóm thành viên, lần thứ nhất, rồi tiếp tục lần thứ hai, rồi lần thứ ba, lần thứ tư! Ngày nay, thông thường phải mất hơn một năm để thông qua một đạo luật và thêm ít nhất chừng ấy thời gian, ngoại trừ trường hợp đặc biệt, để ban hành được các nghị định. Do đó, cần phải xem xét lại thủ tục thông qua luật.
Đồng thời, cần đánh giá các chính sách đang được thực thi và tăng cường kiểm soát hoạt động công. Việc đánh giá phải được tiến hành một cách có hệ thống. Ngày nay, có bao nhiêu luật được thông qua mà không được thực hiện? Và có bao nhiêu luật đã được áp dụng mà không đạt được mục tiêu ban đầu? Mỗi khi một văn bản được thông qua, nhất thiết phải đánh giá hiệu quả của nó sau hai năm áp dụng. Mỗi văn bản quan trọng phải có một điều khoản tự động bãi bỏ khi không minh chứng được hiệu quả.
Cuối cùng, hoạt động có hiệu quả là phải đảm bảo được sự ổn định của luật pháp và văn bản luật được đưa ra. Chúng ta không thể trong một nhiệm kỳ mà cứ mỗi năm hay mỗi quý lại thay đổi cơ cấu thuế hoặc chính sách công một lần. Cơ chế đánh giá mà tôi vừa đề cập là một biện pháp bảo vệ tốt nhưng chưa đủ. Tôi hy vọng rằng chúng ta sẽ cam kết chỉ sửa đổi chính sách thuế hoặc cải cách một chính sách công một lần duy nhất trong nhiệm kỳ 5 năm. Đó là một yếu tố quan trọng để đạt được hiệu quả.
Đi kèm với những biện pháp trên là việc tái cơ cấu tổ chức của Nhà nước. Ở đây cũng cần phải có sự tỉnh táo và ổn định. Chỉ cần ít bộ trưởng với các quyền hạn ổn định. Pháp luật, quy định, thông tư của các bộ phải xác định khung, nhưng đồng thời ngày nay, tính tự chủ của các địa phương là vô cùng quan trọng. Ở cấp Nhà nước, cần trao quyền cho những người nắm rõ thực tế nhất và cần tin tưởng vào nhân viên. Họ là những người có mặt ở bệnh viện, trường học, ủy ban, nhà tù. Chúng ta phải cung cấp cho họ nhiều quyền tự chủ hơn, bởi vì mỗi người trong số họ phải đối mặt với những vấn đề cụ thể mà Nhà nước Trung ương không thể can thiệp.
Về mặt này, rất cần phát triển chính sách phi tập trung ở một giai đoạn mới. Nói cách khác, cần chuyển giao quyền lực và trách nhiệm từ chính quyền Trung ương sang các ban quản lý cơ sở, đó là các cơ quan tiếp xúc trực tiếp với nhân dân. Các nhà quản lý ở địa phương biết cách tìm ra các giải pháp và có khả năng tìm kiếm các thỏa thuận thực tế với các nhân tố khác. Trong lĩnh vực này sự can thiệp của các cơ quan Trung ương và các bộ, ngành sẽ mất nhiều thời gian hơn, cứng nhắc hơn và xa rời thực tế địa phương.
Việc cải tổ cơ cấu tổ chức của Nhà nước về mặt logic đòi hỏi phải xem xét lại cách thức quản lý chính quyền và công chức. Chúng ta cần xây dựng một hệ thống mở và mang tính luân chuyển cao hơn. Cởi mở hơn bằng cách tạo điều kiện cho việc tuyển dụng nhiều thành phần trong khu vực tư nhân, ở tất cả các giai đoạn trong sự nghiệp và ở tất cả các cấp công vụ. Luân chuyển nhiều hơn để đáp ứng tốt hơn các nhu cầu, giúp cho các công chức có thể tham gia nhiều vào các khu vực có nhu cầu cao và tạo ra những cơ hội nghề nghiệp mới cho công chức.
Như chúng ta có thể thấy, tình trạng hiện nay của dịch vụ công không còn đáp ứng được kỳ vọng của nhân dân hay tình hình của Nhà nước, bệnh viện và hành chính địa phương. Đây không phải là lỗi của các công chức. Tôi luôn trân trọng sự cống hiến và ý thức phục vụ của họ. Nhưng vì họ và vì người Pháp, chúng ta phải nhìn thẳng vào những bất cập hiện tại.
Tôi ý thức rằng công cuộc xây dựng lại bộ máy tổ chức Nhà nước sẽ bị cản trở bởi những thói quen cũ. Tuy nhiên, cuộc cách mạng này là điều cần thiết để đạt được hiệu quả và phát huy sáng kiến của công chức.
Nói rộng hơn, tôi tin tưởng vào một sự chia sẻ mang tính dân chủ mới. Tôi tin rằng chúng ta có thể thành công bằng cách tin tưởng và trao quyền nhiều hơn cho công chức. Việc chia sẻ một cách dân chủ như vậy đòi hỏi phải cung cấp các công cụ hành động cho tất cả những ai thích hợp nhất để đảm đương nhiệm vụ.
Đây là nền tảng của nền Cộng hòa hiệp thương mà chúng ta cần, một nền Cộng hòa tin tưởng vào các địa phương, vào xã hội và các chủ thể xã hội để thay đổi. Điều này dẫn đến một phương thức tương đối mới mẻ với chúng ta, đó là trao quyền tự chủ nhiều hơn cho những người hành động, cho những người dám thử nghiệm, dám làm những gì xứng đáng, dám thu hồi những gì cần thu hồi. Chúng ta cần xem xét tất cả những gì xã hội có thể thực hiện tốt hơn Nhà nước và giao trách nhiệm cho họ.
Ý tưởng về nền dân chủ của tôi không phải là công dân thụ động ủy thác cho các nhà lãnh đạo chính trị của họ quản lý đất nước. Một nền dân chủ lành mạnh và hiện đại là một chế độ bao gồm các công dân tích cực tham gia vào quá trình cải tổ đất nước.
Tất nhiên, Nhà nước luôn có thiên hướng đóng vai trò trung tâm. Vai trò này thậm chí còn cần phải được tăng cường, bởi trong nhiều lĩnh vực, Nhà nước cần thể hiện vai trò của mình nhiều hơn nữa. Để thực hiện các nhiệm vụ quan trọng, Nhà nước phải nắm giữ tất cả các phương tiện cần thiết. Để chống lại những rủi ro lớn của cuộc sống, Nhà nước cũng phải ra tay. Để nền kinh tế vận hành tốt, Nhà nước phải là người bảo đảm trật tự công trong lĩnh vực kinh tế.
Chính quyền địa phương và các đại diện được bầu ra của họ phải đóng vai trò lớn hơn. Họ cần có năng lực, tự do và gần gũi với địa phương hơn. Đây là một giai đoạn chuyển giao quyền lực mới mẻ cho các chính quyền địa phương mà chúng ta phải quyết định trong vài năm tới. Việc phi tập trung hóa này nên được tiến hành một cách thực tế, đây là một yếu tố thường thiếu vắng trong các chính sách hiện nay của chúng ta.
Các chủ thể xã hội cần có quyền hạn lớn hơn để có thể xác định các điều kiện làm việc ở cấp ngành và từng doanh nghiệp.
Các hiệp hội phải nắm giữ một vị trí nổi bật hơn, như từng có trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, hoạt động xã hội, hội nhập,...
Bản thân công dân bây giờ phải được xem như chủ thể của các chính sách công, hơn là những người bị quản lý. Mong muốn của tôi là xác định không gian trách nhiệm cho mỗi cá nhân, nhưng đồng thời cũng trao quyền cho những người hành động.
Chúng ta may mắn vì người Pháp không bao giờ cam chịu một cuộc sống bị động. Họ muốn hành động. Họ đã dấn thân và ngày càng dấn thân nhiều hơn! Vì vậy, cần phải coi trọng nhân dân hơn nữa, đồng hành với họ tốt hơn nữa. Chính họ là những người anh hùng thời hiện đại của chúng ta.
Họ là những anh hùng của chúng ta, bởi vì nhiều người trong số họ đã thực hiện những hành động cao cả. Đó là những người dấn thân một cách tự nguyện, không vì lợi ích cá nhân mà hành động vì người khác. Họ đảm nhận nhiệm vụ trong một nhiệm kỳ hoặc làm tình nguyện viên trong một tổ chức phi chính phủ, nhiều người phải hy sinh thời gian dành cho gia đình và thời gian nghỉ ngơi. Hàng triệu người dân Pháp đang tham gia vào các hiệp hội, 200.000 nhân viên cứu hỏa tình nguyện đang ngày ngày bảo đảm an toàn cho cuộc sống của chúng ta,... Khắp nơi, trên khắp lãnh thổ, đâu đâu chúng ta cũng thấy những khát khao được phục vụ cộng đồng, từ công ty đến hiệp hội, từ các tổ chức phi chính phủ đến các nghiệp đoàn hay các cơ quan chính quyền địa phương. Nhà nước phải tiếp tục hỗ trợ các cơ quan tổ chức này để khai thác tối đa nguồn năng lượng dồi dào này, phải đồng hành với họ, giúp họ linh hoạt hơn và phải thực sự tin tưởng họ. Cam kết này là mắt xích cuối cùng trong chuỗi chương trình hành động của tôi. Đó là phương thức để gìn giữ đất nước chúng ta, đảm bảo sự thống nhất, sự gắn kết của chúng ta. Đó là điều kiện giúp các chương trình hoạt động của cộng đồng đạt hiệu quả tại các địa phương. Nó sẽ giúp cho đoàn kết, bình đẳng và tự do không còn là những từ ngữ sáo rỗng. Người Pháp có nhiệt huyết với quốc gia của mình và với các dân tộc khác: Họ muốn phụng sự Tổ quốc hơn là bị áp đặt! Vậy thì hãy cung cấp phương tiện để họ thực hiện điều đó.
Tôi có niềm tin mãnh liệt rằng chúng ta có thể thách thức tương lai và dựng xây số phận bằng chính đôi tay của chúng ta. Để thực hiện được hoài bão này, chỉ cần chúng ta liên kết với nhau. Tất cả những điều tôi đã trình bày ở trên, tôi hy vọng sẽ là minh chứng cho sức mạnh đó. Và cũng chính niềm tin này là động lực thôi thúc tôi viết cuốn sách bạn đang cầm trên tay.
Cội nguồn của cuộc phiêu lưu này là những người dân có mong muốn tột cùng là tạo nên sự tiến bộ. Để làm được điều đó, chúng ta phải đặt niềm tin vào đồng bào của mình và luôn bám sát thực tiễn.
Tôi thích sự giản dị không kém phần quan trọng của nhân dân. Nhiều người trong số họ chưa bao giờ tham gia chính trị, nhưng mỗi ngày, cùng với chúng ta, họ đưa ra những sáng kiến mới. Tôi cũng ngưỡng mộ lòng nhiệt tình của họ, đó là những người dân thuộc mọi tầng lớp xã hội, họ đã xuất sắc vượt qua những chia cách trong quá khứ để cùng nhau tham gia công cuộc đổi mới chung của đất nước.
Họ kết nối lại với những giá trị cao quý trong chính trị, đó là thay đổi thực tại, triển khai hành động, khôi phục quyền lực cho tất cả những ai hành động.