Đ
ể giành lại quyền kiểm soát số phận của mình, chúng ta cần có châu Âu.
Trong nhiều năm qua các nhà lãnh đạo chính trị đã làm cho chúng ta tin rằng châu Âu là một vấn đề, châu Âu phải chịu trách nhiệm về tất cả những điều không hay xảy ra cho đất nước chúng ta.
Liệu có cần nhắc lại rằng châu Âu chính là chúng ta không? Địa lý và lịch sử đã đặt chúng ta ở vị trí trung tâm của châu Âu. Chính chúng ta là người xây dựng và lựa chọn châu Âu, cũng chính chúng ta đã chỉ định những người đại diện cho liên minh này. Nói một cách thẳng thắn thì cuộc bầu cử tổng thống của nền Cộng hòa chính là bầu ra người đại diện của Pháp để tham gia vào Hội đồng châu Âu.
Khi nhìn vào thế giới rộng lớn, tôi có thể chắc chắn hai điều: những giá trị để tập hợp các quốc gia ở châu Âu mạnh hơn những yếu tố gây chia rẽ và chúng ta sẽ có ít cơ hội để ngang hàng với Trung Quốc hoặc Hoa Kỳ nếu tách khỏi châu Âu.
Vậy thực chất, chúng ta kế thừa châu Âu từ đâu?
Về lịch sử hình thành, Liên minh châu Âu vẫn còn non trẻ. Mới chỉ thành lập được 65 năm, nhưng Liên minh dường như đã kiệt sức. Qua nhiều thập kỷ, dự án của các nhà sáng lập đã bị đình trệ trong vô vàn các thủ tục, rối bời với các hiệp ước và lạc lối vì thiếu tầm nhìn.
Dự án này dựa trên ba lời hứa về hòa bình, thịnh vượng và tự do. Đây là một dự án chủ yếu mang tư tưởng của Pháp.
Kiến thiết châu Âu là kết quả của hòa bình và nó đã góp phần củng cố nền hòa bình. Trong nhiều thập kỷ, ước mơ về nền hòa bình trở thành hiện thực đối với hàng triệu người dân châu Âu. Nhiều người trong chúng ta thậm chí còn nghĩ rằng xung đột đã biến mất và quên đi lịch sử thực sự của châu lục này. Bởi lẽ từ xưa đến nay, giấc mơ châu Âu luôn luôn là mơ ước về một đế quốc và một liên minh, người ta đã theo đuổi nó bằng rất nhiều cuộc chiến tranh, từ thời Caesar, Charlemagne, Napoleon, rồi tới thảm họa Hitler. Chúng ta đừng bao giờ quên rằng chiến tranh gắn với quá khứ của chúng ta và cũng có thể là tương lai nếu chúng ta không xây dựng một châu Âu tự do. Lần đầu tiên, chúng ta đã thành công trong việc xây dựng một liên minh trên phạm vi châu lục bằng hòa bình và dân chủ. Giấc mơ châu Âu của chúng ta được hình thành với một mô hình phi bá chủ, cho phép các dân tộc được sống trong hòa bình, sau tất cả những bi kịch của hai cuộc chiến tranh lớn và sau những chấn thương tinh thần do các cuộc chiến tranh này gây nên như diệt chủng người Do Thái, giết người hàng loạt và cả sự phản bội lý tưởng phương Tây.
Lời hứa thứ hai là lời hứa về một châu Âu thịnh vượng. Bị tàn phá bởi chiến tranh, châu Âu không thể hình dung rằng có thể có một dự án chung nhằm phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, bất chấp khủng hoảng, châu Âu đã có thể xây dựng một mô hình kinh tế và xã hội duy nhất trên thế giới.
Cuối cùng, châu Âu của tự do, trước hết là tự do dịch chuyển cho con người và của cải. Các dự án Schengen, Erasmus, đồng euro, việc xóa bỏ các rào cản – từ phí ngân hàng đến phí cước điện thoại – là minh chứng cho một châu Âu năng động.
Đối với người châu Âu, ba lời hứa thời sáng lập Liên minh giờ đây dường như đang bị bội ước.
Lời hứa về hòa bình bị suy yếu. Cuộc khủng hoảng Syria, Libya và Ukraine, những cuộc di cư lớn chưa từng thấy từ 60 năm nay, nhất là các vụ tấn công khủng bố lặp đi lặp lại trên lãnh thổ của chúng ta, tất cả đều cho thấy lịch sử không hề thay đổi, chiến tranh và xung đột vẫn chưa bị đẩy lùi.
Lời hứa xây dựng một châu Âu thịnh vượng bị phản bội. Châu Âu vẫn mắc kẹt trong sự tăng trưởng khiêm tốn. Bản thân tôi, từ khi ý thức được về thế giới, đã nghe nói tới khủng hoảng. Và hiện nay 1/5 thanh niên trong khu vực đồng euro đang bị thất nghiệp. Với tình hình này, châu Âu có thể mang lại điều gì hấp dẫn cho thế hệ trẻ? Châu Âu đã có thể đương đầu với tình trạng khẩn cấp khi đồng euro bị đe dọa. Nhưng chúng ta phải thừa nhận rằng chính sách thắt lưng buộc bụng không thể là một kế hoạch dài hạn và chính sách giảm thâm hụt không thể là một tham vọng chính trị.
Cuối cùng, lời hứa về tự do bị suy yếu. Đặc biệt, chính sách tự do đi lại ngày càng bị nghi ngờ do những vấn đề về kinh tế và hội nhập đặt ra trước tình hình người di cư, những vấn đề về an ninh liên quan tới mối đe dọa khủng bố. Ở quy mô rộng hơn, nạn thất nghiệp dai dẳng và bất bình đẳng đang gia tăng cũng gây ra những luồng ý kiến phản đối chính sách mở cửa và những dự định rút khỏi Liên minh.
Chúng ta không thể nghi ngờ ba lời hứa của châu Âu. Liên minh châu Âu vẫn luôn là một dự án tốt đẹp. Nhưng dự án này không thể thực hiện được nếu chúng ta rút lui và thu mình trong vỏ bọc của mỗi quốc gia.
Vậy điều gì đã xảy ra đối với Cộng đồng chung châu Âu?
Liên minh châu Âu rơi vào tình trạng suy yếu là do lỗi của tất cả chúng ta. Ngày nay, ở mọi nơi, người ta có thể cảm nhận được sự kiệt quệ về ý tưởng và phương pháp. Có thể nói châu Âu là một hệ thống hoàn chỉnh nhưng đã ngừng hoạt động và đang chết dần chết mòn. Hội nghị thượng đỉnh các nguyên thủ quốc gia và chính phủ đã trở thành một bức tranh biếm họa: Người ta tổ chức họp kín, nhắc đi nhắc lại các nguyên tắc cơ bản, thay đổi một vài từ trong các tuyên bố để không lặp lại các tuyên bố trước đó. Đó là một hệ thống tách rời với thế giới và hiện thực. Những người nông dân ở vùng Bretagne mà tôi gặp trong những tháng gần đây đã nói gì với tôi? Họ không nói với tôi rằng họ chống lại châu Âu hay chống lại chính sách nông nghiệp chung, bởi nó vốn rất quan trọng đối với chúng ta. Nhưng họ phản đối các quy định chồng chất, họ phản đối bộ máy quan liêu của châu Âu, họ chống lại sự can thiệp từ trên cao và quá xa nhu cầu thực sự của họ.
Những nhà sáng lập Liên minh châu Âu tin rằng chính trị sẽ gắn liền với kinh tế và siêu quốc gia châu Âu có thể ra đời từ một thị trường chung và một đồng tiền chung. Sau nửa thế kỷ, thực tế đã làm tiêu tan ảo tưởng này. Liên minh châu Âu về mặt chính trị đã không thành công, thậm chí nó còn suy yếu, do lỗi của chúng ta.
Thứ nhất, bởi vì chúng ta đã cố tình làm cho nó suy yếu. Các nguyên thủ đứng đầu các quốc gia và chính phủ đã làm mọi cách để đưa các thủ lĩnh yếu kém lên lãnh đạo Liên minh trong nhiều năm qua.
Họ đã quyết định thành lập một ủy ban gồm 28 ủy viên. Điều này khiến cho ủy ban khó có thể hoạt động, và tất nhiên, cần xem xét lại cơ cấu của ủy ban để đảm bảo sự đoàn kết và hiệu quả.
Liên minh châu Âu đã dần dần từ bỏ tầm nhìn của mình về tiến trình phát triển, nhầm lẫn giữa mục đích xây dựng Liên minh với các phương tiện kỹ thuật, tiền tệ, pháp lý và thể chế để đạt được mục đích đó. Cuối cùng, mọi vấn đề đều dẫn đến một gánh nặng tinh thần: Người ta thường coi châu Âu là nguyên nhân gây ra tất cả mọi vấn đề của đất nước và nghi ngờ vai trò của Ủy ban châu Âu, hay đặt nghi vấn về các chỉ thị dày đặc, tất cả tạo ra một hình ảnh xấu về châu Âu.
Đối với người Pháp, sự cắt đứt với Liên minh châu Âu đã được đề xuất vào năm 2005. Trong năm đó, thông qua một cuộc trưng cầu ý dân, chúng ta đã đưa ra một kết luận rằng châu Âu này có lẽ không còn là của chúng ta, rằng châu Âu đã trở nên quá tự do, xa rời các giá trị của chúng ta. Và trên thực tế, nó thậm chí còn trở thành một mối đe dọa, xét dưới góc độ lợi ích mà từ trước chúng ta luôn nhận được từ Liên minh, ví dụ trong lĩnh vực nông nghiệp, hoặc dưới góc độ những thách thức mới như vấn đề nhập cư.
Những cảm xúc tiêu cực này ngày càng phát triển kể từ cuộc trưng cầu dân ý đó, bởi vì các nhà bảo vệ châu Âu đã phản ứng lại với nhóm chống đối mà không hề tranh luận hay thể hiện quan điểm. Cuộc khủng hoảng tiền tệ ở Hy Lạp đã cho thấy sự thiếu sót chung của các nước trong khu vực. Trong cuộc khủng hoảng đó, giữa sự sụp đổ đã được báo trước và những biện pháp che đậy cần phải thương lượng, các nhà lãnh đạo châu Âu đã tránh thảo luận.
Châu Âu suy yếu là do thiếu một tinh thần trách nhiệm. Người Pháp thường xuyên nghĩ rằng để bảo vệ các lợi ích quốc gia, chúng ta cần được giải phóng khỏi các quy định của châu Âu, trong khi đó là thành quả mà chính chúng ta đã tham gia xây dựng. Nói đúng hơn, chính việc thiếu kiểm soát các chính sách châu Âu đã làm chúng ta bị suy yếu. Đặc biệt, do thiếu những diễn đàn phù hợp, không có bất kỳ cuộc thảo luận chính trị nào liên quan đến những quyết định mà theo đó đồng tiền chung châu Âu sẽ tạo điều kiện cho một số nước như Hy Lạp, Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và cả nước ta có thể sống trên mức trung bình, kéo theo đó là nguy cơ về một thảm họa thật sự. Sự lựa chọn của các nhà lãnh đạo châu Âu, những thói quen của chính quyền, sự gia tăng của các văn bản pháp quy, việc áp dụng không triệt để nguyên tắc độc quyền lẽ ra phải được kiểm tra kỹ lưỡng. Tuy nhiên, các thể chế châu Âu ngày nay không có khả năng tiến hành một cuộc kiểm tra như vậy.
Ngoài lĩnh vực kinh tế, các cơ quan này cũng không có khả năng bảo vệ một cách hiệu quả các giá trị nền tảng của châu Âu. Không ai có quyền nghĩ rằng trong Liên minh châu Âu, chủ nghĩa nhân đạo không quan trọng. Tôi luôn ủng hộ những nỗ lực của Chính phủ Hy Lạp để duy trì vị trí của mình trong khu vực tiền tệ châu Âu. Tuy nhiên, tôi lấy làm ngạc nhiên là chưa bao giờ các nhà đàm phán châu Âu nhắc nhở các nhà chức trách Hy Lạp phải tôn trọng các quy định của châu Âu. Chúng ta có thể thấy rõ là họ đã làm ngơ trong những năm gần đây, đặc biệt là những quy định liên quan đến quyền tị nạn. Một số quyết định mới đây của Chính phủ Hungary đã đe dọa các nguyên tắc cơ bản của châu Âu, vậy mà Hội nghị thượng đỉnh lần thứ X không hề quan tâm đến chuyện đó, các nguyên thủ quốc gia lại tập trung quá nhiều vào các vấn đề như thuế má hoặc tài chính ngân hàng. Chúng ta không thể tán đồng với những thỏa hiệp này.
Cuối cùng, Liên minh châu Âu tự suy yếu, đó là khi nó chấp nhận tự cho phép mình tan rã do thuận theo đám đông và thiếu tầm nhìn. Thật vậy, ý nghĩa của Hiệp ước tháng 2-2001 là gì khi nó ban cho Vương quốc Anh quyền được chọn lựa Liên minh châu Âu hay không và chấp nhận sự ép buộc của quốc gia này?
Vì tất cả những lý do trên, tôi coi một thập niên vừa qua là một thập niên thất bại của Liên minh châu Âu.
Vụ Brexit là tên của cuộc khủng hoảng gần đây và cũng là triệu chứng cho thấy sự kiệt sức của châu Âu. Nhưng với trách nhiệm tiến hành cải cách của chúng ta, hãy hy vọng đó là sự khởi đầu cho công cuộc tái thiết châu Âu.
Brexit không phải là một hành động ích kỷ. Không bao giờ chúng ta được đổ lỗi cho những người đã bỏ phiếu, điều đó không có nghĩa lý gì cả. Tất nhiên, như Bertolt Brecht nói, việc “giải thể một dân tộc” sẽ dễ dàng hơn là phải đối mặt với những vấn đề. Tôi muốn lựa chọn cách thứ hai.
Brexit thể hiện một nhu cầu được bảo vệ. Đó là sự chối bỏ một mô hình xã hội mà các nhà lãnh đạo Anh đã theo đuổi. Chối bỏ một xã hội ủng hộ sự cởi mở, không quan tâm đến việc nếu quá trình này diễn ra quá nhanh, sẽ có những hậu quả trong các lĩnh vực công nghiệp, kinh tế, xã hội. Nó phản ánh điểm yếu của một tầng lớp chính trị đã tìm ra vật tế thần của mình – châu Âu – trước khi giải thích cho người dân hiểu rằng việc rút khỏi Liên minh sẽ là một thảm hoạ. Đó cũng là hệ quả của một cuộc tranh luận công khai đã bị đắm chìm trong sự kiêu ngạo của các chuyên gia và những lời nói dối của những kẻ mị dân.
Dưới góc độ này, Brexit không phải là cuộc khủng hoảng của nước Anh mà là khủng hoảng của toàn bộ Liên minh châu Âu. Đây là một tín hiệu cảnh báo cho tất cả các quốc gia thành viên và những quốc gia không chịu nhìn nhận những ảnh hưởng tiêu cực của toàn cầu hóa. Bởi lẽ tất cả các quốc gia đều chia thành hai nửa tương đối cân bằng, những người ủng hộ chính sách mở cửa và những người theo chủ trương khép kín. Các cuộc bầu cử cấp vùng của Đức, bầu cử địa phương ở Ý, bầu cử tổng thống của Áo, sự chệch hướng của Ba Lan hoặc Hungary và tất nhiên là sự trỗi dậy của Mặt trận Dân tộc ở Pháp, tất cả các cuộc bỏ phiếu đều cho thấy sự chia cắt trong xã hội.
Do đó, cần phải khôi phục lại Liên minh châu Âu của thời kỳ đầu, thời kỳ mới được xây dựng.
Vậy làm thế nào để phục hồi Liên minh châu Âu? Làm thế nào để thực hiện chính sách châu Âu trước tình hình những mối hoài nghi ngày càng phát triển?
Chúng ta cần khơi lại mong muốn xây dựng châu Âu. Đây là dự án về hòa bình, hòa giải và phát triển. Không có gì khó hơn là lập một dự án mà sẽ nhanh chóng trở thành đối tượng bàn luận của tất cả mọi người.
Vì vậy, chúng ta không nên bắt đầu bằng các giải pháp kỹ thuật, phức tạp và quan liêu, mà phải xây dựng một dự án chính trị thực sự. Đối với các nước châu Âu, đây không chỉ đơn giản là một thị trường mà là một không gian, trong đó ý tưởng về con người, về tự do kinh doanh, về tiến bộ và công bằng xã hội được khẳng định. Họ phải nắm bắt dự án này và tiến hành tổ chức một cách phù hợp. Triết lý này chính là triết lý mà Jacques Delors đã thực hiện trong nhiều năm. Chính phủ Pháp sẽ chủ động và làm việc với Đức, Ý và một số quốc gia khác để khôi phục lại châu Âu.
Dự án châu Âu phải được xây dựng dựa trên ba khái niệm cơ bản là chủ quyền, hướng tới tương lai và dân chủ.
Chúng ta hãy bắt đầu bằng việc phân tích sự chia rẽ hiện nay trong xã hội diễn ra giữa những người ủng hộ chính sách mở cửa và những người ủng hộ việc đóng cửa. Với tư cách là những người ủng hộ cải cách và có khuynh hướng tiến bộ, chúng ta phải chịu trách nhiệm xây dựng một xã hội cởi mở và thực hiện sự lựa chọn của châu Âu.
Khuynh hướng tiến bộ ngày nay cho phép mối quan hệ của chúng ta với thế giới thoát khỏi sự cô lập. Cần phải hiểu rằng chúng ta sẽ mất mát nhiều hơn nếu khép mình trong một quốc gia. Chính sách mở cửa chỉ có thể giành thắng lợi khi có các biện pháp phòng hộ, để mang lại lợi ích cho tất cả các quốc gia thành viên.
Tuy nhiên, chúng ta đã nhầm lẫn giữa chủ nghĩa chủ quyền và chủ nghĩa dân tộc. Những người theo chủ nghĩa chủ quyền thực thụ là những người ủng hộ châu Âu; châu Âu là cơ hội cho phép các quốc gia giành lại chủ quyền. Để hiểu hơn tư tưởng này, chúng ta phải làm rõ thế nào là chủ quyền. Đó là quyền tự do thực hiện những lựa chọn chung của tập thể trong phạm vi lãnh thổ của một quốc gia. Và có chủ quyền nghĩa là có thể hành động một cách hiệu quả.
Trước những thách thức lớn trong thời điểm này, mọi giải pháp ở cấp quốc gia sẽ là ảo tưởng và sai lầm. Để đối mặt với dòng người di cư, với nguy cơ khủng bố quốc tế, với biến đổi khí hậu và kỹ thuật số, để đối mặt với sức mạnh kinh tế của Mỹ hay Trung Quốc, châu Âu mới là lựa chọn hiệu quả nhất để hành động.
Ai có thể thực sự tin tưởng rằng chúng ta sẽ tự mình kiểm soát được dòng di cư từ Bắc Phi hoặc Trung Đông? Rằng chúng ta sẽ tự mình điều tiết các nền tảng kỹ thuật số khổng lồ của Bắc Mỹ? Rằng chúng ta sẽ tự mình giải quyết được những thách thức do hiện tượng nóng lên của Trái đất đặt ra? Rằng chúng ta sẽ đạt được các hiệp định thương mại bình đẳng khi một mình thương lượng với Hoa Kỳ hay Trung Quốc? Trong những năm tới và trong các lĩnh vực này, chúng ta phải kết hợp sức mạnh của mình với 26 nước thành viên của Liên minh châu Âu. Chúng ta hãy tạm dừng một chút để bàn về vấn đề người di cư. Đây là về vấn đề quan trọng đối với mỗi quốc gia, nhưng mối đe dọa của nó ngày càng phát triển ở phạm vi toàn cầu. Do đó, cần phải củng cố ở quy mô châu Âu. Một số người cho rằng giải pháp khôi phục lại biên giới từng quốc gia trong cộng đồng chung châu Âu là hoàn toàn ngông cuồng. Liệu chúng ta có hình dung được việc triển khai lại lực lượng ở các vùng biên giới? Phải chăng chúng ta sẽ đóng cửa biên giới với Đức, Bỉ, Tây Ban Nha hay Ý? Chúng ta có thực sự muốn điều đó không? Trong khi những tháng gần đây, nhiều nhóm khủng bố chống phá đất nước chúng ta lại là người Pháp và sống ở Pháp và Bỉ.
Ở châu Âu, chúng ta có những lợi ích liên quan đến vấn đề người di cư. Nhưng chúng ta phải tăng cường hành động và có một chính sách thực sự dành cho 28, sắp tới đây là 27 quốc gia. Điều này hàm ý cần đầu tư xây dựng một lực lượng bảo vệ bờ biển và biên giới vững mạnh cho châu Âu và tạo một hệ thống thẻ căn cước chung. Như vậy, bất cứ ai đến Lesbos hoặc Lampedusa đều có thể đặt chân lên đất nước của chúng ta. Trong khi hiện nay, lực lượng Frontex chỉ có thể can thiệp nếu được một nhà nước yêu cầu, các phương tiện lại rất hạn chế và sự hợp tác giữa các cơ quan quốc gia còn khá lỏng lẻo.
Ngày nay biên giới là vấn đề rất cơ bản. Cần nâng vấn đề biên giới lên đúng tầm quan trọng của nó. Câu trả lời đúng đắn trước tình hình hiện nay là cần trang bị những phương tiện cần thiết để bảo vệ biên giới châu Âu.
Muốn cho chính sách an ninh này đạt hiệu quả, chúng ta phải phối hợp với các nước thứ ba. Trước hết hãy xem xét kỹ các khu vực xung đột và các nước quê gốc của người di cư. Liên minh châu Âu phải áp dụng một chính sách đối với các nước quê gốc khi nói đến người tị nạn. Sai lầm của châu Âu là đã không xây dựng một chính sách như vậy trước khi bắt đầu khủng hoảng. Tiếp đó, chúng ta cần xây dựng và phối hợp thực hiện một chính sách hỗ trợ tạo điều kiện cho các nước này phát triển, giúp họ tự quản lý những dòng người tị nạn, đặc biệt ở vùng lân cận khu vực xung đột Syria. Về vấn đề này, chúng ta cũng đã mắc sai lầm. Trong khi hàng triệu người tị nạn tập trung ở các nước này, nghe theo chủ trương của Liên hợp quốc, thì châu Âu đã không có bất kỳ động thái nào và do đó cũng không dự báo được tình hình. Trong những tháng tới, chúng ta sẽ phải bàn lại với Vương quốc Anh về vấn đề người nhập cư. Đóng góp tài chính hiện tại của họ không đủ, trong khi nước Pháp không thể một mình kham nổi gánh nặng của các trại tị nạn. Ngoài việc tham gia tài chính, nước Anh cần phải chấp nhận phối hợp cùng Liên minh châu Âu để quản lý vấn đề người tị nạn tại các biên giới của châu Âu.
Như vậy, một lần nữa, cần khẳng định châu Âu là phạm vi hợp lý để bảo vệ chủ quyền.
Chúng ta hãy lấy một ví dụ khác liên quan đến thương mại. Một châu Âu có chủ quyền là có khả năng điều chỉnh tự do thương mại và văn minh hóa công cuộc toàn cầu hóa. Là một bộ trưởng, tôi đã tham gia cuộc đấu tranh này bằng cách bảo vệ ngành công nghiệp thép của chúng ta chống lại sự cạnh tranh không lành mạnh. Đôi khi tôi đã phải đơn độc bảo vệ quan điểm rằng chính sách thương mại với Canada nên duy trì ở tầm cỡ châu Âu, bởi vì sự đoàn kết sẽ giúp chúng ta mạnh mẽ hơn. Nước Pháp nếu hoạt động độc lập thì sẽ làm thế nào để tự bảo vệ mình khi phải đối mặt với Trung Quốc? Liệu từng quốc gia đơn lẻ có khả năng thương lượng những thỏa thuận thương mại có lợi trước các đối tác lớn hay không? Tuy nhiên, điều kiện cần thiết để châu Âu phát huy năng lực trong các hiệp định thương mại tự do là: công dân, Nghị viện châu Âu và quốc hội của các quốc gia thành viên phải liên kết với nhau sớm hơn và thường xuyên hơn; cần phải tăng cường tính minh bạch; và trên hết cần thiết lập các chế độ bảo vệ hiệu quả hơn chống lại các hành vi không lành mạnh. Tôi ủng hộ tăng cường các biện pháp chống bán phá giá hiệu quả và mạnh mẽ như ở Hoa Kỳ. Chúng ta cũng cần đưa ra các biện pháp kiểm soát đầu tư nước ngoài ở quy mô châu Âu đối với các lĩnh vực chiến lược, nhằm bảo vệ một ngành công nghiệp đủ sức bảo vệ chủ quyền quốc gia và cho phép châu Âu kiểm soát được các công nghệ then chốt.
Nếu chúng ta quyết định và chấp nhận mọi hệ quả, Liên minh châu Âu sẽ giúp chúng ta xây dựng vị thế và bảo vệ chúng ta trong xu hướng toàn cầu hóa. Đó chính là lý do vì sao chúng ta cần phải xây dựng lại tổ chức này.
____________
Liên minh châu Âu sẽ được xây dựng lại với chủ trương hướng về tương lai, nói cách khác, với tham vọng phục hưng tất cả các quốc gia thành viên.
Ngày nay, Liên minh châu Âu, cụ thể hơn là khu vực đồng euro, đang rơi vào tình trạng thiếu khát vọng. Chúng ta đang bối rối do những mối nghi ngờ nảy sinh từ các cuộc khủng hoảng trong quá khứ. Nhưng chúng ta cần một tham vọng mới, một chính sách đầu tư ở cấp độ châu Âu.
Chắc hẳn chúng ta đã từng nghe ai đó nói rằng đồng euro là một sai lầm. Như thế có nghĩa là chúng ta đã nhanh chóng quên đi những lợi ích của đồng euro, khi nó bảo vệ chúng ta khỏi những biến động tiền tệ, khuyến khích thương mại trong khu vực và cho phép chúng ta tăng cường nguồn vốn trong những điều kiện lịch sử thuận lợi. Mặt khác, cũng phải thừa nhận rằng việc không hoàn thành kế hoạch xây dựng khu vực đồng euro là một sai lầm.
Đồng euro bị suy yếu là do khoảng cách giữa các nền kinh tế ngày một lớn, do thiếu chính sách khuyến khích và đầu tư của nhà nước và khu vực tư nhân. Trước đây, do thiếu một chính sách chỉ đạo thực sự, đồng euro đã càng khoét sâu sự chênh lệch giữa các nền kinh tế trong khu vực, thay vì giúp các quốc gia xích lại gần nhau hơn. Đối mặt với một cuộc khủng hoảng chưa từng có, các nền kinh tế mong manh nhất đã sụp đổ, chính phủ các nước đã phải trải qua một cuộc khủng hoảng nợ công. Ngày nay, khi không có sự lãnh đạo chính trị tập trung, sẽ mất nhiều thời gian để giải quyết tình trạng mất cân bằng ngày một gia tăng, cho dù nhiều nước trong Liên minh đã áp dụng chính sách thắt lưng buộc bụng. Khi toàn bộ khu vực cần được phục hồi với các khoản đầu tư lớn cho phép kích thích tăng trưởng, thì sự khắt khe về ngân sách vẫn tiếp tục chiếm ưu thế. Ngân hàng Trung ương châu Âu đã nỗ lực hết sức trong 5 năm và trong tương lai, nếu cơ quan này không tiếp tục hành động quyết liệt, tất cả các quốc gia sẽ có nguy cơ bị rơi vào tình trạng suy thoái.
Do vậy, tôi đề xuất tạo ra một ngân sách cho khu vực đồng euro nhằm mục đích tài trợ cho các khoản đầu tư chung, giúp đỡ các khu vực khó khăn và đối phó với khủng hoảng. Chúng ta có phương tiện để làm điều này, bởi vì chúng ta không liên đới mắc nợ theo khu vực đồng euro.
Chúng ta cũng cần một bộ trưởng phụ trách nguồn ngân sách. Đó sẽ là người xác định các ưu tiên trong ngân sách và khuyến khích các quốc gia tiến hành cải cách. Người này sẽ chịu trách nhiệm trước quốc hội của khu vực đồng euro, triệu tập tất cả các nghị sĩ trong khu vực đồng euro ít nhất mỗi tháng một lần, nhằm đảm bảo có một sự kiểm soát dân chủ thực sự.
Đồng thời, chúng ta nên cùng nhau xem xét các quy định để đưa ra một chính sách kinh tế phù hợp hơn. Khu vực đồng euro chưa tìm lại được mức độ đầu tư như trước thời kỳ khủng hoảng, và do đó, không nền kinh tế nào phải chịu thiệt thòi. Chúng ta cần nhanh chóng đưa ra một kế hoạch đầu tư của châu Âu lớn hơn so với dự án “Juncker” hiện hành, trong đó bên cạnh các khoản vay hoặc bảo hiểm, cần có các khoản tài trợ. Kế hoạch này phải ưu tiên cho đầu tư thiết bị sợi quang, năng lượng tái tạo, kết nối nội mạng và kỹ thuật lưu trữ năng lượng, giáo dục, đào tạo và nghiên cứu. Tất cả các khoản đầu tư tương lai của dự án này sẽ phải được tách khỏi các mục tiêu về nợ và thâm hụt trong Hiệp ước về ổn định và tăng trưởng.
Trong lĩnh vực này, nước Pháp có một trách nhiệm to lớn. Nếu chúng ta muốn thuyết phục các đối tác Đức cùng hành động, chúng ta phải tiến hành cải cách trong chính đất nước chúng ta. Nước Đức ngày nay đang trong tư thế chờ đợi, họ cản trở nhiều dự án ở châu Âu do thiếu sự tin tưởng. Chúng ta đã hai lần bội ước với người Đức. Trong năm 2003/2004, chúng ta cam kết thực hiện những cải cách quan trọng, nhưng cuối cùng chỉ có Đức là thực hiện. Và trong năm 2007, chúng ta đơn phương chấm dứt chương trình giảm chi tiêu công mà hai nước đã cùng nhau tiến hành. Sau đó, một lần nữa, chúng ta đẩy lùi kế hoạch đến năm 2013 mà rồi cũng không hành động đến cùng. Đây cũng là lý do tại sao nước Đức hiện đang tăng thặng dư ngân sách, điều đó không tốt cho họ và cho châu Âu. Chúng ta đừng bao giờ quên rằng nước Pháp có thể nắm được vị thế lãnh đạo châu Âu, nhưng điều này cũng đồng nghĩa với việc chúng ta cần phải gương mẫu.
Nếu thực hiện được dự án này, kế hoạch phát triển sẽ trở nên đơn giản. Vào mùa hè năm 2017, chúng ta phải trình bày chiến lược cải cách, hiện đại hóa đất nước, cũng như kế hoạch 5 năm cắt giảm chi tiêu và tiến hành triển khai không chậm trễ. Đổi lại, chúng ta phải yêu cầu người Đức thực hiện một chiến dịch kích thích tài chính mạnh mẽ. Họ phải cùng với chúng ta phát triển ý tưởng xây dựng ngân sách của khu vực đồng euro, cho phép đầu tư vào tất cả các quốc gia thành viên của khu vực đồng euro.
Nếu chúng ta muốn xây dựng một cường quốc kinh tế kết hợp đoàn kết và trách nhiệm, chúng ta phải tiến hành cải cách ở cấp Nhà nước, nhưng đồng thời, điều quan trọng là một số quốc gia thành viên của khu vực đồng euro phải tiến xa hơn. Họ cần có 10 năm để hợp nhất tài chính, xã hội và năng lượng. Đây sẽ là trọng tâm của khu vực đồng euro, nếu không khu vực này sẽ bị sụp đổ.
Như thế có nghĩa là trong vòng hai năm tới, cần đưa ra một quyết định thực sự. Nền tảng để xây dựng châu Âu sẽ là sự gắn kết của các quốc gia với một ngân sách chung và khả năng đầu tư có thể thực hiện một cách nhanh chóng. Hai năm tới sẽ là hai năm quyết định của châu Âu và khu vực đồng euro. Nếu những quyết định này không được thực hiện, châu Âu sẽ khó có thể trụ vững lâu dài, vì nó hiện đang bị giằng xé giữa các nhóm lợi ích khác nhau và bị suy yếu do chủ nghĩa dân tộc. Sau hai năm này, sẽ có một cuộc trưng cầu ý dân của nhân dân Pháp. Vì nếu chúng ta thất bại, cần phải rút ra những bài học cho bản thân chúng ta và cho các đối tác của chúng ta. Cuộc đấu tranh để xây dựng châu Âu là một trong những nhiệm vụ chủ yếu của vị tổng thống kế tiếp. Đó là điều kiện để giữ vững chủ quyền của đất nước ta. Và để đạt được điều này, chúng ta phải thuyết phục các đối tác châu Âu. Đó là công việc mà tôi sẽ thực hiện, đặc biệt trong sự phối hợp chặt chẽ với các nước Đức và Ý.
Liên minh châu Âu vẫn luôn là một khu vực đầy tiềm năng. Với 27 thành viên, Liên minh châu Âu ngày càng phát triển rộng nhưng vẫn là một khu vực chính trị và kinh tế, một thị trường chung, một tổ chức có khả năng điều tiết tầm cỡ, có chính sách cạnh tranh và thương mại đủ sức đối đầu với các cường quốc lớn khác, khu vực phát triển kỹ thuật số và năng lượng với những quy định của riêng mình.
Nếu chúng ta muốn tiến bộ trong các vấn đề quốc phòng và an ninh, chúng ta phải phát triển hơn nữa ở tầm khu vực Schengen. Chúng ta cần chứng tỏ nhiều tham vọng hơn trong việc tổ chức các lực lượng phòng vệ biên giới và bờ biển mới được thành lập gần đây. Phải cùng nhau quyết định chính sách về biên giới chung, có một chính sách đầy tham vọng về hợp tác trong các vấn đề tình báo và tị nạn.
Do đó, Liên minh châu Âu cần tiếp tục nâng cao năng lực quản lý và bảo vệ. Bởi lẽ với một diện tích quan trọng, khu vực đồng euro khó có thể đi đến được một sự thống nhất như mong muốn.
Cuối cùng, chúng ta cần đặt nền dân chủ làm nòng cốt trong chương trình hành động của chúng ta. Chúng ta cần đấu tranh chống lại vị trí độc tôn của quốc gia và sáng kiến của những kẻ theo chủ nghĩa dân túy và cực đoan. Chúng ta đừng biến châu Âu thành một cơ quan đại diện để quản lý khủng hoảng, mỗi ngày lại tìm cách bổ sung các quy tắc thủ tục vì các nước thành viên không còn tin tưởng lẫn nhau. Đừng tự nhốt mình trong những giáo điều ngăn cản chúng ta đáp ứng những mong mỏi chính đáng của đồng bào.
Chúng ta phải dành thời gian để tranh luận và khôi phục lòng tin. Đây là cuộc tranh luận rộng lớn mà tôi đề nghị tiến hành vào năm tới, một thời điểm chính trị quan trọng với các cuộc bầu cử ở Pháp, Đức và Hà Lan.
Tôi đề xuất xây dựng công ước dân chủ trong toàn Liên minh châu Âu, khi cuộc bầu cử Đức kết thúc vào mùa thu năm 2017. Trong vòng từ 6 đến 10 tháng, với phương thức mở, tùy theo lựa chọn của các chính phủ và các tổ chức, chúng ta sẽ tổ chức một cuộc thảo luận trên toàn châu Âu về các nội dung hoạt động, về các chính sách và những ưu tiên phát triển của Liên minh.
Với các cuộc thảo luận này, chính phủ các quốc gia châu Âu sẽ xây dựng một lộ trình ngắn gọn, trong đó chỉ ra một số thách thức chung của các quốc gia và những hành động cụ thể, vạch ra những ưu tiên và lịch trình hành động của Liên minh trong 5 hay 10 năm tới. Các quốc gia sau đó sẽ phê chuẩn “dự án châu Âu” này theo phương thức dân chủ truyền thống của từng nước. Đối với các quốc gia theo phương thức trưng cầu dân ý, cần tổ chức một chiến dịch hỗ trợ để tạo ra một cuộc tranh luận dân chủ ở cấp độ châu Âu.
Như vậy, châu Âu sẽ được hợp pháp hóa trở lại. Cuộc tranh luận dân chủ sẽ được hâm nóng lại. Các quốc gia sẽ không bị bỏ rơi. Nhưng để đi tới thành công, ngay từ đầu cần xem xét lại các thủ tục như Mario Monti và Sylvie Goulard đã đề xuất, nghĩa là khi một quốc gia thành viên bỏ phiếu phản đối một dự án mới, quốc gia đó sẽ không được ngăn cản các quốc gia khác. Họ sẽ không được chỉ chọn tham gia những lĩnh vực liên quan đến họ mà thôi. Dĩ nhiên, châu Âu sẽ thay đổi nhiều hơn và trên thực tế nó đã khác rồi. Nhưng nó sẽ tiếp tục “tiến bước” và sẽ không liên tiếp tụt hậu.
Công cuộc tái kiến thiết này sẽ không diễn ra trong ngày một ngày hai mà sẽ cần nhiều năm nhiều tháng. Cần phải cho thời gian thêm ý nghĩa và vạch ra một tầm nhìn mới. Nhưng khi mọi việc đòi hỏi phải có thời gian thì càng cần phải khẩn trương bắt tay vào thực hiện.
PARIS, PHÁP - 14/05/2017: Tân tổng thống Pháp Emmanuel Macron và phu nhân Brigitte Macron tại Điện Élysée sau buổi lễ chuyển giao quyền lực.