D
ù muốn hay không, chúng ta cũng đang hòa mình vào thế giới.
Hàng triệu người Pháp đang sinh sống hay du lịch ở nước ngoài. Chúng ta có những vùng lãnh thổ Pháp trên tất cả các lục địa. Ngôn ngữ của chúng ta được nói ở khắp mọi nơi trên Trái đất.
Và thế giới đang hiện hữu trong chính đất nước chúng ta. Bằng chứng là mỗi năm chúng ta đón hàng chục triệu du khách đến tham quan, hai triệu công dân Pháp đang làm việc cho hơn 20 ngàn công ty nước ngoài trên toàn lãnh thổ. Ngoài ra, hàng triệu người Pháp đang làm việc trong môi trường toàn cầu hóa, sản xuất máy bay Airbus ở Toulouse hoặc máy bay trực thăng ở Marignane, sản xuất tua-bin ở Belfort hoặc cáp tàu ngầm ở Calais, họ làm việc để phục vụ khách hàng nước ngoài và như vậy công việc của họ phụ thuộc vào xu thế toàn cầu hóa.
Những thách thức lớn hiện nay của chúng ta cũng mang tính toàn cầu, đó là nạn khủng bố, làn sóng di dân,... Và tất nhiên, cả nhân loại cùng chung sống trên một hành tinh, vì thế chúng ta phải hợp tác với nhau để bảo vệ tính đa dạng sinh học, hay đối phó với sự biến đổi khí hậu. Những thay đổi đang diễn ra trên thế giới sẽ tác động trực tiếp đến chúng ta và con cái chúng ta. Nếu chúng ta không cùng nhau hành động, chúng sẽ gây ra bệnh tật và xung đột, dần dần hủy hoại hành tinh chung của chúng ta.
Chúng ta thấy rõ điều đó. Chúng ta không thể thờ ơ với thế giới, bởi vì chúng ta đang sống trong thế giới đó. Tất cả mọi người đều có mối liên hệ ràng buộc với nhau, do đó hành động mang tính quốc tế của chúng ta sẽ là điều kiện duy nhất để chúng ta có thể làm chủ số phận của mình.
Vả lại, nước Pháp chưa bao giờ hành động mà không nghĩ đến các quốc gia khác. Điều này làm cho chúng ta đôi khi thật khó chịu trong mắt họ. Nhưng điều này cũng giải thích tại sao mỗi khi chúng ta không bày tỏ quan điểm về vấn đề nào đó, các nước láng giềng và các đối tác thường tự hỏi: “Vậy nước Pháp đang làm gì? Quan điểm của các bạn thế nào?”. Giấc mơ nước Pháp vẫn luôn là một giấc mơ của toàn nhân loại. Chúng ta luôn nghĩ tới thế giới. Thực vậy, không có nhiều quốc gia đã làm như Pháp, đứng lên khi các giáo hữu Công giáo phương Đông bị đe dọa, rung động vì sự sống còn của thành phố Benghazi, phẫn nộ trước sự tử vì đạo trong cuộc nội chiến ở Aleppo hoặc những tội ác đã xảy ra ở vùng Tombouctou.
Trong một thời gian dài, điều này tạo ra cảm giác đất nước ta là thiên sứ soi sáng con đường của thế giới, đưa ra một thông điệp tổng quát và nhân văn, cho các nước khác noi gương, tiến lại gần với chúng ta, tiến lại gần với mô hình của nước Pháp, với các giá trị của chúng ta. Ngày nay, công cuộc toàn cầu hóa này không còn phù hợp với chúng ta nữa. Đôi khi nó không truyền tải giá trị của chúng ta, khiến chúng ta nghi ngờ hoặc muốn đóng mọi cánh cửa dẫn ra thế giới bên ngoài. Đôi khi chúng ta muốn rút lui bằng cách đào tẩu. Tôi thấu hiểu những nỗi sợ và những hiểu lầm. Tôi cũng nghe thấy những tiếng nói giận dữ muốn chống lại sự phát triển lệch lạc của thế giới. Nhưng, tôi tin rằng nước Pháp không bao giờ có thể là chính mình nếu chúng ta quên đi thiên hướng cơ bản của mình.
Trên hết thảy, chúng ta có một lịch sử huy hoàng. Chúng ta là một cường quốc còn giữ lại dấu ấn lãnh thổ của mình trên tất cả các lục địa. Chúng ta có một ngôn ngữ được 275 triệu người trên thế giới sử dụng và một mối quan hệ đặc biệt với châu Phi và Trung Đông.
Chúng ta là một cường quốc về hàng hải, ngoại giao và quân sự, là một trong năm thành viên thường trực của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, đại diện duy nhất còn lại của Liên minh châu Âu kể từ sau vụ Brexit. Chúng ta có vũ khí hạt nhân và khả năng triển khai lực lượng trên toàn thế giới. Điều đó cho phép chúng ta thực hiện vai trò của mình, đồng thời đòi hỏi chúng ta phải thể hiện một trách nhiệm to lớn hơn. Đó là lý do tại sao tôi ủng hộ chúng ta hành động trong khuôn khổ các nhiệm vụ của Liên hợp quốc. Điều này khiến mọi việc tiến triển và phù hợp hơn với tầm nhìn lịch sử của chúng ta về chủ nghĩa đa phương. Điều này đảm bảo cho chúng ta sự cân bằng mà không một liên minh nào có thể làm được.
Chúng ta có bổn phận phải là một tấm gương. Nếu nước Pháp đã có những vinh quang trong quá khứ thì đó là vì chúng ta là một quốc gia độc lập và không hiếu chiến, đất nước ta được tôn trọng, nổi tiếng và hiện diện trên khắp năm châu. Điều này đặc biệt thể hiện khi chúng ta từ chối không tham gia cuộc phiêu lưu ở Iraq cùng với Tổng thống George W. Bush và Thủ tướng Tony Blair. Tuy nhiên, ngày nay hình ảnh nước Pháp đã bị xấu đi ít nhiều. Nhiều chính sách của chúng ta bị hiểu nhầm và làm cho hình ảnh của chúng ta thay đổi. Sự có mặt của chúng ta ở Mali bị một bộ phận thanh niên châu Phi nhìn với con mắt nghi ngờ. Chủ trương can thiệp vào Libya hay Sahel cũng bị chỉ trích.
Tôi mong muốn rằng chúng ta có thể cùng nhau thống nhất rằng phải có một chút thực tế. Chúng ta không thể chọn một phương án hành động quốc tế hoàn toàn tách rời với những kế hoạch trong nước. Tôi cảm thấy ngạc nhiên là các bài diễn văn quốc tế của chúng ta cứ từa tựa nhau dù tình hình thời sự thì đã thay đổi. Ai sẽ tin rằng chúng ta có đủ các nguồn tài chính và quân sự để can thiệp ở khắp mọi nơi? Liệu chúng ta có thể tiếp tục đề xuất, thuyết giáo hay đôi khi khiển trách, như thể nền tài chính của chúng ta vẫn ổn, những can thiệp của chúng ta luôn thành công, các nhà lãnh đạo của chúng ta được nhiều người biết đến và danh tiếng của chúng ta vẫn còn nguyên vẹn? Đó là một hiểm nguy, sai sót và nhầm lẫn mà đôi khi có thể trở nên nực cười. Để hành động một cách có hiệu quả, trước hết cần phải sáng suốt.
Ở một thái cực khác, quá nhiều người đã không cho rằng nước Pháp có một vị thế riêng, độc đáo và hữu ích. Bởi vì, họ cho rằng nước Pháp đã ngừng hoạt động và không có khả năng hồi phục, họ dự đoán nước Pháp sẽ bị tan rã trong Liên minh châu Âu hoặc trong NATO. Họ cũng đã lầm. Chúng ta vẫn phải tiếp tục mang đến cho thế giới tư tưởng tự do, nhân văn, công lý và danh dự của chúng ta. Nhưng đồng thời cũng phải thực tế, nghĩa là phải áp dụng cho chính nước ta những biện pháp chặt chẽ, hiệu quả, nhân văn, như chúng ta hằng yêu cầu cả thế giới phải tuân thủ. Đó là lý do vì sao, theo tôi, hành động của chúng ta phải thực hiện nhiều hơn trong khuôn khổ của châu Âu và đặc biệt trong một cuộc đối thoại chiến lược quan trọng với nước Đức. Chúng ta cũng phải đòi hỏi khắt khe hơn với bản thân và, như chúng ta đã nói, ít quan tâm hơn tới những quốc gia khác. Đã từ quá lâu, dường như chúng ta quan tâm đến việc mua bán vũ khí, tổ chức du lịch hoặc tiếp thu ý kiến tốt về bản thân chúng ta hơn là tình hình thực tế của các dân tộc mà chúng ta từng nói là yêu mến. Chúng ta đã ủng hộ và vẫn tiếp tục ủng hộ các chế độ độc tài và không hiệu quả, điều này hoàn toàn đi ngược với các giá trị của chúng ta.
Nước Pháp phải duy trì vị thế đặc biệt và độc lập này, nó cho phép chúng ta tham gia vào các cuộc đối thoại mang tính xây dựng với tất cả các quốc gia. Đó là biện pháp ngoại giao để đàm phán với những quốc gia có thể không cùng quan điểm với chúng ta. Tuy nhiên, những cuộc đối thoại này không được làm tổn hại đến các giá trị của đất nước, khiến chúng ta rơi vào tình trạng dễ dãi hay tự mãn. Nếu chủ nghĩa hiện thực là cần thiết, thì các nguyên tắc cũng vậy, một chút khiêm tốn sẽ không ảnh hưởng gì đến chúng ta.
Việc phân tích một cách khách quan hai mươi năm hoạt động quân sự của Pháp cũng sẽ không làm tổn hại đến chúng ta. Nghị viện chỉ tham gia khi xảy ra bê bối và bạo động. Tuy nhiên, tôi tin chắc chúng ta có cơ sở để đánh giá một cách toàn diện và kiểm soát một cách thông minh những tư tưởng chỉ đạo cũng như các giai đoạn hoạt động quân sự.
Để trở về hiện tại và kiểm soát số phận của chúng ta, tôi cho rằng thách thức đầu tiên là an ninh bên ngoài, do đó, chúng ta phải bằng mọi giá chống lại kẻ thù, nhà nước Hồi giáo IS, và chống lại tất cả các hiểm họa liên quan đến chúng. Chủ nghĩa khủng bố và Hồi giáo cực đoan đang phát triển mạnh trước ngưỡng cửa của Tổ quốc ta, ở phía Đông và phía Nam đất nước. Do đó, hoạt động ngoại giao và quân sự phải hướng tới việc đảm bảo kế hoạch an ninh trong khối các nước Bắc Phi và vùng Địa Trung Hải, nhằm chống lại các khủng hoảng trong khu vực.
Ưu tiên hiện nay của chúng ta là giành chiến thắng trong cuộc chiến chống lại nhà nước Hồi giáo, ở Mosul và Raqqa; ngăn chặn các vụ thảm sát dân thường như chúng ta đã thấy ở Aleppo; ổn định khu vực, đặc biệt là Liban, một quốc gia rất gần gũi về mặt tình cảm với người dân Pháp nhưng thường chỉ được chú ý vì chiến tranh và lưu vong. Sự hiện diện của chúng ta là hoàn toàn cần thiết và hợp lý. Nhưng một lần nữa, tôi muốn khẳng định hành động của chúng ta nên là một phần trong những nhiệm vụ của Liên hợp quốc.
Tuy nhiên, ở những quốc gia này, các cuộc xung đột quân sự chỉ có thể được giải quyết nếu chúng ta xây dựng một giải pháp chính trị, dù chỉ là tạm thời. Tôi rất lo ngại về hiệu quả của các cuộc xung đột vũ trang. Chúng diễn ra mà không đi đến một lựa chọn chính trị nào trong khu vực, giống như cái giá mà chúng ta đã phải trả trong 15 năm qua ở Iraq hoặc ở Libya. Nước Pháp và các đối tác châu Âu phải thận trọng với tất cả các cuộc khủng hoảng trong hiện tại và tương lai.
Ở Syria, Pháp đã đảm nhận trách nhiệm về ngoại giao và quân sự, nhưng dần dần bị cô lập vì nhiều lý do khác nhau, đặc biệt là do Nga và Mỹ, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và một số quốc gia ở vùng Vịnh lại bảo vệ quyền lợi của họ. Do đó, nếu đạt được sự cân bằng giữa tất cả các bên, hòa bình có thể được khôi phục. Về mặt này, chúng ta phải học hỏi nước Đức và chúng ta nên phối hợp hành động với họ hài hòa hơn nữa.
Liên quan đến Libya, tôi không muốn giấu nỗi lo lắng của mình. Đây chính là nơi tiếp viện những kẻ cam kết sẽ trung thành với IS và Al-Qaeda. Bị suy yếu ở các mặt trận khác, IS đang cố gắng biến Libya thành sân sau của mình. Cũng từ đất nước này, đa số người tị nạn và người di cư khởi hành đi châu Âu. Nếu Libya bị những kẻ khủng bố xâm chiếm, đó sẽ là một bi kịch, trước hết là đối với người dân địa phương, tiếp theo, nó sẽ làm tăng áp lực di cư lên lục địa châu Âu. Đồng thời nó sẽ cung cấp cho nhóm IS nguồn dự trữ tài chính, đặc biệt là trữ lượng dầu mỏ, trên vành đai phía Đông của Libya. Cuối cùng, nó sẽ đe dọa các quốc gia láng giềng, đặc biệt là Tunisia, một nước dân chủ mong manh đóng vai trò quan trọng như một trinh sát kể từ Mùa xuân Ả Rập. Đây là lý do tại sao tôi muốn thực hiện chuyến công du quốc tế đầu tiên của mình tới Libya với tư cách là lãnh đạo của phong trào Tiến bước!. Ở Libya, cần hành động trên phương diện ngoại giao với sự tham gia của châu Âu và các đồng minh trong khu vực. Chúng ta thực sự có thể dựa vào Algeria và Ai Cập, đó là những quốc gia có cùng quyền lợi ngắn và trung hạn như chúng ta.
Chính vì những lý do này, chúng ta cần đưa thế giới Ả Rập và Địa Trung Hải vào trọng tâm trong chính sách ngoại giao. Chúng ta phải khôi phục lại truyền thống lịch sử, bằng cách hành động độc lập và duy trì những mối quan hệ tuy khó khăn nhưng liên tục với tất cả các thành viên trong khu vực này. Với Ả Rập Saudi và Qatar, mối quan hệ cũng cần diễn ra trong lĩnh vực kinh tế và chính trị. Toàn bộ các vấn đề – bao gồm sự hỗ trợ của các quốc gia này hay của kiều bào đối với các tổ chức làm mất ổn định khu vực – cần được giải quyết. Về phần mình, Iran phải được trợ giúp để mở cửa nền kinh tế và tái hòa nhập vào sân chơi quốc tế, với điều kiện quốc gia này phải tuân thủ nghiêm túc các thỏa thuận năm 2015 về chương trình hạt nhân. Vì trong tương lai, nếu Iran sở hữu vũ khí hạt nhân, thì toàn bộ chính sách không phổ biến vũ khí hạt nhân sẽ bị đặt nghi vấn. Các quốc gia khác trong khu vực như Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Ả Rập Saudi,... sẽ muốn đi theo con đường tương tự. Do đó, chúng ta phải làm cho Iran hiểu rằng họ hoàn toàn có thể là một cường quốc trong tương lai mà không cần con đường quân sự. Họ nên ưu tiên phát huy sức mạnh kinh tế, nâng tầm ảnh hưởng và củng cố nền hòa bình.
Về Israel, quốc gia này vẫn là một đồng minh về ngoại giao và kinh tế. Đó là một nền dân chủ và chúng ta phải bảo vệ họ. Nhưng đồng thời, chúng ta cũng biết rằng hòa bình bền vững phụ thuộc vào việc thừa nhận nhà nước Palestine. Do đó, chính sách thuộc địa là sai lầm. Chúng ta phải quay trở lại với tinh thần của Hiệp định Oslo. Liên quan đến các vùng đất thánh, nước Pháp bày tỏ mối lo ngại bằng việc lúc đầu bỏ phiếu ủng hộ, sau đó bỏ phiếu trắng cho nghị quyết của UNESCO về việc khẳng định vai trò của Hồi giáo tại các khu vực này, đồng thời phủ nhận các mối liên kết trong lịch sử của Jerusalem với Do Thái giáo. Lẽ ra nước Pháp nên thể hiện tư cách là đất nước bảo vệ và tôn trọng tất cả các tôn giáo và kêu gọi các tôn giáo chung sống hòa bình. Nhưng những gì xảy ra tại Jerusalem ngày nay lại chứng tỏ điều ngược lại. Do đó, cần phải sớm thoát ra khỏi cuộc xung đột kéo dài về những vùng đất thánh, sự cố chấp của tất cả các bên sẽ đồng thời giam hãm chúng ta.
Đối với các thế lực này, đặc biệt là với Thổ Nhĩ Kỳ, nước Pháp sẽ ủng hộ chính sách của châu Âu. Rõ ràng sự hấp dẫn của mô hình châu Âu là đối trọng duy nhất có thể ngăn chặn chế độ độc tài và cản trở quyền tự do chính trị mà Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục theo đuổi. Thổ Nhĩ Kỳ không thể tách rời châu Âu trong vấn đề an ninh, địa lý, kinh tế, vì đó là nhân tố quan trọng để ổn định khu vực. Nhưng chúng ta cũng thừa biết là chế độ Erdogan không cho phép điều đó xảy ra.
Vì những mối quan hệ đặc biệt trong lịch sử với Maroc, Algeria và Tunisia, các nước Bắc Phi, tất nhiên là một khu vực đặc biệt đối với Pháp. Chúng ta không thể quên rằng hàng triệu công dân của chúng ta có nguồn gốc từ những nước này và họ vẫn luôn giữ một mối liên hệ chặt chẽ với quê hương. Dựa trên quá khứ chung đó, chúng ta phải cùng nhau xây dựng tương lai cho đất nước. Thật vậy, chúng ta phải đối mặt với những thách thức như nhau, dù là về an ninh, kinh tế hay môi trường. Nhiều vấn đề trong số đó phải được thảo luận trong khuôn khổ một cuộc đối thoại ở khu vực châu Âu – Địa Trung Hải.
Có lẽ sẽ là quá tham vọng khi muốn xây dựng một chính sách chung cho cả khu vực Địa Trung Hải, nhưng sẽ thật sai lầm nếu không thấy rằng chúng ta có mối quan hệ ràng buộc với nhau trong cùng một số phận.
Tất cả các quốc gia trong khu vực đều phải đối mặt với những nguy cơ mất ổn định mà chúng ta sẽ phải gánh chịu hậu quả ngay lập tức và trực tiếp.
Tương tự, ở châu Phi, nước Pháp phải tiếp tục đảm nhiệm vai trò mà chúng ta đã xây dựng trong những năm gần đây, dù ở Bờ Biển Ngà, Cộng hòa Trung Phi hay Mali. Tôi hoan nghênh sự can thiệp quân sự của chúng ta theo lệnh của Liên hợp quốc và hối tiếc về việc rút khỏi Cộng hòa Trung Phi khi tình hình vẫn chưa được ổn định. Có khả năng lớn là chúng ta sẽ phải quay lại đó trong vòng vài năm tới.
Sự can thiệp của quân đội ở Mali rất hữu ích vì nó đã cứu đất nước này khỏi chủ nghĩa thánh chiến. Về vấn đề này, tôi muốn biểu dương các chiến binh đang chiến đấu trong những điều kiện rất khó khăn.
Rõ ràng, vai trò của chúng ta ở châu Phi, cùng với quân đội châu Phi và các tổ chức trong khu vực, là để ổn định các vùng gặp nhiều khó khăn. Do đó, Liên minh châu Âu đã điều phối hiệu quả các hoạt động đào tạo quân sự. Nhưng trên lục địa này, chúng ta cũng phải ủng hộ các quốc gia lựa chọn chế độ mở cửa và dân chủ. Như chúng ta đã biết, châu Phi có tiềm năng rất lớn để phát triển kinh tế. Chúng ta cần tăng cường hợp tác với họ trong lĩnh vực này.
Với những cam kết hiện tại - có lẽ là quá nhiều - và những mối nguy hiểm tiềm ẩn, rõ ràng nước Pháp phải duy trì một chính sách ngoại giao có tầm ảnh hưởng, một mạng lưới năng động trên địa bàn, cùng một bộ máy quân sự hiện đại và mạnh mẽ. Trong những năm tới, không nên cắt giảm quy mô lực lượng của quân đội, ngay cả khi đã quyết định chấm dứt chiến dịch Sentinelle. Chúng ta phải đi xa hơn nữa, và trong cùng một nỗ lực giải thể, cần phải duy trì hoạt động của quân đội dù cho có tốn kém thế nào đi nữa. Bởi vì đó là lực lượng bảo vệ của chúng ta.
An ninh trên trường quốc tế của chúng ta phụ thuộc rất nhiều vào các lựa chọn chiến lược của Mỹ và Nga. Thực vậy, nước Nga đang đóng một vai trò ngày càng quan trọng ở Trung Đông và kể từ Thế chiến thứ hai, Hoa Kỳ đã biến khu vực này trở thành khu vực ưu tiên can thiệp của họ, chúng ta cũng đã nhiều lần hưởng lợi từ điều đó.
Vậy chúng ta muốn xây dựng một mối quan hệ như thế nào với nước Nga, một nước cũng thuộc châu Âu? Chúng ta có muốn khôi phục chế độ bảy mươi năm xung đột như thời kỳ Chiến tranh lạnh hay không? Liệu chúng ta có thực sự muốn tiếp tục theo đuổi chính sách quản lý mơ hồ và đầy mâu thuẫn như hiện nay với sự đối đầu trong mối quan hệ với cường quốc này hay không?
Chúng ta cần xây dựng lại mối quan hệ với nước Nga. Chúng ta không thể mù quáng đi theo con đường của Mỹ, cho dù nó sẽ như thế nào sau khi Donald Trump đắc cử. Chúng ta cũng đồng lõa với một chế độ đáng bị chỉ trích mà một bộ phận thuộc cánh hữu của Pháp ủng hộ.
Về phần mình, tôi sẽ tìm cách để chúng ta có thể khôi phục lại một cuộc đối thoại sôi nổi và thẳng thắn. Chúng ta sẽ không thể giải quyết vấn đề của Crimea trong ngắn hạn. Nhưng chúng ta phải làm việc với nước Nga để ổn định mối quan hệ của họ với Ukraina và để dỡ bỏ dần các biện pháp trừng phạt của cả hai bên. Chúng ta cần phải tìm ra tiếng nói chung cho các vấn đề ở Trung Cận Đông để khôi phục an ninh trong khu vực. Châu Âu sẽ phải hết sức thận trọng trong những tháng tới để tránh bất kỳ sự thoái lui nào của Nga, vì có thể họ đã nhìn thấy trong cuộc bầu cử của Donald Trump một dấu hiệu cho thấy Hoa Kỳ ít chú ý hơn tới châu Âu.
Với nước Nga, chúng ta sống trên cùng một lục địa, có cùng một lịch sử và một nền văn học với họ. Nhà văn Turgenev đã từng sống ở Pháp, Pushkin luôn yêu mến đất nước của chúng ta, Chekhov và Tolstoy cũng có tầm ảnh hưởng lớn với chúng ta. Hai nước đã cùng nhau trải qua những cuộc chiến tranh khủng khiếp nhất trong lịch sử thế giới. Tuy nhiên, quan điểm của nước Nga không hoàn toàn phù hợp với chúng ta và chúng ta ý thức rõ về điều này. Nhưng sẽ là sai lầm nếu cắt đứt mọi quan hệ với cường quốc Đông Âu này, thay vì thiết lập một mối quan hệ lâu dài. Trong cuộc chiến chống khủng bố hoặc trong lĩnh vực năng lượng, chúng ta có cơ sở để phát triển mối quan hệ hợp tác đôi bên cùng có lợi.
Trong bối cảnh này, hơn bao giờ hết, vấn đề đặt ra trong mối quan hệ của chúng ta với Hoa Kỳ liên quan tới việc cải thiện cơ cấu. Cả hai quốc gia có chung mối dây liên hệ là hoạt động bảo vệ nhân quyền và những mối quan tâm chung trong việc ổn định thế giới. Rất nhiều vấn đề đã được xem xét lại trong dịp Tổng thống Donald Trump đắt cử vào tháng 11-2016. Không ai có thể biết được hậu quả của cuộc bầu cử này, nhưng một điều dễ nhận ra là những năm cầm quyền của Tổng thống Obama được đánh dấu bằng một mối quan hệ căng thẳng bị che đậy với châu Âu. Có lẽ những căng thẳng này đã hình thành từ sự bất đồng liên quan đến Syria.
Dưới thời Tổng thống Obama, châu Á là lựa chọn ưu tiên lớn hơn châu Âu. Đây là một định hướng cơ bản mà chúng ta mới chớm nhận ra hậu quả nếu nó vẫn tiếp tục trong tương lai. Đồng thời, Hoa Kỳ đang dần rút khỏi Trung Đông và các khu vực khủng hoảng, mặc dù đó là một trong những cam kết quan trọng của họ từ nửa thế kỷ nay. Chính sách đối với khu vực Trung Đông của Obama rất đơn giản: trao quyền cho các nhân tố địa phương và khu vực, không kiến thiết cũng không tham gia quá nhiều vào quá trình kiến tạo hòa bình. Sau khi quyết định rút quân khỏi Afghanistan và Iraq, chừng nào không có mối đe dọa trực tiếp đến Hoa Kỳ, họ sẽ không can thiệp.
Hoa Kỳ và Pháp đang có mối quan hệ hợp tác mạnh mẽ và cần được duy trì. Trên nhiều lĩnh vực hoạt động, Pháp được sử dụng hệ thống thông tin tình báo của Hoa Kỳ và các phương tiện hỗ trợ quân sự. Hoa Kỳ nhận thấy dải Sahel là một mối nguy hiểm và sự hợp tác của đôi bên trong lĩnh vực tình báo ở khu vực này là rất cần thiết.
Trong bất kỳ trường hợp nào, mỗi quốc gia bên bờ Đại Tây Dương đều cần làm sáng tỏ, đánh giá lại mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và châu Âu, cần đổi mới và tái đầu tư. Liên quan đến vấn đề này, nghe lén là một hành vi không thể chấp nhận được. Các cơ quan hữu quan thì giải thích rằng đó là những hành động bình thường, không có gì lạ trong hoạt động tình báo. Tuy nhiên, tôi cho rằng đó là một cú sốc nếu áp dụng cho các nguyên thủ quốc gia.
Trong mối quan hệ giữa một bên là nước Pháp và rộng hơn là Liên minh châu Âu với một bên là Hoa Kỳ, đây là một khoảnh khắc quyết định cho tương lai của hành tinh. Liệu trục Đại Tây Dương, vốn giữ vai trò tổ chức cấu trúc phương Tây, áp dụng chính sách Nhân quyền và phát triển hòa bình kể từ sau Chiến tranh thế giới, có còn là trục quan trọng nhất không? Tôi hoàn toàn tin tưởng điều đó. Nhưng nó hàm ý rằng cần tái cân bằng mối quan hệ của chúng ta, điều này góp phần quan trọng cho việc bảo vệ đất nước. Tại thời điểm tôi viết cuốn sách này, đời sống chính trị của nước Mỹ đã chuyển sang một giai đoạn mới với chiến thắng của Donald Trump trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng. Không ai biết những quyết định đầu tiên của ông ta sẽ là gì. Nhưng ít nhất, tôi biết rằng, cũng giống như những người tiền nhiệm, các quyết định của Tổng thống Trump sẽ bị ràng buộc bởi tình hình thực tế. Do vậy, chúng ta cần làm sao cho các chương trình hành động của chúng ta chiếm ưu thế. Chúng ta cần phải sử dụng mọi biện pháp cần thiết trước thay đổi này của thế giới.
Ngày nay, thậm chí còn quan trọng hơn trước đây, chúng ta phải xây dựng một chiến lược ngoại giao và quân sự cho châu Âu trong 10 năm tới; bởi vì càng ngày Tây Âu càng phải tự bảo vệ mình. Vì vậy, với tư cách là cường quốc quân sự hàng đầu của châu Âu, chúng ta phải làm việc với các đối tác châu Âu, trong đó không chỉ Đức mà cả Anh Quốc vẫn luôn là một đối tác chiến lược. Để đối mặt với những nguy cơ trong các khu vực láng giềng, kể cả những điểm nóng hoặc những bất ổn liên quan đến Nga và Hoa Kỳ, chúng ta phải xây dựng một chế độ an ninh chung cho mình một cách độc lập hơn.
Để làm chủ vận mệnh của mình, phương hướng hành động thứ hai của chúng ta là lan tỏa được tất cả các sáng kiến thương mại, kinh tế, văn hóa của chúng ta đến mọi nơi trên thế giới. Chiến lược này thực sự cần thiết để cho phép Pháp và châu Âu có một tầm ảnh hưởng thực sự và để tránh những lối đi chệch hướng có thể ảnh hưởng đến đất nước chúng ta. Và để các nghệ sĩ, các trường học, các công ty, các ý tưởng của chúng ta có thể tỏa sáng trên toàn thế giới.
Để làm được những điều này, chúng ta có những thế mạnh quan trọng và một mạng lưới ngoại giao đặc biệt hùng mạnh. Tôi muốn nói một điều, dù nó mâu thuẫn với những lựa chọn trong nhiều năm qua của chúng ta, đó là việc duy trì các nguồn học bổng, các trung tâm văn hóa và trường học của chúng ta còn quan trọng hơn là duy trì các vị trí trong ngành ngoại giao. Tất nhiên, mạng lưới ngoại giao là không thể thiếu, nhưng trong lĩnh vực ngoại giao chúng ta có thể phát triển một chính sách gần châu Âu hơn, trong khi ảnh hưởng văn hóa chỉ phụ thuộc vào bản thân chúng ta mà thôi. Và đó là những gì đánh dấu sự hiện diện của Pháp ở một đất nước nào đó.
Trong chuyến công tác của tôi tới Tunisia, tôi đã rất ngạc nhiên khi trao đổi với các nhà lãnh đạo chính trị và văn hóa. Các mô hình xã hội và nhà nước của họ đều theo kiểu Pháp. Khả năng sử dụng tiếng Pháp của họ có thể nói là hoàn hảo. Những kỷ niệm sâu sắc của họ là những khoảnh khắc tuyệt vời với các nghệ sĩ, nhà văn hay nhà làm phim người Pháp.
Tuy nhiên, tôi cũng cảm nhận được những tổn thất do sự co hẹp trong chính sách ủng hộ Cộng đồng Pháp ngữ của chúng ta trong vòng 15 năm qua, hay do thiếu quan tâm đến việc quảng bá nghệ thuật ở nước ngoài. Nước Pháp hành động cho chính mình và cho thế giới mỗi khi lĩnh vực văn hóa được tỏa sáng, khi chúng ta ủng hộ, quảng bá ngôn ngữ và sự đa dạng ngôn ngữ, khi chúng ta trao học bổng cho sinh viên ở khắp năm châu, khi chúng ta cho phép các quốc gia trên một lục địa khác thưởng thức một chút hương vị Pháp, với tinh thần trao đổi, học hỏi và tương hỗ. Đối với người Pháp và tất cả các đối tác của chúng ta trên thế giới, những mối quan hệ hai chiều được xây dựng theo tinh thần này là bức tường thành chống lại sự thiếu hiểu biết và đôi khi còn chống lại sự man rợ, là những sợi dây liên kết nối liền các dân tộc khác với chúng ta.
Dưới góc độ này, tôi thấy châu Phi là một lục địa đầy hứa hẹn, đó là nơi chúng ta sẽ tái khẳng định và tái triển khai các dự án của mình.
Sự hiện diện của chúng ta không thể giới hạn trong hoạt động quân sự và chính trị. Ngày nay chúng ta phải làm nhiều hơn để giúp các doanh nhân và tầng lớp trung lưu trên toàn bộ châu lục này phát triển. Đây sẽ là cách tốt nhất để ổn định nền dân chủ châu Phi theo thời gian. Về vấn đề này, công trình nghiên cứu năm 2013 của Hubert Védrine, Lionel Zinsou, Hakim El Karoui, Jean-Michel Severino và Tidjane Thiam vẫn luôn có giá trị. Đó là trọng tâm của hoạt động chiến lược mà tôi muốn triển khai trên lục địa này. Theo truyền thống, sự hiện diện về mặt kinh tế của chúng ta ở châu Phi đã được xây dựng trong mối quan hệ mật thiết với các chính phủ và trong các lĩnh vực như nguyên vật liệu và cơ sở hạ tầng. Những mối quan hệ này phát triển trong môi trường không minh bạch, không hiệu quả trong cuộc chiến chống tham nhũng ở cả hai bên và nhiều người châu Phi cũng chẳng hưởng được lợi ích gì từ mối quan hệ này.
Ngày nay, một tầng lớp doanh nhân mới đang nổi lên, đẩy tầng lớp trung lưu và toàn bộ dân cư của các nước châu Phi này phát triển. Bằng cách thiết lập mối liên kết với thế hệ mới này, trong thập niên tới, chúng ta sẽ tăng cường mối quan hệ với châu Phi một cách cân bằng và bình đẳng.
Sẽ không đủ chỗ để tôi liệt kê một danh sách tổng hợp tất cả các nước mà chúng ta từng gắn bó trong lịch sử, với mối quan hệ đặc biệt và những hoạt động trao đổi văn hóa, thương mại hoặc công nghiệp chưa từng thấy, từ Brazil đến Argentina, rồi Colombia và Chile, từ Nhật Bản đến Hàn Quốc, Trung Quốc và Ấn Độ. Các quốc gia này đang trong giai đoạn chuyển mình và tăng cường liên kết nhiều mặt với đất nước ta, như gần đây, Pháp vừa ký kết những hợp đồng lớn với Australia.
Trung Quốc chắc chắn chiếm một vị trí đặc biệt trong danh sách này. Đây là một cường quốc đang trong quá trình trở thành nền kinh tế hàng đầu trên thế giới. Phần lớn người dân chúng ta không biết gì nhiều về Trung Quốc. Họ vẫn coi đó là công xưởng của thế giới, một quốc gia có chi phí sản xuất thấp. Họ coi Trung Quốc là thủ phạm gây ra sự chuyển dịch các nhà máy và hiện tượng phi công nghiệp hóa của nước Pháp. Nhưng Trung Quốc không chỉ có thế. Đó là lý do tại sao chúng ta phải thay đổi cách nhìn nhận đối với quốc gia này. Thay vì một hiểm hoạ, Trung Quốc có thể trở thành một cơ hội, nếu chúng ta biết cách khai thác.
Chúng ta có khả năng, cùng với các công ty của mình, giải quyết những thách thức đáng kể của Trung Quốc như phát triển đô thị, nhu cầu về năng lượng, giảm thiểu ô nhiễm. Trong quá khứ, hai nước đã từng có quan hệ hợp tác trong lĩnh vực hạt nhân.
Chúng ta cũng có thể dựa vào những mối quan hệ đặc biệt từ xưa, ví dụ các nhà lãnh đạo Trung Quốc chưa bao giờ quên rằng Pháp là nước phương Tây đầu tiên công nhận Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Nhưng để thành công trong quá trình toàn cầu hóa đang thay đổi nhanh chóng này, chúng ta cần có Liên minh châu Âu. Trong vòng 30 năm qua, thế giới đã thay đổi sâu sắc. Ở một chừng mực nào đó, nước Pháp đã bị thu hẹp do sự xuất hiện của một số cường quốc kinh tế và thương mại mới nổi. Vậy cách tốt nhất để bảo vệ những ưu thế và giá trị của chúng ta là có một chính sách hiệu quả của châu Âu. Và đặc biệt cần có một chính sách thương mại chung. Chỉ có châu Âu mới có thể đàm phán một cách đáng tin cậy và hiệu quả với Trung Quốc hoặc Hoa Kỳ. Về vấn đề này, tôi không nghĩ rằng trong vài năm tới, các cuộc đàm phán đang diễn ra với Hoa Kỳ về một hiệp ước thương mại tự do sẽ tiến triển. Trái lại, chúng ta sẽ thành công trong việc triển khai chiến lược thương mại ồ ạt và thảo luận với khu vực châu Á – Thái Bình Dương, không để cho người Mỹ nắm vị trí trọng tài. Liên minh châu Âu cũng là không gian điều tiết mà chúng ta phải ưu tiên trong lĩnh vực kỹ thuật số để phát huy những thế mạnh của mình, dù đó là phát triển các chỉ số kinh tế hay bảo vệ cuộc sống riêng tư.
Trục thứ ba trong kế hoạch hành động của chúng ta phải văn minh hơn. Chúng ta cần suy nghĩ về một loại hình chủ nghĩa nhân đạo mới. Tôi tin rằng toàn cầu hóa đồng nghĩa với những cơ hội mở ra cho nhiều người. Nhưng đồng thời nó cũng bị nhìn nhận sai lệch do sự thái quá trong chủ nghĩa tư bản tài chính mà các quốc gia không thể điều chỉnh được nữa. Hiệp ước Bretton Woods cho phép đặt ra các quy định tài chính cần thiết để thiết lập trật tự tài chính và tiền tệ sau Thế chiến thứ hai. G20, một diễn đàn quốc tế tập hợp 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới, phục hồi sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, đã không thực sự giúp điều chỉnh những sự chệch hướng này.
Tuy nhiên, ngày nay, chủ nghĩa tư bản thế giới của chúng ta lại tạo ra nhiều bất bình đẳng hơn những gì đã từng tạo ra ở các nước phát triển. Từ những năm 1980, tầng lớp trung lưu của các nền kinh tế phương Tây là giai cấp phải chịu nhiều thiệt thòi nhất trong phong trào lịch sử này. Ban đầu, giới thượng lưu mới nổi và tầng lớp trung lưu của các nền kinh tế mới nổi được hưởng lợi từ sự tăng trưởng của nền kinh tế, nhưng trong suốt 25 năm qua, chỉ có 1% dân số giàu nhất tích lũy được của cải.
Chủ nghĩa tư bản quốc tế không còn điều chỉnh được chính nó. Và càng không có tác dụng đối với các thể chế được tạo ra để phục vụ nó. Cho dù là để giải quyết khủng hoảng tài chính, để bảo vệ những người chịu thiệt hại vì toàn cầu hóa hay nạn nhân của hiện tượng Trái đất nóng lên, hay để chống lại sự suy thoái đa dạng sinh học, cuộc chiến đấu của nước Pháp cũng phải cho phép tăng cường khả năng dự báo, tham gia sửa đổi các quy tắc quốc tế và cuối cùng là làm cho chủ nghĩa tư bản đương đại mang tính nhân văn hơn.
Tôi không biết liệu chúng ta có thể làm được điều đó hay không. Tôi không biết liệu có phải chủ nghĩa tư bản đang sống trong giai đoạn cuối do sự phát triển thái quá của nó hay không. Nhưng, điều tôi tin tưởng là nước Pháp sẽ giữ được vị thế của mình trong cuộc đấu tranh bảo vệ những giá trị của con người trước bối cảnh toàn cầu hóa. Truyền thống lịch sử, nguyên tắc và năng lực là những tiền đề cho phép nước Pháp thực hiện các mục tiêu này. Ngoài cuộc chiến về môi trường, nước Pháp phải dẫn đầu cuộc đấu tranh để tăng cường các quy định quốc tế một cách vững chắc hơn bằng cách hạn chế mọi mô hình tài chính không rõ ràng, tiếp tục giám sát các khoản thù lao của các nhà quản lý tài chính trên khắp thế giới, thực hiện các nguyên tắc về trách nhiệm đối với xã hội và môi trường. Những hành động này phải được triển khai trên phạm vi toàn cầu nếu chúng ta muốn đạt được kết quả. Thật viển vông nếu muốn đấu tranh một mình. G20 là khuôn khổ hợp lý, nhưng nước Pháp phải kết hợp với Liên minh châu Âu để đưa ra một kế hoạch rõ ràng và tự nguyện.
Tôi cũng tin rằng chúng ta phải chống lại tình trạng thất thoát và trốn thuế ở phạm vi châu Âu và toàn cầu. Trong những năm gần đây, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD và Liên minh châu Âu đã có những bước tiến lớn trong việc áp dụng chủ trương minh bạch. Tuy nhiên, sự phát triển của công nghệ số tạo điều kiện, thậm chí khuyến khích chuyển giao các giá trị và cả hành vi. Về phương diện này, chúng ta phải có những biện pháp mạnh mẽ và rõ ràng. Thứ nhất, phải giúp tất cả các nước trong khu vực đồng euro tham gia vào một hệ thống thuế chung dành cho doanh nghiệp. Sẽ cần đến 10 hay 15 năm, nhưng sự liên kết giữa các quốc gia là vô cùng quan trọng. Thứ hai, yêu cầu đàm phán lại tất cả các hiệp định hiện có trong lĩnh vực thuế giữa các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu với các quốc gia/vùng lãnh thổ có mức thuế thấp hoặc bằng không. Cuối cùng, yêu cầu mọi hiệp định thương mại phải đi kèm với thỏa thuận hợp tác về thuế để chống lách luật và trốn thuế. Sự mở cửa thương mại chỉ có thể bền vững nếu của cải được đánh thuế, điều này cần thiết cho việc phân phối lại, tránh thất thoát theo dòng chảy tài chính. Các cường quốc phương Tây sẽ có các nhà lãnh đạo mới vào cuối năm 2017. Chúng ta phải bắt tay vào việc ngay để đảm bảo đặt được nền móng cho các quy định mới về toàn cầu hóa vào năm 2020. Đây không phải là một cuộc đấu tranh để “ngăn chặn” hoặc đơn giản là “bảo tồn”, mà là một cuộc chiến chống lại tác động tàn phá của xu hướng toàn cầu hóa, vì tương lai chung của chúng ta.
Những gì chúng ta đang sống qua có lẽ là sự thay đổi trật tự thế giới. Một số người muốn chấm dứt thời đại của phương Tây, họ muốn có một lực lượng khác thay thế. Câu trả lời chắc chắn của chúng ta là bằng mọi phương tiện phải văn minh hóa xu hướng toàn cầu hóa này và đặt hành động của chúng ta trong lòng một châu Âu ngày càng trở nên quan trọng.