N
hiều chính trị gia phát biểu về sự mong manh của quốc gia. Chúng ta nghe các bài diễn văn này ở khắp mọi nơi. Về phần mình, tôi tin chắc rằng họ đã sai lầm, các chính trị gia và những bài diễn văn của họ đang lừa dối người dân Pháp.
Tất nhiên, đây là thời kỳ khó khăn và lịch sử đã phải ghi nhận những bi kịch. Bằng chứng là nước Pháp đã phải hứng chịu hai cuộc tấn công kinh hoàng, đang phải trải qua những biến động xã hội và mất ổn định do những thay đổi trên thế giới. Nhưng, nước Pháp không phải là một lâu đài bằng cát. Từ nhiều thế kỷ nay, chúng ta luôn là một trong những nước đứng đầu thế giới. Chúng ta đã biết cách vượt qua những thử thách khó khăn hơn nhiều. Chúng ta có người dân năng động, có khả năng hội nhập đã được chứng minh, một di sản văn hóa không gì sánh được và một ý chí vô song.
Ngày hôm nay, chúng ta phải trấn an người dân Pháp trước những mối đe dọa của thời đại. Nhà nước phải bảo vệ họ, bảo vệ sự tự do của mọi người khi đối mặt với nỗi sợ hãi, đó là vai trò chính của Nhà nước.
Chúng ta sống trong một đất nước đang quyết liệt chống lại nhà nước Hồi giáo tự xưng IS. Từ nhiều năm nay, chúng ta phải chứng kiến bạo lực, sự bất ổn xảy ra trong cuộc sống hằng ngày và những căng thẳng gia tăng ở một số khu dân cư. Chúng ta phải đương đầu ở nhiều mặt trận khác nhau và phải chung sống với những mối nguy hiểm thường xuyên rình rập.
Một trong số những ảo tưởng nguy hiểm nhất hiện nay là tin rằng chúng ta có thể diệt trừ tội ác bằng những rào cản, vô hiệu hóa tội ác bằng cách tước quyền, giám sát, phạt tù, bằng sự “lãng quên hoặc coi nhẹ các quyền con người”, trong khi đây là nội dung mà Tuyên ngôn nhân quyền năm 1789 đã đề ra nhằm ứng phó với các vấn đề trên thế giới.
Kể từ khi xảy ra các vụ tấn công khủng bố, có vô vàn đề xuất đã được đưa ra, chủ yếu vì mục đích vận động bầu cử, nhưng trong đó cũng bộc lộ những điểm thất bại và đáng lo ngại. Cũng như trong các lĩnh vực khác, người Pháp, vượt lên trên sự lo lắng, dường như thể hiện một sự điềm tĩnh, một sức mạnh, một cách giải quyết trái ngược với sự hỗn loạn của một bộ phận tầng lớp chính trị gia, đặc biệt là những chính khách cố kéo tư tưởng của đảng cánh hữu cổ điển đến gần với đảng cực hữu. Trong môi trường chính trị mà mọi người luôn thèm muốn này, các ứng cử viên tiếp bước Poincaré(9) và de Gaulle(10) thường quan tâm đến các thực đơn trong căn-tin của nhà trường, đến trang phục, đến việc làm sao có được hay bị thu hồi quốc tịch Pháp với một sự bê tha thiếu sáng tạo.
(9) Raymond Nicolas Landry Poincaré (1860-1934) : Tổng thống Cộng hòa Pháp từ năm 1913 đến năm 1920.
(10) Charles de Gaulle (1890-1970): Tổng thống Cộng hòa Pháp từ năm 1958 đến năm 1969.
Với cách hoạt động như vậy, bất kể các chính sách được đề xuất có giá trị như thế nào đi nữa, thì các nhà lãnh đạo này cũng đã mắc đồng thời các lỗi về chính trị, đạo đức và đi ngược lại với lịch sử.
Một đất nước không bao giờ vượt qua được những thử thách quan trọng nếu phủ nhận các luật lệ làm nền tảng hay tinh thần của dân tộc. Chắc chắn đó không phải đất nước của chúng ta. Nền tảng của mọi cuộc đấu tranh là niềm tự hào, là sự khẳng định bản sắc và những giá trị mà không ai có thể khiến chúng ta từ bỏ. Trên lý thuyết, để chống khủng bố chỉ cần một kho vũ khí là đủ. Không cần phải thêm bất kỳ thẩm quyền pháp lý đặc biệt nào, không cần trại tạm giam hay bất kỳ suy đoán nào về quốc tịch. Chúng ta cũng biết rằng việc lấy đi quyền tự do hay tước đi phẩm giá của mỗi công dân không có tác dụng thắt chặt an ninh. Trong khi đó, tội ác không hề gia tăng sau khi hình phạt tử hình bị bãi bỏ hay cho phép có sự hiện diện của luật sư trong quá trình tạm giam của cảnh sát. Tôi cho rằng những ảo tưởng về tính hiệu quả của các biện pháp này rất nguy hiểm, bởi vì chúng không hề hiệu quả. Hậu quả là nước Pháp có nguy cơ phải đối mặt với những hiểm nguy và hình ảnh của nước Pháp sẽ bị ảnh hưởng.
Tôi biết một số người muốn bắt giam tất cả những người nằm trong “danh sách đen” của cảnh sát để đề phòng họ gây nguy hiểm. Họ giải thích, như để trấn an chúng tôi, rằng chỉ những người “nguy hiểm nhất” trong số người bị liệt vào “danh sách đen” mới phải như vậy. Nhưng không ai nói được là làm thế nào để đánh giá mức độ nguy hiểm. Ngay cả các dịch vụ thông tin an ninh của chúng ta, thường được coi là lỏng lẻo và nghiệp dư, cũng khuyên không nên thực hiện các biện pháp như vậy. Không phải bằng cách đưa ra các đề xuất nguy hiểm mà chúng ta có thể giảm bớt các nguy cơ. Bởi lẽ đề xuất bỏ tù một cách có hệ thống những người nằm trong danh sách đen của cảnh sát, đồng nghĩa với việc hủy hoại hệ thống thông tin tình báo của chúng ta, và trên hết, nó sẽ biến nhà nước pháp quyền thành nhà nước cảnh sát. Biện pháp này vừa không hiệu quả vừa phi dân chủ.
Chúng ta không phải là một quốc gia giống như các quốc gia khác. Trong thời điểm khó khăn hiện nay, chúng ta không còn con đường nào khác ngoài con đường của chính chúng ta. Chúng ta phải bảo vệ sự đa dạng của nước Pháp, đó là đặc trưng của nước Pháp, phẩm giá của nước Pháp, thông điệp của lịch sử nước Pháp. Đây là lý do tại sao trong những thời khắc quyết định, ý kiến của nước Pháp về những vấn đề quan trọng vẫn luôn được thế giới lắng nghe. Đó là câu trả lời “Không” với tất cả những hành động không phục vụ cho lý tưởng của Con Người.
Bản sắc của nước Pháp chính là ở đó. Tôi thấy ngạc nhiên vì một nghịch lý, trong đó những người tự xưng là sứ giả của tinh thần dân tộc đang phục vụ cho một lý tưởng, nhưng đó không phải là lý tưởng của nước Pháp, họ chỉ làm theo trí tưởng tượng của họ và làm suy thoái quốc gia.
Cũng vì lý do này, chúng ta phải cùng nhau chuẩn bị, càng sớm càng tốt, một lối thoát cho những tình trạng khẩn cấp.
Tình trạng khẩn cấp là điều rất quan trọng sau mỗi cuộc tấn công. Nó cho phép triển khai các biện pháp phản ứng nhanh trong những điều kiện không thể có trong những chế độ pháp lý khác. Tôi không nói rằng chúng ta sẽ không bao giờ phải áp dụng các biện pháp khẩn cấp, trừ khi tình hình thật cấp bách. Nhưng nếu tình trạng đó kéo dài không dứt, như chúng ta đều biết, nó sẽ gây ra nhiều vấn đề đến mức không thể giải quyết nổi. Chúng ta không thể mãi mãi sống trong tình trạng khẩn cấp. Do đó, cần phải quay trở lại với điều luật chung được củng cố bởi bộ máy lập pháp, cần hành động với các công cụ hiệu quả. Chúng ta có một bộ máy lập pháp cho phép giải quyết về lâu dài tình hình của đất nước.
Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta phải tỏ ra thích nghi với những luận điểm hoặc hành vi, đặc biệt là hành vi tôn giáo, trái ngược với các nguyên tắc của chúng ta. Nhưng cách duy nhất để giảm thiểu tình trạng khủng bố là không bao giờ cung cấp luật sư cho thủ phạm. Vì điều này, chúng ta phải huy động toàn bộ xã hội dân sự, chúng ta phải cùng nhau thực hiện một kế hoạch dựa trên sự tin tưởng. Nếu sự tin tưởng này bị phản bội, cần áp dụng các biện pháp trừng phạt cứng rắn. Ngược lại, không gì có thể tồi tệ hơn là giam cầm trong nghi ngờ tất cả mọi người chỉ để đáp ứng công tác tuyên truyền của một nhóm thiểu số và đáp trả tội ác do một nhóm nhỏ gây nên.
Một lần nữa, chúng ta phải từ bỏ thói quen cầu viện đến luật pháp và thay đổi liên tục luật hình sự. Thành công sẽ đến từ việc cải cách cấu trúc và công cụ làm việc của cảnh sát và tòa án, nhưng trước hết cần kiểm tra kỹ lưỡng cách thức tổ chức của các cơ quan này.
Làm thế nào để bảo đảm an toàn cho mỗi công dân? Đó là quyền đầu tiên mà nhà nước pháp quyền phải bảo đảm.
Quân đội chỉ có thể là phương sách cuối cùng. Đây không phải là cách thức tự nhiên để giám sát thanh niên, cũng không phải là lực lượng duy trì trật tự trên lãnh thổ. Chức năng của quân đội là chiến đấu. Lời kêu gọi quân đội can thiệp ngày càng nhiều vào tình hình trong nước của nhiều nhà lãnh đạo chính trị chính là sự vinh danh quân đội. Trong nhiều năm qua, họ đã đảm nhận một gánh nặng rất lớn thông qua việc cải cách và tái cơ cấu mà ít có chính quyền dân sự nào có thể làm được, họ đáng được mọi người ngưỡng mộ. Tuy nhiên, quân đội không được thiết kế để bù đắp cho những thiếu sót của hệ thống an ninh quốc gia hoặc những thiếu sót của hệ thống giáo dục. Các nhiệm vụ của quân đội có thể được nới rộng tùy theo thời điểm. Lực lượng quân dự bị có thể được xây dựng, với điều kiện đã cân nhắc kỹ lưỡng các điều khoản liên quan đến nghĩa vụ, thời hạn và lợi ích. Nhưng sẽ là không tưởng và nguy hiểm nếu nguồn dự trữ này được dùng như kiểu áo choàng che tấm áo rách.
Chiến dịch Sentinelle dẫn đến việc triển khai gần 10.000 quân trên đất Pháp là rất cần thiết để bảo vệ lãnh thổ và trấn an dân chúng. Việc chấm dứt hoạt động này trong những tháng tới là không thực tế và cũng không nên. Cần giữ lại mô hình hiện tại của quân đội, ngay cả sau khi chiến dịch Sentinelle kết thúc. Nhưng mặt khác cần nhanh chóng chuẩn bị quá trình cải tổ để củng cố lực lượng cảnh sát và lực lượng đặc nhiệm bằng cách tuyển thêm nhân viên.
Trong lĩnh vực an ninh, các phương tiện đã được trang bị trong thời kỳ mà khủng bố chưa phải là mối đe dọa nghiêm trọng đối với nước Pháp. Các hình thức tội phạm cũng không giống như hiện nay. Cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố ngày nay đòi hỏi một phương pháp hoàn toàn khác biệt để có thể hành động hiệu quả, nó đòi hỏi phải xây dựng lòng tin với nhân dân, phải có sự hiện diện thường xuyên của các lực lượng quản lý trật tự ở mọi nơi. Chúng ta buộc phải gần dân hơn, vì sự gần gũi là cách duy nhất để thu thập thông tin, để xác định và theo dõi các đối tượng nguy hiểm.
Trên thực tế, cuộc chiến chống khủng bố trước hết là một trận chiến thông tin. Do đó, công việc của cảnh sát phải hết sức tỉ mỉ và kín đáo, bởi lẽ chúng ta sẽ không thu được kết quả gì nếu chúng ta quyết định giam giữ những người mà chúng ta đang giám sát hoặc nghe ngóng.
Liên quan đến công việc của lực lượng an ninh, phải thừa nhận rằng chúng ta đã mắc sai lầm trong quá khứ và không phải lúc nào cũng sửa chữa được.
Thứ nhất, chúng ta đã nhầm lẫn trong việc tổ chức lực lượng cảnh sát. Ngày nay chúng ta đang chịu hậu quả của việc gần như xóa bỏ các phương tiện trinh sát trên địa bàn. Sự lựa chọn này có những tác động nguy hại, bởi hiệu quả của hoạt động chống lại các mạng lưới khủng bố chủ yếu phụ thuộc vào khả năng thu thập thông tin tại thành phố, thậm chí trong từng khu phố. Vì vậy, cần phải điều chỉnh các cải cách được thực hiện trong những năm gần đây, để xây dựng lại một mạng lưới thu thập thông tin trên địa bàn hiệu quả hơn. Hơn nữa, chúng ta đã không biết cách tận dụng triệt để các thông tin trên Internet và dữ liệu thu thập được từ các cơ quan khác nhau. Ngoài việc phối hợp nhịp nhàng và rõ ràng giữa các cơ quan này, cần phải xây dựng một bộ máy đầu não để xử lý khối lượng lớn các dữ liệu tình báo, như các nước Anh, Mỹ đã làm. Cơ quan này cho phép tập trung các thông tin tình báo ở cấp trung ương, từ đó báo cáo trực tiếp cho hội đồng quốc phòng, đồng thời hỗ trợ đắc lực cho cơ quan tình báo cơ sở để giám sát từng cá nhân.
Chúng ta đang phải chịu hậu quả của những quyết định được đưa ra cách đây hơn 10 năm về việc xóa bỏ cảnh sát khu vực. Trái ngược với những lời chỉ trích, mô hình cảnh sát khu vực do Lionel Jospin và Jean-Pierre Chevènement tổ chức không thể hiện sự ảo tưởng lỏng lẻo, cũng không phải một công cụ tuyên truyền. Bất kể người ta gọi nó thế nào, cần phải thiết lập lại một tổ chức cảnh sát gần với nhân dân. Tất nhiên, cũng phải tính đến bối cảnh mới hiện nay, khi mà mức độ bạo lực và phạm pháp trong một số khu phố cao hơn nhiều so với cách đây 20 năm. Nhưng quan trọng nhất là phải đảm bảo sự phối hợp giữa cảnh sát và các cơ quan pháp lý một cách hiệu quả hơn.
Đối với lực lượng cảnh sát khu vực, cần cho họ thời gian, duy trì các đơn vị lâu dài, cung cấp cho họ nguồn lực con người và tài chính. Cần tạo điều kiện cho họ thiết lập mối liên hệ khăng khít với người dân Pháp dựa trên sự tin tưởng. Đó là một cách tiếp cận thông minh, bởi cảnh sát – và cả đội hiến binh – ở đây giữ vai trò này là những cán bộ giúp nhà nước hiểu hơn về khu vực mà họ quản lý, sẽ có thời gian để thu thập các thông tin cần thiết và khi thích hợp, có thể xác minh tận gốc các phần tử nguy hiểm đang trong quá trình cực đoan hóa.
Có thể thấy, những cải cách này đòi hỏi phải được tổ chức lại nhanh chóng và được bổ sung các nguồn lực. Ngoài 9.000 nhân viên đã và đang được tuyển dụng, chúng ta sẽ cần thêm 10.000 cảnh sát và hiến binh trong ba năm tới.
Nhưng điều này vẫn không giải quyết được hết những khó khăn của cảnh sát khi xảy ra các phong trào tự phát kể từ sau cuộc tấn công tàn ác ở Viry-Châtillon.
Do những ràng buộc về ngân sách và thiếu sự củng cố về quân số cho các lữ đoàn trong những năm gần đây, nhiều cảnh sát cảm thấy rằng họ đang làm việc trong điều kiện khó khăn và không hề có các thiết bị hỗ trợ cần thiết. Do hệ thống phân tầng, một số khu vực dường như bị bỏ rơi, điều này tạo nên sự bất bình của các cán bộ khu vực đó.
Cuối cùng, chúng ta có thể nhận thấy hậu quả trực tiếp của việc thiếu phương tiện pháp lý. Các phán quyết hình sự không hiệu quả vì các công cụ pháp lý và quản lý nhà tù không thể cải thiện tình hình, đặc biệt là ở các khu vực khó khăn. Điều này làm suy yếu lòng tin với các lực lượng quản lý trật tự khu vực. Ở một số vùng, viện kiểm sát không yêu cầu có phán quyết của tòa án nếu án tù thấp hơn hai năm, do vậy độ tin cậy của các biện pháp hình sự phần nào bị nghi ngờ.
Giải pháp cho tình hình này là các lực lượng an ninh và tòa án sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ nhất định, bởi ngày nay, họ không thể chống lại hiện tượng phạm tội ở tất cả các cấp.
Biện pháp truyền thống là dựa vào sự kiểm tra rốt ráo thường xuyên. Đây rõ ràng là một ảo tưởng. Thực tế là càng ngày người ta càng đòi hỏi nhiều hơn với các lực lượng cảnh sát, thẩm phán và nhân viên trại giam, đó là những công chức phải làm việc trong những điều kiện khó khăn nhất. Chúng ta phải tăng cường phương tiện hỗ trợ làm việc cho họ và kiên quyết trong các ưu tiên chính như chiến đấu chống phạm pháp và giết người, xóa bỏ các nhóm không tuân thủ luật pháp. Nhưng ngoài ra, chúng ta phải suy nghĩ thấu đáo và minh bạch về mục đích của các hình phạt. Chúng ta kỳ vọng điều gì từ các án phạt hình sự? Việc loại trừ những người vi phạm luật pháp ra khỏi xã hội, với thời hạn ngắn hay dài, không phải lúc nào cũng là biện pháp xã hội hữu ích nhất. Ví dụ hiện nay, hành vi trộm cắp, nếu không có tình tiết tăng nặng, sẽ bị lĩnh án ba năm tù giam. Liệu ta có thể cân nhắc một biện pháp sửa chữa lỗi lầm mang tính cưỡng chế có lợi cho nạn nhân hơn, hay một khoản tiền phạt nếu tài sản bị trộm có giá trị ít hơn một mức nào đó được hay không? Tương tự như vậy, đối với tội sử dụng và tàng trữ cần sa dưới một lượng nhất định, hay một số vi phạm luật giao thông (ví dụ thiếu bảo hiểm xe), liệu những người vi phạm có thể được miễn phiên tòa sơ thẩm được không? Chúng ta hoàn toàn có thể tin rằng biên bản phạt vi cảnh sẽ đủ sức xử phạt những hành vi như vậy.
Tôi tránh không rơi vào bẫy của những bài diễn văn cáo buộc một cách hệ thống chủ nghĩa khoan hòa mỗi khi chúng ta đề cập tới những vấn đề này. Tất cả mọi người sẽ bị các cáo buộc này thuyết phục. Tôi không thông cảm cho các tài xế phạm luật hoặc những người nghiện. Nhưng tôi muốn nói rằng chúng ta phải nghe các cảnh sát và các chuyên gia về pháp luật giải thích xem biện pháp xử phạt việc tiêu thụ cần sa bằng cách truy tố hình sự vô nghĩa đến thế nào, trong khi có thể phạt vi cảnh hay nộp phạt tại chỗ, như thế sẽ đỡ tốn thời gian cho cảnh sát và pháp luật, đồng thời hiệu quả hơn nhiều so với một án phạt tù giả vờ mà mọi người đều biết sẽ không bao giờ được thực hiện.
Ngược lại, tôi nghĩ rằng các hình phạt, bất kể là hình phạt gì, phải thực thi ngay sau khi được tuyên. Một thẩm phán có thể tuyên một kẻ phạm tội mức án phạt tù đến hai năm, trong khi ông ta biết rằng bản án này sẽ được một thẩm phán khác xem xét với những lựa chọn khác thay thế nhà tù. Vậy ý nghĩa của hệ thống pháp luật này là gì? Đó là điều mà nạn nhân, công dân và ngay cả kẻ phạm tội đều không thể hiểu được. Một án phạt tù buộc phạm nhân phải bị giam giữ. Cần phải khôi phục ý nghĩa cho các án phạt, vì nó thể hiện tiếng nói của công lý và của chính quyền. Mặt khác, tại sao chúng ta không sử dụng lại biện pháp phòng ngừa mà bấy lâu nay đã bị lãng quên. Chúng ta có thể tăng cường sự hiện diện của người lớn trong việc giáo dục và các buổi tụ họp của thanh thiếu niên trong các khu phố để giúp họ tránh khỏi những hành động sai lầm, giúp họ không rơi vào cái vòng luẩn quẩn phạm lỗi – tù tội – tái phạm.
Các cơ quan pháp lý và an ninh cần có sự can thiệp của Nhà nước trong việc cung cấp phương tiện hành động trong một khoảng thời gian nhất định. Từ 10 năm nay, sự can thiệp của Nhà nước không ổn định, chỉ mang tính nhất thời mỗi khi có vụ việc xảy ra. Do đó, cần phải ưu tiên thực hiện nhiệm vụ này, đồng thời thông qua một bộ luật khung có thời hạn 5 năm, nhằm cam kết sự tham gia của Nhà nước trong suốt thời gian này.
Cuối cùng, để công tác phòng chống tội phạm và bảo vệ an ninh thực sự có hiệu quả, chúng ta phải kêu gọi trách nhiệm của toàn thể xã hội. Mỗi công dân đều phải góp phần bảo vệ an ninh của đất nước. Điều này không có nghĩa là biến đất nước ta thành một xã hội đầy hoài nghi, mà để nhắc nhở chúng ta rằng Nhà nước không còn là lực lượng duy nhất bảo vệ an ninh. Mỗi thành viên trong xã hội đều có nhiệm vụ xác định các mối đe dọa. Ví như các hiệp hội có thể chào đón những người trẻ, các giáo viên tiễn học sinh ra tận cổng trường, lãnh đạo doanh nghiệp tổ chức hội thảo. Ngoài ra, chúng ta cần phải thận trọng hơn khi đối mặt với các vi phạm có thể xảy ra. Do đó, những khóa tập huấn sơ cứu, cách phản ứng trong trường hợp bị tấn công, các phản xạ cần thiết để cảnh báo cho lực lượng cảnh sát đều vô cùng cần thiết.
Trong bối cảnh hiện nay, các đội quân dự bị đóng một vai trò cơ bản, mặc dù không phải tất cả đều như vậy. Điều này không có nghĩa là tôi đề xuất khôi phục lại chế độ nghĩa vụ quân sự bắt buộc cho tất cả mọi người. Các thanh niên không muốn chính sách này và nó cũng không cần thiết để xây dựng một đội quân chuyên nghiệp. Mặt khác, việc đào tạo tự nguyện từ 30.000 đến 50.000 thanh niên nam nữ nằm trong đối tượng dự bị sẽ cho phép họ đóng góp vào quá trình cải cách quan trọng này.