V
ào thời điểm đất nước phải đối mặt với những nguy cơ lớn, bạo lực khủng bố và những bất ổn của thế giới đương đại, có rất nhiều tư tưởng muốn khẳng định quyền lực, sức mạnh và các nguyên tắc của quốc gia. Một số người muốn chúng ta tin rằng chính quyền sẽ ra tay và đủ sức bảo vệ đất nước, các lực lượng bảo vệ và duy trì trật tự sẽ gánh vác nốt những công việc còn lại, rằng không cần có tầm nhìn xa hơn. Một số người khác lại cho rằng nước Pháp luôn có một vị thế không đổi, nó sẽ khép mình và sống trong một thời đại hoàng kim đầy ảo tưởng.
Những tư tưởng đó hoàn toàn sai. Trước những thách thức đặt ra, đất nước chúng ta chỉ có thể thống nhất và đoàn kết nhờ vào ý chí. Đó là ý chí xây dựng một quốc gia lớn mạnh, có khả năng tập hợp và thống nhất các vùng miền, mang lại một ý nghĩa lớn lao cho cả dân tộc. Vâng, nước Pháp là một ước vọng.
Nước Pháp không tự phát triển mỗi ngày từ con số không. Ý chí của chúng ta dựa trên di sản mà lịch sử để lại, nó cho phép chúng ta tìm ra biện pháp để đối phó với những thách thức mới.
Giấc mơ Pháp, theo tôi, là giấc mơ về một cuộc đấu tranh chống lại tất cả những gì đang chia cắt, kìm hãm đất nước, những gì đặt chúng ta vào nguy cơ nội chiến. Là mong muốn được tự do nhận thức, xây dựng một nền văn hóa chung, một quốc gia có yêu cầu cao để vươn đến những điều tốt đẹp, nhưng cũng giàu lòng khoan dung.
Khi chúng ta mong muốn bước vào thế giới mới, những mối đe dọa mà chúng ta cho là đã chấm dứt lại đang nổi lên. Đó là sự trở lại của những thế lực thù địch bên ngoài, với các cuộc tấn công khủng bố, và bóng ma của mâu thuẫn sắc tộc.
Chúng ta không được để cho nỗi sợ hãi hoành hành. Về mặt này, phẩm cách của các gia đình nạn nhân trong các vụ tấn công liên tiếp vừa qua theo tôi là bài học vô giá.
Chúng ta có một kẻ thù: tổ chức Hồi giáo cực đoan IS. Chúng ta phải chiến đấu không mệt mỏi để chống lại thế lực này cả trong và ngoài lãnh thổ. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta được đánh đồng mọi đối tượng và chia rẽ nội bộ bằng các cuộc tranh luận ngoài lề.
Việc một bộ phận những người già và trẻ, sinh ra trên lãnh thổ của chúng ta, bị sa vào một kế hoạch giết người hàng loạt bắt nguồn từ một tư duy phức tạp mà chúng ta không hiểu hết. Gilles Kepel, Olivier Roy và một số người khác, thông qua phân tích và nghiên cứu thực tế, đã làm sáng tỏ những âm mưu đánh vào lý tưởng, tôn giáo và chính trị của nhóm IS, chúng thao túng trí tưởng tượng và điểm yếu của các cá nhân, đôi khi lợi dụng cả chứng bệnh tâm thần, sự trách móc hoặc hận thù để chống lại nền Cộng hòa. Nguyên nhân rất đa dạng, vì vậy chúng ta buộc phải áp dụng nhiều biện pháp khác ngoài chính sách an ninh. Đó là thách thức mà một số cá nhân sống trên đất nước này, do lựa chọn sai lầm hay bị cám dỗ bởi những tư tưởng sai trái, đã đặt ra cho nền văn minh của chúng ta.
Nói rộng hơn, sự chia rẽ trong xã hội chúng ta hiện nay đã châm ngòi cho ngọn lửa xung đột sắc tộc vốn đang làm tê liệt khả năng hành động của chúng ta.
Nguyên nhân là vì suốt 30 năm qua, đất nước chúng ta không giải quyết được vấn đề thất nghiệp hàng loạt, để cho những khu ổ chuột thực sự tồn tại trong các thành phố, chúng ta không còn nuôi dưỡng được niềm hy vọng cho hàng triệu thanh thiếu niên – thường là con cháu những người thất nghiệp trường kỳ, chúng ta đã để cho những mối nghi ngờ và thậm chí cả hận thù đối với nền Cộng hòa nảy sinh. Đây là lý do tại sao tôi đã nhiều lần nhắc đến sự phản bội của giới tinh hoa chính trị và kinh tế. Chúng ta không đủ ý chí và can đảm để đối mặt với các vấn đề, chúng ta đã để cho người dân Pháp gánh chịu hậu quả do sự bất lực của chính chúng ta.
Tuy nhiên, với tất cả những ai có cùng một nỗi lo lắng cho cộng đồng, cần phải bắt đầu bằng cách nhắc lại một số nguyên tắc.
Trên đất nước ta, mọi người đều được tự do tin hay không tin. Mỗi người đều có quyền lựa chọn để thực hành hay không thực hành một tôn giáo, tùy theo mức độ mong muốn của bản thân. Chính sách không tôn giáo về bản chất thúc đẩy quyền tự do hơn là ngăn cấm. Mục đích của chính sách này là cho phép mỗi cá nhân hòa nhập vào cuộc sống của cộng đồng, không phải để khiêu chiến với một tôn giáo đặc biệt nào đó, càng không phải để loại trừ hay chỉ trích. Nó là một nền tảng chứ không phải một gánh nặng. Làm thế nào chúng ta có thể yêu cầu nhân dân tin tưởng vào nền Cộng hòa, trong khi một số kẻ lợi dụng một trong những nguyên tắc cơ bản như chính sách không tôn giáo để nói với người dân rằng họ không có chỗ đứng trong xã hội?
Nếu tự do về tư tưởng chỉ mang tính tương đối thì chúng ta phải cương quyết thể hiện thái độ không khoan nhượng trước những hành động vi phạm pháp luật. Trong nền Cộng hòa Pháp, có những điều không thể thương lượng. Chúng ta không thể thương lượng với các nguyên tắc về lễ nghi. Bình đẳng giữa nam và nữ cũng là điều không thể tranh cãi. Không có đàm phán về việc chống chủ nghĩa bài Do Thái, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và sự kỳ thị nguồn gốc.
Thành thật mà nói thì nếu trào lưu tôn giáo chính thống phát triển, Hồi giáo sẽ trở thành một vấn đề đáng lưu tâm trong xã hội chúng ta. Chúng ta cần đồng tâm giải quyết vấn đề này với một đòi hỏi khắt khe và công minh.
Chúng ta đứng trước một sự lựa chọn, giống như trong lịch sử chúng ta đã nhiều lần phải lựa chọn. Chúng ta muốn chống lại một tôn giáo, loại trừ nó, hay muốn xây dựng cho nó một vị thế trong lòng nước Pháp, giúp nó hòa nhập vào xã hội một cách tốt nhất? Chúng ta thường nhầm lẫn khi lựa chọn, lịch sử còn ghi lại nhiều cuộc chiến tranh tôn giáo đã tàn phá và gần như nhấn chìm vĩnh viễn các thành phố, làng mạc trong bóng tối.
Ngược lại, chúng ta đã cho các tôn giáo có chỗ đứng riêng trong chế độ Cộng hòa. Chẳng hạn, đạo Do Thái đã được phát triển ở Pháp trong sự tôn trọng và tình cảm yêu mến của cả nước. Đó là ví dụ điển hình về lịch sử và sự lựa chọn sáng suốt của chúng ta.
Chúng ta không được rơi vào cái bẫy của nhóm Hồi giáo cực đoan IS bằng cách lao vào vực thẳm của một cuộc nội chiến.
Các giám mục đã xử trí tốt hơn nhiều so với các nhà lãnh đạo chính trị; thái độ của họ đối với vụ đánh bom ở Saint-Étienne-du-Rouvray là một ví dụ hoàn hảo cho điều này.
Có nhiều đề xuất bàn về việc tổ chức lại cộng đồng Hồi giáo ở Pháp, để cho phép người Hồi giáo được khẳng định mình tốt hơn và tham gia nhiều hơn vào đời sống xã hội, để đảm bảo rằng họ có thể cung cấp tài chính cho các nơi thờ tự một cách dễ dàng và độc lập, để hỗ trợ các nhà truyền giáo chân chính. Tôi tin rằng các đề xuất này đang đi đúng hướng và tôi quyết tâm đi theo con đường này.
Nếu chúng ta thực sự muốn tổ chức lại cộng đồng Hồi giáo ở Pháp, hãy để người theo đạo Hồi trên đất nước chúng ta đảm nhận mọi trách nhiệm của họ một cách minh bạch, giúp họ thực thi tín ngưỡng của họ một cách xứng đáng. Chúng ta cũng phải giúp họ thoát khỏi mối quan hệ với các thế lực nước ngoài, cắt đứt quan hệ với các tổ chức bí mật và các phương thức tài trợ không thích hợp. Đặc biệt, không được nhượng bộ bất cứ điều gì như đôi khi chúng ta vẫn làm một cách dễ dãi.
Tiếp đó, hãy cùng nhau đấu tranh chống lại các phần tử Hồi giáo cực đoan. Tư tưởng Hồi giáo cực đoan này đang len lỏi vào một số khu dân cư, chúng tự cho rằng đang chiếm ưu thế trước nền Cộng hòa và luật pháp của chúng ta. Vậy chúng ta phải hành động như thế nào? Không phải bằng cách đề ra những điều luật mới vì chúng ta đã có đủ luật rồi. Bây giờ chúng ta phải thực thi các văn bản pháp quy này bằng cách phá bỏ các tổ chức rao giảng mối hận thù đối với nền Cộng hòa, với giá trị, với bản chất và những gì chúng ta gìn giữ. Một số tổ chức theo tư tưởng “Hồi giáo nguyên gốc” đang dẫn dắt một cuộc chiến văn hóa thông qua những người trẻ tuổi ở khắp nơi. Chúng chiếm những vùng đất mà nhà nước lãng quên. Chúng thay thế các dịch vụ công giúp đỡ và hỗ trợ người dân. Chúng ta phải dũng cảm tiến hành một cuộc đấu tranh cương quyết chống lại chúng. Ở các địa phương, chúng ta có những chiến binh vì chủ nghĩa thế tục, những chiến binh vì nữ quyền, những chiến binh bảo vệ luật pháp của nền Cộng hòa và chúng ta không có quyền bỏ rơi họ. Nhiệm vụ của chúng ta là giúp đỡ họ, bởi vì những đội quân này liên quan trực tiếp đến các dịch vụ công và sẽ giúp chúng ta khôi phục lại vị thế của nền Cộng hòa.
Nhiệm vụ của Nhà nước và các cơ quan nhà nước là phải linh hoạt. Nếu cần thiết, phải yêu cầu các nhóm thực hành tín ngưỡng cam kết tuân thủ các nguyên tắc cơ bản trước khi mở một điểm thờ tự; yêu cầu giải thích và phúc trình về các hoạt động truyền giáo không chân chính. Và, nếu cần thiết thì đóng cửa hoặc cấm các hội này hoạt động theo đúng quy định trong Hiến pháp.
Thứ hai, chúng ta phải mở ra một tương lai cho những khu vực mà chúng ta thường lơ là, bằng cách tập trung giải quyết những khó khăn về xã hội và kinh tế, hoặc áp dụng các chính sách xử lý những biểu hiện mầm mống của tội ác đang gặm nhấm các khu vực này. Chúng ta đã sửa đổi chính sách đô thị. Đó là điều hoàn toàn cần thiết và là hoạt động đáng chú ý đã được thực hiện ở nhiều nơi. Nhưng, chúng ta mới chỉ dừng lại ở việc quản lý đất đai bằng cách áp đặt nơi cư trú cho người dân. Như thể chúng ta đang nói với họ: “Chúng tôi sẽ xây dựng lại các khu phố cho các vị, nhưng các vị sẽ không được phép đến các ngôi trường ở trung tâm thành phố, hạn chế sử dụng các phương tiện giao thông công cộng và tiếp cận văn hóa, việc học nghề hoặc học đại học sẽ rất, rất khó khăn, còn đối với việc tìm việc làm thì... đừng đòi hỏi quá nhiều!”.
Việc phục hồi tích cực các khu dân cư là vô cùng cần thiết. Sự cứng rắn với kẻ thù của nền Cộng hòa có lẽ vẫn chưa đủ. Chúng ta phải tái đầu tư vào các khu dân cư để tạo cho người dân những cơ hội, sự năng động và những điều tốt đẹp, để tạo điều kiện cho mỗi người có một chỗ đứng trong xã hội, một chỗ đứng thật sự, và cảm giác thuộc về một cộng đồng năng động và thống nhất, đoàn kết vì những giá trị chung. Điều này đồng nghĩa phải có sự chuyển giao về học vấn và chuyên môn, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với các hoạt động văn hóa và giải trí,...
Nhiệm vụ của chúng ta sẽ khó khăn và mất nhiều thời gian, nó sẽ là một thách thức đối với tất cả chúng ta. Theo quan điểm của tôi, điều này là quan trọng, ngay cả khi việc gia nhập nền Cộng hòa và gia nhập tôn giáo là hai phạm trù khác nhau. Trong thời đại của chúng ta, cần phải đặt những kế hoạch chung của cộng đồng và sự tôn trọng người khác cao hơn đức tin của bản thân, cho dù đó là đức tin gì đi nữa.
Nói tóm lại, bài toán rất đơn giản: không nhượng bộ trước những luận điệu chia rẽ và thù hận, chỉ hành động vì tự do; giúp cộng đồng Hồi giáo xây dựng vị trí của mình trong lòng nền Cộng hòa; nhưng không nhượng bộ bất cứ điều gì liên quan đến nguyên tắc của nền Cộng hòa và chống lại tất cả mọi biểu hiện của chủ nghĩa cộng đồng.
Tuy nhiên, những việc này vẫn chưa đủ. Đất nước không thể đứng lên, tiến về phía trước bằng lòng can đảm, nếu chúng ta không biết chúng ta đến từ đâu. Kế thừa là truyền thống của dân tộc ta, cho phép mỗi người biết họ đến từ đâu và họ sẽ đi về đâu trong một thế giới mà mọi thứ đều diễn ra quá nhanh, còn các giá trị thì dần bị mai một. Đôi khi sự việc diễn ra tốt hơn, nhưng có khi lại tồi tệ hơn.
Chúng ta không là gì và chúng ta không trở thành ai cả, chừng nào chưa chịu đón nhận, chưa chấp nhận học hỏi những gì mà các quốc gia khác đã học được trước chúng ta. Chúng ta sẽ không xây dựng được nước Pháp, chúng ta sẽ không thuộc về nước Pháp nếu không thể tự ghi tên mình vào lịch sử, văn hóa, gốc rễ, hình hài của nước Pháp như Clovis, Henry IV, Napoleon, Danton, Gambetta, de Gaulle, Jeanne d’Arc hay những người lính trong cuộc Cách mạng tư sản Pháp, những người lính bộ binh người Senegal, những người tham gia kháng chiến, tất cả những ai đã làm nên lịch sử của đất nước chúng ta...
Nước Pháp là một khối thống nhất. Người ta không thể vừa muốn là người Pháp, lại vừa phủ nhận quá khứ. Lịch sử và văn hóa của chúng ta, tất cả những gì mà các thế hệ trước truyền lại chính là nền tảng chung của tất cả chúng ta. Quá khứ là sự khởi đầu cho tương lai, đó là lý do tại sao những anh hùng của nền Cộng hòa luôn là những người đương thời: từ giáo viên mẫu giáo đến giáo sư đại học, ngay cả các doanh nhân đôi khi cũng dạy ta hành động – đó là tất cả những người đã dành thời gian cho chúng ta, góp phần tạo nên con người chúng ta.
Văn hóa là những gì đưa chúng ta xích lại gần nhau. Nó liên kết chúng ta. Nó không theo chủ nghĩa tinh hoa, mà ngược lại, nó là cánh cửa mở ra cho tất cả mọi người. Tôi đã nhiều lần chứng kiến việc ngâm một bài thơ hay đọc diễn cảm một bài viết có thể khiến người nghe thật sự cảm động và phá vỡ mọi rào cản như thế nào. Đó là những cảm xúc được chia sẻ trong các cuộc họp chính quyền khi tôi nhắc đến Gide và Aragon, những cảm xúc mà tôi cảm nhận được khi nghe Abd al Malik nhắc đến Camus.
Di sản này là vũ khí của chúng ta để chống lại sự chia rẽ, là vũ khí chống lại chủ nghĩa cực đoan, là vũ khí chống lại sự cam chịu.
Việc truyền lại văn hóa, cảm xúc và tinh hoa dân tộc còn mang nhiều ý nghĩa hơn thế.
Nó giúp chúng ta tìm được ý nghĩa cuộc sống. Chúng ta đã để mất đi nhiều phong tục cổ xưa mà bản thân tôi từng được biết nhờ những người cô đơn sống trong các ngôi làng ở dãy núi Pyrénées, hay tình đoàn kết trong các khu dân cư không cho phép chúng ta bỏ rơi ai cô đơn một mình, tình cảm gia đình khiến chúng ta giữ cha mẹ già bên con cháu. Ngày nay chúng ta dường như đã bỏ lại phía sau những giá trị tất yếu này.
Chính trị không có trách nhiệm tạo ra ý nghĩa cho cuộc sống. Và cho dù nó có đổi tên thành học thuyết cứu độ đi nữa, thì chính trị cũng không thể tuyên bố sẽ thay thế được các tín ngưỡng, hoặc thậm chí là các đức tin. Nhưng, công dân của nền Cộng hòa không thể quên tình bằng hữu. Đây là từ thứ ba trong tiêu ngữ của chúng ta, một khái niệm vốn được coi là mơ hồ nhất, trong khi nó lại là từ gắn tự do và bình đẳng với một lòng nhân từ bác ái cao hơn mọi rào cản về sắc tộc. Người dân Pháp là những người tận tụy hết mình, tham gia vào các hiệp hội, hàng năm cống hiến vì những lý tưởng cao cả, chính họ hiểu rõ nhất thế nào là tình bác ái. Tình bác ái không có ngoại lệ và đó chính là sức mạnh vô hình trong công cuộc xây dựng nước Pháp.
Về cơ bản, chúng ta thiếu một cái gì đó, với mỗi chúng ta với tư cách là một cá thể tách rời và với toàn thể xã hội. Sự phát triển của xã hội phương Tây dường như đã nhấn chìm chúng ta vào một nỗi buồn cam chịu. Tất cả mọi người đều được chỉ định cho một vị trí, và xét cho cùng, dù là dưới danh nghĩa “thị trường” hay “nhà nước”, sự áp đặt này cũng không quan trọng.
Những bí ẩn, siêu việt, sự thể hiện trong sâu kín hay trong cuộc sống hằng ngày của các giá trị sống quan trọng dường như đã biến mất, nhường chỗ cho tiền bạc, địa vị xã hội hay tính hiệu quả.
Dù cố gắng thế nào, người dân Pháp vẫn không thể hạnh phúc nếu không xây dựng một không gian chính trị trong khu dân cư của họ. Việc đóng góp cho không gian này không chỉ dừng lại ở hành động bỏ phiếu, tham gia ứng cử, soạn thảo hay thực hiện một chương trình. Chính trị phải mang các giá trị của chính chúng ta. Đó không chỉ là các giá trị về hiệu quả, mà còn nhiều điều khác nữa. Cuộc sống đang bị hủy hoại dưới sức ép của hiệu quả kinh tế. Trong các công ty quá phức tạp, không ai biết đâu là người kiểm soát và đâu là người tuân thủ nữa. Những người lao động, dù là nhân viên hay người quản lý, dường như đều bị thúc đẩy bởi một hệ thống vô hình mà không ai kiểm soát được. Sự phi nhân bản và cuộc đua đến sự “tối ưu hóa” này có thể dẫn đến những bi kịch.
Giấc mơ xây dựng nước Pháp, đó là mong muốn xây dựng những giá trị của đất nước. Đây là trọng tâm trong chính sách nhập cư của chúng ta từ nhiều thập kỷ qua. Chính sách tiếp nhận người nhập cư của Pháp không chỉ dựa trên sự hào hiệp hay truyền thống, mà đó là mong muốn được xây dựng một tương lai chung của tất cả mọi người, trong đó những người nhập cư được coi là nhân tố vô cùng cần thiết và làm nên sự đa dạng. Đó là mong muốn của những người nước ngoài khi quyết định gia nhập vào một cộng đồng thống nhất và hòa nhập với nó.
Mỗi năm, hai trăm ngàn người nước ngoài đến định cư trên lãnh thổ của chúng ta. Trong số đó, gần một nửa được sinh ra ở châu Âu và một phần ba đến từ châu Phi.
Liên quan đến vấn đề tị nạn, chúng ta phải tổ chức và cải cách các điều kiện xét duyệt. Thời hạn xét duyệt cần phải được rút ngắn, cần sửa đổi lại hệ thống chức danh và thẩm quyền. Những người nằm trong diện bảo trợ phải được tiếp nhận, được đào tạo và hỗ trợ một cách nhanh chóng. Đó là quyền lợi của họ. Nhưng sau những thủ tục ngắn gọn và hiệu quả này, tất cả những người không đủ tiêu chuẩn được hưởng chế độ tị nạn ở nước Pháp sẽ phải bị trục xuất.
Tôi muốn thể hiện quan điểm về vấn đề này một cách rõ ràng và thẳng thắn nhất: Lòng nhân ái trong chính sách giải quyết vấn đề người tị nạn không có nghĩa là để cho tất cả mọi người tin rằng họ sẽ được tiếp nhận, trong khi chờ chúng ta cấp phép một cách nhỏ giọt với hàng loạt các thủ tục phức tạp. Làm như vậy, chúng ta đã đánh mất lòng nhân ái: Chúng ta để cho những người xin định cư ở lại trên lãnh thổ của chúng ta trong nhiều tháng. Trong quá trình chờ đợi, họ đã định cư, đôi khi họ kết hôn hoặc sinh con. Cuối cùng, chúng ta lại ra quyết định trục xuất phần lớn họ. Do đó, các quyết định này sẽ không thực hiện được, những người xin tị nạn bị rơi vào tình trạng định cư trái phép, họ trở thành những người không có giấy tờ di trú, phải sống ngoài lề xã hội. Vì không rõ ràng về mục tiêu và hiệu quả trong chính sách, chúng ta đã phải gánh chịu những kết quả ngược lại với những gì chúng ta cần làm theo đúng truyền thống hiếu khách của nước Pháp. Nhân đạo có nghĩa là phải đảm nhận vai trò của mình, chúng ta phải nhanh chóng xét duyệt các đề nghị và trả lời kết quả cho các bên liên quan.
Chúng ta cũng phải chấm dứt những vụ tai tiếng về đạo đức và nhân đạo liên quan đến các cuộc đưa người vượt biên qua sa mạc và Địa Trung Hải. Chúng ta hãy dũng cảm nói rằng: Chúng ta có lỗi. Mặc dù pháp luật của chúng ta quy định phải xem xét các đề nghị tị nạn, nhưng chúng ta lại không cho phép các đương đơn đến Pháp một cách hợp pháp. Dù sao, họ vẫn tự đến. Hàng ngàn người tử vong trên đường đi. Chúng ta có một phần trách nhiệm trong đó. Các đơn xin tị nạn cần phải được xét duyệt gần các khu vực xảy ra xung đột, chẳng hạn tại các nước láng giềng của nước đó. Có thể nói rằng hiện nay các cơ quan lãnh sự chưa sẵn sàng làm việc này. Nhưng họ cần phải làm. Đó là vấn đề danh dự và hiệu quả. Cũng như việc cải tổ lại hệ thống tiếp nhận người tị nạn theo quy tắc phi lý Dublin, trong đó quy định những quốc gia châu Âu đầu tiên mà người tị nạn đặt chân đến phải có trách nhiệm tiếp nhận, sau đó họ sẽ quyết định nước nào trong Liên minh châu Âu sẽ tiếp nhận đơn tị nạn. Quy định này đã dẫn đến những làn sóng di cư khổng lồ và đau thương, cùng với chi phí rất lớn, vì người tị nạn biết rằng các nước láng giềng sẽ không chấp nhận họ. Do đó, cuối cùng họ lại quay trở lại các trung tâm tiếp nhận, ở Pháp, Đức hay Ý.
Ngoài vấn đề về người tị nạn, cần tạo thuận lợi về thủ tục cho những người muốn hòa nhập vào xã hội. Chúng ta không thể để cho những người muốn sống hay trở thành người Pháp trên đất nước chúng ta phải mất hàng giờ để xếp hàng chờ đợi, đi từ bàn này qua bàn khác, với hy vọng “Vừng ơi mở cửa ra” sau sáu tháng đến một năm làm thủ tục. Một khi các tiêu chí đã rõ ràng, việc xử lý các thủ tục phải diễn ra trong vòng tối đa là hai đến ba tháng. Đó là cách xây dựng một Nhà nước giàu lòng bác ái của tôi.
Hệ quả của lòng bác ái là tuyên bố: Pháp không thể tiếp nhận được tất cả mọi người dưới bất kỳ điều kiện nào. Bởi các giá trị của nước Pháp và những quyền tự do mà tôi vừa nói tới là không thể thương lượng. Không bao giờ. Không ai trong số chúng ta có thể núp dưới vỏ bọc của sự hào phóng hay khác biệt để cho rằng bình đẳng giữa phụ nữ và nam giới, quyền tự do tư tưởng và tôn giáo, bao gồm cả quyền tự do tin và không tin, là những biến số. Nước Pháp vĩ đại vì nó cho phép những người gia nhập vào quốc gia này được hưởng quyền tự do. Mỗi một người khi đến nước Pháp đều phải cam kết tôn trọng các quyền tự do này, thậm chí phải bảo vệ chúng. Và ngược lại, họ sẽ được hòa nhập một cách trọn vẹn và hoàn toàn được bảo vệ mà không phải chịu thử thách “lòng trung thành” hay “sự chung thủy” của mình.
Tôi không nghĩ rằng các giá trị của nước Pháp đang dần biến mất. Nước Pháp không yếu. Nước Pháp không có trách nhiệm bảo vệ hình ảnh của mình; chúng ta chỉ cần khẳng định hình ảnh đó. Những gì chúng ta đang thiếu hiện nay khiến chúng ta cảm thấy đau đớn vì không còn là chính mình, đó là những yếu tố đem lại sự chặt chẽ, sắc màu và sự tỏa sáng cho hoạt động chính trị. Chúng ta cần phát huy trí tưởng tượng, có một ý chí kiên định và lòng kiên nhẫn. Chúng ta cần hướng tới tương lai. Tất cả những điều tốt đẹp luôn tồn tại, chỉ là đang ngủ quên hoặc bị tê liệt. Trên thực tế, sẽ không quá khó để trở lại là chính chúng ta.