G
iấc mơ Pháp luôn luôn là giấc mơ về một quốc gia thống nhất. Nhà nước đã từ lâu tìm cách đồng bộ hóa, áp dụng các chế độ và cơ sở hạ tầng như nhau từ Paris đến các địa phương trên toàn lãnh thổ. Nhưng từ nhiều năm nay, đất nước vẫn đang bị chia rẽ ngay trước mắt chúng ta.
Nước Pháp, cũng giống như các quốc gia khác trên thế giới, đang đối mặt với hiện tượng “đô thị hóa”. Chính sách mở cửa đã mang đến nhiều cơ hội cho các thành phố lớn. Các thành phố này tập trung nhiều ngành nghề có lợi nhuận cao. 50% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thế giới được làm ra ở 300 thành phố trên toàn thế giới, 50% GDP của nước Pháp xuất phát từ 15 thành phố, đứng đầu là vùng Ile-de-France và Paris. Trong khi đó, những vùng ngoại ô, nông thôn, nơi tập trung 80% dân số nghèo, phải hứng chịu hậu quả của việc đóng cửa nhà máy, thu hẹp các dịch vụ công, khó khăn trong việc gia nhập thị trường lao động và tham gia các hoạt động văn hóa.
Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta phải chống lại sự phát triển của các thành phố lớn. Ngược lại, đây là cơ hội cho đất nước chúng ta, là động lực cho phát triển, lao động, việc làm và tỏa sáng.
Vậy chúng ta có nên từ bỏ mong muốn xây dựng một nước Pháp đồng bộ, trong đó tất cả các vùng miền, lãnh thổ cùng áp dụng một mô hình duy nhất hay không? Tôi tin là có. Hãy nhìn thẳng vào thực tế: Tùy theo chúng ta sống ở thành phố Lyon hay Cherbourg, ở khu vực Seine-Saint-Denis hay ở Cher, mà cuộc sống, nhu cầu về cơ sở hạ tầng và dịch vụ sẽ khác nhau. Đã qua rồi thời kỳ Nhà nước có thể hứa hẹn áp dụng cùng một chính sách cho tất cả các vùng trên lãnh thổ. Ngày nay, chúng ta cần tạo điều kiện cho các thành phố lớn thúc đẩy các vùng cùng phát triển, từ đó thiết lập lại sự gắn bó giữa các vùng miền.
Nhưng đồng thời, chúng ta cũng phải chủ trương là mỗi đô thị cần chịu trách nhiệm đối với vùng của mình. Ngày nay, nhờ sự năng động của các thành phố lớn, không có vùng nào của nước Pháp bị rơi vào tình trạng đáng lo ngại.
Các khu đô thị lớn chiếm 40% dân số và tạo ra 70% số việc làm trong khu vực tư nhân. Theo quan điểm của tôi, sự bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau giữa các đô thị này với các khu vực mới được cơ cấu lại sẽ góp phần phát triển đất nước.
Các đô thị này đóng vai trò chính trong tương lai của chúng ta, nhưng chúng cũng có điểm hạn chế. Do thu hút một lượng dân cư lớn, đôi khi lại đến từ những vùng rất xa xôi, ra đi để thoát khỏi nghèo khó, nên các vùng đô thị có xu hướng bị chia cắt, một bên là các khu dân cư giàu có, năng động, bên kia là các cộng đồng và khu phố ngày càng nghèo và thậm chí càng tách biệt hơn. Ngày nay, tại các thành phố lớn, hai nhóm dân cư này thường tồn tại cạnh nhau, nhưng trong tương lai, nếu chúng ta không hành động kịp thời, có thể hai bên sẽ đối lập nhau.
Đó là lý do tại sao tôi nghĩ rằng bước đi đầu tiên trong công cuộc cải tổ xã hội phải là cơ cấu lại các thành phố, làm cho các thành phố trở nên đa dạng hơn. Chúng ta biết rằng tất cả mọi thứ đều có mối liên kết. Khi bạn là một đứa trẻ trong khu phố mà 80% là người di cư, không nói tiếng Pháp trong gia đình và ngày càng co cụm với nhau, thì bạn sẽ thấy mình thuộc nhóm những đứa trẻ có cùng nguồn gốc, tụt hậu trong các ngôi trường công lập và không có cơ hội để tạo dựng một cuộc sống tốt đẹp cho bản thân.
Trong các thành phố lớn ngày nay, sự rạn nứt của xã hội chủ yếu nằm ở sự chia cách giữa các khu vực dân cư. Chúng ta phải đấu tranh chống lại sự chia rẽ này, bằng các chính sách cải tạo đô thị và xây dựng nhà ở, hướng tới mục tiêu xây dựng thành phố thành nơi gặp gỡ.
Để làm được điều này, chúng ta cần phải thực hiện các chính sách theo đúng quy mô. Quy mô phải rộng hơn, tức là phải ở tầm liên tỉnh. Tất cả các thành phố lớn cũng vậy, đặc biệt đối với vùng Ile-de-France, nơi mà tôi đánh giá là cải cách “Paris mở rộng” không đủ sức giải quyết các vấn đề cấp thiết.
Việc cơ cấu lại thành phố đòi hỏi phải đi đôi với đầu tư phương tiện. Tuy nhiên, nguồn ngân sách của Cơ quan Đổi mới đô thị Quốc gia đã bị giảm hơn một nửa trong những năm gần đây. Do đó, cần bổ sung cho nguồn ngân sách đầu tư này bằng cách mời gọi các đối tác ở khu vực tư nhân, do chính quyền địa phương trực tiếp quản lý. Trong lĩnh vực xây dựng nhà ở, quy hoạch không gian công cộng, xây dựng mạng lưới, năng lực tài chính và chuyên môn của doanh nghiệp là những yếu tố cốt lõi để vượt qua thách thức này.
Ở các khu đô thị lớn, nếu muốn khôi phục sự đa dạng và đối phó với những thách thức mới, chúng ta phải chú trọng công tác xây dựng nhà ở. Chính sách nhà ở của chúng ta đã lỗi thời. Nó được thiết kế cho các gia đình của ngày hôm qua, trong khuôn khổ của một xã hội lưu trú, với sự cân đối giữa các vùng và với mô hình gia đình truyền thống. Tuy nhiên, ngày nay cuộc sống của người dân đã thay đổi. Do thường xuyên thay đổi công việc, họ phải thay đổi nơi cư trú thường xuyên hơn so với trước đây. Mặt khác, khi một cặp vợ chồng ly hôn và các thành viên trong gia đình bị chia cắt, số lượng nhà ở sẽ phải nhân đôi. Do đó, sự bùng nổ nhu cầu về nhà ở là xu hướng tất yếu.
Trong những năm gần đây, tỷ lệ đầu tư của các hộ gia đình vào nhà ở đã tăng đáng kể: giá những ngôi nhà cũ đã tăng 150% trong vòng 20 năm, trong khi nguồn thu nhập chỉ tăng 50%. Giá nhà tăng cao che giấu một vấn đề cơ bản: Nguồn cung không đủ để đáp ứng nhu cầu, đặc biệt là ở các vùng mà theo lời các chuyên gia là “vùng sốt đất” như Ile-de-France, Côte d’Azur và một số khu đô thị lớn khác. Các khu vực này đều gặp nhiều khó khăn về nhà ở.
Tôi muốn tiến hành xây dựng đồng loạt và nhanh chóng trong những “vùng sốt đất” như vậy. Điều kiện tiên quyết của kế hoạch này là phải có sự đoàn kết. Chúng ta không thể tiếp tục phức tạp hóa các luật về quy hoạch đô thị, hay bổ sung các quy định về kỹ thuật và kéo dài các thủ tục hành chính nữa. Chúng ta phải chấm dứt sự trì hoãn. Chúng ta phải lựa chọn, hoặc ưu tiên tuyệt đối cho việc xây dựng nhà ở, hoặc tiếp tục tăng các quy định pháp quy. Nếu tiến hành đồng thời cả hai kế hoạch, chúng ta sẽ thất bại. Về phần mình, tôi muốn bằng mọi cách phải xây dựng nhà ở theo đúng nguyện vọng của nhân dân.
Tiếp đó, chúng ta cần có một quyết tâm vững chắc. Không thể chấp nhận việc các đại diện dân cử tại địa phương không hoàn thành sứ mệnh của mình chỉ để duy trì sự ổn định ở địa phương hoặc duy trì mức giá nhà đất cao. Quy hoạch đô thị tại Ile-de-France cho thấy, trong mỗi vùng, có bốn hoặc năm xã tập trung vào việc xây dựng các công trình mới. Tuy nhiên, về tổng thể, tình hình của các xã này cũng tương tự như những xã không có xây dựng. Do đó, vấn đề chính ở đây liên quan tới chính sách. Ở một số khu vực có nhiều vấn đề nổi cộm, Nhà nước phải thực hiện các biện pháp đặc biệt để giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ và nhanh chóng cho phép xây dựng bổ sung hàng chục nghìn căn hộ mỗi năm.
Nỗ lực xây dựng có mục tiêu là biện pháp duy nhất để có thể đáp ứng nhu cầu và giảm giá nhà ở trong khu vực đô thị. Điều này sẽ giúp giảm đáng kể trợ cấp xã hội trong những năm tới. Bởi nếu chỉ giúp đỡ các hộ gia đình mà không giải quyết vấn đề nhà ở, thì nghĩa là chúng ta đã vô hình trung thúc đẩy giá cả tăng cao.
____________
Bên cạnh một nước Pháp với các thành phố lớn và các vùng đô thị lớn, có một nước Pháp khác thường được gọi là “vùng ngoại vi”. Trong khu vực này, phương tiện đi lại thường là ô tô riêng, điều đó gây ảnh hưởng rất nhiều đến môi trường và tác động đến cuộc sống của người dân.
Nước Pháp “ngoại vi” này thường thiếu cơ sở hạ tầng công cộng như cầu đường, nhà trẻ, trung tâm văn hóa. Ở nhiều nơi, điều kiện sống thậm chí rất kém. Chúng ta có thể nhận thấy những vấn đề nảy sinh trong các khu vực đã bị xuống cấp, một số nơi nhà ở còn xen kẽ với các kho bãi và các doanh nghiệp nhỏ. Chính những khu vực này, với những mối hoài nghi sẵn có, đã bác bỏ hệ thống xã hội chúng ta và dần dần đi theo tư tưởng cực đoan. Các khu vực này cần nhận được sự đầu tư của Nhà nước và của tư nhân nhằm tiến hành đổi mới, với các dự án hợp tác liên xã, nhằm khôi phục lại một mạng lưới kết hợp hài hòa giữa thành phố và thiên nhiên.
Đồng thời, chúng ta cần phải phát huy sự năng động của gần một trăm thành phố quy mô vừa trên cả nước, đó chính là nền tảng phát triển của đất nước ta. Đặc biệt cần chú trọng tới các trung tâm thành phố. Vì thiếu quy hoạch thương mại đô thị với quy mô hợp lý, nên các trung tâm thương mại thường tập trung quá đông ở các vùng ngoại vi. Do đó, khu vực trung tâm thành phố có xu hướng thiếu các hoạt động thương mại. Dần dần, các công trình xây dựng bị xuống cấp, tạo nên những khó khăn dây chuyền. Trong khi đó, lẽ ra các trung tâm thành phố phải là nơi tiên phong trong phát triển kinh tế, với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tạo ra việc làm cho toàn thành phố. Vì vậy, việc tăng cường phát triển các “trung tâm thành phố” là vô cùng quan trọng.
Cũng như ở các thành phố lớn, một số thành phố có quy mô trung bình đang phải đối mặt với các vấn đề liên quan đến các khu ổ chuột. Do đó, một lần nữa, tôi muốn nhấn mạnh rằng cần phải thiết lập lại sự đa dạng thực sự trong các thành phố.
Tôi đã đề cập đến một nước Pháp phát triển dựa vào các thành phố lớn. Nhưng không phải tất cả các thành phố và các vùng đô thị lớn của chúng ta đều năng động như nhau.
Một số vùng vốn có truyền thống phát triển công nghiệp nhưng từ nhiều năm nay lại đang bị lu mờ dần, vì các ngành công nghiệp năng động một thời nay đã dần dần trở nên lỗi thời.
Chúng ta biết rằng, vào đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng, một số khu vực tập trung lao động ở miền Đông Bắc nước Pháp đã mất khoảng 10% việc làm trong vòng hai năm. Và đáng buồn là sự suy giảm này vẫn đang tiếp diễn, tạo nên nhiều hậu quả nghiêm trọng như tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, những người trẻ mất niềm tin vào tương lai đã rời bỏ quê hương, khiến cho các khu vực này càng thêm khó khăn. Tình hình thậm chí còn bi đát hơn đối với những người lao động đã vay mượn rất nhiều để mua nhà, họ không thể ra đi do giá bất động sản sụt giảm, trừ phi họ chịu mất tất cả. Họ cảm thấy bế tắc thực sự. Họ đã mất hết mọi hy vọng.
Để khôi phục lại những khu vực này, Nhà nước phải cố gắng nhiều hơn nữa. Nhưng biện pháp không phải là duy trì các ngành công nghiệp đã lỗi thời bằng mọi giá, mà bằng một phương thức phát triển mới, phù hợp hơn với nền kinh tế hiện nay. Cần phải hành động dựa trên kiến thức và chuyên môn. Đặc biệt, các thành phố tập trung nhiều trường đại học cần được củng cố và phải đóng vai trò quyết định trong việc đào tạo, để vực dậy sức sống cho toàn bộ khu vực. Cần khuyến khích thành lập các doanh nghiệp mới, nâng cao chất lượng sản xuất, áp dụng những phương pháp tiên tiến, khôi phục một số ngành nghề truyền thống. Sẽ không có ngành nghề nào gặp khó khăn nếu chúng ta biết cách đổi mới chúng.
Tôi xin kể một ví dụ ở thành phố Besançon. Vào đầu những năm 1970, công ty sản xuất đồng hồ Lip phải đóng cửa vì thiếu đầu tư và thiếu khả năng dự đoán thị trường. Từ chỗ là một ngành quan trọng góp phần tạo nên bộ mặt của vùng, ngành công nghiệp sản xuất đồng hồ đã bị cuốn trôi do công nghệ quartz ra đời. Tuy nhiên, ngày nay ở Besançon, ngành công nghiệp lại tạo ra nhiều việc làm hơn lúc đó. Làm thế nào có thể đạt được điều này? Đó là nhờ thành phố, tỉnh, Nhà nước và các doanh nghiệp đã đầu tư vào phát triển tiềm năng của người lao động và tiến hành đổi mới. Với truyền thống và kỹ năng sản xuất đồng hồ, thành phố đã chú trọng phát triển những ngành nghề đòi hỏi độ chính xác cao, cho phép thành lập và phát triển hàng trăm doanh nghiệp vừa và nhỏ trong khu vực. Công nghệ đã được đổi mới nhờ vào các trung tâm nghiên cứu của cả Nhà nước và tư nhân, khiến Besançon trở thành thủ phủ của ngành công nghiệp vi sai.
Đây là biện pháp để xây dựng các chính sách phát triển kinh tế. Nó giải thích tại sao khi xây dựng chính sách phát triển công nghiệp, tôi chưa bao giờ tìm cách bảo vệ các doanh nghiệp lỗi thời bằng mọi giá, mà ngược lại, tôi muốn tạo ra những ngành công nghiệp mới hoặc ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất các sản phẩm truyền thống. Mục tiêu chính không phải bảo vệ ngành nghề mà là bảo vệ người lao động. Do đó, các công ty phải đổi mới. Ngoài ra, nhân viên cần được đào tạo và bồi dưỡng chuyên môn. Bằng cách này, họ sẽ được trang bị những điều kiện tốt nhất để có thể ứng phó với những thay đổi lớn đang diễn ra.
Cuối cùng, tôi muốn đề cập đến phần còn lại của nước Pháp, mà ngày nay chúng ta có cảm giác đã xa cách với sự phát triển của các thành phố: khu vực nông thôn, hay đúng hơn là các vùng nông thôn. Cảm giác bị bỏ rơi này phải chăng là định mệnh? Tôi không nghĩ thế.
Chúng ta có thể phát triển mô hình nông thôn thành một điểm đến đầy sức hút. Người Pháp sống ngày càng nhiều ở thành phố, nhưng họ cũng là những người yêu thiên nhiên. Đối với họ, khu vực nông thôn có một sức lôi cuốn mạnh mẽ, họ đến đó để nghỉ lễ và nghỉ cuối tuần. Họ cải tạo trang trại và các tòa nhà trước đây bị bỏ rơi.
Bên cạnh đó, các vùng nông thôn có khả năng phát triển một nền kinh tế sản xuất hiệu quả. Nền kinh tế này có thể bắt đầu từ việc xây dựng “khu dân cư”. Chúng ta có thể cải tạo nhà ở, phát triển du lịch và thúc đẩy các sản phẩm địa phương. Kinh tế có thể phát triển vượt bậc nhờ sự phát triển của các công nghệ mới cho phép xóa bỏ khoảng cách giữa thành thị và nông thôn. Các loại hình dịch vụ, như dịch vụ viễn thông, hoặc các dịch vụ liên quan đến kỹ thuật số cần phải được phát triển. Ngoài ra, chúng ta cũng có thể xây dựng và đổi mới ngành công nghiệp ở các khu vực nông thôn này, như trường hợp công ty Andros nằm ở Biars-sur-Cère – tỉnh Lot.
Những vùng đất bị lãng quên này phải là những nơi thử nghiệm. Cần phải hiểu rằng các quy định áp dụng đại trà với tư tưởng quá thận trọng của Nhà nước chính là kẻ thù của khu vực nông thôn. Họ cần phải có nhiều loại vũ khí khác nhau, cần được phép mạo hiểm, nỗ lực và thử nghiệm.
Đối với khoảng 10 tỉnh liên tục sụt giảm lượng cư dân mỗi năm, tôi muốn áp dụng một biện pháp đặc biệt. Các tỉnh này đã phải chờ đợi quá lâu. Những người cao tuổi và nông dân mất dần hy vọng và cảm thấy bị bỏ rơi. Trong khi đây chính là linh hồn, là bản sắc của đất nước. Sự tụt dốc của họ khiến chúng ta không khỏi lo ngại. Về cơ sở hạ tầng giao thông, từ Guéret tới Foix, Gap, Aurillac rồi Mende, mỗi tỉnh cần phải có ít nhất một phương tiện vận chuyển nhanh, cho phép kết nối hiệu quả với thành phố và những địa phương có nhiều hoạt động phát triển. Các cơ sở hạ tầng cần thiết này phải được xây dựng trong vòng 5 năm tới. Trong lĩnh vực điện thoại di động và cáp sợi quang, nhà nước sẽ phải nhanh chóng lấy lại quyền kiểm soát nếu các nhà khai thác không tôn trọng cam kết. Về chăm sóc sức khỏe cộng đồng, cần nhanh chóng đẩy mạnh kế hoạch tổ chức các trạm y tế bên cạnh các bệnh viện hiện có và thu hút các chuyên gia y tế. Đối với ngành năng lượng, cần có một chính sách đặc biệt để thành lập các nhà máy khí sinh học và các nhà máy sản xuất điện bằng sức gió.
Đối với các dịch vụ công, cần đảm bảo hệ thống trường học phải được phủ rộng đến mọi nơi, đẩy mạnh việc xây dựng nhà ở và các dịch vụ công cộng, giống như những gì ngành bưu điện đã đạt được trong những năm gần đây. Cuối cùng, người nông dân phải được giúp đỡ để sản xuất và phát triển đất đai. Điều này đòi hỏi phải có một hệ thống chính sách về đất nông nghiệp, tài sản thừa kế và phòng chống thiên tai. Hơn bất cứ nơi nào trên đất nước, chính ở những khu vực này, chúng ta cần đấu tranh quyết liệt để bảo vệ người nông dân, vì sự sống còn của họ. Tôi muốn nhắc đến người “nông dân” nói chung chứ không chỉ người làm nông nghiệp. Đó là những người làm nên diện mạo và đất nước của chúng ta, gìn giữ đất đai của chúng ta. Một khi sự tuyệt vọng bao trùm khắp những vùng đất này, tinh thần tập thể sẽ bị suy yếu. Chúng ta phải mang lại cho người nông dân sự bình ổn và giá cả nông sản hợp lý, giúp họ an tâm trồng trọt và đầu tư bằng cách sắp xếp lại nhóm ngành.
Việc điều chỉnh các chính sách công cho phù hợp với thực tế địa phương là rất cần thiết với các vùng đô thị. Các chính sách này cũng nên áp dụng cho các lãnh thổ thuộc Pháp ở hải ngoại. Các vùng lãnh thổ này vô cùng đa dạng: về lịch sử, địa lý và thể chế, từ các vùng/tỉnh như Martinique, Guadeloupe, Guyane, Réunion và Mayotte, cho đến các lãnh thổ có vị trí đặc biệt như New Caledonia, các cộng đồng Saint Pierre và Miquelon, Saint-Barthélémy, Saint Martin, Wallis và Futuna và Polynesia thuộc Pháp. Các vùng lãnh thổ này có những đặc điểm chung như tỷ lệ thất nghiệp cao trên mức trung bình cả nước, đặc biệt là ở giới trẻ, chi phí sinh hoạt cao, trong khi mức lương lại thấp hơn mặt bằng chung của cả nước. Do đó, tỷ lệ nghèo đói cũng cao hơn, mức sống thấp hơn, cơ sở hạ tầng nghèo nàn mặc dù được đầu tư khá nhiều sau chiến tranh.
Bình đẳng không có nghĩa là áp dụng các quy định giống hệt nhau, trong khi các vùng lãnh thổ ở cách chính quốc từ 8 – 10.000 cây số; trong khi người dân sống trên các hòn đảo, thị trường nhỏ và hạn chế; trong khi xung quanh họ lại là những quốc gia có mức lương thấp, thậm chí rất thấp; trong khi họ sống rất xa khu vực đồng euro và các thể chế của nó. Tôi muốn những vùng đất này được tạo điều kiện để đổi mới, với những chính sách dành cho giới doanh nghiệp ở hải ngoại, với hệ thống xã hội và mức thuế cho phép tháo gỡ những khó khăn, với chính sách năng động và khuyến khích đầu tư tư nhân vào các lĩnh vực sáng tạo như đa dạng sinh học, công nghệ biển. Những vùng, lãnh thổ này không muốn nhận những khoản “bố thí” từ chính quốc. Họ muốn sự công bằng để có thể thành công, dù ở bất kỳ đâu dưới nền Cộng hòa.
Vì nước Pháp là một thể thống nhất, không thể chia cắt, nhưng đồng thời lại rất đa dạng, chúng ta phải chuyển từ tư duy đồng nhất và đồng đều sang phương thức cá thể hóa dựa trên tinh thần tự nguyện. Đó là chìa khóa để cùng nhau bảo vệ đất nước.
Tầm nhìn về sự đa dạng của các vùng lãnh thổ gợi cho tôi ý tưởng xây dựng một tổ chức chính trị và hành chính mới ở Pháp. Nhà nước phải được phân cấp, phân quyền, phát triển quan hệ đối tác mới với các vùng lãnh thổ, xây dựng các chính sách phù hợp. Ở những đơn vị vùng rộng lớn vừa mới được thiết lập của nước Pháp, cần phối hợp để kết nối chúng với các thành phố lớn. Cụ thể, tôi nghĩ rằng các thành phố lớn có thể tiếp tục mở rộng ra các tỉnh.
Thành phố không phải là yếu tố duy nhất làm nên sự phát triển của cả vùng. Do thành phố chỉ có quy mô hạn chế, nên có thể chuyển giao một số quyền cho các tỉnh. đối với những tỉnh nhỏ, có lẽ cần phải hợp nhất.
Nói chung, cần phải tạo ra sự gắn kết giữa các vùng lãnh thổ.
Về chủ đề này, cần bỏ qua những cuộc tranh cãi dai dẳng. Đồng ý hay không đồng ý với đơn vị tỉnh không phải là vấn đề. Nơi có các khu đô thị phát triển mạnh, nghĩa là có các thành phố lớn nhiều tiềm lực, tôi không nghĩ sự can thiệp của các thành phố lớn là cần thiết, ví dụ trường hợp Ile-de-France. Ngược lại, ở những khu vực chủ yếu là nông thôn, thành phố phải trở thành đầu tàu thực sự để phát triển khu vực.
Tôi đặc biệt tin rằng việc tổ chức lãnh thổ phải được hình thành trên cơ sở các đề xuất từ phía địa phương. Chúng ta hãy xem lại các sáng kiến hợp nhất hai tỉnh của vùng Alsace cũ gần đây, hoặc sáng kiến thành lập Hội đồng vùng Bretagne để tạo thành một đơn vị hành chính duy nhất. Hay có thể xem trường hợp tỉnh Rhône và thành phố Lyon. Các địa phương luôn có những sáng kiến hay, cho phép kết nối hài hòa các ranh giới thẩm quyền và giúp tiết kiệm hơn. Chúng ta phải học cách lắng nghe và cần phải lắng nghe họ.
Tôi biết rằng khi làm như vậy, tôi đang xâm phạm một số điều cấm kỵ. Nhưng đó là cách để làm giảm chi tiêu công. Không phải bằng chính sách cắt giảm chi tiêu được áp dụng đồng loạt mà là áp dụng một chính sách có lợi cho tất cả các địa phương của chúng ta.
Trong lĩnh vực này, cũng như trong nhiều lĩnh vực khác, tôi ủng hộ một nước Pháp với các nhân tố địa phương.
PARIS, PHÁP - 29/01/2016: Emmanuel Macron, khi còn là Bộ trưởng Bộ Kinh Tế, nói chuyện với các thành viên của hội khởi nghiệp Pháp.