T
rong thế giới mà mọi thứ đều phát triển nhanh chóng, người dân Pháp phải mạo hiểm nhiều hơn và phải tiến hành đổi mới. Đây là ý nghĩa của cuộc cách mạng trong giáo dục. Nhưng, sự thay đổi này cũng mang đến những nguy cơ bất bình đẳng mới. Một mặt, nhiều người Pháp được hưởng lợi từ chính sách mở cửa. Họ được đào tạo tốt, được sở hữu một nguồn vốn về kinh tế và văn hóa đáng kể. Nhưng đồng thời cũng có một bộ phận người Pháp nghèo và dễ bị tổn thương, số phận của họ gắn liền với tình hình kinh tế, họ là nạn nhân đầu tiên của sự cạnh tranh gay gắt và chuyển đổi công nghệ, việc làm bấp bênh và nạn thất nghiệp, vấn đề sức khỏe và sự sụt giảm các dịch vụ công.
Một số vệt đứt gãy có thể giải thích cho việc tại sao đất nước chúng ta vẫn kiên quyết thực hiện bình đẳng. Sự gắn bó này của chúng ta khác với một số xã hội phương Tây, đặc biệt là những nước nói tiếng Anh. Chúng ta không sẵn sàng hy sinh mọi thứ trong cuộc chạy đua tăng trưởng kinh tế hoặc chạy theo trào lưu của chủ nghĩa cá nhân. Chúng ta đang kiếm tìm một kiểu tự do cụ thể nào đó, đặc biệt là tự chủ dựa trên sự đoàn kết.
Tôi tin tưởng sâu sắc vào một xã hội có quyền lựa chọn, nghĩa là một xã hội được giải phóng khỏi mọi kìm hãm, thoát khỏi những phương thức tổ chức lỗi thời. Trong xã hội đó, mọi người đều có thể tự quyết định cuộc đời mình. Nhưng nếu không có tình đoàn kết, xã hội này sẽ rơi vào tình trạng lộn xộn, chia rẽ, bạo lực – nơi tự do lựa chọn cuộc sống sẽ chỉ dành cho những kẻ mạnh nhất chứ không dành cho những người mong manh nhất.
Do đó, chúng ta cần xây dựng các hình thức bảo hộ và các biện pháp an ninh mới. Tóm lại, những phương pháp để đối phó với những bất bình đẳng mới.
Giải pháp này xuất phát từ một quan sát đơn giản: sự đồng nhất – về quyền hạn, khả năng tiếp cận, quy định và trợ cấp,... – không còn thể hiện sự bình đẳng mà ngược lại. Ngày nay, điều quan trọng không phải là mang đến cho tất cả mọi người một chế độ như nhau, mà cần cung cấp cho mỗi cá nhân những gì họ mong muốn. Điều này không có nghĩa là xóa bỏ sự đoàn kết, mà chúng ta sẽ đổi mới nó. Khi ngày càng có nhiều con đường và nhiều hoàn cảnh khác nhau, điều cần phải làm là thoát khỏi những chính sách đồng nhất, nếu không, sự can thiệp của Nhà nước sẽ tạo ra những sự phân tầng hoặc thậm chí làm trầm trọng thêm bất bình đẳng, thay vì điều chỉnh nó.
Trước hết, cần có sự thay đổi cơ bản về vai trò của Nhà nước. Nhà nước phải trở thành một “nhà đầu tư xã hội” thực sự. Nhà nước đánh giá các cá nhân không dựa trên cơ sở họ là ai, mà phải xem họ có thể phát triển thế nào và mang lại gì cho cộng đồng.
Vì vậy, nhà nước không chỉ dừng ở việc mang lại một hệ thống đảm bảo an toàn - đó mới chỉ là biện pháp tối thiểu. Nhà nước phải cho phép mọi người, ở bất cứ cương vị nào, đều có thể thể hiện tài năng và nhân cách của mình. Điều này rất quan trọng đối với người nghèo, chúng ta không những thể hiện sự đoàn kết với họ thông qua việc giúp đỡ về tiền bạc, mà còn tạo điều kiện giúp họ có một vị trí thật sự trong xã hội. Điều này cũng đúng với những người là nạn nhân của sự phân biệt đối xử vì sắc tộc hay tôn giáo. Chúng ta không chỉ khẳng định quyền lợi của họ, chúng ta cần phải chiến đấu không mệt mỏi vì thực tế cuộc sống của họ.
Tiếp đó, cần có một phương thức tiến hành khác. Nhà nước nên ưu tiên hơn cho những can thiệp tận gốc, ít tốn kém và cũng hiệu quả hơn. Điều này đặc biệt quan trọng trong lĩnh vực y tế, nơi có chính sách can thiệp đầy tham vọng.
Cuối cùng, cần phát triển các quyền, đặc biệt là các quyền liên quan đến thất nghiệp hoặc hưu trí, để các chế độ bảo hộ đặc biệt không tạo nên rào cản và bất công.
Trên thực tế, một số người hầu như không nhận được bất cứ sự trợ giúp nào, bên cạnh đó, lại có những đối tượng được ưu đãi đặc biệt, điều này cũng không thể chấp nhận được. Tất cả các cá nhân đều phải được hưởng quyền lợi như nhau.
Đối với gần 9 triệu đồng bào đang sống dưới mức nghèo khổ của chúng ta, họ chỉ còn không tới 10 euro mỗi ngày để sống, sau khi đã chi trả các khoản chi phí sinh hoạt. Nghèo đói không còn là nguy cơ, mà là thực tế. Và đối với nhiều người Pháp phải sống trong tình trạng bấp bênh, đây là một mối lo hằng ngày.
Về câu hỏi này, tầng lớp chính trị được chia thành hai nhóm lớn, định hình từ trong lịch sử. Theo nhóm đầu tiên, được một số đảng cánh hữu ủng hộ, hầu hết các đối tượng có chế độ thu nhập tối thiểu sẽ được hỗ trợ. Với cách này, cuộc sống của những người nghèo thậm chí sẽ khó khăn hơn. Theo nhóm thứ hai, ủng hộ cánh tả, chỉ cần chi trả một chút trợ cấp, không cần phải thực sự quan tâm đến những đối tượng nào sẽ được thụ hưởng. Tôi phản đối cả hai biện pháp này, bởi vì một lần nữa, họ lại tạo nên một cuộc đối đầu trong lòng nước Pháp.
Ngoài ra, còn có một đề xuất khác, của cả cánh tả và cánh hữu, về “thu nhập phổ quát”. Đó là chi trả một mức thu nhập đảm bảo cho cuộc sống của từng cá nhân mà không có bất kỳ ràng buộc hay yêu cầu nào về nguồn lực. Tôi có thể thấy ý tưởng này hấp dẫn thế nào, nhưng tôi không đồng tình với nó. Trước hết, vì lý do tài chính. Một mặt, chúng ta phải lựa chọn, giữa một bên là thu nhập đại trà, thấp và hầu như không giải quyết được những vấn đề về nghèo đói, thậm chí còn làm tình hình bấp bênh hơn, với một bên là thu nhập cao, nhưng dựa trên gánh nặng thuế đè lên tầng lớp trung lưu.
Nhưng vẫn còn một lý do cơ bản. Tôi tin vào công việc, như một giá trị, như một yếu tố giải phóng, như một vector định hướng cho xã hội vận hành. Và, tôi tin rằng không có ai muốn tồn tại bên lề xã hội, không có triển vọng nào khác ngoài nguồn thu nhập nhỏ bé mà người ta ban cho.
Rõ ràng, tôi nghĩ rằng chúng ta cần đoàn kết, hỗ trợ và coi trọng những người gặp khó khăn.
Với tình đoàn kết, trước hết chúng ta phải cho phép người nghèo nhận được sự hỗ trợ mà họ có quyền hưởng. Một phần ba số người đủ điều kiện hưởng hỗ trợ cho người thu nhập thấp không sử dụng quyền này. Tại sao? Đối với một số người, đó là do họ không được thông tin đầy đủ. Đối với một số người khác, họ tự nguyện từ bỏ.
Để thể hiện sự coi trọng đối với người nghèo, chúng ta phải đón nhận và giúp họ tìm một công việc trong xã hội. Cơ hội tìm việc làm của mỗi người khác nhau, tùy vào năng lực cá nhân.
Thứ nhất, chúng ta phải nói không với những kẻ tham nhũng, đối tượng này tuy không nhiều, nhưng luôn tồn tại. Ngoài gánh nặng tài chính đè nặng lên toàn xã hội, chúng còn làm suy yếu tình đoàn kết, gắn bó giữa các thành viên trong xã hội, chúng nuôi dưỡng luồng tư tưởng phản đối chính sách “hỗ trợ”, khiến cho ngay cả những người nhận được trợ giúp hợp pháp cũng phải chịu sự hoài nghi. Gian lận xã hội, và tệ hơn là trốn thuế, gây ra những tổn thất lớn về tài chính, làm suy yếu lòng tin của nhiều người dân về hoạt động hành chính công. Tình hình đó chứng tỏ cần phải có một hành động mạnh mẽ.
Thứ hai, cần phải kèm cặp chặt chẽ và riêng biệt những người có khả năng gia nhập lại thị trường lao động. Một trong những điều kiện không thể thiếu là năng lực phát triển kinh tế cộng đồng và khả năng kết nối của các doanh nghiệp. Chính họ là mũi nhọn trong phong trào đổi mới xã hội ở địa phương. Năng lực này cần được phát huy. Một lần nữa, chúng ta có thể thấy, một dự án tái đào tạo quy mô lớn dựa trên việc cải tiến mô hình đào tạo thường xuyên sẽ tạo nên một nét cắt thực sự, đối lập với những điều chỉnh ngoài lề mà chúng ta đã liên tục thực hiện trong suốt 20 năm qua.
Vấn đề cuối cùng liên quan đến những người thất nghiệp trường kỳ và rất khó tìm được việc làm. Đôi khi họ có những khiếm khuyết, hạn chế, hoặc đã từng trải qua những giai đoạn cực kỳ khó khăn trong đời. Nhưng chúng ta phải có trách nhiệm với họ, không thể để họ bị rớt lại phía sau. Chúng ta phải cố gắng bằng mọi cách trao cho họ những hoạt động bổ ích cho bản thân họ và cần thiết cho cộng đồng, giúp họ có thể tái hòa nhập và tìm cho mình một vị trí, một phẩm giá. Đã quá lâu rồi chúng ta luôn cho rằng chỉ cần ủng hộ chút tiền cho những người gặp hoàn cảnh khó khăn là có thể giải quyết được mọi vấn đề. Nhưng không, chúng ta phải cho họ nhiều hơn thế.
Xây dựng chính sách chống đói nghèo phải có sự phối hợp với các đối tượng liên quan, điều này thể hiện sự tôn trọng và đảm bảo tính hiệu quả của chính sách.
Làm nhiều hơn cho những người thiệt thòi hơn cũng là câu trả lời cứng rắn của chúng ta đối với sự kỳ thị. Sự kỳ thị dựa trên những khác biệt về giới tính, nguồn gốc, khuynh hướng tình dục, quan điểm, khiếm khuyết hoặc tình trạng sức khỏe. Dù với hình thức nào đi nữa, mọi sự kỳ thị đều không thể chấp nhận được vì chúng đi ngược với bản chất của chúng ta. Hơn nữa, tất cả mọi hình thức phân biệt đối xử đều phải trả giá về mặt xã hội và kinh tế.
Đối tượng đầu tiên phải chịu đựng nạn phân biệt đối xử hằng ngày chiếm tới một nửa dân số nước Pháp: đó chính là phụ nữ. Ở nước Pháp ngày nay, cuộc sống thường ngày của nam giới và nữ giới hoàn toàn khác nhau. Điều này thể hiện rất rõ trong thị trường lao động. Phụ nữ thường ít có cơ hội làm việc hơn nam giới, bằng chứng là có đến 78% số việc làm bán thời gian do phụ nữ đảm nhiệm. Họ được trả lương ít hơn: Với một công việc tương đương về thời gian và tính chất, nữ giới sẽ được trả ít hơn nam giới 10%. Họ cũng có ít cơ hội thăng tiến hơn: Trong số 40 công ty hàng đầu của Pháp, chỉ có 3 người phụ nữ giữ vai trò giám đốc hoặc chủ tịch tập đoàn (37 công ty còn lại do nam giới lãnh đạo). Số phụ nữ lập doanh nghiệp cũng ít hơn nam giới: Chỉ có 30% doanh nghiệp mới thành lập do phụ nữ làm chủ. Tệ hơn nữa, những bất ổn luôn rình rập họ hằng ngày, với một ngàn lẻ một hoàn cảnh khác nhau, trên các phương tiện giao thông công cộng, ở nơi làm việc, trên đường phố,... Sự phân biệt đối xử này được thể hiện một cách ngấm ngầm nhưng rất nặng nề. Đây là chủ đề mà trong dự án “Bước tiến lớn” do các tình nguyện viên của phong trào Tiến bước! thực hiện vào mùa hè năm ngoái, những người phụ nữ được phỏng vấn đã chia sẻ với chúng tôi rất nhiều.
Khía cạnh thứ hai của sự phân biệt đối xử liên quan đến nguồn gốc. Trong một thời gian dài, chúng ta đã tin rằng việc chống lại nạn phân biệt chủng tộc sẽ cho phép đẩy lùi những bất công đang đè nặng lên những người không được sinh ra với “màu da chuẩn”, “tôn giáo chuẩn”, không sinh ra ở một nơi “đàng hoàng”. Phong trào chống phân biệt chủng tộc phát triển mạnh mẽ trong những năm 1980. Nó đã cho phép hình thành một ý thức quan trọng và được đón nhận trong xã hội Pháp, nơi mà người ta vốn cho rằng bất công chỉ liên quan đến giai cấp xã hội. Nhưng, phong trào đó cũng có những hạn chế. Nó đề cập quá nhiều đến vấn đề đạo đức và không đủ mạnh để ngăn chặn những căng thẳng đang ngày càng tăng trong cộng đồng. Đặc biệt, nó không giúp các cộng đồng thiểu số về sắc tộc hay tôn giáo cải thiện được gì trong cuộc sống hằng ngày, khiến họ không muốn hưởng ứng những phong trào này. Việc lên án, tố cáo những bất bình đẳng xã hội không thật sự hiệu quả. Do đó, chúng ta cần phải hành động.
Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc là một chủ nghĩa đáng bị lên án – nhưng sự phân biệt đối xử còn tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm hơn. Người ta có thể nổi dậy chống lại sự sỉ nhục, châm biếm. Nhưng phải làm gì khi những bức thư xin việc được gửi đi mà không bao giờ nhận được câu trả lời, hay phải chứng kiến cơ hội thăng tiến đến với tất cả mọi người ngoại trừ mình?
Những người trong cuộc cảm thấy bị tước đi mọi vũ khí tự bảo vệ bản thân, họ cảm thấy bất lực và cô độc, họ không thể làm được gì. Các nghiên cứu gần đây đã cho thấy một ứng cử viên xin việc là người Hồi giáo sẽ có ít cơ hội hơn bốn lần so với một người được cho là người Công giáo. Các chính phủ cần củng cố và hệ thống hóa các phương tiện kiểm tra, làm sao để các nhà tuyển dụng có hành vi phân biệt đối xử biết rằng sớm hay muộn họ sẽ bị phát giác và bị trừng phạt. Đây là vấn đề mà nền Cộng hòa của chúng ta cần phải dồn hết sức lực để giải quyết. Tôi tin rằng công việc này sẽ không hiệu quả nếu mỗi người trong chúng ta không cảm thấy trực tiếp có liên quan, kể cả những người chưa bao giờ phải chịu bất kỳ hành vi phân biệt đối xử nào.
Bên cạnh sự phân biệt đối xử đối với phụ nữ, các cộng đồng thiểu số về sắc tộc và tôn giáo, hoặc người khuyết tật, còn tồn tại nhiều hình thức phân biệt đối xử khác nữa. Pháp luật đã liệt kê một danh sách hơn 20 loại phân biệt đối xử khác nhau. Để có thể đối mặt với các hành vi này, chúng ta phải hoàn thiện hệ thống pháp luật và thực thi các văn bản pháp quy. Luật pháp sẽ có vai trò đắc lực trong việc đẩy lùi nạn phân biệt đối xử. Trên thực tế, nhờ tác động của hệ thống pháp luật mà số lượng phụ nữ đảm nhận các vị trí trong các hội đồng điều hành và giám sát của 40 công ty hàng đầu của nước Pháp đã tăng gấp ba lần trong khoảng thời gian từ năm 2009 đến 2015.
Tuy nhiên, nếu chỉ riêng luật pháp thì sẽ không đủ. Song song với luật pháp, chúng ta phải phát triển các biện pháp tự nguyện. Tôi muốn tiến hành thử nghiệm các biện pháp một cách có hệ thống. Cụ thể, chúng ta sẽ tiến hành thử nghiệm bằng cách gửi hàng trăm bộ hồ sơ xin việc, giống hệt nhau – về giới tính, nguồn gốc hoặc tôn giáo - để xem liệu có ai nhận được ít phản hồi hơn những người khác mà không có lý do chính đáng không. Phương pháp này sẽ có hiệu quả cao.
Hãy làm nhiều hơn cho những người ít có điều kiện hơn! Bảo vệ được những người gặp khó khăn, đó cũng là cách để ngăn ngừa nạn phân biệt đối xử. Nhưng chính trong quá trình trợ giúp người khó khăn này cũng tồn tại những bất công.
Chúng ta thường tự hào vì có một hệ thống chăm sóc sức khỏe tốt nhất trên thế giới. Tuy nhiên, thực tế lại không hẳn như vậy. Dù chúng ta có các nhà nghiên cứu, các bệnh viện, các chuyên gia y tế hàng đầu thế giới, nhưng việc chăm sóc sức khỏe cho người dân Pháp lại chưa tốt như người ta vẫn tưởng, nhất là còn tồn tại nhiều hiện tượng bất công.
Chúng ta không biết rằng nước Pháp có tỷ lệ mắc các căn bệnh cần phòng ngừa như bệnh ung thư, xơ gan,... tương đối cao. Nạn nhân đầu tiên của những căn bệnh này là người nghèo. Hai trong số hàng nghìn ví dụ là: trẻ em con các gia đình nông dân có tỷ lệ sâu răng cao hơn 50% so với con cái viên chức, tỷ lệ béo phì ở trẻ em con các gia đình công nhân cao hơn gấp ba lần so với con cái viên chức.
Trước vấn đề này, tôi không nghĩ rằng nên giải quyết bằng cách đưa bệnh viện với các phòng khám tư ra hai chiến tuyến đối lập nhau. Ngược lại, bất cứ lúc nào có thể, cần tạo điều kiện để hai phía hỗ trợ và hợp tác với nhau. Tôi cũng không nghĩ là sức khỏe chỉ là vấn đề liên quan đến hàng tỷ euro hay thâm hụt ngân sách an sinh xã hội. Cũng không nên tranh luận xem liệu có nên tăng chi phí khám bệnh thêm 2 hay 3 euro hay không. Vì, khi làm như vậy, chúng ta đang vô tình bỏ quên những vấn đề thực sự quan trọng.
Mấu chốt cơ bản là phải tổ chức thế nào để khâu phòng bệnh trở thành trọng điểm trong chính sách y tế của chúng ta, hay sử dụng các biện pháp và phương tiện gì để giúp người cao tuổi mạnh khỏe và có thể sống độc lập trong thời gian lâu nhất có thể. Hay làm thế nào để ngăn ngừa tình trạng 73.000 công dân chết mỗi năm vì thuốc lá và 50.000 người khác chết vì rượu.
Trong lĩnh vực y tế cũng vậy, chúng ta cần một cuộc cách mạng. Cuộc cách mạng này sẽ ưu tiên cho công tác phòng bệnh. Cụ thể là các công tác hành chính phải được giao cho một nhóm chuyên trách thay vì buộc các bác sĩ phải kiêm nhiệm. Cần tạo ra các ngành nghề mới để hỗ trợ cho bác sĩ. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc cần cải tiến cơ chế tài chính. Phí khám chữa bệnh sẽ không chỉ là khoản thù lao trả cho các bác sĩ đa khoa nữa. Những loại hình khám chữa bệnh mới sẽ được thiết lập, thậm chí có thể mở các gói khám chữa bệnh cho những đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt như người già và trẻ em, cho phép bác sĩ có quyền tự do quyết định có tham gia cơ chế khám chữa bệnh này hay không.
Sau đó, tôi sẽ duy trì mức độ liên đới chặt chẽ của các bên trong việc cấp nguồn vốn cho ngành y tế. Việc này phải được tiến hành một cách sáng suốt. Chúng ta sẽ không tiếp tục điều chỉnh giá chút ít mỗi năm chỉ để tuân thủ theo đúng quy định, đó là cách mà hệ thống chăm sóc sức khỏe của chúng ta đang làm hiện nay! Cần phải nghĩ đến kế hoạch cải cách dài hơi hơn. Như vậy mới có thể thực sự thay đổi hệ thống chăm sóc y tế của chúng ta về lâu về dài!
Đây là điều kiện tiên quyết để tiến hành tổ chức lại bệnh viện công. Từ nhiều năm nay, bệnh viện công đang phải trải qua một cuộc khủng hoảng về phương tiện, hiệu suất và chức năng, chúng ta không thể ngoảnh mặt làm ngơ nữa.
Chúng ta phải xóa bỏ sự phân định giữa những người làm chuyên môn và những người làm công tác tổ chức. Việc thay đổi hệ thống y tế của chúng ta không thể chỉ do Trung ương đảm đương và quyết định hết. Một lần nữa, tôi tin rằng cần phải trao quyền tự chủ nhiều hơn cho các đơn vị y tế địa phương, đặc biệt là các đơn vị cấp tỉnh. Họ là những cơ sở nắm vững nhất nhu cầu và đặc điểm của người dân địa phương. Đây là những gì tôi đã thấy ở Chamonix, nơi một trạm y tế được thành lập nhằm giúp các bác sĩ phối hợp với nhau để làm việc tốt hơn, để đầu tư vào cơ sở hạ tầng và đề xuất các sáng kiến như khám chữa bệnh từ xa. Hoặc một bệnh viện ở Sallanches đã ký kết thỏa thuận với các bác sĩ tư để duy trì hoạt động của một trạm y tế quá nhỏ. Họ đã tạo điều kiện cho người bệnh được nhanh chóng xuất viện để giảm chi phí và nâng cao chất lượng chăm sóc y tế. Các cải cách không thể áp đặt từ Trung ương xuống, nó phải dựa vào các cơ sở tuyến dưới.
Cuối cùng, tình trạng thất nghiệp và chế độ hưu trí cũng tồn tại những bất bình đẳng.
Chế độ lương hưu và bảo hiểm thất nghiệp của chúng ta tượng trưng cho hệ thống được xây dựng cho một thế giới mà người lao động – với tư cách là con người – gắn bó cả sự nghiệp với một công ty duy nhất. Họ đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm sức khỏe mà không phải lo lắng về chuyện thất nghiệp, không bị ám ảnh bởi những mối bất an và sự cạnh tranh từ bên ngoài.
Hệ thống bảo hiểm xã hội của chúng đã được sửa đổi khá nhiều trong những thập niên gần đây, chỉ riêng năm 2003, chúng ta đã tiến hành bốn cuộc cải cách về lương hưu. Ngoài ra, hệ thống này chủ yếu có lợi cho nhân viên của các công ty lớn đang hoạt động tốt, có hợp đồng ổn định, làm việc liên tục ở một công ty từ khi bắt đầu đi làm cho đến lúc nghỉ hưu. Nhưng hiện nay số người lao động được hưởng chế độ lương hưu ngày càng giảm đi.
Liệu chúng ta sẽ tiếp tục sửa đổi kiểu chắp vá và thảo luận bao nhiêu lần nữa mới nhận ra rằng chế độ bảo hiểm chủ yếu dựa trên công việc ổn định này không còn phù hợp với một xã hội phải đối mặt với nạn thất nghiệp hàng loạt kéo dài trong hơn ba thập kỷ qua? Tốt nhất không nên tranh luận quá nhiều về việc cho nghỉ hưu ở tuổi 65 hay tiếp tục để chế độ nghỉ hưu khi 62 tuổi, hay phải tích lũy được bao nhiêu thời gian lao động mới được lãnh lương hưu, dù biết rằng không thể né tránh những vấn đề này trước sự phát triển dân số khi cân nhắc về sự công bằng giữa các thế hệ và nguồn lực tài chính dành cho hệ thống lương hưu của đất nước ta. Vấn đề không phải là tìm cách phân biệt giữa người làm công ăn lương và người lao động tự do để xác định xem ai được đóng bảo hiểm thất nghiệp, ai không. Những câu hỏi đặt ra cho chúng ta ngày nay còn quan trọng hơn nhiều. Làm thế nào để các giải pháp của chúng ta có hiệu quả và không một ai phải sống ngoài lề xã hội? Làm thế nào có thể đảm bảo rằng mỗi người đều tìm thấy chỗ đứng của mình trong một xã hội đã thay đổi quá nhiều so với ngày hôm qua?
Trong khi thị trường lao động đang phân mảnh rõ nét với nhiều hoàn cảnh, công việc, loại hợp đồng khác nhau và sự nghiệp của mỗi người lại ít ổn định hơn, thì xã hội của chúng ta vẫn không thể đẩy lùi bất bình đẳng, thậm chí còn làm cho tình hình căng thẳng hơn.
Chúng ta sẽ giải quyết vấn đề lương hưu như thế nào khi người lao động chuyển từ quỹ tài chính này sang quỹ tài chính khác, từ cơ chế này sang cơ chế khác? Ví dụ, đầu tiên họ làm trong cơ quan nhà nước, rồi chuyển sang khu vực tư nhân, sau đó lại làm việc tự do? Làm thế nào để giải thích cho một người nông dân đã làm việc cả đời rằng ông ta sẽ nhận được đồng lương hưu khiêm tốn từ bảo hiểm xã hội nông nghiệp, trong khi vợ ông, người đã giúp ông mỗi ngày, lại không nhận được gì? Ai cũng biết cơn ác mộng khi phải “tính toán phúc lợi” cho những chặng đường sự nghiệp bị cắt nhỏ và những bất công nảy sinh khi mà trong cùng một nghề như nhau, nhưng tùy theo cấp bậc mà phúc lợi lại khác nhau rất nhiều. Vậy thì làm sao những người làm việc bằng hợp đồng tạm thời và không được hưởng phúc lợi của các doanh nghiệp lớn có cơ hội chuyển nghề?
Do đó, nguyên tắc xây dựng lại quỹ bảo hiểm xã hội phải rất rõ ràng: Bảo hiểm xã hội của chúng ta phải được xây dựng lại dựa trên cá nhân và vì mỗi cá nhân, với triển vọng phổ cập hóa, minh bạch và bình đẳng. Sẽ không còn chế độ người lao động được bảo vệ theo địa vị, thành phần xã hội của mình. Mỗi người chúng ta, dù trong hoàn cảnh nào, cũng đều phải được bảo vệ một cách công bằng, như trường hợp bảo hiểm y tế.
Tôi vừa nói về sự cần thiết phải khuyến khích và bảo vệ quá trình chuyển đổi nghề nghiệp. Bây giờ, tôi muốn nhấn mạnh mô hình kiến trúc mới của hệ thống bảo hiểm xã hội liên quan đến chuyển đổi công việc.
Để khuyến khích quá trình chuyển đổi nghề, hệ thống lương hưu phải đơn giản và dễ hiểu hơn. Thật không bình thường khi người lao động phải rất vất vả mới biết được lương hưu của mình và mức lương lại chênh lệch rất lớn tùy theo địa vị. Trong vòng vài năm tới, các chế độ lương khác nhau phải thu hẹp dần khoảng cách để xây dựng một chế độ hưu trí chung cho tất cả mọi người. Lương hưu sẽ không phụ thuộc vào việc người lao động là người làm công ăn lương, lao động tự do hay công chức, mà phụ thuộc vào thực tế công việc của họ. Từ đó sẽ tính toán thời gian đóng bảo hiểm xã hội thay vì áp dụng cơ chế đồng loạt. Cách tính toán này sẽ rõ ràng và chính xác hơn cho tất cả mọi người.
Ngày nay, để đối mặt với nguy cơ thất nghiệp ngày càng lan rộng, hệ thống an sinh xã hội của chúng ta lại dựa trên một cơ chế bảo hiểm theo diện hẹp, nghĩa là chỉ có người lao động làm công ăn lương mới được bảo hiểm. Chúng ta thấy điều này là không hợp lý. Tôi xin nhấn mạnh lại, cần phải phổ cập hóa và cải cách hệ thống theo chiều sâu. Chúng ta cần một hệ thống an sinh xã hội đoàn kết, trong đó tất cả mọi người đều có trách nhiệm đóng góp và đều có quyền hưởng phúc lợi. Hệ thống này không chỉ hướng tới người làm công ăn lương bị sa thải hay nghỉ việc, mà cả những người làm nghề tự do. Về mặt tài chính, người lao động sẽ phải trả thuế chứ không phải đóng góp bảo hiểm xã hội. Khi đó, việc trợ cấp sẽ không còn dựa vào chính sách bảo hiểm nữa mà dựa vào tính liên đới. Vì thế, mức bồi thường cao nhất hiện là gần 7.000 euro, cao gấp ba lần so với mức trung bình của EU, sẽ được giảm xuống. Hiệu quả về mặt quản lý cũng rất lớn. Sẽ không còn cảnh bảo hiểm xã hội chỉ dành cho nhóm người này hay nhóm người kia, vì nó sẽ dần dần dựa vào thuế thay vì dựa vào các khoản đóng góp như hiện nay. Nhà nước sẽ phải đảm nhiệm vai trò đưa ra các quyết định mang tính chiến lược mà bấy lâu nay được giao cho các đối tác xã hội. Hiện nay, chỉ có các tổ chức đại diện cho người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận với nhau về tất cả các điều kiện bồi thường thất nghiệp như số tiền, thời hạn, nghĩa vụ,... Trong khi Nhà nước là cơ quan chịu trách nhiệm về các khoản nợ của bảo hiểm thất nghiệp nhưng lại không thực sự có quyền quyết định cách thức tổ chức. Vì vậy, tôi nghĩ rằng Nhà nước không thể cứ mãi là người bảo lãnh thầm lặng của một hệ thống lỗi thời đang gây cản trở, hay người bình luận cho những thỏa hiệp... không bao giờ được thực hiện! Nhà nước phải có trách nhiệm đưa ra các quyết định.
Tóm lại, theo tôi, Nhà nước không nên quá chú trọng vào những vấn đề liên quan đến quản lý, mà cần trao quyền nhiều hơn nữa cho các đối tác xã hội như giới làm chủ, công đoàn trong những vấn đề liên quan đến đàm phán xã hội, điều tiết hoạt động công ty và hỗ trợ người lao động. Đó sẽ là một cuộc chiến khó khăn, vì nó làm cho những người sống nhờ hệ thống này không hài lòng. Tuy nhiên, nó sẽ giải phóng tất cả những người đang bị mắc kẹt trong đó. Vì vậy, đừng chần chừ gì nữa, đây sẽ là một trong những dự án quan trọng nhất mà chúng ta phải thực hiện.
Cần lưu ý là cuộc cải cách hệ thống hưu trí này không mang tính áp đặt. Về nguyên tắc, không có lý do gì để chấm dứt sự tham gia của các đối tác xã hội trong quản lý hệ thống. Chúng ta chỉ cần đổi mới mối tương quan giữa các bên tham gia. Ví dụ, trong lĩnh vực y tế, việc điều hành đã đủ cân bằng và đạt yêu cầu.
Trong những năm và thập niên tới, vấn đề cuộc sống phụ thuộc của người cao tuổi sẽ ngày càng nghiêm trọng. Trước hết là vì dân số Pháp nói chung tiếp tục già đi: Ước tính đến năm 2050, 1/3 người Pháp sẽ tròn 60 tuổi, trong khi cách đây 10 năm, tỷ lệ này là 1/5. Lý do thứ hai là thế hệ đầu tiên sinh ra trong giai đoạn bùng nổ dân số(8) sẽ bước vào tuổi 80 trong năm 2025. Tuổi thọ tăng cao là một điều tuyệt vời, nhưng để tiến bộ này thực sự có ý nghĩa, vấn đề đặt ra ”không phải là sống thêm được bao nhiêu năm, mà trước hết phải làm cho những năm tháng ấy đáng sống”. Nói cách khác, cần phải tạo điều kiện cho người già sống một cách trọn vẹn, tiếp tục xây dựng các mối quan hệ với mọi người, tiếp tục hoạt động như mong muốn, đi lại khi họ muốn, sống độc lập khi còn có thể, phát huy vai trò trong xã hội. Như vậy, thách thức đặt ra là làm thế nào để các bậc cao niên sống lâu nhất có thể, trong một tình trạng sức khỏe tốt và duy trì được cuộc sống độc lập, không lệ thuộc.
(8) Thời kỳ bùng nổ dân số Pháp diễn ra sau Thế chiến thứ hai, trong giai đoạn từ 1946 đến 1964.
Bên cạnh những thỏa thuận về mục tiêu, chúng ta sẽ phải xem xét lại hệ thống an sinh xã hội để đối mặt với tình huống thâm hụt quỹ bảo hiểm hưu trí vào năm 2050. Vấn đề này liên quan tới toàn thể xã hội, trong đó có người cao tuổi, hàng triệu gia đình và hàng triệu nhân viên làm công tác chăm sóc. Thách thức đặt ra là phải đáp ứng được tình hình mới, không chỉ liên quan đến vấn đề hưu trí hay y tế, mà đang và sẽ liên quan trực tiếp đến tất cả chúng ta, không có ngoại lệ.